--
LTG:
Đây là bản chính bài thuyết
trình trong buổi hội thảo về VHMN tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt vào
ngày 6/12/2014. Do giới hạn về thời gian, nhiều chi tiết trong bài viết đã
không được trình bày tại buổi hội thảo; và ngược lại, một số chi tiết được
triền khai khi phát biểu vốn không có trong bài viết.
Đề tài tôi trình bày trong buổi hội thảo hôm nay là “Tính văn học trong văn học miền Nam”.
Chắc có người cho rằng chữ dùng nghe
có vẻ không mấy thích hợp. Và thừa. Đã nói về một nền văn học, sao còn đặt vấn
đề “tính văn học”?
Xin thưa ngay: lý do khiến tôi sử dụng nhóm từ “tính văn học” là vì văn học miền Nam trước đây được nhà cầm quyền nhìn với một nhãn quan chật hẹp và độc đoán. Họ gọi văn học miền Nam là “văn học thực dân mới”, “văn học đồi trụy”, “văn học phản động” hay sau này, gọi một cách nghe lịch sự hơn nhưng có vẻ xách mé, là “văn học đô thị”.[1]
Toàn là những nhóm từ tiêu cực.
Văn học thực dân mới là gì? Là thứ văn học chỉ dành để phục vụ chế độ thực dân. Văn học phản động là gì? Là chống lại đất nước, chống lại dân tộc. Văn học đồi trụy là gì? Là hư hỏng, xấu xa.
Vì thế,
văn học miền Nam được xem là “nọc độc”. Và những người viết lách được gọi là
“những tên biệt kích văn nghệ.” Nghĩa là gì? Nghĩa là phi-văn học. Là một
nghịch đảo với văn học xã hội chủ nghĩa, văn học yêu nước và văn học tiến bộ.
Do cách hiểu hạn chế đó, nhà nước Cộng Sản đã tìm cách tiêu diệt văn học nền
văn học này sau chiến thắng tháng 4/1975.
Cách nhìn văn học miền Nam kể trên
là một hình thức định nghĩa văn học dựa vào lập trường chính trị của đảng Cộng
Sản Việt Nam. Tôi xin được bàn về văn học miền Nam bằng một cái nhìn khác,
chung hơn, “văn học” hơn, nghĩa là rộng rãi hơn, đa dạng hơn và tách ra khỏi
cái nhìn phiến diện, một chiều. Đó là tính cách văn học của một nền văn học.
Văn chương vốn là, nói như Hàn Dũ, “đại phàm vật bất đắc kỳ bình, tắc minh” (vật nào cũng vậy, khi không được bình yên nên kêu).[2] Văn chương là tiếng kêu của con người. Kêu là một cách bày tỏ cảm xúc trước sự vật, trước hoàn cảnh và trước các biến cố nhân sinh. Nó gắn liền vừa với cá nhân, vừa với xã hội và vừa với lịch sử. Nó mở. Văn học hiểu như tổng thế các sáng tác văn chương của các nhà văn, nhà thơ diễn ra trong một giai đoạn hay thời kỳ nào đó, cũng thế, nó mở.
Có thể so sánh văn học với một
khu rừng: rừng có nhiều loại cây khác nhau với tính cách và số phận khác nhau.
Chúng mọc, chúng ra lá, trổ hoa muôn màu muôn vẻ.
Tính văn học, do thế, muôn màu muôn
vẻ. Nó được thể hiện qua những đặc điểm sau:
· Về tác giả: tính tự do, tính khu
biệt giữa tác giả và tác phẩm.
· Về hình thức: tính kế tục, tính
hiện đại và tính đa dạng
· Về nội dung: tính nhân bản, tính
hiện thực và tính bi kịch.
Văn học miền Nam bao gồm tất cả
những đặc điểm trên. Trong phần khai triển sau đây, có một số điểm tôi chỉ nói
sơ qua, vì đó là những điều mà hầu như ai cũng đã rõ trong khi ở một số điểm
khác, tôi sẽ bàn kỹ.
Mặt khác, do đề tài quá rộng, nên
những chi tiết điển hình nêu ra trong bài thuyết trình hầu hết chỉ đề cập đến
phần sáng tác.
Xin được đi từng điểm một.
I. Về tác giả:
1. Viết là một hành vi tự do:
Làm nhà văn, nhà thơ là một chọn lựa
tự do. Không ai bị buộc phải làm nhà văn, nhà thơ; không ai phải học để trở trở
thành nhà văn, nhà thơ. Viết là một hành vi tự đối diện với mình và với công
chúng. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy không có tự do thì không có cảm
hứng để sáng tác, dù nhìn dưới góc độ nào.
Với tư cách là những người viết tự do,
những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã sáng tác không qua một sự chỉ đạo nào. Họ
không ăn lương nhà nước để viết và do đó, không sáng tác chỉ để phục vụ các
nghị quyết chính trị. Miền Nam không có “Hội nhà văn” với tư cách là một thứ
quyền lực tối cao chi phối mọi hoạt động sáng tác. Cũng không có trường viết
văn và làm thơ.
Mỗi nhà văn, nhà thơ hay nhà biên khảo tự chọn
lựa cách viết, chọn lựa xu hướng, lựa đề tài cũng như chọn lựa tạp chí văn học
để cọng tác. Một người có thể viết, xin lấy một ví dụ, vừa cho tạp chí Khởi
Hành (một tạp chí chống Cộng) hay Văn, một tạp chí thuần túy văn
học, nhưng đồng thời vẫn có thể viết cho Trình
Bày hay Đối Diện là những tạp chí
tả khuynh.
Chính vì thế và nhờ thế mà văn đàn
miền Nam luôn luôn sôi động. Nhiều hiện tượng văn học bất ngờ xuất hiện làm
ngạc nhiên văn giới và có trường hợp, làm rúng động cả văn đàn.
Trước chính biến năm 1963 lật đổ chế
độ Ngô Đình Diệm, do chính sách kiểm duyệt khá nghiêm khắc, nên văn giới còn
phần nào dè dặt; nhưng sau năm 1963, toàn xã hội như bùng vỡ. Cùng với những
cuộc đảo chánh, xuống đường đòi hỏi tự do, dân chủ, trên văn đàn, thơ, văn xuất
hiện ồ ạt. Nói chung, hiện tượng đó có cái gì xô bồ, đôi khi đi quá đà, nhưng
mở ra một không gian rộng cho sự sáng tạo văn chương, nghệ thuật.
Do viết là một hành vi tự do, nên
văn học miền Nam, tự bản thân, không nhằm bảo vệ chế độ, lại càng không làm
công cụ cho chế độ nơi nó được nuôi dưỡng. Một cây bút, trong hoàn cảnh và từ
vị thế của mình, nhìn hiện thực xã hội qua những lăng kính khác nhau, không ai
giống ai.
Mai Thảo hồi tưởng về Hà Nội trước
khi di cư vào Nam; Nguyễn Vỹ viết về “Tuấn, chàng trai nước Việt’, một hồi ức
về thanh niên thời thuộc địa;
Nguyễn Thị Hoàng đột ngột xuất hiện
với “Vòng tay học trò” làm ngẩn ngơ cả một thế hệ;
Nguyễn Đức Sơn độc đáo và táo bạo
với những bài thơ lạ trong “Đêm nguyệt động”;
Bùi Giáng trêu cợt cuộc đời bằng
những câu lục bát “không giống ai”;
Dương Nghiễm Mậu viết về nỗi bất an
của hiện sinh con người, chẳng hạn như một nhân vật trong “Niềm đau nhức của
khoảng trống”;
Hoàng Ngọc Tuấn lại quay trở lại với
thời nhỏ tuổi mơ mộng với “Cô bé treo mùng”;
Vũ Hạnh phê phán chế độ VNCH qua
hình ảnh ẩn dụ của một “Ngôi trường đi xuống”;
Trịnh Công Sơn phản chiến với “Ca
khúc Da Vàng”; Phan Nhật Nam viết về đời lính nhọc nhằn qua những bút ký ngập
ngụa khói lửa chiến trường;
Phạm Thiên Thư làm thơ ca ngợi tình
yêu thời trẻ dại với hình ảnh nhẹ nhàng của “em tan trường về/đường mưa nho nhỏ.”
Vân vân và vân vân.
Mỗi nhà văn, nhà thơ tự chọn cho mình một cách
thể hiện riêng, đôi khi rất riêng, về thời cuộc, về cuộc sống.
Họ có thể là công chức làm việc cho
nhà nước hay khoác áo nhà binh.
Trong công sở, họ có thể làm công
tác tuyên truyền hay ngoài chiến trường, họ đánh nhau với quân Cộng Sản, nhưng
khi sáng tác thì sáng tác như những nghệ sĩ tự do.
Có thể tìm thấy trường hợp điển hình
qua các tác phẩm của những người lính. Những nhà văn, nhà thơ lính viết như
những nhân chứng sống trong chiến tranh.
Đó không chỉ là những hồi tưởng muộn
màng hay loại nỗi buồn làm dáng như kiểu “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.
Nhiều truyện ngắn hay thơ xuất hiện
trên tạp chí Văn hay Bách Khoa hồi đó của những người lính
chiến như Trần Hoài Thư, Lê Bá Lăng, Y Uyên, Văn Lệ Thiên, Trần Dzạ Lữ, Luân
Hoán…như những bản tin chiến sự nóng bỏng.
Có người viết ngay, viết thẳng trên
ba lô trong một trận hành quân hay trong lúc chiến trường mà họ dự phần hãy còn
nóng hổi mùi thuốc súng và tanh mùi máu của đồng loại.
Viết xong, họ gửi ngay về tòa soạn
để đăng trong thời gian sớm nhất.
Trong hành vi viết, họ vừa ở trong
chiến tranh lại vừa đứng ngoài nó.
Vừa tham dự chiến tranh vừa đặt vấn
đề và thao thức về chiến tranh.
Dù trực tiếp cầm súng, ngày đêm đối
diện với quân thù, nhưng tác phẩm của họ không viết ra để gây thêm căm thù mà
bao giờ cũng là một dấu hỏi về thân phận con người trong cuộc chiến.
Hãy đọc thử một trích đoạn trong
“Nhật ký hành quân” của Trần Hoài Thư:
“Xin tha lỗi cho tôi, các bạn. Tôi
không còn đủ sáng suốt để sáng tạo câu văn ý lạ. Tôi đang nằm trong quân y viện
đây. Đêm buồn lắm. Đêm buồn lắm. Lính của tôi nằm nhiều trong đó. Hai thằng nằm
tại nhà vĩnh biệt. Hai thằng mất tích. Và những thằng bị thương đang nằm ở đây.
Đêm buồn lắm. Đêm buồn lắm. Ngày hôm đó, ngày 9 tháng 5 thì phải. Mặt trời thì
hừng hực lửa. Chỉ có mặt trời mới thấy bọn tôi. Tôi nằm trong bụi, mặt dầm dề
máu và đùi găm đầy miểng lựu đạn, cả mông tôi cũng vậy. Tôi nhìn lên cao cầu
khẩn Tổ Tiên Ông Bà, Nam Mô Quan Thế Âm Lạy Trời Lạy Chúa. Nhìn mặt trời, cho
con sống. Sống. Tôi vùng dậy chạy. Đạn rít dưới chân. Đạn xẹt trên đầu. Tôi lộn
nhào. Lê lết. Bò trườn. Tôi nhào xuống bờ suối. Đạn đuổi theo. Nó canh kỹ. Ló đầu
ra. Tắc bùm. Thụt đầu vào. Chạy. Lăn.Tội nghiệp thân thể mày chưa, Thư. Gầy ốm
thế kia. Cha mẹ nưng niu bồng ẵm nuôi con bây giờ ầm ầm, tạch đùng, bập bập
bập, bò, hai cùi tay vấy máu, bò ngửa, bò sấp, bò hai chân, bò hai tay. Bụi gai
vừa xê dịch. Tắc bùm. Đ.M, quân chó đẻ. Mày giết tao mày hả dạ lắm sao. Tao để
dành viên đạn cuối cùng. Tự sát.”[3]
Văn của người lính Trần Hoài Thư
tươi, sống, đầy cá tính!
Nói như Jean-Paul Sartre, văn chương
“là hành vi, qua đó, trong từng khoảnh khắc, nhà văn tự giải thoát ra khỏi lịch
sử, nghĩa là hành xử sự tự do.”[4]
Con người nhà văn lệ thuộc vào hoàn
cảnh nhưng viết là một hành vi giải thoát khỏi hoàn cảnh. Họ thể hiện cái “tôi”
tự do khi sáng tác. Bởi thế, những nhà văn, nhà thơ miền Nam không đánh mất cái
“tôi” khi viết. Họ không chờ đến khi biết mình sắp từ giã cõi đời, mới cố gắng
tìm lại “cái tôi đã mất” như Nguyễn Khải, một trong những nhà văn nổi tiếng
miền Bắc.[5]
Chẳng thế mà Nguyễn Minh Châu cay
đắng vẽ ra chân dung điển hình của người cấm bút miền Bắc như sau: “Cũng trong
một người cầm bút, cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái
phần tài năng thì trùm chăn chờ ngày xuống mồ! Con đường của một cây bút trẻ
hăm hở phấn đấu để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần
nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung
thực trong ngòi bút.”[6]
2. Khu biệt tác giả ra khỏi tác
phẩm:
Xem viết là một hành vi tự do, nên
những tác phẩm xuất phát từ sự tự do đều được văn học miền Nam trân trọng. Ngay
từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người ta đã tách tác phẩm ra khỏi tác giả. Nghĩa là
tác phẩm, một khi thành hình, luôn luôn có số phận riêng của nó, không lệ thuộc
vào người sáng tác.
Do đó, giá trị văn chương của nó không dựa
trên lý lịch của tác giả. Tác giả chỉ là một yếu tố và không phải là yếu tố
chính trong trong nghiên cứu văn học.
Xuất phát từ quan điểm đó mà hầu hết
các tác giả tiền chiến đều được nghiên cứu và giảng dạy trong học đường, ngay
cả khi họ là những đảng viên Cộng Sản và đang hết mình tâng bốc cho lý tưởng
Cộng Sản ở miền Bắc. Các tác phẩm của Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan
Viên, Quang Dũng…đều được bảo tồn, quý trọng và thậm chí, vinh danh.
Chúng vẫn được nghiên cứu và giảng
dạy một cách bình thường y như những nhà văn, nhà thơ khác, không có bất cứ một
sự phân biệt đối xử nào.
Ngoài ra, một số sáng tác của các
nhà văn, nhà thơ trong thời kháng chiến – nhất là trong giai đoạn trước năm
1951, khi người Cộng Sản chưa dùng phong trào chỉnh huấn để loại bỏ những người
không ủng hộ chủ nghĩa Cộng Sản – cũng được giới thiệu trong các tạp chí văn
học.
Hai tác phẩm biên khảo về văn học
“Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan và “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh được
sử dụng và giảng dạy trong chương trình trung học.
Bởi vì, như đã nói ở trên, những tác
phẩm này được viết ra trong khi họ là những con người tự do. Thú thật, đến bây
giờ, khi nhìn lại giai đoạn này, tôi vẫn ngạc nhiên về chính sách rộng rãi này.
Theo tôi, đây là một điểm son của văn học miền Nam.
Không những miền Nam bảo tồn các tác
phẩm văn chương tiền chiến mà còn lưu giữ và bảo tồn các tác phẩm của những nhà
văn, nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm miền Bắc.
Văn, thơ của Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu
Đang, Phan Khôi, Lê Đạt, Phùng Cung, Đặng Đình Hưng…bị đánh phá và tiêu hủy ở
miền Bắc, đã tìm thấy cuộc sống ở miền Nam. Xin nhấn mạnh, Miền Nam chấp nhận
chúng, không phải vì chúng chống Cộng – thực ra như chúng ta đều biết, các tác
phẩm của họ không hề chống Cộng – mà vì chúng là văn học. Chúng là sản phẩm của
hành vi viết tự do.
Vả lại, độc giả miền Nam nói chung,
chỉ thích đọc những tác phẩm mang tính văn học và không thích hoặc khước từ đọc
những tác phẩm văn học có tính cách tuyên truyền, nhất là tuyên truyền chính
trị.
II. Về hình thức:
1.Tính đa dạng:
Một nền văn học không chỉ là một
bông hoa, cũng không chỉ là vườn hoa, mà phải là một rừng hoa. Nói đến rừng
cũng là nói đến một cái gì dị tính.
Văn chương, trong bản chất, là dị
tính.
Nó không thể là một cái gì đồng nhất, đơn
điệu. Văn chương phải phản ảnh nhiều mặt của cuộc nhân sinh. Hiện thực phải
được nhìn từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh và nhiều nhãn quan khác nhau. Người
ta không là “nhà văn để chọn lựa nói về một số sự vật nào đó, nhưng chọn lựa
nói về chúng bằng một cách nào đó,”[7]
theo Sartre.
Thành thử, cùng một sự vật nhưng qua
ngòi bút của mỗi nhà văn, nó xuất hiện khác nhau. Mỗi một tác phẩm chỉ nhặt
nhạnh một chi tiết nào đó, một khía cạnh nào đó của nó.
Văn học miền Nam hình thành trên
tính cách đó. Vì vậy, có thể nói, văn học miền Nam như một cánh rừng bạt ngàn.
Nó dung chứa hết thảy hình thức văn chương, từ bình dân đến cao cấp, từ hữu
khuynh đến tả khuynh, từ cổ điển đến hiện đại. Nhiều trào lưu, khuynh hướng
chống đối nhau vẫn cùng hiện diện. Trào lưu nào, khuynh hướng nào có độc giả
của trào lưu và khuynh hướng đó.[8]
Mai Thảo có độc giả của Mai Thảo, Lê
Xuyên có độc giả của Lê Xuyên, Nguyễn Vỹ có độc giả của Nguyễn Vỹ, Nhất Linh có
độc giả của Nhất Linh, Nguyễn Thị Thụy Vũ có độc giả của Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lệ
Hằng có độc giả của Lệ Hằng, Võ Hồng có độc giả của Võ Hồng, Duyên Anh có độc
giả của Duyên Anh, bà Tùng Long có độc giả của bà Tùng Long…
Nội dung và đề tài hết sức phong phú
từ tình yêu, thân phận, những thao thức, dằn vặt cá nhân, ám ảnh tình dục cho
đến tệ nạn xã hội, hiện tượng tham nhũng, sự suy đồi đạo đức, sự khao khát hòa
bình, niềm mơ ước thống nhất.
Sự đa dạng và mở khiến văn học miền
Nam xuất hiện nhiều hiện tượng văn học độc đáo, vẫn còn ảnh hưởng lâu dài về
sau.
Hiện tượng thơ: thơ Nguyên Sa, thơ
Thanh Tâm Tuyền, thơ Bùi Giáng, thơ Nguyễn Đức Sơn, thơ Phạm Thiên Thư…;
hiện tượng văn: văn Mai Thảo, văn
Dương Nghiễm Mậu, văn Lê Xuyên…;
hiện tượng biên khảo: các tác phẩm
của Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Văn Trung, Nhất Hạnh…;
hiện tượng nhà văn nữ: Nhã Ca, Túy
Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ngh.
Các nhà văn nữ không chỉ táo bạo
trong đề tài, cách xử lý cốt truyện và nhân vật, mà còn trong việc cách tân
ngôn ngữ.
Họ mở ra một cánh cửa để nhìn vào
thế giới nội tâm tuy đơn giản bên ngoài nhưng lại vô cùng phức tạp, tinh tế bên
trong của nữ giới, nhất là nữ giới trong thời hiện đại.
Nói chung, không thời nào trong văn
học nước nhà mà tính cách riêng biệt của tác giả được thể hiện một cách sắc nét
và độc đáo như thời kỳ hai mươi năm văn học miền Nam.
Thật khó mà lẫn lộn giữa thơ tình
Nguyên Sa mềm mại, bộc trực nhưng duyên dáng với thơ tình Phạm Thiên Thư mang
mang, tinh tế và trong suốt; giữa văn Võ Phiến chi li với văn Lê Xuyên dân dã,
tươi sống; hay giữa biên khảo văn học và triết lý Nguyễn Văn Trung mạch lạc,
khúc chiết với biên khảo văn học và triết lý của Tam Ích phong phú, lan man và
đầy cá tính.
Tính đa dạng đó còn tìm thấy ở thành
phần tác giả. Nhà biên khảo Trần Thiện Đạo nhận xét về tờ Văn, một trong những
tạp chí văn học hàng đầu của miền Nam trước 1975, như sau: “…tạp chí Văn và
đặc san Tân văn qui tụ quanh mình hầu hết các văn gia và thức giả ở miền
Nam, kể cả những cán bộ nằm vùng. Đầy đủ mọi lập trường, khuynh hữu có,
lừng khừng có, khuynh tả có; đầy đủ mọi thế hệ, trẻ có, già có; đầy đủ mọi tài
năng, nghiệp dư có, chuyên nghiệp có; đầy đủ mọi chiều hướng, cổ điển, lãng
mạn, tả chơn, siêu thực, hiện thực, hiện sinh, hiện đại và nhiều thứ khác nữa.”[9]
Tính cách này không chỉ ở Văn và Tân Văn mà cũng ở
nhiều tạp chí văn học khác như Văn Học,
Nghệ Thuật, Vấn Đề, Khởi Hành..., qua đó, những Trần Hoài Thư, Hồ Minh
Dũng, Lương Thái Sỹ, Y Uyên, Huỳnh Hữu Ủy, Nguyễn Chí Kham, Trần Doãn Nho, Phạm
Ngọc Lư…là những cây bút ở phía bên này cùng xuất hiện cùng với những Yên My
(tức Trần Hữu Lục), Thái Ngọc San, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Tần Hoài Dạ Vũ hay Lê
Văn Ngăn là những cây bút (thân hay trực tiếp hoạt động cho) phía bên kia.
Riêng về tạp chí Bách Khoa, Nguyễn Hiến Lê ghi lại trong hồi ký của mình: “Tư tưởng
chính trị của những cây viết nòng cốt của Bách
Khoa có khi trái ngược nhau: Vũ Hạnh thiên cộng, sau theo cộng. Võ Phiến
chống cộng. Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo, không ưa cộng nhưng cũng không đả; không
thích Mỹ nhưng cũng không nói ra [...] Tôi, có lẽ cả Nguyễn Ngu Ý và Lê Ngộ
Châu có cảm tình với kháng chiến [...] Mặc dầu vậy, các anh em trong tòa soạn
vẫn giữ tình hoà hảo với nhau. Xu hướng phản nhau như Vũ Hạnh và Võ Phiến mà
vẫn trọng tư tưởng của nhau, ít nhất trong 10 năm đầu. Đó là điểm tôi quý
nhất.”[10]
Nói đến sự đa dạng không thể không
nói đến sự xuất hiện của những tạp chí “tả khuynh”, nổi bật nhất là Đối Diện,
Trình Bày, Hành Trình và Đất Nước. Điều đáng lưu ý, cộng tác cho những tờ báo
này không chỉ là những người tả khuynh mà có đủ những khuôn mặt văn chương miền
Nam khác, kể cả những nhà văn có xu hướng chống Cộng.
Theo Nguyễn Văn Lục, “Giữa Hành Trình và Đất Nước, cộng sản như thể đang ở ngoài nhà, nay đã vào đến trong
nhà, vào buồng ngủ của tờ báo. Nó lộ liễu và công khai quá. Nó không cần đeo
mặt nạ. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy tên tuổi những Nguyên Sa, Luân Hoán, Du Tử
Lê, Nguyễn Tử Quý, Thảo Trường bên cạnh Ngô Kha, Ngụy Ngữ. Với cung cách lộn
sòng như thế này – không phân biệt tà-ngụy – cùng đứng chung, xếp hàng miền Nam
đang trải qua một mùa gió chướng và những cơn thử thách cuối cùng của một dòng
lũ triều cường có thể cuốn trôi và phá sạch tất cả.”
Là tả khuynh, nên một số sáng tác và
bài biên khảo trong đó gần như công khai chống Mỹ, chống chính quyền, chống
chiến tranh.
Chẳng thế mà khi viết về các tạp chí
này, Nguyễn Văn Lục viết: “Ở giai đoạn chót của miền Nam, Trình Bày ngang nhiên xuất hiện, in ấn đàng hoàng, bất chấp kiểm
duyệt, bất chấp tịch thu báo.” (…)
“Ở trong tình trạng này, thật khó
xếp hạng, thật khó biết ai là người quốc gia, ai là người bị cộng sản lợi dụng
và ai là người cộng sản thứ thiệt. Nếu cần tố cáo thì tố cáo ai nhỉ? Ai là
người anh em của ta, ai là kẻ thù?”[11]
Sự hiện diện của những tạp chí tả
khuynh này nói lên cái gì? Theo tôi, nó nói lên tính cách mở của văn học miền
Nam. Chỉ có trong khung cảnh của một xã hội mở mới có thể có những sản phẩm văn
hóa “ngược dòng” như thế. Về phương diện chính trị, sự hiện diện của chúng có
cái gì như trái cựa, nhưng hoàn toàn tự nhiên.
Tuy có chính sách kiểm duyệt, nhưng
nói chung, chế độ miền Nam dành một số tự do tương đối rộng rãi, nên tiếng nói
tả khuynh vẫn có chỗ đứng.[12]
Vả lại, tả khuynh hiểu như một xu
hướng cải cách xã hội theo hướng tiến bộ của nhân loại chẳng phải là độc quyền
của riêng chỉ những người Cộng Sản hay thân Cộng. Không lạ gì, những người Cộng
Sản lợi dụng chúng để lũng đoạn chính quyền quốc gia.
Dù chống Mỹ hay chống chính quyền
VNCH đến đâu mà không tuân phục đường lối duy nhất của đảng Cộng Sản thì cũng
đều không được chấp nhận.
Vì thế, sau khi Cộng Sản chiếm được
chính quyền, tất cả các tạp chí nói trên đều bị đình bản và những người chủ
trương cũng như một số cây bút cộng tác chẳng những không được trọng dụng, mà
thậm chí có người còn bị làm khó dễ như Nguyễn Văn Trung, chủ bút tạp chí Hành Trình. Riêng về tạp chí Đối Diện thì người chủ trương là linh
mục Chân Tín và người cộng tác mật thiết là giáo sư Nguyễn Ngọc Lan sau này trở
thành những người bất đồng chính kiến với chế độ.
Dẫu sao, xét riêng về khía cạnh văn
chương, thì sự hiện diện của các tạp chí này vẫn là nét đặc thù, nêu lên tính
da dạng trong văn học miền Nam.
2. Tính kế tục:
Văn học như một dòng sông, có nguồn có ngọn,
có trước có sau. Khác với văn học miền Bắc chỉ thu hẹp trong dòng văn học được
họ gọi là “cách mạng”, ‘tiến bộ” và “yêu nước” hiểu theo cách riêng của họ, văn
học miền Nam kế tục văn học truyền thống, qua văn học tiền chiến và kéo dài cho
đến văn học phát triển trong vùng quốc gia thời chiến tranh.
Theo một nhận xét khá xác đáng của
Vương Trí Nhàn, trong lúc “Văn học miền Bắc trước năm 1975 đi theo luật riêng”,
“phủ nhận những kinh nghiệm của thời tiền chiến”, “gần như cô lập”, chỉ biết có
văn học Nga và Trung Hoa (mà ngay hai nước này lúc đó “cũng đứng cô lập với thế
giới”), thì văn học miền Nam “có sự nối tiếp những di sản cũ” và “tiếp nhận một
cách bình thường đối với ảnh hưởng nước ngoài.”[13]
Tóm lại, miền Nam bảo lưu tất cả sản
phẩm văn học thuộc về mọi thời kỳ trước đó. Thử tưởng tượng: nếu không có văn
học miền Nam, văn học đất nước rốt cuộc sẽ chỉ thu tóm trong nền văn học xã hội
chủ nghĩa đơn điệu, thì thật là một thiệt hại lớn lao cho văn học Việt Nam.
3. Tính hiện đại:
Tính hiện đại biểu hiện trên hai
mặt, một là, đáp ứng với những nhu cầu mới của thời đại và hai là, tiếp nhận và
sử dụng các thành tựu về tư tưởng, văn hóa và văn chương của thế giới.
- Sau 1954, sau một thời gian ngắn
ngủi tạm sống trong không khí văn học tiền chiến, văn học miền Nam trở nên sôi
động và càng ngày càng sôi động với trào lưu đổi mới. Khởi bằng Sáng Tạo, văn chương đột ngột chuyển
hướng để như hòa nhập với thời đại. Sự ra đời của Sáng Tạo, một mặt, là nỗ lực đáp ứng với nhu cầu chuyển đổi của xã
hội và cuộc sống và mặt khác là một vượt thoát khỏi cái cũ, tìm ra cái mới nhằm
mục đích đẩy nền văn học đi tới.
Tiếp sau Sáng Tạo, văn chương miền Nam như được đà, nổ bùng ra với nhiều cây
bút mới và những thử nghiệm mới. Đặc biệt là những cây bút trẻ. Họ đột ngột
xuất hiện trên vòm trời nghệ thuật với một nhân dáng mới, một bản lĩnh mới, tự
tin vào táo bạo. Văn đàn luôn luôn chuyển động và sôi động. Cái mới, cái lạ
trên mọi lãnh vực văn chương hầu như luôn sẵn sàng đâu đó, chỉ chờ cơ hội là
bung ra.
- Mặt khác, nhờ sự tiếp cận với các
trào lưu và tư tưởng văn chương Tây Phương, văn học miền Nam được quốc tế hóa.
Sự tiếp nhận ảnh hưởng của văn chương quốc tế là một trong những động lực quan
trọng thúc đẩy sự đổi mới của văn học miền Nam. Các tư tưởng triết học mới tràn
vào và được thể nhập vào các sáng tác văn chương.
Những băn khoăn siêu hình tìm thấy
không những trong các bài biên khảo mà còn tìm thấy trong thơ và trong văn. Thơ
Tô Thùy Yên chẳng hạn:
Ta gắng về sâu lòng quá vãng
Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên
Hỡi ôi, dọc dọc thấy câm cứng
Mặt trợn trừng chưa dứt ngạc nhiên
Hay các nhân vật trong truyện của
Dương Nghiễm Mậu hay Duy Thanh chẳng hạn.
Các trào lưu triết học mới đã giúp
các nhà văn, nhà thơ tạo nên những nhân vật mới, mới toanh so với thời kỳ
trước.
Chúng ta tìm thấy những nhân vật nổi
loạn chống các định chế xã hội, chống lại số phận, chống lại chính mình hay
những nhân vật bị ám ảnh và bị thúc đẩy bởi những động lực vô thức.
Trong tác phẩm của các nhà văn nữ,
ta cũng tìm thấy tính cách nổi loạn như thế, nhưng ở một chiều hướng khác: bày
tỏ mình và chống lại những định kiến khắc nghiệt về thân phận phụ nữ trong xã
hội Á đông.
Nhân vật không chỉ là một ai đó sống
trong một khung cảnh nào đó, gặp những chuyện đời éo le nào đó, mà còn là một
con vật suy tưởng. Nó đặt vấn đề. Nó thao thức. Nó tra vấn về mình. Thanh Tâm
Tuyền phát biểu về nhân vật tiểu thuyết như sau:
“Phân biệt một tiểu thuyết cổ
điển với tiểu thuyết mới, người ta thường gán cho tiểu thuyết mới một tính chất
phi lý, các nhân vật bây giờ là phi lý. Sự thật, tiểu thuyết xưa mới phi lý, vì
nhân vật tiểu thuyết xưa thường sống trong một đam mê nào đó (passion). Mà đam
mê là dẫn đến phi lý. Nhân vật tiểu thuyết bây giờ sáng suốt quá, ý thức quá,
không còn đam mê. Người đọc gán cho chúng là phi lý vì sợ sự sáng suốt đó. (…)
Tác giả nhập vào ý thức nhân vật và sống trong đó. Nhân vật thì cô đơn, khắc
khoải giữa cuộc đời chưa thành hình. Nhân vật dần dần chỉ còn là hình bóng,
hình bóng chỉ là tiếng nói. Thí dụ: La Chute của Camus.”[14]
Chưa hết. Trong những truyện ngắn
tiêu biểu như “Người đạp xe vào thành phố buổi sáng”, “Thành phố dốc đồi”… của
Hoàng Ngọc Biên, nhân vật không những chỉ là hình bóng mà còn…biến mất. Chẳng
những thế, cốt truyện cũng biến mất theo. Hoàng Ngọc Biên là nhà văn đầu tiên
thử nghiệm lối viết mới của trào lưu “tân tiểu thuyết” (neauveau roman) xuất
hiện ở Pháp với những Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor.
Tóm lại, những nỗ lực không ngừng
của các tài năng của văn học miền Nam đã đưa văn học đất nước hòa nhập vào thời
đại. Nó biến văn học thành một dòng chảy liên tục, đi tới, đi tới…Nhưng, biến
cố lịch sử 1975 đã chận đứng nó lại, phũ phàng. Tiếc thay!
III. Về nội dung:
1. Tính nhân bản:
Tính nhân bản ở đây phải hiểu bằng
một khái niệm rộng hơn là khái niệm về đạo đức hay tình người.
Với sự giúp đỡ của những trào lưu
triết học mới, nhà văn, nhà thơ có thể đi sâu hơn vào những khía cạnh ẩn dấu
của con người, về mặt ý thức, tâm lý cũng như về mặt tương quan xã hội.
Văn học miền Nam nói chung, trong
quá trình phát triển của nó, đề cập đến con người như một hiện sinh, một thân
phận chứ không chỉ như một hữu thể chính trị và cũng không chỉ như một hữu thể
đạo đức, hiều theo nghĩa cổ điển.
Do đó, ngoài những tác phẩm đề cao tình người,
đề cao tình gia đình, một số tác phẩm cũng đề cập đến những ám ảnh tình dục,
những ray rứt về phận người hay những vấn nạn triết lý về đời người và người
đời.
Chẳng hạn như diễn tả nỗi cô đơn của
con người khi chỉ đối diện với chính mình trong “Một mình” của Võ Phiến; hay
phân tích chi li cái “chất đàn ông” chứa đựng trong một tay đàn ông chơi gái
qua cái nhìn của một gái điếm, trong “Đàn ông”, cũng của Võ Phiến; hay những
dằn vặt về tình yêu và tình dục trong một số các tác phẩm của Túy Hồng. Tóm
lại, là săm soi con người qua những tình huống và hoàn cảnh khác nhau.
Ngoài ra, trong những tác phẩm viết
về chiến tranh, tác giả không đề cập đến người lính như những kẻ chỉ biết “nhắm
thẳng quân thù mà bắn”. Ngược lại, hầu hết đều viết về những gian khổ của người
lính và những ray rứt của họ khi phải cầm súng bắn vào những người cùng máu mủ.
Dù chống Cộng, không có một tác phẩm văn chương nào kêu gào giết cho đến người
Cộng Sản cuối cùng.
Chẳng những thế, có tác giả như nhà
thơ Trang Châu, còn kêu gọi một cuộc “chiến đấu không hận thù”:
trong cuộc chiến hôm nay
cho tôi xin chiến đấu không hận thù
xin những vết thương bình đẳng
cho tôi đổi một trăm chiến thắng
lấy một giọt nước mắt kẻ thù.[15]
Có thể nói, không giai đoạn nào mà
văn học mang đầy đủ tính cách “người” như hai mươi năm văn học Miền Nam. Có
khóc, có cười, có đau thương, có thống khổ, có vui mừng, phấn khởi, có lo âu,
dằn vặt, thậm chí có dâm, có loạn.
Một nền văn học thể hiện con người trong tất
cả cái phức tạp của kiếp nhân sinh.
Thay vì chỉ đề cập đến cái thiện, cái đẹp,
người ta đề cập đến cả cái ác, cái xấu.
Thay vì dùng văn chương chỉ để “tải
đạo”, người ta dùng văn chương để lột trần những bề trái, những khía cạnh giấu
ẩn, tăm tối, xấu xa của con người. Có người bảo đó là một nên văn nghệ viễn mơ;
có người cho là một nền văn học đồi trụy. Tùy.
Văn học là sản phẩm của tự do thì
phê phán văn học cũng tự do. Tùy cách thưởng thức, cách đọc, cách tiếp cận. Và
cũng tùy điểm đứng, tùy cách đánh giá về mặt đạo đức và cũng tùy quan điểm về
văn học. “Tùy” cũng còn ở chỗ: dở và hay.
2. Tính hiện thực:
Tác phẩm văn chương, dù bản chất là
hư cấu, không thể thoát khỏi sự ràng buộc vào hiện thực. Phản ảnh hiện thực vào
tác phẩm mức độ nào tùy thuộc vào nghệ thuật của từng tác giả. Văn chương miền
Nam dường như không giấu giếm điều gì. Nó hiện ra cách này hay cách khác qua
những tác giả và tác phẩm khác nhau.
Nói cách khác, hiện thực được phản
ảnh khác nhau qua từng tác giả và từng tác phẩm. Ta có thể tìm thấy những ẩn ức
tâm lý trong Võ Phiến, những dằn vặt trong Dương Nghiễm Mậu thì cũng có thể tìm
thấy những trang văn dịu dàng về tình yêu tuổi nhỏ của Hoàng Ngọc Tuấn.
Nếu ta có thể tìm thấy khung cảnh
thanh bình của một Sài Gòn vắng lửa đạn “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”,
“uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” thì đồng thời cũng tìm thấy dấu vết của
một xã hội đang phân rã, ly tán:
Năm đọa đầy những đêm giới nghiêm
Năm đằng đẵng những ngày tuyệt thực
Năm máu chảy và năm ruột mềm
Năm bom đạn và năm bão lụt (Trần Dạ Từ)
Hiện thực chiến tranh đuợc diễn tả
vô cùng sống động ở nhiều tác giả, nhất là các tác giả khoác áo nhà bính.
Khác với hình ảnh “đường ra trận mùa
này đẹp lắm” của những anh lính bộ đội, với người lính miền Nam, chiến tranh
mang một hình ảnh khác: tàn khốc.
Mùi tử khí theo khói đưa, lửa quyện
Xác phơi mình chờ đêm xuống mang đi
Bài vọng cổ. Trời ơi! Ai cất tiếng!
Xuống câu Xề nghe não nuột, lâm ly !
(Huy Văn)
Một đoạn của Văn Lệ Thiên trích từ
“Trong lớp khói mầu” về cái chết của một người bạn cùng đơn vị:
“Thới thả cây súng xuống đất.
Người đứng sau lưng kêu “trời”. Anh ta quăng một trái khói. Khói tỏa xanh đặc
một khoảng, che khuất Khắc, cái thùng rác và phần dưới cái cây bên đường. Chúng
nó lại bắn vào đám khói. Khắc được lôi vào, chỉ còn là cái xác. Nhưng cái xác
đã bị thêm hai viên đạn nữa. Trên lưng Khắc đóng rõ ba lỗ máu. Người can đảm
trừng trừng nhìn xác bạn, rồi tự vuốt mặt mình.”
Và buồn, rất buồn như ở Trần Dzạ Lữ:
Chiều Mai Lộc không mưa không nắng
lửa cháy trong hồn những kẻ đi xa
này anh lính nhỏ nhoi miền Bắc
giữa sương mù anh có nhận ra ta?
Đó là ngoài chiến trường. Còn ở chốn
dân dã thì sao? Đây là khung cảnh của một trường học ở vùng “xôi đậu” trong
“Ngày về của bọn họ” của Y Uyên:
“Thằng học trò trưởng lớp vẫn co ro
trước cửa văn phòng hiệu trưởng đợi Ngưỡng. Đầu nó chùm hụp một cái mũ nhà binh
đã cũ. Ngưỡng không hiểu nó thiếu khôn ngoan hơn mình hay bạo dạn hơn. Ngưỡng
không bao giờ vứt cái vỏ Quân tiếp vụ ở trường như trước kia vẫn vứt những vỏ
Ruby. Chắc thằng bé lại muốn xin thôi học. Buổi nào Ngưỡng cũng vỗ về chúng như
một thông lệ cầu nguyện: "Các em cứ gắng đi học, cuối năm thầy cho đậu
hết". Nhưng sổ điểm danh ngày nào cũng chạy dọc một cột dấu chữ thập. Có
đứa vừa ra khỏi lớp học vừa mếu máo, luẩn quẩn bên cửa sổ nhìn vào cả buổi, có
đứa Ngưỡng nghe tin bị bắt lên núi cả tháng mới thấy người nhà đến xin lại hồ
sơ, có đứa nghỉ hôm trước, hôm sau gửi cho thầy một lá thư đầy lỗi chính tả hẹn
ngày "giải phóng" cho thầy. Ngưỡng thay vì soạn bài đã lục trí nhớ
chép lại những bản nhạc của Phạm Duy đem dạy học trò. "Ngày trở về có anh
thương binh chống nạng cày bừa…"; "Từ ngày chinh chiến mùa
thu…"; "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…". Lúc này, chỉ
còn Phạm Duy mới dạy được chúng nó. Nhưng chỉ dạy một bài ca, một câu nói về
Phạm Duy, những đứa trẻ lại thấy mình tách khỏi khối Việt Nam thảm họa, thấy
mình một mình lo lắng trên đường về, một mình thao thức chờ tiếng trống tựu để
biết đã qua đêm. Không còn ai để cất lời than chung với nó, chỉ có từng người
hoang mang lẫn trốn.”
Trong truyện, tuy không có súng đạn,
nhưng đầy cả chiến tranh!
Xuất phát từ hiện thực, bây giờ đọc
lại những truyện ngắn hay thơ thời đó, dù cũ và dù cảm giác khác đi – cuộc sống
hiện lên vẫn rõ ràng, mồn một, sống động. Văn chương miền Nam ở đó, có quằn
quại, đau đớn, dằn vặt. Và cũng có cả hưởng thụ, vui chơi. Cuộc sống là thế,
hiện thực là thế. Đọc lại các tác phẩm miền Nam, Vương Trí Nhàn nhận xét: “Thì
bức tranh về xã hội chiến tranh như thế, tôi thấy rất nhiều trong các tác phẩm
của các nhà văn miền Nam, ở phần tốt nhất của họ, ở phần họ đúng là nhà văn,
thì họ đã nói lên được thực trạng xã hội, ở đấy, đọc thấy rõ hơn, và có cảm
tưởng như trở lại không khí của một đất nước, đã trải qua ba mươi năm quá đặc
biệt.”
3. Tính bi kịch:
Một trong những thuộc tính của văn
chương là tính bi kịch. Không có tác phẩm văn chương nào không nói lên, đề cập
đến hay xây dựng bi kịch.
Nói một cách khác, phải bi kịch hóa
mới thành văn chương. Sáng tạo văn chương là gì nếu không phải là sáng tạo bi
kịch.
Như chúng ta đều biết, những tác
phẩm văn chương lớn trong văn học nhân loại bao giờ cũng chứa đựng tính chất bi
kịch. Trong một xã hội bình thường thì bi kịch diễn ra nhẹ nhàng, đơn giản và
do đó, tính bi kịch trong văn chương cũng diễn ra nhẹ nhàng, đơn giản. Như cái
dửng dưng, buồn nản về quan hệ nam-nữ trong “Bonjour tristesse” (Buồn ơi chào
mi) của Francois Sagan chẳng hạn.
Trong một xã hội nhiễu nhương, bi
kịch xã hội càng nhiều, càng lớn và do đó, bi kịch văn chương càng đa dạng và
càng sâu sắc.
Nói bi kịch, nghe trầm trọng. Thực
ra, tính bi kịch trong văn chương chẳng qua là đào xới và phân tích những mâu
thuẫn, xung đột, va chạm cũng như những nghịch lý phô bày hay tiềm ẩn trong con
người và trong cuộc sống. Tính bi kịch trong trào lưu văn chương đổi mới không
phải chỉ là những tình cảnh éo le, gay cấn hay ngang trái đời thường mà tìm
thấy ở những cái vốn chẳng có gì là gay cấn. Nhã Ca tìm thấy bi kịch ngay ở
những chỗ trông ra ít bi kịch nhất: nỗi buồn thời mới lớn.
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tựa sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.
Trong “Vòng tay học trò”, Nguyễn Thị
Hoàng viết về một điều “ngang trái”: tình yêu giữa cô giáo và cậu học trò.
Trong “Yêu”, Chu Tử cũng mô tả một điều “ngang trái” khác: tình yêu của “cô
cháu” với “ông chú” là bạn của ba. Trong “Tôi nhìn tôi trên vách”, Túy Hồng
viết về sự xung đột cá tính, địa phương, cũ-mới diễn ra trong gia đình.
Cơn khóc khởi đầu bằng những cái
chớp mắt nhỏ, nỗi buồn khởi đầu bằng tiếng thở dài ẩm ướt, cơn điên khởi đầu
bằng những sợi thần kinh hư, tôi thảng thốt nghĩ rằng tôi đang ở trong một cái
ống, mở thoáng hai đầu trông ra cuối trời mơ ước, cuối trời kỷ niệm. Tôi trông
ra và tôi thúc thủ bó tay.
Thảo rướm giọng:
“Lấy chồng đôi khi là một sự lỡ
tay.” Trâm ngừng viết ngửng đầu lên khôi hài:
“Lấy chồng là tự sát…” (Túy Hồng)
Túy Hồng đẩy những va chạm lặt vặt,
thường ngày thành bi kịch, bi kịch của cá tính và qua đó, bi kịch gia đình.
Đi sâu hơn và xa hơn, trong “Niềm
đau nhức của khoảng trống”, Dương Nghiễm Mậu đề cập đến nỗi khắc khoải của một
người khi bị mất đi một phần cơ thể, dù phần bị mất đi là cái bướu độc cần phải
cắt bỏ:
“Thân thể anh còn đây, cái bướu
đã mất. Anh khước từ sự hiện diện vô ích của nó nên anh đã trở thành một sự
không thực. Anh chẳng còn gì ngoài cái thân thể đang dần dần nhiễm độc, ung
thối ra cho những sinh vật khác sinh sống. Anh là một sự không thực nằm đây –
Sự quái gở bắt đầu bay hơi ẩm mốc. Nhưng từ đó anh biết rằng anh là gì. Anh hơn
đám đông vây quanh, bởi anh ý thức được sự có anh, mọi người coi họ có mặt-
nhưng là một sự có mặt hư ảo, không thấy mình.”
Dương Nghiễm Mậu đã biến một điều
bình thường, thậm chí vô nghĩa, thành bi kịch; ở đây là bi kịch thân phận, bi
kịch hiện sinh.
Hay nói cho đúng, đây là một loại “bi kịch ý
thức” vì trong truyện, “Tác giả nhập vào ý thức nhân vật và sống trong đó,”
theo cách phân tích của Thanh Tâm Tuyền ở trên.
Bi kịch lớn nhất là bi kịch chiến
tranh.
Trong 20 năm, cuộc chiến trở thành
bi kịch mẹ kéo theo vô vàn bi kịch con, tác động trên cả chiều dài lịch sử và
toàn thể xã hội và đi vào từng mảnh rời của số phận cá nhân.
Bi kịch hiện thực biến thành bi kịch
văn chương. Khuôn mặt chiến tranh được phản ảnh một cách sống động qua rất
nhiều tác giả, nhất là những cây bút nhà binh: Hồ Minh Dũng, Văn Lệ Thiên, Thế
Uyên, Nguyên Vũ, Vương Thanh, Lê Bá Lăng, Luân Hoán, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn
Bắc Sơn, Mang Viên Long, Lữ Quỳnh, Kinh Dương Vương…Nhiều, rất nhiều. Hầu hết
đều mô tả sự tàn phá, đau khổ gây ra bởi cuộc chiến nhưng mỗi tác giả có một
cách nhìn khác nhau. Trần Hoài Thư, Lê Bá Lăng, Vương Thanh dữ dội, sống động;
Y Uyên điềm tĩnh, nhưng cay đắng; Văn Lệ Thiên chừng mực, buồn bã. Nhiều truyện
ngắn về chiến tranh khá độc đáo, đọc đã lâu lắm rồi, vẫn còn đọng lại trong đầu
óc, chẳng hạn như “Khu rừng mùa xuân” của Vương Thanh hay “Đường kiến” của Kinh
Dương Vương.
Ngoài ra, một số tác phẩm mô tả
những bi kịch do sự hiện diện của quân đội nước ngoài. “Vành đai xanh”, bút ký
của Ngô Thế Vinh chẳng hạn, vừa bày tỏ thái độ không Cộng Sản, lại vừa bức xúc
về sự hiện diện của lính Mỹ ở đất nước.
Có lẽ truyện ngắn “Người đàn bà mang
thai trên kinh Đồng Tháp” của Thảo Trường biểu trưng cho cái bi kịch chiến
tranh, hay nói đúng hơn, bi kịch Quốc Cộng ở mức độ đáng xem là “bi kịch” nhất.
“Thời gian này chị Tư quên đi mất
hình ảnh anh Tư, vì chị Tư đã được sống lại những cảm giác khoái lạc đến hỗn
độn với anh binh sĩ truyền tin và “chú” em trai cán bộ. Chị giãy giụa trong
những niềm hoan lạc tràn ngập đó. Cuối cùng, đến một hôm, cái thai trong bụng
chị máy động. Cái máy động thứ nhất làm chị bàng hoàng. Chị tự hỏi “nó”là của
ai? Của anh cán bộ hay anh binh sĩ truyền tin? Chị thẫn thờ cả người và chị
muốn rời ngay cái chốn đó. Chị tự hỏi của ai? Chị muốn biết của ai? Cái thai
của ai cũng được nhưng chị phải biết chắc là của người nào. Lúc này chị lại nghĩ
tới anh Tư dữ dội. Và chị Tư bỏ dở công tác binh vận. Chị trở về căn nhà xiêu
vẹo ở ven bờ kinh. Chị khóc ròng vì không biết cái thai của ai.”
Của ai? Thật khó có câu trả lời rõ
ràng. Mà ngay có câu trả lời, bi kịch ở đây vẫn nguyên vẹn là bi kịch.
Tóm lại, bi kịch của một cuộc chiến
tranh tương tàn. Của một bế tắc. Một cùng đường. Nhưng xin lưu ý: nêu lên bi
kịch không phải là chấp nhận bi kịch. Ngược lại, bi kịch ở đây chính là sự thao
thức, một thao thức lớn. Tuy thu tóm trong hình ảnh của một người phụ nữ, câu
hỏi “của ai?” hàm chứa một thao thức về phận người, phận nước, về vận người,
vận nước, về chiến tranh và hòa bình. Và về tương lai.
Người Cộng Sản không cho phép có cái
“bi” trong sáng tác văn chương.
Tuy nhiên, một nhà văn Cộng Sản,
Hoàng Phủ Ngọc Tường, sau bao nhiêu năm chỉ biết ca ngợi những niềm vui, thú
nhận: “Ba chục năm nay ta chỉ ủng hộ niềm vui, chỉ cho phép in thơ nói niềm
vui. Nhưng nỗi buồn là cả một tài sản tâm hồn của con người mà ta hãy còn đóng
cửa đối với nó.”[16]
Văn học miền Nam là một nền văn học
được nói lên nỗi buồn, được dựng nên bi kịch. Xoáy sâu vào bi kịch là một cách
vượt qua bi kịch, theo tôi.
Phần kết
Theo thời gian, một số nhà văn, nhà
phê bình văn học trong nước có cái nhìn tỉnh táo hơn. Xét về khía cạnh lịch sử,
văn học miền Nam “là một phần không thể tách rời của văn học dân tộc,” theo
Nguyễn Thị Thu Trang. Cũng theo nhà nghiên cứu này, “Diễn trình văn xuôi đô thị
miền Nam trong hai mươi năm không thẳng một đường, hướng tới một đích như văn
học Cách mạng mà quanh co, biến hóa khác thường…”[17]
Trong tất cả những ý kiến phát biểu
công khai về văn học miền Nam, theo tôi, Vương Trí Nhàn có một cái nhìn bộc
trực nhất về nền văn học mà một thời bị nhà cầm quyền tìm cách tiêu diệt. Vương
Trí Nhàn nhận xét: “Văn học miền Nam nối tiếp truyền thống văn học của Nguyễn
Du, của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, mảng nói về
những đau khổ của con người và sự bơ vơ, khó khăn, bất lực, không biết đi lối
nào trong đời sống này và cả tính bi thương, đau đớn của con người. Mảng đó tôi
thấy rõ ở Văn học miền Nam đầy đủ hơn.” Nhưng tại sao văn học miền Nam vẫn bị
phân biệt đối xử? Trả lời cho câu hỏi này, nhà phê bình Vương Trí Nhàn nói
thẳng: “Sở dĩ đôi lúc người ta khó công nhận Văn học miền Nam là hình như họ
nghĩ như thế này: tức là nếu công nhận Văn học miền Nam thì [văn học] miền Bắc
coi như là thua, là kém, là không ra gì cả, thậm chí là hỏng, là vứt đi. Tôi
nghĩ "cách nghĩ chỉ có một [nền văn học] thôi" là không phải, vì như
vậy sẽ gây ra nhiều rắc rối trong việc tiếp cận nhau. Tôi cho rằng chúng ta có
cả hai [nền văn học], và hai bên bổ sung cho nhau. Tôi nghĩ độ một trăm năm
sau, nếu muốn nhìn lại xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, muốn hiểu con người
sống như thế nào thì cần phải đọc cả hai. Nền văn học miền Bắc, tôi tạm gọi là
văn học của chiến công, nền văn học lôi cuốn người ta đi vào cuộc chiến tranh,
còn nếu nói có những trang sách nào diễn tả được con người trong chiến tranh
thì tôi thấy nó rõ trong phần văn học miền Nam.”[18]
Tôi ghi nhận một hiện tượng khá đặc
thù: sự biến mất một số các sách biên khảo phê phán một chiều văn học miền Nam
trước đây.
Trên mạng, hầu như không còn một bài
viết nào của Trần Trọng Đăng Đàn, Lữ Phương, Phong Hiền – những tác giả một
thời phê phán và lên án một cách mạnh mẽ văn chương miền Nam.
Trong khi đi tìm tài liệu để viết
bài thuyết trình này, tôi vào Google, gõ các nhóm chữ như “văn chương thực dân
mới” hay “văn học đồi trụy, phản động…để chỉ thấy một số đường kết nối vào tên
tác giả hay tên tác phẩm, nhưng không tìm thấy gì. Chúng như những ngôi nhà bỏ
hoang. Tóm lại, tôi không thể tìm thấy bất cứ một bài viết nào, dù ngắn, dù dài
lên quan đến “văn học thực dân mới” hay “văn học phản động” vốn là những đề tài
thời danh ngày nào. Tất cả dường như đã bị rút xuống.
Nhà phê bình Thụy Khuê đưa ra những
điều cụ thể hơn: “Cuốn sách của Lê Đình Kỵ được viết với chủ đích “lột trần bộ
mặt của nền văn hóa Mỹ Ngụy” tương tự như trường hợp Đỗ Đức Hiểu viết cuốn “Phê
phán văn học hiện sinh chủ nghĩa” (nxb Văn học Hà Nội, 1978). Điểm chung của
hai cuốn sách này là trình bày, phân tích, và đả phá đối tượng giới thiệu;
nhưng về sau, cả hai tác giả đều gạt chúng ra khỏi danh sách những tác phẩm của
mình. Trong câu chuyện riêng với chúng tôi năm 1993, nhà phê bình Đỗ Đức Hiểu
không muốn nhắc đến cuốn “Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa”. Nhà nghiên cứu
Lê Đình Kỵ cũng không đưa cuốn “Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Nguỵ” vào
phần tác phẩm đã in của mình, trong các bộ “Nhà văn Việt Nam hiện đại” và “Từ
điển văn học”. Có thể nói đó là một sự từ chối tác phẩm rất đặc biệt, không do
lệnh trên mà phát xuất tự lương tâm người trí thức.”[19]
Nhìn chung, văn học miền Nam tồn
tại, hiện hữu và phát triển theo một quy cách chẳng khác gì văn học ở những
quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đó là một nền văn học chứa đựng rất nhiều cái
“có”: có bi, có hài, có tả, có hữu, có cổ điển, có hiện đại, có giải trí, có
nhận thức, có cao, có thấp, có cá nhân, có xã hội, có truyền thống, có quốc tế.
Cũng như mọi nền văn học khác, nó có mặt tích cực, có mặt tiêu cực. Dù phải
sống trong chiến tranh, phải chiến đấu để bảo vệ phần đất tự do, văn học miền
Nam phát triển. Đó là một nền văn học không kêu gọi căm thù, không kêu gọi bạo
động. Nền văn học miền Nam, vì tính chân thực của nó, không cần, không có gì
phải đặt lại. Nó là thế. Nó không thể khác.
Nếu văn học miền Bắc là đơn nhất, là
một khối, một tảng và là một công cụ hữu hiệu bảo vệ chế độ thì ngược lại, văn
học miền Nam là một thứ kính vạn hoa. Nó soi rọi từng chân dung, từng ngóc
ngách của cuộc sống, của từng số phận, từng hoàn cảnh. Do đó, nó không – hoặc
khó – trở thành công cụ của nhà cầm quyền; không những thế, trong rất nhiều
trường hợp, lại là một đối trọng với nhà cầm quyền. Cũng như giòng sông, nó
chảy; cũng như cánh rừng, nó mọc, nó ra lá trổ hoa. Đó là một nền văn học mà
sau lưng không có nghị quyết và trước mặt không có kẻ thù. Nó tự nhiên như nhiên.
Như một con chim thả bay ngoài trời hay những bông hoa nở ngoài đồng nội.
Có lẽ không ai trong chúng ta không
khỏi cảm thấy ngậm ngùi khi cho rằng miền Nam đã thất bại một phần chỉ vì đã
sản sinh và thủ đắc một nền văn học phong phú và đa dạng như thế. Nhưng mặt
khác, nhờ thế mà hôm nay, dù bị trù dập cách này hay cách khác, nó vẫn cứ tồn
tại. Tồn tại bởi từ chính nội lực của nó, chứ không bởi một ngoại lực nào. Nhờ
vào đâu? Dạ thưa, nhờ vào “tính văn học”. Nó văn học nên nó dính liền với cuộc
sống. Hay nói cách khác, vì dính liền với đời sống nên nó là văn học. Nó văn
học nên nó tồn tại. Và phải tồn tại.
Xin được kết luận:
Văn học miền Nam
là văn học Việt Nam. Vì nó không những phát triển theo chiều hướng riêng của
nó, mà còn bảo lưu văn học cổ điển, văn học tiền chiến, những tác phẩm văn học
khác trước 1954 cũng như các tác phẩm của Nhân Văn Giai Phẩm!
Có quý vị ngờ rằng tôi nói quá. Một
cách nói thậm xưng. Không. Chỉ xin vận dụng một chút tưởng tượng, một chút
thôi: giả sử như bây giờ đột nhiên văn học miền Nam biến mất, tất cả đều bốc
thành khói bay vào hư không, thì sự nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung sẽ
gặp khó khăn như thế nào.
Xin cám ơn quý vị.
(12/2014)
Ghi Chú:
[1] Văn học các đô thị miền Nam (1954–1975), tên gọi một giáo
trình của khoa ngữ văn, Đại học Đà Lạt
[2] Đại phàm vật bất đắc kỳ bình tắc minh, thảo mộc chi vô
thanh, phong nhiễu chi minh, thủy chi vô thanh, phong đãng chi minh…(Đại phàm
vật nào cũng vậy, không được bình yên thì kêu. Cỏ cây vốn không có âm thanh,
gió thổi mới kêu; nước kia không có âm thanh, gió xô nên kêu…) Hàn Dũ (đời
Đường) Tống Mạnh Đông Dã tự. (Trích từ Khâu Chấn Thanh/Lý luận văn học nghệ
thuật cổ điển Trung Quốc. NXB Văn Học, 1992, Mai Xuân Hải dịch.)
[3] Trích Nhật Ký Hành Quân, Trần Hoài Thư, Văn số 114,
tháng 9 năm 1968
[4] Jean-Paul Sartre, Qu’est ce que la littérature?,
Éditons Gallimard, Paris, 1948, tr. 111, 112. “La littérature (…) est le
mouvement par lequel, à chaque instant, l’homme se libère de l’histoire : en un
mot, c’est l’exercice de la liberté.” Bản điện tử:
http://disciplinas.stoa.usp.br/pluginfile.php/67143/mod_resource/content/1/Sartre%20-%20Quest-ce%20que%20la%20litterature.pdf
[5] Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất, tùy bút chính
trị. Có thể xem ở:
http://www.viet-studies.info/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm
[6]Dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam dưới chế độ
Cộng Sản 1954-1990, nxb Văn Nghệ, California, 1996, NHQ, tr. 50,51.
[7] Jean-Paul Sartre, sđd, tr. 30.
[8] Xin ghi lại đây một nhận xét của Nguyễn Thị Thu Trang: “Đi
qua những thành kiến cực đoan cá nhân, những xung đột về chính trị, những cuộc
tranh luận sôi nổi về vấn đề truyền thống và hiện đại, những biến hóa nhiều
chiều của văn chương đương thời…, tác phẩm của nhiều nhà văn như Sơn Nam, Bình
Nguyên Lộc, Võ Hồng, Trang Thế Hy, Nguyễn Văn Xuân, Minh Quân… viết ở thập niên
50, 60 trong lòng đô thị miền Nam vẫn còn được nhiều người yêu thích. Điểm
chung nhất và là chỗ dựa vững bền của nó là hướng đến những giá trị văn hóa dân
tộc, là bản sắc văn hóa mỗi vùng miền và tình yêu quê hương chân thành, tha
thiết. Họ làm thành một dòng chảy riêng, không tách biệt nhưng cũng không nhập
cuộc vào những trào lưu khác vẫn thường được coi là thịnh hành đương thời như
"hiện sinh", "phân tâm", "ý thức"… Từ tác phẩm
của những nhà văn có kiểu viết rất "truyền thống" và "cổ
điển" này, người đọc có thể nhìn thấy bức tranh đa dạng của văn hóa miền
Nam những năm trước 1975, những sự kiện làm đổi thay đời sống văn hóa, đặc biệt
là đời sống tinh thần của người dân.” (Vài nét về văn xuôi đô thị miền Nam
giai đoạn 1954-1975/Tạp chí Nghiên cứu văn học số 5/2007- vienvanhoc.org.vn)
[9] Trần Thiện Đạo, Chứng từ tạp chí Văn trong lòng độc giả,
Văn chương Việt. Xem ở:
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=15139
[10] Nguyễn Hiến lê, Đời viết văn của tôi, nxb Văn Nghệ,
Cali 1986, trang 143.
[11] Nguyễn Văn Lục, Diện mạo văn hóa, văn học miền Nam trong
những tình thế cực đoan lại là nơi hội tụ của bốn dòng chảy văn hóa-văn học, Đàn
Chim Việt, 3/11/2013. Xem ở:
http://www.danchimviet.info/archives/81032/dien-mao-van-hoa-van-hoc-mien-nam-trong-nhung-tinh-the-cuc-doan-lai-la-noi-hoi-tu-cua-bon-dong-chay-van-hoa-van-hoc-ket/2013/11
[12] Theo Nguyễn Văn Trung, dưới chế độ VNCH, “Báo thì không
phải kiểm duyệt nhưng có thể bị tịch thu đưa ra toà. Trong khuôn khổ chính sách
hạn chế tự do chính trị như vậy, nếu không xuất bản công khai, hợp pháp, vẫn có
thể in ronéo, phổ biến, bày bán ngay cả trên các sạp báo và có thể bị tịch thu…
Người cầm bút viết những điều cấm kỵ, phê phán chính sách này, chính sách kia
của nhà nước, thậm chí họp nhau viết kháng thư phản đối, đăng trên báo mà không
lo ngại về an ninh chính trị của bản thân gia đình bạn bè. Nói cách khác, viết
phê phán mà không sợ nhà nước.” ( Trích từ Hướng về Miền Nam Việt Nam,
Khởi Hành số 92, tháng 6/2004). Dẫn theo Thụy Khuê, Văn Học miền Nam
1954-1975. Xem ở: http://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-hoc-mien-nam/
[13] Vương Trí Nhàn, Văn học miền Nam trong cách nhìn của
Vương Trí Nhàn hôm nay, phòng vấn của Thụy Khuê. Blog Vuong Trí Nhàn. Xem
ở:
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2009/04/van-hoc-mien-nam-54-75-trong-cach-nhin.html
[14] Nxb Sáng Tạo, Tủ sách Ý Thức, 95B Gia Long, Sài Gòn. Bìa
của Duy Thanh. Ấn vụ Lam Giang Ấn Quán Sài Gòn. Bản quyền của nhà xuất bản Sáng
Tạo, Sài Gòn, 1965.
Xem ở:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9064&rb=08
[15] Trang Châu, Bên bờ Kinh Sáng 17-2-67, trong tập
“Dấu vết chiến tranh”
[16] Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí “Văn Nghệ” số tháng 12/1988.
Dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc, sđd, tr. 251.
[17] Nguyễn Thị Thu Trang, bài đã dẫn.
[18] Vương Trí Nhàn, bđd.
[19] Thụy Khuê, Văn Học miền Nam 1954-1975. Xem ở: http://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-hoc-mien-nam/