VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Năm bài viết có liên quan tới "Những chấn thương tâm lý hiện đại"


Dưới đây là hai bài viết nhân việc cuốn NCTTLHĐ của tôi được in ra lần đầu (cuối 2008) và được in lại (đầu 2016). Xin giới thiệu lại để các bạn có nhu cầu cùng đọc và...mừng cho tôi. Nhưng trước hết xin thành thật cảm ơn tác giả các bài báo, trong đó có những người quen cũ của tôi và cả những người tôi chưa gặp.

________________________________________

Về cuốn "Những chấn thương tâm lý hiện đại"
http://tuoitre.vn/tin/tu-sach/20091023/nhung-chan-thuong-tam-ly-hien-dai/343861.html




Nhìn những chiếc xe giá hàng triệu đôla trên đường phố, có người dẫn chuyện trọc phú. Nhà kinh tế có thể nói đến chuyện tiêu xài vượt xa sức chịu đựng của nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp. Còn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn lại nhìn thấy "cái tư tưởng ăn chơi đua đòi hưởng thụ bất chấp tình cảnh nghèo đói chung của cộng đồng" (Rác ngoại). Và cách sống đó, theo ông, là một căn bệnh "đã sẵn có trong nội tạng xã hội, quá trình hội nhập chỉ làm chúng bộc lộ rõ mà thôi" (Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình).
Sách có 270 trang, 30 câu chuyện phiếm luận, mà con người "sống trên đường" hay sống trên đời thường suy nghĩ. Vương Trí Nhàn đặt người đọc trước những câu hỏi: Chúng ta đang sống như thế nào? Ðiều gì có thể thay đổi? Ðiều gì sẽ phải chấp nhận mãi? Và tác giả lui lại làm người cung cấp những bài học từ lịch sử, Ðông Tây kim cổ, từ những trang sách của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, cả những F. Dostoievski, Lỗ Tấn...
Ông dẫn lại A. Chekhov kể chuyện người nông dân Nga "tháo một bulông trên đường sắt để làm đinh đóng móng ngựa", như người nông dân ấy khai trước tòa: "Thiếu một cái bulông xe lửa vẫn chạy. Còn thiếu đinh đóng móng ngựa, tôi biết làm sao cày ruộng lấy lúa mì nuôi vợ con tôi". Hay trong phiếm luận Tội làm hư dân, Vương Trí Nhàn đã trích dẫn Chính thể đại diện của John Suart Mill một cách đắc địa: "Người ta xét đoán một chính thể thông qua tác động của nó lên con người. Nó làm cho dân tốt lên hay xấu đi".
Ðọc Những chấn thương tâm lý hiện đại, bạn Trần Quang trên trang "Chúng ta" viết: "Anh viết sâu và sinh động, đọc rất thấm nên cũng rất buồn, chẳng thấy lối thoát". Quả là đáng buồn và khó tránh. Chính tác giả chắc hẳn cũng đã buồn, rất buồn khi viết thế này: "Những thay đổi theo hướng thoái hóa, tác động rất lớn, song rỉ rả mỗi ngày một chút nên dễ lọt lưới, và khi nghĩ ra thì đã muộn" (Sự cố trường diễn).

HOÀNG NAM ANH

“Cứ sống thế này thì nhắm mắt sao nổi”
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/cu_song_the_nay_thi_nham_mat_sao_noi.htm

Câu nói của nhà văn Nga Tchekhov được Vương Trí Nhàn trích lại trong “Những chấn thương tâm lý hiện đại”. Dường như, đó cũng là tiếng cảm thán của chính tác giả, và của nhiều người về sự xuống dốc của lối sống hiện nay.

