VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép trong tuần ( 20-26/10/2014)

      21-10
   Tuổi già xứ mình 
      Trang viet-studies  mấy hôm trước in bài Tuổi già là thời sung sướng nhất. Đọc vào thì thấy người già ở xứ người --kể cả người Việt-- sao mà dễ sống. Luôn luôn họ tìm được sự bằng lòng. Mọi cái ở nơi khác coi là bất hạnh – chẳng hạn vợ chồng về già còn ly dị -- cũng được các vị ấy “tiêu hóa” một cách dễ dàng.
       Tôi ước ao có một ai đó ngồi tổng kết về tuổi già ở xứ mình.

      Trong một phản ứng tức thì, tôi chỉ thấy rằng người già ở trong nước đang rất khổ với nghĩa cả khi về già có được đời sống tạm đủ ăn, thì cũng luôn có gì đó như là bất mãn. Thấy tiếc quãng đời trẻ, muốn truy lĩnh muốn hưởng thụ bù vào những ngày lê lết trong khốn  khổ. Lại có đôi người tự thấy rằng  năng lực của mình chưa được thể hiện hết, nay lao ra hoạt động còn năng nổ hơn trước, và hoạt động nhiều khi khá kệch cỡm. Trong khi đó, ngoảnh lại nhìn những người thân trong gia đình, thấy ngạc nhiên. Sao mình lại có thể chung sống hàng bao nhiêu năm với người chồng hay người vợ như thế này? Đứa con nay đã trưởng thành này có phải là đứa nhỏ mà xưa kia mình đã từng chăm bẵm?  Có cái bực bội nó khiến người ta muốn thoát sớm cho rảnh. Ngay lúc ấy lại có cái tỉnh táo tin rằng chả làm sao trốn khỏi cuộc đời này…Tuổi già là trong ê chề, tuổi già là trong bất lực.
22-10
Đưa tin về hội thảo
Khi đưa tin các  cuộc hội thảo của giới văn học nghệ thuật ở ta, nhiều tờ báo có lối hết sức tắc trách là chỉ đưa mấy dòng vắn tắt, còn trong hội thảo những người tham gia nói gì không ai được biết.  Một việc cũng buồn cười nữa là trong hội thảo đó, có những nhà chuyên môn nào không  được báo nói tới,  trong bài báo chỉ thấy xuất hiện mấy cái tên lạ. Tên những nhà quản lý đã tới, dù có khi họ chỉ tới để nói mấy câu lất phất.
 Báo Tuổi trẻ hôm nay đưa tin vừa có cuộc họp để bàn về giải pháp chống ngập ở một số địa điểm, trong cuộc họp đó  cấp trên của thành phố đã tính là sẽ  “lo mời các nhà khoa học tham gia”. Đọc đến đấy tôi cứ tự nghĩ, thế hóa ra lâu nay các ông chỉ tự mình nghĩ rồi tự mình lệnh cho cấp dưới làm, chưa bao giờ cần để ý gì tới các chuyên gia sao? Thả nào …
23 – 10
Một thoáng liên tưởng
Một mẩu tin ngắn về biểu tình ở Hồng Kông tóm gọn như sau: Với các quan chức Bắc Kinh, “một đất nước” là ưu tiên then chốt. Còn với đa số người Hồng Kông, “hai chế độ” là điều họ quan tâm nhất.
Liên hệ tới hoàn cảnh nước mình. Nhớ cái câu tiêu đề trên mọi đơn từ bọn tôi viết hồi nhỏ “Việt Nam dân chủ cộng hòa” rồi nhớ tới tình hình dân chúng hiện nay. Có vẻ như cũng có một tình hình tương tự. Sáu bẩy chục năm nay, cấp trên thì chỉ nghĩ đến hai chữ Việt Nam. Còn với nhân dân, càng ngày họ càng thấy mấy chữ dân chủ cộng hòa mới là thiết yếu. Với cả  hôm nay và  ngày mai.

24-10
Nguyễn Huy Tưởng và những tư tưởng Nhân văn Giai phẩm
Nhân có Đèn cù, tôi tẩn mẩn giở mấy cuốn hồi ký của các tác giả khác ra đọc, và dừng lại lâu hơn một chút ở Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng, nhất là đoạn 1956-57. Hóa ra, không chỉ có mấy ông sau này mắc nạn đã viết ra những thứ in trong Nhân Văn Giai phẩm mà hồi ấy bao nhiêu người đã nghĩ thế, chẳng qua họ có công khai nói ra hay không.
 Tới hồi chống Mỹ, nhiều người còn nói vào tai tôi, với cái tính thẳng thắn của mình, chắc ông Nam Cao lúc ấy còn sống thì cũng dám chơi lắm. May ra thì cũng chỉ làm  như ông Nguyên Hồng. Nghĩa là bỏ đi đâu đó, chứ không thể chịu cái cảnh này được.

Đối chiếu những variant ( bản in khác nhau )của Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đầu 1957, lại thấy giữa bản của  nhà Thanh niên 2006 -- được coi là hoàn chỉnh nhất, với mấy trang rời in trên một số  của tạp chí Đất Quảng 1990,  có những đoạn mà năm 1990 đã in, tới 2006, bị cắt bỏ hoàn toàn.
 Sau đây là đoạn nhật ký 17-2-57, liên quan không chỉ tới họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, mà còn là với những vấn đề lớn như đường lối quần chúng trong văn nghệ , hoặc cách thức lãnh đạo chỉ đạo của Tố Hữu lúc đó. Những dòng in đậm là những dòng vốn đã in ra 1990, nay đến 2006, bị tước bỏ.
Anh em văn nghệ rất khó chịu vì bài  của Nguyễn Đỗ Cung. Cung thẹn vì đã học mỹ thuật Pháp, nói không cần kỹ thuật, quần chúng là quyết định. Thảm hại cho người nghệ sĩ già lẩm cẩm. Cứ nội dung là quyết định nghệ thuật ư? Y như thấy có người chết đuối là cứ lao xuống nước  để cứu, nhưng anh lại chết với người kia, chỉ vì không biết bơi *, thảm hại cho cái quần chúng chủ nghĩa của Cung.
Rồi nghệ thuật sẽ đi đến đâu? Lãnh đạo thì bóp nghẹt. Quần chúng thì bị lái đi theo  lãnh đạo. Mọi ý kiến  mới đều bị coi là phản động, bị đả kích mạnh.
 Cái biểu tượng của gu quần chúng. Hội họa ta không có (**)
(*) So sánh này quá gượng gạo (**) Không rõ ý – VTN
Mấy câu cuối  thật đã đậm chất Nhân văn quá, không biết lúc ấy ông Tưởng có dám nói hay chỉ nghĩ mà ghi vào nhật ký. Ghi vào thế này còn khá, nhiều người không dám ghi nữa kia.
    25-10
 Công chúng và sân khấu  
 Đạo diễn Nguyễn  Đình Nghi hồi trước đã hay nói với tôi rằng cái được của sân khấu tiền chiến là họ có một lớp công chúng ưu tú rất yêu và hiểu nghệ thuật. Đối lập lại ông cũng nói thêm là công chúng sau cách mạng càng ngày càng hỏng. Bước vào thời kinh tế thị trường, người ta vào rạp còn cắn hạt dưa tanh tách và nói chuyện rất ồn ào. Cứ chỗ nào được phỉnh nịnh và gãi đúng chỗ ngứa thì hoan hô, ngoài ra chê tất.

Tuần qua đọc báo lại thấy nói tới tình trạng là bây giờ công chúng sân khấu quên mất thói quen  mua vé, mà chỉ chờ đợi được xem tháo khoán. Tức là lại cũng một dạng của bệnh vô cảm? Đúng. Mà cũng không đúng. Vì cái gọi là nghệ thuật sân khấu hôm nay đâu còn có quyền gọi là nghệ thuật nữa. Nghệ thuật nào công chúng ấy.
أحدث أقدم