VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép hàng ngày (7)

14-7
HAI XU BÚN RIÊU…HAY LÀ SỰ KHỐN CÙNG CỦA NẠN ĐẠO VĂN HIỆN NAY
Nguyễn Công Hoan từng có truyện ngắn Thằng ăn cắp viết năm 1932. Nỗi khốn khổ của kẻ cùng đường. Sự trơ tráo của kẻ phạm tội. Cái gọi là tình trạng nhân thế hiện ra trong truyện này cũng như trong Nguyễn Công Hoan nói chung cực kỳ nhếch nhác. Mọi chi tiết trong truyện đều khá thú vị. Nhưng tôi còn thấy truyện hay ở hai khía cạnh vặt khác.

Một là cái sự bù lu bù loa của người mất cắp.
Và thứ hai là cái thứ mà người ta ăn cắp. Hãy đọc lại trăm chữ cuối truyện, nhất là mấy câu cuối cùng:
-- Nó lấy gì của bà?
-- Các ông đưa nó lên Cẩm ( đồn cảnh sát –VTN) … hộ tôi
-- Bà mất gì?
Bà ấy cố trả lời, nói rời rạc như người sắp tắt thở:
-- Nó ăn của tôi…hai xu…bún riêu… rồi nó quỵt … nó chạy.
Tôi tìm thấy ở đây một sự phóng chiếu của … nạn đạo văn hiện thời.
Không ai nói những Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, hoặc Nguyễn Tuân,Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng … bị đạo văn bao giờ. Lý do là bởi những thứ các vị ấy viết ra đều in đậm cốt cách ngòi bút tác giả. Ai lấy là lộ liền.
Còn nhìn vào những thứ mà người ta thó của nhau và bị gọi tên chỉ mặt hôm nay. May lắm chỉ là những ý tưởng thuộc loại trung bình và được diễn tả không rõ sắc thái cá nhân. Và còn ít người biết, nên mới dễ tạo cơ may cho người làm cái việc “ đạo” khỉ gió đó.
Nhìn rộng ra có thể bảo nó là sản phẩm của một nền văn chương hoặc nền giáo dục còn đầy bóng tối, một thứ đời sống tinh thần tỉnh lẻ, phố huyện, gà què ăn quẩn cối xay và chưa họp chợ đã họp kẻ cắp.


15-7
ĐÂU LÀ SỰ ĐẠO VĂN TỞM LỢM NHẤT?
Nói dối trong xã hội hiện đại đã đến mức tinh vi đến mức nhiều khi nó rất giống như nói thật. Juan Carlos Onette, một nhà văn Mỹ la tinh hiện đại, hiện sống ở Madrit, Tây Ban Nha từng nói “Có nhiều cách nói dối, nhưng cách tởm lợm nhất là nói ra đủ thứ chi tiết về sự việc – tức nói toàn bộ sự thật -- mà chỉ che giấu cái hồn của sự việc”.
Bắt chước tác giả trên, tôi cũng muốn nói có hai thứ thứ đạo văn. Ở một đầu là tình trạng chép từng câu thô thiển. Còn đầu kia là lối đọc của người ta xong, viết lại khác đi một chút. Câu văn chữ nghĩa của mình, không ai bắt bẻ được. Nhưng tinh thần là lấy của người khác, thực chất vẫn là đi ăn cắp. Nói như Juan Carlos Onette, đó mới là thứ đạo văn tởm lợm nhất.
Tôi tự hỏi, thế cách dạy và cho học sinh thi văn hiện nay—làm bài theo nội dung thầy cô giảng trên lớp, chấm theo đáp án đến từng điểm a, b,… có phải là tiền đề để tạo ra thứ đạo văn thứ hai này không ?

17-7
HY VỌNG LÀ TỪ PHƯƠNG BẮC
Phim Lý Công Uẩn cuối cùng được mang sang Trung quốc để làm. Tuy có vài thắc mắc, nhưng ở chỗ riêng tư, người ta đều bảo nhau, không chừng thế mà hay, chắc chắn cũng còn có một phim coi được. Chứ để cho dân mình tự làm lấy thì công toi luôn.
Trong mỹ thuật VN có một thứ đồ sứ gọi là men lam Huế, do các chúa Nguyễn đặt hàng người Tầu thời ấy làm và chở sang VN để vua dùng và khi cần làm việc đối ngoại.
Nay ta lại học cha ông xưa thôi!
Tây còn có chỗ không hiểu ta, chứ người Tầu đi guốc trong bụng ta là cái chắc, họ hiểu ta, đóng vai ta giỏi hơn chính ta nữa.
Báo chí chẳng đang nói tới chuyện nhân phong trào người Việt dùng hàng Việt, lật ra khối thư hàng nội bán ở các chợ, khối thứ đề là Việt Nam sản xuất nhưng lại do Tầu làm là gì.
Đấy là chúng ta chưa nói tới những phát ngôn, những tư tưởng, những thành tựu tinh thần. Ai biết được chỗ nào ma ăn cỗ.
Rất chân thành, cụ Đặng Thai Mai hồi trước đã đặt cho một bài viết cái đầu đề khái quát: Ánh sáng là từ phương Bắc.
Nhân câu chuyện phim Lý Công Uẩn, thì còn có thể dịch câu nói trên của Đặng Thai Mai thành Hy vọng là từ phương Bắc.

19-7
CÓ MỘT HÀ NỘI NỔI TIẾNG , THẾ LÀ ĐƯỢC RỒI
Trông vào cảnh HN chỉnh trang, thấy hóa ra lâu nay chúng ta có một thành phố quá ư rách nát.
Nhớ có lần ai đó chê chỉnh trang làm mất cái duyên HN, thì một ông phụ trách hỏi lại:
-- Thế các anh thử chỉ cho chúng tôi biết cái duyên cũ của HN là gì nào?
Cũng không ai trả lời được.
Hóa ra cái HN mà chúng ta sống một đằng và HN trong đầu óc mọi người thì lại khác, mỗi người hình dung ra một HN của mình và yêu riêng cái đó, thế là được rồi.
Báo Tuổi trẻ cuối tuần số ra 11-7 có nói tới một hiện tượng tâm lý ở thanh thiếu niên nhiều nước “ Bây giờ vô danh tiểu tốt còn tồi tệ hơn là nghèo khó”.
Ồ, nếu đúng vậy thì mỗi người thủ đô chúng tôi, cả già lẫn trẻ, đều là người rất hiện đại. Miễn Hà Nội chúng tôi nổi tiếng! Còn nghèo nàn nhếch nhác, xin quên ngay cho, đếm xỉa tới làm gì!

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم