VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một khuôn mặt khuất lấp trong lịch sử - trường hợp ông Trạng mẹo Phạm Duy Khiêm


Đằng sau nhân vật Phạm Duy Khiêm được miêu tả  qua một nhà báo nước ngoài dưới đây tôi thấy có một số vấn đề văn học mà chúng ta ít để ý
Ông là nhà văn  viết bằng tiếng nước ngoài là chủ yếu ( giống như các cụ ta ngày xưa viết bằng văn chữ Hán ) nhưng lại luôn luôn đề cập đến các vấn đề về của xã hội Việt và trở lại với những mô típ của văn học Việt
 Về mặt công dân, có lúc ông đã tham gia  các hoạt động của chính quyền giống như một chính khách  để rồi có lúc lại từ bỏ nó một cách quyết liệt
 Trong khi cuộc đời sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam thông thường chọn  sự ổn định thì ông lại hay thay đổi nếu không muốn nói là làm khó cho mình bằng  một cuộc sống chìm  nổi thất thường
 Ông xa lạ với mẫu nhà văn ăn hành nghề kiếm sống phổ biến ở Việt Nam Nam kể cả loại nhà văn cán bộ trong thế kỷ qua. Ông gần gũi  kiểu nhà văn  kiêm nhà hoạt động xã hội nhà hoạt động văn hóa tức kiểu nhà văn trí thức khá hiếm trong văn học VN 


Bản dịch bài viết dưới đây do anh bạn Phạm Văn Thiều gửi cho chúng tôi 




GIỮA HAI THẾ GIỚI
Michael Howard


 (Bài được đăng trên tạp chí Mekong Review, 8/2019, dịch giả lấy trên trang Viet-Studies, với nhận xét của chủ trang rằng đây là một bài báo đặc biệt quý hiếm!).



Ai là Phạm Duy Khiêm? Chúng ta có thể bắt đầu từ câu hỏi này vì đa số mọi người chưa bao giờ nghe thấy cái tên đó. Câu trả lời có sẵn – mà cũng là câu trả lời mà người ta chờ đợi, chẳng hạn, được nghe từ một bạn trẻ người Viêt Nam đang trăn trở trong một lớp văn chương – đó là Phạm là một tác giả mà phần tiểu sử được ghi vắn tắt vài dòng trong các tác phẩm của mình: sinh năm  1908 ở Hà Nội và mất năm 1974 tại Pháp. Câu trả lời thực sự thì là một vấn đề còn có ít nhiều tranh cãi giữa các học giả (mặc dù không nhiều và cũng không mấy sôi nổi) và hơn nữa còn bị kiểm duyệt nhà nước cố ý xóa nhòa. Chỉ riêng một thực tế này thôi cũng khiến cho câu hỏi này đáng được đặt ra.

Về mặt lịch sử, Phạm là một nhân vật khó nắm bắt, vì vậy việc thu lượm các chi tiết tiểu sử của ông là rất khó khăn. Tìm kiếm bước đầu cho chúng ta biết rằng ông sinh ở Hà Nội, học tập và giảng dạy ở cả Pháp và Việt Nam và có lẽ đã tự sát vào năm 1974 sau khi đã viết một số cuốn sách mang lại cho ông ít nhiều giải thưởng. Đi sâu thêm một chút nữa, chúng ta biết thêm rằng Phạm là một trí thức lỗi lạc và nhờ tác phẩm Nam và Sylvie của mình, ông đã được Đại học Toulouse danh giá trao bằng tiến sĩ danh dự. Phát biểu tại lễ trao bằng, nhà văn André Lebois đã gọi Phạm là “một trong những nhà tiểu thuyết Pháp đương thời vĩ đại nhất”.
Điều lạ lùng là Lebois lại mô tả một tác giả người Việt Nam như một người Pháp, và những lời phát biểu của ông đã làm sáng tỏ nguồn gốc những tranh cãi vừa nhắc tới ở trên: Vậy Phạm và người Pháp hay người Việt? Ông là cả hai. “Những người biết Phạm Duy Khiêm”, Julia C. Emerson viết trong tác phẩm Moussons, “đều khẳng định rằng ông vừa sâu sắc cả trong tiếng Việt lẫn tiếng Pháp và điều đó luôn đúng với ông với bất cứ giá nào. Và hẳn là đã có một cái giá thật.

Trưởng thành trong chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông dương, Phạm tiếp nhận, và ở một mức độ lớn, là tiêu biểu, cho hai nền văn hóa, vốn đã rất khác biệt mà lại còn trực tiếp xung đột với nhau.
 Ông đã nhận được sự giáo dục hạng nhất của Pháp (một sự biệt đãi rất hiếm hoi giữa các thần dân thuộc địa của Pháp) và đã quyết định vượt qua những mâu thuẫn cố hữu trong hoàn cảnh của ông. Không lựa chọn giữa hai nền văn hóa vốn là hai phần như nhau làm nên con người ông, như người ta thường được gợi ý làm khi đó, Phạm đã cố gắng kéo cho hai nền văn hóa đó xích lại gần nhau hay chí ít cũng là tạo điều kiện cao nhất để  hiểu được nhau.
Chẳng hạn, trong khi sống và học tập ở Paris, ông đã có những cuộc nói chuyện về văn học và văn hóa Việt Nam, những thứ  mà ông đã làm trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình.  
 
Khi học xong ở Pháp, Phạm trở về Việt Nam. Ông dạy tiếng Pháp, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp tại một trường trung học nổi tiếng ở Hà Nội trong nhiều năm, ông cũng công bố nhiều bài báo và có nhiều buổi thuyết trình hết sức đa dạng và phong phú.
Thế rồi, vào năm 1939, ông tình nguyện chiến đấu cho người Pháp ở Thế chiến thứ hai, mặc dù ông không có quốc tịch Pháp – quả là một điều khá bất ngờ đối với người Việt Nam. Sự nghiệp quân nhân ngắn ngủi của ông kết thúc khi quân Phát xít đánh bại quân Pháp và chiếm đóng Paris, Phạm trở về lại Việt Nam, và thực hiện nhiều dự án về văn học, trong đó có cả tuyển tập các truyện cổ tích và huyền thoại Việt Nam được sáng tác lại và mới đây đã được dịch sang tiếng Anh với nhan đề Legends from Serene Lands (Huyền truyện miền thanh lãng) mà tôi sẽ giới thiệu ngay dưới đây.



Sau chiến tranh, khi nước Pháp tung một chiến dịch đẫm máu để chiếm lại thuộc địa cũ của mình, Phạm vẫn ương ngạnh giữ thái độ phi chính trị đối với nỗi đau khổ của nhiều đồng bào của mình.
 Ông từ chối tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập hoặc lên tiếng ủng hộ Việt Minh, và vẫn tiếp tục tập trung vào công việc trước tác, tất nhiên điều này không thể nói rằng ông công khai ủng hộ những điều người Pháp đang làm với đất nước mình.
 Với sự phản đối âm thầm, theo người ta nói, ông chỉ nói tiếng Việt và không muốn viết sách giáo khoa cho chính phủ Pháp.
Bất chấp tất cả, Phạm vẫn khăng khăng rằng Pháp và Việt Nam có thể vượt qua giai đoạn lịch sử rối ren này, có thể dung hòa những khác biệt và sau hết có thể chấp nhận một nền tảng chung mà ông tin (dường như rất thành tâm) rằng nó thực sự tồn tại giữa hai nước.

Khi nhận ra quan điểm này là khát vọng quan trọng nhất của đời mình, tới mức mà vào năm 1954, ông đã tham gia chính phủ của Ngô Đình Diệm và trở thành đại sứ đầu tiên của Nam Việt Nam tại Pháp. Trong khi điều đó đặt Phạm vào vị trí độc đáo có ảnh hưởng đến quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, thì chỉ một ít năm sau, ông đã mất hết ảo tưởng với chính trị. Vào năm 1957, do lên tiếng phê phán gay gắt chính quyền Ngô Đình Diệm, ông đã bị cách chức đại sứ.

Nhưng ông vẫn ở lại Pháp, tiếp tục giảng dạy mặc dù bây giờ được trả lương thấp, ở những trường không tiếng tăm gì. Nhiều bạn cũ của ông, nhìn ông như một kẻ phản bội, đã cắt đứt quan hệ và không thèm trả lời thư từ của ông. Các nhà xuất bản cũng từ chối không in các tác phẩm của ông. Nhạt nhòa dần trong bóng tối của học thuật và văn học, ông rơi vào tình trạng trầm cảm hành hạ ông suốt phần còn lại của cuộc đời.

Phạm còn về nước thêm một lần nữa, vào năm 1968, chứng kiến cảnh tan hoang ở Huế, và nghe người ta nói ông đã lên án Bắc Việt. Ông đã sống hết những ngày tháng cuối cùng của đời mình ở miền Tây nước Pháp, và ông đã trẫm mình xuống cái hồ sau nhà ông vào tháng 12 năm 1974.

Trong bài báo Moussons, bà Emerson đã kể một giai thoại mà theo bà nó minh họa cho ‘cái triết lý là căn bản cho cách tiếp cận [của Phạm] đối với các mối quan hệ Pháp-Việt”.
 Xuất hiện trên Đài phát thanh của Pháp năm 1938, Phạm đã kể cho thính giả của đài câu chuyện ngụ ngôn về một chàng đánh cá phải lòng cô tiểu thư xinh đẹp của một vị quan quyền thế.
 Cũng cần nói rằng câu chuyện ngụ ngôn này chính là truyện mở đầu cho tập sách Huyn truyện miền thanh lãng. 
Với nhan đề Pha lê tình yêu, nó kể về một tiểu thư ‘có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành’, người mà giống như mọi cô gái trẻ quyền quý vào thời gian đó, không được phép ra ngoài dinh thự của cha mình.
Nàng thường ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn con thuyền của chàng trai chài lưới, trên con sông ngay cạnh nhà.
Rồi chàng đánh cá cất tiếng hát và cô tiểu thư mê mẩn giọng hát của chàng, mặc dù cô chưa từng nhìn rõ mặt chàng trai.
 Đột nhiên, chàng trai không đến khúc sông đó nữa và cô gái ngã bệnh mỗi ngày một nặng thêm. Biết nguyên nhân bệnh tình của con gái, cha cô đã thu xếp cho chàng đánh cá tới thăm con gái. Nhưng khi thấy mặt chàng, mọi cảm tình trước đó với chàng và cả giọng hát của chàng bỗng bay biến đâu mất cả. Nhưng chàng trai lại đắm đuối yêu nàng, chàng suy sụp và chết vì tương tư (chữ này giữ nguyên trong trong bản gốc -ND) hay nói hoa mỹ hơn là vì trái tim tan vỡ.    
Trong quá trình cải táng đưa hài cốt của chàng đánh cá về ‘nơi an nghỉ cuối cùng’, gia đình chàng phát hiện thấy trong quan tài có một viên đá trong mờ.
Họ đã dùng nó để trang trí cho chiếc thuyền cũ kỹ của chàng. Khi cha cô tiểu thư tình cờ biết về hòn đá này, ông đã mua về, thuê chế tác nó thành một cái tách uống trà. “Mỗi lần rót trà vào tách, người ta lại thấy hình ảnh chàng trai chài lưới trên thuyền hiện lên, chậm rãi lượn quanh tách trà”.
Cô gái nghe được chuyện đó, muốn được xem, và khi tận mắt nhìn thấy hình ảnh đó, nàng đã bật khóc, những giọt nước mắt của nàng rơi vào trong tách, và ngay lập tức chiếc tách biến mất.
Khỏi phải bàn luận nhiều về ngụ ý của Phạm về câu chuyện này – vì ông đã cung cấp nó cho chúng ta rồi. “Đối với người Việt Nam”, ông viết, “mọi cuộc hôn nhân đều là hệ quả không tránh khỏi của món nợ đã giao kèo từ kiếp trước; khi hai con người gắn bó với nhau, họ sẽ giải phóng mình ra khỏi gánh nặng chung đó”.    
Thành ra, đường đời của chàng trai chài lưới và cô gái con quan gặp nhau là do tiền định. Vì do họ không bao giờ thành hôn khi còn sống, nên “cái nợ” đó còn theo đuổi chàng trai đánh cá xuống tận mồ.
Theo cái nhìn của Phạm, hòn đá không chỉ giản đơn là một biểu tượng cho tình yêu bất diệt của chàng, mà nó còn biểu hiện “toàn bộ con người đó, hình hài của chàng ta ngoài nấm mồ, gương mặt của số phận chưa được thực hiện, cần phải được kết tinh vì đợi chờ là tất yếu”.
Khi nhìn vào chiếc tách, cô gái cảm thấy một nỗi buồn khôn xiết là mình đã bỏ lỡ một cơ hội để thực hiện số phận của mình. Nàng cảm thấy món nợ chưa trả được, và nhận ra rằng “cuộc hôn phối của họ sẽ phải thực hiện, không thể tránh được”. “Tách trà đón giọt nước mắt rơi xuống từ mắt nàng và đã hòa tan ở đó trong sự hiệp thông giải thoát cho cả hai người”.

Từ một câu chuyện mơ hồ và cái kết để mở như thế, Phạm đã rút ra những kết luận vững chắc và cụ thể, rõ ràng là bắt nguồn từ những giáo lý của Phật giáo. Từ vị trí của nó trong tập sách, chúng ta có thể chắc chắn, cũng như sự thực là ông đã kể nó trên Đài phát thanh Pháp trước đây, rằng Phạm đã tin câu chuyện ngụ ngôn đó có một tầm quan trọng đặc biệt.
Rõ ràng là ông có chủ ý chia sẻ nó với thính giả Pháp.
Cũng có thể ông đã thấy tính phổ quát trong những chủ đề và các bài học của nó, ngõ hầu bằng một cách nào đó có thể bắc cầu qua cái hố ngăn cách giữa hai nền văn hóa.
Tuy nhiên, nhiều khả năng hơn, với tư cách là một người Việt Nam đích thực, ông đã nhìn nó như chiếc chìa khóa để mở toang những truyền thống và những xúc cảm tinh tế của nền văn hóa gốc của mình, sao cho nó có thể được tác động, được thưởng thức và cảm thông bởi nền văn hóa đã dung nạp ông.
Tất nhiên, có thể nói chính điều đó với toàn bộ tập Huyền truyện
Đáng nói là, điều thú vị nhất – và chắc chắn cũng là thấm thía nhất – một ‘huyền truyện’ trong cuốn sách lại thuần túy mang tính tự  truyện.
“Cơi trầu của bà tôi” là câu chuyện cuối cùng trong tập sách, nó cũng là câu chuyện nhấn mạnh nhất sự gắn bó sâu xa và trung chinh của ông đối với di sản của tổ tiên.
 Ở đây Phạm đã mô tả nỗi buồn mà ông nhận thấy ở bà nội ông sau khi cha ông – con trai bà – qua đời (khi ông còn ở tuổi thiếu niên): “Không chỉ bà không ra khỏi nhà, mà mỗi khi có ai tới thăm gợi cho bà nhớ về cha tôi, là bà lại nước mắt lưng tròng, khiến cho nhiều người ngại không muốn tới thăm nữa”.  

Ở cuối câu chuyện trước, Phạm đã cho bạn đọc biết về việc sử dụng lá trầu theo phong tục ăn trầu trong văn hóa Việt Nam. Cùng với quả cau, lá trầu là thứ thiết yếu cho các mối quan hệ tình cảm. Nếu một người nam cầu hôn một người nữ, anh ta sẽ trao cho người nữ miếng trầu. Nếu hôn sự không thành, những miếng trầu sẽ được trả lại. Phạm coi nó như chiếc nhẫn hứa hôn vậy.
Nhưng trầu cũng có những sử dụng có tính nghi lễ rộng rãi hơn.
“Trong quá khứ, bạn không thể bước vào một ngôi nhà Việt Nam mà không thấy cái giá có đặt một chiếc khay tròn lớn … mà chủ nhân sẽ đưa mời khi bạn đã ngồi xuống. “Chiếc khay này chứa mọi thứ cần thiết để têm trầu”.
Phạm luôn luôn than phiền về sự phai nhạt dần của phong tục đó ở thời ông. “Các quý cô của chúng tôi không còn quan tâm tới nghệ thuật têm trầu đã lỗi thời”, ông viết và nói thêm rằng “các chàng trai cũng không còn mời họ một miếng cau khô cuộn trong lá trầu tươi như một vật làm tin cho tình yêu đích thực của mình”. Những lời đó Phạm viết trong những năm 1940.
Có thể nói chắc rằng tục ăn trầu đã hoàn toàn biến mất khỏi văn hóa Việt Nam ngày hôm nay.
Trầm ngâm về nỗi buồn miên man của bà nội mình, Phạm nhớ lại cái cơi trầu của bà đã cho ông lĩnh hội được một cách đầy đủ nỗi buồn đặc trưng cho những năm tháng cuối cùng của đời bà:
“Với đôi mắt bên trong ngấn lệ của trái tim tôi, tôi thấy bà tôi chuẩn bị khay trầu, sắp xếp các ngăn nhỏ của cái hộp gỗ sơn mài với những lá trầu xanh được cuộn một cách rất tỷ mỉ, những quả cau được cắt thành các lát rất đều đặn, không quên những lát vỏ chay … Bà thiếu nhiều thứ, nhưng lúc nào cũng có sẵn những lá trầu tươi, nhưng không có ai tới để chia sẻ nó cả”.
Người ta đọc thấy những điều đã nói ở trên và những niềm ân hận mà ông đã không bỏ lại phía sau ký ức của mình.
Cuối cùng, trong lời thú nhận cởi mở báo trước quyết định cuối cùng trong đời mình, Phạm viết, “Tôi đã hứa sẽ giữ gìn chiếc cơi trầu của bà nội, và đó cũng là cái cớ để tôi tiếp tục tồn tại một cách vô nghĩa trong cái thế giới tẻ nhạt này”.
 Có lẽ trong cuộc tìm kiếm cái đối cực với đời sống hiện đại đơn điệu, Phạm đã tìm cách trốn chạy trong những biểu tượng bí ẩn của quá khứ xa xôi.
Và từ đó mà có Huyền truyện miền thanh lãng.
Thế giới có thể là tẻ nhạt, nhưng Phạm Duy Khiêm thì không. Dẫu sao thì ‘của tin còn một chút này làm ghi’.




P/S Thêm một số chi tiết về cuộc đời của Phạm Duy Khiêm:

Ông là con trai nhà văn nổi tiếng Phạm Duy Tốn, là anh cả của nhạc sĩ Phạm Duy. 
Ông học xuất sắc ở trường trung học Albert Saraut, được sang Pháp du học, và được học dự bị ở trường trung học Louis le Grand danh giá ở Paris để thi vào các  trường đại học lớn  (Grandes écoles) của Pháp. 
Ông đã đỗ vào trường École Normal Supérieure, trường đại học nổi tiếng số một ở Pháp, nơi mà nhà triết học Trần Đức Thảo và nhà toán học Ngô Bảo Châu đã theo học. Phạm Duy Khiêm học cùng lớp đại học với George Pompidou (sau này là tổng thống Pháp) và Leopold Senghor (sau này là tổng thống Senegal) – ND


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم