VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Con người khám phá lại quá khứ trong Nỗi buồn chiến tranh

 

Chiến tranh nhìn qua số phận cá nhân

 Có một quy phạm thường xuyên chi phối dòng tiểu thuyết Việt Nam viết về chiến tranh in ở Hà Nội.

Bất chấp việc chúng được viết ngay trong thời bom đạn hay trong thời bình mấy chục năm về sau, đó thường là những cuốn sách dựng lại cả một bức tranh mở ra theo bề rộng, chiến tranh được ví với một trận cuồng phong, hoặc một cỗ máy khổng lồ có sự vận động cùng lúc của nhiều số phận.

Con người trong các tác phẩm đó được miêu tả trong hình thế một nhóm, một tập thể (từ nhỏ đến lớn) có tổ chức, có định hướng rõ ràng, và mỗi cá nhân không hề có ý muốn trở thành độc lập bên cạnh đám đông.

Mặc dù vẫn còn những nét riêng tư, nhưng họ không bao giờ tồn tại như những con người tự thân, mà chỉ được xem như người phát ngôn cho một vấn đề của xã hội.

--

Chỗ giống nhau giữa Xung kích 1951của Nguyễn Đình Thi và Dấu chân người lính 1972 của Nguyễn Minh Châu chẳng hạn là cả hai đều bám vào một sự kiện cụ thể (mỗi cuốn sử dụng một chiến dịch “làm nền”) rồi trong đó, một dàn nhân vật đi về lui tới suy nghĩ.

Cái mà người ta còn lưu lại trong đầu sau khi đọc tác phẩm là một không khí chiến tranh nói chung, còn vấn đề “con người trong chiến tranh” chỉ là một nhánh phụ. Để hình dung ra con người, bạn đọc phải đi theo lối đường vòng, và chắp nối người này một chút người kia một chút.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ngả sang một cách viết khác.

Thực tế là trong cuốn tiểu thuyết này, người ta có dịp bắt gặp toàn bộ chiến tranh - một cuộc chiến tranh với đủ những địa điểm và những khoảnh khắc tiêu biểu từ ngày đầu đến ngày cuối (không khí Hà Nội khi thành phố bắt đầu tiễn con em ra chiến trường; những chặng đường từ hậu phương tới mặt trận; những ngày sau tết Mậu Thân; giải phóng Sài Gòn…).

Song tất cả đều thông qua ý thức của nhân vật Kiên chứ không phải miêu tả trực tiếp. Tức là ở đây, chiến tranh chỉ được thể hiện qua một con người, tác phẩm từ đầu đến cuối men theo những ý nghĩ của nhân vật, dày đặc vui buồn, hối hận, trăn trở, bất lực của anh ta.

 

 Trùm lên tất cả chỉ có một đường dây là từng trải của Kiên, mạch suy nghĩ của Kiên, và bao quát hơn là số phận của Kiên. Thật khó đẩy tác phẩm vào trong vòng tay của những khái niệm như “bức tranh toàn cảnh”, hoặc “một thiên sử thi hoành tráng” mà chúng ta quen nghĩ.

 

Trong khi mọi sự kiện trước sau bị đảo lộn về thời gian thì chúng lại tỏ ra rất mạch lạc, nếu xét theo sự phát triển của ý nghĩ và tình cảm của nhân vật chính.

 

Mỗi sự kiện cụ thể ngoài ý nghĩa tự thân có thêm một tầng khái quát: này là những lúc vui; này là những lúc chết lặng đi vì buồn; những lần hoang mang tuyệt vọng (không lần nào giống lần nào); một phen kinh ngạc vì cách xử sự của người này người kia.

Trong suốt cuốn sách, Kiên như chỉ có một mình. Các nhân vật khác chỉ sống trong ý nghĩ của Kiên, trong đó có một số nhân vật chỉ ngẫu nhiên được nêu ra rồi mất hút.

