Một số khía cạnh
văn minh vật chất người Việt
trong cái nhìn của các nhà trí thức đầu thế kỷ XX
Đường xá luộm thuộm nhếch nhác
văn minh vật chất người Việt
trong cái nhìn của các nhà trí thức đầu thế kỷ XX
Đường xá luộm thuộm nhếch nhác
Nói
riêng về một sự ở... Ngay trong kinh thành, con đường lục bộ cho đến đường các
nha thự, chợ quán, tường hào, vườn hoa và các bến sông, chỗ nào cũng có uế khí,
thậm chí có kẻ trước mặt công chúng mà đi tiểu đại. Các cầu dọc theo sông,
không luận ngày đêm đàn ông đàn bà, cứ ra nơi ấy mà phóng uế, quen lấy làm
thường... Ở phương Tây, phàm những người nào bỏ rác làm nhơ đường đều bị phạt
cả vì việc ấy bất nhã mà có mối hại chung. Ta cũng là người như họ, lại không
biết xấu hổ sao?
Đến như
gạch vỡ, ngói hư, cây nhành khô lá rụng, rác và tro than các nhà loại ra, người
nước khác đều thu nhặt làm đồ vật hữu dụng. Mà người mình thì vứt ra cùng
đường, ném xuống ao vũng, hoặc đổ ra ngoài hào quanh thành, chất đầy cả bến
sông.
Dinh thự
các quan, tường vách xiêu đổ. Ngoài đường thì bùn lầy, vườn tược thì rác bẩn,
trước sân thì cỏ mọc. Ngoài hào thì nơi lồi nơi hủng, các nhà trong thành hai
bên đường gần nhà chỉ theo giới hạn mà quét dọn. Những đường bên vách tường đó,
mùi hơi hôi thối, người đi qua phải che mũi đi mau. Như thế thì lòng tu ố (1) ở
đâu? Sao gọi là nước biết giữ lễ nghĩa?
(1) ghét điều xấu ở kẻ khác
Nguyễn Trường Tộ
Về việc cải cách
phong tục, 1871
Nhà cửa buông tuồng bừa bãi
Nhà nào ở ta cũng chỉ những gỗ ngổn ngang,
trên không có thừa trần (1), dưới ít khi lát gạch, chung quanh tường kín bốn
bề, ít cửa thông hơi thật không hợp cách vệ sinh.
Trong nhà không mấy nhà phân biệt phòng nào
là phòng ăn, phòng nào là phòng ngủ chỗ nào là chỗ làm việc, chỗ nào là chỗ
ngồi chơi. Nhà nào cũng chỉ thấy bày la liệt những ghế những bàn những giường
những phản, có khi ăn ở đấy ngủ ở đấy, làm việc ngồi chơi cũng ở đấy.
Đường mỹ thuật làm cửa làm nhà của ta còn kém
mà tính người lại cẩu thả nhiều, quý hồ thế nào cho dung thân được thì thôi chớ
không quản gì đến hoa mỹ. Các nơi nhà quê nhiều nhà nào trổ nào chạm, chẳng qua
chỉ cho nhện dễ chăng võng; kê lắm giường lắm phản chẳng qua chỉ để cho mối
xông đất. Mái tụp hụp như chuồng ngựa, buồng kín mít như buồng tằm. Chẳng qua
chỉ để cho chuột bọ rúc rích ra vào, gớm ghê bẩn thỉu như thế thì sao cho sạch
sẽ được!
(1) tức cái trần nhà. Chữ trần đây vốn nghĩa là
bụi, thừa trần là chịu bụi, ngăn bụi.
Phan
Kế Bính
Việt Nam phong tục, 1915
Loanh quanh chỉ những ăn uống
Tục ta trọng việc sự thần (1) lại trọng việc ăn
uống, động một tí thì nào bò bào lợn, nào xôi nào thịt, nay tế bái thì mai lại giỗ hậu (2), nay việc
công thì mai lại việc tư, quanh năm chỉ những ăn uống. Nhân việc ăn uống mới
lại sinh ra nào khao nào vọng, nào lình nào lão, hết thứ tiền này đến thứ tiền
khác, kể một đời người biết bao nhiêu sự đóng góp với làng. Mà có ra gì đâu,
chỉ đến đóng vai theo chân ra ngồi chiếu
trên chiếu dưới, phần nhiều phần ít là cùng. Ai lên đến hàng chức sắc, hàng
tiên chỉ vắt vẻo ngồi trên, một mình một chiếu, là vinh hạnh tuyệt phẩm rồi.
Mục đích chỉ trọng về nắm xôi miếng thịt và lấy hãnh diện với đàn con em mà
thôi, chứ không có ý tứ cao kỳ gì hết.
(1) thờ thần
(2) giỗ hậu : các đám giỗ dành cho người chết mà không có con cái nhưng lúc sống có ruộng đất cúng cho chùa.
(2) giỗ hậu : các đám giỗ dành cho người chết mà không có con cái nhưng lúc sống có ruộng đất cúng cho chùa.
Phan Kế Bính
Việt nam phong tục 1915
Đẹp mà rỗng tuếch, cái sặc sỡ làm tôn lên cái nhạt nhẽo
Trong sự
bày biện của chúng ta thiếu hẳn sự hợp lý. Sự thiếu hợp lý này có đôi khi mang
lại tính chất muôn màu muôn vẻ mà ở những nước hiện đại không thể có -- họ mắc
chứng rập khuôn hàng loạt.
Thế nhưng
rút lại thì ở ta cái ấn tượng chung vẫn là một bức toàn cảnh tầm thường. Con
người trì trệ, quần áo đồ đạc cũ kỹ và đáng sợ hơn cả là người ta luôn luôn gặp
những khung cảnh đẹp mà bên trong rỗng tuếch, những trang trí sặc sỡ tham gia
vào một vở kịch nhạt nhẽo, cái nọ triệt tiêu cái kia, do đó mà chỉ có những vai
phụ ra múa may để làm ra vẻ đang đóng những vai chính.
Nguyễn Văn Vĩnh
Đời
sống và khung cảnh An Nam ,
L.Annam nouveau, 1934