VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cái nhìn của Ts Nguyễn Vân Nam ( 1956-2021} về văn hóa giáo dục ở ta hiện thời

 


Nguyên là bài

TS Nguyễn Vân Nam: XIN NÓI THẲNG, KHÔNG CÓ BẢN SẮC DÂN TỘC VN “HIỆN ĐẠI”.

-2008 –

https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/ts-nguyen-van-nam-xin-noi-thang-khong-co-ban-sac-dan-toc-vn-hien-dai-262117.html

 

Về TS NGUYỄN VÂN NAM xin xem một bài trả lời phỏng vấn khác của ông trên blog này 10/9/2021

Bài này nói về nhiều việc khác, và cái ý KHÔNG CÓ BẢN SẮC DÂN TỘC VN HIỆN ĐẠI chỉ được tác giả nhắc thoảng qua nhưng theo tôi quả thật đó đã là một ý tưởng tuyệt đối chính xác

 

******

PLO-Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng rộng ra và người nghèo đang có nguy cơ bị đẩy ra ngoài lề của công cuộc toàn cầu hóa...Cái mà chúng ta gọi là bản sắc dân tộc VN hiện đại hôm nay, theo tôi khác với bản sắc dân tộc truyền thống. Hay nói thẳng thắn là KHÔNG CÓ BẢN SẮC DÂN TỘC VN HIỆN ĐẠI...

·        *

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ một “phỏng vấn ngược”: “Cô định hỏi tôi vấn đề gì?”. Trả lời: “Không khuôn hẹp chủ đề, nhưng cũng không đi ra ngoài những gì ông đã theo đuổi, đi Đông về Tây và… “toàn cầu hóa” nó!

DÙ TOÀN CẦU HÓA,

TÔI VẪN LẤY VỢ VIỆT

Thưa tiến sĩ, tại sao một người thành danh, được trọng vọng ở nước ngoài, lương tháng 10 ngàn Euro, viết sách theo đơn đặt hàng của Liên minh Châu Âu, chọn VN để sống và làm việc sau bao năm xuôi ngược xứ người?

- Rất ngắn gọn: Tôi về VN vì gia đình tôi ở Tây Âu tan vỡ. Nếu sống trong không gian cũ, những kỷ niệm sẽ khiến tôi đau khổ. Và thay vì chọn bất kỳ một đất nước nào khác, đương nhiên tôi về đây, bởi tôi là người Việt.

---

Xin lỗi vì tò mò, ông đã xây dựng gia đình mới?

- Ở nước ngoài, cũng có người hợp với tôi. Nhưng sự hòa hợp rất khó toàn bích, nhất là về mặt tâm hồn. Tâm hồn con người được xây dựng trên nền tảng văn hóa, cách hiểu, cách nhìn, cách thưởng thức văn hóa… Sự khác nhau giữa nền tảng văn hóa, đặc biệt là sự tinh tế trong ngôn ngữ, khiến hai con người thuộc hai nền văn hóa khác nhau khó có cơ hội hòa hợp về mặt tâm hồn. Vì vậy, nếu tôi có xây dựng tiếp gia đình, chỉ có thể là với một người Việt.

---

Có nhất thiết phải “quy định” cho mình như thế không, thưa tiến sĩ, nhất là trong thời của toàn cầu hóa?

- Chúng ta đang ở trong lộ trình toàn cầu hóa, chứ không hẳn đã hoàn toàn toàn cầu hóa. Hội nhập trong toàn cầu hóa là một quá trình, các dân tộc thâm nhập lẫn nhau, đan xen nhau để hình thành nên một hệ giá trị văn hóa chung. Lộ trình hình thành giá trị văn hóa đó không ai nói trước được phải mất bao nhiêu năm. Con người khó khước từ quá trình hình thành giá trị văn hóa chung của loài người. Tìm được tiếng nói chung hay không cũng phụ thuộc vào lộ trình đó. Nhưng trở ngại còn rất nhiều. Ví dụ, rất cần thiết để ai cũng nhận thức ra quyền sống và được bình đẳng là của chính mình, không phải do một ai ban cho, nhưng đâu phải dân tộc nào cũng hiểu ngay đó là điều đương nhiên.

---


MUỐN CẢI TỔ GIÁO DỤC,

PHẢI THAY ĐỔI HOÀN TOÀN QUAN NIỆM

. Và như có lần ông nói, một trong những quyền tối quan trọng và cần được xem như giá trị chung của toàn cầu là “quyền được có cơ hội bước vào đời một cách bình đẳng như nhau của con người”…

. Đúng vậy. Nó liên quan đến giáo dục. Bao giờ giáo dục vẫn được tiến hành trên quan niệm để công dân phục vụ nhà nước, phục vụ dân tộc, thì lúc đó, quyền tối quan trọng như cô vừa đề cập, chắc chắn vẫn không được thực thi.

---

Một cách cụ thể hơn, ông có thể nói về cải tổ giáo dục ở VN?

- Phải xuất phát từ quan niệm giáo dục là trang bị cho con người tri thức, để họ bước vào đời một cách bình đẳng và vì vậy có cơ hội như nhau khi tạo dựng cuộc sống riêng. Cung cấp tri thức chính là nhiệm vụ hiến định chứ không phải sự ban ơn của Nhà nước thông qua giáo dục. Quan niệm như vậy mới có thể nói đến việc thay đổi phương pháp giáo dục, cải cách giáo dục.

---

Với thực tế giáo dục ở VN hiện nay, việc thay đổi một quan niệm đòi hỏi những yêu cầu gì, và liệu có khả thi?

- Rất khó. Hầu như không khả thi. Cho nên, như tôi từng nói, việc đó dẫn đến hậu quả nhỡn tiền là nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu đã và đang chuyển dịch đến những nơi mà họ cho là ở đó họ được tôn trọng, và điều kiện sống, đặc biệt là về giáo dục và an sinh xã hội, thích hợp với họ và con cháu họ. Những nơi mà họ chuyển dịch đến có cả các nước trong vùng Đông Nam Á, hiện đang thu hút nhân tài bằng nhiều chính sách ưu đãi. Chúng ta cứ hô hào cải cách giáo dục, còn người tài thì đang tiếp tục rời bỏ VN.

---

Vẫn có nhân tài người Việt được đào tạo ở nước ngoài trở về VN. Có thể họ về vì yêu nước hoặc vì một lí do nào khác, như ông là một ví dụ?

- Ở nước ngoài, tôi vẫn yêu tổ quốc của mình. Tôi luôn đặt lên hàng đầu yêu cầu về quyền của bản thân. Không thể lấy trường hợp của tôi để ví dụ cho những người khác. Nước Mỹ thì không phù hợp với người trung tuổi như tôi. Tây Âu trong tôi lại đã là quá khứ…

---

Hiện nay, Nhà nước ta cũng đã có rất nhiều chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài. Kiều bào đã có thể mua nhà ở VN, và sắp tới, có thể người Việt sẽ được mang hai quốc tịch. Nhiều chính sách đãi ngộ trong giáo dục cũng đã được đề ra…

- Dù có đãi ngộ đến mấy, điều kiện ở ta vẫn không bằng các nước khác được. Hơn nữa, với trí thức, đâu chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc hay vật chất. Họ cần nhiều hơn những thứ đó. Họ cần tôn trọng quyền tự do sáng tạo, tự do chính kiến. Và quan trọng nhất là chính kiến của họ được đón nhận, được tạo điều kiện để biến thành hiện thực. Họ cần môi trường để di dưỡng và phát triển đời sống tinh thần.

BẢN SẮC MÀ TA ĐỀ CẬP

MỚI LÀ BIỂU HIỆN BÊN NGOÀI

Những giá trị của bản sắc dân tộc, thưa tiến sĩ, có thể gọi tên?

- Bản sắc dân tộc thì ai cũng định nghĩa được, nhưng gọi tên những biểu hiện của nó không dễ. Cái mà chúng ta gọi là bản sắc dân tộc VN hiện đại hôm nay, theo tôi khác với bản sắc dân tộc truyền thống. Hay nói thẳng thắn là không có bản sắc dân tộc VN hiện đại. Trong khi đó, những biểu hiện không đáng tự hào của nó lại đang trùm lấp những giá trị đích thực. Hội nhập mà không giữ được bản sắc, sẽ không thể hội nhập nổi.

---

Những giá trị mà ông gọi là truyền thống và đích thực, biểu hiện của nó là gì? Và chúng ta sẽ gìn giữ nó ra sao, đặt trong việc cải tổ giáo dục như ông tâm niệm?

- Tôi lấy một ví dụ, ở Mỹ, có thể thấy thanh niên Việt kiều ăn mặc hở hang, đi đứng hiphop, nhưng khi vào rạp xem phim, họ xếp hàng, về nhà họ khoanh tay thưa ba, chào má… Ở VN bây giờ các biểu hiện văn hóa như vậy, tôi chưa thấy. Chẳng hạn, tôn sư trọng đạo là một truyền thống, nhưng thực tế điều đó biểu hiện như thế nào, là một chuyện khác. Áo dài, khăn đóng, quan họ, chèo…, theo tôi không phải là giá trị truyền thống, nó chỉ là biểu hiện bên ngoài của những giá trị truyền thống. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải phân biệt được đâu mới là giá trị đích thực.

---

Xưa nay, chúng ta vẫn tự hào người Việt nhân ái, trọng tình, trọng nghĩa…

- Nồng hậu, nhân ái, khoan hòa… vốn được xem là đặc tính của người Việt. Trong tốc độ phát triển của toàn cầu, khả năng đánh mất những điều đó đang là một sự thật. Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng rộng ra và người nghèo đang có nguy cơ bị đẩy ra ngoài lề của công cuộc toàn cầu hóa. Vậy thì sự bình đẳng, khoan hòa, nhân ái… những đặc tính ấy có tồn tại thật không và được không?

Có rất nhiều cách để cải tổ giáo dục, nhưng có những cách người ta không dám làm. Có thể có những cách mà người ta không biết. Nhưng không phải là không có cách. Lịch sử và kinh nghiệm thực tiến của nhiều nước đã chứng minh VN không phải là nước duy nhất có nhu cầu cải tổ hệ thống giáo dục và nhiều lĩnh vực khác như hiện tại.

NÊN HỌC TẬP NỀN GIÁO DỤC TÂY ÂU

 Theo ông, có thể học tập kinh nghiệm của đất nước nào để tương ứng với thực tiễn giáo dục VN hiện tại?

- Chọn mô hình nước nào để học tập là rất khó, kết hợp những ưu điểm trong mỗi mô hình của mỗi nước còn khó hơn. Thực tế thì mỗi nước chỉ có ưu điểm ở một vài lĩnh vực. Ta phải biết chọn ưu điểm của lĩnh vực này thuộc về nước nào, kết hợp nó lại. Bản lĩnh của Nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa thể hiện ở chỗ biết lựa chọn và kết hợp đó. Ví dụ, ở lĩnh vực luật, nếu học tập Luật Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc hay Indonesia, coi như… thua. (Đây là hai nước có tỷ lệ vi phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới – PV).

---

Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, hợp tác giáo dục Việt - Mỹ… là những giải pháp đang được thảo luận nhiều nhất và có khả năng sẽ trở thành khả thi nhất. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

- Hợp tác giáo dục với Mỹ, thoạt nghe thì tốt, về lâu dài, lại thấy chưa ổn. Học tập nước Mỹ về giáo dục, chúng ta sẽ học tập gì? Gửi sinh viên trao đổi giữa hai nước hay là xây dựng mô hình đại học như nước Mỹ? Lấy kinh nghiệm giáo dục của Mỹ để chữa cháy cho các vấn đề giáo dục VN, liệu có thể là giải pháp cho cải cách giáo dục hay không? Còn nếu học tập phương pháp và quan điểm của hệ thống giáo dục Mỹ, tôi cho là còn kém khả thi hơn nữa. Xã hội Mỹ hoàn toàn khác xã hội VN. Tôi nghĩ là nên học tập Tây Âu, nơi một xã hội không tự do theo kiểu Mỹ và đã có hệ thống giáo dục mang tính xã hội hàng trăm năm.

---

Xã hội Tây Âu cũng hoàn toàn khác với xã hội VN vậy?

- Không khác quá lớn so với mục tiêu xây dựng xã hội mà lãnh đạo nước ta đề ra. Tây Âu xây dựng xã hội trên nguyên tắc xã hội dân chủ. Về cơ bản, những nguyên tắc này cũng là nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Thực ra, học tập kinh nghiệm giáo dục của đất nước nào cũng vẫn phải dựa trên những nguyên tắc căn bản. Những nguyên tắc mà hệ thống giáo dục Đức đã phổ quát mà nước Mỹ ngày nay vẫn còn học tập là một ví dụ. Thay đổi quan niệm giáo dục như tôi đã nói là một trong những nguyên tắc đó.

---

Hiện ông có còn tiếp tục các công trình với đề tài toàn cầu hóa?

- Tôi về nước, nên không còn ai… đặt hàng. Nhưng ở thời điểm đó (2002), cuốn sách “Toàn cầu hoá và sự tồn vong của nhà nước” của tôi được đánh giá là đã phân tích toàn diện về toàn cầu hóa, chứ không chỉ chuyên biệt một khía cạnh, hay một lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, v.v… Bây giờ tôi ra nước ngoài chỉ để thực hiện công việc của một luật sư, không còn giảng dạy ở Đức nữa. Nhân đây nói thêm, ở Đức, ba tháng không đứng lớp giảng dạy thì hàm giáo sư không còn nữa, không như ở ta…

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện cởi mở…

 

Sinh năm 1956 ở Cần Thơ, TS Nguyễn Vân Nam tốt nghiệp ngành hóa Đại học Tổng hợp TPHCM, có bằng cử nhân triết học và kinh tế ở Đức, thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ về luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh, tiến sĩ về luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Được phong giáo sư tại Đức năm 2002.

Tác phẩm được Ủy ban Liên minh Châu Âu đặt hàng mang tên “Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước”, xuất bản ở Đức 2002.

Lê Mỹ (Tạp chí Người Đô Thị)

 

 

 

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم