VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Vũ khúc không buồn mà tê tái


Luôn luôn, người ta có thể đọc ra những buồn vui của cả kiếp người,
qua những buồn vui của một đời văn


Ai bảo nghề văn là khổ? Cứ xem như đời anh L., một người bạn vong niên của tôi, thì sướng lắm chứ. Hãy nói một chuyện: sự hưởng thụ. Thời ấy đồng bạc có giá, lương anh đã rủng rỉnh. Vậy mà luôn luôn còn có nhuận bút. Những quyển sách trên trăm trang của anh in ra, thường được tính hàng cây. Cái xe đạp quý như cái cúp bấy giờ, mỗi lần sách in đều thừa sức để mua.

Thuở ấy, nhà văn được trọng vọng. Anh nổi tiếng. Anh luôn được mọi người nhắc nhở. Nhiều cơ sở - các nhà máy, các đơn vị quân đội - chèo kéo mời mọc anh. Mà anh bạn tôi lại có lối chơi rất sang. Người ta mời anh đến, cốt để lấy tiếng, về có viết gì cũng phải khen. Nhưng L. không bao giờ chịu xu phụ, trả nghĩa cái nơi đã cung đốn cơm rượu. Anh viết “khái quát”, anh “đặt vấn đề “ hẳn hoi. Người được viết thì chán, nhưng người đứng ngoài thì thích. Cả giới viết văn cũng thích. Mọi người thấy thơm lây vì anh. Người ta bảo trong sự vận động tiến lên của xã hội, có vai trò của anh, sự đóng góp của anh nữa.
Giá kể cuộc sống cứ như thế mãi thì chưa chắc đã vui, hoặc mới vui một kiểu. Mà gì thì gì, chứ vui mãi một kiểu, dễ sinh nhàm chán!
 Đùng một cái thời bao cấp qua đi, cả xã hội chuyển sang kinh tế thị trường, mà ngành sản xuất văn chương của chúng tôi cũng rập rềnh lên xuống theo cơ chế thị trường. Cái hình ảnh có thể dùng để so sánh: từ gà công nghiệp, gà chỉ nuôi trong chuồng, chúng tôi trở thành đám gà nhà, gà ta, tự đi kiếm lấy mồi mà ăn. Để bù lại, không khí sáng tác trở nên cởi mở hơn hẳn. 
Những điều trước kia chỉ anh L. mới biết, thì bây giờ cả làng biết. 
Vui vầy, hỗn loạn, bảo thế nào cũng được.
Trong cuộc thập tự chinh của giới viết văn để lo kiếm sống hôm nay, dĩ nhiên là vẫn có anh bạn tôi, anh L. một thời nổi tiếng sắc sảo đó. Anh cũng phải lăn lộn với các báo, cũng chạy đôn chạy đáo nơi này nơi nọ lấy mấy trăm ngàn mỗi tháng nuôi vợ con.
 Ban đầu, kể cũng ngại. Anh thử kêu rên. Anh đã thử làm phách như cậu Phước trong Số đỏ, đập chân đập tay em chã, ra đều tôi mà phải lo từng bữa thế này à, thôi tôi không viết nữa, hỏng hết rồi còn gì. Mặc! Chả thấy ai động lòng.
 Thảng hoặc cũng có vài người động lòng, song họ cũng nghèo như anh, chả cứu được anh. Kêu mãi chán, anh lại cum cúp lo viết, lôi mọi chuyện cũ ra viết.
Nhìn nụ cười đôi khi như đã heo héo ngay trên miệng anh, tôi biết rằng tận trong thâm tâm, anh đau khổ lắm. Và hình như có cả chút hối tiếc nữa. Hối rằng có lúc đã cổ động cho sự nhộn nhạo hôm nay.
 Giá kể cứ để tất cả đi bằng tay, có phải mình khéo nhất hội không; nay đến lúc đi bằng chân như thế này, mọi người già trẻ lớn bé đều biết đi, mà mình thì cũng nguệnh ngoạng chẳng hơn gì ai cả.
Có một nỗi đau đã đến với cây bút từng đinh ninh chỗ mạnh của mình là  luôn luôn đi trước mọi người
Là  việc bất ngờ bị rơi vào cái thế khó chịu . 
Anh bị mọi người nhìn bằng con mắt cá mè một lứa.

Mỗi lần nhìn lại cuộc đời viết văn của người bạn vong niên -- mà bản thân tôi từng chịu ơn rất nhiều này --, tôi như có dịp nghĩ thêm và thấm thía thêm về duyên nợ nghề nghiệp. 
Đứng ngoài nhìn, nghề này đâu có buồn! Hôm qua rước sách tưng bừng hoan hỉ đã đành, mà cảnh cả giới bì bõm chìm nổi như hiện nay chắc cũng làm bật cười cho ai đó ngoài giới. 
Và, những vụ làm ăn những sự xoay sở, những thành bại của mỗi người thì trở thành đề tài cho chuyện đàm tiếu của các đồng nghiệp, buồn làm sao được?
Nhưng có lẽ, dưới một góc độ khác mà xét, ở đây luôn luôn có chút thê thảm.
 Người hăng hái đi trước có lúc phải hối hận; kẻ báo trước sự nhộn nhạo, mà lúc nhộn nhạo đến, mọi người hái ra tiền ra bạc, còn bản thân lại nhếch nhác như vậy, nhếch nhác hơn cả hôm qua nữa - nhìn cả vũ khúc đời văn, chẳng là tê tái hay sao? 
Lại còn buồn tê tái hơn, nếu trí nhớ kha khá một chút, người ta nhớ được những cuộc tranh cãi bấy lâu về sứ mạng nhà văn. Người bạn đời của J. P Sartre là S. de Beauvoir từng có lần than thở đại ý: “Thật không thể ngờ là nghề văn có lắm ý nghĩa đến thế, trong khi nó chỉ có thế!”.

In lần đầu trong Những kiếp hoa dại,1993


Viết thêm 25-11-2013
Nguyên do dẫn đến bài phiếm luận về Nguyễn Khải bên trên là ở một ít điều tôi quan sát được về ông những năm khoảng 1979-1986.
Nguyễn Khải là người sớm truyền cho tôi niềm tha thiết với sự đổi mới văn chương. Ông đọc nhiều và hay kể lại với tôi về văn học nước ngoài. Tất cả những cái đó, gộp cả lại, khắc họa trong tôi một định nghĩa, văn học là thế nào, cái mà các nhà văn đích thực muốn viết cần phải như thế nào.
Nhất là những chuyện ông biết về giới cầm bút đương thời – nhiều khi là những chuyện rất khỉ gió như chữ của ông vẫn dùng – loại này càng thức dậy trong tôi một ám ảnh. Chúng ta đã sống và viết chẳng ra làm sao cả. Cái mà chúng ta viết ra không phải là văn học. Chúng ta sẽ phải viết khác.
Hoàn cảnh đổi mới đã tới. Đó là những ngày sau chiến tranh khi xã hội cảm thấy cần phải sống khác đi về tất cả mọi phương diện.
Trong văn học từ sau 1975, có hai cao trào, hai cái mốc đáng kể, 1979 và 1986.
Sẽ chẳng có gì lạ lùng khi thấy trong cả hai lần ấy Nguyễn Khải sát cánh với Nguyên Ngọc trong việc làm thủ lĩnh cho đổi mới.
Rồi cả hai lần, ông thoái lui.
Chẳng những thế, trong những năm tiếp theo, ông tham gia vào việc phủ định ngay con đường mà ông vừa tham gia vào việc khai phá. Phủ định một cách ác liệt. Tại sao ?
Tôi thấy ở đây rõ nhất, là cái nguyên nhân này: tình hình xã hội nói chung. Tình hình chưa cho phép thay đổi.
Xưa nay vẫn thế, Nguyễn Khải sống và viết bằng một sự tinh nhạy đặc biệt. Luôn luôn ở ông, giữa sự cảm sự viết có khoảng chênh lệch. Khi cảm thấy điều gì viết được ông viết ngay. Nhưng khi cảm thấy không thể làm được, ông buông ngay.
Có phải từ giã chính mình, ông cũng không cần.
Bởi Nguyễn Khải sớm có một vị thế đáng kể, và sự tha thiết với đổi mới của ông trước đó cũng rõ quá, nên khi thấy Nguyễn Khải trở cờ, người ta oán trách ông. Song nên biết là sự không nhất trí, sự tự mâu thuẫn vốn là bản chất con người nơi ông. Miễn sao ông được hành động, được viết, được đứng ở hàng đầu, ngoài ra thì mọi điều kiện đặt ra cho ông thế nào ông cũng chịu được.

Còn nhớ hồi trước 1975, có một hồi Nguyễn Khải rất mê tử vi. Ông đã từng theo nhà văn Hà Ân lần mãi tới chỗ nhà tử vi Hùng Văn, và được phán một câu nhớ đời — mệnh vô chính diệu đắc tam không. Nguyễn Khải thú với câu ấy lắm. Thú ở chỗ nó nói đúng rằng ông không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì cả.

--Tôi hoan nghênh cả sự kiên cường của anh Ngọc lẫn cả sự chạy làng của anh Khải.
Khi nhớ tới tình hình sau Hội nghị Đảng viên 6-1979, tôi hay nhớ câu nói ấy của Nguyễn Minh Châu. Hình như tác giả Dấu chân người lính muốn nói rằng “ông nào tôi cũng thấy có lý”.

Còn một nguyên nhân nữa dẫn đến sự đổi mầu ở Nguyễn Khải, mà như bài trên, tôi thử phác họa. Là sang thời buổi hỗn loạn này, nhất là mấy năm đầu, Nguyễn Khải thấy kiếm sống khó quá.
Hồi ấy, nhà nước còn chưa biết cách tung ra thật nhiều tiền để nuôi béo những kẻ ngoan ngoãn, nói theo chữ các cụ xưa là chưa có biết phóng tài hóa thu nhân tâm như bây giờ.
Các công thần có lúc rất khổ. Tôi ở Moskva xa xôi mà cũng nghe được một câu của Nguyễn Khải do anh em đồn sang:
- Tôi không viết được dâm như Kim Bình Mai. Tôi không viết được ác như Bố già. Giờ tôi phải sống sao đây!
Lần ấy tôi còn phát hiện ra một điều. Xưa nay làm nũng là cái tính của những cậu con quan mà Nguyễn Khải rất ghét.  Thì nay lại thấy thò ra ở ông. Làm nũng với nhà nước. Từ đó tôi hiểu rằng những khó khăn trước mắt là điều quá sức với tác giả Tầm nhìn xa, Chiến sĩ. Bao lâu nay được chiều chuộng và tôn sùng, ông không còn đường để trở về sống như một người cầm bút bình thường.
Người ta kể rằng ở Nhật, các họa sĩ khi về già rất thích thể nghiệm, rồi đổi tên ký dưới bức vẽ, cho người mang ra chợ tranh bán, xem sự đón nhận của công chúng đến đâu. Ở Việt Nam không có loại nghệ sĩ như thế.

Hàng ngày Nguyễn Khải là người không biết buồn là gì. Cái cảnh bùi ngùi và bế tắc mấy năm ấy ông chịu sao nổi.
Những điều tôi nói ở trong bài này đến với ông rất nhanh và rồi cũng qua đi rất nhanh.
Giá trị bài viết trên đây của tôi chỉ là ở chỗ nó ghi lại một chút tê tái mà trong những phút yếu đuối, ông đã có dịp bộc lộ, nhưng rồi sẽ coi như một đứa con hoang, không muốn nhìn nhận, thậm chí ai đó nhắc lại ông sẽ khó chịu.

Nhưng riêng đối với tôi, cái tâm cảnh ấy ở ông, một lần quan sát được, vẫn làm tôi nhớ mãi. Mỗi khi cần nói về Nguyễn Khải, vẫn muốn trình lại với độc giả.
Điều khiến tôi tự tin là ở đây, tôi không chỉ nói về một người, mà đã nói về cái lý do chi phối hành động của nhiều người cầm bút thời chúng ta sống.
Nhiều khi những vui buồn yêu ghét, cả những niềm tin chính trị mà mỗi người đặt cả đời mình vào, tưởng là do những nguyên nhân ghê gớm đâu đâu, hóa ra lại chỉ phụ thuộc vào cái nhu cầu ngấm ngầm mà chúng ta vốn giấu kín tận đáy lòng, - đó là nhu cầu tự khẳng định, nhu cầu muốn khôn ngoan sắc sảo nổi trội hơn, so với đồng loại.
أحدث أقدم