“Ai bảo tôi lạc hậu tôi xin nhận”
Vương Trí Nhàn tự nhận về mình cái tiếng lạc hậu, để phát biểu lên những suy nghĩ về lối sống hiện đại mà theo ông là đang trong một cơn chấn thương mạnh.
Ông tẩn mẩn xem xét khắp lượt cái cách người ta đi lại, ăn nói, giao thương, lễ lạt, ăn uống, tiêu dùng… để chỉ ra: “Triết lý hưởng thụ thấm sâu trong những người dân thường”, và “thô bạo đã trở nên một thứ khí hậu trong mối quan hệ bình thường.”, “lối sống ô-sin” hay “sự tha hóa trong tiếng nói của ta đã bắt đầu tư lâu lắm”…
Đau đầu nhất, đáng phiền muộn nhất trong những câu chuyện ở một đất nước đang đô thị hóa chóng mặt là chuyện giao thông. Cái hỗn loạn trong giao thông là hệ quả, hay cũng là phản chiếu của sự hỗn loạn trong tâm lý.
Trong sự hội nhập của người mình – theo tác giả - vẫn không theo được lề luật chung, không bỏ được lối làm ăn tủn mủn, vụn vặt, trông tránh được gian dối. Hội nhập làm rõ thêm những khuyết điểm cố hữu trong bản thân xã hội tiểu nông.
“Còn những cái mất, những hư hỏng như học đòi học mót, đua đả hưởng thụ quên cả lịch sử tổ tiên mà gần đây ai cũng thấy chướng? Bởi chúng xuất hiện nhiều trong thời hội nhập nên ta tưởng tất cả lỗi là từ ngoài vào. Nhưng nói thế là nhầm.
Cái chính là những căn bệnh đó đã sẵn có trong nội tạng xã hội, quá trình hội nhập chỉ làm chúng bộc lộ rõ mà thôi.” (Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình)

"Thế nghĩa là thế nào?"

Nhiều sự chướng tai gai mắt thế, lắm cảnh ngược đời thế, thế nghĩa là thế nào? Cái đạo lý nào lại sinh ra những chuyện ấy?
Trong mỗi mẩu chuyện riêng, tác giả dần đưa ra một vài kiến giải riêng. Cái căn nguyên cội rễ được nhắc lại khá nhiều lần là những tàn tích tinh thần từ chiến tranh.
"… Tuy đã ra khỏi chiến tranh, song cái thói quen sống một mình ở cả cộng đồng càng được cố kết lại để làm nên nhiều ảo tưởng. Khả năng tự nhận thức lúc ấy bị hạn chết. Ta bằng lòng với mình. Ta ngại thay đổi. Ta thấy chỉ có ta là nhất.
Từ góc độ của những người từ chiến tranh bước ra, cái tội không thạo việc thạo chuyên môn chỉ là chuyện nhỏ, đánh nhau khó bằng mấy còn làm được, nữa là quản lý kinh tế, cứ quyết tâm và có kỷ luật là hoàn thành tất. Nhưng có phải sự đời đơn giản thế?" (Tôi nghiệp dư, anh nghiệp dư, nó cũng nghiệp dư)
Hay như trong một mẩu chuyện khác ông viết:
"Không khó khăn gì lắm để tìm ra lý do khiến chúng ta có nhiều thói xấu như vậy. Trước hết là cuộc chiến tranh kéo quá dài. Trong Câu chuyện triết học, phần viết về H. Spencer, W. Durant cho rằng “xã hội chiến tranh thường ca ngợi một vài đức tính (nguyên tắc ứng xử - VTN) và dung túng cho những việc mà các dân tộc khác xem là có tội”.
Nếu nơi không chiến tranh, con người quảng đại và nhân đạo, thì nơi chiến tranh kéo dài, người ta quen với cướp bóc phản bội. Đây là luật phổ biến song người ta thường quên và tự cho mình là một ngoại lệ.
Con người hôm nay lao vào cuộc làm ăn kinh tế, mà thói quen sống kiểu chiến tranh còn nguyên vẹn. Kinh tế thị trường rút lại được hiểu là thói cạnh tranh không lành mạnh, nói nôm na là chúa đã chết, ai luốn làm gì thì làm. Thành thử có xảy ra lộn xộn hỗn hào thì cũng là điều dễ hiểu. Từ chỗ chăm chăm chửi bới kẻ giàu cho rằng kẻ giàu là xấu, nay người ta lao vào làm giàu để rồi lãnh đủ những xấu xa bỉ ổi đó, và đưa cái ác lên một trình độ hiện đại đáng sợ.
Trong trạng thái như lại muốn thốt lên “cứ sống thế này thì nhắm mắt sao nổi”, tác giả nảy ra một ý:
Tòa án thường chỉ xét những tội cụ thể. Nhưng tôi tưởng tất cả các quan chức một khi hư hỏng, ngoài hành vi phạm pháp, còn phải xét thêm một tội nữa: Tội ngấm ngầm thúc đẩy và dung túng dân làm bậy. Tội làm hư dân." (Tội làm hư dân)

Không lẽ, lại như lời của một nhân vật, mà tác giả đã nhận là “vô cảm, nhưng là thực tế”:
“Khi không thay đổi được hoàn cảnh, tốt hơn hết là chấp nhận cho xong. Chứ đã biết là không ngăn chặn được tình trạng này từ gốc, mà thỉnh thoảng lại nổi cơn sụt sùi thương xót, cho phép nói thật nhé, thấy buồn cười lắm.” (Tổ chức đời sống nông dân sao đây?)

Và đôi lời về sự bế tắc…

Chỉ ra những khuyết điểm trong đời sống tinh thần của xã hội là một điều quan trọng để tiến đến nhận thức đầy đủ về bản thân xã hội. Và điều được mong đợi hơn cả là chỉ ra một lối thoát. Cả hai điều này, người đọc đang rất trông chờ ở giới nghiên cứu VN.
Dù có không ít cuốn sách tự trào, tự giễu về các thói hư tật xấu của người Việt Nam, (chưa kể, hàng ngày trên báo chí có rất nhiều bài viết cùng dạng này), nhưng hiếm thấy một cuộc điều tra xã hội học nào rộng khắp, hay một nghiên cứu đầy đủ nào với các dữ liệu thực tế, thực hiện trong một thời gian đủ dài với số lượng mẫu hỏi đủ lớn để đưa ra các kết quả thực tế.
Các nhà nghiên cứu thường chỉ dừng ở góc độ quan sát các nhân, trong vùng phạm vi trải nghiệm của họ về cuộc sống xung quanh. Do vậy khó tránh khỏi sự thiếu tính phổ quát về các vấn đề mà họ gọi là “người Việt”, hay “xã hội ta”.
Tương tự, các khái niệm thời gian thường chỉ được nói đến một cách chung chung “ngày nay”, “bây giờ”…, thay vì được xác định cụ thể trong một giai đoạn thực hiện nghiên cứu cụ thể.
Vì những điều nói trên, nên có lẽ việc đòi hỏi người viết đưa ra các giải pháp để giải quyết các hạn chế nhận thức xã hội và tâm lý của người Việt là một điều chưa thể. Vẫn biết các biểu hiện của các “thói hư tật xấu” có muôn hình vạn trạng, nhưng làm thế nào để thay đổi, thay đổi bắt đầu từ ai/cái gì? Khi không có những cứ liệu phân tích cụ thể trên diện rộng, thì làm sao có thể đưa ra giải pháp có tính thực tiễn?
Người đọc – bao gồm cả những người đang nhận thức được chấn thương tâm lý của bản thân mình và những người xung quanh – vẫn đang chờ đợi ở các nhà tâm lý một sự kiến giải rõ ràng hơn
Linh Thủy (Tuần Việt Nam)

"Bắt thóp" những thói xấu của người Việt
http://anninhthudo.vn/blog-nghe-si/bat-thop-nhung-thoi-xau-cua-nguoi-viet/662760.antd


ANTĐ - Mặc dù được đúc kết từ những sự kiện xảy ra trong hơn chục năm, lại từng được đăng tải trên nhiều mặt báo, trang web nhưng những vấn đề đặt ra trong cuốn “Những chấn thương tâm lý hiện đại” của nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn vẫn không hề cũ. Đọc sách của ông, người ta vừa thích thú trước lời văn tỉnh táo, sắc lẹm, vừa không khỏi băn khoăn: Chúng ta đang sống như vậy thật sao?

Người Việt đang bị bệnh “sốt ruột”

Bạn đọc chắc không quá xa lạ với nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Không chỉ là một người nặng lòng với văn chương, nhiều độc giả biết đến ông qua những bài báo, bài nghị luận sâu cay vạch trần những thói hư tật xấu của xã hội. “Những chấn thương tâm lý hiện đại” có thể coi là một khảo cứu khá thú vị của ông về xã hội hiện đại, trong đó tập trung chủ yếu vào đời sống người dân thành thị.
Ở đây, có thể nói, Vương Trí Nhàn đã không ngừng quan sát, để rồi chỉ ra, lý giải một cách cặn kẽ căn nguyên những biểu hiện lệch lạc, sự thoái hóa, xuống cấp của xã hội. Một trong những “căn bệnh” được Vương Trí Nhàn nhắc đến nhiều đó là căn bệnh “sống vội”, bệnh “sốt ruột”: “Hình như nay là lúc ai cũng vội. Hằng ngày mở mắt ra đã thấy bao nhiêu việc chờ mình. Ý nghĩ chúng ta đi quá nhanh. Mà tốc độ đi lại quá chậm”.
Thói quen sống gấp, sống vội tưởng chừng chỉ là một sản phẩm tất yếu của xã hội công nghiệp, chẳng hại đến ai, hóa ra đã len lỏi khắp các ngõ ngách, dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của mỗi người, khiến người ta dần đồng lõa với cách làm việc qua loa, đại khái, cẩu thả, thiếu trách nhiệm.
Lĩnh vực viết báo, viết sách cũng vậy. Theo Vương Trí Nhàn, nếu như hồi năm 1986 trở về trước, khi ở Hà Nội chỉ “lom đom” dăm bảy tờ báo, sách viết xong không chắc đã có giấy để in thì người ta không ai bảo ai viết cái gì cũng đậm đà, chậm chạp. Nay thì “…vừa nghĩ ra cái đầu đề đã ngồi ngay vào bàn, bản thảo chưa hoàn thành đã giục nhà xuất bản xin phép cho in”, để đến nỗi khi nhìn lại những gì mình viết mới thấy đã “sa vào vòng tay của sự làm liều, làm ẩu lúc nào không biết”.
Không chỉ nhắc đến “căn bệnh thời đại”, Vương Trí Nhàn còn sắc sảo bắt bệnh những thói xấu của người Việt, chẳng hạn như “bệnh ảo tưởng”, “thích ồn ào”, “chuyện sùng ngoại”, “nạn cờ bạc”… Ông thậm chí gọi văn hóa giao thông mà chúng ta đang có là một cuộc “biến hình khốn khổ” khi mỗi người tham gia giao thông thay vì nhìn nhau với ánh mắt thiện cảm, lại luôn thường trực một tâm lý “kẻ thù”, sẵn sàng tranh giành nhau từng centimet, nạt nộ nhau khi xảy ra va quệt. Rồi vô vàn những “chấn thương” tâm lý khác mà con người ta không lý giải nổi.

Sự trở lại của phiếm luận

Ngòi bút Vương Trí Nhàn tài tình ở chỗ ông kết hợp nhuần nhuyễn những tri thức sách vở với những câu chuyện thế sự, bằng việc sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, trực diện nhưng cũng đầy sâu cay. Đọc “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, độc giả thấy thích thú khi được gặp gỡ một cây bút không những thông tường văn chương mà còn nắm bắt từ chuyện Tây, chuyện Tàu… và móc nối chúng với những vấn đề nóng hổi của cuộc sống hôm nay.
Với mỗi vấn đề, nhà phê bình này lại có một cách tiếp cận rất đa dạng, khi thì “thẳng tay” vạch rõ khiếm khuyết, khi thì lồng ghép trong một câu chuyện tản mạn, vô thưởng vô phạt nhưng cũng đầy thâm thúy. Cái hay ở đây là mặc dù ngôn ngữ rất thẳng, rất quyết liệt nhưng không nặng về giáo điều hay lấy hiện tượng để quy chụp cho toàn thể.
Người đọc có thể thấy đôi khi ông “đi ngược”, tức là thay vì đồng ý với số đông thì tìm cách lý giải, mổ xẻ vấn đề theo điểm nhìn khác thường. Giống như tiêu đề một bài viết của ông - “Cái đúng hôm qua nay không đúng nữa”.
Có người nói “Những chấn thương tâm lý hiện đại” đánh dấu sự trở lại của thể loại phiếm luận - vốn tồn tại dưới nhiều tác phẩm đơn lẻ chứ ít khi chịu đứng riêng thành một tác phẩm độc lập. Với riêng Vương Trí Nhàn, người đã hơn chục năm nay theo đuổi thể loại phiếm luận, thì cuốn sách này giống như sự đối thoại giữa những con người khác nhau trong ông.
Trong cuộc đối thoại kỳ lạ đó, người đọc ắt hẳn đã nhìn thấy những lúc đồng cảm, nhưng cũng có cả những cuộc tranh cãi nảy lửa để rồi đi tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta đang sống như thế nào”, và “Tại sao lại có tình trạng nhân thế như chúng ta đang thấy”. Và kết quả, dù đấu khẩu hay “hòa bình” thì ngòi bút ấy vẫn hướng con người tới những điều tích cực, để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, hay chí ít là giảm thiểu những ung nhọt, những căn bệnh “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Mai Anh (An ninh Thủ đô)

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: Trăm sự chỉ vì chữ “vội”!

http://laodong.com.vn/van-hoa/nha-phe-binh-van-hoc-vuong-tri-nhan-tram-su-chi-vi-chu-voi-536163.bld



“Hiện đại hóa làm nảy sinh bao bi hài kịch về tâm lý con người, trong đó có chuyện chúng ta “vội”. Vội chen lấn, vội thăng tiến, vội mưu sinh, vội like, vội share, vội chỉ trích, lại cả vội tha thứ… - trăm nghìn kiểu “vội”! Sập cầu, nổ bom, quấy rối tình dục (không từ cả trẻ em)… - cũng là từ chữ “vội” ấy mà ra cả chứ đâu!” - Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia sẻ với “Buffet cuối tuần” về “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, cũng là tên cuốn sách vừa xuất bản của ông.

“Chấp nhận đôi khi giúp tránh được tổn thương”
Thật ra, lúc này mà còn gọi ông là nhà phê bình văn học thì vẻ như không được chính xác lắm nhỉ?
- Đúng là, trong khoảng 8 năm trở lại đây, kể từ ngày nghỉ hưu, có thời gian đi đây đi đó, sống chậm hơn, ngắm nhìn thời cuộc nhiều hơn nên sự quan tâm của tôi dần ngả về phía những vấn đề văn hóa xã hội, chứ không chỉ gói gọn trong trang sách, đời sống văn học, chân dung các nhà văn… như trước đây nữa. Một phần có thể là do sau hàng chục năm làm nghề, “ông già về hưu” ấy đã đến hồi cạn vốn nên buộc phải mở rộng trường quan sát của mình hơn, nếu như còn muốn tiếp tục cầm bút và cầm bút có trách nhiệm, để đối thoại với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ hôm nay, những người bạn của tôi trên FB...
Tuy nhiên, cũng lại phải là một nhà phê bình văn học, có một bề dày quan sát, nghiên cứu lâu năm thì mới có thể đưa ra những liên hệ, soi chiếu độc đáo giữa những vấn đề hôm nay với những câu chuyện, những khảo cứu… đã từng được các lớp nhà văn đi trước kể lại trên trang sách?
- Có những liên tưởng đến một cách tự nhiên, cũng có những cái cần tìm tòi, khảo cứu, theo kiểu “nói có sách, mách có chứng”. Âu cũng là một cách “tựa lưng” vào những giá trị chưa bao giờ cũ như văn học tiền chiến, văn học Nga Xô viết…; những Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải… và cả những F.Dostoievski, A.Tchekhov, Lỗ Tấn... để rọi vào những vấn đề của cuộc sống hôm nay.
Bằng cách soi rọi đó, “Những chấn thương tâm lý hiện đại” kể từ lần in đầu tiên vào năm 2009 có thể nói là đã ít nhiều đưa ra được một số dự báo, cảnh báo mà cho đến hôm nay vẫn còn là những vấn đề nổi cộm. Lần ra được sợi dây liên hệ giữa cái hôm nay và hôm qua hẳn cũng là một cách giúp chúng ta bớt đi được cảm giác hoang mang thái quá trước những biến chuyển của thời cuộc và lòng người.
Là một nhà phê bình văn học, nhưng từng học giỏi các môn khoa học tự nhiên nên ít nhiều trong cách nghĩ, cách viết của tôi cũng có phần được dung hòa hơn giữa hai thế mạnh. Đọc “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, đôi lúc bạn cảm thấy như có hai người đang “cãi nhau” trong cách nhìn nhận một vấn đề thì đó chính là hai con người ấy. Nếu không có cái nền tư duy hiện đại, giàu tính phản biện ấy, hẳn là tôi đã không có được độ “mềm” của tư duy như trong những trang viết gần đây. Một độ mềm đủ để không nhìn mọi việc bằng con mắt quá bi quan, cay nghiệt, cũng không đến mức “lạc quan tếu”.
Đại loại: Ở hiền chưa chắc đã gặp lành; một “nhân” có thể sinh ra nhiều “quả”, lại cũng có khi nhiều “nhân” lại chỉ sinh được một “quả”… Chấp nhận những điều không dễ gì chấp nhận đó, đôi khi cũng là một cách để chúng ta tránh được phần nào những tổn thương trong đời sống hiện đại.
“Người nghèo mưu sinh, người giàu… sinh mưu”
Từng là biên tập viên NXB, chứng kiến quy trình gồm nhiều công đoạn để xuất bản một cuốn sách, và sau đó là một ông già sành blog, Facebook, có thể tự xuất bản những bài viết của mình một cách nhanh nhất, ông nghĩ sao về bạn đọc trẻ hôm nay?
- Nhiều người già tỏ ra bi quan về lớp trẻ hôm nay nhưng tôi thì không. Tôi thậm chí còn đánh giá rất cao các bạn đọc trẻ của mình và không hề nghĩ họ hời hợt, trong cách họ giao lưu với tôi tại hội chợ sách mới đây, hay trước giờ, trên FB, blog… Nếu văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay bị cho là có vấn đề thì tôi nghĩ lỗi trước hết và trên hết phải là ở người viết. Còn nếu như cách viết, cách đặt vấn đề của bạn gần gũi với người trẻ thì chắc chắn họ sẽ đối thoại với bạn một cách rất nghiêm túc và sâu sắc hơn bạn có thể tưởng tượng nhiều. Điều thú vị nhất của việc tự xuất bản một bài viết hay một cuốn sách trên mạng, đấy là được tương tác, đối thoại rất sôi nổi, “kịch tính” với các bạn đọc trẻ.
Tôi tưởng từ “Vội” - một trong những căn bệnh của thời hiện đại mà ông chỉ ra trong cuốn sách là để nhằm vào người trẻ?
- Đâu phải chỉ mỗi người trẻ. Bao người trong chúng ta đều đang “vội” cả đấy thôi! Hiện đại hóa làm nảy sinh bao bi hài kịch về tâm lý con người, trong đó có chuyện chúng ta “vội”. Vội chen lấn, vội thăng tiến, vội mưu sinh, vội chiếm đoạt (tình yêu hay của cải), vội thay lòng đổi dạ, vội like, vội share, vội phê phán, chỉ trích; lại cả vội tha thứ, bỏ qua nữa… - trăm nghìn kiểu “vội”! Sập cầu, nổ bom, quấy rối tình dục (không từ cả trẻ em)… - cũng là từ chữ “vội” ấy mà ra cả chứ đâu! Người nghèo chết vì mưu sinh, người giàu chết vì… “sinh mưu” - nhiều khi là thế. Đến lành hiền như nông thôn mà giờ cũng nhiều chuyện tan nát lắm: Vợ chồng bỏ nhau dễ dàng, con gái mới lớn giờ nghe từ “ngàn vàng” như chuyện của ai, không liên quan...
Những chuyển động bất quy tắc (trong đó có cả quy tắc đạo đức) đang khiến xã hội trở nên hỗn loạn, nhốn nháo, thiếu quy hoạch, thiếu phép tắc… và đáng lo ngại nhất, là những hỗn loạn trong đời sống tâm lý của mỗi chúng ta, đặc biệt là những người trẻ có sức đề kháng thấp. Sự hỗn loạn là tất yếu, nếu như ngày càng có thêm nhiều người cho rằng: Chỉ có những điều không làm được, còn thì không có những điều không được làm, và cùng đó, là những mục tiêu ngắn hạn, trước mắt, hoặc được chăng hay chớ, hoặc bằng mọi giá. Nhiều người trong chúng ta gần như không biết đến sự tồn tại của khái niệm “lý tưởng sống” mà chỉ đơn giản là có lối thoát hay không có lối thoát, được hay mất...
Chúng ta (trong đó có không ít người nổi tiếng) thường nói rất nhiều, nhưng vấn đề là liệu có làm được điều gì tử tế cho cộng đồng… Hoặc có kiệm lời, thì cũng chẳng qua là vì đang cắm mặt vào cái điện thoại và cắm cúi “còm”, like…, không cần biết đến sự tồn tại của người bên cạnh, kể cả là những người cùng nhà, ngay trong một bữa cơm…
Ông đừng bi quan thế chứ! Tôi biết ông mê thơ Lưu Quang Vũ, có cách nào để vừa ghét mà cũng vừa “yêu quá đời này” được không?
- Thì đúng là Lưu Quang Vũ cũng từng hỏi thế mà: “Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi/ Về cuộc đời ghê gớm ta yêu”. Và chính anh cũng nói: “Hãy bình tĩnh, bình tĩnh/ Những khuôn mặt những vòng xoáy những đám mây/ Sẽ hiểu được sẽ không còn đáng sợ/ Chúng ta sẽ chịu được khổ đau sẽ làm việc/ Đóng một cái đinh treo một tấm áo/ Và yêu nhau dưới một ngọn đèn…”.
Vâng, rốt cuộc vẫn là không nên “vội”! Cảm ơn ông.
THỦY NGUYÊN (thực hiện)

Người trẻ và những chấn thương tâm lý hiện đại

http://www.doanhnhansaigon.vn/doi-thuong/nguoi-tre-va-nhung-chan-thuong-tam-ly-hien-dai/1096489

Rất lâu sau khi nổi tiếng với loạt bài nghiên cứu những tính xấu của người Việt cách đây hơn 10 năm, tên nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn mới lại xuất hiện trên kệ sách Nhã Nam với tựa sách rất lôi cuốn: Những chấn thương tâm lý hiện đại.

Thật sự nếu là tác giả khác, có lẽ tôi không muốn đọc, bởi thời bây giờ nhấp chuột máy tính đọc báo, bạn sẽ cảm nhận về một xã hội tổn thương sâu sắc lắm rồi. Nhưng nhãn quan của Vương Trí Nhàn không chỉ chứa đựng kinh nghiệm của người già, mà còn là tư duy khoa học, xã hội nghiêm túc, một sự soi rọi xã hội với tính triết lý cao.
Ông Vương Trí Nhàn nhớ thời chiến tranh, để vận động thanh niên nhập ngũ, những người lên đường ra chiến trường chưa tốt nghiệp cấp 3 vẫn được nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp. Những thanh niên có tiền sự, càn quấy, nếu nhập ngũ lại thành người tốt. Nghĩa là xã hội vận hành tất cả cho mục đích chiến thắng. Ngày nay, giữa bối cảnh xã hội mà luật pháp chưa đủ chặt chẽ, cả xã hội vẫn ngấm ngầm cổ vũ cho tư duy "làm tất cả để chiến thắng", tạo ra vô vàn kẽ hở để nhà nhà "tặc lưỡi" làm quen với những việc làm trái quy định để trục lợi cho bản thân, cho ngành của mình, và vẫn được xem là có công hơn có tội với guồng máy đang vận hành.
Tôi tâm đắc nhất bài phiếm luận "Những tù binh của lợi ích trước mắt" của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, trong đó ông viết con người chỉ sống cho giây phút hiện tại, chỉ cần tồn tại và thắng. Con người đang ngày càng mệt mỏi, buông thả, hoặc hung hãn, bất cần, hoặc ôm vào người thứ lý luận của kẻ bị bần cùng hóa: "Mình không ăn, không lấy thì thiên hạ cũng lấy, cũng tham nhũng, cướp giật hết".
Hoặc đề cập triết lý sống mới: "Cả xã hội cũng như cá nhân phải biết kiềm chế sự ham muốn của mình, hay nói cách khác phải có ý chí mạnh mẽ là sản xuất nhiều hơn tiêu thụ”. Đó chính là nước Nhật, một đất nước mạnh mẽ, thần kỳ trong tạo ra của cải, nhưng cũng tạo ra con người cần kiệm, khiêm tốn làm tiền đề chính của sự phát triển.
Trong khi đó, sự tiêu thụ ở người Việt hiện đại giống như "ăn trả bữa", tàn phá hết thiên nhiên, tàn phá cả văn hóa và đạo lý, dẫn đến làm suy sụp hệ thống giáo dục và đạo đức xã hội. Một cái nhìn không lạc quan, nhưng rất nghiêm túc về nền tảng nghiên cứu xã hội học Việt Nam khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây.
Tôi nghĩ, những quan điểm phiếm luận này đặc biệt quan trọng với doanh nhân, những người nắm những phương tiện sản xuất, nắm con người và tạo ra của cải cho xã hội nhiều hơn những người khác trong xã hội.
Chưa hết, ông Vương Trí Nhàn sau các phân tích về xã hội bỗng kết thúc bằng một phiếm luận: "Càng trẻ, chấn thương càng nặng!", đặc biệt trong lối sống thụ động, đặt hết vui, buồn của chính mình trong bàn tay thao túng của kẻ khác vì không có nền tảng tốt trong giáo dục nhân cách. Bạn có lo sợ không khi đọc điều này?
Những người lớn tuổi đã tiếp thu một nền văn hóa truyền thống, ít nhất còn được trang bị nền tảng để bình tĩnh tiếp nhận và chọn lọc cái mới, có sức đề kháng. Vậy những người trẻ sẽ đối diện thế nào với những chấn thương tâm lý hiện đại, như tiêu đề của cuốn sách?
Rất lý thú với lý giải sâu sắc của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. Ông nói, suốt thời trung đại, Việt Nam không chế ra được văn tự riêng, phải dùng chữ Hán. Sau này người ta chế ra chữ Nôm, có khác đi, nhưng ác nỗi muốn biết chữ Nôm phải giỏi chữ Hán. Nghĩa là gì? Ông cho rằng chính các nhà nho xưa muốn thế, nếu học chữ dễ dàng thì ai cũng học được cả, còn gì là một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, tìm ra thứ chữ dễ học, trao cần câu cơm cho người khác à, đâu dễ và không đời nào họ chấp nhận.
Đặc quyền đặc lợi cho riêng một tầng lớp luôn ám ảnh tâm lý xã hội hiện đại. Mình thành công trên sự thất bại của người khác. Mình có đời sống tốt trong các khu đô thị nhà giàu riêng mới thấy sung sướng. Mình đi ô tô trên con đường đông nghẹt xe máy mới thấy thoải mái. Cả xã hội đang hoang mang với chuyện thực phẩm nhiễm độc thì một bộ phận người ung dung khoe khoang sử dụng rau và thịt đưa từ nước ngoài về. Cái tâm lý nguy hiểm đó, nhân cách méo mó ở đó, chứ không đâu xa lạ!

HỒNG BÍCH


أحدث أقدم