VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hà Nội đầu 1975 ( nhật ký chiến tranh)

Loạt nhật ký chiến tranh này của tôi, đã đưa rải rác trên blog mấy năm nay và kết lại bằng phần  Những tháng ngày ngột ngạt -- nhật ký Hà Nội 1974 (kỳ II) đưa ngày  5-5 - 2014.  
Sau đây là phần  cuối của cuốn  NHẬT KÝ CHIÊN TRANH   phần  bắt  đầu từ 2-1-1975 và khép lại vào ngày 2-5-1975.



Đầu 1975
    2/1
     Hà Nội mùa xuân, bao nhiêu màu xanh rút lại cả cho trời, và bao nhiêu màu đỏ, rút cả vào cho hoa gạo. Tôi đã thấy nhiều hoa gạo, nhưng đẹp nhất vẫn là những khi cành gạo nghiêng nghiêng hướng về phía mặt trời, cái cảnh này tôi chưa thấy bao giờ, và chỉ mùa xuân năm nay, trong cảnh đèo mì chạy gạo về nhà, tôi mới bắt gặp hoa gạo bùng nổ như vậy.

    Mùa xuân là gì? Là những mùa xen kẽ nhau. Sớm mai lành lạnh như trời rét. Trưa trời xanh nao lòng như một ngày hè. Cùng ra vẻ ngày hè là những viên đá rải đường, đá trắng lên sau mưa.
   Mùa xuân khuyến khích tất cả sinh sôi.
   Trên tất cả, mùa xuân là mùa của khả năng, tất cả cái khả năng đều hình thành, và đều hứa hẹn, khiến mỗi chúng ta đều thấy nao lòng. Cả những khả năng tốt lẫn khả năng xấu đều có mặt. Mùa xuân nuôi dưỡng nhưng cũng có thể giết chết chúng ta bởi sự choáng ngợp của nó. Mùa xuân làm chúng ta sướng run lên, nhưng cũng là mùa xuân gây bao nhiêu khốn khổ. Mùa xuân phiền não, bởi mùa xuân quyến rũ.
      Thà cứ như mùa hè mùa đông, nó thách thức bằng cái vẻ cay nghiệt của nó, lại khiến chúng ta bình tâm.
    Thà cứ như mùa thu, ta tiếc nuối một cái gì đã qua bởi ngần ngại nhìn về phía trước.
    Mùa xuân ngược lại với tất cả những mùa còn lại.
    Sao đôi lúc, tôi cứ sực nghĩ, thấy nhớ lại những kỷ niệm mấy năm qua.
    Cuộc chiến ghê gớm này, chính vì mong muốn qua đi, nên phải xem lại nó một cách cẩn thận. Bài học của kháng chiến chống Mỹ, không ngoài bài học hành động, bài học sống. Sống có phương hướng, sống cả quyết, sống biết bằng lòng với hiện tại, sống thận trọng với những gì đang có nhưng lại biết chuẩn bị cho những ngày tới.
   Nếu hỏi ngay về khu 4, rất lộn xộn, tôi nhớ rất nhiều.
   Nhớ con đường thẳng ở Kỳ Anh (hiếm có nơi nào đường thẳng như vậy). Nhớ đèo Ngang, chỗ mưa chỗ nắng; nhớ cái miếu bên đường, nơi các văn nhân thi sĩ đi qua thường ghé lại.
   Những em bé kéo vó trên phà Ròn, trên Quán Hầu.
   Chiếc xe ô tô lặn lội vượt qua những quãng ngầm gần đèo Lý Hoà.
    Bụi mù trên con đường Đá Mài... Đoạn đường xóc, đường đỏ bụi, từ Vĩnh Linh ra Đồng Hới...
    Miền đông và miền tây của khu Bốn,  bắc và nam của khu Bốn. Có nơi  hoang vắng, tưởng như chỉ là một mảnh đất, để cho những TNXP đi qua bộ đội đi qua. Nhưng bỗng chốc, người dân khu Bốn đó, như một thứ thổ dân kỳ dị, hiện ra như cây cỏ, như một thảm cỏ dại và  hoa rừng nảy trên mảnh đất cằn.
    Quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến giữa người dân và chiến sĩ, đến với đất khu Bốn, thành ra một thứ quan hệ kỳ lạ: những sự nương tựa vào nhau, những sự bóc lột nhau, vừa thương mến, vừa hành hạ. Đi thì nhớ, ở thì thấy “kỳ “ không quen.
    Những ông già bà già tham lam. Những dải cát dầu dãi.
    Cái trù phú của khu Bốn. Cũng có trù phú đấy chứ, những xóm làng trên kia, trên Hương Sơn... Còn dưới đồng bằng này chiến tranh đã cày xé tất cả.
    Cái cằn cỗi của khu Bốn. Thì hẳn rồi! Cái cằn cỗi khiến cho sự sống được đẩy tới cái ranh giới với cái chết, và chiến tranh thành một lẽ sống.
   Tôi cũng không bao giờ quên được lần đi bộ trên đường số 1.
   Đường ô tô tắc, từ Vinh ra đến Thanh Hoá, có đoạn chúng tôi đi ngay giữa  đường số1. Một buổi chiều lặng lẽ, con đường vắng vẻ, những hàng cây phơi ra trong nắng. Làm gì có chiến tranh ở đây nếu không có những quãng đường bị bom đánh đất đỏ phủ đầy đường?  Không, nó đấy, chiến tranh đấy, chỉ có trong chiến tranh mới có những đoạn đường nhựa sạch bong không người qua lại.
   Những quãng nghỉ, gần như chúng tôi có thể nằm bò ra đường được. Nhìn ra chỉ có một ít người dân của mấy làng xóm quanh quẩn ở đấy, và một vài người đi xe đạp.
    Cứ thế, thẳng mãi con đường thông ra đến tận Hà Nội. Nhưng làm gì có chuyện thẳng mãi, nên mới lại cảm thấy quyến luyến với những quãng đường ngắn ngủi này.
   Trở về thăm Hà Nội những ngày sơ tán, đôi khi tôi cũng gặp cái cảm giác  thanh vắng vậy. Phố xá sạch sẽ một cách kỳ lạ, sự thanh tĩnh chỉ có trong những năm chiến tranh.

    26/1
    VN khác thiên hạ thế nào?
    Ở các nước ăn chậm đi nhanh, nước mình ăn nhanh đi chậm. Mọi thứ đều đắt, chỉ có người là rẻ.
     Ở các nước, sản xuất mẻ đầu bao giờ cũng là thí nghiệm những mẻ sau sẽ khá hơn. Ở nước mình, chỉ được có mẻ đầu là khá. Những mẻ sau, sẽ kém hơn năng suất hụt, chất lượng yếu đi.
     Người Việt Nam hôn thì hôn bí mật đái thì đái công khai. Nhà như đường, đường như nhà. Cứ xem như giao thông thì biết. Người trào ra đầy đường. Người cản xe đạp, xe đạp cản ô tô. Muốn lách đi, nhiều lúc tốt hơn hết là lách vào trong, chui vào giữa mớ thòng lọng đó...
...
     Tôi còn biết mô tả thế nào khác hơn -- Đó là cái xã hội tôi đang sống.
    Lòng yêu đời không sao phai nhạt  nổi trong lòng. Đọc sách, tôi luôn tìm được những câu nói lạc quan, và tôi hiểu là phải lạc quan. Nhưng nhìn ra đời, lại chỉ thấy bi quan.
   Một phương diện khác, dạo này tôi hay nghĩ ngợi, là cả cái phương Đông này nó vậy. Có lẽ tôi sẽ không nên tìm đọc phương Tây, vì đọc xong đối chiếu, chỉ thấy xã hội phương Đông là ngán ngẩm.
   Một ví dụ tôi mới tìm thấy, là Hàn Tú Anh. Phải chính Hàn Tú Anh nói, là ở phương Đông ở xứ Trung Hoa này, người ta không quan niệm sống là hưởng hạnh phúc.
   Một nhà triết học Mỹ, nói về đời sống tinh thần con người trong chiến tranh.
Không biết rằng về sau này nhân dân sẽ coi các sĩ quan, các quân nhân là những người anh hùng hay là những bọn đểu giả. Phần lớn bọn họ cho rằng hiện nay nên đơn giản thôi, không nên chú ý đến vấn đề nhân tâm đạo đức, quên nó đi được chừng nào hay chừng ấy. Tốt hơn hết là hãy nên để cho lương tâm yên ngủ, người ta làm gì thì mình làm nấy, lệnh bảo sao thì cứ làm như vậy. Còn tương lai ra sao mặc nó. Ai mà biết được tương lai rồi sẽ ra sao? Hầu hết lính tráng trong thời chiến đều cảm thấy họ bị hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc sống họ đang sống, đến nỗi họ đành chịu phó mặc tương lai và ý nguyện của họ cho cấp trên, và chỉ biết sống một cách thoải mái trong cái đám đông vô danh tiểu tốt mà thôi.


     29/1
    Ông Khải:
   -- Ở nước mình bây giờ, chẳng ai có gì tài cả, chỉ có người nói là tài. Như hôm họp ở Nxb QĐND, thằng Lựu nói hay quá còn gì? Chỉ có nói thì nhất trí từ trên xuống dưới.
     ---- ...
    -- (nhiều lần) Thật là từ trên uống dưới toàn chữ là chữ, lúc nào cũng thấy chữ.
    --- ...
    -- Ông I. vừa  kể chuyện có một người giúp việc. Bà này buôn bán rất giỏi, cứ ra chợ trông thấy cái gì có thể kiếm được là bà ấy mua ngay. Một lần ra thấy người ta bán pin, bà ấy ẵm con bé con vào mua được một đôi, lần sau lột áo mình thay bằng áo đứa trẻ, vào mua được đôi nữa, ra bán lấy tiền.
     Trước cách mạng bà ta cũng đi ở. Sau cách mạng, bà ta cũng đi ở. Chỉ được cái trước người ta gọi là người ở, nay là người giúp việc, và có thể gọi ông chủ bằng cậu, ai đến chơi, cũng cung kính quý mến, người nhiều tuổi gọi bằng bác, người ít tuổi gọi bằng mẹ, thế là phấn khởi rồi. Một người dân thường cũng thích chữ, thích tiếng, còn nói gì ai?
    -- ...
    -- Thật lắm lúc, trông thấy ai cũng chán. Như bên Hội Nhà văn, bà Lê Minh lúc nào cũng thì thà thì thào. “Này, bây giờ ông đi là phải lắm...”, ông Trọng Hứa trêu mình nói vậy. Trông ông Trọng Hứa ngồi sau xe ông Linh Chi, hai anh em đèo nhau đi, cứ như là hai con chim già, tởm không chịu được.
    Chiều nào cũng thấy mấy ông đánh cầu lông mà sốt ruột, không buồn nhìn nữa.... Ông Hữu Mai thì lại lúc nào cũng ra vẻ quan trọng, bí bí mật mật. Nhà văn gì mà lại chỉ lo nên viết về đề tài nào không quân hay xe tăng.


         1/2

        Cái câu thơ hay nhất tôi đọc được trong năm 1974 là của Thi Hoàng
Trời cứ xanh như rứt ruột mà xanh
Cây cứ biếc như vặn mình để biếc.
    Dù sao chăng nữa, vẫn phải nhận là cuộc đời quá đẹp. Trong cái dáng lem luốc của nó, cuộc đời vốn thực là đẹp. Đẹp ở những đôi trai gái đi bên nhau, suốt chặng đường này tới chặng khác, như vốn sinh ra phải như vậy. Đẹp ở những đứa trẻ sạch sẽ, mặc ấm, ẵm nó lên tay, nóng sực cả người. Sao trẻ con bây giờ khôn ngoan vậy, tôi chợt nhận ra trong chuyện với một người bạn. Nhìn chúng lê la ra đường, như cả đất trời này của chúng, cuộc đời này của chúng, tôi cứ thấy cất lên văng vẳng cái khẩu hiệu trong một buổi hội nghị quốc tế nào đó: Chỉ có một trái đất. Chỉ có một cuộc đời.
     ... Phải sống nhiều lắm, người ta mới bằng lòng với im lặng. Còn bình thường ra, sao mà cần nghe một cái gì đấy, tiếp xúc với một cái gì đấy.

    18/3
    Đó là buổi chiều thứ sáu 14/3. Tự nhiên Nghị nói với tôi là em của tôi có thể được đi học ở Đức. Tôi run cả lên, và lặng người đi một lúc... Cảm giác vui có, tôi nghĩ đến cả tương lai của Thư, lẫn những thùng hàng hoá đồ đạc lúc nào đó cậu em mang về cho mình. Nhưng còn những cảm giác buồn bã ngấm ngầm. Giá kể như tôi được đi một chuyến, thì thú vị bao nhiêu. Tôi tự thấy ham học, ham sống và ham hiểu biết, tôi còn có thể làm được bao nhiêu điều hay, mà rồi có lẽ, do chỉ sống ở đây, đời tôi sẽ héo tàn, chẳng làm được việc gì nên hồn cả.
    Những chuyện lặt vặt của đời sống hàng ngày, nó ăn mòn, làm hỏng bao ý nghĩ trong tôi. Hoàn cảnh chung quanh, một cái hậu phương chiến tranh nhốn nháo. Một xã hội sống không còn luật lệ gì hết, mạnh ai nấy sống. Người rất rẻ, mọi chuyện rất nhạt nhèo. Chỉ còn bản năng kiếm sống hoành hành và trở nên hợp lý, đến nỗi trông một kẻ phất lên kiếm chác phát ghét đã đành, cả những kẻ lương thiện gàn quải cũng đáng ghét vô cùng.
    Đó là cái xã hội hôm nay tôi sống. Một người như ông Mạn có lúc phải bảo: Đời nhảm nhí thế nên ngày xưa mới có những người đi tu, đi ở ẩn, đi tự tử. Có gan làm những chuyện khác người  thì làm đi, nếu không thì cũng phải sống như mọi người, hãy biết sống như mọi người.
    Nhưng cái mà gậm nhấm tôi không kém, cũng là cái nghèo, hoàn cảnh gia đình tôi quá nghèo. Biết xoay sở làm sao, đúng là gần như không dám làm gì nữa. Luôn luôn chỉ sợ mất cái nọ, bị lừa cái kia, và phí phao một cái khác. Thế đấy, chẳng nhẽ chỉ còn có cách nghĩ: Thôi, người ta cũng phải có lúc chết, lúc ấy sẽ được giải thoát. Chứ sống nhiều lúc kinh khủng quá.
    Một trong những điều kinh khủng khác riêng có ở tôi, là sự cô độc. Cô độc như một thứ da thịt xé không ra, cô độc như không khí trốn không nổi. Cô độc như một thứ bệnh mãn tính, nhiều lúc tưởng như đã khỏi rồi, vẫn thấy nó đấy. Cô độc đến nỗi thiếu đi tất cả những gì có thể làm cho con người bốc lên, sôi sục lên, do đó cuộc đời càng trở nên buồn tẻ.
    Bởi không có một cuộc sống bình lặng bảo đảm, bởi không có những lúc xả hơi, nên dạo này tôi gần như không làm được việc gì nữa: lúc nào cũng căng thẳng thì còn sống làm sao.
   Người cùng nhà với tôi hiện nay là một gã chuột... Không biết gã hay ả, hồi nọ cứ thấy cắn đủ mọi thứ. Khéo hồi ấy nó chửa cũng nên, vì đúng ngày hôm nay, thấy đâu đến hai chuột con chạy loăng quăng theo đường của chuột lớn. Có một cái gì đó rất khó chịu khi phải nhìn lũ chuột này. Như thế mà cũng là dấu hiệu của cuộc sống ư, cũng là cái gì sinh động, đi về, rồi cũng sinh sôi nảy nở mãi ư? Nếu có một đấng tạo hoá, thì cũng thấy khó hiểu cái ông ấy quá. Ông ấy dung dưỡng cả những cái tốt dẹp nhất lẫn những cái tệ hại nhất.
    Vậy là chỉ có cách quay về  triết lý "sống cho nhiều, cho thoả mãn" của Xuân Quỳnh? 
    Vậy chỉ có cách đóng những vai kịch trong cuộc đời, rồi lại tự xem mình, tự lý giải mọi chuyện?
   ... Không, cũng chưa chắc đâu.
    Khiến tôi bình tâm trong những lúc này, chỉ là một vài số phận khác: Nguyễn Đình Thảo đi Tây Nguyên một năm nay, giờ cưới vợ. Tô Hoàng đau ốm không đi làm được, bố phải đi kèm mỗi lần đi đến đơn vị. Toàn những người không may cả. Tôi còn may mắn hơn họ nhiều. Tội gì mà cứ phải nghĩ về đời trong khi đời chẳng chịu nghĩ về mình gì hết?
     Ngay ở những người chung quanh bất hạnh của cũng không vừa đâu. Ông Khải năm ngoái con chết, ông Khải  phải sống chung với tất cả mọi người, bất hạnh như mọi người - cái ông Khải ấy cũng khổ sở chứ.


      31/3
     Mùa xuân như một khả năng với nghĩa có những ngày nắng đấy, mà lại mưa đấy, mưa lai ra lai rai, không ra làm sao. Có những ngày lúc nào cũng âm u âm u, trời đất như một thứ nước muối, ướt, nhớp nháp, lẩm cẩm, khó chịu. Trông thấy hoa gạo nở bùng lên, lá bàng đâm ra nhọn hoắt mà sợ hãi. Bao nhiêu sâu bệnh nổi lên, bao nhiêu cái hạ cấp trong cuộc đời nổi lên. Nhớ một lần, ai đó nói về Nhị Ca: Ở ông ấy toát lên sức sống của một người đang chết.
    Trời đất bây giờ hình như là như vậy. Sống giữa nó tôi đâm quen, tôi cũng không thích được một cái gì khô ráo, sạch sẽ, tinh tươm. Nó – cái bình thường ấy -- tôi thấy nó xa lạ. Lúc này tôi chỉ ước ao một cái gì bề ngoài như đang chết, đang đông cứng lại, nhưng nó giúp cho những sự sống khác nẩy nở. Sự sống kỳ lạ thế, có lúc nó cần đến cái chết để biểu hiện, chính cái chết, không gì khác, cũng là một thứ có sức biểu hiện -- biểu hiện sự sống.


     4/4
     Chiến thắng bất ngờ như ở chỗ cái gốc gạo khô cằn hôm qua, một đoá hoa nở toé lên, cả một cành hoa  một cây hoa.
    Tôi đã quen hoài nghi, nên tôi chẳng còn nghĩ được gì nhiều. Nhưng phải chăng cuộc đời còn quá nhiều chuyện kỳ ảo? Tôi nhớ lại kết luận đó của Nguyễn Khải, khi nghe chuyện ông Chưởng Cần, một năm trước. Cuộc đời không phải là một cấu trúc lạnh toát, nghiệt ngã. Cuộc đời còn là một cái gì đó rất sinh động, như một cơ thể mềm mại, chứa đựng nhiều khả năng phát triển không sao có thể lường trước. Vậy thì anh đừng bao giờ coi là có giới hạn sức lực của anh, con đường của anh. Anh đừng bao giờ tự hạn chế lại. Muốn hay không muốn, anh vẫn phải sống gắng gỏi trong cuộc đời này. Vậy anh hãy thử phá đi, thử đòi hỏi, thử thay đổi đi, hỏng thì thôi, không sao. Đời có gì đâu mà tiếc?  Còn nếu được, thì hay quá, mà sao lại không được?
...
     Tôi nghĩ về trường hợp của mình: Dẫu sao thì tôi cũng ít gắn bó với cuộc chiến tranh . Tôi không hiểu lắm. Chỉ hiểu một ít khía cạnh nào đó.
    Vậy thì hãy nghĩ về tương lai, lúc này đã phải nghĩ tới  đất nước sau chiến tranh. Đó mới là một câu hỏi lớn.


     18/4
      - Cái chiến thắng mà chính những người trong cuộc cũng cảm thấy ngạc nhiên: sao mà lại có thể dễ dàng như vậy?
     Không, chắc chắn rằng chúng ta không có quyền ngạc nhiên. Chúng ta biết tất cả thì mới phải.
     Bởi chúng ta đều là những người chiến trường. Có sự gặp nhau ở trong kia, thì cũng là có sự gặp nhau ở ngoài này. Những người vợ, những gia đình của những người lính làm nên cái hậu phương dày đặc này. Ở đâu lại có thể có cuộc chiến tranh ghê gớm như trên nước Việt.
     - Nhưng cái tâm trạng chủ yếu của ngày hôm nay là gì? Tôi nghe bên cạnh những niềm vui, có những nỗi buồn. Một chút thở phào. Kèm theo một ít đau xót. Có một giáo sư  Đại học y khoa trong kia viết trên báo,  ông không muốn các đồng nghiệp của mình  rơi vào cái cảnh ở miền Bắc. Là cái cảnh, trình độ bác sĩ chỉ bằng trình độ y sĩ.


      2/5
      Người ta vẫn bảo phản ứng của người Hà Nội lâu nay là dè dặt, đến vui cũng lặng lẽ. Chúng ta sống trong một xã hội khép kín... Có thể là như thế nhưng hôm nay thì khác. Chưa bao giờ, có cảm tưởng vui như thế này.
    Sáng 30/4, đã nghe có tin đồn Dương Văn Minh đầu hàng.
    9 giờ sáng, Cục tuyên huấn -- cấp trên của chúng tôi nói: chính thức đầu hàng rồi.
    Mở đài Sài Gòn. Chưa bao giờ được nghe đài Sài Gòn công khai như vậy. Giọng Dương Văn Minh chậm rãi, cố giữ vẻ bình thản. Người giới thiệu của đài cũng nói bằng một giọng trang trọng, nghiêm túc.
    Lập tức có nhiều tiếng cười đùa réo lên. Nghe xa xa đã có tiếng pháo nổ, đâu ngoài đường phía vườn hoa Hàng Đậu.
   Bia, ngồi tán phét. Nguyễn Minh Châu bảo lúc này lại nhớ khi anh nọ đùn anh kia đi B, mà sao cứ lần chà lần chân, nói chẳng nên lời.
    Nhiều người khác tán chuyện trong cơn say thực sự, và cái say của tình cảm.
   Tôi phóng xe ra đường, khi nghĩ tới bạn bè. Ngỡ đường phố chưa ai biết gì, lại nhớ cái cảm giác những ngày hoà bình 1973, muốn kêu lên mọi chuyện.  Nhưng tôi đã nhầm, chỉ cần ghé vào một hàng nước thôi, đã nghe đủ chuyện. 
   Người ta bảo hôm qua một hợp tác xã thủ công phải thức suốt đêm để may một lá cờ đỏ sao vàng 25m2.
    Hôm nay, cờ được mang đi rồi.
   Ngồi uống nước, một ông già còn kể chuyện Nam Bộ, một ông khác nói về Thái Lan, Cămpuchia: phen này, mình cứ đứng đây, cho nó bò quanh mình.
    ... 5 giờ chiều, rất may mắn đi ra đường, tôi được chứng kiến cảnh báo tin đầu tiên: “ Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe tin chiến thắng.”
     Người ứ lại trên ngã tư Tràng Tiền. Các phóng viên nước ngoài, đã chực sẵn từ bao giờ, quay phim chụp hình rất nhanh. Tôi nhớ nhất cái cảnh một người Việt Nam đang gân cổ nói trước một máy thu thanh của một người nước ngoài. Một gã giáo viên giáo điều nào đó, nói sặc mùi chính trị, trông xa đã ngượng hộ hắn. Hắn nói rai nhanh nhách đến nỗi người phóng viên nước ngoài phải lợi dụng một nhịp hắn tạm nghỉ, để cắt lời hắn.
    Nhưng thôi,  hôm nay ngày vui, hãy để đấy đã.
    Người đã đông thêm chung quanh Bờ Hồ. Tôi chợt nhận ra một nét thuộc về cách sống của người Hà Nội hôm nay: Người ta thích đổ ra đường, chia sẻ niềm vui với nhau. Dù trong bóng tối chiến tranh, người ta đã quen nhìn nhau mà sống.
     Công tác tổ chức tồi quá. Giá kể có bắt người ta đi mít tinh, thì như tôi thấy đây, trông rất lèo tèo, chưa ai nói gì ra hồn. Nhưng cái cảnh người lũ lượt đi trên đường, đã chẳng phải là một thứ mít tinh rồi sao?
      Tôi còn thấy một Hà Nội tấp nập như vậy, suốt đêm 30/4 lẫn sáng 1/5.     Một ngày hai ý nghĩa, hai niềm vui.
     Những đám người xếp hàng mua báo, một nét mới của Hà Nội.
    Mấy lần, tôi bắt gặp một cụ già đứng chờ bên này đường, cho một đứa cháu nội cháu ngoại gì đấy sang bên kia đường xếp hàng mua báo. Có thể cụ không biết chữ nhưng cụ mua về cho con cái đọc.
    Những đứa trẻ xem báo thì đứng ngay ở bên những cái hố phòng không cũ -- mà tôi vốn rất quen thuộc và còn nhớ tỉ mỉ ngày lấp đi, để đón hoà bình, tết năm 1973. Bây giờ, thì chắc chắn, có thể yên lòng với những cái hố ấy rồi.
     Chung quanh Bờ Hồ, ngày 1-5, còn có nhiều đám mít tinh lẻ tẻ khác. Tôi đồ rằng phản ứng của giới lãnh đạo Hà Nội chưa kịp, cho nên hãy để cho quần chúng tự nguyện làm theo kiểu tự phát cái đã.
    Một người đàn ông đứng tuổi, ra dáng dân Hà Nội gốc, đi trong đoàn người, mà lại ngước nhìn đi đâu. Tôi đoán ông ta đang nghĩ tới một người cùng phố vào Sài Gòn từ cuối 1954.



أحدث أقدم