Nguồn
https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/anh-dung?fbclid=IwAR0oEHXwoYSG13fxlEcOlhZPPBMYufx6Stp6fBd8qsCmI44f3pwuObQUvBs
--
Anh Dũng mất đi, không bất ngờ nhưng thật đột ngột. Từ mấy năm nay, sức khỏe của anh suy yếu dần. Bệnh tiểu đường dẫn tới mắt, tim, phổi. Năm 2021, chúng tôi định tổ chức Hội thảo Hè – anh chị em Berlin đã sẵn sàng đăng cai – sau hai năm tạm ngưng vì đại dịch Covid19, nhưng phải quyết định ngưng. Một trong những lý do là sự vắng mặt bất khả kháng của anh Ngô Vĩnh Long và anh Trần Hữu Dũng. Ang Long bị vướng một khóa dạy hè không thể đổi ngày. Anh Dũng không thể kham nổi đường bay Dayton – Berlin với hai chặng ngừng kéo dài nhiều giờ.
Mùa
thu năm ngoái, anh phải nhập viện gắn stent, mạng Viet-Studies
ngưng nửa tháng “vì bận việc”. Cuối tuần qua, anh chuẩn bị vào bệnh viện để
ngày thứ hai 27.02.23, bác sĩ gắn máy trợ tim (pace maker). Cuộc phẫu
thuật thành công, anh về nhà ngay buổi chiều. Tối hôm qua, 28.2., tôi nấn ná
đợi đến nửa đêm (6 giờ chiều, giờ miền Đông Hoa Kỳ) để điện thoại hỏi thăm, thì
được thư điện của chị Phương Mai : “ Anh Trần Hữu Dũng, người chồng tốt
và tri kỷ 50 năm của tôi, đã từ trần đột ngột sáng nay, 2/28/2023, lúc 8:52,
cardiac arrest (...) anh qua đời thật nhanh và bình thản ”.
Cầm tay chị, anh còn nói rõ ý nguyện được hỏa táng và chôn cất ở Bến Tre, bên
mộ bà ngoại mà anh rất yêu thương.
*
Sinh
ngày 30.3.1945, Trần Hữu Dũng lớn lên ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống
Pháp, xa người cha là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đi kháng chiến và tập kết ra Bắc.
Du
học ở Mỹ lần thứ nhất, anh trở về làm việc ở Viện nghiên cứu nguyên tử lực Đà
Lạt, rồi lại qua Mỹ làm luận án tiến sĩ kinh tế học (Syracuse, 1978). Anh là
giáo sư Emeritus trường đại học Wright State University,
Dayton, Ohio, chuyên về kinh tế Đông Á.
Trong
cộng đồng trí thức quốc tế, Trần Hữu Dũng được biết như là một trong ba người
chủ trương và biên tập trang mạng nổi tiêng Arts
& Letter Daily (ALD) hàng ngày cung cấp cho bạn đọc
những bài viết giá trị về văn hóa, văn học và nghệ thuật. ALD, với tiêu
ngữ Veritas odit moras (tiếng Latinh : Chân lý chán
ghét sự trì hoãn), là trang mạng có uy tín, mỗi ngày có hàng vạn người tham
khảo.
Trong
cộng đồng Việt Nam, đặc biệt trong giới trí thức quốc nội, Trần Hữu Dũng được
biết như người chủ biên các trang mạng Hội thảo Mùa Hè, tạp chí Thời Đại Mới, và nhất là mạng Viet-Studies (V-S), với hai
trang Kinh tế Việt Nam và Văn hóa & Giáo Dục. V-S hàng
ngày cung cấp cho bạn đọc khoảng 20 bài báo, bài nghiên cứu, đầu sách... Việt
Nam và quốc tế liên quan chủ yếu tới Việt Nam, với đôi khi, một dòng bình luận
dí dỏm, hơi chút mỉa mai... rất Trần Hữu Dũng. Đó là điều dị ứng
đối với bộ máy kiểm duyệt ở Việt Nam. Nhưng lý do chủ yếu khiến cho V-S thường
xuyên bị tường lửa ngăn chặn là : V-S cung cấp cho bạn đọc những nguồn tin tham
khảo đa dạng, đa nguyên, điều tối kỵ trong một thể chế toàn trị, trấn áp tự do
thông tin và tư tưởng. V-S còn là trang mà độc giả có thể vào đọc những tác giả
và tác phẩm: Nguyễn Ngọc Tư, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Lữ Phương, Trần Hữu
Nghiệp, Nguyễn Trung, Heinz Schütte, Vương Trí Nhàn...
Liên
tục trong hơn hai thập niên, Trần Hữu Dũng tham gia ban tổ chức Hội thảo Mùa
Hè, từ lần đầu (New York, 1998) đến lần chót (Porto, 2019). Anh là người nhận
bài vở tham luận từ bốn phương, là người “hoạt náo” trong các buổi chủ tọa
phiên họp, hay trong những bài tham luận độc đáo.
*
Tôi
gặp anh lần đầu, tôi không nhớ chắc, có lẽ là trong Hội thảo Hè năm 1998 ở
Trường đại học New York. Điều chắc chắn, là, gần như ngay từ đầu, chúng tôi đã
thân thiết nhau.
Cũng
lạ, vì giữa chúng tôi, có nhiều khoảng cách.
Nơi
xuất phát: anh là người Nam Bộ thứ thiệt, tôi Bắc Kỳ di cư thực thụ.
Tuổi
tác: anh thua tôi 5 tuổi (chị Phương Mai vừa cho biết thêm: và 1 ngày, anh Dũng
thường nói).
Nghề
nghiệp: cùng một nghiệp (dạy học) nhưng khác nghề (anh làm kinh tế học, tôi cứ
tạm gọi là làm toán). Địa dư: cách nhau 10 giờ bay...
Vậy
mà chúng tôi gần gụi nhau, mặc dầu hầu như chưa bao giờ tâm sự, hỏi chuyện nhau
về đời riêng. Chưa bao giờ chúng tôi có dịp đến Dayton thăm nhà anh chị, cũng
như chưa bao giờ anh chị đến nhà chúng tôi ở Maisons Alfort, hay Paris. Nhưng
căn phòng làm việc của anh ở nhà đã trở thành quen thuộc với tôi sau một hai
lần liên lạc với nhau qua WhatsApp. Chúng tôi trao đổi với nhau ba mươi năm
qua, chủ yếu qua internet, mỗi lần đôi ba câu ngắn gọn. Trao đổi bất cân bằng,
vì chủ yếu là tôi hỏi xin bài viết này, cuốn sách nọ, trong những tạp chí mà
tôi không mua dài hạn (mà anh, với ngân quỹ ALD, có thể đọc bất cứ tạp chí gì),
hay những cuốn sách mà tôi chỉ muốn đọc một vài phần. Nghề làm báo, quy tắc đạo
đức số 1 là không tiết lộ nguồn tin hay tên tuổi tác giả (nếu tác giả giấu tên
thực). Trong hoàn cảnh Việt Nam, đó không chỉ là đạo lý nghề nghiệp, mà còn
liên quan tới an ninh, thậm chí sinh mạng, của tác giả. Nhưng phải thú thật là
chúng tôi thường xuyên và an tâm vi phạm quy tắc này, vì biết rằng mọi thông
tin như vậy, người nhận được đều xóa ngay và không bao giờ thông báo cho ai
khác. Còn gì trong những trao đổi ngắn ấy? Thi thoảng anh khoe mấy hôm nay
Viet-Studies không bị tường lửa ở Việt Nam. Tất nhiên là chỉ tạm thời, mấy ngày
sau, vẫn chứng nào tật ấy. Chúng tôi không đủ số liệu để so sánh, nhưng vẫn đeo
đuổi một cuộc chạy đua : Viet-Studies hay Diễn Đàn (mà
anh cũng là biên tập viên), tờ nào bị tường lửa nặng nhất ? Diễn Đàn còn
bị tường lửa ở Trung Quốc nữa, nhiều bạn đọc cho biết rõ. Còn anh, hình như vẫn
ấm ức vì chưa có tin cụ thể về số phận ở Trung Quốc của Viet-Studies!
Anh Dũng mất đi, tôi hẫng hụt, như
bạn bè anh trên thế giới. Riêng tôi, còn vì một lý do cụ thể: hàng ngày, để
chọn 5-6 bài cho mục Thấy Trên Mạng,
tôi đọc chừng 20-30 bài, nhưng trước hết là chọn trong 10-20 bài mà anh nối kết
trên V-S. Anh Dũng có một sức đọc xuất chúng, một phần cũng nhờ một đặc chất
“trời cho” : mỗi ngày anh chỉ ngủ 3-4 giờ.
*
Hôm
nay, mồng một tháng 3-2023, ở Hà Nội, gia đình và bạn bè tiễn đưa nhà thơ Dương
Tường về cõi vĩnh hằng. Mấy ngày trước, Trần Hữu Dũng đã đưa tấm hình lên trang
mạng FB của anh.
Hôm nay, ở Dayton, các cháu ở
California đã về bên chị Phương Mai để chuẩn bị ngày tiễn đưa anh Dũng. Chúng
tôi, người Tokyo, người Hà Nội, Vũng Tàu, New York, Genève, Praha, Porto... chúng
tôi ở bên chị, trong tâm tưởng, và mãi mãi trong ký ức.
Paris,
1.3.2023