VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thư Xuân Quỳnh viết khi đi thực tế ở Quảng Bình, Vĩnh Linh 1969 ( phần đầu)


Mấy năm đầu chiến tranh, một việc  thường trực của nhà văn là đi thực tế. Với cánh nhà văn quân đội, chúng tôi có thuận lợi là kiếm xe rất dễ, đâu cũng có thể nhờ. Với các nhà văn bên Hội, khó hơn nhiều. Như trường hợp Xuân Quỳnh. Trong hai năm 1969-70, chị đã có hai chuyến đi dài vào Quảng Bình Vĩnh Linh  mỗi chuyến khoảng hai tháng, mang theo cả xe đạp để vào đến tỉnh thì còn xuống xã, sự vất vả như thế nào thì sau đây bạn đọc sẽ thấy. Tôi có may mắn là được Quỳnh khi đi viết thư về kể khá kỹ về các chuyến đi này. Hôm nay chép lại, không phải chỉ là để cùng các bạn đồng nghiệp ôn lại cuộc sống một thời khi chúng tôi còn rất trẻ  mà còn muốn các bạn trẻ hôm nay đọc vào sẽ  hiểu thêm về  những năm tháng xa xôi ấy. Hơn bốn mươi năm đã qua, nhưng tôi luôn  có cảm tưởng  cuộc chiến tranh vẫn chi phối cách sống và cách nghĩ của chúng ta.

Ngày 14 tháng 10 năm 1969
Vương Trí Nhàn thân,
Đáng lẽ tôi viết thư cho Nhàn từ lúc mới vào đây nhưng vì chưa có chuyện gì mới và chưa viết được gì.
Cho đến hôm nay tôi đã viết được vài bài. Tôi chép gửi về chỗ Bằng, Nhàn bảo Bằng đưa cho đọc hộ tôi. Chỉ Nhàn đọc thôi chứ đừng có “tuyên truyền” rộng nhé. Vì e là nó chẳng ra sao. Nhàn từ xưa đến nay vẫn tế nhị và kín đáo, tôi có dặn thế cũng thừa nhưng cứ dặn.
Tôi đã viết thư cho Vũ Quần Phương nói qua về những chuyện sinh hoạt của tôi. Chả có gì đâu, có bao nhiêu thì tôi đã viết ra thơ rồi đấy. Đọc thì biết. Quyển sổ Nhàn cho tôi đã bôi nhằng nhịt được vài trang. Toàn ghi những chuyện vụn. Chỉ sợ vài tháng sau mình xem lại thấy nó rỗng tuếch và trẻ con thôi.
Đợt này tôi đi cũng lý thú, dễ chịu, chỉ có nhớ nhà và nhớ các bạn thôi.
Tôi đã gặp một số các anh sáng tác ở Quảng bình, cả cô Tuyết Bông và Mỹ Dạ của anh Châu. Họ đều tốt với tôi.
Tôi xuống thôn xóm cũng được nhân dân yêu mến và đùm bọc. Tôi rất yên tâm. Chỉ có điều không đọc được sách và học thôi. Rất khó.
Nhàn nhớ viết thư cho tôi, đề địa chỉ:
Xuân Quỳnh Hội sáng tác Quảng Bình.
Đến cuối tháng 11 thì Nhàn đừng viết về đấy nữa, vì thư đến rất chậm và khi đó tôi đã đi Vĩnh Linh.
Tôi vẫn khỏe, hơi mất ngủ một chút.
Nhàn có gì mới không? Các bạn ở Hà Nội có gì mới không? Viết thư cho tôi tỷ mỷ.
Tôi rất mong.
Nhàn khỏe và sống cho “hay” nhé.
Thân.



15/10/1969
Thư thứ 2
Nhàn rất quý mến,
Cho tới hôm nay tôi đi đã được gần một tháng, vừa rồi tôi có viết cho Nhàn một lá thư nhạt nhẽo vô cùng, vì thực ra trong lúc đó cũng nhiều điều muốn nói nhưng tôi lại nói khác với cái mà tôi đang sống và đang nghĩ. Hôm nay nhận được thư Nhàn, tôi thấy ân hận về lá thư ấy.
Thật ra những ngày tôi đi đây thật là nhọc nhằn. Tôi phải vượt qua tất cả những điều khó khăn về thể chất và tâm hồn. Ở nhà đã có lần tôi nói với Nhàn rằng “tôi là người không phải bẩm sinh ra đã có nghị lực, muốn có được nghị lực, tôi phải tự rèn luyện. Cho nên mỗi chuyến đi xa cũng là một lần tôi tập cho tôi có nghị lực thôi”
Tôi cũng có nhiều cái xấu cũng như những người khác nhưng tôi cố gắng phấn đấu sống cho tốt cũng như cho “hay” như Nhàn vẫn nói. Cho nên tôi chịu đựng tất cả. Tôi sẵn lòng hy sinh những sở thích vô ích để có thể làm cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì chăng.
Bây giờ tôi đã xa tất cả mọi thứ, xa những điều phiền phức và nhỏ nhen, nhưng đồng thời xa cả những người thân thiết mà tôi quý mến.
Ở đây trời mưa liên miên, lại mất ngủ vì rệp và bọ chét nhiều như chấu. Tôi càng nhớ nhà, nhớ các bạn. Có những đêm không thể ngủ được, tôi phải ra một cái thuyền ở bờ biển ngủ (đêm không mưa).
Tôi chợp mắt nghe tiếng sóng lại mơ là tiếng máy bay Mỹ oanh tạc rất khủng khiếp. Tôi phải bế con chạy hết hầm này đến hầm khác. Khi tỉnh dậy tôi mừng vì không phải thế và thương con đến xót xa. Còn ăn ở đây chỉ là một thứ lý do để mà sống. Biển động liên miên, toàn ăn cơm với nước mắm, rau cũng không có. Tôi chẳng chú ý đến bữa ăn nữa, có khi mình ăn rồi hay chưa ăn cũng chả cần và chả nhớ nữa. Còn cách đối xử thì tôi kể cho Nhàn nghe! Khi tôi vào đây, tôi không muốn nhờ vả tỉnh ủy, tôi tìm thẳng đến chi hội, tôi tưởng các anh sẽ mừng và sẽ giúp tôi những điều cần thiết. Tôi mang sẵn một tấm lòng tin cậy và quý mến . Nhưng mà không phải thế. Những người tốt ở đây lại là những người tôi chưa quen như Trần Nhật Thu – anh Văn Tôn (Hải Bằng) và anh Hà Nhật còn tổ chức của hội (là ông Hoàng và ông Tấn) thì rất nhạt nhẽo. Sở dĩ là hôm đi dự hội nghị Phụ Nữ, tôi có đùa anh Tấn một câu, thế là hôm sau ông ấy lập tức thay đổi kế hoạch. Ông ấy định đẩy tôi sang tỉnh ủy (sau có người nói lại cho tôi biết).
Và tôi đi không ai giúp đỡ qua một tý gì, kể cả cái giấy giới thiệu. Không ai hỏi tôi ăn ở ra sao, trong khi về hội, mỗi bữa ăn một bát cơm với canh rau muống suông và mắc võng ngủ. Tôi không có ý kêu ca về ăn ở đâu vì anh em ở đây đều khổ thế cả. Nhưng tôi kêu về sự quan tâm đến một người đến địa phương các ông ấy công tác, chưa kể là, tôi đã quen các ông ấy. Nói chung là còn rất nhiều chuyện phiền lòng. Nhàn cứ hỏi anh Châu sẽ biết, và về tôi sẽ nói thêm.
Hôm trời mưa rất to, Trần Nhật Thu đưa tôi ra bến đò đi sang bên Bảo Ninh. Qua đò tôi thấy buồn quá! Nhớ nhà, nhớ các bạn vô cùng và thầm quý mến các bạn vô cùng. Nhàn không thể hình dung tôi nhớ đến thế nào đâu. Những ngày ở Hà Nội có lẽ tôi ít nói chuyện với Nhàn hơn là Bằng và Phương. Nhưng tôi hiểu Nhàn không kém gì Bằng và Phương cả. Tôi biết Nhàn rất quý và thương tôi. Tôi không tự ái và sĩ diện đâu. Tôi được các bạn thương bao giờ tôi cũng được vui hơn, và chắc Nhàn cũng hiểu là tôi quý Nhàn như thế nào.
Tôi nghĩ rằng: “Trong cuộc đời này, nếu người ta sống chỉ có một mình hoặc chỉ có hai người mặc dù rất yêu nhau  đi chăng nữa rồi cũng chán, rồi cũng chả có ý nghĩa gì. Cho nên sống phải có xã hội và cái xã hội gần gũi nhất, cụ thể nhất của mình là bè bạn”.
Nhàn là một trong một số rất ít người bạn làm cho tôi cảm thấy cuộc đời này đáng tin cậy và yêu quý hơn. Bao giờ tôi cũng sống cho những người mà tôi quý mến. Vì thế tôi phải cố gắng vượt bản thân tôi, vượt những điều xấu mà tôi có để cho tôi, cho các bạn.
Tôi thấy tự hào về các bạn và bao giờ nghĩ đến các bạn tôi cũng nghĩ bằng tấm lòng trong sạch nhất.
Có đôi khi không viết được, tôi nghĩ rằng: “Nếu một ngày nào tôi không viết được nữa tôi sẽ tự ý rút lui. Tôi không bạn với các bạn nữa, vì tôi không còn lý do gì để chơi với các bạn. Tôi không muốn các bạn sẽ nói chuyện với tôi bằng một cái “nghĩa” là bạn cũ mà trong ý thức không bình đẳng về tri thức”. Cái hôm mà tôi ngồi chơi với Nhàn và Bằng ấy là tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi rất buồn!
Bây giờ thì tôi không nghĩ như thế. Tôi lại thấy xúc cảm với cuộc sống. Cuộc sống đáng tin yêu lắm mà sao tôi lại cứ day dứt về những cay đắng cá nhân?
Khi tôi mới về đây, tôi cũng định viết thư cho Nhàn và các bạn, muốn viết vô cùng nhưng tôi lại xấu hổ vì chưa làm được gì. Cho nên mãi hôm nay tôi mới viết cho Nhàn được lá thư có đầu có đuôi đây.
Những ngày này tôi sống cực nhọc thật nhưng mà “tự do” – cái tự do mà Nhàn đã phát hiện ra ở tôi ấy. Chưa bao giờ tôi thấy tự do và sung sướng như hôm nọ, suốt một buổi đi bộ dọc bờ biển chỉ có một mình, vì biển động, xã viên không ai ra cả. Tôi đi mấy tiếng đồng hồ, lòng tràn đầy xúc cảm (tôi không buồn đâu). Tôi cứ run lên sợ nó mất đi những giây phút như thế. Tôi đã viết một bài thơ về biển trong buổi đó - có lẽ là chưa trọn bài, vì tôi định kéo dài 40 câu nữa, nhưng sau qua khúc ấy tôi không thể viết được nữa. Khi đầu, trong óc tôi chỉ thoáng một câu thơ:
Lòng em vắng như những ngày biển động
Sau là tôi viết, viết liên miên có tính chất ghi lại cảm xúc thôi, tôi chép cho Nhàn xem - cả mấy bài khác nữa.
Các bài này tôi có ít nhiều gửi tâm trạng mình (về xã hội, về cá nhân). Nhàn thì hiểu điều đó rồi thôi, mong Nhàn vui và sống hay nhé!
Thân.
Xuân Quỳnh.


17/10/1969
Nhàn thân,
Đã lâu lắm mới được một ngày nắng, tôi và Nhật Thu đi xe đạp về Quang Phú, trên đường đi qua thị xã độ một quãng chừng hơn 200m thì có một tiếng nổ rất lớn. Trông lại thì thấy khói mù mịt. Có lẽ là bom nổ chậm. Đi gần thì thật hú vía!
Đi suốt dọc đường với Trần Nhật Thu tôi nói chuyện về Hà Nội, về các bạn, về Nhàn, nói song cảm thấy vô duyên, vì cứ làm như ai cũng quan tâm và quý các bạn mình như mình ấy.
Chiều mát, hôm nay chúng tôi định làm một cuộc đi bộ dọc bờ biển (độ 4km) sang Nhân Trạch. Chúng tôi phải đi sớm vì sợ tôi khó đi (trong lúc chờ đợi, tôi viết tiếp cho Nhàn đây). Gần một tháng sống dưới đèn dầu và bây giờ là mùa thu, tôi đôi khi nhớ đến câu thơ của tôi:
Chiều mùa thu Hà Nội vội lên đèn
Thế là tôi lại hình dung các bạn sinh hoạt, sống ở Hà Nội như thế nào. Tôi hay tự mình đem mình ra mà “trích dẫn” ra quá! Nhàn có khó chịu không? Vì tôi nhớ đến lá thư Nhàn viết cho tôi, Nhàn nói có một chút về Nhàn mà Nhàn đã sợ “lấy mình làm ví dụ”. Trong khi tôi toàn nói về mình thôi.
Nhưng tôi biết rằng Nhàn thích nghe chuyện về bạn (mà Nhàn lại sợ nói về Nhàn người ta cười) thì Nhàn cũng phải hiểu rằng tôi cũng muốn được hiểu biết về Nhàn, về các bạn chứ.
Tối, chúng tôi đã đi qua 4 km bờ biển. Thích vô cùng! Tới Nhân Trạch thì tối, hỏi thăm văn phòng Đảng ủy, cả khách và chủ đều nói chuyện thầm (không có đèn) ở một cái nhà rất trống gió.

18/10/1969
Đêm tôi ngủ trong một cái nhà đại loại như thế. Có Nhật Thu và một ông ở văn phòng cũng ở đó. Cứ thỉnh thoảng có một người đi qua tạt vào mở màn chiếu đèn pin vào lên mặt. Tôi rất khó chịu. Không tài nào ngủ được nữa.
Nằm nghĩ đến cái lối sống digan này cũng lý thú! Tôi có cảm thấy cái ngày về của tôi còn xa lắm. Hai tháng nữa kia mà! Người đi bao giờ cũng thấy lâu Nhàn ạ. Sao những ngày sống ở Hà Nội nó qua mau như vậy!
Khi tôi về chắc Bằng cũng sắp cưới rồi. VQ Phương thì đã ổn định. Những ngày tôi ở Hà Nội, tôi đã thấy cuộc sống gia đình của Phương làm cho Phương khác hẳn đi. Rồi Bằng cũng sẽ thế. Rồi đến lượt Nhàn nữa…
Lại nhớ đến câu bọn mình vẫn hay lấy thơ của Bằng ra giễu ở nhà:
Từ những năm ai cũng hóa nên gàn
Sẽ tới lúc mọi người đều không bạn
Tôi thầm cười một mình vì nghĩ đến cái hôm anh Vũ Tú Nam nhìn tôi và Nhàn đang nói chuyện, anh bảo: “Hình ảnh của bà Hằng Phương và ông Hoài Thanh tương lai”. Anh Vũ Tú Nam đôn hậu thật đấy.
Nhàn cũng có cái điểm giống anh Nam là luôn luôn nghĩ tốt về người khác. Mà người được Nhàn nghĩ là tốt ấy thì lại luôn luôn cảm thấy mình không tốt bằng những điều mình được Nhàn nghĩ. Tôi thường hay có cảm thấy như thế. Vì thật ra tôi cũng rất nhiều tính xấu. Ngay cả cái “nghị lực” như Nhàn nói tôi cũng khác mọi người. Đôi khi tôi thấy thèm một cái nghị lực bản năng như của Xuân Quý. Tôi yếu đuối quá cho nên muốn có được cái nghị lực đó thì thật là nhọc nhằn, và qua cái con đường đi tới đó, tôi cũng có thể phạm những sai sót (ít nhất là trong ý nghĩ).
Tôi cũng hay ganh tỵ và kèn cựa, nhưng rồi tôi chợt nhìn ra là tôi ty tiện quá – thì lúc ấy khổ sở vô cùng. Và còn nhiều, nhiều điều nữa mà đôi khi cảm thấy trong lòng mình chưa trong sạch. Bởi vậy, bạn bè ai quý tôi đến đâu, tôi cũng cứ nghĩ “có ngày họ sẽ chán mình” vì ngoài những thói xấu trên, mình cũng còn nghèo nàn và nhạt nhẽo như mọi người nhạt nhẽo. Để vượt qua cái xấu dần đến cái tốt thì tôi có thể phấn đấu được, nhưng để khỏi nghèo nàn và ngu dốt thì thật khó khăn, mà nhu cầu đó lại là cơ sở lâu dài của tình bạn.
Người ta có thể sống “hay” từng giai đoạn chứ khó mà giữ được cái “hay” đó cho đến suốt đời. Bởi thế cho nên có những người đã trở thành “bạn cũ” của nhau, mà tôi nghĩ người bạn là phải luôn luôn là “bạn mới” mặc dù chơi với nhau đã lâu. Đến cái lúc nào đấy để cho người bạn mình nhắc đến tên mình chỉ toàn là nhắc về những kỷ niệm thì ta đến lúc không bạn được nữa rồi. Vì lúc ấy là người ta quý mến cái người bạn xưa kia chứ không phải là mình bây giờ.
Đánh cá đèn.
Tôi nghe người ta kể chuyện đánh cá đèn rất vui: con cá nào cũng mê đèn, quay đi quay lại là cá nó về tập trung quanh đèn những đám lớn như bằng mấy cái nhà ấy.
Con cá chuồn thì bay từ xa tới rồi nằm giang vây ra, con mực lá nổi trên mặt nước chỉ cần lấy vợt mà hớt, con tôm bạc thường thì ở sát dưới đáy biển cũng nổi lên ngóc đầu trên mặt nước nhìn đèn và hai chân trước cứ đập đập.
Cả bầy cá cứ bơi vòng tròn quanh thuyền đèn. Con nào đến sau lại bơi theo hàng như đèn kéo quân ấy. Khi cá đã mê đèn rồi thì thuyền đèn dẫn cá vào lưới để đánh. Có khi đánh được mấy tấn, thuyến chở không hết, phải đổ bớt đi…
Nghe vậy tôi rất thích, xin đi đánh cá một đêm.
Đêm hôm qua (18-10) biển động, thuyền cá đi đánh cá đèn ở sông Dinh.
Chiều tối thuyền đi từ cửa sông ngược vào trong. Bên kia sông có những cồn cát nổi liên tiếp trắng xóa – tôi nghĩ đến những vùng sa mạc ở Châu Phi và những đoàn người thám hiểm bị chết khát trong sa mạc.
Khi thuyền đi đến chỗ để đánh cá thì trăng vẫn sáng. Nằm chơi một lúc chờ đến 11g trăng lặn thì bắt đầu thắp đèn lên. Nổ máy rất lâu mà chẳng thấy con cá nào tới. Chỉ có con tép bằng đầu tăm cứ lượn đi lượn lại.
Người ở bên bờ sông ra xem rất đông. Họ ngồi trên bờ như xem văn công ấy, có những ông cụ bơi cả thuyền con ra xem (nhưng vẫn chỉ có một con tép).
Khi kéo lưới lên chỉ có độ một con cá “long hội”, tức là cá nhỏ quá ăn hay bị hóc, người ta gọi đùa thế, nghĩa là cá “lôi họng”
Sau chuyến thất bại thảm hại thế, tôi và Nhật Thu về. Vì đi các thuyền khác nhau nên về trước anh Hợp (ở cùng nhà). Hai người chờ anh ấy mãi cũng không thấy về. Tôi phải bảo Nhật Thu mang võng sang một nhà Đảng ủy cách đó độ vài trăm mét để ngủ. Đèn đóm không có, tôi bấm đèn pin lên mắc màn, rồi đi nằm. Nhà trống quá mà, gió biển rất mạnh. Lại sợ vì nằm có một mình một nhà. Xung quanh không có nhà dân (ở rất xa) vì dân chưa về. Không tài nào ngủ được, tôi cứ nắm chặt lấy cái đèn pin mỗi lần thấy tiếng động.
20/10/1969
Bây giờ thì đang rất là đói. Trong lúc chờ đợi cơm, tranh thủ viết thư cho Nhàn.
Đêm qua cũng như mọi đêm, tôi bị rệp và bọ chét hoành hành, gãi cũng như Tôn Ngộ Không ấy. Khắp người nổi lên những mụn đỏ bằng hạt ngô, chuyến này chắc “ghẻ cụ Mao” rồi.
Tôi đang ở Nhân Trạch – nơi mà anh Châu đã về đấy. Tôi có phịa ra là anh Châu có gửi lời thăm các anh, các ông ấy thích lắm.
Kể cuộc sống phiêu bạt này cũng thích. Nó đơn giản đi được nhiều cái lệ hàng ngày. Gặp đâu ngủ đấy. Từ ngày đi đến giờ tôi chưa bao giờ rửa chân trước khi đi ngủ. Hôm nào mà lạnh một chút là cứ đóng cả “lễ phục” trèo lên giường thôi.
Chiều
Lại đi bộ dọc bãi biển về Quang Phú. Đi vào đường bãi bom bi may mà không đá phải. Tôi nhìn dưới chân tôi thấy một quả, lúc nhìn xung quanh độ 4m2 thì thấy có tới hàng chục quả. Chả là khi chiều vừa có cơn giông gió thổi cát đi. Bom lồi lên. Thế là hai lần chết hụt. Nếu tôi đi tối hơn, chắc bị bom rồi.
Nhàn, có lần Nhàn bảo tôi là thấy tôi viết thơ thì y như là lúc nào cũng ở ngoài biển ấy. Tôi cũng nghĩ như thế. Tôi nghĩ là tôi rất yêu biển. Nhưng hôm qua, tôi chợt nhận ra là cũng có lúc tôi chán.
Chả là khi về Quang Phú từ bãi biển vào đi qua một quả đồi. Thấy nhiều cây dại và hoa dại, khuất hẳn mặt nước. Tự nhiên tôi thấy trong lòng mừng quá! Lúc đó tôi chợt nhận ra là tôi đã chán biển.
Cũng như một hôm ở Bảo Ninh, tôi đi khắp thôn xóm chỉ thấy nhà đổ, cát và cây xương rồng. Có lần tôi ra bãi biển chợt gặp một khóm hoa trắng nhỏ, tôi bỗng mừng như gặp người quen ấy.

22/10/1969
Mấy hôm nay nắng gay gắt! Tôi đang ở HTX Quang Phú – chả biết Hà Nội có nắng không, ấy mỗi khi nắng hay mưa tôi đều nghĩ về Hà Nội như thế. Chợt nhớ đến câu thơ tôi làm hồi còn nhỏ:
Mưa có rơi trên khắp mọi nhà
Nhà chị Lan và bên bác Quán
Chắc rằng mưa cũng giống nhà ta?
Tự nhiên tôi thấy một tình cảm trẻ thơ sốc nổi. Tôi thấy nhớ Hà Nội quá. Ngày trước, hồi năm 1953, bố tôi từ ở trong Sài Gòn ra chơi, bố tôi cứ cầm máy ảnh đi lang thang khắp Hà Nội chỗ nào cũng chụp. Cụ chụp cả cái ánh đèn ở Hồ Hoàn Kiếm. Khi đi in, người thợ ảnh thấy cái phim chụp ánh đèn ấy tưởng phim hỏng nên không in cho cụ. Bố tôi cũng yêu Hà Nội như tôi, như chúng ta, cụ chỉ mong khi già được trở về Hà Nội.
Mỗi lần nhớ về Hà Nội là tôi lại nhớ đến cụ. Bây giờ tôi thêm nỗi nhớ gia đình, nhớ các bạn.
Hôm nay tôi đã đi được một tháng, đúng một tháng, thấy con đường về còn dài quá! Chả ai bắt tôi ở đây lâu đâu, nhưng tôi nhất định sẽ ở theo như điều quy ước của tôi đối với tôi. Nghĩa là: ít nhất là hai tháng. Và chắc là hơn hai tháng. Nhàn viết thư cho tôi, tôi có đi Vĩnh Linh chắc sẽ quay lại đây để tìm xe về Hà Nội.

Thân.

Còn tiếp 


أحدث أقدم