25/10/1969
Nhàn thân mến,
Hôm nay anh Phạm Tường Hạnh ở ngoài ấy vào. Anh ấy bảo anh
cũng đi Vĩnh Linh. Thế là tôi đi cùng với anh ấy luôn. (Hôm nay may quá! Vì về
Hội lấy thư nên gặp anh ấy).
Thế là có người cùng đi.
Tôi và anh Hạnh còn đi Đại Phong, đi Ngư Thủy chừng nửa
tháng rồi mới đi Vĩnh Linh. Tôi cảm thấy yên tâm hơn và chắc Nhàn cũng yên tâm
vì tôi có người cùng đi.
Anh Hạnh lại là một người rất tháo vát.
Bây giờ chỉ còn có một cái lo là lo xe đạp hỏng giữa đường
thôi. Xe của tôi lốp cũ quá rồi.
Đi đường xốc long hết ốc. Tối không tìm thấy cái ốc xe đâu cả.
Hôm sao phải buộc dây thép vào chỗ mất ốc.
Từ trang sau tôi sẽ ghi theo nhật ký đi đường, Nhàn chịu khó
xem. Vì rằng Nhàn hình như cũng muốn theo dõi những cuộc đi của bè bạn và náo nức
về những chuyến đi xa.
26/10/1969
Bị mệt – không hiểu chiều có đủ sức đi Đại Phong không. Thèm
uống một cốc nước đường vô cùng!
3g30, đi. Qua phà Lệ Thủy trời đã tối. Gió dữ dội. Cơn mưa,
đường tối quá, không trông rõ. Rất đói.
Đến bến phà Quán Hào, nấu ăn đêm. Trời gió, không thắp được
ngọn đèn. Đêm mưa. Nước mưa cứ hắt vào mặt không sao ngủ được. Rét quá !
27/10/1969
Vẫn mưa, nhưng mưa nhỏ thôi. Tôi và anh Hạnh đạp xe đi Đại
Phong. Đường xuôi gió nên đi xe rất nhanh. Đi đến giữa đường bị nghi là gián điệp
bị một xe đuổi theo hỏi giấy. Chắc là vì anh Hạnh mặc áo phi công Mỹ và hai người
cùng đeo kính râm. Sau khi hỏi xong họ thấy đủ giấy tờ thì họ xin lỗi và bảo rằng:
Vì có 5 tên ở Hà Nội đi, họ đã bắt được 3 tên, còn lại 2 tên là một nam và một
nữ, họ đang truy lùng nên họ phải quay xe ô tô lại đuổi kịp bọn tôi. Kể cũng
vui!
28/10/1969
Ở Đại Phong.
Trời mưa ròng rã, lạnh rồi! Chúng tôi ở một nhà có bộ đội
cùng ở. Nơi này có rất nhiều bộ đội đi B về đây dưỡng sức để rồi lại sắp đi.
Nhiều người bị sốt rét.
Nhà tôi ở có một anh bộ đội rất trẻ. Tên là Viện. Cứ mỗi
ngày anh lên một cơn sốt dữ dội. Có lúc sốt nói mê.
Đêm tôi nằm nghe hết thấy bộ đội tập hát ở nhà bên lại nghe
anh lính trẻ sốt rét rên suốt đêm.
Anh em bộ đội rất trẻ, từ 10 đến 23 tuổi. Họ nói chuyện về bệnh
sốt rét ác tính chết rất nhiều người. (Họ nói đến cái chết thản nhiên như nói đến
cuộc đi chơi, ăn cơm, uống nước). Chị chủ nhà cũng nói rằng có một anh bộ đội ở
đây mấy tháng trước, trong khi sốt rét quá, điên lên, lấy con dao rồi ra nhà xí
cắt lưỡi. Người ta đưa ra viện ba ngày sau thì chết.
Họ nói chuyện về những cuộc hành quân mang nặng, vứt hết cả
quần áo đi chỉ giữ cái điếu cày. Về chuyện đói, đổi quần áo cho dân Lào lấy gạo
và thịt. Dân Lào bây giờ đa số là mặc áo quần của bộ đội, người thì đổi, người
thì lấy của bộ đội chết.
Họ nói về những lần đóng quân ở những làng trong Nam, nơi
dân còn chưa hiểu, họ bảo: “Đã để cho các bác nửa nước ở ngoài ấy rồi các bác
không ở. Ngoài ấy không sung sướng sao mà các bác vào đây làm khổ chúng tôi” vì
bộ đội đóng đâu là nó tan tác đến đấy. Cũng có những nơi dân đùm bọc yêu thương
…
Đêm nào tôi cũng nghe họ hát và thấy họ rên, nói mê.
Tôi nghĩ về tổ quốc. Tổ quốc chúng ta trong tay những người
lính trẻ này. Tổ quốc chúng ta là những người lính trẻ đang sốt rét và hát ca.
Tôi thấy xót xa trước những hành động phản lại xương máu của
anh em. Chúng ta không có quyền làm những điều gì hèn hạ xấu xa trong khi những
người lính trẻ này đang chết ngoài mặt trận cho chúng ta. Tôi không lên gân
đâu. Tôi nghĩ tất cả điều này với những xúc cảm thành thật mà tôi tự tìm ra.
Không ai dạy bảo.
29/10/1969
Trưa nay Viện – anh bộ đội sốt rét nhận được thư của người
yêu ở bệnh viện Hà Tĩnh. Anh đọc to cho anh em nghe chung. Thư có vẻ “văn
chương” lâm ly thống thiết – anh em ai cũng nắc nỏm khen cô ta viết thư hay. Họ
bình từng câu, từng chữ. Có anh nói đùa: Thư viết rằng: “…bố mẹ vẫn khỏe, chó đẻ
7 con”. Mọi người cười ầm ỹ rồi giải tán.
Viện để lá thư vào túi trong ngực, lại giở ra đọc lại suốt
buổi trưa. Chiều Viện đã đi bệnh viện, trước khi đi, anh dặn Bảy, bạn anh: “Ở
nhà nếu có thư thì nhận hộ”
Nói chuyện về chuột.
Ở Đại Phong có cái đặc
biệt là nhiều chuột. Tôi vẫn chưa thấy nơi nào nhiều chuột như ở đây.
Ban đêm nó “hoạt động” suốt. Nó cậy được cả những cái nồi rất
to. Nó cắn quần áo, ăn xà phòng, gặm cả cái chân ghế bằng gỗ lim. Có cái ba lô,
tôi chỉ sợ chuột cắn quần áo nên phải bỏ vào trong màn nằm. Nó chạy lục xục
quanh giường. Có hôm không buông màn, nó bò qua mặt chọc cả chân vào mắt mình.
Không làm sao trừ được chuột, nhân dân ở đây bảo chỉ có lụt
là nó chết thôi. Có những năm nước lụt to, chuột chết, bơi thuyền đến đâu cũng
thấy xác chuột và mùi hôi thối. Vì vậy họ rất mong lụt.
Năm nay nước không lụt, nhân dân bảo: “Không lụt năm nay thì
sang năm lại mất mùa đấy!” Bởi vì sang năm sẽ rất nhiều chuột mà chuột sẽ phá hết
mùa màng.
Anh Đính – chủ nhiệm ở đây bảo nhà anh đã bắt được tới 40
con chuột to bằng bắp chân (chừng 1 kg một con) mà vẫn chưa ăn thua gì.
Mèo ở đây cũng sợ chuột. Chuột bắt gà, có những con gà to bị
chuột ăn cụt ngón chân. Chuột tha lợn con, chuột bắt vịt…
Một anh bộ đội nói chuyện rằng, ở bệnh viện Hà Tĩnh có một
con chuột 5kg. Nó chuyên môn ăn thịt người chết. Chị ruột anh ta chết vì bệnh
thương hàn, mang xuống nhà xác một đêm, sáng
hôm sau bị chuột ăn hết cả mũi, mồm, tai.
Sau người ta cũng bắt được con chuột này.
2/11/1969
Chúng tôi về Ngư Thủy. Trên đường đi rất vắng, thỉnh thoảng
mới gặp một vài người bộ đội đi kiếm củi hoặc khiêng lợn dọc dường.
Dắt xe qua động cát vất vả quá. Đi 17km đường đất còn hơn dắt
xe lên đường cát 1km.
Chúng tôi ở đơn vị pháo nữ bờ biển Ngư Thủy. Nhà chật, chúng
tôi phải mắc võng nằm. Lại bọ chét cắn.
Trời vẫn mưa ròng rã! Có đêm mưa lật cả tấm bạt che trên mái
lều, họ phải ra buộc lại bạt. Gió xoáy mạnh như bão lớn.
Ở đây ngoài các cô gái pháo thủ, chúng tôi còn có thêm bạn mới:
3 anh bộ đội, một người ở huyện đội, một ở thông tin và một là kỹ sư về sửa chữa
súng.
3/11/1969
Sáng, trời hửng một chút. Tôi, anh Hạnh và anh Thuận kỹ sư
đi dọc bờ biển chơi. Chúng tôi nhặt được nhiều hộp và chai lọ dạt vào. Nhân dân
ra nhặt cũng đông. Họ bảo là có tàu nào đắm đó. Biển động nên nó trôi vào. Có
người nhặt được cả cái mặt giường. Chúng tôi nhặt nhiều đến nổi phải vứt gần hết
đi vì không thể nào chở về được, mà đi đường còn xa. Chúng tôi mới đùa với nhau
là: hợp tác xã đồng nát vì những đồ chúng tôi nhặt được mà bán cho hàng đồng
nát ở Hà Nội chắc được khối tiền. Cả đèn nê-ông nữa.
5/11/1969
Chúng tôi lại đi. Chỉ còn có anh Thuận ở lại (anh người miền
Nam). Anh ấy bảo anh ấy còn vào đường 9 chưa biết chừng anh ta sẽ không trở về
nữa (lúc này hai anh bộ đội kia cũng đi rồi). Anh Thuận có vẻ cũng buồn. Anh ta
bảo có người vợ làm ở Bộ Nội thương Hà Nội. Nếu anh ta về được sẽ mang về cho vợ
cái hộp khâu – hộp bánh quy tròn anh nhặt được ở bờ biển. Chúng tôi cũng rất
quý và thương anh ta.
Tôi nghĩ đến cụ Pautopxky, nếu tôi có tài như cụ, chắc tôi sẽ
viết được một truyện “man mác” gì đó có thể lấy đề là Gió biển. Tôi sẽ nói về những cảm xúc của chúng tôi trong những
ngày ở đây, về anh bộ đội miền nam, cuộc gặp của chúng tôi và người vợ trẻ ở Hà
Nội… Nói chung là tôi có thừa cảm xúc và chi tiết, chỉ thiếu có cái “tài” vả lại
những truyện như thế người ta bây giờ cũng chả cần đến lắm. Cuộc sống bây giờ
trần trụi và thực dụng. Người ta đang yêu cầu nói thẳng, nói rõ và đúng vào
lòng người ta bằng những đường ngắn nhất.
Trên đường đi vào Vĩnh Linh ngược gió. Gió mạnh quá. Đường rất
vắng. Thỉnh thoảng gặp người ngồi nghỉ hoặc ngủ ở bên đường. Tôi cứ nghĩ là tôi
được đi cùng với ông Hạnh cũng là may. Mặc dù ông ấy có nhiều điểm cũng không hợp
ý mình lắm nhưng nếu như mình tôi đạp xe đi, đường vắng thế này thì không gặp
người tôi cũng sợ mà gặp được người đi đường tôi cũng sợ.
Sẩm tối trời cơn mưa. Chúng tôi tìm vào một nơi sửa chữa ô
tô ở bên đường xin ngủ nhờ. Mấy thằng ở đó nó cứ đuổi quầy quầy. Tôi ức đến ứa
nước mắt. Xung quanh chả có nhà cửa gì nên phải nói khó với họ, tôi cảm thấy tủi
nhục. Tôi có nói với anh Hạnh là: “Thôi nếu họ không bằng lòng thì mình đi tìm
nơi khác”. Nhưng cuối cùng một người khác trong bọn họ bằng lòng nhận chúng tôi
và đưa tôi vào chỗ họ ăn cơm xong thì họ tìm một nhà dân gần đó cho chúng tôi
ngủ nhờ (ở Vĩnh Chấp).
Đêm không tài nào ngủ được vì chiều đi đường về đến đây khát
quá uống gần một ấm chè tươi, lại bị bọ chét cắn ghẻ và ngứa cả đêm.
7/11/1969
Chúng tôi tiếp tục đi vào để tìm cơ quan tuyên giáo. Đi còn
cách cầu chừng 10km tôi trông thấy những đám khói lớn và tiếng bom đan về phía
Do Linh. Nhưng đồng thời tôi trông thấy cờ ta bay rất cao, tôi thấy mừng và yên
lòng.
Loanh quanh đến quá trưa mới tìm được cơ quan, vì đây họ “3
không”, họ không nói hoặc toàn chỉ lung tung, làm mình tìm thật khổ. Nếu mà một mình
tôi thì có thể tôi phải tìm mất 5 ngày mới tới địa điểm.
Ở đây chúng tôi cũng nghe tiếng bom của B52 rất lớn bên bờ
Nam.
Mai chúng tôi bắt đầu xuống xã. Thư này có lẽ là thư sau
cùng vì thư chắc chỉ về trước tôi một ít ngày thôi.
Xuân Quỳnh.