Để nghiên cứu lại về vụ Nhân Văn Giai Phẩm
tôi nghĩ có một cách làm, đó là một cuộc điều tra khảo sát đi đến tổng hợp cách
hiểu và cách quan hệ, sự tham dự nếu có của các nhà văn Việt Nam đối với
sự kiện này
Gíá cất công tìm kiếm ta đã có thể làm được ngay
các đề tài ví dụ
Tố Hữu và Nhân Văn-Giai phẩm,
Nguyễn Đình Thi
và Nhân Văn Giai Phẩm,
Nguyễn Tuân Xuân Diệu Nguyễn Bính với Nhân
văn-Giai Phẩm
cố nhiên là
Phan Khôi Lê Đạt, Trần Dần…với Nhân Văn Giai Phẩm.
Lại có thể kể trên cả những nhà văn tuổi đời trẻ hơn
như Phạm Thị Hoài Nguyễn Huy Thiệp Bảo Ninh Dương Thu Hương ..
Họ không thể có mặt trong các sự kiện trên
Nhưng phản ứng của họ cách hiểu của họ đối với sự kiện
này cũng có tác động lớn đến cuộc đời sáng tác của mỗi người
Có một nhà văn mà tôi coi như thày dạy
nghề là Nguyễn Khải. Trong những buổi trò chuyện riêng tư hồi chúng tôi cùng ở
VNQĐ, ông kể một số chuyện có liên quan đến đề tài tôi đang nói và tôi đã ghi
lại như dưới đây, tiếc rằng việc ghi chép còn sơ sài nhưng tôi nghĩ vẫn nên
chia sẻ để các bạn cùng đọc.
Chuyện Nhân văn
- Anh nhớ lại xem, bây giờ so với thời kỳ ấy, có khác
nhau nhiều không?
- Khác nhiều chứ. Trước kia, bọn họ có lý luận hơn.
Bây giờ các ông chẳng nói gì nên hồn, đọc sách thì toàn đọc trên ngọn, nghe
hóng nghe hớt.Thế theo ông chỗ khác ấy như thế nào?
- Bây giờ không khí chung là bất mãn hơn, người ta phức
tạp hơn. Nhưng thời thế thì lại không có. Anh bảo nho nhoe người ta đã biết. Bởi
vì những người nghe cũng đã có sẵn những ý nghĩ người nói kia nói ra. Nhưng người
gọi là phản loạn kia, cũng chẳng có được ý kiến gì mới, làm cho những người
khác ngạc nhiên và phải đặc biệt chú ý. Người ta không cần nghiên cứu. Sự đời
nói ở đây hoàn toàn chỉ ở chỗ một bên nói ra, và một bên không nói ra.
-- Ấy đấy, người ta chỉ cần có thế.
--Anh thử nhớ lại xem, hồi 1957, anh sở dĩ không tham
gia vào đấy, là vì nguyên nhân gì ? Anh biết trước, nên không nhảy vào kệ cho
nó nói, mình ở ngoài mình biết, mình tránh ?
- Không phải. Hồi ấy tôi vẫn còn quen biết ít thôi.
Cái chính là vì nhân cách, mình thấy những người này trong nhóm ấy nhân cách kém
quá, ba hoa phét lác, mà không làm được việc gì... Cái người mà tôi còn quý,
may có Phùng Quán, với mấy tác phẩm.
Xét ở phương diện hoạt động chính trị, mình mới thấy phục ông Thi.
Ông Tưởng, ông
Tô Hoài hồi ấy đều lơ mơ.
Ông Tuân thì
ông ấy biết, nhưng ông ấy bỏ mặc. Mình ông ấy thành một thứ nhà văn đứng riêng
ra. Ông ấy khích cho bọn ấy làm. Trong bọn, hoạ chăng ông quý có Văn Cao, và mấy
họa sĩ, còn Hoàng Cầm cũng coi thường. Trần Dần ông cho là một thằng mất dạy,
chưa bao giờ ông cho là có tài năng. Trương Tửu thì cơ hội. Thuỵ An là người
ông ấy ghét, ai theo địch là ông đều ghét, ông có một ranh giới rất rõ.
Thế đấy, ông Tuân biết, nhưng mặc kệ. Đúng sai cũng
im. Nhưng sau này ông lại là người chơi với cánh đó sớm nhất.
Còn như ông Thi, ông này tính từ rất sớm. Ông Tố Hữu
chỉ đạo chung, ông Thi thì tách riêng các đầu mối về mặt văn học nghệ thuật,
kéo những vấn đề lên đến đúng mức của nó.
Có một điều tôi
thấy hồi ấy người ta nói quá nhiều đến nhân cách, mà không có lý lẽ gì, không
giải thích được các hiện tượng một cách rạch ròi.
Họ nói nhiều về nhân cách là để bù chỗ trống, thiếu của
lý luận. Các bài của tôi rất ít nói đến nhân cách. (Các bài phát biểu được viết
rành rọt này, chủ yếu nói trong hội nghị thôi đăng báo có mấy đâu).
Tôi là cái loại
hăng hái tích cực đến nỗi sau này Hữu Mai kể chúng nó bảo phải truyền tên Nguyễn
Khải cho con cái để chửi cơ mà. Nhưng được cái khi mọi chuyện qua đi, đối với
các ông ấy, tôi vẫn hỉ hả ngay được.
Từ đó về sau,
tôi thấy những Châu Diên, Xuân Khánh... chả tay nào ghê như cánh Nhân Văn cả.
Nói chung, hồi ấy
những tay kia nó có cái yếu của nó. Nó không có quần chúng. Ta đúng. Chính vì
thế, về sau, mới có một hồi sáng tác tốt, như những năm 58 - 63.
Hồi ấy chúng tôi viết được, là vì hiểu biết của mình vừa
khít với cái mà trên mở ra. Mình cũng chỉ hiểu biết đến thế. Bây giờ, hiểu biết
của mình thì đâm phức tạp, mà cửa cấp trên mở lại hẹp hơn. Vậy thì phải liệu mà
làm, nói được một mặt nào đó thì nói.
Chất cốt cán hồi Nhân văn
Hôi học ở ấp Thái Hà.. Tôi làm tổ trưởng cả mấy khóa.
Tổ trưởng của cả những ông Trần Thanh Mại cơ mà.
Hôm nào ai lên phát biểu trên hội trường, là có ghi
tên trước.
Hôm nào đến lượt tôi, người đi nghe rất đông. Tôi lại
được tiếng là người có lý luận nữa. Ông Trần Quang Huy xuống cũng khen.
Tôi nhớ hôm ấy có ý kiến rằng giai cấp tư sản Việt Nam
nhỏ bé, chưa thể tác động vào hoạt động Văn học chống Đảng, chống nhân dân.
Tôi mới nói rằng: Ông Giêsu chết từ 2000 năm trước,
ông ấy còn chống gậy đến những làng xóm xa xôi nhất, ông ấy giành quần chúng với
Đảng. Nữa là bây giờ một giai cấp tư sản
cũng có hoạt động như thế này.
Người vỗ tay rầm rầm lên.
Hồi ấy tôi năng
nổ lắm. Cả ngày cả đêm chỉ ngủ vài tiếng. Tối còn đi họp với ông Tố Hữu đến
khuya. Sáng lại chuẩn bị bài vở thảo luận. Đầu óc căng thẳng.
Y như một chiến dịch. Đúng, là một anh tử vì đạo, một
tay Quảng [nhân vật thanh niên công giáo trong Xung đột] đi bắt cán bộ. Chả biết sợ là gì cả.
- Có lẽ vì anh cũng không ý thức được việc mình làm
- Có thể. Nhưng mà lại rất say. Làm ngày làm đêm. Chả
ai làm mà các ông trên lại bày cho mình làm. Hồi ấy ông Trần Văn Cẩn còn làm
giám đốc trường Mỹ thuật. Ông ấy mời tôi đến nói chuyện với trường. Hôm nay Đảng
đoàn giới thiệu đồng chí Nguyễn Khải đến... Thế là tôi hoa chân múa tay.
Trên ông Tố Lành ông ấy cũng chiều tôi lắm cơ. Ai lại
ông ấy bảo này, mai Thế Lữ lên phát biểu. Cụ ấy trình độ có hạn. Vậy anh đến
anh xem lại, góp ý kiến với bản phát biểu ấy. Thôi, tôi không phải xem lại nữa
đâu, anh Khải nhớ. Thế là đến. Câu đầu tiên, nhưng mà bác phải viết ra cơ, chứ
để đề cương thế này khó góp ý kiến lắm. Sau này mới nghĩ nói như thế là nói hỗn.
Mình đã đáng tuổi con người ta đâu.
- Trước đó, hồi 1945-57 thảo luận về vấn đề tô hồng
bôi, đen, tôi còn dám nói rằng theo tôi, không có tác phẩm tô hồng, tác phẩm
bôi đen, chỉ có tác phẩm viết tồi thôi.
- Có lần chỉ tôi với ông Tuân cãi nhau cả buổi. Mấy lần
nói xong ông Tuân định bỏ về, tôi với tư cách tổ trưởng lại bảo anh không thể bỏ
về được. Thế cơ mà.
- Cho đến năm 1965, tôi vẫn còn lắm điều. Lần ấy, nhân
ông Hoài Thanh ông ấy tranh luận về hư cấu, tôi sang tôi nói cả một buổi. Các đồng
chí bảo không có hư cấu. Ngay trong một bản báo cáo thành tích đã có hư cấu. Một
lời tự nhận xét, đã tước đi những phần mà tác giả cho là không quan trọng, như
thế là hư cấu chứ gì. Tôi nói xong một
lượt, hỏi còn ai hỏi gì nữa không, rồi lại nói tiếp.
Có lúc tôi bảo:
-- Có phải các đồng chí bảo Họ sống và chiến đấu là… là lính tẩy, xan-đa-tét. (Chính ông Hoài
Thanh bảo vậy). Tôi cho rằng..
Đến nhà người ta mà nói như thế, thì còn ra cái gì nữa!
Mãi đến mấy năm gần đây, tôi mới bỏ đi được đấy. Thấy chán. Thấy cũng chả được
việc gì.
Lại nói về vụ Nhân văn Giai phẩm
- Đúng là hồi ấy mình không biết gì. Còn như giữa họ
giữa những người văn chương với nhau, đấy là cuộc đấu tranh của giới quý tộc -
mình len vào cũng là một thứ vũ khí cho họ dùng. Nhưng không hiểu sao, bọn mấy ông Trần Dần các ông ấy cũng không
ghét tôi lắm đâu. Có lẽ là vì họ biết rằng mình không hiểu, mình nói liều thôi.
Chứ nhiều người khác, tố điêu, tố láo, bây giờ còn thù
nhau mãi.
- Chính những ông như Trần Dần, họ vẫn tự coi mình người
chân chính mác xít đấy. Chỉ có điều mác xít nhưng mà phải tự do. Quan niệm văn
nghệ tự do thấm vào với họ từ trong máu rồi.
Năm 1953, Trần
Dần sang nghiên cứu văn nghệ Trung quốc, đã nói nhiều tới Hồ Phong. Đi đường toàn cãi nhau với
Hoàng Xuân Tùy thôi.
Bây giờ Trần Dần vẫn nói về những chuyện văn nghệ trụy
lạc, suy đồi, với giọng khinh bỉ thực sự!
... Hồi ấy, trong bọn, Trần Dần là người có học hơn. Là người đi đến đâu cũng được nhiều
người nghe. Đến khi ông ta bị "cầm cố" rồi, vẫn ung dung đọc sách, và
cũng không ai dám đùa bỡn! Nguyễn Hữu Đang là nhà lý luận chung vào đây là nhà
lý luận văn nghệ. Vả lại, so với những Phan Khôi... thì tay này mới hơn chứ!
Chính đó là người đi đơm đặt, mời mọc các ông Văn Cao, Nguyễn Tuân...
- Về phía bên này, người mà có thể gọi là kỳ phùng địch
thủ của Trần Dần, là Nguyễn Đình Thi. Hồi ấy, Tố Hữu cũng hơi sợ, không dám đối
mặt nhiều lần với cánh bên kia đâu.
- Thôi, cứ coi đó là một thoáng dân chủ duy nhất của mình.
Họp hành các thứ ở trên gác 2, khách sạn Bờ Hồ. Ông Trường Chinh đến, chỉ có tiếng
vỗ tay lẹt đẹt... Chỉ những người trong Đảng vỗ tay. Rồi có ý kiến, rồi ông ấy
lên trả lời. Hồi ấy, người còn sinh khí lắm, ăn nói đâu vào đấy, mặt không hề
biến sắc. Tức là người đã có kinh nghiệm từ hồi hoạt động công khai mà.
-- Năm 1956, anh có bị xúc động ghê gớm, nó giống như
thể thất vọng không?
-- Không. Có lẽ một phần cũng là vì tôi không bao giờ
tin mọi điều một cách nông nổi. Hoặc là vì mình cũng đã có những năm sống dưới
cái chế độ cũ điên đảo, có lúc mình tin rằng không bao giờ người ta có thể diễn
thuyết được bằng tiếng tiếng Việt. Biết thế, cho nên cũng khó lòng nói là bị một
cái gì đổ vỡ.
Lắm lúc buồn quá, chỉ nghĩ thế là đời mình coi như hỏng
rồi, không còn mong gì nữa.
Dẫu sao, năm
nay chúng tôi đã hơn 40 tuổi. Cũng đã được một chặng rồi, chả hối hận gì nữa. Từ
nay trở đi, sẽ thấy thời gian đi rất nhanh. Sẽ thấy anh chẳng còn làm gì được nữa
đâu. Có làm được gì, là làm từ năm 25 tuổi.... Nhưng mà trong tình hình chung,
thì còn gay lắm, chưa thấy gì cả. Lại còn lo cánh giải phóng nó gọi vào. Ông
Thép Mới đang xin ra đấy. Nghe đâu ông ấy bảo những anh em nào có khả năng làm
việc thì cố tìm cách mà thoái thác.