VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đường xa vụng tính

Tiếp tục câu chuyện tầm nhìn hạn hẹp
     
     Từ hồi bung ra làm ăn, mốt phổ biến ở Hà Nội là nhiều gia đình cả hai vợ chồng lao vào kiếm sống. Chồng làm thêm ở cơ quan lại đá thêm tí cò bất động sản. Vợ bỏ nhà nước ra chạy chợ. Con cái có khi cả ngày không thấy mặt bố mẹ. Tiền đây,  ăn đi rồi học đi. Điểm khá ư, khó gì, muốn điểm giỏi cũng được, để lúc nào bọn này đến nói chuyện với các cô bằng phong bì là xong. Bọn trẻ con yên chí đã có tiền đút cho nhà trường rồi, không cần học, nên chỉ vạ vật vừa học vừa chơi, đến nỗi có đỗ đại học rồi cũng không thành người, xin việc không nơi nào nhận. 
     Gia đình anh M. bạn tôi thì khác. Anh chỉ để cho vợ chạy chợ. Còn anh vẫn chỉ làm việc bình thường, ngoài ra bao nhiêu công sức đổ vào dạy con. Con anh học hết đại học được học bổng đi nước ngoài học cao học, quay về lúc nào cũng sẵn những chỗ rất thơm mời mọc.
    So với các gia đình khác, mức sống nhà anh M. dăm năm trước có đuối hơn một chút, nhưng nay xem ra cũng chẳng kém ai. Lại được đứa con giỏi giang, ai cũng nói đùa giá tiền tỷ.
    Anh M. cắt nghĩa bằng giọng của người làm kinh tế: “Chẳng qua là tôi biết đầu tư thôi, kiểu đầu tư của tôi không ra lãi ngay, nhưng hiệu quả lâu dài. Ai cũng làm được, chỉ sợ không có gan”.
    Sở dĩ cái lối nghĩ ăn xổi ở thì lan ra ở nhiều gia đình Hà Nội vì sau chiến tranh, nhiều người chúng ta ở thế cùng, không lao đi kiếm ăn không xong.
     Mà nó cũng là cái tính chung của dân mình, tham bát bỏ mâm, tầm nhìn hạn hẹp.
     Điều tôi muốn nói thêm hôm nay là không những nhiều gia đình làm vậy mà cả nước mình cũng vậy.
      Bước vào thời kỳ mở cửa, có bao nhiêu tài trí đổ ra lo làm ăn hết.
      Lo có gạo xuất. Lo có dầu xuất.
      Gỗ được giá thì phá rừng cũng bán. Tôm được giá thì bỏ ruộng nuôi tôm không cần biết sau này đất hỏng ruộng thoái hóa ra sao. Cốt ngân quỹ thu về ít tiền.
       Người ta lấy đồng tiền nộp vào kho để đánh giá từng ngành.
       Cứ ai làm ra tiền ngay thì được cả xã hội săn đón và tha hồ vênh vang. Còn ngành nào phải chi tiêu nhiều y như có tội, có khó khăn gì thì người làm những ngành không nóng lắm này cha con tự xoay xỏa lấy với nhau.
       Đến ngay cả mạch máu đất nước là giao thông, có cảm tưởng người ta cũng chỉ lo cho nó vừa vừa thôi. Tôm xuất khẩu, gạo xuất khẩu mà hơi kém một tí là cả xã hội lao vào tìm cách thúc đẩy, ai làm hỏng là phạt ngay. Chứ giao thông ấy ư, nhân viên trong ngành có chia nhau tham nhũng và toàn làm đường xấu đường hỏng cũng được, đường có xấu một chút hãy đi tạm, không đáng lo bằng chuyện con tôm với thùng dầu.
     Trên cái nền tâm lý như trên, chuyện giáo dục hiện nay có bê trễ cũng không có gì là khó hiểu.
      Về lý thuyết mà xét, không ai coi nhẹ chuyện “trồng người” này. Ngay cả tiền bạc được chi cho giáo dục hàng năm, theo chỗ tôi được biết, cũng lớn lắm, chắc chắn là loại hàng đầu trong bảng chi ngân sách.
       Nhưng ít ra có thể thấy mấy điểm:
    
Thứ nhất là tâm lý chủ quan, không thấy hết chỗ lạc hậu của giáo dục Việt Nam, cho rằng xưa nay dân mình vốn thông minh hiếu học, cán bộ mình vốn giỏi giang vậy chịu khó động viên nhau một chút là xong.
     
Thứ hai là không đặt vấn đề đưa giáo dục của mình hội nhập thế giới, tưởng rằng cứ đào tạo một lớp người làng nhàng thế này rồi liệu dần, dân càng dốt càng dễ bảo.
      Từ đây dẫn đến tư tưởng chỉ đạo
thứ ba là không thấy sốt ruột trước những tật bệnh của cái ngành máy cái này. Nghe nói một dây chuyền sản xuất ở ngành kinh tế nào đó lạc hậu là cuống lên lo nhập. Nhưng trước những đổi mới cần thiết của giáo dục thì ngần ngại, sợ tốn tiền, sợ gây ra những thay đổi bất ngờ.
      Kết quả thế nào thì tất cả chúng ta đã biết, kết quả như kỳ thi phổ thông năm nay, cả nước cười dở khóc dở, đề ra dễ chưa từng có mà cứ chia ba thì có một học sinh trượt. Còn giáo dục đại học thì là một thực thể người chẳng ra người ngợm chẳng ra ngợm bất thành nhân dạng, bằng giả đầy, bằng thật thì chất lượng cũng giả, đụng đâu cũng gặp giáo sư, tiến sỹ mà chả ai có công trình nghiên cứu, chả ai có phát minh đóng góp gì cho sản xuất.
       Tính sơ sơ đã thấy, từ tầm nhìn của sự phát triển, cái “tội” lớn nhất của giáo dục là không đáp ứng nhu cầu về số lượng chuyên gia và các loại thợ lành nghề. Nói cho đầy đủ hơn, lỗi lớn của nó là ở chỗ không bảo đảm đào tạo được những con người có cách sống cách nghĩ và năng lực phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại.
       Bây giờ thì cái gì người ta cũng tính ra tiền được. Đại khái như đợt thi vừa qua, để nói không với tiêu cực , nghe nói số tiền chi ra sơ sơ đã là 45 tỷ.
       Vậy tác hại của việc kém cỏi của giáo dục đến sự phát triển của đất nước ra sao, hình như chưa ai tính, nhưng chắc tính ra con số cũng khủng khiếp lắm.
      Tình trạng giáo dục hiện nay đã bê trễ đến mức có đổ tiền vào bao nhiêu đi nữa cũng không vực dậy lại được. Như cái chân gẫy lúc đầu tự mình bó buộc qua loa cho xong, nay hỏng hẳn không dám dỡ ra bó lại nữa.
     Mà một dân tộc đã không biết làm giáo dục  thì làm gì có tương lai.  

 
Đã in  báo NĐBND 20/08/2007

Viết thêm 24-5-13


      Bài này tôi viết từ sáu năm trước. Nay tình hình đã khác đi. Chỉ nói riêng chuyện của từng gia đình. Nhiều người đã hiểu lo tính cho con cái  không chỉ là một việc đầu tư chắc chắn ngay từ phương diện tiền bạc. Mà nó còn mang lại cho chúng ta niềm tin, lòng khát khao chinh phục tương lai, làm ra một cuộc sống như lương tâm ta hằng ao ước… Nhiều ý nghĩa lắm.
      Nhưng lại bắt đầu một khó khăn khác. Là nền giáo dục của chúng ta không đáp ứng được nhu cầu của mọi người.  Hiện nay có tiền cũng khó tìm được nơi chữa bệnh đáng tin, có tiền cũng khó tìm được trường tử tế cho con học nên người.
     Ở trên tôi đã nói ta có một ngành đại học bất thành nhân dạng. Nhưng đó cũng là tình hình của ngành giáo dục nói chung.
     Mấy chục năm trước, sinh viên VN ra nước ngoài có thể nhập ngay vào các trường đại học của quốc tế, trình độ ngang ngửa với học sinh đại học các nước.
      Nay thì  ngược lại.  Theo chỗ tôi biết, lớp sinh viên hiện nay ra nước ngoài học rất trầy trật, nhiều em học xong không nhận được bằng. Không kể rất nhiều em hư hỏng.
      Một số  gia đình đành sẵn sàng gửi con đi từ cấp phổ thông, nhưng hiệu quả càng thấp.
      Kết luận cuối cùng là:
      Giáo dục không phải là chuyện riêng của từng gia đình.
       Mà là chuyện chung của cả cộng đồng cả xã hội.
      Khi cả quốc gia đã vụng tính thì các cá nhân ưu tú khôn ngoan có bảo nhau tính xa đến đâu,   việc cũng trở thành vô nghĩa. 
      Trong một cuốn sách sinh học, tôi thấy người ta nêu lên một quy luật của tiến hóa là không thể có tiến hóa ở từng cá thể mà phải là sự tiến hóa của cả quần thể.


أحدث أقدم