VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Biện hộ cho sự vô cảm


NHỮNG BIỂU HIỆN TẾ NHỊ
Từ dưới bãi một em nhỏ lên cầu Long Biên, cất tiếng chào khi tôi dắt xe từ cầu đi xuống. Lẽ ra tôi phải sung sướng vì gặp được một đứa trẻ ngoan mới phải. Sao lần này cứ thấy gờn gợn. Mãi mới nghĩ ra. Đứa trẻ chỉ chào lấy lệ. Em chẳng hề quan tâm tới tôi, chả đặt một thoáng tình cảm nào vào lời chào của em. Và có vẻ đó không phải là một đứa trẻ ngoan nữa, một ấn tượng bao trùm đọng lại trong tôi.

Mặc dù biết vậy, tôi vẫn không khỏi… tủi thân. Nhất là buồn cho một con người mà mình vừa gặp.
Muốn gọi đó là sự vô cảm.
Tự nhủ chung quanh mình đang có một sự vô cảm thường trực. Bận bịu quá, nhiều thứ thu hút quá, con người hiện nay không còn những xúc cảm bình thường mà con người các thế hệ trước 1945 thường trải nghiệm.
Khi nói tới sự vô cảm, dư luận hôm nay chủ yếu muốn kêu gọi lòng trắc ẩn, tức là thương xót cảm thông với những bất hạnh.
Nhưng tôi cho là lẽ ra phải nói rõ đấy là việc con người không còn đặt tình cảm suy nghĩ vào những người quanh; trừ những việc liên quan đến quyền lợi thiết thân còn không muốn biết một cái gì khác; không còn phân biệt tốt xấu theo nghĩa nhân bản; và không còn nghĩ nhiều tới tương lai. Họ rơi vào tình trạng Đã bao lần tôi không thực là tôi(Lê Đạt).
Không chỉ vô cảm trước tai họa mà còn không được vô cảm trước các tài năng, trước vẻ đẹp, trước sự cao quý của con người. Cái đó ngày càng thấy rõ là cần trong một xã hội bị thống trị bởi chủ nghĩa bình quân và tràn ngập những yếu tố vật chất.

NGUỒN GỐC CHIẾN TRANH
1427. Trong khi vây thành Đông Quan, theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Lê Lợi không quên đặt pháp luật để trị quân cũng như quản dân.
Mười điều kỷ luật được đặt ra để răn dạy cho tướng sĩ. Ngoài những điều như phải tiến thoái theo hiệu lệnh, giữ vững hàng ngũ… đặc biệt có thêm ba điều cấm sau đây.
Điều 2 ( CẤM) Không có việc gì mà đặt chuyện ra để làm cho mọi người sợ hãi
Điều 8 ( CẤM) Tha binh đinh ( trai tráng bị động viên đi lính – VTN ) về để lấy tiền ; sổ sách mập mờ.
Điều 9 ( CẤM) Theo bụng yêu ghét của mình mà làm lòa mất công quả của người khác
( sđd, bản của nhà Tân Việt, 1951, tr 218; còn bản của nxb Thanh Hóa in 2006 thì ở tr 232)
Tình hình thực tế phải thế nào thì mới có lệnh cấm đó chứ ?!
Điều thú vị là có những căn bệnh của người xưa lại có sắc thái khá hiện đại.
Cũng trang sách trên có ghi:
Vương, tức Lê Lợi đặt ra ba điều để răn các quan:
1/Không được vô tình
2/không được khi mạn ( coi rẻ xem thường mọi người -VTN )
3/không được gian dâm
Chỗ đáng chú ý ở đây là thói vô tình ( cũng tức là vô cảm, thờ ơ… ) được đặt lên hàng đầu.
Hóa ra chiến tranh thời nào cũng vậy.

MỘT HÌNH THỨC TỰ VỆ
Tuy nhiên cũng đã đến lúc phải biện hộ cho sự vô cảm theo nghĩa thông thường.
Hãy bắt đầu bằng một sự thực -- con người hôm nay đang chịu những áp lực rất lớn. Họ không hề được chuẩn bị để đón nhận. Muốn tồn tại họ phải giữ được thần kinh cho vững, nói như các cụ xưa, phải đắp tai cài trốc, mới có cơ may giữ được sự an nhiên tự tại bình tâm mà sống cái đời sống thông thường.
Không vô cảm thì sẽ ngớ ngẩn, sẽ phát điên. Vô cảm đã thành hình thức tự vệ.
Ví dụ như trong chiến tranh, làm sao một người bình thường có thể bình thản trước việc con em mình đi vào chiến trường với cái chết cầm như chắc chắn, chỉ may mắn lắm mới sống sót, rồi có trở về thì cũng sẽ gia nhập vào hàng ngũ của cái thế hệ vứt đi (lost generation – cái chữ mà Hemingway có công đưa vào lịch sử văn học).
Nhưng người ta vẫn phải gạt nước mắt cho con ra đi.
Có khi lại còn phải tỏ ra vui vẻ nữa.
Người ta đã trở nên vô cảm.
Sang thời phát triển nhố nhăng kỳ cục hiện nay, chứng kiến bao chuyện chướng ta gai mắt, người ta vẫn phải im lặng quay đi coi như không biết. Thấy kẻ cắp trên xe bus mà kêu lên ấy ư, anh sẽ bị trả giá ngay. Tố cáo cấp trên tham nhũng là đồng nghĩa với việc chuẩn bị sớm muộn sẽ nhận lệnh đuổi việc. Còn khi có ý định tham gia vào những vụ cứu trợ cho các vùng bị tai nạn, thì có một nguyên tắc là anh phải không được theo dõi xem các loại hàng cứu trợ đó sẽ được sử dụng ra sao.

MỘT VẤN ĐỀ CỦA ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI
Vô cảm không chỉ là chuyện của người Việt mà còn là chuyện của thế giới hiện đại.
--Nhớ lại hồi còn thời chuyên chế, nhiều nhà văn Liên xô cũ kể là nhiều khi đối diện xã hội, họ thấy mà không dám nhìn kỹ, nghĩ mà không dám ghi lại, và ghi lại thì lại xé đi ngay, chỉ sợ táy máy gửi tới một tờ báo nào đó thì không những không được in ra mà còn bị các biên tập viên ở đó trình lên cấp trên và tên tuổi sẽ vào sổ đen của KGB.
-- Và đây, một cách diễn đạt về sự đầu hàng của con người hiện nay, nó đặt thái độ chấp nhận vô cảm trong xu thế không dám làm người – ngay cả ở mỗi cá nhân có suy nghĩ; và nó đúng với con người hiện đại nói chung chứ không phải người của phe nọ hay phe kia:

Thời đại chúng ta cốt yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta từ chối cảm nhận nó một cách bi thảm. Cuộc đại biến động đã xảy ra, chúng ta ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt đầu xây dựng những túp lều trú ngụ tạm bợ và dấy lên chút hy vọng nhỏ bé mới. Đó là một công việc khá nhọc nhằn. Bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai, nhưng chúng ta sẽ đi vòng quanh hoặc bò qua những trở ngại. Chúng ta phải sống thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp.
(D.H.Lawrence, nhà văn Anh, 1885-1930 tác giả Người tình của Chatteley phu nhân).
Thây kệ ở đây chính là thói vô cảm chúng ta đang nói.

Cố nhiên vô cảm, nói theo nghĩa khá đa dạng, có phần giống như một loài thuốc đặc trị. Nếu dùng quá liều, sẽ gây chết người như chơi.
Công thức cần theo là làm sao giữ được thế bình quân giữa thái độ thản nhiên trước mọi biểu hiện tạp nham hàng ngày và cảm xúc nhạy bén thường trực trước những vấn đề lớn của cộng đồng của dân tộc. Đây là cả một thách thức với những con người luôn luôn coi các vấn đề xã hội là chuyện của bản thân, cả chuyện lớn lẫn chuyện nhỏ.
أحدث أقدم