VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tôi đi học -- Trích Fb Bảo Liên Lê ngày 8-10-2024


Không hề có “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi”… như Thanh Tịnh miêu tả, suốt thời tuổi nhỏ mình chưa bao giờ, chưa một lần nào được mẹ đưa đi học.

Đó hoàn toàn là những năm tháng mình lăn lộn kiếm sống, một buổi đi học, một buổi đi bán hàng. Ngay từ nhỏ học cấp 1, mẹ đã bắt mình đem kẹo vô lớp bán, chuyện đó dễ vì mình học giỏi được các bạn thương mến, giờ ra chơi là tụi nó bu lại mua kẹo giúp mình. Nhưng lớn lên thì không bán kẹo được nữa, cuộc mưu sinh khó khăn hơn khi đất nước chìm trong nghèo đói thời bao cấp.

 

Đáng nhớ nhất là năm lớp 9 ở Trà Vinh. Đi học buổi chiều, mỗi sáng mình bán thuốc lá ở bến xe. Ngồi sau cái tủ thuốc lèo tèo vài gói Samit, Hoa Mai, Sông Cầu, Capstan, 555, Đà Lạt… ngồi còng lưng cả buổi sáng không hết 5 gói thuốc vì người ta lúc đó chỉ mua lần một hai điếu chứ chả ai mua cả gói.

 

Không hiểu sao bán thuốc lá mình rất xấu hổ, hễ nhìn thấy bạn bè đi ngang là mình kéo nón sụp xuống che mặt, ngồi nấp kín sau cái tủ thuốc

Biết mình hay mặc cảm với bạn bè, mẹ ra đòn sửa dạy gọi là "cho hết tật xấu hổ, con nhà nghèo bày đặt cao ngạo".

Mẹ bắt mình đem nước mắm vô trường học bán. Mẹ giao cho mình 2 can nước mắm 20 lít, lệnh là phải bán cho hết. Nghĩ sao vậy? Bạn bè mình cũng chỉ là những đứa học trò con nít, tụi nó biết gì mà mua nước mắm? Mình vô trường năn nỉ cô Hải Lý tổng phụ trách Đội, nhờ cô hỏi giúp giáo viên trong trường ai cần mua nước mắm thì mua dùm.

 Sáng hôm sau, cô mang về mấy chục chai, lọ, can thùng của giáo viên trong trường gửi đong nước mắm và một bản danh sách dài những thầy cô đăng ký mua. Cô tổng phụ trách còn cho mình mượn nhà cô, ở khu tập thể trong trường, để mình đong bán nước mắm nữa chứ. 

 

Lúc đó mình chỉ nặng chừng 30kg, cao 1,4 m mà phải ì ạch chở 2 can nước mắm 40 lít vô trường. Đong mấy chục chai lọ, hết 40 lít nước mắm thì đã đến giờ vào học buổi chiều, mình lếch thếch xách 2 tay 2 can nhựa đi bộ về, cả người bốc mùi nước mắm thúi hoắc. Bạn bè đi học phía bên kia đường nhìn thấy mình kêu ơi ới: “Đi học BL ơi, sao không đi học? Mau trễ học kìa” …

 

Mình ngoảnh mặt đi giấu dòng nước mắt rơi lã chã dọc đường về.

Năm lớp 9 của mình quả là 1 năm đầy kịch tính. Gần cuối năm mình bị sốt xuất huyết nặng: cả người thâm tím vì xuất huyết dưới da, tiêu tiểu ra máu và máu mũi chảy ra liên tục không cầm được.

 

Nằm mê man mấy ngày trong bệnh viện, tỉnh dậy nhớ ra hôm nay là ngày thi học sinh giỏi văn cấp thị xã, mình khóc đòi đi thi. Mẹ cho mình ngồi ngật ngưỡng trên yên xe đạp, chở từ bệnh viện vô trường. Thầy cô nghe nói thí sinh vẫn đang nằm viện thì không cho vào, an ủi động viên bảo mình đi về.

 Mặc dù không thi vòng thị xã nhưng một tháng sau mình vẫn có tên trong danh sách thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Và mình đậu liền giải Nhất, được tuyển thẳng vào trường cấp 3.

 

Ngoài giải thưởng của Sở giáo dục, thầy Nguyễn Trung Tâm hiệu trưởng còn tặng cho mình thêm phần thưởng riêng. Thầy nói mới biết, thầy đã đích thân lên Sở giáo dục năn nỉ cho mình thi vòng tỉnh mà bỏ qua vòng thị xã, thầy cam đoan với hội đồng thi là mình thi sẽ có giải, thế nên khi mình đạt giải Nhất thầy mừng vui lắm, vừa có thành tích cho trường và thầy không bị mất uy tín với Sở giáo dục.

 

Mình không bao giờ quên được tình yêu thương của Thầy Cô giáo thời đó ở Trà Vinh, cái thời mà người ta chưa biết kinh doanh giáo dục.

 

Nhà nghèo rớt, mình đi học không tốn đồng nào, tập vở bút viết lãnh thưởng năm trước để đi học năm sau, mót từng tờ giấy chiếc còn lại của tập vở cũ để đóng thành vở học, sách giáo khoa mượn của trường, sáng đi học ăn cơm nguội khoai lang, chả bao giờ có đồng bạc nào ăn quà bánh.

 

Cô giáo dạy tiếng Pháp Madame Đẹp thường đem bánh kẹo vô lớp bán cho học trò. Giờ ra chơi cả lớp xúm vào mua bánh ủng hộ cô, riêng mình ngồi yên, cô bèn giả bộ ra nội quy thưởng bánh kẹo cho đứa nào được 10 điểm Pháp văn, là cố ý để tặng bánh kẹo cho mình.

 

Biết ý cô, mình không nhận, cô làm bộ lấy nội quy ra làm nghiêm, ép mình nhận. Cô mất lâu rồi mà mỗi khi nhớ cô mình không cầm được nước mắt.

 

 

Thầy cô thời đó yêu thương học sinh hết lòng, dạy học bằng tất cả lòng yêu nghề yêu người. Nhiều giáo viên cấp 1 chỉ học trung cấp sư phạm một năm là đi dạy nhưng có đầy đủ đạo đức nghề nghiệp và tư chất mô phạm, đâu phải như bây giờ toàn cử nhân, thạc sĩ mà không biết giữ tư cách làm thầy- như cô giáo ngữ văn vừa rồi để cho học trò trai ôm vai kề má.

 

 

Thời nay nhìn quanh trường học nào cũng tìm đủ mọi cách bào phụ huynh, xin xỏ laptop như giáo viên Q1- TPHCM, hoặc kê khống cả tiền vận chuyển máy lạnh, như cái trường nào đó ở Hà Nội nổi nhất mạng xh mấy hôm nay. 

Nếu đổi lại thời này, chắc  không bao giờ mình được đi học. Và ai biết hiện nay có bao nhiêu đứa trẻ không được đi học vì nghèo?

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم