VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hai đoạn ghi về tuổi già và phụ nữ


TUỔI GIÀ...
            Mấy ông già tôi quen ngoài sông có lần ngồi đọc một câu ca dao mà ở nhiều gia đình thành câu truyền miệng. 
   Đố:Con gì ăn ít nói nhiều
       Mau già lâu chết, miệng kêu tiền tiền.
  Trả lời: đám già.

         Nhớ một lần khác, nghe một ông già kể. Có lần một người mẹ đang chơi với con vui vẻ, thấy ông ta đến liền bảo kìa chào ông đi, đứa bé ngó một lúc rồi sợ quay ra chúi đầu vào vai mẹ khóc nức nở.
        Với nó, khuôn mặt già cả nhăn nheo là một cái gì xấu xa kỳ dị đáng sợ.
       Cái già ở đâu cũng thế, chẳng cứ mặt người! Thế mà thử nghĩ xem, chúng ta sống giữa một xã hội già cả cố lỗ-- già trong tinh thần chứ không phải bề ngoài.
        Cả lớp trẻ hiện nay, sao tôi trông cái cách kiếm tiền chơi bời hưởng thụ, cũng thấy họ già sớm quá.

...VÀ  PHỤ NỮ
 Nếu tuổi già tiêu biểu cho suy kiệt thì phụ nữ tượng trưng cho sự đỏng đảnh. Đây là ý của Henry Troyat (1911 2007).
   Để hiểu về ông các bạn có thể tìm http://vi.wikipedia.org/wiki/Henri_Troyat.
   Ông này là một nhà văn Nga, sau Cách mạng tháng Mười lưu vong sang Pháp, viết văn, trở thành viện sĩ Viện hàn lâm Pháp.  Ông thường viết về nước Nga cũ, nhưng lại từ chối không bao giờ về thăm quê hương. Ông bảo, để cho cái cũ nó được sống đúng như nó có.
 Sau đây là đoạn văn mà tôi tạm đặt tên là Đàn bà là gì?, Henry Troyat viết nhân khi bàn đến nhân vật Grouchenka trong tiểu thuyết Anh em Karamazov.

Người đàn bà, ấy là sự điên cuồng làm bằng xương thịt.
Người đàn bà khô héo trong sự chờ đợi, đau khổ trong sự thực hiện những ý muốn của họ.
Lúc thì họ ác độc để có cái thứ tỏ ra dịu dàng tiếp sau đó.
 Lúc thì họ dịu dàng để có cái thú được tỏ ra độc ác liền một khi.
Họ có những e lệ tà tâm và những khoái lạc ngây thơ. Họ nói láo với đàn ông, với chúa, với chính họ. Họ đùa với cuộc đời. Họ đứng trước cuộc sống như đứng trước một tấm gương. Họ làm duyên làm dáng.
Và họ thay đổi vẻ mặt điệu bộ để tự tạo cho mình cảm giác là mình đang sống.
 Đối với đàn ông sự trường tồn là bằng chứng của thực thể họ. Và chính do sự đổi thay mà người đàn bà xác nhận sự hiện hữu của mình.
Cái người đàn ông muốn là một, còn người đàn bà muốn là nhiều.
 Người đàn ông chỉ tự cảm thấy mạnh trong sự ý thức đầy đủ về các đức tính và lỗi lầm của họ. Người đàn bà chỉ cảm thấy mạnh trong vô thức hoàn toàn về bản thân.
 Người đàn ông, chính là cái thế giới được tổ chức.
Người đàn bà chính là cái vũ trụ dị dạng.
 Đối với người đàn bà, tất cả đều có thể, không gì là nhất thiết với họ cả.

 Tôi đã hì hục ngồi chép lại đoạn này từ bán nguyệt san Văn in ở Sài Gòn khoảng 1971-72, số đặc biệt về Dostoievski, và có lần đã lại chép ra một tờ giấy rời để chuyển cho Dương Thu Hương hồi nhà văn này còn ở trong nước.
أحدث أقدم