VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1993


14/2
Có vẻ như đời sống văn học không có gì để nói, cứ mờ mờ xam xám như thế nào đó. Như là ông Vũ Tú Nam, ông Chính Hữu mà mình quen biết hơn hai chục năm nay, gặp các ông mình chào lơ phơ rồi thôi.
Ở Sài Gòn, có lần nói với ông Khải qua điện thoại. Ông Khải tỏ ý tiếc là đáng lẽ nên cho Hoàng Cầm giải thưởng thơ. Tiếc là trong Ban chấp hành không có người giỏi thơ, ông Chính Hữu, ông Thỉnh đi vào quản lý... nên không cho Hoàng Cầm giải thưởng.
Tôi trả lời: Như tôi có phải là nhà thơ đâu, mà tôi cũng biết thơ.Theo tôi, không phải là các anh không biết thơ mà là các anh không biết văn học - nói thế cho xong.
Nhưng thôi, tiếc giải làm gì. Các anh cho giải đúng đâm ra tôi lại phải tin tưởng ở các anh. Cứ cho sai hẳn đi, có khi lại tiện, lại dễ xử.
Thời của những người đắc ý. Mình cảm nhận điều đó qua ba trường hợp. Một là Huệ Chi, chuyên môn cung cấp các loại bài về các bậc thày cô điển, dạy mọi người lại phải nghiêm túc,  Huệ Chi kể rằng vừa nói chuyện ở buổi họp về Viện Viễn đông bác cổ, người ta vỗ tay 20phút (Sử thắc mắc, làm gì đến 20 phút, có 2 phút thì có, 2 phút cũng đã dài).
Hai là Nguyễn Đăng Mạnh. Nguyễn Đăng Mạnh khoe là ở Sài Gòn viết quyển sách trong 5 ngày, được 1,6 triệu (viết 140 trang, do tay đầu nậu đặt) nói chung là ở Sài Gòn có thể viết một tháng dưới 5 triệu. Mình bây giờ xem đâu khá tiền mới viết. Như về Nguyễn Tuân, mình bảo bọn nó in sách, là nó in ngay -- vẫn lời Mạnh.
Mình nói với Ân. Giá kể trước đây, thấy ai đắc ý vậy, ông Mạnh khinh bỉ lắm.
Sử kể, bọn giáo viên các trường coi Mạnh như thần như thánh.
Tôi phải kể Sử nghe là khi in quyển Con gái thuỷ thần, Nguyễn Huy Thiệp có nhờ Nguyễn Đăng Mạnh viết lời giới thiệu. Nhưng sau, bản thân Nguyễn Huy Thiệp thấy nên bỏ bài ấy đi, với lý do: viết thế cho họ học, chứ đưa vào sách sao được.
Người thứ ba rất đắc ý là Vũ Quần Phương. Trước Phương thường hậm hụi, thấy mình thiệt thòi,  tiếc rằng đã ngả sang nghề văn, giá làm bác sĩ thì hơn, Phương nghĩ vậy, và Phương ghen tị với mấy đồng nghiệp ở Bộ Y tế.
Nhưng Phương nghĩ ở ta bác sĩ có thể kiếm tiền, để ăn, nhưng thành bác sĩ lớn (= nhà văn hoá) rất khó, lấy đâu ra tiền làm thí nghiệm.
Còn làm thơ như Phương bây giờ lại quá nổi, thành nhà văn xã hội, thành nghệ sĩ, sắp tới lại được Pháp mời qua nghiên cứu về văn hoá Pháp nữa, thực là cực kỳ sung sướng.
Nhìn qua tập Tác gia văn nghệ Việt Nam phần hiện đại , thế kỷ XX 90 người, thấy buồn, vì không những bọn Thanh Hải, Giang Nam mà  mấy người lứa mình ông L bà M cũng thành tác giả lớn cả. L. thì một kẻ nói leo, không có mặt. M đầy tham vọng, giả dối, hãnh tiến, lại được cái tiếng là “người diễn tả thế giới nội tâm không xác thực” thật kỳ hết chỗ nói.
Riêng mình càng thấy  xa lạ với cảm giác tự mãn của Nguyễn Đăng Mạnh. Cuộc đời còn bao sự giả dối, có thể là anh chưa viết ra được, nhưng nếu không nhìn ra, không căm giận, không đau đáu một nỗi uất hận, là viết ra, thì còn gì buồn hơn nữa.
1-5
Không khí hưởng lợi y như thời tiết năm nay, năm có hai tháng ba, mùa xuân dềnh dang kéo dài, vẫn là xuân mà xuân khốn xuân khổ, không ra đông không ra hè, lúc nào cũng có thể mưa mà cũng có thể nắng, mây trời thì âm u, mà con người thì ngột ngạt khó chịu. Có thể là thứ xuân này không hợp với người khoẻ, nhưng lại hợp với sâu bệnh.
29-5
Một vài tháng vừa qua là thời gian học nghị quyết của Đảng, và báo chí lại là nơi để bọn cơ hội lợi dụng. Sài Gòn muốn tỏ ra vững vàng, những phần tử “tinh hoa” của Hà Nội vào Sài Gòn từ gần 20 năm nay đang muốn dạy Hà Nội thế nào là lập trường tư tưởng. Các bài đã đăng trên Sài Gòn giải phóng là thuộc về Nguyễn Khải, Trần Trọng Đăng Đàn, Vũ Hạnh. Những bài phát biểu của họ trong hội nghị được công bố. Khi đến Hà Nội -- ở đây là báo Văn nghệ của Hà Nội - những bài báo ấy được đăng lại đầy đủ chỉ trừ có một trường hợp. Trong bài của Trần Trọng Đăng Đàn có một đoạn gay gắt, chửi bới cuón Lý luận và văn học của Lê Ngọc Trà, coi nó là quái thai. Nhân lên án Lê Ngọc Trà, Trần Trọng Đăng Đàn đồng thời chửi bới những người đã tặng Trà giải thưởng. Điều đáng buồn là mặc dù bị chửi bới cuốn sách mà mình vừa cho giải thưởng như vậy, nhưng Ban chấp hành Hội Nhà văn vẫn cho đăng bài báo của Trần Trọng Đăng Đàn lên tờ Văn nghệ,  chỉ trừ có đoạn Trần Trọng Đăng Đàn trực tiếp chửi Hội thị bị báo bỏ. Bọn mình nghĩ rằng đây lại một điểm, chứng tỏ Ban chấp hành nói chung, và ông Vũ Tú Nam nói riêng, đã hiện ra thực chất như thế nào.



14/6
Sắp có một đoàn nhà văn Việt Nam đi Mỹ, do Hữu Thỉnh dẫn đầu, không rõ là đi mời đích danh ra sao, mà có Lê Minh Khuê và Nguyễn Quang Thiều.
23/7
Từ giữa tháng 6, có vụ phê phán cuốn Nổi loạn của Đào Hiếu. Cũng lại bắt đầu từ Sài Gòn. Công nhân nhà in “phát hiện”, đình lại, rồi lại cho phát hành. Lôi ra chuyện giấy phép. Từ Nỗi oan chữa thành Nổi loạn. Lôi ra chuyện tình dục, Lôi ra chuyện chính trị. Ông Hà Đăng ở trên ban Văn hoá bảo là ông ta phẫn uất khi đọc sách này.
Báo chí giờ đây, như bọn tác ta, nó đã đánh ai thì người đó hết chạy, vậy mà ông Nguyễn Kiên lại còn cãi, nên nó càng đánh tợn. Ông Kiên vẫn một lối suy nghĩ rất cứng, tin rằng mình không có bụng dạ nào, mình đi cách mạng từ 12 tuổi đến giờ, mình không làm bậy (ông nhớ tới Nguyên Hồng mà Tô Hoài tả trong Cát bụi chân ai). Nhưng cuối cùng, ông cũng thấy phen này khó lòng mà cứu nổi thật. Cuối cùng ông giận nhất, là chính các cơ quan Đảng đứng sau chuyện này, Ban văn hoá tư tưởng bật đèn xanh cho các báo đánh thế  mới phiền. Và ông Kiên bảo: Do nhu cầu chính trị thôi. Chưa bỏ cấm vận, nhưng phương Tây nó vào ầm ầm thế, các ông ấy quyết phải an trong thì mới thông được mọi chuyện bên ngoài.
- Quyển Cát bụi chân ai được hai nhà xuất bản của người Việt ở Mỹ in lại.
- Quyển Chuyện ba người của Tô Hoài, cũng được đám Việt kiều gạ mua từ trong bản thảo.
19/11
Đời sống văn học, không được ghi vào đây – thật ra là mình không muốn ghi gì nữa - lý do là một sự chán - bản thân mình không có xúc động gì trước giải thưởng cũng như những sự báng bổ giải thưởng. Rồi cả sự tham lam của ông quan chức này, sự thờ ơ của ông kia, mình đều thấy là vô nghĩa.
20/12
 Hết một năm rồi - Viết bài cho Thể thao văn hoá : Văn học 93 có gì mới cũng chỉ xoay vào cái ý: văn học đang dân chủ hoá. Không phụ thuộc vào ý muốn của mọi người, nó là vậy. Dân chủ hoá  bao gồm cả mặt xấu đám đông bùng nhùng mà rất lắm vẻ, đám đông nói (và viết) những điều hết sức vô nghĩa.
Nguyễn Quân bảo: Cái chết của hội hoạ là không có thị trường nội địa. Dân ta không có quan hệ gì tới mỹ thuật, nhà chúng ta không treo tranh, học sinh ta không học gì về mỹ thuật cả.
Mình bảo : Cái chết của văn học thì ngược lại, là chỉ có thị trường nội địa, mà không sao quan hệ được với nước ngoài.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم