VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một phần công việc quan lại và di dân người Hán đã làm khi hình thành nên xứ Việt

 

Nguyên là bài

BÁCH VIỆT LÀ GÌ

 

https://boxhoidap.com/bach-viet-la-gi

 Tác giả Le Minh Khai

Lê Minh Khai là bút danh viết blog SEAsian History của Liam Christopher Kelley, giáo sư Khoa sử, Đại học Hawaii tại Manoa.

Người dịch: Hà Hữu Nga

--

Khi đưa lại bài này ở đây chúng tôi xin mạn phép tác giả cắt bớt một số câu không cần thiết và tách một số câu quá dài thành nhiều câu nhỏ cho dễ theo dõi.

Bạn đọc có thể đọc nguyên bản để kiểm tra lại

--

 Vài tháng trước một bạn đọc đề nghị tôi đáp lại một bài viết [1] có một luận điểm đã được nhấn đi nhấn lại nhiều lần, cho rằng người Việt là nhóm người cuối cùng của “Bách Việt” và họ đã thoát khỏi bị Hán hóa bằng cách di chuyển về phương nam và giữ vững độc lập của mình.

 

 Tác giả của bài viết cho rằng người Việt luôn ý thức mình là Việt qua nhiều thế kỷ và họ duy trì được di sản văn hóa Bách Việt, mặc dù tác giả không hề giải thích rõ ràng cái gì tạo dựng nên di sản văn hóa đó.

 

 Tôi đã bắt đầu viết một bài trả lời [2] bằng cách chỉ ra rằng chúng ta không có bằng chứng về việc là bất cứ nhóm người nào mà người “Trung Quốc” dán nhãn Bách Việt/Yue trong thiên niên kỷ đầu tiên trước công nguyên cũng thực sự tự coi mình là “Việt/Yue” (có lẽ với một trường hợp ngoại lệ là nhóm tinh hoa Nam Việt).

 

 Cái mà chúng ta có bằng chứng là trong nhiều thế kỷ từ cuối giai đoạn TCN đến khoảng 1000 năm SCN có những nhân vật tinh hoa Hán hóa (Triệu Đà, Lý Bí, Lâm Sĩ Hoằng [林士弘], Phùng Áng [馮盎]…v.v) đã sử dụng khái niệm Việt/Yue để gọi tên các chính thể mà họ thành lập.

 

 Có phải điều đó có nghĩa là họ đặt tên vương quốc của mình theo tên nhóm người sống ở đó? Chúng ta không có bằng chứng về điều này. Có vẻ như họ chỉ đơn giản sử dụng một cái tên có tính văn chương gắn liền với vùng đó của thế giới.

 

 Một trong những nguyên do tại sao cái tên Việt hình như không thuộc về một nhóm người hoặc một “ý thức”, một “di sản văn hóa” trong thiên niên kỷ đầu tiên SCN là ở chỗ chúng ta không có bằng chứng về một văn hóa mà cả những người bình dân và nhóm tinh hoa đều chia sẻ.  

 

 Đây là vấn đề mà nhiều sử gia đã thừa nhận. Chẳng hạn, trong những năm 1960, sử gia Nguyễn Phương đã cho rằng Việt là Hán di cư đến vùng châu thổ sông Hồng vào thiên niên kỷ đầu SCN [4] và đã thế chỗ các cư dân sớm hơn ở đó.

 

Ý tưởng cho rằng có một số lớn di dân đã làm thay đổi cơ bản văn hóa châu thổ sông Hồng đã không được các bằng chứng sử học và khảo cổ học ủng hộ. Tuy nhiên, trong thực tế không cần phải có một dân số lớn mới làm thay đổi đáng kể văn hóa và ngôn ngữ.

 

 Để hiểu được điều này, chúng ta cần suy nghĩ về hai bài viết mà tôi đã đề cập trong blog này: một bài viết về bài của Richard A. O’Conner [5], và bài khác viết về bài của John Phan [6]

 

 Như tôi đã viết trước đây, John Phan cho rằng ngôn ngữ Việt Nam được tạo ra khi một số người nói phương ngữ Trung Quốc chuyển sang nói một ngôn ngữ địa phương (giống như người Normans ở Anh vậy) ở một nơi nào đó vào thế kỷ IX – X,

 

 còn Richard O’Conner thì cho rằng những người như người “Việt” hình thành thông qua sự tham gia vào nền nông nghiệp lúa nước.

 

 Đặc biệt ông còn cho rằng những người thuộc các tộc người khác nhau dần dần hình thành một “nhóm tộc người” riêng biệt khi họ bắt đầu theo cùng các loại nghi lễ và giao tiếp với các quan chức (khi sử dụng ngôn ngữ “mới” mà John Phan đã xác định) là những người quản lý nguồn nước, thu thuế, …v.v.

 

Điều mà tôi thấy là đây. Thay vì có một nhóm “Bách Việt” “sống sót”, có các thành viên của nhóm tinh hoa (tức quan lại và di dân người Hán – VTN chú) thuộc khu vực mà ngày nay gọi là nam Trung Quốc và bắc Việt Nam bắt đầu tạo thành các quyển ảnh hưởng riêng của họ và bắt đầu tạo ra một ý thức địa phương cho bản thân họ.

 

Họ không thực hiện điều đó bằng cách đồng nhất hóa với những người địa phương. Thực ra họ có ý coi nhiều nhóm người xung quanh là “man di”.

 

 Thay vào đó, họ sử dụng một số thông tin tồn tại trong các văn liệu (chẳng hạn các ghi chép về nước Nam Việt của Triệu Đà) để tạo ra các tước vị cho các chính thể địa phương và để kết nối các lĩnh địa mới của họ với nguồn thông tin trong các văn bản cổ.  

 

Họ có thể làm được như vậy vì các nhóm tinh hoa trên khắp vùng này đều có chung một văn hóa tinh hoa.

 

 Nhóm tinh hoa này đều có chung các tương đồng văn hóa với nhau hơn là với những người mà họ cai trị.

 

Không phải là nhóm tinh hoa ở bất cứ nơi nào thuộc các vùng này cũng đều đồng nhất về phương diện tộc thuộc.

 

 Nếu Lý Công Uẩn thực sự là người Phúc Kiến, thì có lẽ không phải là tất cả mọi người trong cung đình của ông đều giống ông về phương diện tộc thuộc.

 

 Cái đã thống nhất nhóm tinh hoa thống trị lại chính là họ có chung một văn hóa, và họ giao tiếp bằng một ngôn ngữ chung (rõ ràng là một ngôn ngữ thứ hai đối với một số người).

 

 Và nếu John Phan đúng thì ngôn ngữ được nhóm tinh hoa vùng châu thổ sông Hồng sử dụng trong thời Lý Công Uẩn nắm quyền vẫn còn là một ngôn ngữ hoàn toàn mới.

 

 

 Ngôn ngữ này được hình thành khi những người nói phương ngữ Trung Quốc “chuyển hướng” sang nói một ngôn ngữ địa phương; trong quá trình đó họ đã đem đến nhiều từ vựng mới và ngữ pháp mới.

 

Chắc chắn không có gì quá khó khăn đối với những người Hán từ Phúc Kiến đến muốn học ngôn ngữ đó, bởi nó có nhiều từ chung với ngôn ngữ riêng của họ.

 

 

Cùng với thời gian, toàn bộ những điều đó đều thay đổi khi văn hóa tinh hoa này dần dần phổ biến đến người bình dân (tức người bản địa - VTN).

 

 

Điều đó đã diễn ra như thế nào? Một phần thông qua các quá trình mà O’Connor đã đề cập.

 

 

- bằng việc tuân thủ chỉ dẫn của giới tinh hoa trong việc cam kết với nghề nông làm lúa nước, bằng việc thực hành các lễ thức mà nhóm tinh hoa đã thiết lập,

 

 

- bằng việc lắng nghe các tích truyện về các thần linh địa phương mà nhóm tinh hoa tạo ra nhằm đưa các thần này (mà bản thân người địa phương cũng tin tưởng) vào hệ thống quyền uy của mình,

 

- và bằng việc giao tiếp với nhóm tinh hoa bằng ngôn ngữ mới hình thành,

  những người bình dân dần dần thay đổi.

 

Tất nhiên quá trình đó không hoàn toàn là con đường một chiều, nhưng tôi lại cho rằng ảnh hướng của nhóm tinh hoa đối với các nhóm không phải tinh hoa là rất lớn – như các trường hợp đã xảy ra mọi nơi trên toàn thế giới.     

 

 Quá trình này diễn ra trong nhiều thế kỷ, và trong thực tế nó vẫn còn đang tiếp diễn. Ngày nay ở Việt Nam vẫn còn những người đang tiếp tục trở thành người Việt.

 

 Vì vậy điều mà tôi muốn nói là

 

- không phải người Việt là những “người cuối cùng của Bách Việt”, mà thay vào đó họ là những “người đầu tiên của Bách việt”, vì cái văn hóa và ngôn ngữ ngày nay được thừa nhận là “Việt” chỉ bắt đầu hình thành vào gần cuối thiên niên kỷ I SCN,

 

- và thông qua quá trình này mà một nhóm người bắt đầu tự coi mình là “Việt” (chứ không phải là được dán nhãn bởi người bên ngoài bằng cái tên đó, như trường hợp thiên niên kỷ I TCN Bách Việt được đề cập đến trong các nguồn sử liệu thời gian đó), và tự hình dung mình là một nhóm hậu duệ của “Bách Việt”.

 

 Khi tạo ra văn hóa này, nhóm tinh hoa đã sử dụng nguồn thông tin được ghi lại về vùng đó của thế giới trong quá khứ (đó là nguồn của một số thông tin trong các văn bản như Lĩnh Nam Chích quái chẳng hạn)

 

Việc sử dụng tên gọi “Việt”, mãi sau này mới biết, là một trong những thông tin quan trọng nhất của quá khứ mà họ đã khai thác.

 

 Nguồn: The Last or First of the Hundred Việt/Yue?

leminhkhai.wordpress.com/2013/01/13/

 

TÀI LIỆU DẪN

1. Nguyễn Xuân Phước, Bách Việt Trong Lòng Đại Việt, Bài viết được đăng trên trang http://www.anviettoancau.net/anviettc/

2. Le Minh Khai, The Problem of the Term “Việt” In a National History, bài viết được công bố trên trang leminhkhai.wordpress.com/06Sep12 

3. Le Minh Khai, Đông Sơn Headhunters, leminhkhai.wordpress.com/27Nov12 

4. Le Minh Khai, Nguyễn Phương on the Origins of the Vietnamese Nation, Bài viết được công bố trên trang  leminhkhai.wordpress.com/ 08Mar12

5. Richard A. O’Conner 1995. Agricultural Change and Ethnic Succession in Southeast Asian States: A Case for Regional Anthropology, Journal of Asian Studies54.4 (1995): 968-996.

6. John Phan 2010. Re-Imagining ‘Annam’: A New Analysis of Sino-Viet-Muong Linguistic Contact. Chinese Southern Diaspora Studies, Volume 4, 2010 [南方華裔研究雑志第四卷 Nam Phương Hoa duệ Nghiên cứu Tạp chí đệ tứ quyển].

 

  

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم