Cái khái niệm "một cuộc sống khác" là do tôi mượn ở A.Moravia, hình như đấy là tên một tác phẩm của nhà văn Ý rất thạo đời này. Tôi tìm thấy ở đây một tâm trạng ở nhiều người ở cuối cuộc đời. Lẽ ra mình phải sống khác, họ tự nhủ. Thậm chí có những người ngay từ trẻ đã biết rằng mình không phải là mình, nhưng vùng vẫy mãi không thoát. Và trong trường hợp này, cái ví dụ rõ nhất nẩy sinh trong trí nhớ tôi là trường hợp Nguyễn Thành Long. Tôi ao ước có ngày được viết thêm những ngày hay lui tới để học hỏi qua trò chuyện với anh ở Hà Nội trước 1975, đúng hơn là với một nhóm các anh, Nguyễn Thành Long , Huy Phương, Trần Đĩnh, Chính Yên ...
I
Những năm 1966-1967 – mà đôi khi người ta hay gọi tắt là khoảng đầu chống Mỹ – khi Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật và nhiều người khác bắt đầu viết đều và cũng hay đến chơi đều đều những người viết văn lớp trước, thì một trong những nơi các anh hay đến và rủ tôi cùng đến, là nhà Nguyễn Thành Long. Giờ đây, căn phòng gần ba chục mét của anh Long ở phố Dã Tượng có vẻ đã quá hẹp, người lạ đến chơi thật dễ ái ngại khi nghĩ trên diện tích ấy, cả gia đình (hai vợ chồng và hai cháu gái) cùng cư ngụ. Song trong con mắt chúng tôi những năm cuối 60 đầu 70, căn phòng ấy đã quá rộng: đối với một người viết văn, một chỗ ở như thế thật đã gọi là lý tưởng(!). Anh Long ngày ấy mới trên bốn mươi, song dáng vẻ thì cũng như lúc về già, nghĩa là mảnh mai gầy gò bước đi lẫn cách nói chuyện đều chậm rãi, chắc chắn. Trông anh lúc nào cũng như chìm trong suy nghĩ. Cái đầu khá to khiến cho nét mặt đăm chiêu thêm trĩu nặng hơn. Anh hay hỏi han chúng tôi về đời sống riêng tư. Vào cái thuở mà giới viết văn còn sống thân mật như trong một gia đình, với chúng tôi, đấy là một người anh gần gũi. Trong đám anh em ít tuổi anh nào yêu cô nào hay dẫn cô nào đến chơi anh đều ủng hộ và sẵn sàng làm một thứ trung gian móc nối thêm. Khoảng đầu 1968, khi đám cưới Đỗ Chu tổ chức trên thị xã Bắc Ninh, anh lấy xe đạp đèo chị Nguyệt vợ anh vượt 29 cây số về dự. Cố nhiên sự quan tâm chính của anh dành cho chúng tôi vẫn là sáng tác. Dễ không ai lại chăm đọc anh em viết trẻ như Nguyễn Thành Long. Và trước vô số những câu hỏi về nghề nghiệp, cả những câu hỏi thông minh lẫn những câu ngớ ngẩn do bọn tôi đặt ra, thường anh ngẫm nghĩ tìm câu trả lời thật gọn, nhưng cũng thật thấu tình đạt lý. Đại khái, anh thường đi tới những kết luận giản dị:
- Nghề của mình khó lắm.
- Phải biết trân trọng nhau, được người nào quý người ấy.
- Trước khi tính chuyện viết lách, phải lo bảo ban nhau về cách sống. “Sống sai là viết sai ngay” - Nguyễn Thành Long nói dứt khoát như hai với hai là bốn.
Trong ý nghĩ của một số người chúng tôi hồi ấy, Nguyễn Thành Long là nhà văn vừa có vốn liếng thực tế vừa có học, lại có tấm lòng đôn hậu. Tài năng của anh là do công phu mà nên, có vẻ nó như một thứ tài có thể cố mà được, nên chúng tôi càng thấy gần.
Về sau này, sự lại chơi của một số anh em trẻ với Nguyễn Thành Long có thưa thớt hơn. Song ân tình cũ thì mãi mãi vẫn còn - trên bước đường đời của mỗi người, thật nhiều kỷ niệm là những bước chập chững đầu tiên và những người giơ tay đón ta lúc ấy, bao giờ ta quên nổi! Huống chi, một người như Nguyễn Thành Long, trong cuộc sống hơn 40 năm cầm bút, thật đã đi đến cùng trên con đường đã lựa chọn, và một cuộc đời như vậy nếu không phải để ta theo thì cũng luôn luôn để cho người ta phải so sánh, đối chiếu, rút kinh nghiệm. Ai đó đã nói chí lý “Cuộc sống bao giờ cũng cao hơn cái chết, ít nhất là một cuộc đời. Nếu không có cái để mà sống thì cũng làm gì có cái để mà chết”.
II
Khi nhớ lại quá trình sáng tác Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long có lần kể rằng nếu chỉ viết riêng về các nhân vật ở trạm khí tượng thì hơi khó. Nên sau khi đã có tài liệu đầy đủ, để lên được truyện ngắn, anh phải thêm vào nhân vật người hoạ sĩ già. Người hoạ sĩ này, cũng tương tự như vai nhà báo trong Buổi sáng Điện Biên, hoặc một nhà báo khác trong Sớm mai nào xế chiều nào không chỉ là loại nhân vật dẫn truyện, mà còn là hình ảnh tốt đẹp của một loại người khác, những người làm nghề sáng tạo. Nét đặc biệt của các nhân vật này: họ đều hay đi, say đi, thích xem xét công việc mọi người đang làm. Tâm hồn ở họ rộng mở và họ biết chan hoà vào chung quanh, chia sẻ vui buồn cùng mọi người. Và đặc biệt dưới cái bề ngoài lặng lẽ, họ thích đơn độc trong những suy nghĩ về mình và về chung quanh. Không còn ở lứa tuổi thanh niên nữa, nhưng tâm hồn mỗi người thường trẻ trung tươi tắn.
Khỏi phải nói, hình ảnh những nhà báo nhà văn hoạ sĩ nói ở đây chính là hình ảnh của Nguyễn Thành Long.
Một lần cùng đi công tác với Nguyễn Thành Long lên Tuyên Quang, tôi bất ngờ nhận ra rằng sao nhà văn này đi nhiều và bạn với nhiều người đến thế. Đến nông trường này, anh có người quen, đến bệnh viện kia, hỏi thăm một lúc, anh lại nhận ra người quen khác, mà toàn là những bạn bè biết nhau sau các chuyến đi thực tế. Họ là giám đốc nông trường, giám đốc mỏ, các đội trưởng lao động, các công nhân... Nơi làm việc của họ đôi khi là những nhà máy xí nghiệp cũ kỹ, sống lay lắt tại một miền quê xa xôi hay một miền rừng heo hút nào đó. Vậy mà một lần Nguyễn Thành Long đã đến, đã ngồi hàng giờ nghe họ tâm sự, đã đưa cuộc đời họ vào các sáng tác của mình. Thậm chí, sau khi đã viết xong, Nguyễn Thành Long vẫn cứ còn nhớ mãi về họ, xem họ như bạn bè, có dịp là nhắc tới họ với những lời thương mến.
Hồi mới vào nghề - cũng là dịp hay đến với Nguyễn Thành Long - tôi tưởng cách quan hệ, cách làm việc như thế đã là tất cả công việc phải làm đối với một người viết văn. Mãi về sau, tôi mới hiểu rằng mặc dù đó là cách làm việc chăm chỉ, lương thiện nhưng vẫn chưa đủ. Nhà văn cần một cái gì hơn thế nữa: Cần sự nhập thân vào hẳn một mảng một khu vực của đời sống (Khu vực theo nghĩa rộng, khu vực của những vui buồn sung sướng hay thất vọng, chứ không phải khu vực địa lý). Cần sống chết với các nhân vật riêng mình có, sống chết với những vấn đề thiết thân mà mình tự đặt ra và giải quyết. Nói chung là cần viết bằng những ao ước băn khoăn vui buồn hàng ngày của mình, chứ không phải chỉ lo quan sát, ghi chép về người khác. Tôi không đảm bảo là Nguyễn Thành Long không có những điều kiện làm nên chất văn như thế. Nhưng có vẻ như anh không thường xuyên huy động đến nó, cả đời cầm bút ít khi anh viết cho mình, nên thường anh chỉ có những truyện ngắn kỹ về câu cú chữ nghĩa, giỏi về dẫn truyện hoặc tạo không khí, trong đó có phác hoạ ra vài con người làm cảnh, chứ không có cái mà người ta gọi là thế giới riêng. Kết quả là những chuyến đi, và những cái viết ra của anh sau các chuyến đi cứ na ná giống nhau, cái sau sa vào vết mòn của cái trước... Nhưng thôi phán xét về những điều một nhà văn không làm, là điều nói không bao giờ đến cùng! Trước mắt, hãy biết Nguyễn Thành Long có cái cách đi cách viết, cách hình thành tác phẩm riêng và công việc đó đã được anh làm nghiêm chỉnh, tận tuỵ. Đối với những người mới viết, đó là những điều cấp thiết bậc nhất.
III
Một khía cạnh khác làm nên sự lương thiện trong quá trình hành nghề của Nguyễn Thành Long là khả năng sống một cách hết lòng với các việc cụ thể trước trang giấy trắng.
Chỉ cần đọc một đoạn văn ngắn của Nguyễn Thành Long, người ta có thể nhận ra ngay rằng đấy là một người viết kỹ lưỡng. Từng câu một được anh cân nhắc, câu sau không phải cứ nảy sinh tuồn tuột từ câu trước, mà mỗi câu đều đòi hỏi công sức riêng, năng lượng riêng cho nó. Chữ Nguyễn Thành Long sít, chặt, nhỏ nhưng dễ đọc. Cả các truyện của anh cũng thế. Đi đâu về, anh cũng muốn viết, và không phải chỉ viết ký thôi, phải viết truyện mới hả! Viết như một món nợ! Và người viết này rất sòng phẳng, rất muốn trả nợ cho đâu vào đấy! Thế là có thể anh ngồi hàng tuần hàng nửa tháng để hý hoáy xếp đặt, dàn truyện. Và có khi để hàng vài tháng, để viết một truyện ngắn. Còn nhớ có lần Nguyễn Khải, thấy Nguyễn Thành Long sáng tác theo lối câu dầm vậy, đã nửa đùa nửa thật hạ một câu vui vẻ:
- Viết thế thì đói là phải!
Bản thân Nguyễn Thành Long cũng nói về mình đại ý: “Nhưng có lẽ là giời đầy tôi, tôi cứ phải lo nhận xét, ghi chép, và đắn đo ở từng chữ như vậy”. Có cảm tưởng là Nguyễn Thành Long rất nghiệt với mình, với nghề của mình, và trong niềm đau khổ đang phải chịu đựng anh lại ngấm ngầm cảm thấy có niềm sung sướng. Nếu có một thứ tôn giáo phụng thờ ý nghĩa thiêng liêng của nghiệp cầm bút thì Nguyễn Thành Long là một tín đồ nồng nhiệt của tôn giáo đó. Tôi nhớ những lần nói chuyện với anh về đời sống văn học nói chung. Giữa những người viết với nhau, sự đọc nhau vừa là tình cảm, vừa là công việc, nếu có khắt khe một chút, thì cũng là chuyện thường tình. Nguyễn Thành Long chăm đọc người khác, và quả thực, thuyết phục được anh, không dễ dàng chút nào. Nhưng cái sự yêu cầu cao như vậy, là một cách để Nguyễn Thành Long biểu hiện niềm tin của mình với một ngòi bút nào đó. Ngược lại điều mà tôi nhớ nhất, là những lúc Nguyễn Thành Long phát hiện ra kẻ làm ăn cẩu thả. Anh dễ dàng đỏ mặt lên vì ngượng thay cho người đó. Không nói chi nhiều, anh chỉ nhắc đi nhắc lại: “Viết thế là tầm bậy! tầm bậy”, nhưng chỉ một câu đó thôi, đủ nói lên thái độ của anh là thế nào!
IV
Chẳng những thành kính kỹ lưỡng trong lao động cụ thể - phải nói là ở Nguyễn Thành Long, nghề viết văn còn được hiểu như một sứ mệnh thiêng liêng, một công việc của cả đời người, không một chút nào người ta được phép dễ dãi.
Đây có lẽ là một quan niệm về văn học thấy có ở nhiều người, nhất là những người lớn lên và làm văn nghệ từ sau 1945 trở đi. Cùng với khói lửa của cuộc chiến tranh, những trang sách trang báo của chúng ta đã ra đời và trở thành vũ khí, được trang nào quý trang ấy. Lâu dần, cái ý nghĩa cao quý mà chúng ta mang lại cho nghề văn càng trở thành một sự tự ràng buộc. Nguyễn Thành Long là một trong những người chấp nhận sự ràng buộc đó vừa tự nguyện vừa thích thú.
Ở chỗ này, tôi nhớ một chi tiết có ý nghĩa đối chiếu:
Để phác hoạ lại sinh hoạt văn chương nước mình hồi đầu thế kỷ, nhà văn Nguyễn Công Hoan từng viết Đời viết văn của tôi. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Hoan rất đồ sộ, trong các truyện ngắn truyện dài của ông, các nhà phê bình đã tìm được nhiều điều có ý nghĩa. Vậy mà ngay từ khi đang viết khoẻ cũng như về cuối đời khi nhìn lại quá trình viết của mình, Nguyễn Công Hoan vẫn không khỏi ngả sang một cách nói bông đùa. Ông viết: “Làng văn, từ xưa đến giờ, quả là cái chợ”. Khi đọc đến chỗ này, Nguyễn Thành Long không bằng lòng. Trong cuốn Đời viết văn của tôi (bản của Thư viện Hội Nhà văn Việt Nam) bên cạnh câu văn trên của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Thành Long ghi bằng mực đỏ hai chữ “nói bậy”.
Xét trong quan hệ hàng ngày, giữa hai người không có chuyện gì. Trong khi kể lại những kỷ niệm về đời văn của mình với Hà Nội, Nguyễn Thành Long thường vẫn nhắc nhở đến sự giúp đỡ của Nguyễn Công Hoan. Trước 1975, gia đình cụ Hoan ở Hàng Bông Nhuộm, nhà Nguyễn Thành Long ở Dã Tượng, hai nhà rất gần nhau. Thường khi, nếu tối hôm trước, đài phát thanh có đọc bài nào của Nguyễn Thành Long, thì hôm sau, Nguyễn Công Hoan đi đâu vẫn rẽ vào nhà Nguyễn Thành Long chơi, để nêu một vài nhận xét thân tình.
Thế nhưng, đứng về quan niệm nghề văn, những ý nghĩ bông đùa của Nguyễn Công Hoan là điều mà Nguyễn Thành Long hoàn toàn không thể chia sẻ.
Sự nghiêm trang của Nguyễn Thành Long cũng như sự bông đùa ở Nguyễn Công Hoan có lẽ là hai phía có thật, cùng có ở nghề văn, cùng có ở cuộc đời này nói chung. Những nhà văn lớn trên thế giới, thường cùng lúc, cảm thấy cả hai phương diện ấy của cùng một đối tượng. Nhà văn Pháp Simone de Beauvoir có lần bảo: “Thật là buồn khi nghĩ rằng nghề văn có lắm ý nghĩa đến thế, trong khi nó chỉ có thế”. Một nhà văn khác: “Kiếp nhân sinh nghiêm chỉnh một cách rầu rĩ”. Một nhà văn khác nữa: “Cuộc đời là một tấn hài kịch, nhưng đó là cái trò hài khiến người ta cười ra nước mắt”. Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Thành Long thì khác, mỗi người sống với một phía của cái chân lý hai mặt nói trên, và đẩy nó đến cùng. Về trường hợp Nguyễn Công Hoan, đấy là câu chuyện chúng ta sẽ bàn trong một dịp khác. Còn về Nguyễn Thành Long, thì có thể nói ngay rằng không phải là anh lên gân lên cốt gì cả, mà tự anh đã nghĩ thế. Một trong những nhà văn chơi thân với Nguyễn Thành Long là Huy Phương có lần nói đùa với tôi: “Ông Long là cái loại nhà văn khi viết toàn ngước nhìn lên các ngọn cây” - theo tôi hiểu, ở đây Huy Phương muốn nói đến một thứ tâm thế học trò ở ngòi bút nhiều người đương thời, trong đó có Nguyễn Thành Long và ở một dạng nào đó, ở chính Huy Phương nữa. Cái chất thư sinh sẵn có ban đầu trong ta không mất đi với thời gian, mà thật kỳ lạ (hay thật khốn khổ?), nó cứ theo ta trong suốt cuộc đời cầm bút. Và rút cục cái yếu tố dẫn người ta đến với nghề đôi khi lại là yếu tố giữ người ta lại, không sao bay lên được!
V
Theo như chính Nguyễn Thành Long từng kể, thì trước 1945 tức hồi còn học tú tài ở Hà Nội, anh đã có bài viết, in trên Thanh nghị là một tờ báo tập hợp được nhiều trí thức có uy tín thời ấy. Con đường đi của người trí thức trong lòng xã hội thuộc địa, từng là vấn đề day dứt lòng anh, và trở thành chủ đề của một vài cuốn sách - chắc chắn là còn non nớt và còn chưa kịp xuất bản - của anh bấy giờ. Vấn đề trí thức cũng sẽ ám ảnh Nguyễn Thành Long trong suốt cuộc kháng chiến: một mặt lăn lộn với công nông không bỏ qua một chuyến đi thực tế nào đó Chi hội văn nghệ Khu Năm bấy giờ tổ chức; mặt khác, luôn luôn anh sục sạo săn tìm sách vở để xem người khác đã làm văn nghệ như thế nào, và bản thân mình nên làm theo cách nào. Trong hoàn cảnh của Khu Năm xa xôi, các anh vẫn tìm đọc từ Người mẹ, Suối thép, Người Xô viết chúng tôi cho tới cả Sự hồi sinh của nền văn hoá Pháp của Garaudy. Đúng theo cách làm của kháng chiến, sau khi đọc xong một số tác phẩm anh đã tóm tắt lại để người khác cùng đọc. Bởi vậy, trong danh mục sách của Nguyễn Thành Long đã in ở Khu Năm, mới có cuốn Kể lại một số tiểu thuyết Xô viết. Và về sau, khi làm báo Văn học, Nguyễn Thành Long còn viết nhiều bài về văn học nước ngoài, ký tên Phan Minh Thảo, cũng như nhặt ra kinh nghiệm viết văn của nhiều người in rải rác, rồi sau tập hợp thành cuốn sách nhỏ, mang tên Sổ tay viết văn ký tên Lưu Quỳnh.
Có lẽ những chi tiết này càng cắt nghĩa rõ thêm về sự hấp dẫn của Nguyễn Thành Long đối với một số anh em viết trẻ những năm đầu chống Mỹ mà trên kia tôi vừa nhắc tới. Trong căn phòng chật hẹp của Nguyễn Thành Long lúc ấy, thỉnh thoảng đến chơi, tôi thường gặp Chính Yên, Huy Phương, Trần Đĩnh, về sau là Ngô Quân Miện và một vài người khác. Ngoài những mảnh vụn thời sự trong nước quốc tế, cùng những “chuyện làng chuyện xóm” lặt vặt vơ vẩn xảy ra hàng ngày trong giới cầm bút, tôi thấy đặc biệt ở nhóm bạn của Nguyễn Thành Long có một loại chuyện khác. Những cuốn sách tiếng Pháp (thường là loại sách bỏ túi) mà Hội Nhà văn được biếu, các số Lettre Francaise, Europe, Lettres Sovietique, Revue Roumanie... về đều đều được các anh truyền tay, kèm theo những nhận xét như của người trong cuộc:
- Thế mới biết đảng Pháp họ quý một nhà văn ngoài đảng như thế nào. Elsa Triolet chết mà L’humanité viền đen cả mấy số liền.
- Bản dịch Con người năm tháng cuộc đời của Ehrenburg vừa được nhà Gallimard cho in. Khối chuyện được xới ra, bây giờ mọi người mới thấy có lý. Về già mà Ehrenburg còn bợm thật. Người ta bảo đọc xong cuốn hồi ký này, tự nhiên không ai muốn giở lại tiểu thuyết của ông ta nữa.
- Cái tay Kataev cũng lạ. Hồi ký gì mà như đánh đố, vừa thật vừa giả. Nhưng mà một cuộc đời như thế thì phong phú thật. Hình như Elsa Triolet có nói ở đâu đó rằng vì Kataev mà Maiakovski tự tử đấy.
- Chỉ là giọt nước cuối cùng thôi.
- Nói xuôi nói ngược gì cũng cần sự thật. Chính tôi thích hơn cả, lại là cách viết trần trụi của Malaparte. La Peau mới thật là khinh bạc cay đắng mà lại quý phái chứ.
... Giờ đây, hơn hai chục năm đã qua đi, tôi cũng nhớ không thật rõ tất cả những chuyện lặt vặt nói trên, tôi nghe từ miệng ai nói ra và nội dung có đúng là thế không. Nhưng cái này, thì xin bảo đảm chắc chắn: không khí bạn bè ở chỗ Nguyễn Thành Long, là một không khí trí thức. Các anh vừa sống, vừa viết, vừa quan tâm tới một đời sống văn hoá khác, mà các anh yêu mến và sống hết lòng. Lúc đang say chuyện thỉnh thoảng các anh chêm vào một vài câu tiếng Pháp. Tôi không hiểu được những câu nói ấy, nhưng nhìn nét mặt của các anh, biết rằng phải làm thế, người nói mới diễn tả được hết ý nghĩ của mình, và nỗi sung sướng đang đến trong lòng mình. Từ câu chuyện nghe lỏm được qua miệng những Chính Yên, Trần Đĩnh, Huy Phương, Nguyễn Thành Long, tôi bỗng cảm thấy cái đời sống văn học mình đang có phần can dự, như được kéo dài ra, nối mãi vào cả cái khu vực bao la huyền diệu, là toàn bộ đời sống văn học thế giới hiện đại. Đôi lúc, có cảm tưởng rằng những quyển sách mà tôi chỉ ngắm nhìn, những tác giả mà tôi chỉ nghe tên cũng như đang sống đâu đây, họ cùng gợi nên những vui buồn yêu ghét trong lòng tôi, như những Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Khải, Tô Hoài... mà tôi hằng gặp.
Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh Nguyễn Thành Long viết truyện ngắn, Nguyễn Thành Long làm báo và làm xuất bản, trong tôi còn một Nguyễn Thành Long dịch giả, đúng hơn là một Nguyễn Thành Long tiếp cận những tìm tòi mới trong văn xuôi hiện đại. ý tôi muốn nói tới cuốn Roméo Juliet và bóng tối của nhà văn Tiệp Khắc Jan Otchenasek do anh dịch ra tiếng Việt. Đấy là một thể nghiệm nhằm sử dụng những tìm tòi của các bậc thầy văn xuôi hiện đại như M. Proust, James Joyce vào việc biểu hiện những nội dung hiện thực và cách mạng. Không nghi ngờ gì nữa, đó cũng là điều băn khoăn thường xuyên của Nguyễn Thành Long. Nhiều anh em trong nghề biết rằng một vài thủ pháp kỹ thuật mới của văn xuôi đã được áp dụng dè dặt trong các truyện ngắn loại như Con trai con gái cụ Hồ (in lại ở Giữa trong xanh). Trong đời sống văn học ở Hà Nội từ 1975 về trước, những tìm tòi loại đó âm thầm bé nhỏ, không đáng kể gì hết. Song, với típ người cầm bút như Nguyễn Thành Long thì nó là cả một nhu cầu nội tại, kể cả nhiều khi biết rằng đeo đẳng chỉ thêm phiền, người ta vẫn không từ bỏ nổi!
VI
Tai hoạ như trẻ con trên mặt đất
Người ta rồi ai cũng có thôi
Anh nói điều ấy thật thản nhiên
Mắt đăm đắm nhìn chiều xuống
Mấy câu thơ ấy là do Bằng Việt dịch của Eluard. Không hiểu sao chúng cứ trở đi trở lại trong đầu óc tôi, mỗi khi nghĩ đến những người căn bản là lành, căn bản là tốt, mà thỉnh thoảng lại cứ gặp phải những tai nạn nghề nghiệp nho nhỏ, như Nguyễn Thành Long. Hình như nghề này quá khó và những người vụng về thì quá nhiều, cho nên đành tự an ủi là “rồi ai cũng có thôi”, vật vã thắc mắc phân tích rạch ròi làm chi cho mệt!
Khoảng 1956, 57, sau khi cho in những bút ký có được tiếng vang nào đó hồi ấy, như Hướng Điền, như Gió bấc gió nồm, tự nhiên Nguyễn Thành Long lại mắc vào vụ Một trò chơi nguy hiểm. Những năm đầu chống Mỹ, bên cạnh Tờ hoa, Tình rừng của Nguyễn Tuân, Cái gốc của anh cũng trở thành một đối tượng để phê phán. Khi những vụ việc này xảy ra, tôi còn quá nhỏ (vụ trước) hoặc quá non nớt trong nghề (vụ sau), nên không thật rõ mọi chuyện ra sao. Tuy nhiên những năm có dịp gần Nguyễn Thành Long về sau tôi cứ có cảm tưởng những chuyện tưởng như đã qua ấy vẫn còn vướng vất trong anh. Anh trở nên thận trọng giữ gìn hơn trong suy nghĩ, khép nép hơn trong quan hệ với mọi người. Lại có lúc anh sinh ra hay ngờ vực và dễ hùa theo chung quanh trong cách đánh giá, dù là một cách hùa theo kín đáo. Thậm chí tôi cảm thấy ở Nguyễn Thành Long còn nảy sinh nỗi nghi ngờ chính mình. Đã có một con người khác xuất hiện để theo dõi và kiểm tra con người hàng ngày của anh, khiến anh trở nên có chút gì như là nghiệt ngã nữa. Có điều, dù phức tạp đến đâu, thì tất cả những chuyện ấy chỉ là chuyện nổi lên trên bề mặt. Ở phần sâu sắc của tâm hồn, có thể nhận ra một Nguyễn Thành Long giản dị hơn. Anh hơi ngơ ngác, không hiểu sao mọi việc lại diễn ra như thế! Nhất là anh cảm thấy đơn độc vô hạn. Mang tâm thế “kinh cung chi điểu”, có những vụ việc do người khác gây ra tội vạ đổ lên đầu ai ai kia, song chính anh cứ vận vào mình, cứ ngấm ngầm đau đớn xót xa hộ. Và cứ mang máng cảm thấy rồi lại “cháy thành vạ lây” không biết chừng! Mặc cảm chăng? Nhạy cảm quá chăng? Nói thế nào cũng được, chỉ biết là những lúc ấy, không nên hỏi Nguyễn Thành Long mà nên để anh một mình với mình. Từ nhà riêng bên phố Dã Tượng, sang cơ quan của Hội bên đường Nguyễn Du, Nguyễn Thành Long thường đi bộ qua một quãng vắng đường Trần Bình Trọng, phía cạnh cung Văn hoá Việt-Xô. Mùa hè một áo sơ mi cộc tay, mùa đông một cái áo bông tầu cũ kỹ - sau là một cái áo vỏ ngoài bằng ni lông màu tím than - Nguyễn Thành Long gần như một mình trên đường, đầu cúi xuống, bước thật chậm như chìm đắm vào những suy tưởng riêng tư. Thường nhìn thấy anh trên đoạn đường ấy, đang đi xe đạp, tôi vội phóng qua thật nhanh, không phải chỉ vì không muốn phá đi dòng suy tưởng của anh, mà là một tình cảm lẫn lộn, vừa sợ hãi vừa kính phục chợt đến với tôi – sợ vì thấy cái nghề của mình nặng nề quá, và kính phục vì trong nghề đã có những ngòi bút như Nguyễn Thành Long những người đang căng đôi vai ra để chịu đựng, và vẫn hăm hở đi tiếp. Hoá ra, trước mắt tôi, vẫn là một nhà văn do tâm huyết mà thành đau khổ. Lại nhớ một câu của Ehrenburg khi nói về mình (đại ý): “Bề ngoài, tôi trông u ám, nhưng bên trong, thật ra là một người nông nổi, nhẹ dạ”. Trong số những người rất khớp với mẫu hình kiểu ấy, ắt hẳn có Nguyễn Thành Long!
VII
Thông thường, tôi không thuộc diện được Nguyễn Thành Long tặng sách khi có sách mới in. Nhưng đến cuối 1985, cùng lúc anh cho tôi hai cuốn Giữa trong xanh và Sớm mai nào xế chiều nào. Cuốn thứ hai tôi không để ý lắm vì là sách mới viết. Nhưng cuốn thứ nhất thì khác: đây là một tập hợp những thành quả tự Nguyễn Thành Long coi là đắc ý nhất trong đời viết của mình, một thứ tuyển tập “bốn mươi năm”, như anh lưu ý trong lời đề tặng tôi. Qua trao đổi chuyện trò, tuy tác giả không nói ra trực tiếp, nhưng dễ dàng đọc được cái ý anh muốn tôi viết về nó. Tôi chấp nhận sự thách thức này, mặc dù biết đó là một việc khó.
Ít lâu sau, tôi mang tới Nguyễn Thành Long một bài viết, ở đó bên cạnh những lời ca ngợi tài năng nghị lực của anh trong việc thực hiện những yêu cầu cách mạng đặt ra đối với văn học, không quên lưu ý nhiều khi ngòi bút Nguyễn Thành Long gò gẫm thiếu tự nhiên. Thậm chí ở một đoạn tôi còn viết: “Mặc dù mở rộng lòng đón lấy mọi diễn biến của đời sống, song rút cuộc tác giả vẫn không tránh khỏi trở đi trở lại với những ý tưởng đã thành khuôn khổ, và sự chăm chú đều đều tới công việc lại dẫn tới một tình trạng đơn điệu”. Tháng 8-1986, khi bài báo được in ra trên một số báo Văn nghệ, đọc lại cả bài, tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi không biết với một cuốn sách mang tính cách tuyển tập, mình viết vậy, có làm anh Long buồn không. Nhưng tôi vẫn nhớ là lúc cầm bản viết tay của tôi, tác giả Giữa trong xanh có một thái độ khá bình thản. Anh chỉ bảo sau cái ý “trở đi trở lại với những ý tưởng đã thành khuôn khổ”, nên thêm vào một ý nhỏ, “dù là khuôn khổ của anh”. Chỉ có thế! Chúng tôi chia tay nhau lặng lẽ, mỗi người không khỏi có chút tiếc xót rằng đáng lẽ có thể làm cho người kia vui hơn, mà không làm được.
Vốn đã âm thầm buồn bã, cuộc đời riêng của Nguyễn Thành Long từ sau 1986, nghĩa là từ sau khi anh về hưu, lại càng quạnh hiu, trống trải. Về sau cháu Hồng, con gái thứ hai của anh có kể lại, mấy năm ấy anh buồn lắm vì Sớm mai nào xế chiều nào là quyển anh viết kỹ và rất hy vọng là có dư luận, song, vẫn rơi vào im lặng, nên anh không muốn viết truyện nữa. Nghe nói Nguyễn Thành Long loay hoay làm ít trang hồi ký hoặc xoay vào việc gì nữa, nhưng đều dang dở. Một cuộc đời vất vả như thế, hậm hụi như thế, nhận thức lại được, viết lại được cho thanh thoát đâu có phải dễ! Nhà văn ý Moravia từng đặt cho một tập truyện ngắn của mình cái tựa Một cuộc đời khác, ý muốn nói là thường mỗi chúng ta đều luôn luôn bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ lẽ ra, chúng ta phải sống khác mà sao không thể sống nổi. Tôi nhớ là khi nghe tôi nói điều ấy, Nguyễn Thành Long có một thoáng như hơi sững ra! Đang cầm chén nước, cánh tay gày guộc với lớp da rất nhiều vết mồi của anh chợt run run thêm, cặp mắt sáng lên phút chốc, nhưng rồi lại cụp xuống tăm tối. Một niềm thất vọng nào đó đang dâng lên trong anh? Hay một sự nuối tiếc? Hay một nỗi xót xa, xót cho mình là không làm được hết những điều muốn làm, nói chung là bây giờ đã muộn rồi, không thể có một cuộc đời khác? Tôi không rõ cảm giác nào là chính. Nhưng tôi nghĩ rằng trong những ngày cuối đời Nguyễn Thành Long đã sống với tất cả những cảm giác đó.
Bởi vậy, ít lâu sau trên báo Lao động tôi mạnh dạn nói rõ thêm:
“Trong cuộc đời này thiếu chi người mong thành nhà văn mà không thành. May mắn hơn họ – hay là rủi ro hơn họ, nói thế cho công bằng – có một số người suốt đời ăn chịu với nghề, sống là nhà văn và chết với tư cách nhà văn. Nhưng có bao giờ một ngòi bút chân chính thực sự yên lòng với mình? Ngoài những trang đã viết ra, cái di chúc lớn khác mà một nhà văn chân chính để lại thường là nỗi khắc khoải vì biết rằng còn bao công việc đáng lẽ phải làm, nhất là đáng lẽ mình phải viết khác kia mà tự khác đi làm sao nổi. Nguyễn Thành Long là một nhà văn chân chính với nghĩa ấy”.
Ấy là những dòng tôi viết, để vĩnh biệt anh.
Không biết có chủ quan không, nhưng tôi nghĩ lần này, tôi đã nói hộ được một phần ý nghĩ của chính Nguyễn Thành Long.
Bài đã in trong Cây bút đời người 2002