VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một ít tư liệu về Dương Nghiễm Mậu ghi từ báo chí Sài gòn trước 1975


VỀ BẢN THÂN VÀ VỀ NGHỀ VĂN
DNM trả lời phỏng vấn Thời tập 1974
Khung cảnh tôi đang sống là một thành phố nháo nhác, trong đất nước có chiến tranh và một thế giới náo loạn, mà tôi bắt buộc phải biết đến.
-- Thiên nhiên đóng vai trò thế nào với anh?
Làm sao để người ta sống trong một gian phòng chỉ có những bức tường. Một cỗ áo quan chỉ dành cho người chết.
-- Không lẽ người ta chỉ say sưa có chừng đó? Rượu, thiên nhiên, người yêu
Còn có những thứ say sưa khác nữa chứ, ví dụ như làm loạn chẳng hạn...
---Thành công và thất bại?
Tôi thấy tôi chưa bao giờ đạt tới cả hai. Tôi không có nghề, tôi chỉ có nghiệp, đã là nghiệp thì làm sao tính sổ. Điều tôi thường nghĩ là tiếp tục.
-- Có tin kiếp trước và kiếp sau?
Tôi tin có và kiếp sau tôi vẫn muốn làm nguời

CÓ MỘT THỜI CÒN ĐẦY HY VỌNG
Tác giả trả lời phỏng vấn của Khởi hành 1969 về  tuổi 20   
[kể chuyện một đứa em 20 tuổi biết hết mọi chuyện, nhìn ai cũng thấy xấu]
Nghĩa là nó không còn coi cái gì ra cái gì cả. Xấu tốt thực giả ngang nghĩa với nhau. Nhưng rồi có lúc nó lộ ra rằng nó không muốn như thế, nó cũng muốn có một cuộc sống khác.

[Ghi lại tâm sự thanh niên] Chúng tôi không thấy những thần tượng. Chỉ đầu hôm sớm mai con người sự việc trước mắt đã đổi khác khiến chúng tôi nghi ngờ, mất tin tưởng.
 Có hư không? Có. Tại hoàn cảnh

Với lương tri… người trẻ tuổi nào cũng mong tìm thấy cho mình và cho mọi người một đời sống đáng sống. Bộ mặt thực của thế hệ 20 ở Việt Nam năm 1969 không phải do cái bề mặt giả hình của nó, mà nhiều người trẻ tuổi khoác lên mình hay người ngoài nhìn vào thấy. Có thể nói bộ mặt đó bi quan nhưng rất tin tưởng.

NHẬN XÉT CỦA CÁC ĐỒNG NGHIỆP
* Du Tử Lê: Dương Nghiễm Mậu, trước sau chói gắt ý thức chọn lựa tự do, nhân bản.

Nguyễn Đình Toàn: [Trong truyện DNM] người ta sống và bị bao vây bởi dĩ vãng -- một thứ dĩ vãng chồng chất và không kiểm tra được.
Không kiểm tra được nhưng nó vẫn có đấy và đẩy biên giới là hiện tại tới một tương lai không hề biết trước.

Mai Thảo (Văn số 3-6-1974)
Chúng ta đọc và yêu Duyên Anh. Vì lối viết thao túng quẫy động. Vì năm tháng trong tiểu thuyết Duyên Anh là những năm tháng đẹp nhất của cả đời người. Vì trò chơi sảng khoái của chữ nghĩa vẫn là trò chơi của trí nhớ. Mặt này Duyên Anh vô địch.
Chúng ta đọc, yêu Dương Nghiễm Mậu. Vì phong cách nghiêm túc. Văn học ta nhiều bất trắc thiết yếu phải có những nhà văn chủ lực vững vàng trong ý thức độc lập từ tâm hồn. Như Dương Nghiễm Mậu.

Viên Linh về DNM trong Khởi hành
Biến động, ở đó phải có DNM.
Vỡ vụn, đó là nhan sắc của Mậu.
Gào thét, phấn đấu…. DNM hiện diện tràn dầy trong một người không ngừng thao thức, hy vọng, những hy vọng huỷ hoại và tái tạo.
Trong một đoạn văn DNM viết “chúng ta  ti tiện nhỏ mọn, thù hằn, phân tán, vị lợi, chia rẽ.”

Viên Linh đọc Đêm tóc rối, bài in trên Nghệ thuật
Nhân vật của DNM là những người trẻ tuổi bị đè nặng bởi quá khứ về mặt tinh thần, và bởi tương lai về mặt trách nhiệm.
… Nhân vật DNM là người tù giam lỏng.
Trong lúc bước đi, anh nghĩ chắc chắn rằng ở đầu đằng kia có một bức tường, phía sau anh nhất định không thể quay trở lại và hai bên tả hữu anh là hai cánh che, anh là con ngựa đi một đường thẳng.
Tôi lạnh lưng trước gương mặt lố lăng của một thời đại mà chừng như mọi người đều biết rằng mình đều lố bịch đều làm hề, và nó khởi từ một vô vọng án ngữ phía đi tới của mọi người.
-- Anh có thích đi tới một nơi thật xa không?
--Thích chứ, nhưng người ta mấy ai có quyền làm được theo ý thích.
Anh sinh ra trong phá hoại, anh trưởng thành trong đổ nát, và anh phải sống, phải suy tưởng, phải xây dựng.
Khi đọc DNM cũng như đọc thơ văn của bạn bè, tôi nhận ra chúng tôi không có một thời thơ ấu. Không có những yêu thương.

Nguyễn Nhật Duật đọc Quê người, bài trên Khởi hành 1971
Nhân vật của DNM toàn khổ hạnh lầm lũi, câm nín, với kiếp sống lam lũ, với cảnh đời thất tán, với mảnh đời buồn tủi và tang thương trước mắt
Không khí oi bức, u uất, ngọn điện vàng yếu có những xác chết nhớp nhoá. Nhân vật không có tên, tất cả là nặc danh, người đàn ông thì gọi theo chức phận ông anh ấy. NgVB. Nguyễn Thị S. Một thế giới gồm những đơn tử đồng loạt, một đám đông nặc danh đúng nghĩa.
Văn tác giả khác văn phóng sự.
Trong sự lặng nghe kinh nghiệm và cảm thụ đời sống, tác giả Quê người bị chi phối bởi những giác ngộ tê tái với nỗi tang thương của kiếp người trong thời thế này.
Sự diễn tả của DNM luôn luôn sáng sủa, đơn giản, khô khan và giữa những câu văn, thường lộ rõ sự trống trải, lạnh lẽo, sự chặt đứt, tách rời.
Văn DNM không phải thứ văn xuôi có chất thơ.
Nhưng giá trị bút pháp này là ở nhịp văn uyển chuyển, nhẹ nhàng, và phong phú, những nhịp biến hoá này hấp dẫn người đọc một cách vô thức.

Một câu trong Truy tìm kẻ mất tích
"Tấm màn kéo lên cùng với tiếng reo hò của vạn vật. Tôi nhìn xuống thấy đủ loài muông thú. Những con rắn, con hổ, con chim cú… Tôi nói cám ơn quý vị, thật đau buồn rằng chiến tranh đã kéo dài quá lâu và tôi lại là kẻ sống sót. Tôi không muốn vậy."
           
Không có một quê hương yêu dấu, các nhân vật của Quê người cũng đồng thời không có bản ngã. Mỗi kẻ lặng lờ, khép kín như một đơn tử chết. Sống trong một câm nín. Những câu đối đáp mang vẻ dở dang hay lẩn tránh nhau, rách rẽ nhau, những lời lẽ đứt đoạn, rời rã giữa cha con, vợ chồng, thân thuộc, thảy đều không biểu lộ nổi một ứng chịu, một thoả tính nào hết. Mỗi người sống với niềm bí mật của mình, niềm bí mật không thể nào giải toả được. Và mỗi người đều mất hút trong dòng đời biến chuyển, trong cuộc sống chung nhàm chán và trống rỗng. Người sống lặng lẽ và cái chết cũng thầm lặng.

ĐỘC GIẢ KHỞI HÀNH VIẾT VỀ DNM
* Nhân vật của Bếp lửa [của Thanh Tâm Tuyền] soi sáng cho người đọc cái tâm thức mờ mịt trong đời sống tối tăm này.
Về DNM, ta bắt gặp hình ảnh của những kẻ sĩ bó tay trong một xã hội băng rã.  Phong thái  nhân vật của ông nửa anh hùng, nửa ăn cướp.
DNM hiểu được phần nào tâm trạng của những người trẻ tuổi ưa suy nghĩ, thích hành động nhưng sớm chán nản trước thời cuộc.

* DNM nói về những trường đã lớn lên trong cuộc chiến tranh khốn khổ và nhọc nhằn này. Nhân vật của ông sẽ ngơ ngác nếu như hắn sung sướng.
Con đường nhân vật chính xoay sở là con đường cho một hạnh phúc tầm thường nhưng khó khăn, miễn là ta can đảm nhận chịu.
Ý niệm cơ bản ở anh: lấy phó mặc làm tiên thiên.

* Một bạn đọc (KH 13-4-72)
Thế Uyên  diễn tả được trọn vẹn cái bất đắc dĩ của người lính trí thức, cái dằn vặt của những sinh hoạt thường nhật.
 Còn ông (DNM), tôi thích ông vì ông thực tế, thực tế trong ý thức và thực tế cả trong cuộc đời. Bút pháp diễn đạt ngay tình không vị nể, gò bó trong khuôn khổ.
Tôi đọc ông trong Vấn đề, trong Văn, những tác phẩm đó là nỗi khốn cùng, nỗi tình cờ và bất ngờ nhất.


-------------------

Phê bình Cũng đành
VỊ TRÍ CON NGƯỜI DƯỚI MẮT DƯƠNG NGHIỄM MẬU
Đặng Tiến - Bách khoa số 154

1. Con người từ chối hiện tại trong Niềm đau nhức của khoảng trống
Hạnh có một cái bướu. Người yêu không chịu được. Nhưng Hạnh cắt bướu đi. Bị ung thư.
Theo ĐT: Cái bướu của Hạnh làm bằng một dĩ vãng mồ côi, một hiện tại goá bụa. Muốn cắt bỏ cái hiện tại tàn nhẫn đang đeo đẳng vào số phận, Hạnh đã chết.

2. Con người từ chối dĩ vãng trong Người ngồi đội mũ
Một lão Jean Pháp kiều 72 tuổi sống bằng đồng tiền của đứa con gái hờ làm đĩ lão luôn luôn đội mũ, cái mũ oai hùng của thời rượu ngon gái đẹp.
Thằng thanh niên - có lẽ tác giả - nhìn  vào dĩ vãng, không phải chụp mũ mà cởi mũ. Chàng muốn giết lão Jean.
ĐT: Thật ra trên đầu mỗi chúng ta đều có cái mũ mốc thếch của dĩ vãng chụp kín trên hiện tại,  cái mũ của ảo tưởng chụp trên thực tế.

3. Con người từ chối tương lai: Cũng đành
Kha, thanh niên sốt rét, bỏ kháng chiến về Hà Nội sống cuộc đời vạ vật, bị bọn lính đánh. Kha nhớ, một câu hỏi và tự hỏi: "Cha mẹ mày tên gì?" Kha không tự tử, vì tự tử là một quyết định. Kha không có dự tính gì vì chàng khẳng khái chối bỏ ngày mai.
Một nhà văn Tây phương: Lý do để sống cũng là lý do để chết.

4. Tìm về dĩ vãng: Bồn cát tuổi thơ.
Tuổi thanh niên nghèo, thanh niên gặp một em bé làm nhà trên cát: "Tôi nhớ tới một đứa em ở trại tế bần, lãnh em về.”

5. Con người dừng chân trong hiện tại: Tiếng động trên da thú.
Hai đứa con trai con gái khốn khổ yêu nhau.
ĐT: Cái ám ảnh của DNM là mang số kiếp người không tên, y hệt như súc vật… Con người chỉ có danh tính khi có liên hệ xã hội. Con người dưới mắt DNM không có liên hệ. Phải đợi khi soi mình vào một thân phận đau thương hơn, con người mới tìm được chỗ đứng.
Cuối truyện, người con gái chết.
ĐT: Tôi mường tượng người con trai lại thất thểu ra đi.

6. Con người lần về phía trước: Làm thân con gái
Nhung, một người con gái bỏ nhà theo trai, một chàng trai vừa xấu xí, vừa ngu dốt.
Thái độ Nhung: Dấn thân.
Nhung từ chối gia đình thì phải chấp nhận theo trai, mỗi từ chối để là một chọn lựa, mỗi chọn lựa là một chấp nhận. Đi tới dù phải nhắm mắt cắn răng, phải chăng là một thái độ của DNM? Một kết luận bi thiết nhưng kiêu hãnh. Con người dấn thân về phía trước phải chăng có mang theo hình ảnh  một nhân loại sẽ hồi sinh bên kia bờ tuyệt vọng (chữ của Sartre)
Dù vũ trụ có đè bẹp con người, con người vẫn lớn hơn những gì đã huỷ diệt nó. Người ta nhớ lại câu nói đó của Pascal khi đọc DNM.

Các nhân vật DNM đều mồ côi. Chúng ta bắt gặp một thời đại mồ côi. Các nhân vật đều nghèo túng… Những truyện của DNM không phải là chuyện xã hội. Xã hội còn nhiều cái ghê tởm hơn. DNM đưa ra, mở nắp những câu hỏi.
Vấn đề đặt ra: thân phận con người.
 Buộc ta phải suy ngẫm về đời sống chung của một dân tộc nạn nhân
Vấn đề rút ra: tạo ra trong mỗi người đang đói rách một ý thức về những giá trị siêu việt trầm tích trong tâm hồn họ.
Cũng đành ghi nhận sự hiện diện của người thanh niên trong ý thức xã hội hôm nay, một xã hội đang đợi chờ may mắn hồi sinh bên kia bờ tuyệt vọng.

-------------------

KỸ THUẬT VĂN XUÔI DƯƠNG NGHIỄM MẬU

Với tôi việc theo đuổi đề tài DNM ngay từ những năm trước 1975, thực ra còn để thỏa mãn một nhu cầu khác. Đó là tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật văn xuôi theo hướng hiện đại mà đọc phê bình văn học phương Tây, tôi thấy người ta thay nhau  đào bới khơi gợi.

Hồi đó, ngoại trừ một vài người đặc biệt như Nguyễn Thành Long ..., các tác giả văn xuôi ở Hà Nội rất ít khi  bàn với nhau về cách viết, về giọng điệu văn xuôi hoặc cụ thể hơn như độc thoại nội tâm như dòng ý thức. Không biết thì lấy gì để bàn. Vả chăng hồi ấy lo lắng băn khoăn về hình thức là sa vào nghệ thuật vị nghệ thuật là muốn học đòi phương Tây nhảm nhí.

Trong khi đó, thì ở Sài Gòn tôi thấy các cây bút văn xuôi thể nghiệm rất nhiều. Có người còn bàn, nhiều người chỉ lẳng lặng viết và DNM là một ví dụ.

Những trang viết  của ông đủ sức gợi ra niềm tin và chỉ ra sự cần thiết  của việc đổi mới đó.
Tôi đã chép và đọc lại nhiều lần để tìm ra cái bí mật tại sao nhà văn này có thể viết những đoạn như đoạn sau:

Kim đã lấy chồng, đã sung sướng ra sao. Tôi lặng lẽ nhớ về những gì đã có. Trong những người đến với em, anh là người yêu em hơn hết. Em ngoại tình trong tư tưởng phải không anh. Tôi mỉm cười. Có điều anh ngu phải không. Kim lặng im. Có lẽ anh không yêu em như em tưởng. Tôi nói tuỳ em nghĩ. Thời gian đã trôi, đã trôi, mới đầu tôi tưởng tôi không yêu nhưng cho đến nay tôi rõ tôi yêu Kim.

Trong khi  không còn đủ sức để tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật văn xuôi nữa, tôi chép lại ở đây môt số nhận xét của báo chí Sài Gòn trước 1975 về phương diện này của ngòi bút DNM. Xuất sứ ở đâu thì tôi đã cẩu thả không ghi đầy đủ, song chẳng lẽ chỉ vì vậy mà không giới thiệu với bạn đọc?
Nhân đọc Sáng mùa xuân: Trong văn DNM (và có lẽ trong văn tiểu thuyết mới, dòng ý thức nói chung) lời nói của nhân vật cũng là sự việc, cũng là một cái gì tiếp nối trong dòng sự việc đang triền miên.

Nhưng điều này --  ngược trở lại -- mới quan trọng. Là các sự việc trong đó cũng tiếp nối, cũng là một thứ cầu nối, nó liền lặn trong mạch văn thành một thứ mạch nói của tác giả suốt từ đầu đến cuối
Mời ông vào, tôi quay lại, một nguời tớ gái đang mời chúng tôi, bà cụ cười, chúng tôi cùng bước vào trong vườn.

Trong văn DNM, có lúc thấy lời nói liên tiếp tuôn chảy, lời nói đơn điệu, và tác giả làm nổi khá rõ cái đơn điệu ấy, bằng cách tô đậm cho cái đơn điệu ấy.
Đấy, hàng ngày chúng ta ăn nói với nhau mới vớ vẩn làm sao, nhạt nhẽo làm sao - dường như tác giả nói vậy. Cũng như ông, văn ở bên ngoài dọng điệu, và  bên ngoài thơ, như một tiếng nói trong đời sống vậy. Cuối cùng, tác giả mới dành cho mình một điều kiện để nói lại. Cuối  cùng tác giả mới chứng tỏ không, nói thế thôi, nhưng cuộc đời nó còn những phía ở sau, mà mỗi người không làm sao biết được.

Có lúc, DNM không gọi tên nhân vật, DNM cho không gian thời gian mất đi cái cụ thể, và những con người vừa bơ vơ, vừa phải quan hệ với nhau.
Chúng ta nhớ, bắt đầu là một DNM tượng trưng (tập Cũng đành). Một lúc nào đó, DNM lại đi vào những chuyện rất cụ thể (ký sự). Và bây giờ DNM lại tượng trưng trở lại.
Cái diều hâu trong đời, trong tác phẩm, sau những lúc phát biểu, lại trở thành một cái gì rất xa lạ. DNM thường không ngồi chung.
Đọc DNM bao giờ cũng thấy một tiếng nói, tiếng nói của tác giả một mạch văn mang văn tác giả. Mọi chuyện vào đây đều chịu sự chi phối của phong cách ấy.
أحدث أقدم