Từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX trở về trước, người châu Âu thường yên trí rằng mình dùng thứ chữ viết hợp lý nhất, khoa học nhất, tiến bộ nhất.
Vì thứ chữ ABC của họ là thứ chữ ghi âm. Năm 1897, Hội ngữ âm học quốc tế ra đời cùng với bảng chữ cái gọi là Tự mẫu phiên âm quốc tế - International Phonetic Alphabet (IPA), được coi là lý tưởng của lối chữ ghi âm.
Trong mấy thập kỷ kế theo, người ta thi nhau lên án những cái
"bất hợp lý" trong hệ thống chính tả của những thứ tiếng như tiếng
Pháp và tiếng Anh ("phát âm một đàng viết một nẻo") và những đề án
cải cách chính tả thi nhau lần lượt ra đời.
Thế nhưng gần một trăm năm đã qua, mà không có một đề nghị nhỏ
nào trong các đề án đó được thực hiện.
Thật là may, vì đó là một việc không thể làm được, và không nên
làm một chút nào.
Niềm tự hào ấu trĩ về lối viết ABC cũng như những cáo trạng ồn
ào về tính "bất hợp lý" của chính tả Pháp, Anh và những đề nghị cải
cách chữ viết đủ kiểu đều xuất phát từ một sự lầm lẫn thô thiển: lúc bấy giờ
người ta chưa hiểu cho lắm là chữ viết có chức năng gì trong đời sống và trong
nền văn minh, và nó cần phải như thế nào mới làm tròn được chức năng ấy ở mức
tối ưu.
Kể từ những năm 30 trở đi, sau những công trình của Trường ngữ
học Prague nêu rõ những chức năng và yêu cầu của ngôn ngữ viết khiến cho nó
khác với ngôn ngữ nói, những tiếng kêu gào trước kia dần dần im lặng, và chẳng
còn mấy ai buồn nhắc đến nữa.
Người ta đã hiểu rằng không có lấy chút cơ sở khoa học nào để
khẳng định rằng chữ viết ghi âm là "khoa học nhất", và thứ chính tả
lý tưởng là "phát âm thế nào viết thế ấy".
Kịp đến thập kỷ 70, những bước tiến lớn của ngành ngữ học và
những phát hiện của âm vị học về khái niệm "tổ hợp âm" càng khiến cho
các định kiến cũ lộ hết tính chất vô căn cứ của nó.
Số là ở phương Tây người ta nhận thấy có một số trẻ em không sao
học đánh vần được, và do đó học mãi cũng vẫn không biết viết.
Số này rất ít, nhưng không ít đến mức có thể bỏ mặc làm ngơ, nó
chiếm khoảng 0,01% đến 0,02% số trẻ em ở lứa tuổi học tiểu học. Nghĩa là trong
một triệu em có khoảng từ một ngàn hai đến hai ngàn em như thế. Người ta gọi
"chứng bệnh" này là alexia (chứng không đọc chữ được) hay dislexia
(chứng mất khả năng đọc chữ). Những em này thường được coi là "khuyết
tật" hay thậm chí "quá đần độn" không hy vọng gì trở thành người
có chút ít học thức được.
May thay, có những nhà ngữ học nảy ra cái ý nghi ngờ rằng nguyên
nhân của tình trạng này không phải ở các em, mà chính là ở lối viết ABC.
Năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí
nghiệm. Họ mở một số lớp gồm toàn trẻ em "khuyết tật" mắc chứng
alexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán (xin bạn đọc hiểu
đúng cho: dĩ nhiên các em ấy học tiếng Anh và học các môn khác bằng tiếng Anh,
nhưng các từ tiếng Anh đều được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu He came to a
high mountain được viết bằng sáu chữ Hán là "Tha đáo cập nhất cao
sơn").
Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1600 từ đơn, và về khả năng
hấp thu tri thức, chúng tỏ ra không "đần độn" chút nào, mà kết quả
học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC.
Người ta hiểu ra rằng các em này chẳng phải có khuyết tật gì,
chẳng qua trong não của chúng hình như công năng của bán cầu bên phải (tri giác
tổng hợp) trội hơn công năng của bán cầu bên trái (tri giác phân tích) cho nên
chỉ nhận dạng được chữ Hán vốn có hình thể đặc trưng rất rõ, mà không tách được
các từ ra từng âm tố - từng chữ cái.
Ðể hiểu rõ hơn hiện tượng này, ta hãy xét qua cơ chế của việc
đọc chữ.
Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra
các từ ngữ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một
người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi,
rồi miệng, rồi tai ...) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay
người đó [1]
.
Trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "diện mạo tổng
quát" này được gọi là Gestalt. Cái Gestalt này càng gọn ghẽ (prégnant) bao
nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy
nhiêu.
Về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây. Mỗi chữ Hán là một
Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài
không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như
chữ Hán. Ta thử so sánh cách viết mấy từ sau đây, trong cách viết bằng chữ Hán
được đặt cạnh cách viết bằng chữ Tây (ABC)* :
Không có gì đáng lấy làm lạ nếu sách chữ Tây rất khó đọc theo
cách "Nhất mục thập hàng" như sách chữ Hán.
Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ "Quốc
ngữ" thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc
đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng
lẽ sự tiến bộ củaTrung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore
không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?
Năm 1985, trong một cuốn sách nổi tiếng, cuốn Le nouveau monde sinisé
(Thế giới Hán hóa ngày nay), Léon Vandermeersch [2] khẳng định rằng sở dĩ những
"con rồng" nói trên thành rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán
[3] .
Chỉ còn một nước chưa
thành rồng được : Việt Nam. Nước này đã bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó đã từng
dùng. Dĩ nhiên, ta có thể không đồng ý với học giả này, nhưng khó lòng có thể
nói rằng đó là một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên.
Chữ ABC đối với đa số quả có một ưu điểm lớn là họcrất nhanh. Muốn đọc chữ ABC
chỉ cần học vài tháng, trong khi muốn viết 1200 chữ Hán thông dụng thôi đã phải
mất một năm.
Ưu điểm đó khiến cho chữ "quốc ngữ" đắc dụng trong
thời Pháp thuộc, khi mà người ta cần thanh toán việc học đọc học viết tiếng mẹ
đẻ cho nhanh để chuyển sang học chữ Pháp và tiếng Pháp. Nó cũng đắc dụng trong
thời kháng chiến, khi cần thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc.
Nhưng trong hoàn cảnh độc lập, trong hòa bình, trong sự nghiệp
xây dựng văn hóa, cái ưu thế này không còn lớn như trước nữa.
Trong những điều kiện bình thường, dành vài ba năm tiểu học cho
việc học chữ (đồng thời các môn khác), không phải là một việc gì quá phí phạm.
Tốc độ và chất lượng giảng dạy ở các trường tiểu học, trung học và đại học ở
Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Singapore không hề kém so với các nước
dùng chữ Tây, trong đó có Việt Nam.
Trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta còn có một điều làm cho chữ
"quốc ngữ" đâm ra có vẻ ưu việt đặc biệt: đó là sự tồn tại của chữ
Nôm hồi bấy giờ.
Trước khi có chữ
"quốc ngữ", ông cha ta dùng chữ Nôm để viết tiếng mẹ đẻ. Mà chữ Nôm
thì khó hơn chữ Hán rất nhiều (theo một chuyên gia Hán Nôm, nó khó gấp 5 lần).
Chính nhờ sự tương phản với thứ chữ phức tạp, khó học ấy mà chữ "quốc
ngữ" có vẻ như "tiện"hơn hẳn.
Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ
Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn
làm), nghĩa là mỗi chữ có hai cách đọc, Hán âm (Kan-on) và Quốc âm (Go-on) [4]
, thì tình hình có lẽ đã khác.
Tiếng Nhật là tiếng đa âm tiết; thế mà người Nhật vẫn dùng được
chữ Hán (Kanji) cho hầu hết các văn bản, tuy thỉnh thoảng có thêm như chữ Kana
(ghi từng âm tiết) cho các phụ tố (như no: chỉ sinh cách, de chỉ vị cách , ni
chỉ tặng cách v.v.).
Nhưng nếu vậy làm sao người đọc biết được một chữ nào đó cần
được đọc theo Hán âm hay theo quốc âm? Chẳng hạn nếu viết , làm sao biết lúc
nào đọc là sơn, lúc nào đọc là núi? Trong đa số trường hợp, văn cảnh sẽ mách
cho ta biết. Chẳng hạn nếu thấy viết ta sẽ biết phải đọc là cao sơn thượng, còn
nếu thấy , ta sẽ biết đó là trên núi cao, trừ phi có những lý do khác không cho
phép đọc như vậy. Nếu cần, có thể dùng một vài dấu phụ. Kinh nghiệm hàng chục
thế kỷ dùng chữ Hán để viết tiếng Nhật ít ra cũng chứng minh được rằng lối viết
nói trên có thể dùng một cách có hiệu quả. Tiếng Nhật, vốn là ngôn ngữ chắp
dính (agglutinating) đa tiết, đã dùng được chữ Hán như vậy, thì tiếng Việt, vốn
cùng loại hình đơn lập như tiếng Hán, lại càng dễ dùng chữ Hán hơn.
Tiếng Việt có một cấu trúc ngữ âm khác hẳn các thứ tiếng châu
Âu. Trên hơn 320 trang sách, người viết mấy dòng này đã chứng minh rằng âm vị
học của phương Tây (vốn là nền tảng lý thuyết của cách viết ABC) không thể đem
ứng dụng để nghiên cứu và phân tích những thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán,
tiếng Việt hay những thứ tiếng chắp dính như tiếng Nhật, hay những thứ tiếng
"có sườn phụ âm" như tiếng A Rập, tiếng Do Thái v.v. Nó chỉ có giá
trị và hiệu lực đối với các ngôn ngữ biến hình. Việc phân tách mỗi tiếng (âm
tiết) ra thành nhiều âm tố (speech sound), rồi thành nhiều âm vị (phonems), là
một hiện tượng kỳ quặc chỉ có thể có với một cấu trúc ngữ pháp trong đó mỗi
tiếng có thể gồm hai ba yếu tố có nghĩa (chẳng hạn, từ shla trong tiếng Nga (1
âm tiết) gồm có ba hình vị (ba yếu tố có nghĩa): sh có nghĩa là "đi",
l có nghĩa "quá khứ", a có nghĩa "giống cái" [5] .
Từ đó ta có thể thấy rõ rằng chữ viết ABC, vốn phản ánh cái cấu
trúc ấy, khó lòng thích hợp với tiếng Việt và cách tri giác của người Việt đối
với tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếng Việt (và khá nhiều thứ tiếng khác ở Việt Nam),
tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Myanmar, tiếng
Malagasy (Madagascar), tiếng Mixteko, tiếng Mazateco, v.v. là những ngôn ngữ âm
tiết tính, trong đó âm tiết là một đơn vị có cương vị ngôn ngữ học minh xác,
lại không thể phân tích ra thành những "âm tố" có cương vị tương
đương, trong khi trong các thứ tiếng châu Âu chính âm tố mới có cương vị của
những đơn vị ngôn ngữ ("âm vị") còn âm tiết lại không có cương vị
ngôn ngữ học gì. Không phải ngẫu nhiên mà châu Âu chính là nơi phát minh ra chữ
viết ABC. Và sở dĩ thứ chữ này được phổ biến ra khắp thế giới, khônh phải vì
một nguyên nhân ngôn ngữ học, mà chính là vì địa vị thống trị của các nước đế
quốc chủ nghĩa ở châu Âu.
Hiện nay tất cả các khách du lịch đến nước ta đều kinh ngạc
trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài
và di tích lịch sử. Họ nói "Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất
nước mình". Nạn mù chữ Hán cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt
gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biệt tiếng La
Tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán, thứ
chữ đã từng được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt, những từ mà ngày
nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao.
Việc học chữ Hán không
thể không được
đưa vào chương trình
trung học.
Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương
Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng
chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ
đẻ của từng dân tộc (theo họ, đến lúc ấy các hàng rào ngôn ngữ - barrières
linguistiques - xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc, sẽ bị vô hiệu hoá, và đến
lúc ấy nhân loại sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng gấp trăm lần so với hiện
nay.quay lại với chữ Hán. Việc từ bỏ chữ Hán để chuyển sang chữ Tây là một sự
kiện không còn hoán cải được nữa rồi. Nhưng, cũng như một trận hồng thủy, những
tác hại của nó có thể khắc phục được: ta còn có thể học và nghiên cứu chữ Hán
như một di sản của văn hoá dân tộc, và do đó mà bảo tồn một truyền thống quý
giá đi đôi với những nghệ thuật cao cả như thư pháp, vốn là tài sản chung của
các dân tộc Viễn Ðông và có thể làm thành một mối dây liên lạc giữa các dân tộc
rất gần gũi nhau về văn hoá này.
(Ðăng lần đầu trên Kiến thức ngày nay số 14, 15-6-1994) [6]
[1] Do đó, lối học đọc thông qua "đánh vần" là một
cách làm sai trái ngay từ nguyên lý. Bây giờ trên thế giới không còn mấy nơi
dùng cách học này
[2] Hiện nay là Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (École
francaise d´Extrême-Orient- trước đây ở Hà NộI, bây giờ ở Paris).
[3] Léon Vandermeersch 1985, Le nouveau monde sinisé. Paris:
Seuil.
[4] Chẳng hạn, cách đọc Kan-on của chữ SƠN…* là [san], còn Go-on
là [yama].
[5] Cao Xuân Hạo 1985, Phonologie et linéarité. Réflexions
critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine. Paris: SELAF.
[6] Sau khi KTNN đang bài này, toà soạn có
nhận đưọc nhiều ý kiến phản đối tác giả, trong đó có một bức thư viết
:"... hình như ông Hạo học quá nhiều thứ vô bổ cho nên quên mất thứ quan
trọng nhất: đạo làm người. Một người đã đưa nước Việt Nam từ cõi man rợ đến ánh
sáng văn minh rực rỡ của châu Âu như Alexandre de Rhodes mà ông nỡ quên ơn thì
thử hỏi ông đi học bấy nhiêu năm để làm gì?
Hoá ra công ơn của ông A.de Rhodes là thế. Tác giả bức thư không biết rằng vị
thừa sai này tuyệt nhiên không góp một chút gì vào quá trình xây dựng chữ quốc
ngữ (từ đầu đến cuối, đó là công sức của các giáo sĩ Bồ Ðào Nha, như những tài
liệu mới công bố sau này đều xác nhận). Vả lại nước ta không thể coi là một nước
"man rợ" trước khi có chữ "quốc ngữ", và việc Trung Quốc,
Triều Tiên, Nhật Bản và hàng trăm nuớc khác không la tinh hoá chữ viết mà vẫn
tiến nhanh hơn ta nhiều, cũng cho thấy rằng cái "ơn" của thứ chữ này
không lớn đến mức ấy.