VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Câu chuyện nhân tài trong lịch sử


Quan niệm về tài năng cũng là một dạng di sản mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ .

Không ít nhà văn nhà thơ Việt Nam thời trung đại nhắc đến tên thì thiên hạ bảo rằng có nghe có biết , mà hỏi viết gì thì chịu , không ai nhớ . Tức họ không có tác phẩm cụ thể (đây là nói những tác phẩm dày dặn ,có chất lượng đáng kể , được truyền tụng về sau và trở thành một đối tượng mô tả của các nhà văn học sử ) .
Bởi vậy mới có tình trạng trong một cuốn từ điển chuyên về văn học Việt Nam , người ta đếm thấy có 276 mục dành cho tác giả ,trong khi chỉ có 132 mục dành cho tác phẩm . Từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX, tính đổ đồng , mỗi thế kỷ chỉ có 7 tác phẩm ; riêng thế kỷ XIX khá hơn , có tới 68 tác phẩm được ghi vào từ điển , nhưng số tác giả cũng lớn hơn , tới 78 người
Nhân cuộc trao đổi về đào tạo nhân tài đang triển khai trên các báo hiện nay , tôi nhớ lại con số thống kê trên đây . Đại khái tinh thần của nó cũng giống như câu chuyện về những tấm bia ghi tên những ông tiến sĩ : không ai biết các ông đã làm nên trò trống gì , chỉ thấy có nói đến chức tước và sự đỗ đạt của mỗi ông , để rồi có bia ở Văn Miếu .
Xét gộp cả lại có thể rút ra ít nhất hai kết luận : một là nhiều nhân vật từng đã được coi là nhân tài ở Việt Nam giống như những cây không có quả , hoặc có thể là sinh thời cũng có quả đấy nhưng toàn quả lép quả hỏng , không thể tồn tại cùng thời gian ; hai là sự công nhận tài năng ở ta có khi đúng , nhưng có khi hàm hồ , tuỳ tiện , tức là xã hội tạo nên nhiều huyền thoại , và có một số người tồn tại trong lịch sử là nhờ vào những huyền thoại mà họ góp phần tạo ra chứ không dựa trên hiệu quả cụ thể .
Đây có phải là một tình trạng phổ biến của việc đào tạo nhân tài trong quá khứ ? Dù câu trả lời là khẳng định hay phủ định , thì nó vẫn là điều mà chúng ta rất nên biết , trước khi có những cuộc ra quân rầm rộ để bàn bạc , cũng như chuẩn bị chi ra những món tiền lớn hàng ngàn tỉ đồng cho một trong những đầu việc được xem là trọng đại trong thời gian tới .
Theo tôi , có một vài vấn đề mà trong chiến lược đào tạo tài năng , chúng ta phải trả lời cho dứt khoát .
Về phân loaị các tài năng : Có phải trước đây , lịch sử ở ta thường chỉ biết tới các nhân tài trên các lĩnh vực quân sự chính trị hoặc văn hoá ( nói cụ thể là những người viết văn làm thơ ) , còn nhân tài trên các lĩnh vực kinh tế khoa học , tức những người có sáng tạo , nhằm đổi mới tình trạng làm ăn sinh sống của dân thường và giúp cho xã hội ngày một phát triển , thì chỉ có ít , và dừng lại ở một trình độ rất đơn sơ ? Có phải vì thế mà các tài năng đó chỉ có tác động tới tình hình trong nước chứ chưa bao giờ có thể gọi là những đóng góp của Việt Nam vào kho tàng tri thức của nhân loại ?
Về quy mô của tài năng : Có phải nhìn chung các tài năng ở ta trước đây thường có một sinh mệnh non yểu , chỉ chói lên được trong một vài sáng tạo vào lúc trẻ , còn sau đó lại rơi ngay vào tình trạng trì trệ ? Và việc chăm sóc tài năng ở ta như vậy phải nói không có kinh nghiệm , chỉ đẻ giỏi , mà nuôi dạy thì không biết cách ?
Những câu hỏi tương tự nên được đặt ra , chỉ cần nghiêm túc và không lẩn tránh sự thực là có câu trả lời , từ đó đi tới quyết sách đúng đắn . Cái cần nhất của các quyết sách về nhân tài lúc này là không bốc đồng vội vã , không chạy theo thành tích hão huyền , để rồi , nói như các cụ ngày xưa , đưa hàng đống tiền mang đổ xuống sông xuống bể .
Nhân đây thử trở lại với vài tư liệu lịch sử , liên quan tới chất lượng tài năng ở ta cũng như cách sử dụng nhân tài . Đây là nhận xét của Trần Trọng Kim trong Việt nam sử lược (1925 ):
“Về đàng trí tuệ và tính tình thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu . Đại khái thì trí tuệ minh mẫn , học chóng hiểu , khéo chân tay , nhiều người sáng dạ , nhớ lâu lại có tính hiếu học , trọng sự học thức , quý sự lễ phép , mến điều đạo đức . ...Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt , cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế . Tâm địa nông nổi , hay làm liều , không kiên nhẫn , hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài , hiếu danh vọng , thích chơi bời, mê cờ bạc . Hay tin ma tin quỷ , sùng sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả . Kiêu ngạo và hay nói khoác (.. .)
Đào Duy Anh trong Việt nam văn hoá sử cương (1938) thì viết :
“Về tính chất tinh thần , thì Việt Nam đại khái thông minh , nhưng nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường . Sức ký ức thì phát đạt lắm , mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học , giàu trực giác hơn luận lý . Phần nhiều có tính ham học , song thích văn chương phù hoa hơn là thực học , thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. “
Còn đây là chuyện sử dụng nhân tài . Bộ sử đồ sộ nhất của chúng ta trong thời trung đại là Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi lại câu chuyện một vị vua trước khi giết một công thần , nói với người công thần đó như sau : “ Không cần nói nhiều . Mày có tài trội hơn ta thì không phải là người mà ta dùng được . “ (2)
Trong sử sách cũ không thiếu những mẩu chuyện cắt nghĩa tại sao các tài năng không nẩy nòi lên được . Lịch sử có thể dạy khôn chúng ta rất nhiều . ấy là không kể , trước khi tính các việc lớn , nếu có dịp nhìn ra nước ngoài , để rồi so sánh đối chiếu , thì những bài học lịch sử lại càng sáng rõ . Tôi cho rằng cả việc này nữa cũng cần làm , mỗi khi bàn về việc đào tạo nhân tài .

__________
(1) Cuốn sách nói tới ở đây là Từ điển văn học Việt Nam do Lại Nguyên Ân biên soạn với sự cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường . Con số thống kê là do NguyễnVăn Tuấn nêu ra trong một bài viết in trên Tạp chí Văn hoá nghệ thuật , số ra tháng 3-2003 .
(2) Sách đã dẫn , bản của NXB Giáo dục , 1999 ; hai tập , tập II


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم