Một đối trọng đầy sức ám
ảnh
Bên cạnh Kiên thì trong tác
phẩm, Phương là nhân vật nổi lên hơn hết. Trong nỗi buồn như một thứ không khí
phả vào từng trang tác phẩm, không chỉ có nỗi buồn xé lòng của Kiên mà còn có
nỗi buồn dai dẳng, nỗi cay đắng đầu hàng của Phương. Khi Kiên đi sâu vào nhận
thức để giải mã cuộc đời, cái đối tượng có sức ám ảnh với nhân vật không chỉ là
chiến tranh mà còn là Phương nữa.
Trong các bài hát lẫn trong
thơ ca Việt Nam đương đại, người phụ nữ những năm chiến tranh thường được hiện
ra như những cô gái nhanh nhảu tháo vát, nếu không đi thanh niên xung phong
hoặc làm giao liên đưa bộ đội vào chiến trường thì đó cũng là người con gái ở
lại hậu phương chung thủy đảm đang, thay thế chồng con cha anh trong những công
việc đàn ông thường làm. Họ hết sức năng động trong phạm vi những việc cụ thể,
nhưng lại đơn giản sơ lược trong đời sống tinh thần, và thường thiên về những
giọt nước mắt sùi sụt, để rồi sau đó lại đột ngột cứng cỏi một cách kỳ lạ đến
mức gần như khó hiểu. Có thể bảo đó là nét đặc biệt của người Việt nói chung,
song ở phụ nữ, người ta nhận ra những biểu hiện lý tưởng.
Trong Nỗi buồn chiến tranh, Phương trước tiên vượt lên mẫu người con gái
thông thường đó để trở nên một ngoại lệ.
Hãy bắt đầu bằng hình ảnh
Phương trước ngày tiếng súng bắt đầu nổ. Đó không phải chỉ là hình ảnh của hòa
bình hạnh phúc mà ngay từ lúc ấy, Phương đã là con người của một nhận thức mới.
Trong khi Kiên lao vào hành động, thì Phương lại có cái nôn nao khó tả, nó là
nỗi dự cảm trước một điều lớn lao đang xảy tới. Toàn bộ sự nhạy cảm của Phương
được huy động khiến cho người ta cảm thấy Phương như vượt hẳn lên so với người
bạn trai cùng tuổi. Phương nói ra những điều lớn lao một cách trực tiếp như là
lịch sử đã ứng vào miệng cô.
Buổi tối bên bờ biển (trong
đợt Phương với Kiên đi nghỉ) có cái không khí huyền bí của một thời điểm mặc
khải, tức mở ra điều bí mật. Từ lúc chưa ai cảm thấy, thì hình như Phương đã
cảm thấy chiến tranh tới gần. Và nhất là những gì Phương phản ứng trước cái
thực tại sắp tới đó thì thật bất ngờ mà suy cho cùng lại thấy rất có lý. Ngay
từ lúc này người ta đã thấy Phương sâu sắc hơn Kiên. Phương không chỉ sống với
cuộc đời trước mắt mà còn sống với những ký ức từ thuở người Việt viết nên Chinh
phụ ngâm và ru con bằng những câu ca dao “Con cò lặn lội bờ sông –
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”.
Nếu sự chừng mực trong tiếp
nhận chiến tranh ngay từ khi tiếng súng chưa nổ khiến Phương có cái vẻ tiên cảm
đến mức lạc lõng so với con người đương thời thì cái cách Phương hiểu về thời
đại của mình càng sâu sắc lạ thường, một cách hiểu mới mẻ đến mức người ta phải
nghi ngờ.
Nói chung trong cách xử sự,
Phương là con người vượt ra ngoài thông lệ. Đoạn tác giả để cho Phương cảm thấy
gần với cha Kiên hơn là Kiên, Phương đứng bên cha Kiên trong cái lần ông họa sĩ
này đốt tranh… bị một số người cho là giả tạo. Nhưng lô-gich của một tính cách
như Phương là vậy. Phương và cha Kiên tự
nhận là những kẻ lạc thời và lạc loài, song sự thật, họ là những con người của
nhân văn nhân đạo của vĩnh cửu.
Ngay từ đầu, với trình độ
hiểu biết của mình, Phương dường như đứng ngoài không gian thời gian. Từ chỗ
đứng đó Phương tìm ra nguồn sức mạnh tinh thần để hòa hợp với xã hội. Kiểu nghĩ
trí tuệ một cách bản năng như thế giúp Phương không cứng nhắc trước cuộc
đời. Việc Phương tự biến đổi theo hoàn cảnh mà chúng ta thấy về sau như có thêm
bảo đảm rằng con người tưởng như ngoại lệ này vẫn là trường hợp bình thường.
Trong Phương có cái phần mà nhiều người khác có, nhưng lại lảng tránh.
Thích ứng để tồn tại
Trong những lần bàn về cuốn
sách của Bảo Ninh, một số người có nhắc tới nền văn học xô - viết viết về chiến
tranh, và những bộ phim làm theo nền văn học đó kiểu như Khi đàn sếu
bay qua hoặc Bài ca người lính.
Trong những tác phẩm ấy, các
nhân vật nữ hiện lên như những con người sẵn lòng để người yêu ra đi, nhưng
trong lòng xiết bao đau đớn. Rồi ngay trong lòng hậu phương bản thân họ cũng bị
vùi dập. Tình cảnh đáng thương theo nghĩa con người trở nên suy đồi mặc dầu họ
không muốn. Họ quay ra rượu chè chơi bời, tức chìm dần vào những lầm lạc. Yếu
đuối tầm thường tồn tại trong họ ngay bên cạnh cái cao đẹp, cái sang trọng.
Song không phải vì thế mà họ đáng trách: họ chỉ là nạn nhân của cuộc chiến.
Phương trong Nỗi buồn
chiến tranh có những nét gần với các nhân vật người Nga nói trên. Ở Phương
không có cái kiêu ngạo đầy ảo tưởng “ví đây đổi phận làm trai được - thì sự
anh hùng há bấy nhiêu” (thơ Hồ Xuân Hương).
Phương cũng không phải mẫu
người con gái cam chịu hoặc gồng mình hy sinh, lấy sự đau khổ làm số phận.
Thế thì đâu là nhân tố Việt
Nam còn lại trong lòng người con gái kỳ lạ này?
Đó là sự thích ứng.
Qua miệng bà mẹ của Phương,
tác giả sớm nhận xét ở Phương có xu thế hoàn hảo và mơ ước nhập thân vào cuộc
sống (tr 238). Chỉ cần có chút kinh nghiệm trường đời, người ta sẽ hiểu ngay là
thật vô phúc cho người nào hội trong mình cùng một lúc cả hai phẩm chất trái
ngược đó. Bởi sự sống bao giờ cũng mang trong mình nó sự vô thường, sự dang dở.
Muốn hoàn thiện thì người ta trước sau không tránh khỏi gãy nát, sụp đổ. Cũng
may mà ở Phương, sự nhạy cảm vẫn mạnh hơn, và cô biết từ bỏ cái ao ước ban đầu
kia để giữ lấy cho mình phẩm chất thứ hai. Sự thích ứng đến với cô một cách tự
nhiên. Thích ứng như sự phá bỏ nguyên tắc
bất chấp mọi điều kiện, thích ứng với nghĩa có thể đầu hàng, có thể giả tạo, có
thể từ bỏ chính mình, miễn sao được sống.
Mặc dầu vốn có một đời sống
tinh thần rất cao, song cô sớm nhận ra có một thứ còn cao hơn tự do, cao hơn
phẩm chất, đó là chính sự tồn tại. Phương đã có sự thích ứng kiểu đó.
Đầu tiên là sự thích ứng với
những đổi thay không kiểm soát nổi của chiến tranh. Bước ngoặt này xảy ra ở chỗ
nhà ga Thanh Hóa ngay khi có Kiên bên cạnh. Lúc ấy cả hai từ Hà Nội vào và đã
trải qua một hành trình kinh khủng. Giờ họ rơi tõm vào cái ga bị ném bom. Trong
lúc lạc Kiên, Phương bị rơi vào tay một thằng khốn nạn.
So với những đau đớn của Kiên
thì sự mất mát của Phương trong cái lần cả hai cùng va chạm với chiến tranh
này, là lớn hơn nhiều. Nhưng chúng ta hãy xem họ phản ứng như thế nào? Sau cơn
lê lết đau đớn ê chề, Phương lại nhanh chóng hồi phục, mà biểu hiện không sao
chối cãi được là trong con mắt của người bạn trai, cô vẫn có những nét lộng lẫy
“mềm mại, mịn màng”, “tóm lại là tuyệt mỹ” (tr 269).
Nhưng căn bản với Kiên, sự
thích ứng của Phương là cả một tội lỗi. Phương của anh đã mang cái tội phản
bội, cái tội đầu hàng, “quỳ gối trước cái số phận mới mẻ” (tr 264) và chàng
thanh niên không bao giờ tha lỗi cho cô gái về cái tội để cho kẻ khác xúc phạm
tới cái tuyết sạch giá trong mà lại quên ngay được và trở về với đời sống bình
thường dễ dàng như vậy.
Trong khi Kiên đau đớn, Kiên
bực tức, Kiên muốn người bạn gái phải tự xỉ vả, tự xử tội mình, phải muốn chết
đi vì xấu hổ, thì ngược trở lại, Phương coi tai họa như một cái gì tự nhiên
phải đến và không hề có mặc cảm phạm tội. Cô không bị ràng buộc vào những quan
niệm cổ lỗ như phần lớn con người đương thời. Với cô, chung thủy hay phản bội
lúc này chẳng có ý nghĩa gì cả.
Một sự huyền bí nào đó đã
mách bảo nhà văn lấy đoạn này làm cao trào của truyện và đưa nó vào phần kết,
xem nó như cái chìa khóa để hiểu toàn bộ tâm lý nhân vật. Đây là thời điểm đánh
dấu vượt cao của Phương so với Kiên. Từ đây, Phương như trở thành một con người
khác. Phương như vừa tự phát hiện ra một cái gì rất mạnh của mình mà trước đây,
mình không thấy hết, và một người như Kiên càng không thấy hết.
Nghĩ và quên đều có lý
Sau khi đã có sự thích ứng
thứ nhất – thích ứng với chiến tranh – thì sự thích ứng thứ hai ở Phương -
thích ứng với hoàn cảnh hậu chiến – sẽ đến một cách tự nhiên, mặc dầu nó xảy ra
một thời gian dài và diễn biến với nhiều cung bậc hơn.
Một điều đối lập ai cũng thấy
khi so sánh Phương và Kiên sau chiến tranh: trong khi Kiên đào bới vào ký ức và
tin tưởng ở sứ mệnh người tiên tri của quá khứ mà mình tự nguyện đảm nhận thì
Phương gần như có thái độ ngược lại.
Sơ đồ suy nghĩ của Kiên bao
gồm mấy bước. Ra đi trong náo nức; khi nhập cuộc sớm thất vọng và bắt đầu cảm
thấy cần tìm hiểu sự thực về chiến tranh; đến thời hòa bình, cái định hướng suy
nghĩ này của anh càng trở nên rõ rệt. Trong thâm tâm, Kiên mang máng cảm thấy
rằng như vậy là có lỗi. Giá kể có thể giống như mọi người, buông mình trong
lười biếng, lẫn mình đi giữa đám đông, thỏa thiệp với chung quanh thì thật
tiện. Nhưng bản chất con người buộc Kiên phải làm khác. Có một cái còn quan
trọng hơn sự chung sống hòa hợp với mọi người chung quanh, thậm chí cao hơn
hạnh phúc theo nghĩa thông thường, đó là tìm ra sự thực đời sống. Tính chất
nhất thiết của quá trình nhận thức khiến cho Kiên có cái chất mà các nhà nghiên
cứu về nhân vật trong tiểu thuyết thường nhấn mạnh: sẵn sàng chống lại hoàn
cảnh; đi đến cùng trên con đường đã chọn.
Theo cách hiểu thông thường,
thì rượu chỉ làm cho người ta say sưa quên lãng. Đằng này Kiên lúc nào cũng
khát rượu, vậy mà anh rất tỉnh, càng rượu càng tỉnh, rượu giúp anh sáng suốt
tập trung sức lực vào công việc. “Chỉ có người nào biết bỏ qua những cái lặt
vặt thì mới nhận ra được cái chủ yếu của đời sống” — cái nghịch lý ấy ở đây lại
được ứng nghiệm.
Nhìn vào cuộc phiêu lưu văn
học thế kỷ XX, M. Alberes bảo rằng nay là
lúc người ta không đòi hỏi nghệ thuật phải đi vào khám phá ý nghĩa bí mật của
sự vật mà nó chỉ được dùng như một phương tiện giúp con người tự vấn và thách
đố lại mọi ảo tưởng cũng như sự lừa dối. Kiên sẽ phải viết tiểu thuyết là
vì như thế.
Còn Phương. Khi nói thẳng khi
quanh co, song bao giờ Phương cũng kiên trì một thái độ: mọi chuyện hôm qua
không thể giải thích; và cách tốt nhất để sống là hãy quên hết chuyện cũ. Cuối
cùng, giống như một kết cục tất yếu, Phương đã bỏ đi trong sự nhớ tiếc khôn
nguôi của Kiên. Đi như là một sự lãng quên tuyệt đối.
Chúng ta nên hiểu sự kiện này
như thế nào? Trước hết, với Phương đây là bước đi hợp với logic. Nếu Kiên là
con người của tình thế trước mắt thì Phương là con người của một cuộc đời dài
rộng hơn. Kiên là cái duy lý mà chúng ta vốn thiếu trong khi Phương là cái duy
cảm mà người Việt có thừa. Kiên đầy hào hứng trong việc miên man sống với ký ức
vì thật ra Kiên vẫn là mình, vẫn giữ được mình trong chiến tranh. Còn Phương,
sau cái bề ngoài nhởn nhơ và cái vẻ đẹp nguyên vẹn kia, thật ra Phương “bậc
thày thích ứng” đã là kẻ chiến bại. Xét ở một phương diện nào đó, nhờ thích ứng
mà Phương vẫn tồn tại, nhưng xét trên một phương diện khác, con người Phương
hôm qua không còn dấu vết gì nữa, Phương đã thất bại.
Bề ngoài là một tính cách lạc
lõng so với số đông, song Phương là tập đại thành của tính cách cố hữu mà người
Việt nào cũng mang sẵn trong máu.
Song hành như những thách
thức
Chỉ cần đứng tách ra một chút
để chiêm nghiệm đời sống tinh thần của xã hội những năm chiến tranh, thì người
ta phải nhận là qua việc dựng lại diễn biến của nhân vật Phương, Nỗi buồn
chiến tranh có thêm một tầng ý nghĩa mới.
Phương với tác giả không phải
chỉ là chỉ một cách để ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ như nhiều cây bút phê
bình đã viết. Nhìn lại, trong cả cuốn tiểu thuyết, ta thấy Phương làm nên một
cái nền vững chãi cho Kiên, tức là yếu tố làm nên tư tưởng chủ đạo của tác
phẩm.
Bên cạnh Kiên, Phương là một
kẻ đồng hành để so sánh. Một kẻ đối thoại quyến rũ. Và một cách nhìn đời khác,
một thách thức. Lúc gần gũi và thông cảm với nhau, Phương là cái phần cao đẹp
mà Kiên không vươn tới. Lúc bị cuộc đời hành hạ, Phương là kẻ biết mau mắn chấp
nhận để tồn tại, có cách nghĩ thực tế hơn hẳn so với nỗi đau đớn khôn nguôi của
Kiên. Với việc bỏ đi xa để lại cho Kiên niềm nuối tiếc, Phương trở thành tượng
trưng cho cuộc đời gần gũi đấy mà bí ẩn đấy, cái cuộc đời vừa tẻ nhạt chán chường vừa đầy sức quyến rũ mà trong
một phút xuất thần, Lưu Quang Vũ đã kêu lên như một lời thú nhận:
Có ai nói cho lòng ta hiểu
nổi
Về cuộc đời ghê gớm ta
yêu
Tình thế Phương thời hậu
chiến không được nói nhiều, song cái lý riêng của tình thế đó thì đã rõ. Nhân
vật tồn tại như một biểu hiện của cái mệt mỏi buông xuôi thấm vào đám đông sau
chiến tranh. Sau những năm tháng bất thường, méo mó kỳ dị…, người ta muốn sớm
quay về cuộc đời bình thường. Nhất là sau một cuộc chiến quá sức, biết mình
không thể hoàn lương trở lại, người ta muốn tạm đắp điếm cho xong, muốn tìm một
sự bình yên cần kíp cho cuộc sống trước mắt, dù biết là nó giả tạo.
Theo mạch thời gian, thấy
càng về sau Phương càng mất hình mất dạng, càng như tan biến đi, trong khi đó
Kiên càng kiên trì hơn với những câu hỏi ám ảnh, càng trở thành chính mình.
Phương là sự bình ổn với bất cứ giá nào, bình ổn để nhắm mắt sống cho qua cái
hiện sinh ngoài tầm kiểm soát; ngược lại
Kiên – trong hành động nhận thức của mình - lại nổi bật lên như là yếu
tố hư vô mà thách thức và do đó thúc đẩy cuộc đời đi tới.
Việc miêu tả quá trình song
hành giữa hai nhân vật có sự bổ sung cho nhau như Phương và Kiên khiến cho hình
ảnh con người trong Nỗi buồn chiến tranh như được gợi mở với nhiều chiều
kích rộng rãi. Trong khi ghi nhận hai nhân tố có thực trong đời sống, đồng thời
tác phẩm còn tồn tại như lời mời gọi cuộc đối thoại mà lẽ ra xã hội hậu chiến
nên đón nhận. Dù những đề xuất ấy không được chính thức hưởng ứng, song trong
đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam hậu chiến, các nhân vật như Kiên như
Phương vẫn hiện diện, và đấy là cái làm nên lý do trường tồn của tác phẩm.
Không mấy khi, nhà văn Việt Nam xây dựng được những nhân vật có ý nghĩa thách
thức như thế.
2006 -07