VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Con đường nghề nghiệp(2)

-->
8/ Những kiến thức ở đại học có giúp ông ít nhiều? Khi viết phê bình, ông có thường tham cứu lý luận văn học?
Việc học đại học là rất cần, nhưng chỉ là cơ sở. Tôi cho rằng người sinh viên sau khi ra trường phải học thêm nhiều, phải vượt lên, phải phủ định ( theo nghĩa triết học) những gì đã học. Nếu quan niệm có sự giúp của mấy năm đại học thì là giúp ở vai trò kích thích đó.

Còn tham cứu lý luận ư, tham cứu nhiều chứ. Nhưng tôi làm theo cách của tôi là tìm cách đọc bản gốc, hoặc bản đã dịch ra tiếng nước ngoài khác, chứ không qua môi giới là các “nhà lý luận” VN. Trong một bài viết có in lại trong tập Phê bình & tiểu luận mới đây (2009), tôi đã nhắc lại nhận xét của các học giả đi trước là ở ta có cây bút nghiên cứu lý luận nào đâu, ông cha ta không có truyền thống làm lý luận và đến thời nay cũng vậy. Nhìn mấy nhà tự xưng là thạo về lý luận, thấy thực ra họ chỉ làm việc chuyển tải kiến thức nước ngoài, ai giỏi thì học được cái hay, ai thô thiển dung tục thì khuân về một đống lù lù đấy, rồi hô lên là mình mới là người đi tiên phong trong việc mang các lý luận này vào VN. Để làm bằng cấp rồi đi dạy kiếm sống thì thôi cũng vui lòng ủng hộ nhau, chứ đâu đã gọi là nghiên cứu với lý luận theo đúng nghĩa.
Tại sao đã khá nhiều người thử áp dụng các thứ lý luận mới nhất vào việc nghiên cứu văn học VN, mà không mấy ai thành công ? Trong nhiều lý do, có lý do sau: tầm của chúng ta thường thấp, khả năng bao quát hạn chế.
Cần nhớ rằng phải mọi lý luận đều xuất phát từ một cái nền văn học sử nào đó. Người ta không thể hiểu lý luận về tiểu thuyết phương Tây, nếu không đọc qua để bao quát mọi chặng đường tiểu thuyết và có cách cảm thụ riêng với những cuốn tiểu thuyết cơ bản từ Don Kihote, Đỏ và đen tới Đi tìm thời gian đã mất, Ông già và biển cả...
Về phần mình khi nghiên cứu về truyện ngắn, tôi đọc kỹ hai loại sách 1/ bản thân tác phẩm của các bậc thầy truyện ngắn từ G. Maupassant, A. Tchekhov, tới A. Moravia, S. Maugham. 2/ các công trình nghiên cứu khảo về truyện ngắn của các bậc thầy này. Thú thực là nhiều khi tôi lại hiểu một vấn đề lý luận toát ra từ các công trình văn học sử rõ hơn là khi đọc lý luận chay.
Với quan niệm như vậy, thì việc tham cứu lý luận là bắt buộc với mọi người viết phê bình. Tôi thường vẫn tiếc là chưa đọc được nhiều.
Chưa áp dụng thành công thì phải học thêm chứ không phải quay về bỉ bác người khác thần bí hóa nghề nghiệp để khoe mẽ với nhau, như một số người đã làm.
Nói thế vì tôi cũng từng được nghe mấy nhà phê bình tuyên bố cảm thụ là đủ , là trước hết, nếu không muốn nói là tất cả. Đó là quyền của các vị ấy, và ai thích theo là quyền của họ. Tôi theo con đường khác. Dù tôi khi viết không dẫn ra, nhưng trong đầu, các kiến thức về phương pháp xu hướng vẫn đứng đó như những điểm đối chiếu, và trong thực tế là tôi học theo những gì tôi tin tưởng. Việc tìm hiểu lý thuyết không gây hại mà còn kích thích thêm sự cảm thụ của tôi.
Trong số những cuốn sách gây ấn tượng nhất cho tôi trong mấy năm gần đây ( tính từ 2000 ) có cuốn Dẫn giải ý tưởng văn chương của tác giả Henri Benac, Nguyễn Thế Công dịch, Nxb Giáo dục 2008.
Đây là một thứ từ điển phổ thông trình bày các khái niệm văn học được sử dụng ở phương Tây. Giá kể được biết nó từ sớm có lẽ hồi trẻ, tôi đã có thể làm việc tốt hơn.
Sau hết, tôi muốn nói thêm hai điều : một là phải học tập lý luận văn học đồng thời với tìm hiểu học hỏi các môn khoa học xã hội khác như lịch sử, triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học và cả khoa học tự nhiên như vật lý học, sinh học… nữa. Nếu không đọc rộng ra, thì người ta sẽ không bao giờ hiểu được lý luận văn học. Hai là xét ở trình độ phát triển thì cái mà chúng ta cần học hỏi cho nhuần nhuyễn là các thứ lý luận đã thành cổ điển. Chứ còn những thứ thật mới thật tân thời chỉ đúng cho những nền văn học đã phát triển hoàn chỉnh, cố mang về gán ghép cho văn học ta chỉ là làm trò nhận vơ học đòi, không bao giờ giúp cho ta hiểu về ta được.

9/ Ông có quan tâm đến kỹ thuật viết?
Quan tâm nhiều chứ. Từ kỹ thuật viết câu dùng chữ đến kỹ thuật theo đuổi một bài viết dài, tôi đều đặt vào trọng tâm cần tìm hiểu.
So với kỹ thuật viết truyện viết bút ký ký sự, thì kỹ thuật trong việc viết phê bình có những điểm chung lại có những điểm riêng. Đó là loại kỹ thuật phối hợp cả thể tùy bút (essai ) lẫn thể tiểu luận ( etude).
Có một thứ thuộc loại quan trọng nhất với người viết phê bình là kỹ thuật viết văn xuôi. Tôi học những kỹ thuật này qua việc đọc các công trình của các bậc thầy phê bình.
Ở trên tôi đã dẫn ra nhận xét là cách viết phê bình của tôi gần với cách viết loại bài của các nhà sáng tác. Thật ra thì đấy không phải ngẫu nhiên mà là một việc tôi làm có ý thức.
Chẳng hạn với tôi, Xuân Diệu không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà văn xuôi độc đáo, bao gồm cả hai thể bút ký và tiểu luận tôi nói ở trên. Một vài phương diện văn xuôi tiếng Việt được ông khai thác đến cùng. Bài Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ ( đọc tập thơ Từ ấy của Tố Hữu) viết 1961 là mẫu mực của việc tiếp cận tác phẩm, đặt tác phẩm trong văn mạch thời đại ( khi xét mối quan hệ giữa Thơ mới và tập Từ ấy ).
Còn bài Đọc lại Nguyễn Du trong Thi hào dân tộc Nguyễn Du thì lại là một mẫu mực của việc thay đổi cách viết đã quá quen để sử dụng một hình thức rất tự do là viết theo kiểu trích mảng. Đầu đuôi là như thế này. Chung quanh Nguyễn Du trước sau Xuân Diệu viết nhiều bài khác nhau. Nhưng còn nhiều tài liệu ông đã chuẩn bị mà không biết dùng vào đâu. Thế là ông chọn hình thức “nghĩ gì viết nấy”. Tự ông thú nhận “ Bài viết này tôi phải chia làm các đoạn nhỏ với những tên đoạn chỉ vì không viết cho liền được một mạch bài có bố cục lô-gích đầu cuối giữa hẳn hoi đành mượn lối viết của nhà văn Nguyễn Tuân : Tản mạn chung quanh một áng Kiều” ( Xem Xuân Diệu. Thi hào dân tộc Nguyễn Du, Nxb Văn học 1966, tr 120). Sinh thời, khi nghe tôi thán phục cách viết của bài Đọc lại Nguyễn Du này, Xuân Diệu bảo “ Cậu cũng biết thế cơ à?! Tinh đấy.”
Chúng ta đang nói về kỹ thuật dựng bài, tìm thể loại và giọng điệu cho bài. Tôi cho là cách tổ chức nên bài phê bình người ta dạy trong các trường đại học và các lớp viết văn ở ta quá đơn điệu và tẻ nhạt. Tôi không muốn đi theo lối mòn đó.
Với những bài mà tôi cho là mẫu mực về kỹ thuật viết, tôi để công tìm hiểu cả cái cách mà tác giả khai phá cho mình cốt tìm ra cái hình thức ấy.
Tôi rất thích cái cách Gorki viết từng đoạn về L.N. Tolssoi trong phần chân dung Tolsoi của ông.
Tôi đã học chính cách viết của Xuân Diệu trong hai cảm nhận về cái chết của Tản Đà để viết nên bài Khả năng tỏa sáng viết khi chính Xuân Diệu qua đời. Bản thân ý niệm ánh sáng, tỏa sáng cũng là thấm vào tôi từ Xuân Diệu.
Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài ông tường thuật Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất ở Việt Bắc 1948 ( có in lại trong Mài sắt nên kim,1977), để cố hiểu làm thế nào mà một bài báo thời sự mang tính chất tường thuật có thể có giá trị lâu dài.
Trong khi rèn cho mình kỹ thuật viết văn xuôi tiếng Việt, tôi học ở Xuân Diệu từ cách tạo những giọng khác nhau trong một văn bản, tới cách dùng dấu chấm phẩy. Trong những trường hợp thành công, văn xuôi Xuân Diệu đầy nhạc điệu mà lại không rơi vào biền ngẫu. Nếu chỉ lấy một ví dụ thôi, tôi sẽ kể bài Tố Hữu với chúng tôi ( cũng lại về Tố Hữu) viết tháng giêng 1975 và có in trong Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy. Đôi khi bốc lên một chút, tôi muốn bảo bài này đáng xếp vào những áng văn xuôi tiếng Việt hay nhất mà tôi biết.
Toàn tập Xuân Diệu do NXB Văn học làm năm 2001 gồm sáu tập, thì thơ chỉ chiếm một còn năm tập kia là văn xuôi. Rất nhiều bài trong đó như được ông kéo dài ra làm nôm na đi để thích hợp với đại chúng trong nước, nên đọc rất mệt. Nhưng một bài như bài Tố Hữu với chúng tôi được viết cho độc giả phương Tây thì đạt đến cái trình độ cô đọng mà chúng ta quen với văn xuôi Xuân Diệu trước 1945.
10/ Có tác phẩm/ tác giả/ vấn đề văn học nào mà ông chú ý, nhưng chưa viết được?
Tôi là loại khổ vì quá nhiều ý định mà lại không có khả năng thực hiện. Ấy là không kể với tất cả những gì đã viết ra, về sau đọc lại, tôi luôn luôn cảm thấy có thể viết tiếp và viết khác.
Ví dụ vào những ngày này (3-2010 ), tôi thấy những cách tân trong thơ Trần Dần đang được bàn đến một cách nghiêm túc, tôi cũng có một số ý muốn viết. Tôi đã từng theo dõi các vấn đề này và từ 1995, trong một cuộc hội thảo đã có tham luận mang tên Số phận những tìm tòi hình thức trong thơ Việt Nam từ sau 1945 ( trường hợp Nguyễn Đình Thi.) Nay có viết về Trần Dần là có sẵn sự chuẩn bị chứ không phải thấy mọi người chú ý thì nhẩy bổ vào.
Song, lại có nhiều việc cần kíp hơn thu hút, nên đành chịu.
Chưa kịp viết một hai vấn đề tâm đắc, nhưng tôi có một niềm tin, những gì mình đã nghĩ kỹ, không nói lần này thì nói lần khác. Phê bình không chỉ là thứ hàng tươi sống mà còn là thứ hàng khô. Các ý tưởng sâu sắc mãi mãi sống động. Còn như dang dở ư? Cuộc đời nào mà chẳng dang dở. Khi viết về các nhân vật của Dostoievski, Bakhtin từng có cái ý là con người không bao giờ trùng với chính mình, trong con người luôn luôn có những chỗ thiếu hụt cũng như những chỗ thừa ra , và không có con người nào trùng hợp hoàn toàn với những khái niệm , những cái khung mà người ta xếp đặt cho anh ta cả.

11/ Thời gian trung bình dành cho một bài viết của ông là bao lâu?
Cũng tùy, tôi chỉ có niềm tin, cái gì mà mình viết nhanh, đó là những cái mình đã chuẩn bị kỹ. Bởi vậy, khi nào thấy viết khó là tôi bỏ luôn, quay ra nghĩ lại và tìm thêm tài liệu đã, rồi tới lúc thấy rằng “không chừng bài này có thể viết nhanh” thì mới vào cuộc thật sự. Bài nào mà càng viết càng thấy hào hứng tôi mới tin là được.
Có một kinh nghiệm tôi rút ra cho mình như sau. Thường tôi khổ tâm vì thấy mình đọc được ít quá, viết chậm quá, so với những người làm nghề chuyên nghiệp thực thụ ( chẳng hạn những người làm nghề phê bình này ở các nước ngoài) thì chẳng những về chất mà về lượng mình cũng kém xa. Nóng ruột, hay đúng hơn là lúc điên lên, tôi tự thả cho ngòi bút của mình viết liều viết vội. Chết một nỗi là sau đọc lại thấy tất cả những thứ viết nhanh ấy đều đáng vứt đi. Hóa ra tạng của mình là viết ít và viết từ từ, chứ không thể viết nhanh như mọi người được, nên quay trở về theo lối cũ, thôi số phận đã vậy.
12/ Ông thích nhất tác phẩm nào của mình? Tại sao? Có tác phẩm nào ông muốn quên đi?
Khi Cây bút đời người được in ra và có dư luận, tôi nghĩ thế là mình có thể chết được rồi. Còn các cuốn khác, nếu bảo thích thì tôi vẫn thích, vẫn ao ước có ai in lại cho mình… nhưng không cuốn nào gợi cảm giác như sau Cây bút đời người.
Tại sao tôi nói thế. Vì, như một vài bạn đọc có lòng yêu mến tôi đã phát hiện, trong cuốn sách này tôi không chỉ phác họa chân dung người khác mà còn cho thấy chính mình. Tức là một thứ chân dung tự họa. Ôi ai mà chả mong như thế!
Còn tác phẩm muốn quên đi ? Đó là cuốn Bước đầu đến với văn học in ra năm 1986. Tập sách chỉ là một tập hợp rời rạc các bài tôi viết trong những năm từ 1967 đến 1985. Không phải chỉ riêng các bài tôi in trong Bước đầu đến với văn học mà tất cả những gì tôi viết trong thời gian từ 1965 – khi tôi viết về tập Sức mới—đến trước 1986 đều mang lại cho tôi một cảm giác dang dở, bỏ thì thương vương thì tội. Hai chục năm ấy là thời gian tôi học việc thì đúng hơn. Tôi chưa định hình nổi một quan niệm về văn học cũng như chưa có nổi một tiếng nói riêng. Lúc dựng Bước đầu đến với văn học tôi còn quá non nớt trong nghề soạn sách và chưa hình dung được bản thân mình.

13/ Những kỷ niệm vui và buồn trong đời phê bình của ông? Nghề phê bình dễ tạo ra những va chạm. Ông có e ngại khi viết không?
Có thể nhìn vào thái độ quan niệm của một nhà văn với phê bình để hiểu ý thức về nghề của nhà văn đó. Tôi hiểu như vậy và tôi không lấy làm điều quá quan trọng khi được đối xử thế này hay thế khác. Song dẫu sao, mình cũng là một con người , thì lẽ tự nhiên có vui có buồn .
Tới giờ phút này tôi hình dung mình có thể viết hẳn một cuốn sách mang tên đại lọai Đời tôi trong phê bình văn học, hoặc Hồi ký phê bình.
Kỷ niệm vui thì như thế này. Đầu 1968, Đại hội văn nghệ toàn quốc ( chung cả các hội văn, họa nhạc, kịch) được tổ chức. Tôi nhớ lúc ấy Hà Nội đang còn trong tầm uy hiếp của bom đạn, nhưng không hiểu sao, hình như là đúng là vào dịp Tết ngừng bắn, nên vẫn làm đàng hoàng lắm. Khai mạc bế mạc ở Nhà hát lớn, và chiêu đãi ở nhà hàng Phú Gia.
Tôi lúc đó mới viết, trên giấy tờ là quân số ở một đơn vị pháo binh, chưa về VNQĐ, nhưng có may mắn được Phòng văn nghệ ( lúc ấy do nhà thơ Chính Hữu làm trưởng phòng) cử đi, coi là một đại biểu chính thức dự đại hội. Hôm chiêu đãi tôi ngồi cùng bàn với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhà thơ Tế Hanh. Lần đầu gặp Tế Hanh, tôi được nghe tác giả Nhớ con sông quê hương hỏi rất chân tình, bằng lối nói thủ thỉ thường có ở ông:
-- Vương Trí Nhàn này, ông làm phê bình, vậy ông thử cắt nghĩa xem tại sao có những tập thơ mình bỏ công làm vài năm mà vẫn không xong, chính mình không hài lòng, lại có những tập chỉ làm có vài tuần lại đứng được. Thuộc trường hợp thứ nhất là tập Tiếng sóng. Còn thuộc trường hợp thứ hai là hai tâp Nghẹn ngào trước 1945 và Gửi miền Bắc 1957. Mình cũng không cắt nghĩa được!
Tôi nhớ mãi câu chuyện này cả Tế Hanh. Qua ông, tôi hiểu thế nào là một nghệ sĩ chân chính. Đó là những người luôn luôn băn khoăn về chính mình, luôn luôn mang mình ra đặt câu hỏi.
Về quan hệ cá nhân, tôi có cảm tưởng như vậy là tôi được tin cậy, mà lại một nhà thơ tiền chiến tin cậy, tôi phải cố cho xứng. Nhưng đáng nói hơn là qua đây tôi hiểu một khía cạnh nghề nghiệp của người làm phê bình văn học: đó là người bạn đường của sáng tác cùng với người sáng tác cắt nghĩa mọi vấn đề đặt ra trong hành nghề.
Thế còn những kỷ niệm buồn? Lại càng nhiều. Một vài chuyện tôi đã kể, số chưa kể đau xót cay đắng hơn . Nhưng ở đây xin phép chỉ nói một cảm giác chung.
Như trên đã nhấn mạnh, tôi viết phê bình xuất phát từ nhu cầu bản thân. Do muốn hiểu thêm sáng tác của người đương thời mà viết. Đúng hơn, do muốn qua các hiện tượng cụ thể đi tới chỗ hiểu thêm văn học mà viết. Nghĩa là tôi viết vì bản thân chứ không phải vì người khác. Bởi vậy, tôi chỉ chọn viết về những tác phẩm theo tôi là có vấn đề với nghĩa nó có những khía cạnh mà tôi quan tâm. Tôi không bao giờ viết về những tác phẩm dở, càng không bao giờ viết về những tác giả nhạt nhẽo. Thành ra không có va chạm vặt , hoặc có cũng ít.
Nhưng sự tình là thế này: thường ngay trong một tác giả mà tôi cho là đáng viết cũng có mặt hay chen lẫn mặt dở, và đôi khi tính theo thời gian thì tác phẩm trước hay mà tác phẩm sau dở. Tôi buộc phải viết theo sự thay đổi trong cách hiểu của mình. Thế là sinh ra va chạm.
Tôi nhớ có một họa sĩ đã tâm sự thế này ” Mỗi lần vẽ được một chân dung tạm gọi là thành công tôi đều mất bạn”.
Đối với những sự va chạm do người ta cố ý không hiểu mình, thì tôi lắng nghe và chờ đợi chứ không tranh luận lại ngay.
Kinh nghiệm của tôi là một thời gian sau, những cái đúng của mình thì người ta cũng hiểu ra.
Nhưng dẫu sao sau sự va chạm, tình cảm hồn nhiên ban đầu không còn. Đây là tình hình đã xẩy ra với cả hai người thầy và người bạn có tác động lớn đến cuộc đời làm nghề của tôi là Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu. Chỗ chung của mối quan hệ tôi với hai nhà văn này là ban đầu các ông rất quý tôi chia sẻ với tôi nhiều điều, về sau thì ngán tôi và không còn trò chuyện tâm sự thân mật với tôi như những năm mới quen nữa.
Mỗi lần nghĩ tới tôi đều chạnh buồn. Nhưng sự phát triển như thế hình như không phải do tôi muốn mà do cuộc đời này xui khiến, tôi sống mãi trong cái bóng của các bậc thầy cũ sao tiện! Có lần trò chuyện với các bạn trẻ tôi đã bảo ai cũng có ngày giã từ sư phụ xuống núi thì mới nên người được
أحدث أقدم