VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Machiavelli và Nguyễn Huy Thiệp - bài của Mai Anh Tuấn - 2016

Nguồn 

https://maianhtuan.wordpress.com/2016/10/13/machiavelli-va-nguyen-huy-thiep/

 N. Machiavelli (1462-1527) khét tiếng vì đã biến hình ảnh người lãnh đạo quốc gia cùng năng lực, phẩm chất và hành động của công việc này trở thành thứ cực kì đặc biệt, hấp dẫn và mạo hiểm, thích thú và tởm lợm, vinh quang và nhục nhã, cáo và sư tử. Ngoại trừ những chiến công vĩ đại, không có gì để phải phán xét về một bậc Quân vương, ngay cả khí hắn ta xảo quyệt, mưu mô, thủ đoạn và tàn bạo.

Những diễn giải hay luận bàn khái niệm, lý luận đều “mất thì giờ bỏ mẹ”. N. Machiavelli cứ bày mưu hiến kế dựa trên những gì quan sát thấy, những gương điển hình trong lịch sử. Thứ chính trị thực dụng của ông không thấy cái đuôi đạo đức/đạo lí (trước tiên là trong Kito) ngo ngoe mà chỉ thấy chình ình một thứ đạo lí cầm quyền khôn ngoan, ma mãnh và rất hiệu quả. Nếu không nhìn thấu tâm can con người, bản tính con người đương nhiên lúc nào cũng vị kỉ, vừa ngu dốt, a dua nhưng lại lắm mơ mộng hão huyền, có lẽ Machiavelli khó mà cung cấp thứ tài tiệu trị nước khó ngửi với các nhà nhân văn chủ nghĩa đến như vậy.

Chân dung Nguyễn Ánh-Gia Long được Nguyễn Huy Thiệp đẩy đến cùng để lộ ra chân tướng quân vương. Ở đó, như để họa lại lịch sử một giai đoạn biến động, một cá nhân đặt mốc khai triều, “sự bắt đầu lịch sử của quốc gia người Việt”, Nguyễn Huy Thiệp cùng lúc nhận ra những chiều kích trái ngược nơi nhà vua: “một khối cô đơn khổng lồ”, “biết rõ quốc gia mình nghèo đói”, “hiểu bản chất đời sống cộng sinh”, “không thèm đại diện cho ai”, “dám bỡn cợt với Tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt, phục vụ cho chính bản thân mình”, “đa mưu, túc kế, tính kiên trì, không tin ai […] không coi nhân, nghĩa, trí, tín ra gì”. Nhưng cũng chính con người đó, “xuất quỷ nhập thần”, “diều gặp gió”, “thống nhất giang sơn”, “có cách nhìn thực tiễn với chính từng khắc tồn tại của bản thân mình”, “hiểu sự bất lực của ông đối với đời sống nghèo khó và những trì trệ của dân tộc ông”, “có gan chịu đựng sự va xiết trong quan hệ với cộng đồng nhân loại”… Đặc biệt, Nguyễn Ánh-Gia Long “trải đời ghê gớm” ấy hiểu rằng “đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu […] bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp”, coi nó là “nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng” chứ không phải một ai khác, càng không phải là “bọn chữ nghĩa”. Vấn đề tùy thuộc vào “sức đẩy của ông ta” với khối cộng đồng đó.

Gần với Machiavelli, Nguyễn Huy Thiệp không chọn khuôn đạo đức thông thường để chồng lên quyền bính. Nguyễn Huy Thiệp cũng tin rằng “ở bậc cao nhân làm gì còn chuyện vô đạo, hữu đạo” nên mới có một Nguyễn Ánh “vĩ đại nhưng cũng đê tiện cũng khủng khiếp”. Sự mới mẻ và khác biệt trong kiểu người anh hùng này, về cơ bản, nằm ở điều mà nhà văn từng để nhân vật Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: “gạt khái niệm lành mạnh và không lành mạnh ra khỏi phạm trù chính trị. Chính trị đứng cao hơn đạo đức, thậm chí bất chấp đạo đức” (Còn lại tình yêu).

Bọn chữ nghĩa vì nuốt nhiều lí luận với khái niệm cùng món nộm lí tưởng nên nồng độ đạo đức lúc nào cũng vượt ngưỡng. Người mới tiếp xúc có thể ngất tại chỗ vì khó hiểu. Mà khó hiểu bậc nhất hẳn là lí luận văn chương. Vừa rồi, trong Hội nghị viết văn trẻ, dù nhoáng qua nhưng tôi kịp thấy rất nhiều khuôn mặt văn nhân bơ phờ hốc hác, hoặc có lẽ bấn loạn ngơ ngác sau khi được tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhà lí luận phê bình. Tác phẩm mình viết ra chỉ để kiếm ăn vặt lấy danh hão mà mấy kễnh lí luận cứ thòng hết Đề-rích-đa, Phu-cu, Da-cốp-xơn, Bát-tin, đến Hê-ghen, Căng, Phóc-mu-sa với dấn thân, khoan dung văn hóa gì đó nữa. Thật không khác điểm danh cá chết, mè, trắm, trôi, rô phi ở Hồ Tây vậy. Có nhà lí luận trẻ thương tình bảo tôi cố gắng nói những điều đơn giản, dễ hiểu, không trích dẫn ai về văn học ngôn tình vậy mà nhiều người ở dưới vẫn loay hoay tìm khẩu trang chấm mắt. Hóa ra đêm trước anh đã lim dim tím lịm đọc thơ, một bài thơ nói về đạo đức công chính.

 Kể ra có bá đạo hay vương đạo thì kiếp người vẫn cứ già đi và ngỏm rất đúng qui trình. Một vài nhà văn lắm ưu thời mẫn thế thì thêm chút đau ở giữa qui trình đó. Để nói hết chút đau này, anh ta rất nên bịt các huyệt nhạy cảm trước khi bị người đời gán cho mọi điều tiếng tệ hại.

Nguyễn Huy Thiệp cũng chờ đợi và hi vọng về nền chính trị vương đạo. Ở đó, bản tính con người sẽ phát triển hết lòng chẳng nỡ và tính vị tha. Nhưng cho đến khi có thực tế này, trong Suối nhỏ êm dịuông hình dung rằng dường như tất cả đang muốn sự trở lại của nền chính trị quân chủ độc tài. Một ông vua/quân vương/hiền minh thì vẫn dễ dẫn dắt đúng đường hơn là giáo dục cả đa số? Cho dù tỉnh táo để đứng cách các nhà chính trị một quăng dao, nhà văn, nếu đúng còn chút đau nhỏ nhoi, thường sẽ bi quan. Trong khi, các nhà lí luận, do được rèn giũa trong nghề, thường dài tay và khỏe giọng, tức là vui nhộn hơn rất nhiều. Tất nhiên là họ hay muốn chui nách các nhà chính trị.

            Xin lưu ý, Nguyễn  Huy Thiệp từng nhắc đến Machiavelli.




Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم