VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ngả nón trông đình

(Trở lại với những ngôi đình thân thuộc)
Trong tâm thức người Việt, làng là một ý niệm sâu sắc. Sau khi nói đến nước, là người ta nghĩ ngay đến làng.
Tính tự trị cao của từng làng được hình thành và duy trì cùng với thời gian.
Khi nhiều làng “tự trị” như vậy sống cạnh nhau, người ta phải tìm tới những biểu trưng riêng của mình.
Đình làng là một trong những biểu trưng đó, đúng hơn, đây chính là biểu trưng quan trọng nhất.
Nhưng đặt trên cái nền rộng lớn của lịch sử những ngôi đình khác nhau của những cái làng ở cạnh nhau, lại thống nhất trong những đặc điểm chung, và làm nên một cốt cách văn hoá chung. Lẽ tự nhiên, việc nghiên cứu đình làng là một trong những bước đi cần thiết trên đường tiến tới một hiểu biết đầy đủ về truyền thống văn hoá dân tộc.
 

Cuộc kiểm kê đáng tin cậy.
Cuốn sách dày 436 trang, khổ 25 x 25 cm, bìa cứng in đẹp, trong đó, sau phần I có tính cách dẫn luận là phần thứ II mang tên giới thiệu một số ngôi đình ở Việt Nam. Cả thảy có tới 62 ngôi đình đã được miêu tả trong phần II này. Trung bình mỗi đình được dành riêng 5 trang, trong đó, sau một ít ghi chú cần thiết là nhiều ảnh minh hoạ. Ví dụ như trường hợp đình Thổ Hà ở Bắc Giang phần thuyết minh nói rõ từ địa điểm làng xã có ngôi đình, diện tích khu đất trong đó đình được xây dựng... cho tới năm dựng đình, năm trùng tu, những chi tiết đáng chú ý khi quan sát kiến trúc ngôi đình, kèm theo cả sơ đồ mặt bằng và mắt cắt đình. Phần ảnh minh hoạ ở đây không chỉ có ảnh chính diện, đầu hồi, cấu trúc bên trong, các hoạ tiết trên vì kèo và ván nong mà còn có ảnh chụp cổng làng Thổ Hà, ở ngay bên cạnh đình, vốn cùng với đình tạo thành một cụm cảnh quan thống nhất.
Trở lại với phần giới thiệu chung về đình Việt Nam, có thể gọi là phần dẫn luận: Nói về nguồn gốc đình, tác giả nêu một nhận xét khái quát: các ngôi đình xưa nhất còn biết niên đại đều thuộc thời Mạc hay thế kỷ XVI, song nếu căn cứ vào các bi ký, phải ghi nhận sự có mặt của đình từ thế kỷ XV, (tức thời nhà Lê). Chi li hơn nữa, có thể nói là suốt thời sơ sử, ý niệm về một ngôi nhà công cộng của làng xã đã nảy sinh, và đã có những ngôi nhà tương tự, dù chính chữ đình chưa xuất hiện. Mối liên hệ có thể có giữa đình của người Kinh và ngôi nhà rông của người Thượng, nhưng dấu vết còn lại của kiểu nhà sàn trên các ngôi đình cổ... xác nhận dự đoán nói trên.
Gần một nửa số trang trong phần dẫn luận được dành để nói về kiến trúc đình qua thời gian và không gian, trong đó nhắc tới từ việc chọn thế đất làm đình, các kiểu đình, cho tới kỹ thuật dựng đình. Theo các tác giả, kiểu kiến trúc đình không chỉ thay đổi theo thời gian mà còn theo không gian. Nhìn bao quát từ những ngôi đình đầu tiên được xây dựng ngoài đồng bằng sông Hồng, rồi lần theo đặc điểm các ngôi đình ở miền Trung và sau hết ở Nam bộ, tác giả chỉ ra những thay đổi trong mặt bằng kiến trúc, qua đó, gọi ra cả quá trình mở mang bờ cõi của người Việt.
Tới phần điêu khắc đình làng. Sau khi bảo rằng: “điêu khắc Việt Nam cũng tồn tại ở chùa, đền, các kiến trúc tôn giáo khác, nhưng không đâu, nó được biểu hiện hết mình như ở đình”, tác giả nêu ra hoặc dẫn lại ý kiến người khác có liên quan đến việc làm đẹp cho các ngôi đinh. Trong số này, có một gợi ý khá táo bạo, cho rằng có thể “đọc ra” trong điêu khắc đình làng, những ý tưởng vốn là đặc trưng của mỹ thuật hiện đại. Sự có mặt của tư duy dân gian mang lại cho những nơi tôn nghiêm như đình một vẻ sinh động kỳ lạ. Như ở đình Phù Lão (Bắc Giang), dựng năm 1688, “trên các đầu rồng hay râu rồng thường có hình phụ nữ nằm hay ngồi, khoả thân hay vén váy cao, để hở cả bộ phận cần che đậy, một mình hay cùng với bạn trai”. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX, điêu khắc đình làng không còn những cảnh sinh hoạt dân gian này nữa - tác giả nhấn mạnh hai phần tiếp theo trong bài dẫn luận dành để nói về thần và tín ngưỡng ở đình, cùng là lễ hội ở đình. Các đình đều thờ thành hoàng, nhưng nguồn gốc các thành hoàng này thì rất khác nhau, có khi là nhân vật lịch sử, nhân vật nổi tiếng trong vùng, có khi là ông tổ nghề hoặc người có công lập ra làng. Cũng đa dạng như vậy là sự chuyển dịch từ lễ sang hội. Bạn đọc muốn làm quen với đời sống hội hè ở nông thôn có thể tìm thấy nhiều chi tiết thú vị khi đọc các đoạn kể lại các trò diễn độc đáo như tục “cướp kén”, lễ “lấy giờ” (có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực) “đua thuyền” “cướp cầu”. Phần giải trí thuần tuý của các hội làng, như diễn xướng, ca hát cũng được nhắc qua, trong sự liên quan của chúng với ngôi đình.
 

Khả năng tổng hợp và những trích dẫn có sức nặng.
Trong cuốn sách của mình GS. Hà Văn Tấn và các cộng sự trước tiên muốn có một sự mô tả càng chu đáo tỉ mỉ càng tốt. Cuốn sách dày 436 trang khổ to (25x25), trong đó, phần chủ yếu là dành để nói về 62 ngôi đình có thể gọi là tiêu biểu cho “văn hoá đình” trong cả nước. Tạm làm một cuộc so sánh: Trong cuốn Việt Nam di tích và thắng cảnh của nhóm Đặng Đức Siêu, Nguyễn Vinh Phúc (1991), tổng số đình được nhắc tới chỉ có 14; trong cuốn
Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam do Hữu Ngọc chủ biên (1997) con số này là 16. ấy là không kể, trong khi ở các cuốn sách trên, chỉ có lời lẽ, thì cuốn Đình Việt Nam chủ yếu là một cuốn sách ảnh, bên cạnh ảnh chụp toàn cảnh các ngôi đình, là những bức ảnh đi vào đặc tả từng mái đình, hoặc những hình điêu khắc chạm trổ trên cột, trên vì ngang, xà kèo, ngoài ra có trường hợp như đình Yên Sở, cả ngôi đình có tới 22 ảnh minh hoạ (9 ảnh trong số này chụp riêng về một số hoạ tiết của dải trang trí trên vách tường đình vốn là một nét triêng chỉ đình Yên Sở mới có). Trong phần dẫn luận, ngôi đình lại được khảo cứu trên nhiều phương diện, từ sự xuất hiện của chữ đình trong các bộ lịch sử ra đời khá sớm, cho tới tính liên tục của các công trình kiến trúc này trong thời gian và không gian. Nếu như lâu nay, nhiều người chỉ biết tới những ngôi đình có niên đại vào khoảng các thế kỷ XVI-XVII ở đồng bằng Bắc Bộ, loại như Tây Đằng, Chu Quyến, Thổ Hà, Đình Bảng... thì với cuốn Đình Việt Nam, người ta còn được làm quen với nhiều ngôi đình được làm muộn hơn và tồn tại từ Thanh Hoá, Nghệ An trở vào, qua Quảng ngãi, Bình Thuận cho tới các làng ở Nam bộ. Lịch sử dân tộc in dấu một phần trong lịch sử các ngôi đình từng nối tiếp nhau xuất hiện.
Không kể các tài liệu nghiên cứu của người Pháp, ngay nhiều cuốn sách bàn về văn hoá Việt Nam xuất hiện trước 1945, như sách của Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoan đã nói tới đình। (Năm 1931, Nguyễn Văn Khoan đã cho in một cuốn sách mỏng mang tên Lược khảo về cái đình). Từ sau 1945, đình còn thường được nhắc tới qua các tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Đỗ Cung, Ngô Huy Quýnh, Thái Bá Vân, Nguyễn Du Chi, Trần Tuỵ v.v... (ở Sài Gòn cũ, Toan Anh đã viết về đình trong cuốn Làng xóm Việt Nam của bộ Nếp Cũ, và Kim Định đã bàn hẳn về Triết lý cái đình trong một chuyên khảo nhỏ). Đặt trong hoàn cảnh ấy, phần Dẫn luận của cuốn Đình Việt Nam hôm nay đã tìm cách tổng hợp, để giúp cho người đọc có một sự tiếp cận liên ngành và đa ngành đối với đối tượng cần nghiên cứu. Ngoài phần kiến thức lịch sử mà người chủ biên là một chuyên gia, bài viết trong phần dẫn luận còn thu hút được những ý tưởng hay từ các cuốn sách xuất bản đây đó. Ví dụ như trong đoạn viết về điêu khắc đình, dẫn ra được những đoạn khá hay của Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng, đoạn viết về lễ hội ở đình, có sự tham khảo với các tài liệu viết về lễ hội nói chung ở đồng bằng Bắc bộ. Riêng đoạn nói về ngày cất đình dẫn lại một đoạn văn rất có không khí. Mà bài viết về Thợ làm đình Cúc Bồ này lần đầu in trong một tài liệu ngay giới chuyên môn cũng không phải ai cũng biết, đó là cuốn Nghề cổ truyền (do Tăng Bá Hoành chủ biên. Ty văn hoá Hải Hưng xuất bản). ở đây, chúng ta bắt gặp một cử chỉ đẹp - một nhà khoa học cỡ đầu đàn trong ngành lịch sử Việt Nam như Hà Văn Tấn trích dẫn tài liệu người khác, kể cả học trò của mình, một cách khoa học sòng phẳng, chứ không lấy của thiên hạ, rồi xào xáo làm của mình.
 

Một số gợi ý về mặt văn hoá.
Khi đã trở thành một biểu trưng của làng xã Việt Nam, thì đồng thời trong đình - sự tồn tại của nó, cách kiến trúc, cách người ta sử dụng nó v.v... cũng hàm chứa những thông số chung về văn hoá Việt Nam. Nói là hàm chứa, tức mọi sự không bày ra rành rành mà chờ người đến đọc, phân tích, giải mã.
Tuy bàn dẫn luận của cuốn Đình Việt Nam không đặt ra mục đích khám phá những khía cạnh của văn hoá Việt Nam qua các công rình kiến trúc độc đáo này, song do cách trình bày của tác giả người đọc vẫn có thể tìm thấy những gợi ý. Riêng việc chữ “đình” ở Trung Quốc chuyển vào Việt Nam mà đổi nghĩa, từ chỗ để chỉ trạm nghỉ ven đường, hoặc các đình tạ, trong các khuôn viên, chuyển thành một chữ riêng để chỉ ngôi nhà công cộng của cả làng, cũng đã hé ra cho thấy phần nào cách tiếp nhận văn hoá Trung Hoa của người Việt (có vay mượn nhưng cũng có thay đổi). Cũng tương tự như vậy, việc dùng hai chữ “thành hoàng”. ở nông thôn ta so với các đô thị Trung Hoa cũng có khá nhiều khác biệt. Đoạn viết về những hệ luỵ của văn hoá phồn thực trong sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn, đọc khá hấp dẫn, và cái chính là nó cho thấy các tầng văn hoá xếp chồng lên nhau trong đời sống tinh thần người Việt cổ. Còn như đoạn nói về tính cách phóng túng trong lề lối miêu tả của điêu khắc đình làng, sự gần gũi của bộ phận điêu khắc này với những ý tưởng chỉ thấy trong mỹ thuật hiện đại, lại là một ví dụ tốt giúp cho người nghiên cứu văn hoá có thể hiểu tại sao một số hoạ sĩ Việt Nam gần đây lại nói phải học tập ở nền mỹ thuật làng, và càng ra với thế giới lại thấy đồng thời phải quay về làng, trong đó có những ngôi đình thân thuộc.
Toàn bộ chi phí trong việc thực hiện công trình Đình Việt Nam do quỹ Toyota tài trợ. Bản dịch sang tiếng Anh in kèm vào đây, có sự tham gia của một giáo sư Mỹ, người chủ trì Khoa châu á, Trường Đại học Cornell. Sơ đồ mặt cắt ngang của đình Đình Bảng (Bắc Ninh) - một bản sơ đồ đáng gọi là tỉ mỉ và khoa học - lấy lại của một nhà nghiên cứu người Pháp trong một tài liệu xuất bản ở Paris năm 1959. Những chi tiết trên đây cho thấy sự đóng góp của bè bạn vào cuốn sách mà GS. Hà Văn Tấn chủ trì, và đằng sau đó, là tầm vóc quốc tế của câu chuyện “cái đình trong văn hóa Việt Nam”. Chắc chắn rằng với bạn đọc trong nước, Đình Việt Nam vẫn là một tài liệu tham khảo rất cần thiết. Chỉ có một điều hơi rắc rối phải nói thêm với nhau ở đây: Là sách in đẹp, giá đắt, gần hai trăm ngàn một cuốn, nên không những các cá nhân mà ngay các cơ quan văn hoá hàng huyện hàng tỉnh (loại tỉnh nghèo), cũng không chắc đã dám ước ao là... có lấy một cuốn.
Tuy nhiên, phải nhận rằng về căn bản Đình Việt Nam mới mang tính cách một tập sách giới thiệu chung, một thứ nhập môn cơ bản, toàn bộ gia tài đền chùa miếu mạo nằm sâu trong lòng nông thôn không chỉ cần được kiểm kê chu đáo và bảo quản hiệu quả, mà còn cần được nghiên cứu đầy đủ hơn, kỹ lưỡng hơn. Nói như đây đó, có người đã nói: trở lại với quá khứ không chỉ là cuộc du lịch thú vị, hấp dẫn, mà còn là một công việc nặng nhọc, nhưng nhất thiết phải làm, nếu như chúng ta còn muốn tính tới một tương lai chắc chắn.



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم