VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ông Nguyễn Mạnh Tường nào được tuyên dương nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh?

Bài của Nguyễn Trung Lương . Nguồn https://www.talawas.org/15675/  

--

Lời dẫn

Khi các trang mạng phát triển gần như không có giới hạn, thì những trang viết về các nhân vật nổi tiếng thuộc loại thi nhau đua nở. Nhưng viết như thế nào, bài viết của Nguyễn Trung Lương sau đây là một gợi ý.

 ***

 Trong vài tuần gần đây tên ông Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) được nhắc tới nhiều lần trên báo chí trong nước sau một thời gian dài ngót 50 năm bặt tin trên công luận. Nhiều nhân vật tên tuổi lên tiếng, tưởng nhớ, hết lời ca tụng ông. Cao điểm có lẽ là cuộc Hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh nhật ông (1909-2009) vào ngày 24.12 vừa qua tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Mạnh Tường là ai, chính xác hơn, ông Nguyễn Mạnh Tường nào đây mà sao bỗng nhiên được tuyên dương trân trọng vậy?

Trong lời khai mạc cuộc hội thảo trên, như CAND Online, 25.12.2009, đăng: “GS.TS Nguyễn Viết Thịnh đã khẳng định: Giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một tấm gương sáng về nghị lực học tập và là tài năng trác tuyệt trên con đường nghiên cứu khoa học.” Trước đó trong một loạt bài viết, phỏng vấn, hồi ký (sưu tầm trên trang mạng Viet-studies) các nhân vật Vũ Đình Hòe (04.12.2009), Trần Văn Giàu (07.12.2009), Phí Văn Bái (09.12.09), Trần Thanh Đạm 13.12.2009 và 18.12.2009), Hữu Ngọc (24.12.2009), Phạm Khải (26.12.2009), Nguyễn Lân Dũng (19.01.2010), Nguyễn Đình Chú (18.01.2010) đã ôn lại những kỷ niệm với thầy cũng như bạn đồng ngiệp Nguyễn Mạnh Tường.

 

Cũng là một người lâu nay kính phục ông Nguyễn Mạnh Tường nhưng thiếu hẳn thông tin về ông, nên tôi tò mò lục đọc các tài liệu trên hòng tìm hiểu thêm về con người và sự nghiệp của ông. Thú thực: Tôi hoàn toàn thất vọng; không những thế, thất vọng đến kinh ngạc mà tôi phải nói toạc ra đây: Trí nhớ của các vị đáng phiền quá!

 

 

Ông Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909, 1927 sang Pháp du học, 1936 về nước hành nghề, 1945 theo Việt Minh rồi đi kháng chiến, sau 1954 về sống và hoạt động ở Hà Nội đến khi qua đời năm 1997.

Trong hồi tưởng, các vị nhắc ở trên, đã hoàn toàn nhất trí chỉ nhớ đến những sự kiện trước năm 1956! Từ 1956 đến khi ông Nguyễn Mạnh Tường mất là năm 1997, tức là 41 năm ròng, chẳng có gì đáng nhớ cả!

 

Vả lại, trọng tâm hồi tưởng của các vị này chỉ quanh quẩn vào cái giai thoại mà hầu như ai cũng biết rồi: Ông Tường mới 22 (hay 23) tuổi đầu mà đã đỗ hai bằng tiến sĩ tại một đại học tại Pháp.

 

Tuy nhiên, câu chuyện khoa bảng này hình như đã để lại ấn tượng rất mãnh liệt cho nên các vị cao hứng vẽ long vẽ phượng thêm để phụ họa vào sự kiện kinh dị này: Nào là lưỡng khoa tiến sĩ vào tuổi 22, 23 là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa bảng Pháp quốc; nào là ông Tường giảng bài không cần giấy tờ, nói thao thao bất tuyệt; nào là ông viết tiếng Pháp giỏi hơn cả người Pháp, vân vân… 

Sự nghiệp của ông Nguyễn Mạnh Tường chỉ là những chuyện linh tinh thế thôi hay sao!

Thực tình, ông Nguyễn Mạnh Tường là người tôi rất kính phục, nhưng kính phục không vì hai luận án tiến sĩ ông trình tại đại học Pháp, mà là vì một bản luận văn (chỉ dài cỡ 18 trang thôi) ông trình tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956.

 Vốn là vào những tháng cuối năm 1956 tại miền Bắc sau khi cuộc Cải cách Ruộng đất đã đưa đến những hậu quả trầm trọng cho chế độ, nhà nước chuyên chính tăng cường trấn áp để phòng ngừa phản ứng khả dĩ của quần chúng gây nên một không khí chính trị, xã hội căng thẳng tột đỉnh mà một người như tôi đây, một thằng học trò 15 tuổi trường phổ thông cấp ba Hà Nội cũng phải cảm thấu tận xương tận tủy. Đâu đâu cũng có kẻ thù đang sẵn sàng phá hoại, ở mọi góc đường cũng như trong bản thân, ngày đêm kiểm thảo, tự kiểm thảo. Cảnh giác đối với kẻ thù nhanh chóng được kích động biến thành trò chơi chỉ điểm lập công không trừ bạn bè, họ hàng, người đồng nghiệp. Cuộc sống trở nên nghẹt thở, không còn một tấc đất để cựa quậy.

 Vậy mà, trong một không khí đại khủng bố như thế đã có vài người, có thể đếm trên đầu ngón tay trong số hơn 20 triệu dân miền Bắc, đã dám thẳng người đứng lên phê phán sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đương đầu với bạo quyền. Ông Nguyễn Mạnh Tường thuộc vào số người quả cảm ít ỏi đó.

 Với bài tham luận “Qua sai lầm trong Cải cách Ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh lãnh đạo” trình tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc nhắc đến ở trên  ông Nguyễn Mạnh Tường đã cùng với các ông Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, mặc dù không cùng ý tưởng, và nhiều văn nghệ sĩ khác trong Phong trào Nhân văn-Giai phẩm bước ra trước công luận đòi thực hiện quyền tự do dân chủ, vạch ra cho chúng tôi một sự lựa chọn mới lạ: thực hiện quyền tự do dân chủ hay thực hiện quyền lợi của Đảng, mở đường sáng sủa cho chúng tôi suy nghĩ về những điều mà trước đó, họa may, chỉ mới dám trộm nghĩ thôi. Họ đã trở thành những người tiền phong trong cuộc đấu tranh chống bạo lực mà đến nay vẫn còn tiếp tục.

 

 Trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ toàn trị (phát-xít cũng như cộng sản), trong giờ phút thách thức trí tuệ toàn cầu của thế kỷ thứ 20, ông Nguyễn Mạnh Tường đã tỏ ra là người kế tục truyền thống của những kẻ sĩ khí phách cũng như là hiện thân của một trí thức hiện đại đúng nghĩa. Ông từ chối đóng vai một kẻ khoa bảng tầm thường, toại nguyện với hai mảnh bằng tiến sĩ của mình.

 Nguyễn tiên sinh đã phải trả một giá rất đắt bởi tư cách cương trực của mình. Vào tuổi giữa 40, bình thường là trạc tuổi đầy sức hoạt động sáng tạo ông đã bị đày ra khỏi trường đại học nơi ông đang giảng dạy sau khi bị đấu tố trước đồng nghiệp và học trò của mình! Cho đến ngày ông qua đời (1997) người trí thức xông pha Nguyễn Mạnh Tường đã phải sống cô lập với công luận. 

Nguyễn tiên sinh đã trải qua những ngày tháng đánh dấu bước ngoặt sâu đậm trong đời mình như thế nào? Trong hồi ký Kẻ bị mất phép thông công – Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (trang mạng Viet-studies, 16.12.2009) ông nhớ lại:

Dưới chân cái bục giảng, nơi mà tôi đã qua những giờ phút đẹp nhất trong đời, nay cũng nơi ấy tôi lại phải chịu những khoảnh khắc tệ hại nhất trong cuộc đời của tôi. Thật vậy, tôi hiểu ra là chuyện được xếp đặt không chỉ để trừng phạt tôi, à quên, xin lỗi là để “giáo dục” tôi, nhưng tất cả là để làm bẽ mặt và hạ nhục tôi bằng hai cách: buộc tôi đứng với tư cách của một kẻ tội phạm, phía dưới bục giảng nơi mà tôi thường đứng đó trong những ngày huy hoàng và buộc tôi phải nghe những lời thoá mạ thậm tệ và những công kích kịch liệt, không phải từ những đồng nghiệp của tôi như trong trường hợp xử tôi ở Mặt Trận, mà từ những khuôn mặt trẻ mới không biết từ đâu đến và có vẻ là sinh viên hay đã từng là trong đám sinh viên của tôi.

… Những tra tấn nhục nhã mà tôi phải gánh chịu không chút nào ít hơn những tra tấn nhục nhã mà những địa chủ bị đoạ đầy trước khi bị giết chết.

… Tôi không nhớ, và cũng chẳng muốn nhớ, tên và nét mặt của những thằng nhãi ranh, kẻ nhận lệnh và được điều khiển bởi kẻ cầm quyền, ném những lời tấn công xúc phạm đến danh dự của tôi, như một người đi đường phải dừng chân cúi xuống để đuổi một con chó đang sủa dưới chân mình.

 Tôi kinh ngạc là nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Nguyễn Mạnh Tường những vị xưng là học trò, là đồng nghiệp của Nguyễn tiên sinh, đã không dành ra nổi một lời một chữ để nhắc đến khí phách của một người thầy, một người đồng nghiệp mà các vị không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại là “rất kính mến”. 

Tôi kinh ngạc trước sự dễ dãi với thực tại lịch sử của các vị mà đại đa số là các nhà khoa học hoạt động trong lãnh vực văn hóa, giáo dục; chẳng phải sự thành khẩn trí tuệ là thước đo người trí thức sao?

 Tôi kinh ngạc về động cơ thúc đẩy người ta tổ chức kỷ niệm lễ kỷ niệm ông Nguyễn Mạnh Tường. Tôi không giải thích nổi. Để tự xoa dịu lương tâm mình chăng, như người ta đã từng truy phong huân chương hạng ba (!) cho triết gia Trần Đức Thảo.

 

Tôi kinh ngạc là chẳng lẽ lịch sử tiến hành trong 30 năm qua với bao nhiêu sự đổi thay lớn lao, trên thế giới cũng như trong nước, đã không để lại một dấu vết trí tuệ nào cả ở các vị khoa bảng này sao!

 

26.12.2009

© 2010 talawas

©2010 Nguyễn Trung Lương

 


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم