1/
VÌ SAO TIẾNG VIỆT KHÔNG CÙNG NGUỒN
GỐC VỚI TIẾNG HÁN?
Nguồn Tia sáng 23-8-2023
Mối quan hệ giữa tiếng Việt với tiếng Hán là mối quan tâm lớn
xưa nay của người Việt và là đối tượng nghiên cứu của giới ngôn ngữ học Việt
Nam cũng như quốc tế trong gần 150 năm nay. Nhiều kết quả nghiên cứu liên quan
đã được công bố, trong đó có cuốn “Lịch sử ngôn ngữ người Việt”1 của giáo sư,
tiến sĩ Trần Trí Dõi. Trong cuốn sách đó tác giả đã lý giải vì sao tiếng Việt
không cùng nguồn gốc với tiếng Hán.
----
Thông thường khi nghiên cứu nguồn gốc của một ngôn ngữ, bao giờ người ta cũng trước hết định vị ngôn ngữ đó thuộc vào nhóm ngôn ngữ nào, nhánh ngôn ngữ nào, cuối cùng thuộc ngữ hệ nào. Hiểu đơn giản, ngữ hệ (họ ngôn ngữ, language family) là tên gọi chung một tập hợp các ngôn ngữ có cùng nguồn gốc; như vậy các ngôn ngữ khác ngữ hệ thì không có chung nguồn gốc.
Sách “Lịch sử ngôn ngữ người Việt” có nêu vấn đề mà cha cố J. S.
Theurel từng đưa ra nhận xét “tiếng Việt phần lớn bắt nguồn từ tiếng Hán” –
được ghi trong cuốn Dictionarium Anamitico – Latinum (Từ điển Annam-Latin) của
Theurel, ấn hành tại Kẻ Sở năm 18772. Nhận xét này dựa trên chứng cớ
hiển nhiên là trong tiếng Việt có rất nhiều từ gốc Hán và có một số hiện tượng
ngữ pháp rất giống tiếng Hán, vì thế được một số người tán đồng, hình thành
quan điểm cho rằng ngôn ngữ của người Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, tiếng
Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Hán của ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan),
nghĩa là tiếng Việt, tiếng Hán có chung ngữ hệ, tức chung nguồn gốc. Từ đó suy
ra người Việt có nguồn gốc ở phương Bắc, về sau di cư xuống miền Nam. Rốt cuộc
vấn đề này có liên quan tới nguồn gốc dân tộc ta.
Năm 1912, nhà khoa học người Pháp ở Viện Viễn Đông Bác cổ Henri
Maspéro (1883-1945) nhận định tiếng Việt có nguồn gốc nhóm tiếng Thái (Taic).
Căn cứ vào những chứng cớ mới rất chi tiết và có tính hệ thống chủ yếu về ngữ
âm, dựa trên lập luận chặt chẽ, Maspero đưa ra những kết luận thuyết phục được
giới ngôn ngữ học suốt nửa thế kỷ sau đó, thậm chí sang thế kỷ XXI vẫn có người
ủng hộ. Hiện nay ta biết, tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tai-Kadai, khác với ngữ hệ
của Hán ngữ, như vậy nghĩa là Maspesro cho rằng tiếng Việt không cùng nguồn gốc
với tiếng Hán.
Sáng kiến phiên âm chữ Hán
thành từ Hán-Việt đã giúp người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn
không nói tiếng Hán, đồng thời làm cho kho từ vựng tiếng Việt có khả năng phát
triển hầu như vô hạn. Đây là một thành tựu kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ
tiên ta.
Nhưng đến các năm 1953, 1954 và 1966, một nhà ngôn ngữ học người
Pháp rất nổi tiếng là Andre-Georges Haudricourt (1911-1996) công bố mấy bài báo
phản bác quan điểm nói trên, cho rằng tiếng Việt có nguồn gốc Môn-Khmer, thuộc
ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), nghĩa là không cùng nguồn gốc với tiếng Thái hoặc
tiếng Hán. Lập luận của Haudricourt rất vững chắc và có nhiều chứng minh đầy sức
thuyết phục, được nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam và nước ngoài tán thành.
Trong nghiên cứu, các học giả đều xem xét mối quan hệ đối ứng từ
vựng giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ đối chiếu và chia từ vựng làm hai lớp: từ
cơ bản và từ văn hóa. “Từ cơ bản” là những từ vựng thông dụng nhất, như từ mô
tả các bộ phận cơ thể con người (chân, tay, mắt, mũi), từ nhân xưng (bố, mẹ,
con, tôi, tao, mày), tên các vật xung quanh (nhà, cửa, trời, đất, trăng, sao),
số đếm (một, hai, ba), tên gia súc (chó, mèo, trâu, bò, lợn), nhu cầu sống (ăn,
uống, bú, ỉa, đái), cảm nhận (đau, giận, vui, buồn), v.v…, là những từ liên
quan tới nguồn gốc con người, nguồn gốc ngôn ngữ, là những từ con trẻ nói được
khi bắt đầu biết nói, chưa bị ảnh hưởng của ngôn ngữ khác. Từ thuần Việt trong
tiếng Việt hoặc từ thuần Hán trong tiếng Hán đều thuộc loại từ cơ bản.
Những từ ngữ có được sau khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác
thì thuộc loại “Từ văn hóa”, thường là những từ có tính chất trừu tượng, khái
niệm thuộc lĩnh vực văn hóa, ví dụ: đông, tây, đạo, lý. Từ văn hóa thường xuất
hiện sau từ cơ bản hàng nghìn năm, vì thế nó không có liên quan đến nguồn gốc
ngôn ngữ. Khi xác định nguồn gốc ngôn ngữ, nhất thiết phải dựa vào các từ cơ
bản mà không dựa vào các từ văn hóa.
Sau khi phân loại từ vựng, Haudricourt nhận thấy số lượng từ
thuần Việt tương ứng với từ trong ngôn ngữ Môn-Khmer thì nhiều hơn số lượng từ
thuần Việt tương ứng với từ trong tiếng Thái, từ đó ông kết luận tiếng Việt có
nguồn gốc Môn-Khmer chứ không phải có nguồn gốc Thái. Khi nghiên cứu vấn đề
thanh điệu của tiếng Việt, ông cũng đi tới kết luận như vậy.
Từ vựng tiếng Việt hiện đại gồm từ thuần Việt, từ Việt gốc Hán
(tức từ Hán-Việt), và từ ngoại lai. Từ thuần Việt ra đời cùng với tiếng Việt,
có số lượng lớn và vững chắc gắn chặt với nguồn gốc dân tộc, thể hiện tính cội
nguồn của ngôn ngữ, thuộc vào lớp từ cơ bản. Từ Việt gốc Hán ra đời sau khi
nước ta tiếp xúc văn hóa Trung Hoa, cho nên thuộc lớp từ văn hóa. Từ lai ra đời
sau khi Việt Nam tiếp xúc văn hóa Âu Mỹ, ví dụ các từ pho mát, ô tô, ga.
Từ Hán-Việt là loại từ vựng do tổ tiên ta sáng tạo ra trong quá
trình tiếp nhận chữ Hán. Thông thường người học chữ Hán đều phải đọc chữ theo
âm tiếng Hán. Nhưng chữ Hán lại không có phát âm thống nhất trong toàn Trung
Quốc, mà mỗi vùng phát âm theo cách riêng gọi là phương ngữ (tiếng địa phương).
Người Trung Quốc sang ta nói nhiều phương ngữ khác nhau, người Việt không biết
nên đọc chữ Hán theo cách phát âm nào, đây là khó khăn lớn nhất khi họ học chữ
Hán.
Để vượt qua khó khăn trên, tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc
chữ Hán theo âm tiếng Việt mà không đọc theo âm Hán, tức cách phiên âm chữ Hán
thành từ Hán-Việt. Mỗi chữ Hán đơn âm được phiên âm thành một từ Hán-Việt, từ
này có âm đọc thống nhất trong toàn dân Việt, gọi là âm Hán-Việt. Âm đọc ấy
được chọn gần giống âm đọc chữ trong tiếng Hán, vì thế hầu hết từ Hán-Việt đọc
lên nghe gần giống từ tiếng Hán. Ví dụ chữ 匡tiếng Hán đọc “uấn”, ta
đọc tiếng Việt là “văn”. Qua đó đã thực hiện phiên âm toàn bộ chữ Hán sang
tiếng Việt, mượn được toàn bộ kho chữ Hán về dùng, nhưng chỉ mượn chữ mà
không mượn tiếng Hán. Do tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ đơn âm tiết
(monosyllabic) nên việc phiên âm một đối một tương đối thuận tiện. Từ Hán-Việt
là kết quả phiên âm chữ Hán, và chữ Hán trở thành ký tự ghi từ Hán-Việt, nhưng
không ghi được từ thuần Việt. Ví dụ chữ Hán 匡뺏
ghi từ Hán-Việt “văn hóa”.
Việc tiếng Việt, tiếng Hán
thuộc hai ngữ hệ khác nhau chứng tỏ ngôn ngữ Việt không cùng nguồn gốc với ngôn
ngữ Hán. Như vậy thì cội nguồn văn hóa Việt Nam cũng không thể chung nguồn gốc
với văn hóa Hán.
Từ Hán-Việt là từ vay mượn của chữ Hán. Nhờ mượn thêm từ ngoại
nên kho từ vựng tiếng Việt tăng lên nhiều và ngày càng tăng. Năm 1912 Maspéro
nói từ Hán-Việt chiếm 60% tổng số từ tiếng Việt. Năm 2001 Cao Xuân Hạo nói tỷ
lệ này là 70%. Nghĩa là chữ Hán vào Việt Nam đã làm số lượng từ tiếng Việt tăng
2,5-3 lần. Trong thực tế, người Việt dùng từ rất linh hoạt, như ghép với từ
thuần Việt (tái đàn, cận nghèo) hoặc ghép từ Hán-Việt với nhau không theo quy
tắc giữ gốc Hán (bán dẫn, giải ngân), cho nên kho từ vựng tiếng Việt có khả
năng tăng vô hạn.
Từ Hán-Việt còn giúp người Việt thuận lợi chuyển ngữ các từ vựng
ngoại văn: khi ấy chỉ cần đọc âm Hán-Việt của từ Hán hoặc từ Kanji mà người
Trung Quốc hoặc người Nhật chuyển ngữ từ ngoại văn đó, là được kết quả. Ví dụ
từ tiếng Anh “pragmatism”, người Nhật chuyển sang chữ Kanji là 實痰寮義, ta đọc Hán-Việt là “thực
dụng chủ nghĩa”, được ngay kết quả cần tìm.
Tóm lại sáng kiến phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt đã giúp
người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn không nói tiếng Hán, đồng
thời làm cho kho từ vựng tiếng Việt có khả năng phát triển hầu như vô hạn. Đây
là một thành tựu kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ tiên ta.
Thế nhưng không thể vì tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán mà cho
rằng tiếng Việt có nguồn gốc ở tiếng Hán, bởi lẽ từ Hán-Việt không phải là từ
cơ bản, mà thuộc lớp từ văn hóa, chỉ xuất hiện sau khi người Việt tiếp xúc văn
hóa Trung Hoa, tức khi nước ta bị Triệu Đà thôn tính và người Việt bắt đầu học
Hán ngữ, nghĩa là sau từ thuần Việt nhiều nghìn năm, do đó từ Hán-Việt dù nhiều
đến đâu cũng không ảnh hưởng gì đến nguồn gốc tiếng Việt.
Khi so sánh các từ thuần Việt với các từ thuần Hán, cũng không
thấy từ thuần Việt nào có âm đọc giống với từ thuần Hán tương ứng. Sự khác nhau
về từ cơ bản chứng tỏ tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán. Điều đó
còn được chứng tỏ ở chỗ tiếng Việt có ngữ âm phong phú (gấp 14 lần tiếng Hán)
và ngữ pháp khác tiếng Hán. Từ Hán-Việt được dùng theo ngữ pháp tiếng Việt, do
đó người Trung Quốc không thể nghe hiểu câu tiếng Việt có nhiều từ Hán-Việt,
tuy rằng nhìn chữ thì hiểu. Nói cách khác, tiếng Việt tuyệt đối không phải là
một phương ngữ của tiếng Hán.
Từ Hán – Việt chỉ là từ vay mượn (loan words) Hán ngữ. Các ngôn
ngữ trên thế giới thường vay mượn từ vựng của ngôn ngữ khác. Ví dụ Hán ngữ hiện
đại có khoảng 70% từ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn là từ vay mượn
tiếng Nhật. Đó là những từ vựng người Nhật chuyển ngữ từ tiếng Anh, Pháp, Hà
Lan… sang chữ Kanji (chữ Hán-Nhật), ví dụ các từ government, people, economy
chuyển ngữ thành chính phủ, nhân dân, kinh tế. Ngôn ngữ học cho biết: từ văn
hóa thường dễ vay mượn, còn từ cơ bản thì không có vay mượn. Ví dụ tên tiếng
Việt gọi các bộ phận cơ thể con người khác xa tên gọi tương ứng trong các thứ
tiếng khác. Thiển nghĩ có thể suy ra ban đầu dân ta chỉ nói các từ thuần Việt,
sau khi tiếp nhận chữ Hán thì bắt đầu nói các từ Hán-Việt, và ngày càng nói
nhiều, nhất là khi nói đề tài xã hội, thời sự, nghị luận, đặc biệt trong văn
bản, sách báo. Như trong Hiến pháp Việt Nam, tỷ lệ từ Hán-Việt lên tới 90%.
Hiện nay giới ngôn ngữ học chính thống Việt Nam và thế giới xếp
tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, nhánh Môn-Khmer, nhóm tiếng Việt (Vietic,
Việt-Mường); Hán ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Việc tiếng Việt, tiếng Hán thuộc
hai ngữ hệ khác nhau chứng tỏ ngôn ngữ Việt không cùng nguồn gốc với ngôn ngữ
Hán. Đây là một kết luận quan trọng thu được sau 150 năm nghiên cứu vấn đề
nguồn gốc tiếng Việt. Trên cơ sở ấy GS. TS Trần Trí Dõi nhận định: Như vậy thì
cội nguồn văn hóa Việt Nam cũng không thể chung nguồn gốc với văn hóa Hán.
Thiển nghĩ vì tiếng Việt khác ngữ hệ với các ngôn ngữ Bách Việt,
suy ra tiếng Việt cũng không cùng nguồn gốc với các ngôn ngữ Bách Việt, ví dụ
Tráng ngữ là hậu duệ của ngôn ngữ Lạc Việt3 thuộc ngữ hệ
Tai-Kadai, các ngôn ngữ khác của Bách Việt đều thuộc ngữ hệ Hán-Tạng.
So với Hán ngữ, tiếng Việt
có số âm tiết cơ bản nhiều gấp 10 lần, số âm tiết chi tiết gấp 14 lần. Ưu thế
đó làm cho tiếng Việt trở nên vững bền không dễ bị đồng hóa bởi các ngôn ngữ
nghèo ngữ âm như Hán ngữ.
Tác giả sách Lịch sử ngôn ngữ người Việt còn đưa ra một nhận
định quan trọng: Về mặt ngôn ngữ, đã có đủ cơ sở để cho rằng cộng đồng người
nói tiếng Việt thực sự là một trong những cộng đồng cư dân bản địa chính từ
thời tiền sử của vùng Đông Nam Á văn hóa, chứ hoàn toàn không phải là những cư
dân di cư từ phương Bắc tới. Đây là một quan điểm đúng đắn về lịch sử dân tộc
Việt, là kết quả nghiên cứu dựa trên sự tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ của người
Việt trong sự so sánh với ngôn ngữ các dân tộc ở gần, tức dựa trên các nguyên
tắc có căn cứ khoa học tin cậy của ngôn ngữ học lịch sử và so sánh
(Historical-Comparative Linguistics).
Kết luận trên cho thấy dân tộc Việt được hình thành trên mảnh
đất này từ khoảng hơn 20 nghìn năm trước. Có thể là, theo thuyết “Đi khỏi châu
Phi” (Out of Africa), trước đó tổ tiên ta từ châu Phi di cư tới đây. Năm 1923,
nhà khảo cổ Madeleine Coloni phát hiện di cốt người Việt cùng nền văn hóa của
họ trong hang đá ở tỉnh Hòa Bình, các di vật này có niên đại 18.000 năm trước
CN. Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á của tiến sĩ Nguyễn Việt
vẫn tiếp tục khai quật các di vật nền Văn hóa Hòa Bình lưu lại.4
Lịch sử lâu đời giúp cho người Việt có đủ thời gian tạo được một
ngôn ngữ chín muồi, cực giàu âm tiết (syllable). So với Hán ngữ, tiếng Việt có
số âm tiết cơ bản nhiều gấp 10 lần, số âm tiết chi tiết gấp 14 lần.5, 6, 7.
Ưu thế đó làm cho tiếng Việt trở nên vững bền không dễ bị đồng hóa bởi các ngôn
ngữ nghèo ngữ âm như Hán ngữ.
Thiển nghĩ, kết luận người Việt “hoàn toàn không phải là cư dân
di cư từ phương Bắc tới” cho thấy dân tộc ta thời cổ không có quan hệ gần gũi
với các dân tộc ở phía Bắc biên giới Trung-Việt, với nhóm bộ tộc gọi là “Bách
Việt”, chẳng những về địa lý ở xa cách họ mà về ngôn ngữ hoàn toàn không chung
nguồn gốc: ngôn ngữ các tộc đó đều thuộc ngữ hệ khác ngữ hệ của tiếng Việt. Có
thể suy ra người Việt nguyên thủy sống ở vùng núi Sơn La-Hòa Bình-Thanh Hóa, về
sau các bộ tộc người Kinh di chuyển dần xuống vùng trung du Yên Bái, Phú Thọ,
trong khoảng 2.000 năm gần đây di chuyển xuống vùng châu thổ sông Hồng – vùng
đất hình thành bởi sự bồi đắp của con sông này, như quan điểm của các nhà khoa
học Lê Bá Thảo, Trần Trí Dõi…8. Riêng các bộ tộc người Mường anh em
gần nhất của người Kinh thì vẫn ở lại vùng núi.
Cần nhấn mạnh, việc người Việt dùng chữ Hán nhưng không nói
tiếng Hán đã mang lại kết quả tất nhiên là tuy văn hóa Việt trong hơn 1000 năm
Bắc thuộc từng bị Hán hóa dai dẳng, nhưng tiếng Hán vẫn không thể đồng hóa được
ngôn ngữ của người Việt. Nhờ giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ mà dân tộc cùng
quốc gia này tồn tại đến ngày nay – đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử
dân tộc Việt Nam. Ai cũng biết văn hóa Hán có sức đồng hóa rất mạnh. Ví dụ dân
tộc Mãn từng chiếm đóng cai trị Trung Quốc 276 năm, mới đầu họ ra sức Mãn hóa
ngôn ngữ và văn hóa của người Hán, nhưng chỉ sau một thế kỷ, chính họ lại bị
Hán hóa, toàn bộ dân tộc Mãn chỉ nói tiếng Hán, dùng chữ Hán.
Thời Bắc thuộc có nhiều người Bách Việt (chủ yếu là binh lính)
sang Việt Nam định cư, ngôn ngữ của họ có tác động đến kết quả phiên âm chữ
Hán, tức từ Hán-Việt. Ví dụ chữ Hán 欺構 tiếng Quảng Đông đọc
“hoọc chập”, từ Hán-Việt là “học tập”, tuy rằng tiếng Bắc Kinh đọc “xuế xí”.
Nhưng vì họ nhanh chóng bị Việt Nam hóa (lấy vợ Việt, con cháu nói tiếng Việt)
cho nên ảnh hưởng của ngôn ngữ Bách Việt đối với tiếng Việt hầu như không có gì
đáng kể.
Tóm lại, tiếng Việt là ngôn ngữ gần gũi nhất với Hán ngữ và chịu
ảnh hưởng lớn của Hán ngữ nhưng lại không cùng nguồn gốc với Hán ngữ và không
bị Hán hóa cho dù Việt Nam từng là quận huyện của Trung Quốc trong hơn 1000
năm. Chẳng rõ còn có dân tộc nào khác từng làm được điều kỳ diệu tương tự? □
——
Ghi chú:
1 Trần Trí Dõi: “Lịch sử ngôn ngữ người Việt – Góp phần tìm
hiểu văn hóa Việt Nam”, Nxb ĐHQGHN, 2022.
2 Joseph Simon Theurel, 1829-1868, người Pháp, Giám mục Giáo
phận Hà Nội 1859-1868. Nhà thờ Kẻ Sở ở thị trấn Kiện Khê, Hà Nam thuộc Giáo
phận Hà Nội là một trong bốn nhà thờ được gọi là Vương cung Thánh đường.
3 졺磎寡: 《쭸督렘벌桔씩》췽痢놔경, 2017쾨. Đây là quan điểm riêng
của nhóm Lương Đình Vọng.
4 “Văn hóa Hòa Bình: Nền văn hóa tiền sử độc đáo”. Báo Điện tử Chính phủ, 30/8/2023.
5 Nguyễn Quang Hồng: “Âm tiết và loại hình ngôn ngữ”, Nxb
ĐHQG Hà Nội, 1995.
6 坑텬냥: “랗枷各셩돨君덜볶俚桔씩”, 蝎베놔경, 2001쾨.
7 Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”, tạp
chí Tia Sáng số
11/2020.
8 Li Tana: “A Historical Sketch of the Landscape of the Red
River Delta” Cambridge University Press, 2016
2/
Quang Phan
NGUỒN GỐC TỪ VỰNG HÁN VIỆT :
TRAO ĐỔI VỀ VĂN HÓA, DÂN TỘC VIỆT
NAM VỚI NNC NGUYỄN HẢI HOÀNH
dưới đây chúng tôi lược bớt chỉ còn trên 3000 từ.
***
Trên Tia sáng 28-10-23, NNC Nguyễn Hải Hoành vừa công bố bài
viết “Vì sao tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán?”. Bên cạnh những
tán đồng với tác giả về quan hệ cội nguồn của tiếng Việt, mối liên kết của
người Việt (Kinh) với văn hóa Bách Việt, chúng tôi nhận thấy cần trao đổi lại
với tác giả về vấn đề từ vựng Hán Việt, cũng như các mệnh đề liên quan mà ông
đề cập.
Sau phần lược sử nghiên cứu về Quan hệ cội nguồn của ngôn ngữ
người Việt (Kinh), tác giả đưa ra mệnh đề: “Sáng kiến phiên âm chữ Hán thành từ
Hán-Việt đã giúp người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn không nói
tiếng Hán, đồng thời làm cho kho từ vựng tiếng Việt có khả năng phát triển hầu
như vô hạn. Đây là một thành tựu kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ tiên ta”.
Dẫn lời Giáo sư Trần Trí Dõi, tác giả đi đến kết luận: “Như vậy
thì cội nguồn văn hóa Việt Nam cũng không thể chung nguồn gốc với văn hóa Hán”.
Thậm chí ông còn đi xa hơn khi mở vấn đề đến lịch sử hình thành dân tộc lên tới
20 ngàn năm.
Nhằm giúp vấn đề rõ ràng, gợi mở và cận khoa học hơn, chúng tôi
trao đổi, phản biện với tác giả về những mệnh đề nói trên.
--
CỘI NGUỒN TỪ VỰNG HÁN VIỆT:
Trong bài viết, tác giả Nguyễn Hải Hoành đưa ra nhận định: “Từ
vựng Hán Việt là loại từ vựng do tổ tiên ta sáng tạo ra trong quá trình tiếp
nhận chữ Hán” hay: “tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán theo âm tiếng
Việt mà không đọc theo âm Hán, tức cách phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt”.
Từ vựng Hán Việt không phải là sáng tạo của tổ tiên ta. Từ vựng
ấy được hình thành bởi những người Hán tại Giao Châu – Annam (tức Việt Nam thời
Hán Đường).
Tác giả Nguyễn Hải Hoành không đưa ra bất cứ một bằng chứng lịch
sử nào chứng minh cho nhận định của mình.
Nhưng nhiều nhà khoa học lịch sử và ngôn ngữ đã công nhận rằng
tại Miền Bắc Việt Nam đã từng có cộng đồng Hán ngữ đó đã từng rất phồn vinh .
Động lực nào để người Hán di cư tới Giao Châu - Annam?
Ngoài những lần Trung Quốc có biến loạn thì lợi ích kinh tế mới
là cốt lõi.
…
Cố GS Nguyễn Tài Cẩn trong “Chương thứ II - Nguồn gốc và quá
trình hình thành cách đọc Hán Việt” có trình bày cặn kẽ hoàn cảnh lịch sử đặt
nền móng cho cách đọc Hán Việt.
Ông cho biết có 3 yếu tố tác động trực tiếp tới việc hình thành
từ vựng – cách đọc Hán Việt bao gồm:
a) Di dân người Hán, (dân di cư tự do và được triều đình khuyến
khích, tội đồ, quan lại và gia đình họ, binh lính số lượng hàng vạn…).
b). Các yếu tố chính trị - số lượng quan lại ngày càng phình lớn
bởi sự quan liêu hóa, …).
c). Công cuộc phổ quát văn hóa Hán tại Giao Châu - An Nam (Việt
Nam thuộc thời Hán Đường): Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, đặc biệt là triều
Đường đã mở trường dạy chữ Hán ở Giao Châu .
GS Trần Quốc Bảo (Viện nghiên cứu Việt Nam, Đại học Sư phạm
Quảng Tây) trong chuyên luận “Tầm quan trọng của di dân Trung Nguyên trong thời
đại nhà Đường đối với sự phát triển của Annam” cũng có những nhận định tương
đồng với Giáo sư Nguyễn Tài Cần về dòng di cư của người ngôn ngữ và văn hóa Hán
vào khu vực nay là miền bắc Việt Nam .
Những hoạt động bền bỉ kéo dài hàng ngàn năm như vậy đã dẫn tới
sự hình thành và phát triển của những khu định cư của người Hán tại Giao Châu –
Annam.
Ngôn ngữ Hán ở Annam cùng với Tương ngữ, Việt ngữ (Quảng Đông…)
phát triển từ Hán ngữ thượng cổ (Old Chinese) lên Hán ngữ trung cổ (Middle
Chinese). Cộng đồng nói phương ngữ Hán Annam trung cổ (Annamese Middle Chinese)
ấy tồn tại và khẳng định được vị thế của mình trong buổi đầu thiên niên kỷ II
tại Đại Việt.
Chúng tôi tán đồng với quan điểm của John Phan rằng từ vựng Hán
Việt ngày nay có gốc từ phương ngữ Hán Trung Cổ tại Annam.
Từ thiên niên kỷ thứ II, cộng đồng nói ngôn ngữ ấy dần chuyển
ngữ sang ngôn ngữ proto Việt Mường (Language shift), đóng góp toàn bộ quỹ từ
vựng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Trải qua hàng thế kỷ, tại Châu thổ sông Hồng một phương ngữ mới
ra đời. Chúng tôi cho rằng, nhận định của tác giả Nguyễn Hải Hoành về nguồn gốc
cách đọc Hán Việt chỉ chính xác với một số phương ngữ Mường, không chính xác
với ngôn ngữ người Kinh.
Người Việt không có sáng kiến nào về việc đọc chữ Hán theo tiếng
Việt cả.
Sở dĩ phát âm Hán Việt khác với tiếng Hán hiện đại là do môi
trường phát triển ngôn ngữ ở người Kinh mang đặc thù là sự tương tác, hòa
nhuyễn giữa hai khối ngôn ngữ proto Việt Mường và Hán Annam Trung Cổ.
-
NGƯỜI KINH NÓI NGÔN NGỮ GÌ?
Theo Nguyễn Hải Hoành “… tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ
Hán theo âm tiếng Việt mà không đọc theo âm Hán, tức cách phiên âm chữ Hán
thành từ Hán-Việt” và “sáng kiến phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt đã giúp
người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn không nói tiếng Hán”.
Có thể tác giả không có ý phủ định việc người Việt đã từng nói –
nói thành thạo Hán ngữ, nhưng để tránh những ngộ nhận không đáng có, chúng tôi
đề cập lại vấn đề ngôn ngữ người Kinh (Việt).
Từ TK X đến ít nhất là đầu thế kỷ XV, tại những vùng đất mà
triều đình Thăng Long trực tiếp quản lý có ít nhất hai ngôn ngữ cùng song song
tồn tại là Hán và proto Việt Mường. Ngôn ngữ Hán tồn tại trong các cộng đồng
gốc Đường và được tiếp động lực từ những người nhập cư nói Ngô ngữ, Mân ngữ và
Việt ngữ. Tất cả hội tụ trong văn ngôn thời Lý Trần (ngôn ngữ của tầng lớp tinh
hoa Đại Việt).
Trong khi đó cộng đồng Việt Mường sử dụng ngôn ngữ của chính họ.
Bằng chứng cho sự hiện diện của cộng đồng này là triều đình Đại Việt đã phải
dịch Phật Thuyết, hay vua Trần Nhân Tông làm thơ nôm Cư Trần Lạc Đạo Phú…
Sự giao giữa hai khối ngôn ngữ ấy đã trở thành ngôn ngữ Việt
Mường Siêu Hán Hóa (khái niệm John Phan dùng chỉ việc ngôn ngữ Việt Mường biến
đổi sâu sắc và toàn diện bởi ngôn ngữ Hán Annam).
Ngôn ngữ mới này, nhờ sự hỗ trợ của triều đình mà ngày càng trở
nên uy tín tại Đại Việt.
Nhưng có dữ liệu nào ủng hộ cho việc có ngôn ngữ Hán tại Đại
Việt thời Lý – Trần.
Toàn thư chép có chép về việc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến
Sứ Quán gặp sứ Nguyên là Sài Xuân.
Ở đây, ta thấy Hưng Đạo Vương đã trực tiếp nói chuyện với sứ
Nguyên mà không cần phiên dịch.
Hán văn Lý Trần – một di sản văn hóa đồ sộ cho thấy, tầng lớp
tinh hoa Đại Việt trao đổi với nhau, làm thơ tặng nhau bằng, thực hành niềm tin
tôn giáo bằng Hán ngữ.
Kể cả tiếng Việt Mường siêu Hán Hóa mà John Phan đề cập tới cũng
chứa đựng từ 70 – 75% từ vựng Hán.
Bài thơ Việt Giới, của Trần Minh Tông ngõ hầu đưa chúng ta về
lại bối cảnh và sự tương đồng ngôn ngữ giữa Đại Việt và Hán ngữ phương quan
(chữ dùng của Trần Quang Đức trong Ngàn năm áo mũ).
Trích:
“Ngôn ngữ vô đa biệt/
Y quan bất khả đồng”,
tạm dịch:
Ngôn ngữ chẳng khác nhau nhiều/
Áo mũ không được giống nhau .
Như vậy có thể nói rằng ít nhất đến TK thứ 13, 14 Đại Việt vẫn
có cộng đồng mạnh nói tiếng Hán, tự hào với tiếng Hán. Ít nhất đến khoảng thời
gian này, nhiều cư dân Đại Việt vẫn thông ngôn trực tiếp với người Trung Quốc.
--
CỘI NGUỒN VĂN HÓA
Theo Nguyễn Hải Hoành “Việc tiếng Việt, tiếng Hán thuộc hai ngữ
hệ khác nhau chứng tỏ ngôn ngữ Việt không cùng nguồn gốc với ngôn ngữ Hán. Như
vậy thì cội nguồn văn hóa Việt Nam cũng không thể chung nguồn gốc với văn hóa
Hán”.
Nhưng điều này có hoàn toàn chính xác không? Chúng tôi cho rằng
đưa ra mệnh đề như vậy tác giả (của mệnh đề này) chưa đi đến cội nguồn của văn
hóa người Kinh.
Nguồn gốc tiếng Việt và nguồn gốc Văn hóa Việt Nam là không
trùng khít.
Nguồn gốc ngôn ngữ Việt và nguồn gốc văn hóa người Kinh cũng
không trùng khít.
Từ những người nói ngôn ngữ proto Vietic đến Việt Mường đến
tiếng Kinh đến Việt Nam là hành trình ngôn ngữ 4000 năm, với nhiều giai đoạn.
Trong mỗi giai đoạn đó, người nói ngôn ngữ Vietic đã tiếp nhận
các luồng văn hóa và cả di truyền tới từ những người thuộc các ngữ hệ khác.
Những người Kinh đầu tiên cảm thấy mình gần Hoa Hạ, có gốc cội
Hán Đường. Họ nhìn cư dân bản xứ ở vùng rìa chỉ là Liêu Di, là Mán Mọi, “nô lệ
miền núi”.
Từ Khúc Thừa Dụ, đến những sứ quân gốc Hán tại khu vực sông Hồng
và chưa hết! Chúng ta có những tư liệu cho thấy nhà Lý là một gia tộc tới từ
đất Mân, nhà Trần đến từ đất Mân (lưu ý rằng đến thế kỷ thứ 9, 10, người Mân đã
nói một phương ngữ của tiếng Hán gọi là Mân ngữ).
Những điều này đã tạo cho thành Thăng Long một nền văn hóa khác
biệt với những cư dân vùng rìa. Người Thăng Long coi những cư dân ấy là Man, là
Liêu Di. Từ kinh thành họ đã phóng ra hàng chục cuộc tấn công vào các thế lực
bản địa khi họ “ương ngạnh không tuân giáo hóa”.
Thái úy Đỗ Anh Vũ nhà Lý nói: “Để bọn man di quấy Hạ là tội của
thần [...] Nay cấm chỉ thói mọi, chắp tay mà chịu mặc hình; trộm cắp dân ven,
mất mật mà theo hoàng hóa”.
Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục cho rằng thật tệ khi sinh ra ở
cõi Man Di, tắm chung một dòng sông, chỉ có sinh ra ở Trung Quốc, lục căn đầy
đủ là quý giá nhất: “…ba là đã được sinh ra ở Trung quốc, nhưng sáu căn không
đủ, bốn thể chẳng toàn, mù điếc ngọng câm [...] tuy ở trong Hoa Hạ cũng hệt như
ở ngoài hoang dã. Nay đã làm người, được sinh ra ở Trung quốc, lại có đủ sáu
căn, há chẳng quý lắm sao?” .
Phạm Sư Mạnh trong bài Kinh Lý Thao Giang Lộ đã phóng chiếu cách
nhìn rất đỗi Trung Hoa với vùng đất bên rìa Kinh Lộ.
Trong Án Thao Giang Lộ, ông viết: “Tục tạp Nhiễm Bàng kiêm Bặc
Bắc/Địa liên Thiện Thiện dữ Vân Nam” .
Nguyễn Phi Khanh nhìn về Trường Châu thấy: “Tục tạp liêu di dân
thái cổ”. Và khi đi tuyên chiếu ở Trường châu thì ông đem “chiếu chỉ triều
Đường”, “sắc lệnh nhà Hán” đến với dân Liêu Di ấy.
Trong tờ chiếu đánh Ai Lao năm 1479, Vua Lê Thành Tông xưng mình
cai quản Trung châu; còn phía đối phương chỉ là man rợ, chó má.
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam Trung Đại chúng ta còn bắt
gặp rất nhiều những diễn ngôn như vậy.
Trong ngàn năm qua, chúng ta dành tới 90% thời gian để theo đuổi
nỗ lực Vô tốn Trung Hoa (無遜中華 - không khác và không thua
kém Trung Hoa).
Từ những cứ liệu trên, chúng tôi cho rằng với người Kinh thì từ
từ vựng, văn hóa, đến ý thức tự nhận chúng ta đã từng có điểm giao rất lớn với
nền Văn minh Trung Hoa (Việt Nam nằm trong Hán quyển).
Cũng lưu ý cội nguồn văn hóa Việt Nam được hình thành bởi 54 sắc
tộc trên toàn quốc gia, không phải chỉ dành riêng cho người Kinh.
--
DÂN TỘC 20 NGÀN NĂM TUỔI?
Nghiên cứu của Gs Trần Trí Dõi “Lịch sử ngôn ngữ người Việt: Góp
phần tìm hiểu văn hóa Việt Nam” đã gợi xúc cảm để tác giả Nguyễn Hải Hoành đi
đến mệnh đề:
“Kết luận trên cho thấy dân tộc Việt được hình thành trên mảnh
đất này từ khoảng hơn 20 nghìn năm trước. Có thể là, theo thuyết “Đi khỏi châu
Phi” (Out of Africa), trước đó tổ tiên ta từ châu Phi di cư tới đây. Năm 1923,
nhà khảo cổ Madeleine Coloni phát hiện di cốt người Việt cùng nền văn hóa của
họ trong hang đá ở tỉnh Hòa Bình, các di vật này có niên đại 18.000 năm trước
CN”.
Chúng tôi không hiểu dựa trên cơ sở khoa học nào mà tác giả lại
kết nối từ văn hóa cuội ghè Hòa Bình đến tận người Việt hôm nay? Chúng tôi
thẳng thắn lưu ý rằng theo chuẩn thuật ngữ khoa học thì chỉ có một dân tộc Việt
Nam được hình thành từ 54 sắc tộc, trong đó người Kinh là sắc tộc chủ thể.
Về định nghĩa dân tộc, ngày 11 tháng 3 năm 1882, tại Đại học
Sorbonne, Ernest Renan đưa ra định nghĩa về “dân tộc” như sau: “Dân tộc là một
tâm hồn, một nguyên lý tinh thần. Có hai yếu tố, thực ra chỉ như một, tạo nên
tâm hồn hoặc nguyên lý tinh thần này. Một nằm trong quá khứ, một trong hiện
tại. Cái này là sự đồng sở đắc di sản ký ức phong phú; cái kia là sự thỏa thuận
trong hiện tại, là lòng mong muốn được chung sống, là ý chí biến giá trị kế
thừa, giá trị mà mỗi người đã tiếp nhận dưới hình thức trọn vẹn, trở nên bất
diệt” .
Với người Kinh, chúng ta bắt gặp diễn ngôn người Kinh là Hoa Hạ,
hãnh diện làm người Trung Quốc (xem phần trên).
Theo định nghĩa Ernest Renan thì ta sẽ gặp ký ức và mong muốn
làm bất diệt hóa ký ức di sản Trung Hoa ngay tại Đại Việt. Như vậy giả thiết
“dân tộc Việt được hình thành trên mảnh đất này từ khoảng 20 ngàn năm trước”
liệu có phù hợp không?
Tiếp theo, chúng ta sẽ lưu ý tới những luồng di cư.
Dữ liệu di truyền học cho thấy 4000 năm trước người ngữ hệ Nam Á
di cư vào khu vực châu thổ sông Hồng, sáng tạo văn Phùng Nguyên. Người mang di
truyền học ngữ hệ Tai Kadai sáng tạo ra nền văn hóa Lạc .
Dữ kiện lịch sử và Khảo cổ học cho thấy, người Hán di cư tới
châu thổ sông Hồng. Tất cả những dòng di cư ấy đều không phải là người của văn
hóa cuội ghè Hòa Bình.
Xin hỏi tác giả Nguyễn Hải Hoành: nếu văn hóa, lịch sử của người
Kinh (tác giả dùng khái niệm dân tộc Việt) (có thể…) được bắt nguồn từ người
Hòa Bình, vậy tiếng nói người Kinh được hình thành từ tiếng nói của người thuộc
văn hóa Hòa Bình ư?
Người Hòa Bình nói ngôn ngữ gì vậy?
Proto Vietic, hay là Austroasiatic, hay sâu nữa là proto
Austroasiatic đây? Chúng ta kế thừa và mong muốn bất diệt hóa di sản ký ức nào
từ người Hòa Bình đây?
Chúng tôi nhấn mạnh rằng chưa có bằng chứng khảo cổ học, nhân
chủng học, ngôn ngữ, văn hóa nào ủng hộ kết luận “dân tộc Việt được hình thành
trên mảnh đất này từ khoảng hơn 20 nghìn năm trước”.
Chúng ta chỉ có những bằng chứng khẳng định người Hòa Bình là
những người bản địa đầu tiên ở khu vực nay là Đông Nam Á và cả nam Trung Hoa.
Hậu nhân của họ vẫn còn săn bắn hái lượm trong các khu rừng rậm của Phillipine,
Malaisia, Thái Lan ngày nay.
--
KẾT LUẬN
Chúng tôi thiết nghĩ bài viết “Vì sao tiếng Việt không cùng
nguồn gốc với tiếng Hán?” của tác giả Nguyễn Hải Hoành cần bổ sung rất nhiều cứ
liệu về ngôn ngữ (trong đó có phục nguyên âm, âm vị), lịch sử, văn hóa, khảo
cổ. Tác giả cũng cần cẩn trọng hơn trong việc đề cập tới các vấn đề dân tộc,
văn hóa, sử dụng dữ kiện.
Sự cẩn trọng và thanh thản khi đối diện các vấn đề lịch sử, dữ
kiện lịch sử là cần thiết cho hành trình tiệp cận khoa học lịch sử mà cụ thể là
lịch sử hình thành người Kinh.
Không ai có thể tự biện rằng: “Mọi nghiên cứu về thời cổ đều chỉ
là “thầy bói sờ voi”, tất cả đều chỉ dựa trên suy đoán, ai suy luận có logic
thì dễ được người đọc tin là đúng. Không ai có quyền chê người khác là sai”.