VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Phan Thuận An - Tạp chí Đại Học : Đứa con tinh thần sáng giá của Viện Đại Học Huế

Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết theo tôi là rất có giá trị. Vì máy tính của tôi mới hỏng và trang blog này mới được cài lại,nhất là vì trình độ vi tính của tôi có hạn nên khi đưa lại ở đây tôi không đưa được mấy tấm ảnh quý cùng mấy bảng thống kê;ròi tôi lại không biết làm thế nào để giữ được những phân đoạn tỉ mỉ của tác giả trong cả bài- nhưng vì thấy bài quá hay nên tôi đành cáo lỗi với tác giả mà cứ đưa lên ở đây mong được tác giả và bạn đọc tha thứ.Sau đây là đường link của bài mà tôi đã save lại http://www.tintuchangngay.org/2021/02/phan-thuan-tap-chi-ai-hoc-ua-con-tinh.html ===============s “Tin tưởng ở hoàn cảnh thuận lợi của đất Huế trước vấn đề nêu cao văn hóa quốc gia, ngày 1/3/1957, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa [Ngô Đình Diệm] đã ban hành sắc lệnh số 45-CD thiết lập tại Huế một Viện Đại học cùng một số trường chuyên môn phụ thuộc Viện, lấy tên là Viện Đại học Huế… Nhờ sự điều khiển tận tụy của Linh mục Viện trưởng Cao Văn Luận với sự cộng tác chặt chẽ của các bậc thức giả Huế, Viện Đại học đã được long trọng khánh thành ngày 12/11/1957”[1]. === Ngay từ đầu, những người thành lập Viện đã chủ trương Đại học không phải là một “tháp ngà” chỉ để giáo sư truyền đạt kiến thức cho sinh viên, mà cơ sở giáo dục cao cấp này còn là môi trường dùng để phổ biến và giao lưu tri thức giữa giáo chức và sinh viên của Viện với học giới và các thành phần ưu tú khác trong cộng đồng dân tộc. Nói cách khác, Đại học còn cần phải đảm nhiệm sứ mạng giáo dục sâu rộng trong quần chúng. “Muốn đạt tới ý định ấy, chúng tôi thiết tưởng cần có một tờ báo làm sợi dây liên lạc, nơi trao đổi phản ảnh những nỗ lực tìm kiếm, nhận định khảo cứu thuần túy nhưng bắt đầu từ những vấn đề đặt ra trong đời sống…”[2]. Thế là sau một thời gian thai nghén chừng 3 tháng, Tạp chí Đại Học đã ra đời với số đầu tiên vào tháng 2/1958, xem như đứa con tinh thần biết nói của Viện. Có thể xem Tạp chí Đại Học như là một cơ quan ngôn luận mang tính độc lập của Viện Đại học Huế. Cũng có thể xem tất cả các nhà bỉnh bút đã từng đóng góp công sức và tâm trí để tạo nên bộ Tạp chí Đại Học ở Huế là một học hội trong mặt bằng sinh hoạt văn hóa của miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Trước đó trên đất nước ta cũng đã từng có những học hội do người Pháp thành lập: Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) thành lập vào năm 1883 tại Sài Gòn. Trường Viễn Đông Bác cổ (École Française d’ Extrême-Orient) thành lập năm 1898 tại Hà Nội. Hội Đô thành Hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) thành lập năm 1913 tại Huế. Mỗi học hội vừa nêu đều xuất bản một tạp chí riêng của mình để chuyển tải và phổ biến những công trình nghiên cứu của Hội đến với học giới và độc giả trong toàn xã hội: Hội Nghiên cứu Đông Dương có Tập san Hội Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Études Indochinoises, viết tắt là B.S.E.I). Trường Viễn Đông Bác cổ có Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ (Bulletin de l’ École Française d’ Extrême-Orient, viết tắt là B.E.F.E.O). Hội Đô thành Hiếu cổ có Tập san Hội Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué, viết tắt là B.A.V.H). Với kinh nghiệm đó, việc xuất bản Tạp chí Đại Học là một hệ quả hầu như tất yếu của việc thành lập Viện Đại học Huế, huống chi có người cũng đã xem đây là một Học viện. Vả lại, chuyển ngữ cũng là một vấn đề quan trọng mà Viện cũng như Tạp chí đã đặt ra. Thay bằng giảng dạy và đăng tải bằng tiếng Pháp như dưới thời thuộc địa trước kia, nay cần phải dùng tiếng mẹ đẻ để truyền đạt và trao đổi kiến thức, đặc biệt là ở cấp Đại học. Sau một năm thử nghiệm, Tạp chí đã đưa ra một tuyên ngôn rất rõ ràng: “Tiếng Việt cho học giới Việt”, đó là châm ngôn của Tạp chí Nghiên cứu và Nhà Xuất bản Đại học suốt một năm nay phát triển khả quan bên cạnh Viện Đại học Huế, một Học viện dùng Việt văn làm chuyển ngữ… “Mục đích của Tạp chí là phản ảnh những nỗ lực nghiên cứu của các giáo sư và sinh viên… về những ngành chuyên môn trong phạm vi giảng dạy như văn chương, nghệ thuật, triết lý, khoa học, luật học v.v…”. “Từ đời sống Đại học đến đời sống Đại chúng… thường xảy ra những ngăn cách do quan niệm sống và kiến thức bất đồng, Tạp chí Đại Học ra đời còn có mục đích phá vỡ những hố chia cách trên để gắn bó cuộc đời chung của dân tộc”[3]. Cơ quan ngôn luận này đã minh định rằng: Để Tạp chí không trở thành một diễn đàn độc thoại, chỉ nói một chiều chỉ mang tính giáo điều, “Chúng tôi cho rằng Tạp chí là một nơi gặp gỡ, đối thoại, trao đổi giữa người đọc và người viết trong một công trình chung, không ai hoàn toàn là chủ động hay thụ động… Những vấn đề nêu lên thường rộng rãi, phức tạp, do đó không ai có tham vọng nắm được toàn diện vấn đề, vì mỗi người chỉ có thể đưa ra những ý kiến, những nhận định về một vài khía cạnh và từ một quan điểm nào đó thôi”. Tóm lại sự thành lập Tạp chí Đại Học nhằm hai mục đích. Một là “biên soạn những bài vở thuộc các ngành chuyên môn trong Đại học bằng tiếng Việt”. Hai là “nghiên cứu những vấn đề văn hóa, nhân bản từ những phân tách thực tại quốc gia và quốc tế ngày nay”[4]. II. Tạp chí Đại Học: hình thức và nội dung Tôi may mắn còn giữ được trọn bộ Tạp chí Đại Học, mặc dù gia đình đã trải qua nhiều biến động dữ dội của thời thuộc. Bộ Tạp chí được xếp đặt ở vị trí trang trọng nhất của một trong những tủ sách của gia đình. Khi biên soạn bài khảo cứu này, tôi đưa cả bộ ra đặt trước mặt trên bàn viết để trực tiếp khảo sát và đọc đi đọc lại nhằm nêu rõ hình thức và nội dung của nó. A. Hình thức Xuất bản 2 tháng một kỳ, trọn bộ Tạp chí gồm 40 số, tính theo thứ tự từ số 1 đến số 40. Đáng lẽ là có 40 tập, nhưng vì có 2 tập được in ghép là số 4 - 5 và số 35 - 36, thành ra chỉ còn 38 tập. Số đầu tiên được “trình làng” vào tháng 2/1958 và số cuối cùng được phát hành vào tháng 8/1964. Tất cả đều có cùng một cỡ: 15cm x 24cm. Kể cả bìa, số mỏng nhất là 110 trang (số 6) và số dày nhất là 238 trang (số 4 - 5). Tính trung bình, mỗi số dày 1cm. Bề dày cả bộ đo được khoảng 2 gang tay, gần 4 dm với 6.287 trang. Số lượng bài được đăng tải trong các số nhiều ít không đều. Số lượng bài nhiều nhất là 18 bài (ở số 11), và số lượng bài ít nhất là 6 bài (ở số 33 hoặc số 34). Dù chênh lệch nhau như thế, tổng cộng lại cũng có đến 353 bài, trong đó tính luôn cả những phần khác nhau của các bài dài được phân bổ để in thành nhiều kỳ. Riêng về số thứ tự của Tạp chí được ghi ở bìa 1 của các số, đã có sự thay đổi cách ghi trong hai năm 1961 và 1962. Thay bằng ghi theo số thứ tự như bình thường, Tòa soạn lại ghi từ số 1 đến số 6 cho mỗi một trong hai năm ấy, ví dụ: “số 1 năm thứ IV”, “số 6 năm thứ V”… Xin lập bản liệt kê dưới đây để nắm bắt một số thông tin cụ thể liên quan đến những nội dung vừa được đề c ập. (....) Như vậy, trong thời gian hoạt động tích cực của mình kéo dài được 6 năm 6 tháng, từ tháng 2/1958 đến tháng 8/1964, Tạp chí Đại Học đã chuyển tải đến độc giả được 353 bài với 6.287 trang in. Các số của Tạp chí đã được ấn loát tại một số nhà in Sài Gòn rồi tại Huế, tuần tự như sau: Nhà in Bảo Vinh, 86 đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Nhà in Nam Sơn, 36 đường Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Từ số 13 trở đi, tức là từ tháng 1/1960, Tạp chí mới được ấn loát tại Huế do chính Nhà in Đại Học đảm trách, chỉ trừ số 35 - 36 là do Nhà in Sao Mai ở địa chỉ 76 đường Nguyễn Huệ, Huế thực hiện. Nhà in Đại Học lúc đầu đóng ở số 5 đường Nguyễn Trường Tộ, nhưng từ số 32 (tháng 4/1963) đến số cuối cùng (tháng 8/1964) lại chuyển đến địa chỉ số 2 đường Huyền Trân Công Chúa, Huế. Toàn soạn và Trị sự lúc đầu đặt tại số 36 đường Lê Lợi, Huế, nhưng sau đó dời đến địa chỉ số 20 đường Lê Đình Dương. Nhà Xuất bản Đại Học cũng có sự di chuyển từ đường Hoàng Hoa Thám đến đường Lê Đình Dương trong thành phố Huế. Còn về người “Chủ trương biên tập” thì như một sự tình cờ, 40 số Tạp chí được chia đều cho hai vị giáo sư nổi trội nhất với bút lực mạnh mẽ nhất trong Tòa sạn bấy giờ là Nguyễn Văn Trung (từ số 1 đến số 20) và Trần Văn Toàn (từ số 21 đến số 40). Mỗi vị phụ trách chẵn 20 số Tạp chí. Tòa soạn cho biết sở dĩ có sự thay đổi nhân sự như thế là vì Giáo sư Nguyễn Văn Trung “phải lĩnh trách nhiệm mới ở Viện Đại học Sài Gòn,… không thể thường xuyên ở Huế để tiếp tục đảm đang công việc”[5]. Mặc dù chủ bút có đổi thay nhưng chủ trương vẫn không thay đổi. Đọc từ số 1 đến số 40, chúng ta thấy có sự thống nhất từ đầu đến cuối về cả hình thức lẫn nội dung. Đặc biệt là cách trình bày ở bìa 1 và bìa 2. Ở bìa 1, hai chữ “Đại Học” luôn luôn chiếm gần 1/4 chiều cao của trang giấy, dưới đó là tiêu đề những bài quan trọng nhất trong số Tạp chí. Bìa 2 bao giờ cũng là trang dành để ghi mục lục. Nhìn chung từ bìa đến ruột, diện mạo tờ Tạp chí rất đơn giản, chân phương, không tô vẽ bằng màu sắc lòe loẹt. Thật là nghiêm túc, đúng với phong cách của một tờ Tạp chí nghiên cứu khoa học. Chỉ tiếc một điều là hình ảnh minh họa không phong phú như ở bộ “Bulletin des Amis du Vieux Hué” trước kia. Về hình thức của bộ Tạp chí Đại Học, có lẽ nên nói thêm đôi lời về tập “Phụ trương” của nó. Vào những năm đầu của thập niên 1960, tôi là một độc giả trung thành của Tạp chí, cho nên đã hân hạnh được Tòa soạn tặng cho một tập Phụ trương. Nó cũng được bảo quản nguyên vẹn cùng với bộ Tạp chí từ đó cho đến nay. Đây chỉ là một tập sách rất mỏng, tính cả bìa lẫn ruột chỉ có 20 trang, cỡ 23cm x 14,5cm (gần bằng cỡ của Tạp chí). Tập Phụ trương có nhan đề là “Những vấn đề đã được Đại Học đề cập đến từ năm 1958 đến 1962”. Riêng trang cuối được dùng để nêu tiêu đề các bản dịch Việt ngữ từ nguyên văn tiếng Pháp hoặc tiếng Anh của một số tác giả Tây phương, như Henri Bergson, Robert Campbell, Albert Camus, Walt Whitman, v.v. Ví dụ: Từ số 19 đến số 27, Linh mục Cao Văn Luận đã dịch các bài sau đây của Henri Bergson sang tiếng Việt: Ý thức và sự sống (số 19), Linh hồn và thể xác (số 20), Mộng (số 21), Hình ma người sống (số 22), Hoài niệm của hiện tại và hiện tượng nhận sai (số 25), Cố gắng tri thức (số 26), Óc não và tư tưởng: một ảo tưởng triết học (số 27). Ở bìa 2, Toà soạn của Tạp chí viết: “Cùng quý vị độc giả, “Chúng tôi kính biếu quý vị Độc giả Đại Học tập Phụ trương gọn và đầy đủ này với mục đích giúp quý vị khỏi mất thì giờ khi muốn tìm kiếm một đề tài để đọc như văn chương, lịch sử, triết học, khoa học, luật học, kinh tế,v.v… “Ngoài ra, tập Phụ trương này còn giới thiệu cùng quý vị gần 80 ngòi bút có tên tuổi trong nước, cũng như các nhà học giả ngoại quốc (Đức, Pháp, Mỹ, Trung Hoa Quốc gia, Thụy Điển v.v…) đã cộng tác với Đại Học trong năm năm liền từ 1958 đến nay, với một ý niệm chân thành là góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đúng với chủ trương và đường lối mà Đại Học đã đề ra”. Trong tập tài liệu này, tên các tác giả được sắp xếp theo thứ tự A, B, C… tiếp đến [là] các đề tài đã được nêu lên, vào năm nào, năm thứ mấy của Tạp chí (trong ngoặc), rồi số báo được ấn hành và sau cùng là số trang đã ghi những đề tài ấy. “Kính biếu” Mặc dù không thấy ghi thời điểm xuất bản, chúng ta cũng có thể căn cứ vào nội dung của nó để xác định tập Phụ trương đã được ấn hành vào cuối năm 1962 hoặc đầu năm 1963. Dù sao, tập Phụ trương này cũng chỉ cho biết nhan đề và tác giả của những bài viết và bản dịch từ ngoại văn đã được đăng tải trên Tạp chí Đại Học trong 5 năm đầu mà thôi (từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1962). Tạp chí vẫn còn tiếp tục phát hành suốt một năm rưỡi sau đó nữa (từ năm 1963 đến giữa năm 1964), nghĩa là tới khi xảy ra những biến có chính trị rối ren liên tiếp ở Sài Gòn và Huế thì Tạp chí mới đình bản. B. Nội dung Trong lời tổng kết vắn tắt về Tạp chí Đại Học vào tháng 12/1962, Chủ nhiệm của Tạp chí, Linh mục Viện trưởng Cao Văn Luận, đã nói rằng: “Trong năm năm vừa qua, Tạp chí đã bàn tới các vấn đề văn chương, lịch sử, triết lý, khoa học, luật học, kinh tế, v.v…”, với lực lượng công tác viên hơn 70 người, bao gồm cả người Việt Nam và người ngoại quốc[6]. Sau đó đúng một năm, Tòa soạn Tạp chí đã viết: “Đến đây, Đại Học đã kết thúc cuộc hành trình 6 năm chẵn trên con đường phụng sự học thuật nước nhà”[7]. Hai đoạn văn ngắn vừa được trích dẫn đã nói lên một cách cô đọng mục đích và nội dung của Tạp chí Đại Học. Mục đích là góp phần phát triển nền học thuật của nước nhà, và nội dung là đề cập đến nhiều lãnh vực liên quan mật thiết với đời sống trong xã hội. Để biết rõ hơn một chút về nội dung của Tạp chí Đại Học, tôi xin chép lại chủ đề của từng số vốn được ghi rõ ở bìa 1 hoặc bìa 4 của các số. (....) Riêng về chủ đề nội dung của hai số 37 và 40, không thấy được ghi ở nơi nào cả. Cho nên, dưới đây xin chép lại nhan đề của các bài viết đã được nêu bật ở bìa 1 của hai số Tạp chí đó. Số 37: Mấy nhận xét về sự phủ nhận tha nhân. Chánh quyền mạnh, đặc điểm của chế độ dân chủ thế kỷ XX. Huyền thoại và bạo động. Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương. Một số tục cổ của người Việt qua các hội mùa. Phương pháp và ví dụ về việc định thời đại một tác phẩm cổ. Lão Trang… Việc chép sử. Lễ Tế Giao. Sự truyền “sóng T” (âm thanh) trong các đại dương. Số 40: Triết lý tình yêu trong tư tưởng của Maurice Nédoncelle (tiếp theo số 34). Hai nguồn mạch của đạo đức và tôn giáo. Khí luận. Một số tục cổ của người Việt qua các hội mùa (tiếp theo). Đám tang vua Gia Long. Mấy tài liệu về tôn giáo trong dân gian: Táo quân diễn ca, Thiên Y thánh mẫu truyện ca; Thất thủ Kinh đô tân truyện. Qua đó, chúng ta thấy nội dung của Tạp chí Đại Học là rất rộng. Nó đề cập đến nhiều lãnh vực của đời sống con người, kể cả văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể, từ các vấn đề thuộc khoa học xã hội và nhân văn đến các vấn đề thuộc khoa học tự nhiên. Trong cố gắng thực hiện tham vọng kiến tạo trình độ giáo dục và đào tạo của Viện Đại học Huế lên ngang tầm của đại học quốc gia và quốc tế, Linh mục Viện trưởng Cao Văn Luận đã nhiều lần xuất ngoại để cầu viện chất xám ở không ít các Đại học trên thế giới. Do đó, Cha đã quy tụ được khá đông đảo các vị giáo sư, tiến sĩ, học giả có thực tài từ ngoại quốc về Huế để giảng dạy. Đó là chưa kể một số giáo sư và thức giả từ Sài Gòn và các nơi khác trong nước cũng được Viện mời về “thỉnh giảng” tại đây. Và tất nhiên, các thức giả và các nhà nghiên cứu nổi tiếng ở địa phương đều tham gia vào việc giáo dục và đào tạo ấy một cách nhiệt tình. Nhìn chung, họ là những nhà giáo có uy tín, những nhà khoa học có thực lực. Trong khi đó thì như một nguyên lý, việc giảng dạy đại học và việc nghiên cứu khoa học luôn luôn đi liền với nhau như bóng với hình. Những tri thức khoa học nhân văn hay tự nhiên của họ tất nhiên là để truyền thụ cho sinh viên, đồng thời phần lớn được truyền bá rộng rãi ra ngoài xã hội thông qua việc đăng tải trên Tạp chí Đại Học. Do đó, chất lượng của những bài viết ở đây không thể “thường thường bậc trung” như ở các báo chí khác trong nước bấy giờ. Về các nhà bỉnh bút lúc ấy, bên cạnh nhân vật trung tâm của Tạp chí là Chủ nhiệm Linh mục Cao Văn Luận, còn có sự góp mặt của nhiều nhân sĩ trí thức có học hàm học vị và có thực học thực tài: Từ ngoại quốc về hoặc gửi bài từ ngoại quốc, như: Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Lâm Ngọc Huỳnh, Nguyễn Nam Châu, Lê Văn, Lê Tuyên, Lê Văn Hảo, Đỗ Đình Thạch, các Linh mục Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Thanh Lãng, Nguyễn Phương; Hoàng Xuân Hãn, Bùi Quang Tung, Võ Quang Yến, Chen-Ching-Ho (Trần Kinh Hòa), Olov R.T.Janse, Erich Wulff, v.v… Từ Sài Gòn và Đà Lạt, như: Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Khắc Hoạch, Huỳnh Văn Lang, Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Đình Hòa, Trương Văn Chình, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Hiến Lê, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Bạt Tụy, v.v… Tại Huế, như: Phan Xuân Sanh, Bửu Kế, Phan Văn Dật, Nguyễn Toại, Linh mục Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Văn Dương, Tăng Thị Thành Trai, Thái Văn Kiểm, Bửu Dưỡng, Tôn Thất Hanh, v.v… Với một lực lượng trí thức cộng tác viên đông đảo gần 80 vị tương tự như thế, Tạp chí Đại Học đã đăng tải hơn 350 bài viết và công trình nghiên cứu khoa học. Nổi bật nhất trong số đó là những bài và công trình nghiên cứu về văn hóa, văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học, vật lý học, kinh tế học, y học, giáo dục, v.v… Về văn hóa và văn minh của dân tộc, có các bài: “Thử đặt lại vấn đề văn hóa ở Việt Nam” của Nguyễn Văn Trung (số 7), “Nguồn gốc văn minh Việt Nam” của Olov R.T.Janse (các số 12, 13, 14) và có chủ đề “Chung quanh vấn đề văn hóa” (số 39). Về văn học, có những bài nghiên cứu phê bình và khám phá về truyện thơ cổ, như: “Đặt lại vấn đề Truyện Kiều hay phê bình văn học” của Nguyễn Văn Trung (số 1), “Thử tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều theo một phương pháp mới” của Nguyễn Đình Giang (số 8), “Thời gian hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh” của Lê Tuyên (số 9), “Biện chứng phản diện trong Cung Oán Ngâm Khúc” của Lê Tuyên (số 4 - 5), “Chinh Phụ Ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày” của Lê Tuyên (số 19); một loạt bài về tiểu thuyết Việt Nam trong các số 20 và 21, “Nguồn nước ẩm của Hồ Xuân Hương” của Đỗ Long Vân (số 37), v.v… Về triết học, có các bài: “Tìm hiểu xã hội học” của Lâm Ngọc Huỳnh (số 8 và số 10), “Vị trí của trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý” của Trần Văn Toàn (số 18), “Triết học và lịch sử triết học” của Nguyễn Văn Trung (số 26), “Bước tiến của khoa tâm lý học” của Trần Thái Đỉnh (số 26), “Siêu hình học đi đến đâu” của Lê Tôn Nghiêm (số 26 và số 28) và một số bài giới thiệu về các triết gia: Jean Paul Sartre (số 2), André Malraux (số 2), Albert Camus (số 14), Martin Heidegger (các số 18, 24, 33), Karl Jasper (số 18), Merleau Ponty (số 18), Gabriel Marcel (số 18), Karl Marx (số 22 và số 25), Bergson (các số 20, 21, 25, 26, 27…), v.v… Về Lịch sử và sử học, có các bài viết về nước ta như: “Một nền sử học quốc gia” của Trương Bửu Lâm (số 6), “Một vài ý kiến về sự nghiệp Gia Long” của Phạm Việt Tuyền (số 8), “Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng dưới mắt sử gia” của Bùi Quang Tung (số 10), “Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam Chí Lược” của Trần Kinh Hòa (số 13), “Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ” của Trần Kinh Hòa (số 15 và số 16), “Những bước đầu của anh em Tây Sơn” của Nguyễn Phương (số 26), “Tiến trình hình thành của dân tộc Việt Nam” của Nguyễn Phương (số 32), “Những sai lầm của Đại Việt Sử ký Toàn thư” của Nguyễn Phương (số 35 - 36), “Bàn về Hùng Vương” của Nguyễn Toại (số 34), “Bàn thêm về Hùng Vương” của Nguyễn Đức Cung (số 35 - 36), “Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?” của Nguyễn Phương (số 29), “Tiền sử và lịch sử Lạc Việt” của Nguyễn Phương (số 38); những bài viết về Huế và triều Nguyễn của Bửu Kế: “Từ việc Hồng Bảo bị truất đến việc phản nghịch ở Kinh thành” (số 6 và số 8), “Xã hội Việt Nam trong con mắt của cố Đắc Lộ” (số 19), “Kinh thành Huế” (số 22 và số 23), “Vua Đồng Khánh thăng hà, vua Thành Thái đăng quang” (số 27), “Huế ngày xưa” (số 28), “Khiêm Cung ký” (số 30), “Lăng Tự Đức” (số 31), “Huệ Nam Điện hay là Điện Hòn Chén” (số 35 - 36), “Lễ Tế Giao” (số 37 và số 38), “Đám tang vua Gia Long” (số 40), v.v… “Về các lĩnh vực ngôn ngữ học, dân tộc học, y học, vật lý học… đều có các bài viết chuyên sâu của một số trí thức hàng đầu của miền Nam thời bấy giờ”. “Tạp chí còn dành những chuyên đề tập trung ý kiến thảo luận của trí thức Sài Gòn và Huế về những vấn đề lớn như phát triển kinh tế miền Nam, mở mang kinh tế ở các nước Đông Nam Á, đào tạo trí thức Việt Nam, tìm một quan niệm tổ chức giáo dục kỹ thuật ở miền Nam (số 11, tháng 9/1959); thảo luận về xây dựng nền đại học quốc gia, về sự tự trị của đại học (số 13, tháng 1/1960)…”[8]. Đây là Tạp chí mang tính học thuật, cho nên có khi xuất hiện sự bất đồng ý kiến giữa các tác giả của một số bài viết và công trình nghiên cứu. Trên diễn đàn chữ nghĩa này, từng xảy ra những cuộc tranh luận, có khi gay gắt như là “bút chiến”. Đáng để ý nhất là 3 trường hợp dưới đây: Sau bài “Bàn về Hùng Vương” của Nguyễn Toại (số 34), Nguyễn Đức Cung liền viết bài “Bàn thêm về Hùng Vương” (số 35 - 36) để phản bác về sự phủ nhận triều đại Hồng Bàng trong ngoại sử Việt Nam. “Chung quanh vấn đề Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?” (số 35 - 36), Nguyễn Phương đã tranh luận với Văn Tân là tác giả của một bài viết về chủ đề ấy đăng ở Tập san Nghiên cứu Lịch sử tại Hà Nội vào tháng 9 năm 1959. Lý lẽ hai bên đưa ra khác hẳn nhau. Đây thực sự là một cuộc bút chiến, đọc rất lý thú và bổ ích. Nhẹ nhàng hơn, ở số 31, Bửu Kế đã “Góp ý kiến về bài Vụ hành hình tám mạng gia đình Hồng Bảo của ông Bùi Quang Tung” đăng ở số 30. Người góp ý đã nêu lên “đôi chút lầm lẫn đáng tiếc” của cụ cử Lê Cương Phụng khi dịch thiếu chính xác lời Châu phê của vua Tự Đức về bài Dụ liên quan đến bản án do Nội Các dâng lên. Ngoài nội dung phong phú trên đây, các số của Tạp chí thường mở chuyên mục “Đời sống Viện Đại học Huế” để giới thiệu những hoạt động ngoại khóa và những sinh hoạt khác nhau của giáo sư và sinh viên trong Viện nói chung và các phân khoa nói riêng. Nhờ mục này mà độc giả biết được tiến trình nghiên cứu, dịch thuật và thành quả đáng trân trọng của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam do Viện thành lập và do Giáo sư Trần Kinh Hòa làm Chủ tịch. Từ Huế, Giáo sư đã đại diện cho Ủy ban đi tham dự Đại hội Sử gia Quốc tế (International Conference of South- East Asian Historians) diễn ra tại Singapore vào tháng 1/1961[9]. Nhờ chuyên mục này, chúng ta mới biết được danh sách những sinh viên thi đậu các chứng chỉ hoặc tốt nghiệp Cử nhân hay Bác sĩ Y khoa của một số niên khóa ở các trường Đại học trong Viện[10]. Cũng nhờ Tạp chí Đại Học, chúng ta mới biết được rằng trực thuộc Viện, ngoài các trường Đại học như Văn Khoa, Luật Khoa, Y Khoa…, và Trường Cao đẳng Mỹ thuật, còn có Viện Hán học. Viện Hán học Huế được thành lập vào năm 1959 và đến niên khóa 1961 - 1962 thì đã có đến 140 sinh viên theo học[11]. Cho đến bấy giờ, Sài Gòn và Hà Nội đều chưa có cơ sở nào dùng để đào tạo một cách quy củ các chuyên viên Hán học như ở Huế. Với hình thức trang nhã và với nội dung đầy ắp giá trị học thuật của mình, bộ Tạp chí Đại Học là một di sản văn hóa quý báu, một đứa con tinh thần sáng giá của Viện Đại học Huế. Đáng tiếc là vì tác động không thuận lợi của thời cuộc, nó phải ngưng hoạt động và để lại một khoảng trống rất lớn cho Viện trong nhiều năm sau đó. _________________ [1] Trích từ bài “Viện Đại học Huế” của Phan Xuân Sanh, Tạp chí Đại Học, số 7, tháng 1/1959, tr.123. [2] Trích từ “Lời phi lộ” của Tạp chí Đại Học, số 1, tháng 2/1958, tr.4. [3] Phan Xuân Sanh, bài đã dẫn, tr.134 - 135. [4] Trích từ bài “Kiểm điểm” của Tạp chí Đại Học, số 7, tháng 1/1959, tr.3 - 5. [5] Tạp chí Đại Học, số 21 (tức là số 3 năm thứ IV), tháng 7/1961, tr.3. [6] Linh mục Cao Văn Luận, “Hướng đi”, Tạp chí Đại Học, số 30 (tức là số 6 năm thứ V), tháng 12/1962, tr.809 - 810. [7] Trích từ lời ngỏ “Cùng quý vị độc giả” của Tạp chí Đại Học, số 35 - 36, tháng 10 và 12/1963, tr.777. [8] Nguyễn Xuân Hoa, “Lịch sử báo chí Huế”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2013, tr.195. [9] “Đời sống Viện Đại học Huế”, số 22, tr.196 - 172. [10] “Đời sống Viện Đại học Huế”, số 21, tr.134 - 137; số 28, tr.649 - 651’ số 33, tr.441. [11] Linh mục Cao Văn Luận, “Diễn văn… đọc trong dịp lễ khai giảng long trọng niên học 1961 - 1962”, Tạp chí Đại Học, số 23 (tức là số 5 năm thứ IV), tr.113. http://vannghehue.vn/

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم