VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hiểu thêm về người Việt và sử Việt qua một khía cạnh tâm lý chi phối cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn thế kỷ xvII

 

“Bối cảnh lịch sử VN giai đoạn 1558 đến 1802-- phân tranh và thống nhất“ là tên bài viết công phu và đồ sộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan trên tập san NGHIÊN CỨU HUẾ tập bảy - in ra từ đầu 2000.

 Ở trang 97 của số tập san trên, tôi bất ngờ tìm thấy một đoạn trong lá thư của Chúa Trịnh gửi Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Batavia vào năm 1637:

 

“Một số thú vật mang hình người đã thiết lập một nước ly khai ở biên giới phía nam của chúng tôi và đang dựa vào vị trí phòng thủ vững chắc để chống lại triều đình của nhà Lê ở Thăng Long.

Chúng tôi chưa làm gì với họ vì chúng tôi ngại điều bất ngờ có thể xảy ra ở phía biển.

Vì các ông có ý định thân thiện với chúng tôi, các ông có thể cho chúng tôi 2 hoặc 3 chiếc tàu, hoặc 200 lính thiện xạ, xem như chứng cứ cho thiện ý của các ông.

Những người lính này có thể giúp chúng tôi sử dụng các khẩu đại bác. Thêm vào đó xin vui lòng gửi cho chúng tôi 50 chiến thuyền cùng với số lính tuyển chọn, và những khẩu súng mạnh, và chúng tôi sẽ cử một số lính tin cậy của chúng tôi tới hướng dẫn các chiến thuyền của các ông tới Quảng Nam, xem đó như là sự hỗ trợ từ phía chúng tôi.

Đồng thời đạo quân của chúng tôi sẽ tấn công Thuận Hóa.

(…) Sau khi chiến thắng, chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính của các ông 20.000 tới 30.000 lạng bạc.

Còn về phần mà các ông được hưởng—chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị.

Các ông có thể chọn một số lính để xây dựng và canh gác thành và chúng tôi sẽ truyền lệnh để người dân ở đó làm lao dịch cho các ông. Các ông có thể thu hoạch các sản phẩm trong vùng và gửi một phần cho triều đình chúng tôi, như thế cả hai bên đều được hưởng lợi.

Trời sẽ phạt chúng tôi nếu những kiến nghị trên đây có gì gian dối.”

 

---

 

Tài liệu trên là một gợi ý để hiểu về đời sống xã hội VN và tâm lý người Việt trong mấy thế kỷ gần đây

-- Khi nói về các cuộc chiến tranh trong lịch sử, các bộ chính sử thời nay thường chỉ nhấn mạnh đó là lịch sử chống ngoại xâm. Nhưng xét kỹ thì hóa ra số tháng năm chống ngoại xâm ở  ta có lẽ là không bao nhiêu so với những năm tháng xảy ra nội chiến giữa các tập đoàn thống trị. Lại có những cuộc chống ngoại xâm được châm ngòi từ nội chiến.

-- Những cuộc đấu tranh này hết sức tàn khốc.

Chúng ta đều biết ha ví dụ “kinh điển”

Trong truyện cổ tích Thạch Sanh, sau khi Thạch Sanh chém đầu Mãng xà vương, Lý Thông lấp hang giết Thạch Sanh chứ không thể có chuyện dẫn Thạch Sanh về về báo công với nhà vua để cùng hướng vinh hoa.

Hoặc trong Tấm Cám mẹ con Cám nhất định phải giết Tấm bằng cách cách chặt cây cau mà Tâm đang trèo, cũng như sau này Tấm phải giết Cảm bằng cách xui Cám lấy nước sôi mà tắm.

Tình hình cũng tương tự giữa các tập đoàn quân sự khi tranh giành vai trò thống trị.

Sở dĩ người ta làm thế, vì ở ta, tính chính danh của các tập đoàn thống trị quốc gia thường được xác nhận sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm mặc dù các tập đoàn ấy tiến tới ngôi Vương bằng con đường vô đạo như nhà Trần diệt nhà Lý chẳng hạn.

Lâu dần rồi quen đi, khi giữa các tập đoàn phong kiến có sự tranh đấu sống còn, thì quy luật vẫn là “được làm vua thua làm giặc”

-- Cũng bởi các lý do trên, trong cuộc nội chiến, mọi thủ đoạn đều được vận dụng.

 Để lôi ngoại bang vào cuộc, do đó mà tăng thêm sức mạnh diệt kẻ đối kháng, người ta sẵn sàng dành cho ngoại bang mọi ưu đãi, kể cả những việc suy cho cùng phải coi là bán nước.

Tức không việc gì mà họ không dám làm, không thủ đoạn nào bị chê là dơ bẩn.

Nền độc lập của quốc gia không có gì là thiêng liêng như họ vẫn tuyên bố.

Theo ngôn ngữ hiện đại, cũng có thể bảo có vẻ như lúc ấy đã sớm có một cuộc chiến tranh chính trị, các bên tham chiến đều tự nhận là mình có chính nghĩa và phía bên kia là phi nghĩa và áp đặt cho kẻ thù đủ mọi thứ danh hiệu xấu xa nhất.

Người ta coi kẻ thù không còn là người nữa.

Người ta “đặt kẻ thù ra ngoài vòng pháp luật”

Bằng chứng là mở đầu thư nói trên Chúa Trịnh đã gọi Chúa Nguyễn là “những thú vật mang hình người” mặc dù trước kia Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm là anh em trong nhà.

Nếu bảo rằng lối suy nghĩ này còn chi phối chúng ta trong lịch sử hiện đại tức là nói trong ba thế kỷ từ XVII tới XX ý thức của người Việt về dân tộc vẫn đứng nguyên. Và đâu đã thoát khi bước sang thế kỷ XXI?

 

 

-------------------

Phụ Lục

LUÔN LUÔN TỒN TẠI

NHỮNG DÒNG NƯỚC NGƯỢC

CHỐNG LẠI XU THẾ THÙ GHÉT NHAU KHI CÓ NỘI CHIẾN

*

Trích bài của Lê Bình Ngô

Nội chiến Việt Nam - Trịnh - Nguyễn phân tranh và mưu đồ dòng họ.

trên trang mạng Yêu sử Việt

http://www.yeusuviet.com/2019/04/noi-chien-viet-nam-trinh-nguyen-phan.html

 

 

Trở lại với cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, trong tác phẩm "Nam triều công nghiệp diễn chí" của Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm, tác giả đã mô tả và diễn lại theo lối tiểu thuyết lịch sử một cách công tâm. Điều đáng nói, Nguyễn Khoa Chiêm là bầy tôi nhà Nguyễn, nhưng đã viết đầy đủ những mặt trái, sai lầm của họ Nguyễn ở phương Nam.

 

Cả bao nhiêu năm trời đất trời Đại Việt loạn lạc, tang thương bằng những mưu đồ của các tập đoàn phong kiến, đã đẩy dân tộc ta đến bến bờ tự diệt lẫn nhau. May rằng lúc đó dù là nội chiến, nhưng quân lực và tiềm lực nước ta vẫn còn mạnh, nên Nhà Minh chỉ dám mượn thế Nhà Mạc để bức ép mà không dám dấy binh sang đánh nước ta.

 

 Nhưng may mắn gấp trăm lần hơn khi hận thù dòng tộc đã không kết thúc bằng một cuộc tàn sát đẫm máu khi hoàng đế Gia Long - hậu duệ đầu tiên của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, trở về Thăng Long. Dù rằng sự trả thù tàn bạo nhà Tây Sơn là việc làm không thể chối cãi, nhưng trong việc đối đãi với kẻ thù không đội trời chung của cả một dòng họ, Gia Long đã làm một việc rất chính đáng và cần được ghi nhận



Kết thúc những bài viết về các cuộc nội chiến Việt Nam thời phong kiến, YÊU SỬ VIỆT xin mượn câu nói của người lính Bắc Trịnh nói với người lính Nam Nguyễn:

 Chúng tôi với anh em đều là người với nhau cả, sao nỡ tàn giết nhau thế này. Chỉ vì nhà Chúa đối nghịch, mà anh em ta mới phải giết nhau. Vậy chúng tôi nói anh em, nếu trái phá rơi vào trong thành, ai ở gần thì năm sát xuống đất, ai ở xa mau tìm chỗ trốn cho nhanh, như thế thì không bị sao cả.

 

Khi Tổ quốc phải bước đến bờ vực nội chiến, đó là sự kiện không một người dân nào mong muốn. Nhưng như những cuộc chiến chống ngoại xâm khác, kể cả những cuộc nội chiến có xảy ra, người dân Việt vẫn sẽ chọn đất nước lên trên hết lợi ích của bất kỳ một dòng họ nào.

 

Sự thắng thế của một dòng họ, một tập đoàn quyền lực chỉ mang yếu tố thời kỳ, chỉ trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi tính chính danh không còn và những thủ đoạn chính trị được phơi bày ra hết, cũng như sự vững mạnh của sức mạnh nhân dân đã đến một giai đoạn nhất định, thì những vị anh hùng như Bình Tây đại Nguyên soái Trương Định sẽ xuất hiện và nhận lãnh trọng trích của người nói lên và thi hành ý chí của nhân dân:

 Triều đình Huế không thừa nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

 

Nội chiến sẽ dẫn đến cơ hội cho những cuộc xâm lược ngoại bang. Nội chiến sẽ dẫn đến nỗi đau đất nước chia cắt, anh em cùng một nhà lại tàn sát lẫn nhau. Nội chiến sẽ đẩy lùi sự phát triển của dân tộc, sẽ thiêu rụi tiềm lực quốc gia và chỉ mang lại những mất mát, đau thương, thống khổ cho người dân. Những cuộc nội chiến trong quá khứ chính là những bài học lớn nhất, đau đớn nhưng sâu sắc nhất cho thế hệ hôm nay và tương lai, rằng không có bất cứ điều gì có thể lớn hơn Tổ quốc - Dân tộc và Nhân dân, lợi ích của Quốc gia và Dân tộc phải đặt lên trên lợi ích của dòng tộc đang nắm quyền, phải lấy Dân làm gốc và bất kỳ triều đại nào đi ngược lại những điều ấy, đều sẽ sớm chuốc lấy sự thất bại, sụp đổ và thời điểm xảy ra việc đó, chỉ mang tính thời gian.

 

Sau tất cả những cuộc nội chiến, chỉ có Dân tộc là đau thương nhất, tang thương nhất và cũng khi nội chiến kết thúc, chỉ có Dân tộc là vui mừng nhất, hạnh phúc nhất. Nhưng đừng để nỗi đau chia cắt dân tộc còn kéo dài từ thời kỳ nội chiến đến cả trong thời kỳ hòa bình, đó là điều mà Gia Long đã làm với họ Trịnh.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم