Tôi chép lại bài viết này từ một trang Facebook mà tôi sơ ý không ghi rõ danh tính.
Theo tôi từ bài viết toát lên một ý tưởng rất cần cho chúng ta
hôm nay: trong cảnh bế tắc, chỉ có giáo dục mới cứu vãn được con người.
Cố nhiên đó phải là một nền giáo dục chân chính vừa chuyên sâu
về kiến thức vừa biết tìm tới cái nhân bản. Hơn nữa nền giáo dục đó lại phải là
thành quả chung của nhân loại chứ không thể bó lại trong hạn chế từng dân tộc.
Bạn có thể trách tôi là suy diễn quá, tôi xin chịu.
Nhưng đây là bài viết nên đọc tuy hơi dài.
--
Dưới đây là mấy câu dẫn
của trang Fb tôi tìm thấy bài của Trần Trọng Vũ.
Nguyễn Mạnh Tường (1909 –
1997) là luật sư nổi tiếng, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Năm
23 tuổi (1932) ông đỗ liên tiếp hai bằng Tiến sĩ tại Pháp. Năm 1954, ông về Hà
Nội, được cử làm Giám đốc Đại học Luật, Phó Giám đốc Đại học Sư Phạm, và được
bầu làm Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội.
Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông chỉ lo nghiên cứu văn học nước
ngoài.
- Hoạ sĩ Trần Trọng Vũ (1964), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1982–1987), École des Beaux-Arts, Paris (1989–1992). Trần Trọng Vũ là con trai út của nhà văn Trần Dần (1926-1997), được đánh giá là một trong những họa sỹ đương đại tài năng ở Châu Âu, được trao giải Pollock-Krasner 2011-2012, New York (Mỹ). Hiện đang sinh sống, làm việc tại Paris.
***
Một ngày năm 1982, khi tôi chuẩn bị vào học đại học Mỹ Thuật, bố tôi bảo: “Làm họa sĩ, mày phải học tiếng Pháp”. Tôi không mừng rỡ, cũng không băn khoăn gì nhiều với quyết định này.
Tiếng Pháp và nước Pháp lúc bấy giờ là hai khái niệm vô cùng xa
vời. Giống như có thể và không thể, như hiện thực và hư cấu. Như viễn cảnh và
viễn tưởng. Nhiều năm trước, anh trai tôi, và hầu như tất cả con cái của những
bạn bè nghệ sĩ của bố tôi, đều đã theo học tiếng Pháp ở nhà luật sư và giáo sư Nguyễn Mạnh Tường.
Tiếng Pháp với họ có lẽ chính là phần tiếp nối cho giấc mơ dang
dở của các bậc cha mẹ. Giấc mơ ấy, đứt đoạn ngay từ trường phổ thông, bởi vì ở
trường phổ thông tiếng Nga đã ồ ạt chiếm chỗ của mọi ngoại ngữ khác và đã trở
thành môn học bắt buộc cho bất cứ ai.
Anh trai tôi tiếng Nga chưa thạo bao giờ, sau vài năm tiếng Pháp
đã đủ sức dịch lại các bài hát Pháp, khiến tôi khâm phục không ít.
Vậy là vào một buổi sáng khi tôi 18 tuổi, một người bạn của bố
tôi đã đưa tôi đến gặp giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Ông tiếp chúng tôi trong phòng
khách ở tầng trệt, cũng là nơi ông dạy học. Phòng khách rất ít ánh sáng trời và
hầu như lúc nào cũng phải thắp đèn điện, khi không có điện thì thắp đèn dầu.
Ông hỏi tôi: “Bố cháu sức khỏe thế nào?”. Tôi hiểu rằng bố tôi và ông đã không
gặp nhau từ lâu: bố tôi mang bệnh nhiều năm rồi, đi lại rất khó khăn. Ông cũng
nói: “Cháu học tiếng Pháp, bác không lấy tiền học của cháu”, như một điều kiện
ngoại lệ.
Hôm ấy, tôi không thể không kinh ngạc trước một nhân vật đã 73
tuổi mà nhanh nhẹn, khỏe mạnh, giản dị và cực kỳ minh mẫn.
Những buổi học sau đó diễn ra vào các buổi chiều muộn. Mỗi tuần
một lần, cứ sau giờ học ở trường Mỹ Thuật tôi lại lững thững đạp xe đến phố
Tăng Bạt Hổ. Buổi học đầu tiên, chúng tôi trên dưới 10 học trò, ngồi vòng tròn
quanh chiếc bàn lớn, cùng chép lại chiếc bảng đen đầy chữ viết li ti và cẩn
thận, bằng phấn trắng. Chúng tôi không có giáo trình, không bao giờ theo giáo
trình.
Buổi học đầu tiên chúng tôi không học nói “Chào anh, chào chị”, “Anh có khỏe không? Anh từ đâu đến? Tên anh là gì?”. Mà trực tiếp tấn công vào động từ LÀ, cùng nhiều ngữ cảnh của nó, để LÀ trở nên KHÔNG LÀ, và dĩ nhiên với không ít ngỡ ngàng.
Vậy là, sau buổi học đầu tiên, khám phá quan trọng với tôi lại
chính là tiếng Việt. Bởi vì ở trường phổ thông chưa một lần các giáo viên ngữ
pháp dạy tôi rằng LÀ và CÓ là những động từ, như biết bao những ăn, ngủ, nói
năng, hoạt động đi lại khác.
Cũng trong buổi học đầu tiên ấy chúng tôi đã phải ghép lại những từ vựng tìm thấy trên bảng đen, để giải thích vì sao người Việt Nam lại xanh xao như thế, bé nhỏ như thế.
Những buổi học sau đó đều đều tiếp diễn, với số lượng học trò
không ổn định, nhưng tôi cũng bắt đầu quen thân với một số ở trong lớp. Họ làm
đủ ngành nghề, thuộc mọi lứa tuổi. Họ là những học trò trung thành và chăm chỉ
nhất. Họ đến rồi đi, rồi quay lại. Các lớp học cũng vậy, khi thì chiều chủ nhật
khi thì các thứ năm hoặc các thứ ba.
Năm tháng trôi đi, có lẽ Nguyễn Mạnh Tường là người đã thấy
chúng tôi lớn lên, già đi, trưởng thành hơn. Nhưng điều kỳ lạ hơn cả, là ông
không hề thay đổi. Cứ chiều đến ông lại ra sân vận động chơi tennis, trước khi
trở lại công việc. Khi chúng tôi đến lớp bao giờ trên bảng đen ông cũng đã viết
sẵn rất cẩn thận những từ vựng cùng mẫu câu mới. Bao giờ ông cũng vào lớp đúng
giờ và thường xuyên con mèo lông xám, nhiều tuổi và ít lời, lại đến nằm gọn
trong lòng ông, cũng rất đúng giờ.
Đám học trò của ông có thể chia thành hai nhóm. Một là dân tiếng
Pháp chuyên nghiệp, đã hoặc đang theo học các trường ngoại ngữ, hoặc đang đi
làm cho các báo tiếng Pháp, hoặc cho sứ quán Pháp ở Hà Nội. Còn một nữa, là lũ
nghiệp dư chúng tôi. Trình độ như vậy rất chênh lệch, nhưng tất cả đều có thể
thu về cho mình những gì cần thiết và phù hợp.
Chúng tôi học tiếng Pháp, nhưng không chỉ một mình tiếng Pháp.
Mỗi khi học thêm một từ vựng chúng tôi cũng làm quen với nguồn
gốc của nó, với tiếng La-tinh, và các họ hàng của nó trong tiếng Hy-lạp, rồi
tiếng Ý.
Mỗi buổi học chúng tôi cũng được nghe giảng xung quanh những chủ đề khác nhau, về lịch sử, về văn hóa, và nghệ thuật. Nhiều chủ đề được kéo dài hàng tuần lễ. Ông giảng cho chúng tôi về nền văn minh Địa Trung Hải, về những cuộc đại chiến, về quân đồng minh, về sự ra đời của L’ONU…
Ông cũng đưa chúng tôi trở lại thực trạng Việt Nam, để cùng
chuyện trò về lịch sử, về xã hội, về con người đương thời và đạo đức của họ, về
những sự kiện thời sự buồn tẻ chứ không nhiều hổ lốn như bây giờ.
Tất cả học trò của ông có lẽ sẽ không quên được những bài giảng
về cuộc Cách mạng Pháp, về lời tuyên thệ quyền con người và quyền công dân đã
có ở bên Pháp từ thế kỷ 18. Những từ vựng ấy người đương thời chỉ có thể thì
thào với nhau nơi vắng người. Những kiến thức ấy không thể lấy được từ nền giáo
dục chính thống lúc bấy giờ.
Sau những buổi học như vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là viết lại
những gì đã thu nhận được trên lớp, để ở buổi học tiếp theo ông sẽ đọc và sửa
lỗi chính tả, và dĩ nhiên không chỉ lỗi chính tả.
CON NGƯỜI VÀ HAI VÔ CỰC
Những năm cuối đại học Mỹ Thuật, tôi và nhiều bạn bè không ít lần loay hoay trong những câu hỏi tưởng vô nghĩa mà lại giàu ý nghĩa. Chúng tôi là cái gì? Làm nghệ thuật để làm gì? Cuộc sống khốn khó khiến những họa sĩ tương lai hoài nghi ngay cả bản thân cùng con đường mà họ sẽ bắt đầu.
Tôi tiếp tục đến lớp tiếng Pháp. Mỗi tuần lại một lần, khi buổi chiều chuẩn bị kết thúc, tôi lại đạp xe chầm chậm qua nhiều phố vắng. Rồi men theo hồ Ha-le, rồi lại vào nhiều phố vắng. Trong đầu vương vấn những câu tiếng Pháp chưa thuộc. Tôi học ngoại ngữ cả trong lúc đi.
Khi tan lớp học, thành phố đã lên đèn nếu như không bị cắt điện. Tôi lại đạp xe men theo bóng tối của Hà Nội. Tôi quay về những phố vắng. Trong đầu lại vương vấn một số từ vựng mới chưa quen. Tôi về nhà. Tuần lễ nào cũng một lần với một mớ tiếng Pháp. Nhưng nước Pháp vẫn xa vời, chưa bao giờ tôi nghĩ tới.
Thời gian ấy khi Nguyễn Mạnh Tường đã gần 80 tuổi, ông đề nghị lớp học làm việc về Blaise Pascal, một tác giả Pháp của thế kỷ 17. Ông này là nhà toán học, vật lý học, nhà phát minh, ông cũng là triết gia, còn rất xa lạ với người Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu bằng tiểu sử của ông, cùng một tai nạn kỳ lạ trên cầu Neuilly đã khiến ông cống hiến toàn bộ những công việc cuối cho triết học và tôn giáo.
Những giờ học đặc biết ấy
thực sự cuốn hút, nhất là khi Nguyễn Mạnh Tường đọc và giải thích cho cả lớp
nghe nhiều trích đoạn từ cuốn “Pensées”. Tôi rất muốn ghi lại một số đoạn ở
đây, bởi vì những năm sau đó tôi còn sử dụng lại chúng để lý giải nhiều sự việc
quanh mình.
Đấy là khi Pascal viết rằng con người, là một loài lau sậy yếu
đuối nhất trong thiên nhiên, nhưng loài lau sậy ấy biết suy nghĩ. Và rồi, cái
vĩ đại của con người thực sự vĩ đại ở chỗ anh ta tự biết mình khốn cùng. Trái
lại, cây cỏ không tự biết nó thế nào nên sẽ phải vĩnh viễn khốn cùng.
Ở một chỗ khác, Pascal cũng viết rằng con người ấy, thực sự bé
nhỏ, đến mức hoàn toàn có thể biến mất trong vương quốc nơi anh sống. Vương
quốc cũng vô cùng bé nhỏ trên trái đất. Trái đất cũng vậy, một dấu chấm khiêm
nhường trong vũ trụ.
Đấy là những gì có thể được nhìn thấy. Nhưng khi ở bên ngoài mọi khả năng thị giác, vũ trụ vẫn còn tiếp tục mở rộng, bởi trí tưởng tượng. Chỗ nào cũng có thể là tâm điểm, mà chẳng có nổi ở đâu một chu vi của vũ trụ. Con người vì vậy nhỏ bé lắm, đến mức chẳng là cái gì cả, trong vô tận.
Nhưng con người ấy cũng vô cùng khổng lồ, bởi vì trong mỗi thân
thể có muôn vàn những bộ phận tí xíu, trong mỗi bộ phận có những mạch máu,
trong mạch máu có máu, trong máu có những giọt máu, trong giọt máu có hơi nước,
rồi tất cả còn tiếp tục được phân chia thành những phần nhỏ nữa, rồi vô cùng
nhỏ, đến khi trí tưởng tượng mệt nhoài, đến vô tận.
Con người vì vậy cũng là
tất cả, đối diện với cái không là gì cả.
Vị trí của con người do đó phải nằm giữa hai vô cực, giữa cái vô cùng lớn và cái vô cùng nhỏ, giữa Không và Có. Con người chỉ có thể là trung tâm của vũ trụ.
Tư tưởng của Pascal như vậy gặp lại nền văn minh Hy-lạp, và chủ
nghĩa nhân văn của thời kỳ phục hưng ở châu Âu. Con người được đề cao, thông
qua những vẻ đẹp hoàn toàn thị giác, của cơ thể, của khuôn mặt.
Quan niệm này hoàn toàn xa lạ với chúng tôi, những học trò đến
từ một nền giáo dục không đầy đủ. Thời bấy giờ chúng tôi chỉ được trang bị bởi
trường học những định nghĩa không về nhân văn, mà về con người mới của xã hội
mà chúng tôi đang sống.
Con người trong xã hội Việt Nam thường xuyên đứng sau những ngôn
từ như đạo đức, bổn phận, sự trung thành… Con người ở Việt Nam đã nhỏ bé sẽ
phải mãi mãi nhỏ bé, đã vĩ đại sẽ muôn đời vĩ đại. Tôi chưa bao giờ được học
trên ghế trường phổ thông, rằng con người vừa nhỏ bé đến mức sẵng sàng biến
mất, vừa vĩ đại có thể so sánh với vũ trụ. Rằng cuộc sống cũng vừa ý nghĩa, vừa
hư không.
Những bài tiếng Pháp ở lớp Nguyễn Mạnh Tường vô tình mà tiếp nối một cách hết sức tình cờ vào những băn khoăn của lũ nghệ sĩ nhiều lý sự của trường Mỹ Thuật. Vậy đấy, chúng tôi chẳng là cái gì cả, nhưng chúng tôi cũng là tất cả.
LỚP GIẢNG VĂN
Rất lâu sau này tôi hiểu thêm một điều, rằng Pascal là một phần
quan trọng trong chương trình giảng dạy cho học sinh trường phổ thông Pháp.
Những bài giảng này có thế đã đưa người thầy của chúng tôi về tuổi trẻ của ông.
Những tư tưởng nhân văn mà ông đã truyền thụ cho chúng tôi có thể nhắc lại với
ông phần nào cả một quá khứ nhân văn mà ông đã sống, mà vì nó ông đã mất đi tất
cả: chức vụ, sự sùng ái của chính quyền, việc làm. Để về dạy tiếng Pháp tại
gia.
Vậy là tất cả chúng tôi chuyển sang lớp giảng văn. Lớp học vẫn
trộn lẫn hai nhóm học trò: những dân tiếng Pháp chuyên nghiệp và lũ nghiệp dư
viết giỏi hơn nói. Vẫn một tuần một buổi.
Toàn bộ năm học cuối của tôi được tập trung xung quanh văn học
Pháp thời Trung cổ. Dĩ nhiên không chỉ có văn học, bởi vì không thể bỏ qua
những bối cảnh lịch sử, không thể không tham khảo sự hình thành của tiếng Pháp,
và nhất là phải được trang bị một phương pháp nào đấy khi bình giảng văn học.
Những bình giảng văn học trong lớp tiếng Pháp cũng dĩ nhiên không thể chia sẻ gì với môn trích giảng văn học mà chúng tôi đã học ở trường phổ thông. Mà theo tôi, khoảng cách lớn nhất của chúng là hai phương pháp bình giảng. Một làm việc trên cách thức diễn đạt của ngôn ngữ và đối chiếu những tình huống đặt ra trong câu chuyện với hoàn cảnh xã hội cùng lịch sử. Một đưa văn học vào bên dưới những tiêu chuẩn và ý tưởng cao đẹp, thường xuyên không liên quan gì đến văn học.
Lớp giảng văn, vì vậy cũng là nơi để người thầy của chúng tôi đối thoại với tuổi trẻ và ký ức của ông. Nhưng trên hết, để ông kể với chúng tôi rằng đã có một cách đối xử hoàn toàn khác, của người đọc với văn học, của người đương thời với văn hóa và cả với lịch sử nữa.
NƯỚC PHÁP
Năm ấy là 1989. Tôi nhận học bổng du học ở Pháp. Nếu như tôi
thường xuyên vương vấn với tiếng Pháp, trong 7 năm dài, thì đây là lần đầu tiên
tôi nghĩ tới nước Pháp. Nhưng chỉ vậy thôi bởi vì tôi vẫn cho rằng tất cả chỉ
là viễn tưởng. Ngay cả khi tôi đã cầm hộ chiếu và vé máy bay trong tay.
Ông Nguyễn Mạnh Tường cũng tạm thời nghỉ dạy, bởi vì ông chuẩn
bị một chuyến đi mang tính chất gia đình, cho nước Pháp, sau hơn nửa thế kỷ xa
cách.
Ông bảo tôi: “Cháu cho bác ngày bay, để bác đặt vé đi cùng cháu. Bác không có ai đón ở sân bay cả”. Những ngày cuối thật bận rộn. Tôi hẹn ông ở sân bay Nội Bài.
Đến ngày khởi hành, chuyến đi của tôi bị dừng lại, vài giờ trước khi ra sân bay, bởi một cú điện thoại từ đâu đấy về ban giám hiệu trường mỹ thuật nơi tôi làm việc. Đúng như linh cảm của tôi về một nước Pháp viễn tưởng. Giống hệt. Nhưng tác hại kinh khủng của nó còn kinh khủng gấp bội lần cuộc du học thất bại của tôi ở một nước Đông Âu, sáu năm trước, khi tôi cũng đã một lần nhận học bổng, sau khi đã học xong năm thứ nhất ở trường đại học mỹ thuật.
Rất nhiều phiền phức sau đó xảy đến với tôi, cùng những chạy vạy, những cuộc phỏng vấn nơi các cơ quan nhiều thẩm quyền, những hy vọng và thất vọng. Hai tháng sau, tôi nhận quyết định được phép du học lần thứ hai.
Nhưng để tới được nước Pháp tôi còn phải làm một vòng rộng lớn quanh Đông Âu bởi vì phòng vé hãng hàng không trả lời rằng trong vòng 12 tháng tới mọi chuyến bay đến vùng tư bản đều không còn chỗ. Vậy là sau 10 ngày lang thang không khách sạn trên những sân bay buồn ngủ và xa lạ, cuối cùng tôi cũng đến được nước Pháp.
Ông Nguyễn Mạnh Tường lúc ấy vẫn còn ở Paris. Ông kể với tôi
rằng ông đã tìm tôi ở sân bay Nội Bài. Ông đã tìm tôi trong máy bay. Chỉ lúc
máy bay cất cánh ông mới hiểu rằng một chuyện không hay đã xảy đến với tôi. Ông
cũng kể rằng một người bạn tôi đã đến chờ tôi ở sân bay Roissy, đã không thấy
tôi, nhưng đã nhận ra ông một mình với đống đồ đạc. Người bạn ấy của tôi đã đưa
ông về Paris.
Paris tháng 1 năm 2014,
Trần Trọng Vũ
Nguồn: FB Tran Minh Hop