Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn Sử Trung Quốc, có kể lại một mẩu
chuyện nhỏ.
Khoảng năm 1920, nhà triết học Anh Bertrand Russell tới tham
quan cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu.
Trời nắng gắt, bọn phu khiêng
kiệu cho ông leo những đường dốc hiểm trở để lên một ngọn núi. Thấy họ vất
vả, ông tỏ ý thương hại. Nhưng ông lấy làm lạ là đến lúc ngồi nghỉ, họ liền
lấy thuốc ra hút rồi cười đùa ầm ĩ, tưởng như đời hạnh phúc lắm. Và ông
khen ngợi, cho là họ biết sống.
Nghe được chuyện này, Lỗ Tấn bực
lắm, trước tiên là vì những lời khen của ông bạn ngoại quốc.
Lỗ Tấn mai mỉa: “Tôi không rõ
khi khen vậy, ông ấy muốn nói gì”. Và tác giả AQ bày tỏ ý muốn nhìn thấy ở
những người phu kiệu cách phản ứng khác: “Tôi chỉ biết một điều là nếu
những tên phu đó biết đau đớn về thân phận của mình thì Trung Hoa đã thoát
khỏi cảnh điêu đứng từ lâu rồi”.
Ai đã từng ra nước ngoài đều
biết, ghé lại đất nước nào đó ít ngày, phải cố ý tránh cho mình mọi phiền
phức. Cái lối ban phát lời khen vô tội vạ, do đó, là rất phổ biến, vì “có
mất gì của bọ đâu mà bọ tiếc”. Một sự nghi ngại như của Lỗ Tấn không phải
là vô lý.
Tuy nhiên phải nhận ai cũng thấy
cái cách phớt lờ những chuyện không được như ý, vui cười trước mọi vất vả,
càng khổ càng cười mạnh - đấy là một cách nghĩ thông thường đã có từ ngàn
đời nay. Không những nó có ở phương Đông mà có cả ở phương Tây. Nó chỉ là
một phương thức giúp người ta tự vệ. Ai chưa có cũng muốn học!
Thành thử tôi cũng không dại gì
mà bài bác những tiếng cười thỏa hiệp hiện đang khá phổ biến.
Chỉ có điều trong thực tế hiện
nay, không phải mọi người dừng lại ở chỗ ấy. Hình như chúng ta đang mải
cười quá. Cười để khỏi phải nghĩ. Cười để lảng tránh thực tế nó đang không
được như ta mong muốn. Cười để cào bằng hay dở tốt xấu, xí xóa mọi chuyện.
Cười để “ra cái điều” mình bất cần đời. Tiếng cười trong nhiều trường hợp
đã trở thành một thứ hành động vô cảm. Và vô trách nhiệm nữa.
Tới lúc này thì tôi lại thấy Lỗ
Tấn là rất có lý.
Sinh thời Lỗ Tấn vốn nổi tiếng
với tinh thần phê phán xã hội. Không những ông phê phán giai cấp thống trị
mà phê phán luôn cả đại chúng nữa. Các tài liệu nghiên cứu về xã hội và con
người Trung Quốc hiện đại đều ghi nhận Lỗ Tấn là người đi đầu trong việc
chỉ ra cho quốc dân những tính cách đáng chê trách của người Trung Quốc.
Liên quan tới đám đông, bộ phận dưới đáy của xã hội, thái độ của ông thu
gọn lại trong công thức “ái kỳ bất hạnh nộ kỳ bất tranh”, hàm ý ông thông
cảm với những đau đớn của họ, nhưng giận vì họ nhát, hèn, không dám tranh
đấu.
Sự bực bội mà Nguyễn Hiến Lê kể
lại nói trên là nằm trong cái mạch xử thế nhất quán của Lỗ Tấn.
Cần nhắc lại câu chuyện trên vì
có vẻ như đến nay nó vẫn còn ý nghĩa. Sự bất mãn trước thực tế vốn không
phải là độc quyền của con người bất cứ thời đại nào, xứ sở nào. Thậm chí
còn có thể nói là xã hội càng đi lên thì người ta càng cảm thấy sự không
hoàn thiện của nó. Tình trạng mệt mỏi nhanh chóng xảy ra.
Một thời để mất
(1995) là tên một cuốn sách viết về Nguyên Hồng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Hiện
lên trong sách là một Nguyên Hồng về già đau khổ trước bao điều chướng tai
gai mắt và sự bất lực của bản thân cũng như chung quanh.
Không phải ông không biết như thế là chưa
hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn, nhưng làm cách nào để thay đổi thì ông
chịu. Bùi Ngọc Tấn đặt vào đoạn kết một kỷ niệm.
Lần ấy tác giả Bỉ vỏ đến thăm BNT. Trong lúc chờ cơm, đang nằm trên
giường đọc sách, ông bỗng nhỏm dậy vì bắt gặp một câu nói trúng ý mình:
- Tấn ơi! Làm gì đấy. Nghe đã
nhé. Đây là câu kết một vở kịch Ba Lan. Nhân vật chính quay ra nói với khán
giả: “Các bạn có biết vì sao người ta nói dối không? Có hai lý do. Thứ nhất: Người ta sợ nói khác mọi người. Thứ hai: Người ta mệt quá rồi”.
Sự mệt mỏi đã là một thứ bạn
đồng hành bất đắc dĩ mà còn sống ta còn phải chịu đựng.
Khi bị đẩy đến mức cao nhất, sự
mệt mỏi thường xuyên này trở nên một tác nhân làm tha hóa con người. Người
ta hoặc là nói dối như trong vở kịch Ba Lan nói trên, hoặc là chỉ còn biết
cười, cười để lảng tránh.
Một mặt phải chấp nhận rằng nó –
tiếng cười này - cũng là một cái gì tự nhiên, một phản ứng nhân bản, với
nghĩa là ở đâu con người cũng tìm cách để… yên tâm và sống sót.
Nhưng mặt khác, sẽ là nhân bản
hơn, nếu chúng ta đặt vấn đề yêu cầu cao ở con người: không để thực tế kéo
mình thấp xuống, duy trì sự bất mãn chính đáng và tìm tới những suy nghĩ và
hành động thích hợp nhằm thay đổi hiện trạng.
Đấy mới chính là cách vượt
lên trên sự mệt mỏi và tiêu hóa nó một cách hiệu nghiệm nhất. Cười là cần
nhưng cái suy nghĩ sau đó lại còn cần kíp hơn hẳn một bậc.
TBKTSG 2-2008
In lại trong Những chấn thương tâm lý hiện đại, 2009
|