 

Bù lại, tự thân Kiên đã đủ đa dạng.

Gần như không có việc nào của lính mà Kiên không trải qua.

Trong anh, chất lính được chưng cất và cô kết lại. Lính nghĩa là không có quyền lựa chọn số phận của mình.

Lính nghĩa là gặp đâu hay đấy ngẫu nhiên thất thường trôi nổi theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh và không bao giờ dám đặt câu hỏi tại sao mình lại như thế này mà không như thế khác.

Lính nhiều khi đồng nghĩa với vô vọng, bất lực.

 

 

Cảm giác của chúng ta về chất lính trong Kiên còn được củng cố, bởi với anh, cái chết luôn luôn trở lại như một ám ảnh. Suy nghĩ về cái chết thường trực khi ăn cũng như khi ngủ, khi Kiên đơn độc một mình, cũng như khi anh vui vầy giữa bạn bè. Với người lính này, cái chết là một bộ phận của chính cuộc sống.

 

Một trong những lý do khiến cho nhiều người kiên trì lối viết “tập thể nhân vật” nói ở đoạn trên: người ta cho rằng làm thế mới có khả năng xây dựng được những điển hình khác nhau và cái nào cũng cụ thể sinh động, từ đó gộp cả lại khái quát nên thứ “chân dung nhóm” bao quát các kiểu dạng con người đương thời.

 Xét về khía cạnh nghề nghiệp, tuy không tuyên bố, nhưng dường như Bảo Ninh muốn nói thật ra một nhà văn không thể biết nhiều như anh ta vẫn tưởng; may ra họ chỉ biết về chính họ. Và từng con người mới quan trọng, từng con người chính là “vấn đề của mọi vấn đề”, kể cả khi người ta sống và nghĩ về chiến tranh.

 

Cuộc sống dưới dạng hồi ức

Ra khỏi chiến tranh, trong Kiên hàm chứa một mâu thuẫn thường trực. Một mặt anh chai lì đi. Mặt khác, trong anh, dòng ký ức về chiến tranh lại cuồn cuộn chảy và những chuyện nhỡn tiền chỉ là đầu mối để anh nhớ lại chuyện cũ, thúc đẩy con người nhân vật  gắng vươn lên để nhận thức về quá khứ.

Thành ra cái vẻ uể oải “chẳng biết dùng đời mình vào chuyện gì” (tr 77 – số trang ghi theo bản của Nhà Xuất bản Hội nhà văn, 1991) chỉ là bề ngoài. Trong cái dạng sống riêng của mình, Kiên cực kỳ nhạy cảm và ngầm chứa một khao khát vươn tới không gì cản nổi.

 

Sự chai lì thật ra vốn được hình thành dần trong quãng đời cầm súng của nhân vật. Những năm ấy, Kiên đã cảm thấy, “không phải là mình đang sống mà như đang bị mắc kẹt trong cõi đời này” (tr. 87). Những gì tốt đẹp trong ý nghĩ và tình cảm sớm bị mất đi. Người ta tự nguyện gác hết suy nghĩ để hành động.

Rồi cái kiểu sống bức bối chật hẹp như thế này còn bị thu hẹp thêm bằng hàng loạt bất lực thời hậu chiến.

Kiên không biết lao vào kiếm sống và hưởng thụ như mọi người.

Cả đến những chuyện riêng tư cũng không biết lo, có bao nhiêu việc đáng làm thì Kiên lại đã không làm, đến khi cái câu hỏi khó chịu “đi đâu bây giờ, làm gì bây giờ?” ngày ngày vang lên như một ám ảnh thì quả thật là một cách xác nhận về tình trạng bế tắc thực sự.

 

Thời bình cũng như thời chiến, Kiên đều đơn độc. Chung quanh anh là những người vừa ra khỏi chiến tranh đã lập tức quên lãng, lao đầu vào cuộc kiếm sống. Trong con mắt họ Kiên như một kẻ mộng du.

 

Nhưng chỉ cần đứng lùi ra xa một chút, nhìn chặng đường chiến tranh như một phân đoạn lịch sử, chúng ta sẽ thấy ngay rằng kẻ tỉnh táo không phải là cái đám đông hỗn độn kia, mà chính là Kiên.

Đám đông lao vào kiếm ăn thực ra đang mê muội. Ngược lại người chiến binh sống vất va vất vưởng và tưởng đời mình như bỏ đi mới là kẻ sáng suốt.

 

Nhà văn Pháp J. Cocteau từng viết về mối quan hệ giữa một thi sĩ với hoàn cảnh: “Ở đây chỉ một mình thi sĩ là người sống giữa những người chết, và chính trong giờ phút ấy thi sĩ đã làm mồi cho chính sự chết - nó đang sống hơn là thi sĩ sống.”

Tình cảnh của Kiên cũng có những nét tương tự.

 

Hồi ức làm nên lý do để sống. Trong lịch sử văn học nhiều nước, hàng loạt cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh được viết bởi sự thôi thúc phải nói to lên cái lời đề nghị đơn giản: không được quên lãng.

Một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga V. Rasputin mang tên Hãy sống và hãy nhớ (bản dịch tiếng Việt đổi đi một chút, gọi là Sống mà nhớ lấy).

Còn ở Việt Nam, cuốn truyện vừa hay nhất của Nguyễn Minh Châu mang tên Cỏ lau cũng có một ý tương tự.

Câu chuyện xoay quanh công việc những người sống đi tìm xác những người chết. Sau khi bảo rằng vùng này đất tốt quá chừng, vô khối là đất mà chỗ nào cũng chỉ có giống cỏ lau mọc, tác giả viết, “Với bao nỗi toan tính hối hả trong thời bình, mỗi con người chúng ta có lẽ đôi khi cũng là một cánh rừng cỏ lau giàu sức sống, rất chóng lãng quên những người lính đã ngã xuống”.

 Bởi lãng quên đe dọa đến chính cuộc sống, người ta phải tiến hành cuộc chiến đấu dai dẳng để chống lại nó. Viết văn với Nguyễn Minh Châu hay Bảo Ninh nói ở đây chính là để chống lại sự lãng quên đó.

 

Lạ hóa chính mình lạ hóa hoàn cảnh

 

Thời xa vắng là cuốn tiểu thuyết ra đời ít năm trước Nỗi buồn chiến tranh. Những ai đã đọc Thời xa vắng, hẳn nhớ cách của Lê Lựu viết về quá khứ trong đó: quá trình tham gia chiến đấu của Sài không được miêu tả cặn kẽ. Song nhà văn vẫn làm cho người đọc thấy rõ Sài là một sản phẩm của chiến tranh, chỉ chiến tranh mới đẻ ra những con người tương tự.

 

Có thể nói một đặc trưng của bản thân Sài là thái độ quan liêu. Nghĩa là, Sài cũng ghi xương khắc cốt rằng mình lớn lên, bắt đầu làm người thực sự từ trong chiến tranh. Song thực chất nó là thế nào, Sài không để ý. Ngược lại Sài cứ nhơn nhơn như không, lại còn luôn tự lừa mình rằng chẳng có điều gì mà mình không hiểu, và rộng hơn tự hào rằng ra khỏi chiến tranh mà bản thân cái phần tốt đẹp trong con người mình vẫn còn nguyên vẹn.

 

Niềm tự tin được đẩy lên thành một ảo tưởng ấy đã làm nên cả đặc trưng của nhân vật trong Thời xa vắng. Thứ tự tin nông nổi và có vẻ như đáng yêu đó là nguồn gốc của bao thất bại đến với Sài về sau. Con người rút cục trở thành tù nhân của hoàn cảnh và càng lao đầu vào hành động tình thế càng trở nên tuyệt vọng.

 

Bề ngoài Kiên của Bảo Ninh không được như Sài. Dường như anh không ra khỏi chiến tranh. Mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, anh không biết. Những trò hưởng lạc, anh không màng.

Nhưng vẫn có thể nói so với Sài, Kiên vượt lên một bực ở chỗ toàn bộ sức sống của anh tập trung vào việc nhận diện chiến tranh. Nghĩ về nó. Muốn khôi phục sự thực như nó vốn vậy.

Để làm việc đó, anh sẵn sàng để cho ký ức nổi lên hỗn loạn, với dụng ý rằng sau đó tìm cách kiểm soát nó, lý giải nó một cách chủ động.

 

Lúc này, chiến tranh được Kiên nhìn như thuở ban đầu.

Anh đến với nó từ một sự vô tư không thành kiến. Luôn luôn thú thực rằng mình chưa hiểu.

 Luôn luôn sợ quên, sợ nhầm.

Nghĩa là Kiên đã dọn lòng một cách thanh thản, đã tạo cho mình khả năng đối diện với một thực tế khó nhằn và có được ý chí ngoan cường trong việc chinh phục nó chiếm lĩnh nó.

Mặt khác, khi tự nhủ rằng với cuộc chiến tranh ấy, mình phải viết, thật ra anh đã bước đầu khách quan hóa nó, tách nó ra khỏi mình, lạ hóa nó để tiêu hóa nó.

Có thể nói Kiên đã tìm thấy ở chính mình một đối tác tốt để đồng hành trên suốt quãng đường đời còn lại.

 

 

Có một sự thực là từ lúc chưa xung vào quân ngũ đến lúc trở về, quan niệm của Kiên về vị trí và mối quan hệ của mình với chiến tranh vừa thay đổi vừa nhất quán.

Một mặt, như Kiên từng xác định, giữa cuộc chiến tranh to lớn, anh “chẳng là gì cả” mà chỉ là một thứ  đinh ốc nhỏ, hoặc như chữ anh dùng “loại con sâu cái kiến” trong cuộc biến động vĩ đại; và anh bằng lòng với số phận đó.

 Mặt khác, hình như ở Kiên luôn luôn có một con người nữa tách ra bên ngoài để soi xét mọi chuyện, và đây là khía cạnh tự do bên trong, nó làm nên tầm vóc của nhân vật.

Lúc đã suy nghĩ thì nhân vật không còn bị một ràng buộc nào. Không bị bắt vít vào những quan niệm thông thường. Không bị ảnh hưởng của những đồng đội chung quanh.

Một cái gì cơ bản hơn, những nguyên tắc của việc làm người - nếu có thể nói như thế - chi phối anh, len lỏi trong những suy nghĩ của anh.

 Những kiến thức mà tuổi trẻ anh đã tiếp nhận được từ  những người thân và bè bạn của nền giáo dục ở nhà trường thường xuyên trở lại để giúp anh so sánh đối chiếu với thực tế trước mắt.

 

Trong cái vẻ ương ương gàn gàn, Kiên vượt lên trên những người thông thường. Có thể nói trong văn học Việt Nam, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi, ở đó con người giữ nguyên được cảm giác ngạc nhiên kỳ lạ về chính cuộc sống mà họ đã sống. Nhờ thế, một cuộc chiến tranh chưa được biết tới lại hiện ra sắc nét và độc đáo, nghĩa là không giống cuộc chiến thông thường mọi người vẫn hiểu.

 

Nhận thức như một lẽ sống

 

Trong cảm nghĩ của Kiên, chiến trường có lúc có cái không khí rờn rợn của một cuộc sống không thực. Có những khu vực ở đó, “chim chỉ bay không kêu, măng nhuốm màu đỏ, và rất nhiều hồng ma, một loại cây ưa máu” (các tr.7, 13). Mà đời sống sau chiến tranh khi được phản ánh vào tâm trí Kiên cũng vậy, nó có cái không khí “ nửa nhà thương nhà đòn”, như chữ dùng của tác giả.

 

Sự tỉnh táo trong cái nhìn hiện thực của con người này như vậy sớm bị bào mòn. Thường xuyên, Kiên cảm thấy mình lạc lõng chơi vơi chẳng biết bấu víu vào đâu.

 

Như vậy là Kiên đã thất bại đã đầu hàng, như nhiều nhân vật vô tâm khác? (Có lúc anh đã tự nhủ: “mình chả trở lại thành người được đâu!”).

 

Song đó chỉ là một phía. Trong hoàn cảnh nhiều điều trái ý, khao khát nhận thức của Kiên – một khao khát chẳng những bao giờ cũng âm ỉ mà nhiều lúc lại còn bừng sáng lên không cùng - đã trở thành cái phao để anh bấu víu.

Nó mang lại cho anh lẽ sống.

Kiên cảm thấy đời mình không còn ý nghĩa gì khác ngoài việc nghĩ về chiến tranh và khôi phục lại bộ mặt thực của nó.

Các hồi ức của Kiên không dừng lại ở mức độ cảm giác mà vươn tới trình độ của một nhận thức. Mối quan hệ của Kiên với chiến tranh được đặc trưng bởi tự ý thức sâu sắc của nhân vật về môi trường mà mình có mặt. Sống vốn đã là để nhận thức. Với chiến tranh cũng vậy. Nơi người ta thường cho rằng mỗi con người phải quên mình đi cho hành động, thực ra lại là mảnh đất tốt cho những suy nghĩ, phản bác, thể nghiệm, kiểm tra, chấp nhận...

 

Chỉ cần có ít kinh nghiệm về tiểu thuyết viết về chiến tranh ở Việt Nam, người ta đã thấy những nhận thức đã đến với Kiên như vừa phác họa là vượt lên trên sự thông thường, là lạc lõng xa lạ, và đây là điều đã được nhiều nhà phê bình gọi ra. Nó cũng là nguồn cơn của nhiều giận dữ mà các đồng đội hôm qua đã ném lên đầu tác giả. Tuy nhiên, chỉ cần gạt bỏ thành kiến và lòng tự ái bẩm sinh, những người đã trải qua chiến tranh sẽ thấy con người Kiên là hoàn toàn bình thường. Nó không phải là cái mà chúng ta gọi là suy nghĩ, mà là sự vận động trong đầu óc thực thụ:

 

- Nó mang màu sắc kinh nghiệm cụ thể, kết quả của một sự tìm tòi cá nhân chứ không phải kinh nghiệm bày đàn, một thứ chân lý do người ta học đòi nói leo, bị áp đặt và không có thẩm tra thể nghiệm.

 

- Nó là cái gì người ta cố từ chối mà không từ chối nổi chứ không phải do học đòi làm dáng, vừa nghĩ ra đã kêu toáng lên dọa mình dọa người.

 

- Nó (sự suy nghĩ ấy) lung linh tồn tại như một cơ thể sống. Trong khi ở nhiều cuốn tiểu thuyết hậu chiến khác, chiến tranh là đơn giản, chỉ có một nghĩa, dễ hiểu (để rồi dễ quên dễ chán) thì ở đây, mặc dù đã sống với nó hết lòng, con người lại vẫn như là chưa hiểu cái gì đã đến với mình  trong những năm tháng hào hùng và quyết liệt ấy.

 

Nhận thức ở đây đồng nghĩa với khám phá, khám phá không bao giờ ngừng. Trong cái sự chật vật để đi đến nhận thức, con người như đã ở vào trình độ hiện đại chứ không như nhiều người nông nổi hời hợt, hùng hục hành động và chỉ biết giải thích công việc mình làm theo những công thức có sẵn.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم