VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê viết về hai tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

 

Nguồn  http://thuykhue.free.fr/stt/n/nguyenhuythiep.html

Giăng lưới bắt chim

Một trong những truyện ngắn rất hay gần đây của Nguyễn Huy Thiệp là "Chuyện ông Móng". Ông Móng là một nhân vật "độc nhất vô nhị", ông làm chủ một cái chợ cũng "độc nhất vô nhị": chợ phân, ngay bên thềm thủ đô văn vật. Sự tinh vi của ông Móng trong cách hành nghề làm ta giật mình. Hãy xem cách ông phân giải giữa chợ, hệt như Bao Công:


"Người phụ nữ cầu cứu "ông chủ chợ":
- Bác Móng! Phân này của cháu mà chê là chua thì có ức không?
Ông Móng đến gần xem xét. Ông ta dùng một cái gắp phân bằng cật tre, trông hơi giống một cái đũa cả sục sâu vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên mũi ngửi. Một con nhặng xanh bay nhoằng ở ngay trước mặt ông ta. Ông ta lùi một bước, quắc mắt, chuyển cái gắp phân từ tay trái sang tay phải rồi ước lượng đón đầu đường bay của con nhặng xanh, đập vèo một cái vào không trung. Ông ta hô lớn:
- Chết này!
Sau tiếng hô người ta thấy con nhặng xanh ngã vật ngay xuống ở giữa sọt phân. Ông ta bình thản bảo người mua hàng:
- Phân tốt đấy, không chua đâu! Chắc hố xí nhà này gần chỗ làm đậu phụ nên có nước tương lẫn vào!"


Ông Móng là "người hiền" đã nhìn thấy những hỗn độn pha chế giữa thực phẩm, hư phẩm và phế phẩm, thời mở cửa một chiều, trong toàn diện cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Dường như ông muốn nhấp nháy cho chúng ta thấy nguy cơ của những giao lưu nửa mùa, trộn trấu, chỉ tiếp nhận những phế thải của người mà không biết. Và những môi trường xập xí xập ngầu nước tương và nước xí là những "mô hình" ô nhiễm trầm trọng nhất mà Nguyễn Huy Thiệp muốn trình bày trong các tác phẩm vừa hoàn tất. Giăng lưới bắt chim khoắng vào những ô nhiễm trong "thế giới tư tưởng" của người lớn và Tuổi hai mươi yêu dấu trình bày hệ quả tác quái của các chế độ xập xí xập ngầu.

Dòng đầu cuốn sách mới nhất, Nguyễn Huy Thiệp viết như thế này: "Khi xem xét thế giới nội tâm của mình đa số nhà văn có lương tri đều ngượng. Các sự kiện thảy đều vụn vặt, chắp vá, nhem nhuốc, những suy luận duy tâm duy vật đan kẽ nhau thậm chí bỉ ổi". Samuel Beckett có một ý khác, tương tự: chẳng có gì để nói, chẳng có gì để viết, vậy mà vẫn cứ bắt buộc phải nói, phải viết những thứ chẳng có gì đáng nói đáng viết. Nguyễn Tuân gọi tất cả những thứ lẩm cẩm này là pháp trường trắng, ông có ý bảo: tờ giấy trắng là đoạn đầu đài của nhà văn.


Tóm lại, nhà văn là một kẻ luôn luôn ở trong trạng thái khốn cùng, chung thân hắn bị đặt trước pháp trường trắng, chung thân hắn bị xử tử vì bí chữ, bí ý, mà cũng lại chung thân hắn bị người ta gán cho những sứ mệnh lớn lao, ấy là chưa kể hắn còn bị những cơ chế chính trị đặt ra một loạt tabou, cấm kỵ, đụng vào là rồi đời. Bàn về tất cả những khổ ải này của nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng : "Tôi đã suy nghĩ nhiều điều đó và tôi thường ngờ rằng chuyện này có bàn tay chính trị nhúng vào.
Trong đời sống tất cả sự nhạy cảm mà bọn nhà văn tưởng bở nhìn chung chẳng ăn nhằm gì so với sự nhạy cảm ở nhà chính trị. Tôi rất thú chuyện khi ghi hồ sơ của Vũ Trọng Phụng, một viên cò thời thuộc Pháp trước đây đã phê ba chữ:"vô nghề nghiệp"
. Từ trạng thái vô nghề nghiệp chuyển sang trạng thái lưu manh ranh giới chỉ là cái tặc lưỡi. Sự hạ nhục của viên cò vô danh kia điển hình cho một khía cạnh nhạy cảm chính trị nào đấy đối với người cầm bút". Nói một cách "bác học", đó là mối tương quan giữa chính trị và văn học trong "phương pháp luận" của Nguyễn Huy Thiệp. Một lối luận phiếm, ỡm ờ, có vẽ giỡn mà rất ghê. Vừa trực tiếp vừa gián tiếp, có khi chửi thẳng, có khi vo tròn trong mấy vòng mạch nha, nhấm nháp đến cùng mới thò ra nhân cuội.

Giăng lưới bắt chim là một tập tiểu luận, tạp văn, phê bình như thế. Bốn bài đầu, viết trong khoảng từ 89 đến 92, thường gọi là thời kỳ cuối cởi trói. Sau đó Nguyễn Huy Thiệp ngừng luôn tám năm, đến 2000, mới viết lại những bài nho nhỏ, ký bút hiệu Dương Thị Nhã, đăng trên các báo ngoại vi, rồi đến gần đây, vẫn theo lời giới thiệu của Đỗ Hồng Hạnh, người sưu tầm, thì Nguyễn Huy Thiệp mới lại ký tên thật và bắt đầu dè dặt giới thiệu một số người như Đồng Đức Bốn, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, v.v...


Điểm đầu tiên có thể gây thích thú hay ác cảm là cái giọng viết như chơi, như đùa, vậy mà làm chơi ăn thật. Ai muốn lên tiếng phê phán hay tưởng thưởng một cuốn sách như vầy là mắc nỡm ngay. Nhưng chơi không phải chuyện đùa, chỉ những Tú Xương, Tản Đà... mới dám chơi và chơi ngông. Nguyễn Huy Thiệp cũng ngông. Cái ngông của Thiệp ở đây là đã đem tất cả những thứ mà người ta thường làm một cách trịnh trọng -người ta ở đây là các nhà lý luận phê bình- họ phô đầy những phương pháp, chủ nghĩa, trường phái ra để lý giải điều nọ thuyết kia, nhưng lại làm bằng những chữ chết, còn Thiệp với những con chữ tươi rói như mẻ cá vừa đánh dưới ao, tôm tép vừa hớt ngoài đồng, chúng là những chữ sống, chữ động, chữ cười, chúng bẻm mép với bạn, chúng luận đùa, lý phiếm những vấn đề nghiêm chỉnh.


Làm cho người cười đã không dễ. Cười thâm thúy lại càng chẳng dễ tí nào. Người Việt Nam, theo Nguyễn Văn Vĩnh, gì cũng cười. Nhưng cái cười mà ông Vĩnh nói đến, hình như, nếu không phải cười ruồi thì cũng là cười trừ, cười vô duyên, rất nhạt, ít "tư tưởng". Có thể vì ta có ít tác giả trào phúng lớn, hay vì ta không biết cười cho hay, hoặc cả hai. Rồi có một dạo cười trở thành tabou, người ta cấm cười: Vũ Trọng Phụng bị coi là kẻ phản động mãi trong nhiều thập niên sau mới được phục hồi, rồi vinh thăng.


Ở Nguyễn Huy Thiệp là cái cười tủm tỉm, có khi cả năm phút sau nghĩ ra mới cười, đôi khi cười ra nước mắt, cũng có lúc thì cười khì, nhưng không bao giờ cười nhạt, cười chay. Những người không thích cười chớ đọc Thiệp.


Lấy ví dụ như "thân phận nhà văn", thứ chủ đề thường được khêu ra, gợi đến một cách vừa trân trọng vừa thương xót, đôi khi với rất nhiều nước mắt (cá sấu), thì Thiệp đem đào bới xới lộn, lật tùng phèo nó lên, có lúc không ngại "cập nhật hoá" ca dao, cho "hội nhập với đời sống mới: "Ra đường võng giá nghêng ngang, về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày? Cám rang tôi để cối xay. Hễ chó ăn chết thì mày với ông". Thử hỏi có cách diễn đạt nào "thi vị" và có "hồn dân tộc" hơn về "thân phận ngựa xe" tấp nập của đám sĩ phu đương thời như thế?


Khi đem chữ nghĩa bác học để cạnh ngôn ngữ nông dân thuần túy, đôi khi họ nói rất tục, mới thấy cái duyên của những con chữ cởi trần, và sự thiếu mắm muối của những cô chiêu cậu ấm chữ con các đồng liêu trong triều. Nguyễn Huy Thiệp chọn lối chữ trần, lối nói nông dân, cách viết nông dân, cách luận nông dân... Cả cách viết truyện ngắn của Thiệp cũng xẩy ra theo diệïn nông dân như thế, nghĩa là chỉ biết "kể", toàn diện nông dân, nghĩa là hà tiện chữ, ít chữ, khiến cho nhiều người phải chép miệng chê Thiệp ít học. Nói như Thiệp, từ ít chữ đến ít học ranh giới chỉ là cái tặc lưỡi.


Nhưng đó là một lựa chọn có "ý thức", có "cơ sở": Mẹ tôi là nông dân. Theo thuật ngữ phê bình bác học thì Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một "chủ nghĩa nông dân" trong nền văn học đương thời. Tại sao, ta có thể dám chắc như vậy? Trước hết là tại cái nhan đề cạm bẫy "Giăng lưới bắt chim". Đọc xong bạn sẽ ngơ ngẩn hỏi: hắn muốn bắt ai kìa? Hỏi như vậy mắc nỡm rồi, chỉ có dân nhà quê mới ngu như vậy, hay nói cho đúng: hỏi như vậy là "tỉnh" quá rồi, chỉ có Việt kiều hay dân thành phố mới hỏi vậy, người nhà quê, chẳng ai hỏi thế bởi đọc Thiệp là họ hiểu ngay, đấy là cuộc đời chén tái, là bản lai diện mục của họ.Ví dụ Thiệp kể: "Hồi bé tôi rất hãi hùng truyện cô Tấm lấy xác cô Cám làm mắm để gửi cho dì ghẻ ăn, đến khi ăn đến đầu lâu mới biết là con gái mình. Tôi cũng rất hãi sợ một gã chôn sống mẹ mình vì bà đứng ra nhận tội cho con dâu khi sàng gạo đã đánh chết con gà chọi yêu dấu của gã, truyện này có tên là "Đứa con trời đánh". Kho tàng truyện cổ ở ta đầy rẫy những thằng ngốc, thằng khù khờ nhưng rút cục đều "ăn nên làm ra", những anh hùng thì bị chém cổ mà phụ nữ thì đức hạnh tuyệt vời" Đố bạn biết Thiệp nói ai? Nếu không phải là nông dân, bạn cứ việc mày mò tìm kiếm, chứ người nhà quê họ thấy từ khuya rồi: từ đầu đến cuối, tất tật đều đã nhỡn tiền, tất tật đều đã xẩy ra trong đời sống nông thôn, từ chuyện đầu lâu, chôn sống, đến thằng ngốc, thằng khờ, đứa con trời đánh... không một khúc, một đoạn nào, trong lời kể nôm na này mà người dân quê đã không sống qua, không có kinh nghiệm tử sinh trong gia đình, trong dòng họ. Cách kể và luận như vậy, ta tạm gọi là "chủ nghĩa nông dân", vàø cái chủ nghĩa văn học mới toanh này có ít nhất hai lợi điểm:


1-Đưa ta đến gần sự thật, tức là gần nghệ thuật, một cách rất bỡn.


2-Với tập sách nhỏ này, bạn có thể đọc kiểu bói Kiều, như vậy rất thú vì bạn sẽ vấp phải những câu phương ngôn ngắn, đôi khi đắng ngắt như bồ hòn, đôi khi mặn chạt như muối bể, đôi khi chua loét như dấm thanh, chúng nằm vất vưởng trên đường đi của mắt bạn. Những lời đại loại như sau:


-Đa số người ta chết lao lực vì kiếm miếng ăn, còn một số đông khác nữa thì chết oanh liệt bởi "đạn quân thù".
- Câu hỏi về nội tâm chỉ đến với các nhà văn giữa hai giấc mơ: giấc mơ ban đêm và giấc mơ ban ngày. Giấc mơ ban đêm thì một mình, còn giấc mơ ban ngày thì chẳng có ai.
- Đa số người cho đến chót đời mình vẫn quẩn quanh trong khuôn khổ giáo khoa thư.
-Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần.Văn học ở ta rất ít muối.
-Những kẻ đểu cáng nhất trong số những nhà văn đương thời thường bất chấp Tạo hoá, bất chấp tự nhiên, giầy xéo lên bản tính người để tìm kiếm danh lợi ở cơ chế chính trị trước mắt.
-Sự hớn hở của nhà văn thường chỉ chứng tỏ việc nhà văn bỗng dưng biến hoá thành nhân vật chính trị tầm thường dung tục mà thôi. Quả thật những nụ cười hớn hở ấy đôi khi trông cũng dễ thương, ngắm kỹ ai tinh sẽ nhận ra vẻ tội nghiệp trong đó. Cơ chế chính tri xã hội đương thời mạnh đến nỗi có thể mạo danh Tạo hóa biến đổi con người mà chính người đó chẳng hề hay biết, họ đành đổ bừa cho "số phận" (!)
-Trong lịch sử văn học nước ta, cả dân tộc đã vài lần bị một hai con ranh con hoặc vài ba chú mục đồng thôi miên bởi thứ văn chương ỡm ờ nửa thiên thần nửa quỷ sứ. Hình như trong việc này có sự đóng góp của một số nhà lý luận phê bình văn học nào đó. Số này nếu không đểu cáng thì chắc chắn phải là thiển cận.
- Từ sâu trong thâm tâm, bản chất của nhân dân là vô thần. Việc nhấn mạnh tính chất vô thần ấy trên trang sách nghĩa là tưới dầu vào lửa.
-Chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng tình trạng hiện nay của dân tộc ta là thê thảm. Tôi không muốn nói đến thế giới vật chất mà muốn nói đến thế giới tinh thần.
-Sự gây rối loạn ở nhà thơ khác hẳn sự gây rối loạn phàm phu tục tử. Dù cho Arthur Rimbaud có đi buôn vũ khí nhưng ông chưa bao giờ là người chủ trương "bạo động xã hội". Các nhà thơ nếu có bắn thì bắn chỉ thiên: đó cũng là một lỗi lầm nữa trong thiên tư của ho ï- (họ có) tinh thần cải lương tức là (hoá giải) với "địch"!
-Tôi rất khó chịu với những câu thơ đầu môi chót lưỡi về lòng nhân từ bản năng, tính thiện bản năng hoặc là trò ngâm ngợi thứ lòng tốt nhỏ kiểu từ thiện xã hội. Tác giả của nó mới chỉ la liếm ở vành ngoài của tính thiện. Ở vành ngoài của tính thiện bao giờ cũng nhơ bẩn:nó là máu ... me, là cuống nhau sót lại của bà mẹ Ác.
-Cần lưu ý là bọn đê tiện cũng có "thơ" và "thơ" của chúng còn nhiều là khác. Tôi không dám khẳng định rằng một dân tộc đi đâu cũng thấy tiếng thơ véo von là một dân tộc suy
đồi nhưng bất hạnh là cái ch
ắc.
...


Cứ như thế, Nguyễn Huy Thiệp có thể đi từ hạt cát, cọng rơm, cọng cỏ... để phát triển ra con chó sói, con cáo già, con khủng long, con quái vật ở Hắc Hồ... nói rõ hơn, Thiệp có thể xuất hành từ nhà "lão nhà giầu nứt đố đổ vách, lớ quớ ra sông ngã xuống sông chết đuối", để luận sang sự lớn lao hay ti tiện của nhà văn, nhà chính trị, để bàn đến sự chính danh, sự chính và bất chính, và cuối cùng đi đến kết luận "chính tà đều chẳng thiết, thanh tịnh đến vô cùng".


Cách viết tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp có ngông, nghĩa là đôi khi nói toẹt ra những điều mà nhiều người có chút nhân phẩm, tự trọng đều muốn nói, nhưng nhát, chỉ dám rỉ tai thì thầm to nhỏ với nhau, hoặc chẳng dám thì thầm với ai cả, chỉ lâm râm cắn rứt bụng mình. Dùng lối trực luận, pha mật đắng, Nguyễn Huy Thiệp, đi từ bình văn bình thơ, sang số phận nhà văn nhà thơ, sang tư cách và phong cách của họ, sang mối tương quan giữa chính trị và văn học, sang tính chất song song giữa nhà văn, nhà chính trị, giữa sự bất chính trong văn chương và sự bất chính trong chính trị. Nhà văn nằm giữa cửa ải trống rỗng mênh mông của tờ giấy trắng và sức ép của bốn trùm băng đảng Mafia: dục vọng, quyền lực, tiền bạc và tôn giáo.


Chẳng phải tình cờ mà Nguyễn Huy Thiệp bình thơ văn của những Đồng Đức Bốn, Lê Kim Giao, Nguyễn Bảo Sinh... những người thuộc dạng vô danh trên văn đàn, tiểu tốt trong xã hội lắm danh, ít chính này: Lê Kim Giao, một ông giáo nhà quê. Nguyễn Bảo Sinh chuyên nuôi chó cảnh, mèo giống và gà chọi có tiếng ở đất kinh kỳ. Đồng Đức Bốn, nhà thơ lục bát gin, "khi viết những câu thơ hay nhất thì chính anh cũng không biết nó hay như thế nào". Nguyễn Bảo Sinh có những câu thơ khật khùng như:
 


Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông
...
Nếu yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần tự do.
 


Đồng Đức Bốn được Nguyễn Khoa Điềm tặng một bài thơ trong có câu thơ bất hủ "Văn chương lấm láp vêu vao mặt người" và Nguyễn Huy Thiệp "tiếc cho Đồng Đức Bốn đọc không nhiều sách, không chịu học hành, đôi khi lại bừa bãi ngông cuồng, lại không biết viết (anh thường làm thơ trong đầu rồi đọc cho người khác chép), vốn từ vựng có lẽ chỉ ngót nghét có... 600 từ! Nếu không, chúng ta đã có một nhà thơ chân quê hạng nhất!"
Ta thử đọc vài câu thơ "lấm láp" ấy xem sao:
 


Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.

 


Đọc kỹ những câu thơ dấm dớ trên đây, bạn sẽ hiểu cả ba "thành phần": Thành phần tặng cho Đồng Đức Bốn nhãn hiệu "văn chương lấm láp", kẻ đem cái văn chương "lấm láp" ấy ra giới thiệu với đời và mối nguy cơ của tất cả các sự lấm láp, vêu vao, thất học, nhà quê: bao nhiêu là thứ bùa mê, vẫn không bằng được nhà quê của mình.


Điều đáng ngại chung của các trường phái nông thôn, vô học... là nó rất giống môn phái mà Thiệp gọi là"ngộ năng", nólại na ná như trường phái Bút Tre, trên "tỉnh", đã từng sản xuất ra những câu thơ bất hủ, đại loại như:


Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng


Tóm lại, các trường phái nông dân vô học, thường rất khả nghi . Chúng phát xuất từ thứ ngôn ngữ trần truồng, láo lếu, thứ ngôn ngữ chưa bị lòng yêu nước nung nấu và áo mũ cân đai ôm chặt như chiếc "thắt lưng buộc bụng" nhà thơ Phạm Tiến Duật (1), cho nên rất khó trị, thậm chí chúng có thể đại náo Thiên Đình.



 


Tuổi hai mươi yêu dấu

 

Có dư luận cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đã hết thời. Nguyễn Huy Thiệp chỉ lập lại chính mình. Nói như thế, e có chỗ chủ quan và hơi vội. Một nhà văn ở tuổi 53 và vẫn đang sáng tác đều đặn, ai đã biết tương lai nhà văn ấy như thế nào?
Còn về chuyện Nguyễn Huy Thiệp lập lại chính mình, thì cả cuốn tiểu luận Giăng lưới bắt chim lẫn tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu dường như đã gián tiếp trả lời. Quyền tối thượng của nhà văn là trả lời bằng tác phẩm và chỉ có sự trả lời ấy mới rốt ráo, dứt khoát.


Phải nói ngay, tiếu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu không phải là kiệt tác của Nguyễn Huy Thiệp, nó chỉ là một tác phẩm trung bình trong quá trình sáng tác của nhà văn và nó đánh dấu một ngõ quặt trong văn nghiệp của tác giả, đó là sự chuyển thể từ các sáng tác ngắn sang các sáng tác dài, từ đoản thiên sang tiểu thuyết và như Nguyễn Huy Thiệp đã nhận xét khá chính xác, cách đây không lâu, trên đài RFI là anh chỉ mới thực hiện được 60 phần trăm thành công lực của mình. Đối với một người đã đạt những thành quả đáng kể trong truyện ngắn và kịch như Nguyễn Huy Thiệp, sự vượt lên trên những tác phẩm trước của mình không phải là dễ, nhà văn cũng giống như nhà thể thao, không phải lúc nào cũng sẵn sàng nhảy vọt qua lằn mức quán quân mà mình đã đạt được. Bởi vậy, việc đọc một tác giả bằng cách so sánh với những gì hay nhất họ đã viết trước đây và đòi họ phải viết hay hơn thế chẳng khác gì đòi hỏi nhà văn lúc nào cũng phải sản xuất ra kiệt tác. Một sự đòi hỏi như vậy là không tưởng bởi chẳng ai có thể làm như thế được. Nhưng ngược lại, người đọc có thể và cần phải đòi hỏi nhà văn tìm cách viết khác những tác phẩm trước, hay dở, chưa biết, nhưng cái mà anh viết ngày hôm nay nó phải khác những gì anh đã viết hôm qua mới lôi cuốn được người đọc. Tuổi hai mươi yêu dấu trước tiên đáp ứng được đòi hỏi ấy.

Chẳng ai hiểu cóc khô gì, đó là tuyên ngôn văn học, cũng là giọng điệu mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp, dưới lời độc thoại của Khuê, một thanh niên hai mươi tuổi. Gọi là cậu Khuê cũng được, nhưng thằng Khuê có lẽ hợp hơn, bởi ngôn ngữ của nó bờm xơm, bặm trợn, đầy tiếng lóng, nó hành xử toán loạn, nó trốn học đi chơi với những đứa bụi đời, những thằng cò bơ cò bất. Ởû nhà, nó trả lời dấm dẳn cha mẹ, nó coi thằng anh chả ra cái thá gì. Ở trường còn tệ hơn, đây là những "nhời bàn Mao Tôn Cương" của nó về nền giáo dục nhà trường:


" Chẳng ai hiểu cóc khô gì! Ví dụ như ở trường học. Tôi ngạc nhiên vì tại sao người ta lại đi nhồi nhét hàng mớ kiến thức chữ nghĩa như thế vào đầu bọn trẻ bao nhiêu năm trời? Tôi công nhận những kiến thức tiểu học là có lý. Những thày cô giáo thật là thày cô giáo! Họ đúng là những bậc thánh, mặc dầu các thày cô giáo tiểu học ở đâu cũng vậy, đều có vẻ nghèo nàn, nhếch nhác và bẩn thỉu. Lên bậc trung học và đại học thì toàn bộ nền giáo dục đều đáng vứt đi cả. Kiến thức thì rối rắm, rỗng tuếch, vô bổ, chẳng ai hiểu cóc khô gì. Bọn giáo sư đại học ăn diện và vô đạo đức nói nhăng nói cuội ở trên bục giảng. Chính họ cũng chẳng hiểu họ nói cái gì. Nền giáo dục trung học và đại học theo tôi là nền giáo dục ngục tù, khủng bố. Nó làm cho toàn bộ thanh niên chúng tôi trở nên kiệt sức, ấm ớ, dở hơi hoặc đểu cáng theo một cách nào đấy. Nó là một nền giáo dục đào tạo lưu manh. Tất cả những thanh niên thành đạt của nền giáo dục đó đều là những tên lưu manh một trăm phần trăm, tôi xin thề như vậy!


Thằng Khuê cứ tương ra trăm phần trăm những lầm bầm kiểu "độc thoại nội tâm" chó chết như vậy, hầu như nó phê tuốt chẳng từ ai. Nhưng nếu lắng tai nghe nó nói thì cũng không phải tất cả đều vứt đi, nó không chỉù phê mà nó còn bình, không chỉ chê mà có khen, nó khen các thày cô tiểu học rách mướp của nó, nó khinh bọn giáo sư đại học đầy bằng cấp mà tư cách như phường vô lại, ăn trên ngồi chốc, lường gạt , lưu manh... Thằng Khuê không nói phứa, nói bừa, hãy xem nó phê bình các chương trình ti vi:


"Chẳng ai hiểu cóc khô gì! Ví dụ như khi ta mở tivi. Người ta truyền hình trực tiếp phiên họp Quốc hội. Các nghị sĩ ngủ gật. Người ta cãi nhau về mây chữ trong điều luật. Lúng túng kinh khủng. Tôi thấy rõ người ta lúng túng trong việc điều hành đất nước. Nhân dân đang lầm lẫn thảm hại, họ đặt niềm tin vào lũ người thối tha, dốt đặc. Đáng lẽ ra phải kín nhẹm đi (cái lũ phường tuồng ấy) thì họ lại chường mặt ra ở trên tivi chơi trò "dân chủ". Nhân dân không cần dân chủ, họ cũng chẳng ưa gì độc tài, ai cai trị cũng thế thôi nhưng điều cơ bản là họ được sống yên ổn, no ấm.
Chẳng ai hiểu cóc khô gì! Tôi muốn gào toáng lên như vậy. Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy!


Cách phê bình của thằng Khuê khá "bác học" đấy chứ không phải vừa đâu. Trăm phần trăm, chớ coi thường. Nó là một thứ Khổng Minh sống trong môi trường lổn nhổn các đầu Tào Tháo. Nếu Xuân Tóc Đỏ thời trước nổi loạn kiểu ma cà bông lang thang hè phố thì thằng Khuê là một thằng sinh viên nổi loạn thời này. Mà không cứ chỉ ở Việt Nam mới có thằng Khuê, bên Pháp hay đâu đâu có tuổi 20, là cũng có những thằng Khuê khác. Nhất Linh nghiệm rằng một cuốn tiểu thuyết hay, khi dịch sang tiếng nước khác vẫn còn thấy hay, ngược lại, một cuốn tiểu thuyết khi dịch sang tiếng nước ngoài không còn gì cả thì không thể nói là hay được. Kinh nghiệm này có thể áp dụng cho thằng Khuê, khi nó phóng ra những tiếng Chẳng ai hiểu cóc khô gì và Sean James Rose dịch sang tiếng Pháp: Personne ne capte rien, thì thật sự thằng Khuê đã nhập thẳng vào lòng tuổi trẻ Pháp, nói riêng và tuổi hai mươi nói chung. Tuổi nổi loạn, tuổi bắt đầu nhìn thấy tất cả những mánh khoé xấu xa trong cuộc đời, tuổi muốn xoay vần vũ trụ, muốn thay đổi tất cả, nhưng hai bàn tay còn trắng quá, còn mỏng kinh nghiệm quá, mà vũ trụ lại bao la, cái xấu chất cao như núi Thái, rậm như rừng nguyên thủy, phải làm gì nếu không là nổi loạn?
Mỗi tuổi trẻ nổi loạn một cách, tuổi trẻ Việt có vấn đề của xã hội Việt, tuổi trẻ Pháp có vấn đề của xã hội Pháp, các chi tiết nổi loạn không giống nhau vì thể chế chính trị không giống nhau, tổ chức xã hội, văn hoá không giống nhau, nhưng tổng thể đều phát xuất từ tấm lòng trinh trắng, lý tưởng của tuổi trẻ trước sự tha hóa chung của thế giới người lớn, người già, với Khuê, còn thêm những áp bức, bất công của một xã hội toàn trị nát bấy từ nguồn gốc: giáo dục. Giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội.


Chẳng ai hiểu cóc khô gì , những tiếng ấy vang lên như hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu trăm phần trăm đổ vỡ, tan tành, tàn mạt sắp tới, vang lên như nỗi cô đơn khủng khiếp, mỗi người một thế giới, một nhà tù, không giao cảm, không cảm thông, cha không hiểu con, anh xa lạ em, vợ không hiểu chồng, ông nói gà bà nói vịt. Gia đình là một đề lao tập hợp những nhà tù cá nhân, nhốt chung những người thương yêu, nhưng không cùng làn sóng. Đại học chuyên chở lớp lớp thầy giáo bịp bợm đào tạo những bằng cấp lưu manh và xã hội còn tệ hơn dưới sự dìu dắt của những kẻ dốt nát, mù tịt đủ đường. Thằng Khuê sinh ra, lớn lên, ngụp lặn trong môi trường trăm phần trăm nhiễm xạ ấy, nó cũng là một sản phẩm của gia đình, của học đường, của xã hội. Thân nó như phận cô Kiều và Xuân Tóc Đỏ chập lại. Vì "tai biến", nó phải bỏ nhà ra đi. Tai biến của nó không phải là thứ tai biến có giá tri đạo đức như tai biến của Thúy Kiều, Kiều cổ rồi, nó chẳng "bán mình chuộc cha" như thế, nó tân tiến hơn, cập nhật hơn, nó "bán cha" làm những chuyện khác, nó cúp cua, ăn trộm tiền mẹ, chuyện vỡ, bố đánh, nó bỏ nhà đi bụi đời, và trong cuộc phiêu du trên hè phố thanh lâu nó đã gặp đủ mọi hạng người từ Sở Khanh Tú Bà đến Bạc Bà Bạc Hạnh... nó cũng gặp cả Đạm Tiên, Giác Duyên, Từ Hải... nhưng không ai có thể cứu được, nếu nó không tự cứu. Ít oi là những đứa đạo đức thánh thiện như con Huyền mờ, có thể "cứu rỗi" linh hồn nó thì con bé lại chết yểu như Đạm Tiên. Con Huyền mờ chết vì tử tế : nó tình nguyện nhập đội thanh niên xung phong vét sông Tô Lịch, chẳng may chân dẫm lên mảnh chai vỡ giữa đống bùn. Tô Lịch, mang dấu ấn ngàn năm văn vật, 50 năm gần đây, đã thành con sông thổ tả: "Nó hệt như một vết sẹo chảy mủ hôi thối trên khuôn mặt dữ dằn của gã giang hồ. Dòng nước đen ngòm và hôi hám đầy những rác rưởi và bao nylon. Tất cả Hà Nội đều trút xú uế của mình vào đó ". Tô Lịch là con sông giết người. Nhưng con Huyền mờ, đáng lẽ cũng không chết giá như người ta không tiêm nhầm thuốc trừ vi trùng uốn ván với một thứ thuốc thổ tả gì ấy. Cho nên, Tô Lịch chỉ là tòng phạm, thủ phạm vẫn là người. Con Huyền mờ chết lặng lẽ âm thầm như bao nhiêu cái chết vô danh khác bên dòng sông lịch sử.


Thằng Khuê không phải là kẻ có căn thánh như con Huyền mờ, nó có căn Satăng, nó biết vậy. Nhưng Khuê cũng không đến nỗi vứt đi trăm phần trăm, nói đúng ra, nó fifty- fifty. Nó thuộc loại đi với bụt cũng thử mặc áo cà sa, nhưng đi với ma cũng thích mặc chơi áo giấy. Bị dụ hít heroin, nó cũng thử chơi. Thấy cảnh tai biến giữa đường của một thằng cò bơ cò bất, chẳng quen thuộc gì như thằng Hải Anh nó cũng lại nổi máu Vân Tiên, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Hành động cứu người bất đắc dĩ của thằng Khuê, cũng như lòng tử tế thánh thiện của con Huyền, chỉ đem hoạn nạn đến cho chúng nó: con Huyền chết, thằng Khuê bị xôâ xuống địa ngục. Cứ như thế, Khuê lang thang vào các xóm Liều, nó mở rộng vòng giao du với thiên thần và ác quỷ... Cuộc rong du Hà Nội, thành phố yêu quý của nó và cũng là thành phố chôn vùi nó dưới những lớp xú uế cao ốc chồng chất nhiều tầng, khiến nó không còn ngóc đầu lên được. Có đứa con gái ca-ve thương tình giới thiệu cho Khuê một việc để "hoàn lương", nhưng việc này cũng không ngon lành, lương thiện gì, nó phải tải thuốc phiện lậu và lại càng dúi sâu xuống đáy. Tình cờ có người bạn của bố vớt lên và thả nó ra hải đảo. Tiếp xúc với đời sống chất phác, khó khăn của người dân quê vô danh, với những đớn đau bất hạnh, những cái chết không đáng chết: chết oan vì rác rưởi của văn minh, vì xianua cặn bã của xã hội tiêu thụ thải phế... Tất cả những thứ đó như mật đắng chảy vào tim Khuê, làm nó tỉnh ngộ, thì cũng vừa đúng lúc tình cờ nó đọc trên mảnh báo cũ tin bố qua đời. Cái chết của bố nhấn thêm tim nó xuống sâu vào vũng sám hối. Thằng Khuê nhận ra chân lý "Tôi phải cứu tôi và chẳng và chẳng có ai làm được hộ tôi chuyện ấy".


Người đọc có thể trách Nguyễn Huy Thiệp ở đoạn kết tròn trĩnh quá, có hậu quá, ở những chỗ giải thích triết lý rõ ràng quá, không thuận miệng một thanh niên 20 tuổi mặc dù đã có những lá chắn: bố tôi bảo thế này, bố tôi bảo thế kia... Người đọc thích được nghe thứ triết lý bụi đời, không sách vở, do một thằng Khuê, hai mươi tuổi "sáng tác" ra hơn. Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất và cũng là điều đáng mừng nhất là cuốn tiểu thuyết này, viết nhanh, trong vòng hơn tháng trời mới chỉ là nét phác, cho những tác phẩm dài hơi, sâu hơn, đến sau, vì những chân dung nhân vật mà Nguyễn Huy Thiệp đưa ra trong cuốn tiểu thuyết này mới chỉ là những nét dựng. Từ bà mẹ dúi tiền cho con một cách thần sầu, đến thằng anh rởm đời luôn luôn lên mặt đạo đức giáo huấn, đến bọn bạn, cả giời đánh lẫn thánh thiện, như thằng Thanh nhạn, thằng Quyền Lỳ, thằng Thức Kinh Kông.. đến những khuôn mặt "xã hội" của mấy đứa con gái ca-ve, của tay hoà thượng hổ mang Thích Thanh Mừng chùa Kẻ, của ông Chu "hãm" thuốc phiện ở chợ Kỳ Lừa, của người con trai ông Hào chết vì nghề bắt rắn ở đảo Cát Bà vv... bao nhiêu khuôn mặt, thiện, ác, tối sáng, phơi bầy chớp nhoáng trong cuốn truyện nhỏ này, nhưng nếu được đào sâu, mở rộng thêm, chúng sẽ phản ảnh một xã hội toàn diện hơn, cay nghiêït hơn, và cũng đớn đau hơn... Lịch sử Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh đã "đổi mới" thành Đồng Đăng của "bạch tuộc", Tô Lịch, Kỳ Lừa tổ ấm của rác rưởi, buôn lậu, ma túy... đó là những "huyền thoại" mới của thời "mở cửa", thời xập xí xập ngầu, nước tương pha nước hố xí, mà Khuê là thằng Khổng Minh con, đã nhìn thấy tất cả những "đổi mới" thần sầu đó, nó hô hoán tán loạn lên, nhưng rút cục "chẳng ai hiểu cóc khô gì!" Mọi người nghoảnh mặt làm ngơ, họ bảo cái trò của nó dở ẹc, nó chỉ lập lại chính mình.


Thằng Khuê sinh ra và lớn lên trong thời vàng thau lẫn lộn, tranh tối tranh sáng ấy, thời mà các thần tượng rủng rỉnh như lá mùa thu. Trong nó, trong gia đình nó, "tiềm ẩn" một thần tượng "tiêu biểu" cho tất cả các loại thần tượng: bố nó. Khuê mang mặc cảm sâu xa với người bố. Vừa kính mến, khâm phục, vừa ghét cay, ghét đắng. Bố nó là một nhà văn danh tiếng, nó coi bố là thần tượng hàng đầu, nhưng lại thấy thần tượng ấy cồng kềnh quá, chắn hết các nẻo đường. Lối thoát của nó phải là lật đổ thần tượng để tự quyết, để bước đi một mình.
Cái chết của người bố là sự đoạn tuyệt cần thiết giữa cái cũ và cái mới. Thế hệ thanh niên không thể tung hoành, thay đổi bộ mặt xã hội nếu những người già vẫn ngoan cố, lù lù ngồi đó chỉ đạo. Phải có một sự chôn rau cắt rốn thật dứt khoát. Đớn đau, nhưng dứt khoát để tuổi trẻ có thể hồi sinh, tái tạo cuộc đời trên những đống gạch vụn của một hiện tại không lối thoát. Có lẽ đó là thông điệp sâu xa của tác phẩm.

Là một nhà văn hiện thực, gắn bó sâu sa với những vấn đề thời sự thực tiễn của xã hội hiện hành, như thiên nhiên, môi trường, tham nhũng, tệ đoan xã hội, tuổi trẻ lạc loài... Truy nguyên nguồn cội các chứng sida thời đại, Nguyễn Huy Thiệp muốn làm một thứ Balzac mới, vẽ nên bộ mặt phức tạp của xã hội Việt Nam hôm nay, và anh chỉ mới đưa ra những nét phác đầu tiên . Nguyễn Huy Thiệp có thành công hay không? Phải đợi sự trả lời của các tiểu thuyết đến sau. Dù sao chăng nữa, để nói ngược lại lời Hoàng Ngọc Hiến, khi đọc những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp, tôi chúc anh thuận buồm xuôi gió.


Thụy Khuê
Paris tháng 11/2003


Chú thích:
Bạn có thể đọc cả hai tác phẩm Giăng lưới bắt chim và Tuổi hai mươi yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp trên Internet: http://nguyenhuythiep.free.fr

(1) Nhà thơ Phạm Tiến Duật kể lại trong một bài viết, có lần đóng vai bộ đội Trường Sơn trong một nhạc kịch ở nhà hát lớn Hà Nội, ông phải tìm cho được cái thắt lưng của người lính chính hiệu Trường Sơn, đeo nó vào người, ông thấy: "Cái thắt lưng ôm lấy bụng tôi như vòng tay của bạn đang ôm tôi. Thế thì tôi yên dạ sao được khi nhạc đã tấu lên khúc nhạc ngày trước. Bao nhiêu mưa rừng, gió núi, bao nhiêu bom đạn một thời, bao nhiêu kỷ niệm đổ ập xuống tâm tưởng làm tôi run lên...". (Trích bài Sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn? trong cuốn Giăng lưới bắt chim của Nguyễn Huy Thiệp).
 



 

 



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم