VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Bàn tiếp về văn hóa cư trú: tình trạng hỗn canh hỗn cư đang bao trùm

Bài đã đưa trên FB của tôi
ngày 16-1-2017

Tôi hay nói về tính tự phát của cuộc sống và đã từng bị chê bai nhiều bởi cái câu buột miệng “bất chợt nghĩ ra rút lại không nổi”. 
Là cái câu: Dân tộc Việt là cả một khối tự phát khổng lồ.
Nhưng bị chê thế nào thì chê, tôi vẫn thấy nó đúng.
Hôm nay tôi muốn thêm một dẫn chứng cho sự thống trị của cái quy luật tự phát ấy bằng cách nhìn vào tình trạng ăn ở của chúng ta từ sau 1945 tới nay.

Có một hồi hàng tuần ba buổi tôi phải từ Sài Gòn xuống Bình Dương nhờ một ông thầy bấm huyệt.
Đến tuổi này rồi, ngồi ô tô không thể đọc sách được nữa, chỉ có thể nghĩ vẩn nghĩ vơ. Và một trong số ý tưởng trở đi trở lại dai dẳng nhất chính là về cái trạng thái hỗn canh hỗn cư của xã hội hậu chiến.
Trong lịch sử nhân loại nông thôn có trước đô thị có sau. Nông thôn là cái đời sống đẻ ra đã vậy. Đô thị là cái đời sống được tổ chức lại. Mọi con đường quê tha hồ cong queo. Nhưng đường phố đô thị nhất thiết phải thẳng. Đường cao tốc không có cư dân bu bám chung quanh. Đường trên phố phải có vỉa hè, dành riêng cho người đi bộ.
Dưới sự bảo trợ của người Pháp, cuộc hiện đại hóa lần thứ nhất còn khá mạch lạc.
Chiến tranh xáo lộn tất cả, ở miền Nam người ở nông thôn bỏ ra ra thành thị, tiếng dân gian gọi là chạy loạn. Ở miền Bắc hồi chống Mỹ thì dân thành thị sơ tán về nông thôn.
Lúc đập một cái nhà, ai cũng nghĩ mai này xây dựng lai đẹp hơn.
Nhưng trở về sau một hồi thất điên bất đảo, người ta đã đánh mất những thói quen tốt đẹp của một cuộc sống thái bình.
Sau chiến tranh dân ta trở lại lo làm ăn kinh tế, nhưng là mạnh ai nây sống.
Tất cả đổ ra đường.
Hai bên đường tôi đi chỗ nào cũng thấy nhà hàng. Làng xóm bột phát trở thành phố xá.
Trong mỗi con phố bột phát mọc lên ấy, hàng quán tiện đâu mở dấy, chả có tính toán gì cả.
Hồi chiến tranh nhiều lần chúng tôi phải đi qua thành Vinh. Từ sau 1964, Vinh hoàn toàn đổ nát. Có sinh khí nhất chỉ là quãng từ bến ô tô cũ tới phà Bến Thủy. Nó dài như một khúc ruột. Cả thành phố teo tóp đi, chỉ còn khúc ruột này là sinh động.
Cứ tưởng chỉ có chiến tranh mới có tình trạng như vậy. Hóa ra thời bình cũng y trang. Từ Bắc đến Nam đâu đâu tôi cũng thấy người ta bu chung quanh đường, và cái ấn tượng về khúc ruột mà thành Vinh ngày nào gợi ra, nay vẫn thấy trở lại, dù như tôi đã có lần viết trên FB này, thành Vinh nay đã đổi khác.
Mấy chữ hỗn canh hỗn cư là do tôi mượn từ tên một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, in ở Hà Nội 1962. Thử tra các từ điển tiếng Việt hiện có, không thấy cuốn nào nhắc tới thành ngữ vốn của chữ Hán ấy. Riêng cuốn của nhóm Hoàng Phê thì có.
Trong bản in ở nhà xuất bản Đà Nẵng 2007 - cũng là bản mà các thành ngữ chữ Hán có kèm thêm cả cách viết bằng chữ vuông - tôi thấy nhóm Hoàng Phê ghi hỗn canh hỗn cư là để chỉ tình trạng địa giới không rạch ròi, đất làm nhà [thổ cư] và đất trồng trọt [thổ canh] xen lẫn vào nhau một cách hỗn độn.
Sự phân biệt giữa không gian để con người ăn ở và không gian làm việc hóa ra đã được người xưa xem trọng và điều đó có cái lý của nó.
Nay chúng ta làm không ra làm, ở chẳng ra ở, tất cả do sự tùy tiện của con người.
Các thành phố của người ta thường bố trí thành những mảng lớn, mảng các nhà máy sản xuất riêng, mảng mua bán sắm sửa riêng, mảng cư dân riêng. Thành phố của ta, hình thành theo lối có một nhà máy nào đó dựng lên, rồi cư dân bu chung quanh. Cả thành phố chả ra một cái cấu trúc gì.
Đi đến đâu cũng có thể tìm ra những ngôi nhà đẹp. Nhưng rất khó có những khu phố đẹp, lại càng không thể có những thành phố đẹp, độc đáo, hiện đại.
Các thành phố mới xây dựng thật ra rất giống nhau ở cái vẻ xấu xí của nó.
Ở các hiệu sách hiện nay, mảng sách phong thủy (sách dạy chọn hướng làm nhà) khá đắt khách. Nhưng đấy là người ta chỉ lo cho cái nhà của mình. Cả thành phố nói chung thì chẳng ai lo cho cả.
Trước đây, các thành phố lớn còn có kiến trúc sư trưởng.
Nay đâu đã bỏ.
Mà thời này làm gì có nhà chuyên môn nào được quyền vượt lên các vị chức sắc bây giờ? Các ông ấy thay nhau theo nhiệm kỳ, ông nào lên cũng muốn làm theo ý mình. Thành phố luôn luôn có chủ nhưng nhìn cả giai đoạn vài chục năm có khác chi nhà vô chủ.
Bốn chục năm nay, mỗi lần lên Đà Lạt, tôi lại xót xa với cái ý nghĩ mà theo cách diễn tả của người xưa gọi là “Ngọc đẹp cho ngâu vầy”.
Ta không bao giờ làm nổi một thành phố sang trọng quý phái như người Pháp đã làm.
 Mà không cứ Đà Lạt. Bắc hay nam, vùng đồng bằng hay miền núi, trung tâm hay tỉnh lẻ thì cũng thế thôi. Cái cũ cân đối hài hòa phá đi, cái mới nham nhở đơn điệu thắng thế, hoành tráng mà thiếu thẩm mỹ như trọc phú khoe của. Biết tìm đâu ra cho quê hương mình xứ sở mình những người chủ xứng đáng.
أحدث أقدم