VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Vân Nam ông là ai?

 


Nguyên là bài Người nói chuyện toàn cầu hóa của phóng viên Nguyễn Văn Tiến Hùng

Tuổi trẻ cuối tuần Chủ Nhật, 20/04/2008. 

https://tuoitre.vn/nguoi-noi-chuyen-toan-cau-hoa-253458.htm





***


TTCT - Gọi thế bởi vì ông là tác giả quyển sách Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước, xuất bản ở Đức năm 2002. Đây là một công trình nghiên cứu lớn mà ông thực hiện theo đơn đặt hàng của Ủy ban Liên minh châu Âu.

Chuyện đời ông có nhiều biến động lạ: sinh ở Cần Thơ, 6 tuổi ra Bắc, học và trưởng thành trong trường học sinh miền Nam. Trở thành giáo sư, tiến sĩ tại Đại học HumBold danh tiếng ở Đức rồi thành người nói chuyện toàn cầu hóa cho Liên minh châu Âu...

Trong một căn biệt thự kiểu Đức ngó ra khoảng không mênh mông của ngã ba sông Đồng Nai, tiến sĩ Nguyễn Vân Nam tư lự bỏ cây guitare sang một bên rồi trầm ngâm: “Cuộc đời tôi hình như không thoát ra khỏi những biến cố dữ dội của đất nước mình”. Ông nhắm mắt, nhớ lại những ngày thơ ấu ngắn ngủi trên dòng sông Mang Thít với ký ức tuổi thơ là con đường vào nhà rợp bóng sầu riêng.

Rồi một ngày ngoại bảo thằng cháu chuẩn bị đồ đạc vào cái túi đệm nhỏ để lên đường đi xa lắm. Ý nghĩ của nó chỉ đơn giản là đi đâu đó vài ngày rồi về với ngoại, nhưng rồi đó lại là một cuộc đi xa kỳ lạ nhất trong cuộc đời của Nam: cậu được đưa ra miền Bắc học theo diện bảo vệ con của cán bộ cao cấp trong thời chiến. Hành trình ấy chưa được nhiều người biết đến: những nhóm 5-6 trẻ em được phụ trách bởi một má, người má ấy cũng là người đi cùng đến hết hành trình và ở lại trên đất Bắc.

Đầu tiên, họ “du lịch” qua Phnom Penh, sau đó đi máy bay qua Hong Kong, từ Hong Kong bay sang Trung Quốc và cuối cùng từ Trung Quốc đi xe lửa về Hà Nội và nhập “Trại nhi đồng miền Nam” ở gò Đống Đa. Đó là những học sinh miền Nam theo đúng nghĩa nhất của từ này: được đào tạo từ tuổi nhi đồng.

HÀNH TRÌNH...

Cùng với những người bạn miền Nam, Nguyễn Vân Nam đã trải qua hết mọi nơi mà ngôi trường học sinh miền Nam di tản: từ Kiến An, Hải Phòng đến Móng Cái rồi sang ngược lại Quế Lâm (Trung Quốc), sau hai năm trở về Bình Xuyên (Vĩnh Phú) và ra tới chân núi Tam Đảo...

Đó là những ngày tháng quá đặc biệt: “Trong ký ức của tôi đó là những đêm nằm không cha mẹ, là những ngày tháng sống tập thể cùng bạn bè, là dắt trâu ra bừa ruộng mà sức của mình không đủ nhấn lưỡi bừa xuống đất, phải đứng cỡi lên lưỡi bừa như đi xiếc, là những ngày lạnh như cắt, thầy giáo đưa ra một dòng sông ở Quế Lâm và xua xuống, thằng bé học sinh lớp 4 phải cuống quýt bơi để vượt qua ngưỡng thử thách của đời mình. Đó là những đêm dài nằm nhớ trong mông lung ký ức về Cần Thơ, Mang Thít, về tiếng miền Nam thân yêu của bà ngoại...”.

Năm 1973, đỗ vào ngành hóa Đại học Bách khoa Hà Nội, học năm thứ hai thì miền Nam giải phóng. Đó là chuyến tàu chở hàng mang tên Sông Đà chạy thẳng từ Bắc vào Nam ba ngày đêm. Những chàng học sinh chen chúc dưới hầm tàu cho một chuyến trở về đầy cảm xúc. Món ăn đầu tiên của đất Sài Gòn còn ấn tượng với Nam bây giờ chính là... mì gói.

Năm 1976, bắt đầu lại với khoa hóa của ĐH Bách khoa TP.HCM. Những năm 1980, ra làm việc cho ngành công nghiệp dệt sợi, công nghiệp dầu khí rồi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ... tất cả tưởng đã ổn định con đường và chí hướng. Nhưng năm năm sau đó, ít ai ngờ Nguyễn Vân Nam xuất hiện ở nước Đức trong một chương trình hợp tác lao động và trở thành một trong số ít người Việt chứng kiến phút giây sụp đổ của bức tường Berlin. Anh đã khóc khi thấy những người dân của hai phía bức tường ôm chầm lấy nhau, những khu chợ mà hàng hóa, trái cây được trải ra trên đường cho những người “đồng bào” của mình thỏa sức thưởng thức.

Đó là một lễ hội kỳ lạ của một dân tộc bị cách chia bởi một bức tường. Con đường của Nguyễn Vân Nam rẽ sang một khúc ngoặt mới: anh ghi danh học lại ngành mà mình từng yêu thích ngày xưa: triết học. Đó là ngôi trường mang tên Đại học Tự do tại Tây Berlin. Và cũng ở đây, tình cờ anh phát hiện mình bị choáng ngợp trước hệ thống pháp lý chặt chẽ và tiến bộ nhất châu Âu dựa trên nguyên lý căn bản nhất: “Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm” - (điều I của Hiến pháp Đức). Nghĩa vụ của nhà nước được qui định trên tinh thần: “Mọi công dân sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để có một cơ hội vào đời ngang bằng với nhau”. Mê quá, vậy là Nam ghi danh học luật ở Đại học Humbold.

Thường thì ngành luật ở Đức được đào tạo theo một chế độ rất nghiêm túc, sinh viên luật sẽ phải trải qua hai kỳ thi của Cục Khảo thí liên bang, mà ở đó những giáo sư dạy họ không được chấm bài. Kỳ thi đầu tiên là tốt nghiệp Đại học Luật - tỉ lệ rớt “bắt buộc” luôn là 20-25%. Vượt qua kỳ thi tốt nghiệp ấy, những cử nhân luật sẽ được nhà nước hỗ trợ học thêm kỹ năng khoảng hai năm ở các văn phòng luật sư, viện công tố hay tòa án... để sau đó tham gia kỳ thi quốc gia thứ hai lấy chứng chỉ hành nghề luật sư.

Để tốt nghiệp ngành luật, sinh viên phải trải qua sáu học kỳ và chàng sinh viên người Việt Nguyễn Vân Nam đã hoàn tất đúng thời gian trong sự ngạc nhiên của chính bạn bè người Đức (họ thường mất khoảng 6-8 năm để học ngành luật). Mỗi năm trường có hai lần nhận sinh viên vào mùa đông và mùa hè, mỗi lần 500 sinh viên, đến kỳ thi tốt nghiệp cử nhân chỉ còn 150 sinh viên tham gia và con số rớt vẫn là 20%. Nam đạt thang điểm 10/16 cộng với một đề tài tham dự hội thảo về một tình huống luật gây tranh cãi trong Liên minh châu Âu đã giúp anh đủ điều kiện làm luận án tiến sĩ về luật hành chính công.

Hai năm sau đó Nam lấy luôn bằng tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Với hai bằng tiến sĩ, năm 2002, Nguyễn Vân Nam trở thành giáo sư của Đại học Humbold danh tiếng tại Đức với mức lương khởi đầu khoảng 10.000 euro...

VỀ NHÀ

Đó là ngày ông bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp, bước từ trên bục xuống, người vợ trẻ bật khóc. Ông cảm nhận mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Từ một người dân nhập cư, trở thành tiến sĩ của một ngành đào tạo nổi tiếng khắc nghiệt ở Đức, có một biệt thự đẹp như mơ trong một góc của khu bảo tồn ở Tây Berlin. Xung quanh nhà là rừng, mở tay ra là có thể hái những chiếc nấm thơm ngọt lịm.

Mọi công việc chạy tốt tới mức một ngày ông phát hiện mình đang mải mê với công việc và để mất một gia đình. “Má và ba đi kháng chiến khi tôi sinh ra. Tôi lớn lên chỉ một mình, thời gian sống chung với cha mẹ chỉ tính từng ngày. Má tôi là một cán bộ miền Nam, từng được đào tạo ở một trường thanh niên của Liên Xô rồi quay về tham gia kháng chiến. Ba tôi là một nhà nghiên cứu về chiến lược quân sự cũng được đào tạo ở Liên Xô. Rồi khắc nghiệt của chiến tranh chia cắt khiến gia đình không thể nào đoàn tụ. Ba và má có gia đình riêng. Suốt cuộc đời, tôi sống với ba rất ít, còn với má chỉ gom lại được khoảng hai năm. Gia đình với tôi là khát khao tột cùng...”.

Có lúc ông định bỏ tất cả, nhưng bạn bè đã giúp ông vượt qua cú sốc đó để ông tiếp tục công việc của mình. Ông nghĩ đến ngôi nhà lớn, đến con đường lớn hơn. Tại sao lại ngồi ở Đức và nói câu chuyện của Liên minh châu Âu trong khi ngành ông học lại có thể giúp ích cho đất nước của mình trong cơn lốc toàn cầu hóa? Năm 2003, ông hoàn tất đề tài “Xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp VN trong thời kỳ hội nhập” và báo cáo ở một hội thảo sở hữu trí tuệ. Một vị trong ủy ban người Việt ở nước ngoài đã lo hết mọi thủ tục để thành lập một công ty cho ông tại Sài Gòn.

Bắt đầu những ngày tháng trăn trở với đất Việt. Ông thường bắt đầu những ý tưởng của mình trong căn phòng ngó ra ngã ba sông Đồng Nai. Ông bộc bạch: “Tôi nói thiệt, tất cả những Việt kiều giỏi nhất ở nước ngoài không ai muốn về VN để được hưởng “ưu đãi”. Bởi nhà nước mình làm sao đủ tiền ưu đãi như các quốc gia giàu có? Một căn nhà ở Sài Gòn làm sao bằng ở Paris, New York hay London? Điều quan trọng nhất mà họ cần là hãy lắng nghe họ. Hãy tham khảo và nếu thấy đúng thì mang ra làm chuyện ích nước, lợi dân. Được vậy, nước ngoài có trải vàng ròng, người ta cũng sẽ về VN”.

 

***

...VÀ TOÀN CẦU HÓA Ở VN

Câu chuyện của tôi với ông luôn rớt vào “toàn cầu hóa”.

* Cái gì sẽ diễn ra ở VN trong năm, mười năm nữa?

- Ông bật dậy: Chúng ta có ba giấc mơ kinh khủng! Đầu tiên là môi trường sẽ bị hủy hoại khủng khiếp và không thể nào khôi phục được nữa. Tiếp đó, mươi năm nữa, coi chừng xã hội VN sẽ không còn là VN. Đấy là nguy cơ lớn bởi tầng lớp trung lưu (tầng lớp có thể sống độc lập trong xã hội bằng khả năng của mình mà không phụ thuộc vào Chính phủ hay Nhà nước) không có. Và không có họ tức là không xây dựng được một xã hội dân sự văn minh.

Đây là tầng lớp rường cột của một xã hội dân sự, nhưng ở VN hiện nay họ đang có xu hướng chuyển sang hưởng thụ cuộc sống ở các quốc gia có chế độ an sinh xã hội cao hơn (như Singapore, châu Âu...) và chỉ coi VN như một nơi để kiếm tiền. Tốc độ toàn cầu hóa càng nhanh, tầng lớp này càng có cơ hội tìm thấy sự thăng tiến của mình trong những môi trường thích hợp ở nước ngoài. Trong toàn cầu hóa, một xã hội dân sự văn minh mới có điều kiện bảo vệ và phát huy những giá trị mang đặc trưng dân tộc. Tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng trong mươi năm nữa, người Việt không còn một tí đặc trưng nào của mình trong thế giới toàn cầu hóa này...”.

* Còn giấc mơ thứ ba của tiến sĩ?

- Ông cười: “Người nông dân sẽ rơi vào khó khăn không tưởng được. Sự chênh lệch nhanh giữa nông thôn và thành thị, giữa cả những người nông dân với nhau. Ở nông thôn, người có vốn và quan hệ sẽ chênh lệch dữ dội với người không vốn và không quan hệ, mà từ đây sẽ nảy sinh mâu thuẫn khủng khiếp. Tôi không hề thấy những chính sách nhà nước nào nhằm giải quyết sự chênh lệch này. Một trong những điều Nhà nước có thể làm được (trong khi không ngăn được sự chênh lệch kinh tế) là phải làm cho lòng khoan dung, độ lượng rộng hơn trong xã hội. Bằng cách nào? Phải bắt tay ngay vào việc cải tổ hệ thống giáo dục.

Chỉ có giáo dục mới làm cho người ta hiểu biết và khoan dung hơn đối với sự đổi thay, chênh lệch trong xã hội. Hãy tạo cho mỗi người một sự công bằng về cơ hội bước vào đời bằng giáo dục. Đồng tiền kiếm được là bằng khả năng thật sự của mỗi người được giáo dục tốt chứ không phải kiếm bằng những lý do khuất tất. Đó là con đường mà những nền văn minh đã đi...”.

* Câu hỏi cũ dành cho ông: Nói thế nào, nếu lại đưa lý do: Nước nghèo, tiền đâu cải tổ giáo dục?

- Ông nổi giận: “Đó chính là bản lĩnh lựa chọn của Chính phủ. Cái nào cần đầu tư cho công cuộc trăm năm, đã biết thì sao lại không làm? Nếu không lựa chọn, anh sẽ tiếp tục bị ép giữa hai nguy cơ lớn: sự chênh lệch càng lớn sự khoan dung ngày càng teo lại, khủng hoảng sẽ xảy ra”. Ông nhỏ giọng, kết thúc: “Bây giờ Chính phủ đang có một cơ hội rất lớn: người dân vẫn còn tin tưởng vào Nhà nước và Đảng cầm quyền - nhưng VN còn có rất ít thời gian đương đầu cùng toàn cầu hóa...”.

 

Ghi chú của TTCT 2008

Tiến sĩ Nguyn Vân Nam sinh năm 1956, Cn Thơ. Được đưa ra Bc tr thành hc sinh min Nam t năm 1962. Sau gii phóng, tt nghip ngành hóa ĐH Bách khoa TP.HCM.

Ông có bng c nhân triết hc và kinh tế Đức. Thc sĩ v lý thuyết kinh tế vĩ mô, thc sĩ v lut s hu trí tu và cnh tranh. Tiến sĩ v lut hành chính công, tiến sĩ khoa hc v lut t chc nhà nước và công pháp quc tế. Được phong giáo sư năm 2002. Hin đang sinh sng và làm vic ti TP.HCM.



  *********

TRÍ THỨC LÀ PHẢI QUAN TÂM

TỚI GIÁO DỤC

----

Nguyên là bài NGHĨ TỚI NGUYỄN VÂN NAM

 Của Tâm Chánh, 8-9-2021

Vậy là không có dịp gặp lại anh nữa rồi. Xin tiễn biệt anh, tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, người luôn đau đáu “giáo dục là quá trình hình thành bản sắc cá nhân của con người tự do”.

Là một chuyên gia về luật và kinh tế, học tập và sinh sống ở nước ngoài, vì hoàn cảnh riêng, Nguyễn Vân Nam trở về Việt Nam, sống trong những biến động ở một xã hội đang trong quá trình toàn cầu hoá.

Toàn cầu hoá, với ông không chỉ là sự thích ứng, mà là tọa độ “con người tự do có phẩm giá”.

Con người dù là một nhân tố của thị trường hay là một thành viên của quốc gia, dân tộc, tư cách bình đẳng chính là phẩm giá phải được bảo đảm, phải đấu tranh để bảo vệ.

 Làm người, với Nguyễn Vân Nam, là làm con người cá nhân.

Nguyễn Vân Nam kiên quyết bác bỏ mọi đánh đổi phát triển bằng cách hy sinh môi trường, bởi môi trường là “tài sản của tôi”.

Nguyễn Vân Nam nhìn thấy trong các vụ cướp môi trường từ Vedan, Formosa… sự bất bình đẳng trong tư cách làm người giữa “tôi” với doanh nghiệp, thậm chí là thể chế, để kiên trì thúc đẩy người dân đi kiện. Không kiện được bằng luật Việt Nam thì kiện bằng luật Đài Loan. Đại sự tranh chấp chủ quyền quốc gia trên biển Đông cũng được ông kiến giải bằng cách làm người tự do có phẩm giá đó, khởi xướng ngư dân kiện chính quyền Trung Quốc.

Học thuật của ông cũng là hệ thống tiến bộ xã hội được đúc kết thành lý luận để bảo đảm cho quyền bình đẳng ở cấp độ cá nhân ấy của con người.

Nhà nước pháp quyền hay mô hình kinh tế thị trường xã hội mà ông xiển dương không ngoài mục đích thực hiện tương quan bình đẳng giữa cá nhân và các nhân tố cạnh tranh làm nên thị trường tự do. Tôn trọng quyền của cá nhân người tiêu dùng được coi là một nghĩa vụ bảo đảm cho cạnh tranh bình đẳng.

Cuốn sách là một trải nghiệm thực sự phong phú diễn biến con đường hội nhập toàn cầu với chủ thể trung tâm là con người Việt Nam. Ở đó, lòng dũng cảm dân sự được ông chọn lựa như một phẩm chất xã hội nhất thiết để hình thành con người tự do. Lòng dũng cảm dân sự ấy cũng là phương thức đấu tranh giành lấy tư cách làm người trên con đường san lấp những hố sâu bất bình đẳng xã hội, những khấp khểnh của thị trường tự do cạnh tranh.

Học để làm gì, trong một bài viết, tiến sĩ Nguyễn Vân Nam không ngại bác bỏ kinh nghĩa lâu nay để xác định mục đích của việc học là cho bản thân.

Giáo dục là quá trình hình thành bản sắc cá nhân của con người tự do chính là luận điểm trung tâm của Nguyễn Vân Nam khi luận bàn về giáo dục.

Cải cách giáo dục theo Nguyễn Vân Nam trước hết phải là thay đổi những quan niệm căn bản về giáo dục.

Thật lạ lùng, trong bối cảnh “đổi mới”, hoàn thiện thể chế thị trường, Nguyễn Vân Nam phản đối gay gắt thương mại hóa giáo dục dù là núp bóng tinh vi dưới chiêu bài xã hội hoá.

Ông coi giáo dục là một nghĩa vụ chính yếu của nhà nước, lý do để nhà nước tồn tại. Bởi giáo dục là phải cung cấp cơ hội bình đẳng về tri thức, kĩ năng để con người vào đời, để làm việc, để sống chung trong một xã hội đa dạng và thay đổi.

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم