20-7
ĐỂ LẠI GÌ CHO CON CHÁU?
21-7
QUANH CHUYỆN THIẾU ĐIỆN
22-7
NGƯỜI VIỆT DÔNG DÀI UỂ OẢI
25-7
THÊM SÁCH SỬ NHƯ HIỆN NAY
THÌ CHỈ LÀM CHO NGƯỜI TA GHÉT SỬ
ĐỂ LẠI GÌ CHO CON CHÁU?
Mua cuốn Tìm hiểu môi trường của hai tác giả Mỹ Eldon D. Enger – Bradley F. Smith. Ghi được cái ý, từ khoảng những năm 1910-1920, tổng thống Mỹ Teddy Roosevelt đã tuyên bố là ngoại trừ việc bảo vệ đất nước trong thời chiến thì không gì bằng để lại đất đai cho con cháu ta, thậm chí phải là phần đất tốt hơn dành cho chúng ta .
21-7
QUANH CHUYỆN THIẾU ĐIỆN
-- Tiếp tục ý Cái đúng hôm qua nay không đúng nữa.
Người ta hay lý sự “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”. Cái thiếu đáng sợ chứ ! Ví dụ do thiếu điện, con người hiện nay sinh ra tâm lý không thấy cần tiết kiệm. Lúc có điện dùng bừa dùng bãi, cho bõ tức mà cũng là cho hết cái xuất mình đã được hưởng.
Trước đây chỉ hay nói sự giầu có làm hư con người. Nay hóa ra ngược lại, sự thiếu thốn cũng làm tha hóa họ, tác hại còn ghê gớm hơn.
-- Ngày trước thiếu điện thì bó tay. Nay đã có cái thay thế tạm thời: máy phát điện. Chưa đến mức mỗi nhà một máy, nhưng dễ phát triển.
Người Việt làm kinh tế, lo cho cái chung thì vụng, nhưng lo riêng thì giỏi.
Việc sử dụng chiếc máy phát điện cho từng gia đình giống như việc sử dụng xe máy. Tức là manh mún lụn vụn không ra hệ thống. Ta đang chuyển đổi thành kinh tế công nghiệp theo cái phương thức kinh tế tiểu nông. Làm gì cũng không ra thoát tâm lý tiểu nông .
22-7
NGƯỜI VIỆT DÔNG DÀI UỂ OẢI
Nhân đọc Chuyến đi Băc kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký, đoạn phong tục có câu tả Hà Nội” Chốn thiềng thị thì công thương tụ, có lộn Ngô Khách. Đàn ông con trai hay ngồi quán ngồi lều trà rượu ăn chơi, còn việc cày cấy thì nhờ đàn bà con gái làm. “
Liên hệ tới ba truyện ngắn Thạch Lam.
Trong Cô hàng xén mọi việc trong nhà cô Tâm lúc chưa lấy chồng đều do mẹ cô lo liệu, bố cô chỉ đi chơi các nhà xa gần có khi vài ngày liền mới về .
Trong Người bạn trẻ, cảnh nhà anh Bào “bà mẹ tráng bánh và thổi xôi để bán’ . Còn “ thầy anh ta, ông có vẻ nghiêm nghị lắm, và hình như lúc nào cũng ung dung không làm gì”.
Trong Hai lần chết. “Cha Dung chẳng làm gì cả. Từ xưa đến nay vẫn thế. Hình như ông ta sinh ra đời là chỉ để ngồi ở nhà cho lúc nào cũng có người và để những ngày giỗ tết trong họ, khăn áo chỉnh tề đi ăn cỗ mà thôi. Không ai thấy ông ta làm việc gì, mà cũng không ai nghĩ đến sự ông ta phải làm một việc gì đó”.
Xưa là thế còn thời nay?
” Đi dọc các con đường và ngõ ngách của quán nhậu ở Hà Nội, bạn sẽ thấy cánh đàn ông chuyện trò rôm rả không thua gì các phiên chợ buổi sáng của các bà. Họ nói chuyện đùa, chuyện tếu, chuyện phiếm, chuyện mặn chuyện lạt một cách say sưa và tự nhiên như thể chỉ có đàn ông là công dân danh dự trên quả đất này. Sau vài tuần bia và rượu, cánh đàn ông không hề trở nên đáng yêu hơn với gương mặt đỏ kè, giọng nói lè nhè hoặc the thé. Rồi họ chuyển sang chuyện chính trị, chuyện đấu đá ở cơ quan, hoặc bắt đầu lên giọng triết lý về các vụ scandal nóng nhất. “
Đây là một đoạn tả Hà Nôi của Drew Taylor, được giới thiệu trên nhiều mạng . Bài viết có cái tên là Ngộ quá ta!
25-7
THÊM SÁCH SỬ NHƯ HIỆN NAY
THÌ CHỈ LÀM CHO NGƯỜI TA GHÉT SỬ
Dường như những lời kêu ca về việc coi rẻ môn sử cũng có tác động, nhiều loại sách sử mang tính cách gọi là phổ thông kiến thức được biên soạn. Nhưng nhìn vào chỉ thấy những cuốn viết cẩu thả và nhất là quan niệm về sử trong đó đơn sơ cổ lỗ, so với sách giáo khoa phổ thông còn kém một bậc. Mà sử học trong nhà trường thế nào thì chắc chúng ta đều biết.
Người ta vẫn quen nghĩ rằng phục vụ đại chúng nghĩa là in ra thật nhiều những cuốn sách giá rẻ, tức một cách cao đan hoàn tán những kiến thức cũ rích và do đó vô hại, thế thôi.
Một hướng phổ biến sử khác là làm sách sử cho thiếu nhi. Biến thành truyện tranh. Giấy trắng, in đẹp.
Tôi cũng không tin là nó làm cho giới trẻ yêu sử hơn.
Đã mấy lần tôi có nói với một vài phóng viên đến phỏng vấn rằng loại sách “ thần đồng đất Việt” chỉ gây hiểu sai về dân tộc. Họ bảo anh ơi loại sách đó được yêu thích lắm.
Cố nhiên chả ai buồn đưa ý kiến của tôi lên mặt báo. Nghĩa là tôi sai?
Nhưng sao vẫn thấy cách làm sử như thế trước sau chỉ làm cho bạn đọc ở các lứa tuổi chán sử.
Và căn bản là lịch sử sẽ không giúp gì cho họ trong đời sống nếu không muốn nói giữ họ trong ảo tưởng, làm khó cho họ trong hội nhập quốc tế.
Nhưng nếu có ai hỏi phải bắt đầu làm sử lại bây giờ thì tôi cũng đành chịu.
Ta thường nói ta học nhiều ở văn hóa Trung Hoa. Nhưng từ các cụ xưa đã chỉ lo học thơ phú. Còn sử thì không học được và cũng không chịu học. Lại càng không muốn biết rằng Trung Hoa có một nền sử học mà phương Tây cũng phải kính phục.
Trong cuốn Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học, tác giả Nhật Tadao Umesao có kể rằng, ở các quốc gia Đông Nam Á, tư duy lịch sử và nói chung là khoa nghiên cứu truyền thống của mỗi nước ít phát triển.
Ở chỗ này thì Việt Nam lại trở về với đại gia đình Đông Nam Á.
Chỉ có điều khác, ví dụ như ở Miến Điện, hiện nay, theo Tadao Umesao, môn lịch sử Miến Điện được dạy bằng sách giáo khoa do người Anh soạn.
Ta thì không làm thế. Ta cũng dựa vào tài liệu nước ngoài nhưng chỉ lấy phần nào người ta khen mình, còn những nhận xét nghiêm túc khác thì gạt bỏ thẳng thừng. Và ta làm ra thứ sử như hiện nay.