VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tất cả dường như còn, mà tất cả lại đã mất


Nhân đọc Xuân vọng một bài thơ Đỗ Phủ (712-770) viết trong
những năm chiến tranh - loạn An Sử đời Đường

春望
國破山河在,
城春草木深。
感時花濺淚,
恨別鳥驚心。
烽火連三月,
家書抵萬金。
白頭搔更短,
渾欲不勝簪。

Xuân vọng
Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hoả liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn câm (kim).
Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm.



Trông xuân
hoặc Đối diện mùa xuân-- dịch nghĩa
Núi sông còn mà nước đã mất,
Thành ngày xuân hoang tàn, cỏ cây rậm rạp.
Cảm thương thời thế, con người nhìn hoa mà mắt ướt lệ,
Buồn vì ly biệt, nghe tiếng chim hót cũng thấy ghê sợ
Khói lửa báo giặc giã cháy suốt ba tháng liền [nghĩa là còn đánh nhau nữa].
Thư nhà lúc này ngàn vạn cũng không mua nổi.
Gãi mái đầu bạc thấy càng thêm thưa, ngắn,
Muốn cài trâm mà chẳng được.


Bản dịch khuyết danh:

Nước mất, còn sông núi
Thành xuân cỏ chất chồng
Hoa thương thời nhỏ lệ
Chim giận biệt đau lòng
Khói lửa liền ba tháng
Thư quê đáng vạn đồng
Bạc đầu cùn mái tóc
Trâm bạc khó cài xong

Bản dịch Khương Hữu Dụng:
Nước mất nhưng núi sông còn,
Thành xuân quạnh quẽ um tùm cỏ gai.
Cảm thời, hoa để lệ rơi,
Biệt ly hoa cũng vì người xót xa.
Tháng ba rồi đến tháng ba,
Thư nhà buổi loạn đúng là vàng muôn.
Gãi đầu tóc bạc thêm cùn,
Búi lên sổ xuống, trâm luồn lại rơi.

Bản dịch Nam Trân tức Tương Như :
Nước mất còn sông núi
Thành xuân cảnh um tùm
Biệt ly lòng chim hãi
Cám cảnh lệ hoa tuôn
Lửa hiệu liền ba tháng
Thư nhà đáng mấy muôn
Gãi hoài cùn tóc bạc
Chừng tuột chiếc trâm luôn

Mấy lời chú giải và bình luận
Tôi đọc bài thơ này lần đầu qua cuốn Thơ Đường tập II ( in ở Hà Nội 1963), chỉ láng máng cảm thấy thích vì nghe đâu nó được coi là một trong những bài hay nhất của kho tàng thơ đời Đường và đã đưa vào Đường thi tam bách thủ.

Theo Wikipedia tiếng Việt Đường thi tam bách thủ (chữ Hán phồn thể: 唐詩三百首) là một tuyển tập gồm hơn ba trăm bài thơ Đường do học giả Tôn Thù (1722-1778),còn được biết đến là ‘Hành Đường thoái sĩ’, tuyển soạn vào khoảng năm 1763 thời nhà Thanh.

Tới những năm chiến tranh 1964-75, đọc lại mới thấy thấm thía.
Trong cái non nớt của tuổi trẻ, hồi ấy tôi chỉ thích mấy câu ba bốn.
Các bản cũ ở VN thường giải thích hai câu ba bốn này như sau
"Cảm thời thế nên hoa đầm nước mắt –
Đau biệt ly, chim cũng khắc khoải lòng"(Thơ Đường tập II ).
Từ đó ta hiểu sự buồn bã lan từ khung cảnh văn hóa sang khung cảnh thiên nhiên, và về tu từ tức là một biện pháp nhân cách hóa đã được sử dụng

Ở phần dịch nôm nói trên, sở dĩ tôi ghi
Cảm thương thời thế con người nhìn hoa mà mắt ướt lệ, 
 Buồn vì ly biệt,[ con người ] nghe tiếng chim hót cũng thấy ghê sợ
là do đọc theo mấy bản Đường thi tam bách thủ do Trung quốc làm mà tôi đang có trong tay như bản của Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1993, bản tân tuyển của Nhân dân văn học xuất bản xã 1998, bản của Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2003…
Bản làm cho thiếu nhi của nhà Bắc Kinh thiếu niên nhi đồng xuất bản xã 1996 thì viết
“Hoa [vẫn đẹp thế ] khiến cho con người rơi lệ,
chim [vẫn vui thế] làm cho người đau lòng”, cũng gần với cách  hiểu trên.

Bản thân bài thơ này được gọi là Xuân vọng, chứ không phải Vọng xuân, cũng là tuân theo thứ cú pháp riêng đó của chữ Hán cổ mà ngày nay vẫn được ưa dùng.

Nhưng hay nhất trong Xuân vọng chính là hai câu đầu và đây là điều mà mãi sau chiến tranh tôi mới hiểu.
Quốc phá sơn hà tại Chỉ có năm chữ mà phác họa ra cả khung cảnh chiến tranh và cái hậu quả tổng quát của nó.
Cái làm ta cám cảnh chính là tình trạng nước đôi, tất cả dường như còn, mà tất cả lại đã mất hết. Cái còn chỉ làm tăng thêm vẻ bi thảm mà cái mất mang lại.
 Theo cách hiểu này, bài thơ toát ra một tinh thần nhân bản rất hiện đại.
 Có lẽ đây cũng là tâm trạng khiến cho một ai đó đã thốt lên rằng, trong chiến tranh không bao giờ có kẻ chiến thắng với nghĩa trọn vẹn của chữ ấy.
Kẻ thù của ta càng dũng mãnh thì chiến thắng của ta càng thêm vẻ vinh quang, cố nhiên rồi. Nhưng để thắng một kẻ thù dũng mãnh như thế, hẳn ta đã trầy da sứt vẩy và trở nên thân tàn ma dại.
Sau chiến tranh, bên thắng cuộc lại thường có tính hiếu thắng tưởng mình làm gì cũng được.
 Họ sẽ thua trong công cuộc hồi phục là vì vậy.
Hai câu cuối bài thơ nói đến một thứ buồn bã mà con người không sao vượt lên nổi. Con người lúc này đã tiều tụy thân thể hao mòn tinh thần bại hoại, cảm giác cuối cùng còn lại chỉ là sự bất lực.

Thế hệ tôi vừa trên dưới hai mươi thì bắt đầu cuộc chiến tranh quyết liệt mà mãi tới 4-1975 mới kết thúc. Một số chúng tôi lại có trong tay ngòi bút, chúng tôi làm thơ làm văn viết sách viết báo. Viết để làm gì? Hồi ấy cả bọn chúng tôi sống theo mệnh lệnh là viết để động viên người lính ở chiến trường. Chúng tôi không có thời gian và cũng được hướng dẫn là không cần biết là người xưa đã viết về chiến tranh như thế nào.
Thơ làm hồi chống Mỹ in ở Hà Nội thường kỵ nói về cảnh tàn phá và lại có một thứ luật lệ cấm tiệt các nhà thơ không được nói đến nỗi buồn.
Ngày nay đọc lại một bài như bài Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật -- bài thơ được đưa vào dạy ở nhà trường -- không những thấy ngớ ngẩn vì câu lý sự cùn Không có kính không phải vì không có kính – Bom giật bom rung kính rụng mất rồi --, mà còn thấy giả tạo thô thiển trong cái câu tả thái độ con người được trưng ra như một niềm tự hào – Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Trong hoàn cảnh ấy, tôi thường nhớ lại những bài thơ tả chiến tranh của người xưa. Phần lớn là thơ buồn. Viết về chiến tranh mà vui có lẽ chỉ có thơ Trung Hoa ngày nay, với thơ Nga xô viết và thơ Việt  của các thi sĩ Hà Nội.
Xuân vọng trên đây của Đỗ Phủ như một sự miêu tả khái quát về chiến tranh.
Dường như bắt đầu bài thơ, Đỗ Phủ đã chìm trong cảm giác buồn bã và ông đã để mặc cho dòng cảm xúc của mình trôi nổi, đến nỗi người ta thường cảm thấy hụt hẫng khi đọc đến những chữ cuối.
Hụt hẫng chốc lát mà bâng khuâng lâu dài.
Nhà thơ không lo lắng xem mình viết thế này đã đúng niêm luật chưa, nhất là không tính viết để làm gì, mình đang thuộc về bên nào, bên thua hay bên thắng. Ông chỉ ghi lại một cảm giác mà con người xưa nay ở địa vị ông thường trải nghiệm. Con người gánh chịu chiến tranh trong các thời đại về sau đều tìm thấy mình qua thơ ông, dù bài thơ được ông viết tính tới nay đã trên ngàn năm.


Nguyên là bài Làm sao để tác phẩm viết về chiến tranh còn được đọc lâu dài?
đưa trên blog này ngày 20-2-2015 .
أحدث أقدم