VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một phần của những thay đổi đã đến với Hà Nội từ sau 1954: Tính nghiệp dư trong quản lý. --

 Đã đưa trên blog cá nhân VTN

mười năm trước 12 -10 - 2014

 

*******

 

     Sau Cải cách ruộng đất, nhiều nông dân được chia quả thực, có khi là cả một phần những cơ ngơi nhà cửa và những đồng đất bờ xôi ruộng mật của địa chủ.

    Nhưng nhiều người trong họ, nhất là những người được chia đậm, lại là những người chưa có của cải bao giờ, họ không biết làm chủ.

    Không những dốt nát kém cỏi, không biết làm cho của cải sinh sôi nẩy nở, mà có khi một số người này còn rơi vào cảnh rượu chè cờ bạc, đến mức bán cả nhà cửa và đẩy vợ con vào cảnh nghèo khó như cũ.

    Nếu sự phá sản nói trên không phải là phổ biến đi chăng nữa (?), thì có điều chắc là những người mới phất lên này không sử dụng nhà cửa ruộng đồng -- mà họ được chia --- một cách hiệu quả, như những người đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được những tài sản ấy.

 

 

      Với những người chủ của Hà Nội sau 10-10-54, cũng vậy.

       Trong đoàn quân tiếp quản thủ đô 60 năm trước, có nhiều chiến sĩ là con em của Hà Nội. Từ 10-10-54, người chủ tịch Ủy ban hành chính cũ của Hà Nội 1945-1946 là Trần Duy Hưng lại được giao giữ chức vụ cũ.

 

     Thế nhưng, đó chỉ là xét về bề ngoài. Trung đoàn thủ đô không còn mấy người là dân cũ Hà Nội, mà có còn chăng nữa, họ đã bị nông dân hóa.

      Còn với bác sĩ Trần Duy Hưng. Sự tồn tại của ông có nhiều chỗ chỉ là trên danh nghĩa, bởi toàn bộ bộ máy dưới quyền ông và nhất là cái tinh thần chỉ đạo hoạt động của bộ máy ấy so với thời gian 1945 -46 đã hoàn toàn thay đổi.

     

TỪ CÁC GHI NHẬN CỦA PH. PAPIN VÀ NGUYỄN HUY TƯỞNG

     Dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long 2010, nhiều tài liệu nghiên cứu về Hà Nội của người nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt. Chính đọc những cuốn sách ấy người ta lại hiểu về Hà Nội có phần khác và có phần hơn tất cả các sách vở mà các nhà nghiên cứu Việt Nam đã viết.

           Lịch sử Hà Nội của nhà nghiên cứu Philippe Papin là một trường hợp như thế. Mô tả lại việc quản lý đời sống Hà Nội sau 10-10-54, nhà nghiên cứu này viết:

      “Thành phố giờ đây được điều hành theo tư tưởng của những cán bộ lãnh đạo từ chiến khu trở về. Họ không được người Hà Nội nể phục, vì lẽ người dân ở đây quá hiểu về con đường đi tới cái vai quản lý của các quan chức này. Họ vốn chỉ là những nông dân thô lỗ được thăng quan tiến chức quá nhanh, những quan chức nhỏ nóng tính dốt nát song lại ưa sử dụng những ngôn từ to tát, những khái niệm mác xít chưa thuần thục.”                 

         (Philippe Papin Lịch sử Hà Nội, Mạc Thu Hương dịch từ tiếng Pháp, nhà  xuất bản Mỹ thuật 2010, trang  293-294 )

 

      
      Nguyễn Huy Tưởng vốn là một nhà văn sinh ra và  lớn lên ở Hà Nội, sau 10-1954 lại trở về  với tư cách chủ nhân của cái thành phố thân yêu.

      Ngay từ 1956 - 57, trong nhật ký của mình, tác giả Sống mãi với Thủ đô đã ghi lại những hiện tượng báo trước một tình trạng giống như một sự băng hoại lâu dài. Đây cũng là những bằng chứng xác nhận cho nhận xét tổng quát nói trên  Ph.Papin.

 

--(21-6-1956) Mậu dịch tham ô lãng phí. Sữa để với muối, hỏng hết. Bơ để mốc. Máy gửi đi thiếu các bộ phận. Peniciline hỏng hàng loạt, có đến triệu viên.

(Nhật ký Nguyễn  Huy Tưởng bản của nhà  Thanh Niên 2006, ba tập, tập 3, Tr 106 )

-- (11-9-1956) Đại biểu khu phố Hà Nội là một con sen. Đi vận động các nhà làm sao. Than ôi! Thành phần chủ nghĩa, cứ nhắm mắt mà làm.

   Tư sản làm tốt không dùng. Sợ đề cao tư sản  (sđd Tr 138)

 ---(13-4-1957) Cái láo xược của cơ quan Bưu điện Bờ Hồ. Chẳng coi trọng gì quần chúng cả. Guichet Bưu điện máy bay sáng 11-4 đề biển Vì bận học nên nghỉ từ 7 giờ đến 9 giờ.  Và sáng hôm nay, khi khách đã đứng đầy ngoài cửa, bọn công nhân viên vẫn ngồi thảo luận, mặc kệ khách. Một người thấy chướng quá, bảo, họ vẫn cứ ngồi thảo luận (như trên tr 241).

 

 TÍNH NGHIỆP DƯ

THÀNH XU THẾ KÉO DÀI 

     

Tạp chí Nghiên cứu Huế --- do nhà sử học Nguyễn Hữu Châu Phan chủ trương --- tập một 1999 có đưa lại một tập bài giảng của một chuyên gia người Anh ông Patrick J. Honey trên BBC từ 1961; tập bài giảng này có cái tên khá dài Việt Nam  vào thế kỷ 19, qua các hồi ký của John White John Crawfurd George Gibson
do Trương Ngọc Phú dịch ra tiếng Việt


Ở tr 220 cuốn tạp chí này, tôi đọc được một nhận xét tổng quát  của Crawfurd về Nguyễn Ánh Gia Long thế kỷ XIX: "tài cán của nhà vua thích hợp  cho việc  chiếm lại đất nước hơn là việc cai trị đất nước."

 

      Gia Long là nhân vật lịch sử quan trọng bị nền sử học chính thống ở miền Bắc sau 1945 bôi nhọ một cách thậm tệ, đến mức không thể xấu hơn. 

       Thế nhưng qua cách miêu tả như trên, hóa ra -- trong cái sứ mạng chủ yếu làm nên tính chính đáng của quyền lực trong lịch sử -- giữa Gia Long và các bậc tiền bối ở các thế kỷ trước cũng như chúng ta hôm nay, có sự giống nhau rõ rệt, đến mức từ đó có thể khái quát nên thành một đặc điểm chung của những người quản lý xã hội Việt.

 

     Từ những quan sát của Nguyễn Huy Tưởng nêu ở trên, tôi thử khái quát về cách quản lý của chúng ta đối với Hà Nội những năm ấy.

-- Có của trong tay cũng không biết giữ. Trao cho những người chỉ quen trông nom và làm chủ mấy cái chợ quê "dăm miếng cau khô mấy lọ phẩm hồng(thơ Hoàng Cầm) ra quản lý một thành phố hiện đại.  

-- Mang cách sống cách làm việc của cuộc chiến tranh nhân dân dầm dề chậm chạp vào việc quản lý cuộc sống năng động trong hòa bình. Phá vỡ nhịp điệu bình thường của một thành phố hiện đại.

-- Không quan niệm rằng quản lý là một công việc cần phải học hỏi, và phải có trình độ như thế nào đó mới làm nổi. Các loại công việc liên quan đến đời sống hiện đại muôn vàn phức tạp bị đặt vào tay những người chỉ hiểu đơn giản về xã hội.

   
   Cần nói thêm rằng cái chuyện nghiệp dư chúng ta nói ở đây tự nhiên hoành hành và sống khá dai dẳng đến vậy bởi lẽ:

    -- nó là cái tinh thần chi phối từ đào tạo con người, sử dụng nhân tài, tổ chức guồng máy nói chung.

    -- nó cũng là nguyên tắc có mặt trên tất cả mọi phương diện đời sống, cả trong sản xuất, kinh doanh lẫn trong sáng tác văn hóa nghệ thuật và các hoạt động tinh thần.

   -- nó được áp dụng ở tất cả các địa phương miền Bắc lúc ấy và Hà Nội không được coi là ngoại lệ.

 

     Sở dĩ một người như Nguyễn HuyTưởng không chịu được vì nó xa lạ những nguyên tắc chi phối xã hội hiện đại mà ông tiếp nhận được từ văn hóa Pháp  rộng ra là văn hóa phương Tây. 

      Nhưng rồi, cũng như mọi người dân Hà Nội khác, ông phải chấp nhận. 

  

Nguyễn Huy Tưởng đã qua đời  từ 1960, nhưng nếu sống đến nay, ông chỉ chứng kiến sự thắng thế của những nguyên tắc quản lý mà ông phê phán, cũng có nghĩa xa lạ với tinh thần hiện đại, khiến cho Hà Nội có những nét trở lại như các thành phố quê mùa thời trung đại. 

 

 MỘT CÁCH HIỂU VỀ DÂN CHỦ

CÒN Ở TÌNH TRẠNG DUNG TỤC 

 Trong các nhận xét của  Nguyễn Huy Tưởng mà tôi đã nêu ở phần trên Những thay đổi  đã đến với  Hà Nội từ sau 1954:Tính nghiệp dư trong quản lý, thì cái nhận xét có liên quan đến nhân sự “con sen trở thành đại biểu khu phố” có lẽ là quan trọng nhất.

Nó đề cập tới nhân tố hàng đầu khiến cho Hà Nội từ một thành phố thanh lịch văn minh trở thành một thành phố nham nhở nhếch nhác, một thành phố tầm thường và đi đầu trong việc học đòi ăn chơi như chúng tôi đã nói.

    Người ta có thể bảo sự tức giận của Nguyễn Huy Tưởng là hoàn toàn có lý nếu đứng trên bình diện cảm tính – nghĩa là một người có lương tri bình thường cũng dễ cảm thấy.

     Nhưng điều này cũng đúng nếu dùng đầu óc để suy đoán và truy tìm lại sách vở kim cổ để có chỗ dựa.

 

    NHỮNG CẢNH BÁO

ĐÃ CÓ TỪ …  TRIẾT HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI

  

Hai chữ con sen mà Nguyễn Huy Tưởng đã dùng có thể được hiểu là những người không có trình độ hiểu biết, những người mà ở Hà Nội sau 1954 được gọi là dân nghèo thành thị, hoặc một chữ sang hơn, nhân dân lao động.

    Trong ý tưởng của tác giả Sống mãi với Thủ đô, lớp người này mãi mãi chỉ là người cần được hướng dẫn giáo dục lãnh đạo; nếu được sử dụng vào việc quản lý họ sẽ trở thành một thứ nghiệp dư xoàng xĩnh.

    Nhưng việc đề cao nhân dân lao động, đưa họ vào hàng ngũ những người cầm quyền, thật ra lại là một nguyên tắc bao trùm của xã hội hôm nay.

   Ý chúng tôi muốn nói tới thể chế dân chủ mà chúng ta tự hào.

    Trong cái vẻ cụ thể của nội dung khái niệm chứ không phải chữ nghĩa bề ngoài, nguyên tắc dân chủ ở ta bao gồm cả hai khía cạnh:

   Một là tổ chức những cuộc bầu cứ phổ thông đầu phiếu một cách hình thức.

   Và hai là đưa những người thuộc về nhân dân lao động vào bộ máy quản lý.

 

   Tôi thuộc vào thế hệ học sinh trung học ở Hà Nội sau 1954, nên cố nhiên không biết triết lý Hy La là gì. Thỉnh thoảng có thấy nói lướt qua thì nghe như ở đó toàn bàn về những điều trừu tượng duy tâm duy vật chả có gì thiết thực.

     Lớn lên đi làm báo làm xuất bản, cố nhiên không bao giờ có dịp quay về, và giờ đây, lại càng không đủ trình độ để đọc vào nguyên bản.

     Chỉ còn có cách đọc qua trung gian.

     May mà loại sách này ở miền Nam trước kia không thiếu.

     Điều thú vị tôi phát hiện ra là mấy ông như Platon lại nói nhiều ý dính ngay đến điều chúng ta đang quan tâm.


     Trong cuốn Câu chuyện triết học của Will Durant, bản dịch của Trí Hải và Bửu Đích, in ra, tức tái bản, ở nxb Văn hóa thông tin 2008, ở các trang 29-30, người ta có thể đọc được những lời dẫn giải sau: 

 Về sự tham gia của đám đông vào việc quản lý xã hội 

   Khi chính thể dân chủ đến, kẻ nghèo chiến thắng đối thủ của họ, tàn sát một số, trục xuất một số, và cho tất cả mọi người tự do bình đẳng.

    Nhưng chính thể dân chủ tự phá hủy vì quá dân chủ.

    Họ -- đây muốn chỉ những người đề xuất chính thể dân chủ -- muốn rằng tất cả mọi người đều có quyền tham gia chính phủ và ấn định đường lối quốc gia.

     Sau khi bảo rằng mới xem qua thì việc bầu cử phổ thông – tức là cho tất cả mọi người tham gia vào việc lựa chọn các thành viên của bộ máy quyền lực --, là một lý tưởng quá ư tốt đẹp, W. Durant cài ngay vào đấy cái ý của Platon cảnh báo rằng thực ra việc đó vô cùng nguy hiểm. Vì dân chúng không được giáo dục để có thể lựa chọn người tài giỏi ra cầm quyền và tìm ra đường lối thích hợp nhất.

     “Dân chúng không có kiến thức, họ chỉ lặp lại những điều nhà cầm quyền nói với họ”.

       Phát triển ý của Platon, Durant cũng đi guốc vào bụng các nhà chính trị khi chỉ rõ cái chiến thuật xoàng xĩnh: muốn ủng hộ hoặc đả phá một học thuyết, chỉ cần soạn những vở kịch [hiểu theo nghĩa rộng những tác phẩm văn nghệ] trong đó những học thuyết kia được đem ra chỉ trích hoặc cổ võ, rồi trình bày trước công chúng.

      Thế là tha hồ dẫn dắt họ.

….

     Tổng kết về chuyện bầu bán, W. Durant viết:

     Dân chúng rất ưa những lời nịnh hót; những kẻ khôn ngoan và vô liêm sỉ, tự gán cho mình cái nhãn hiệu bảo vệ dân chúng [nói lên tiếng nói dân chúng] thường được mở ra cả cơ hội lớn để nắm quyền lực tối cao.

 

    Chính Platon đã tỏ ra kinh ngạc về sự điên rồ khi giao cho quần chúng [đang còn là đám đông những kẻ chưa trưởng thành] trọng trách chọn người cầm giềng mối quốc gia.

 

 

VỀ SỰ CÓ MẶT CỦA MỘT SỐ ĐẠI BIỂU ĐÁM ĐÔNG

 TRONG BỘ MÁY QUYỀN LỰC     

    Đây mới là chỗ liên quan tới những con sen của Nguyễn Huy Tưởng.

   Theo W. Durant, Platon phàn nàn rằng đối với một việc nhỏ như việc đóng giày, may quần áo, người ta còn phải lựa chọn những người thợ chuyên môn, tại sao trong lĩnh vực chính trị là một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng lớn, người ta có thể tin rằng bất cứ kẻ nào chiếm được nhiều phiếu [hậu quả của việc được bảo kê hoặc giỏi tiếp thị trước công chúng] đều biết cách trị nước an dân.

    Khi chúng ta bị bệnh, chúng ta không kiếm những thày thuốc đẹp trai hoặc những thày thuốc dẻo mồm khoe khoang mà mời bằng được những y sĩ lành nghề đã trải qua nhiều năm đèn sách và học.

     Thế thì tại sao khi quốc gia lâm nguy chúng ta không tìm tới những người khôn ngoan nhất đức hạnh nhất?  

    Rút lại, theo W.Durant, ý của Platon là:

    Để cho dân chúng cầm quyền không khác gì để cho con thuyền quốc gia lướt trong vùng bão tố, miệng lưỡi bọn chính trị gia càng làm mặt nước nổi sóng và có thể lật ngược cả hướng đi của con thuyền.

    Không chóng thì chầy, một chính thể như vậy sẽ rơi vào con đường độc tài. Ngược lại nếu tìm ra mọi phương pháp để loại bỏ bọn bất tài và bịp bợm ra khỏi bộ máy quyền lực cũng Chọn lựa cho được những kẻ tài cao đức trọng.

   Đó là vấn đề chính của triết lý chính trị.

 

TRỞ LẠI VỚI CHUYỆN HÀ NỘI

 

      Dưới dạng đối thoại, chúng ta sẽ bàn tiếp về câu chuyện “những con sen trở thành đại biểu khu phố“, ở khía cạnh sự có mặt của nhân dân lao động trong việc quản lý các thành phố hiện đại.

 

Một đoạn đối thoại

 --Nguyễn Huy Tưởng chỉ nói về một hai trường hợp cá biệt. Anh đẩy lên quá đáng và đưa ra những khái quát non.

 -- Không đúng. Sau 30-4, vừa vào Sài Gòn mấy ngày, Nguyễn  Khải đã kể với tôi một chuyện đang bàn ở gia đình ông. Bà chị họ của ông than phiền nhiều lần rằng giải phóng sao mà kỳ quá, sao mấy ông mới vào lại đưa con bé giúp việc nhà bà ra làm tổ trưởng dân phố, nó có biết gì đâu.…  

-- Sau đó, họ đã đi học, đã có bằng cấp.

-- Đi học Bổ túc công nông, năm lên ba lớp chứ gì? Rồi thời nay là lấy bằng tiến sĩ bằng cách cho người đi học thuê chứ gì? 

-- Thế tức là anh cho rằng nhân dân lao động không thể tham gia vào việc quản lý thành phố? Cũng như Hà Nội thứ thiệt phải là người đã sinh sống ở đây nhiều đời chứ không thể là dân các tỉnh đổ về?

-- Không đúng, tôi không nói thế. Bất cứ ai nghiên cứu lịch sử Hà Nội cũng biết rằng ngày trước 1945, Hà Nội luôn luôn được bổ sung bằng dân nhập cư. Nhưng đó là những người ưu tú của các địa phương, những người thợ giỏi, những người buôn bán giỏi, những học trò xuất sắc từng đỗ đạt có thứ hạng cao trong các cuộc thi nghiêm chỉnh.
Tôi không đặt vấn đề xuất thân của con người. Tôi chỉ muốn đánh giá con người bằng 
nhân cách và trình độ nghề nghiệp của họ. Quản lý xã hội cũng là nghề nghiệp. Ở đây không có chỗ cho đám người nghiệp dư.

   --

    Xin nói rõ hơn về cái ý cuối cùng này.

     Thời xưa ấy, cái loại người tay nghề loàng xoàng, những kẻ lười biếng và dốt nát không bao giờ tìm được chỗ đứng ở Hà Nội.

     Cũng tương tự như vậy, cách tổ chức bộ máy quan lại của Trung Hoa với Việt Nam xưa là sử dụng những cuộc thi để tuyển chọn nhân tài.

     Xưa còn có lối cấm đoán không cho con nhà hạ lưu đi thi.

    Sau cái lệ ấy đã bỏ.

   

 

     Người ta bình đẳng với nhau trước các kỳ thi, và khi đã qua khảo hạch, tức là người ta đã trở thành kẻ trí thức, sống theo lễ nghĩa biết ăn biết ở. Người ta không còn là dân “chân đất mắt toét” “ba xoa hai đập”, giống như số đông những anh cốt cán trong cải cách, lấy việc hận thù ghen ghét những người ưu tú, tố điêu và nịnh bợ làm đường tiến thân.

   Đấy là nói chung về chỗ khác nhau giữa việc tuyển lựa quan chức thời nay và thời xưa, bao gồm cả thời phong kiến lẫn thời Pháp thuộc.

 

   Riêng với quan chức Hà Nội, thì ngay từ thời xưa, người ta phải có hiểu biết thế nào là đô thị, và người đô thị, vai trò của các thành thị trong sự phát triển kinh tế và văn hóa của quốc gia xứ sở. Chỉ đến thời đại ta mới có những người làm dân thường ở đô thị không xong, đã nhẩy lên làm quan chức, hành hạ người khác.

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم