CHƯƠNG IV
Thời kỳ Pháp thuộc
I– SỰ GIÚP ĐỠ
CỦA QUỐC GIA PHONG KIẾN
Chúng ta đã biết rằng mấy thời Lý Trần Lê là thời toàn
thịnh của dân tộc và văn hóa Việt nam. Song từ khoảng đầu thế kỷ XVI, cuộc soán
đoạt của họ Mạc, đến cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn, suốt hai thế kỷ XVII và
XVIII, đã làm cho lực lượng và sinh khí của dân tộc nhụt hẳn đi.
Ở Đường Ngoài, chúa Trịnh chuyên quyền, một mặt thì
cùng xa cực ải, một mặt thì cần tiền nhiều để kinh phí việc đánh Nguyễn, nên họ
sửa sang phép tài chính rất nghiêm ngặt, bắt nhân dân phụ đảm quá nặng nề. Tình
cảnh nhân dân lại khổ thêm vì nhiều cuộc viễn chinh ở những miền xa xôi độc
địa. Giai cấp sĩ phu trước kia tự tôn trọng, thì bấy giờ chỉ biết a dua chúa
Trịnh để cầu phú quí, cho đến những bậc tài cao học rộng như Phạm Công Trứ, Lê
Quí Đôn, Ngô Thời Sĩ mà cũng chỉ cam tâm làm tôi chúa Trịnh mà thôi. Những kẻ
bất đắc chí, nhân tình trạng khổ sở của nhân dân và tình hình thối nát của sĩ
phu bèn gặp dịp rất tốt để nổi lên khắp nơi. Có thể nói rằng ở thời Lê mạt, xã
hội Đường Ngoài mỗi ngày mỗi bày thêm cái hiểm tượng tan rã chia lìa.
Ở Đường Trong thì nhờ sự kinh lý đất mới, chúa Nguyễn
mở thêm đường lợi được nhiều nên có đủ tiền của để kinh phí việc chiến tranh,
nhưng tại các nơi đất đai mới mở, những kẻ có vật lực, những kẻ gian hoạt cùng
những kẻ công thần đã giúp nhà chúa gây dựng cơ đồ, hoặc nhờ khai hoang đắc lực
hoặc do chiếm đoạt của kẻ khác, hoặc được Nhà nước chia đất thưởng công, mà
thành một lớp quí tộc địa chủ mới, tức là cái lực lượng chủ yếu nhà chúa phải
dựa vào để trị dân. Bọn quí tộc địa chủ này, ỷ thế cậy công, tha hồ bóc lột
binh dân đã trải bao nhiêu gian khổ ở những vùng lam chướng. Mối oán giận của
bần dân đã bộc phát thành cuộc khởi nghĩa của anh em Tây sơn là những tay thảo
dã anh hùng đã khéo lôi kéo được dân chúng bất bình để lật đổ chính quyền của
chúa Nguyễn. Thừa thắng tiến thẳng ra Bắc, Nguyễn Huệ đã diệt luôn chúa Trịnh
và vua Lê chỉ còn sống quằn quại trong cảnh suy tàn.
Khôi phục được cuộc nhất thống, vua Quang Trung toan
khôi phục cả lực lượng của dân tộc đã cơ hồ mạnh được sau khi chiến thắng quân
xam lược Trung hoa. Hình như Nguyễn Huệ còn có cái linh giác thấy rằng văn hóa
nước nhà muốn phục hưng được thì cần phải có một cuộc thay đổi lớn lao chứ
không thể cứ noi theo con đường Hán học đã đến bước cùng.
Vì thế người chủ trương dịch hết sách chữ hán ra chữ
nôm, và sửa đổi chương trình học và thi để toan dựng lên một nền giáo dục hoàn
toàn tự chủ. Nhưng sự nghiệp của nhà Tây sơn kỳ thực chỉ là một cuộc thay
đổi triều đại, vua Quang Trung vẫn xây dựng chính quyền trên nền tảng kinh tế,
xã hội và chính trị cũ, chính quyền ấy vẫn dựa vào sĩ phu trong giai cấp quí
tộc địa chủ, mà bọn bần dân đã hăm hở đi theo Nguyễn Huệ để dựng lên cơ nghiệp
ấy, bây giờ lại trở lại ruộng vườn ấp trại để nai lưng mà gánh vác sưu thuế và
việc quan, để ốm xác mà cày bừa cho địa chủ. Vua Quang Trung phải cấu phong
với nhà Thanh, phải nương tựa vào lớp sĩ phu, vẫn chưa thoát được ra ngoài vòng
cái bóng sầm sập của núi Thái sơn. Rốt cuộc, Nguyễn Huệ cũng chỉ là một vị anh
hùng, đồng loại với các vị anh hùng đời trước như Lê Lợi, chỉ có hoài bão cứu
vớt nước nhà trong bước suy đồi để chấn hưng cuộc sinh hoạt của dân tộc trên
nền tảng cũ.
Phỏng sử nước ta vẫn là một nước chỉ sống bên cạnh
nước Trung hoa mà sự hoạt động của thế giới không có cách gì vang dội đến cuộc
sống của ta được, thì hoặc giả cái sự nghiệp phục hưng của Nguyễn Huệ - lại
phải giả thiết nếu Nguyễn Huệ sống lâu, điều ấy cũng có thể có được – cũng có
thể thành công được. Nhưng cái thế suy đốn của dân tộc ta bấy giờ lại gặp phải
chính lúc các cường quốc ở Âu châu nhờ công thương phát đạt mà đương tìm lối
phát triển thế lực sang phương Đông.
Ở nước ta thì từ đầu thế kỷ thứ XVII, chính trong cuộc
Trịnh Nguyễn phân tranh, các lái buôn và giáo sĩ người Âu, Hòa lan và Bồ đào
nha, đã đến cả Đường Trong và Đường Ngoài để thông thương và truyền giáo. Hội
An ở Nam, Phố Hiến ở Bắc, bấy giờ đã thành hai nơi trung tâm điểm thương mại
rất phồn thịnh. Cuối thế kỷ thứ XVII, sự nghiệp của người Pháp ở Đường Ngoài
cũng như ở Đường Trong dần dần thịnh hơn sự nghiệp của tất cả các nước Âu châu
khác. Theo với các lái buôn và giáo sĩ ấy, ảnh hưởng văn hóa vật chất và văn
hóa tinh thần của Tây phương đã ba cập đến ta. Tiếp xúc với một thứ văn hóa
đương đầy sức để phát triển ra khắp thế giới, một thứ văn hóa đương lăm le xô
đổ cả cái văn hóa cố cựu của Hán tộc mà xưa nay ta vẫn xem là thần thánh, đụng
chạm với cái văn hóa mạnh mẽ như thế thì cái văn hóa và cái xã hội đương suy
của ta không thể nào đứng yên được, nếu không có sức để tự cải tạo ở bề trong
thì tất bị sức bề ngoài xô đổ. Nhưng vô luận công cuộc cải tạo gì, dù quan
trọng đến đâu – như việc cải cách giáo dục của Nguyễn Huệ nữa – mà không phải
là cải tạo căn bản, cải tạo cơ cấu thì cũng phải thất bại. Dẫu nhà Tây sơn có
diệt hẳn được nhà Nguyễn, thì cuối cùng cũng không thể đứng vững ở trên nền
tảng xã hội cũ với sự xô đẩy của thế lực văn hóa Tây phương.
Thực ra, cái thế lực Tây phương không phải là đến với
ta một cách dồn dập xô bồ. Nó bắt đầu đến một cách rụt rè lễ phép, với đủ ngón
khôn khéo nhũn nhặn để xin ta dung nạp. Trong khoảng ba thế kỷ, chúng ta đã
chán đủ thì giờ mà thấy rõ cái hiểm tượng trước mắt mình, nếu tự mình không đi
theo thời thế. Đáng lẽ nhờ sự kích thích ấy, trong dân tộc ta phải dần dần xuất
hiện một thế lực mới để thay cho cái thế lực của lớp sĩ phu đã suy. Đối với cái
hiểm tượng bị xô đổ bởi thế lực của tư bản chủ nghĩa Tây phương, giai cấp quí
tộc địa chủ và sĩ phu quả là bất lực, giai cấp bần nông là phần tử đông đúc
nhất trong xã hội chỉ sống lây lất trong cảnh nghèo nàn dốt nát, cũng không đủ
năng lực vật chất và tinh thần để đối phó với thời nguy. Tất phải trong cậy vào
một giai cấp khác có đủ tư cách, có đủ lợi khí vật chất và tinh thần như giai
cấp tư sản đương hoạt động ở Âu châu, nghĩa là một giai cấp tư sản quốc gia,
thì mới có thể đương đầu với thế lực xâm lược của tư bản chủ nghĩa ngoại quốc
được. Giai cấp ấy có thể do người ở giai cấp sĩ phu và người ở giai cấp công
thương biến thành.
Nhưng điều kiện vật chất, tình trạng kinh tế của nước
ta bấy giờ không thể nào đào tạo được một giai cấp như thế. Như chúng ta đã
biết, sự sinh hoạt quá nghèo nàn của nhân dân, nhất là trong buổi xã hội đương
suy, sự sinh hoạt giản dị của giai cấp thượng lưu, những nhu cầu vật chất quá
ít ỏi của xã hội không thể kích thích cho nền công thương phát đạt được. Tuy có
người ngoại quốc đến thông thương mà trong suốt ba thế kỷ, sự kích thích của
kinh tế Tây phương cũng không giúp đỡ nổi cho sự phát triển của công thương bản
quốc. Như thế thời không thể có một giai cấp tư sản quốc gia ló đầu lên được,
cho nên đến khi thế lực của tư bản chủ nghĩa Âu châu xô đến một cách bức bách
quá, thì quốc dân chỉ còn đặt hy vọng vào giai cấp sĩ phu vẫn là giai cấp lãnh
đạo của dân tộc. Khi tư bản chủ nghĩa nước Pháp đem binh lực đến để uy hiếp
nước ta thì cầm quân ra kháng chiến vẫn là người sĩ phu, không phải là những
tay chuyên môn dùng khí giới và chiến thuật khoa học, mà là những nhà nho tin
tưởng rằng có thể đem giáo mác, cung nỏ và chiến thuật của thời Xuân thu Chiến
quốc mà đối địch với khí giới và chiến thuật khoa học của kẻ thù.
Mãi đến khi chúng ta đã mất hết nửa đất Nam kỳ, trong
hàng sĩ phu mới có một người “lạc lõng” lên tiếng để cảnh tỉnh Triều đình và sĩ
phu, dâng hết điều trần này đến điều trần khác để xin Triều đình cải cách chính
trị, cải cách binh chế, chỉnh đốn tài chính, mở mang công thương, khai phát
nguồn lợi theo lối Tây phương, cùng là rước thầy mở trường giảng tập khoa học
và kỹ thuật, phái học sinh ra ngoài du học, phái sứ giả ra ngoài để giao thiệp
với các cường quốc, bao nhiêu phương sách gọi là tế cấp để mong cứu vãn thế
nguy. Song những lời kêu gào thống thiết của Nguyễn Trường Tộ đã chậm quá rồi,
vì tình thế đã nguy khốn không thể tài nào vãn hồi được nữa. Một mặt khác,
những lời kêu gọi ấy lại là sớm quá, vì cái tiếng tiên tri tiên giác ấy là bày
tỏ những ý nguyện của giai cấp tư sản nước nhà chưa thành hình, cho nên ở thời
bấy giờ, trong nước chưa có tai nào nghe lọt được. Những lời điều trần của Nguyễn
Trường Tộ và của ba bốn người nhà nho khác gọi là phái “thức thời” không những
chỉ là những lời thuyết giáo giữa đất hoang, mà lại còn gây nên trong đám sĩ
phu khắp nước một trào lưu dư luận phản đối rất kịch liệt ; người ta đều nhao
nhao lên đòi làm tội những kẻ nào dám đề xướng việc biến pháp và xuất dương.
Trong triều ngoài nội, quan liêu nho sĩ đều cho rằng : sự tình đã đến thế này
thì chỉ còn có một nước liều đánh mà thôi.
Cái chết khảng khái của Nguyễn Tri Phương và Hoàng
Diệu, sự kháng chiến oanh liệt của Tôn thất Thuyết và Phan đình Phùng đã làm vẻ
vang cho giai cấp sĩ phu hấp hối; lòng hăng hái liều lĩnh của quân dân trước
chiến cụ ghê gớm của địch quân đã tỏ rằng dân tộc ta vẫn xứng đáng với tổ tiên.
Nhưng lòng can đảm của một số người không thể làm nên được việc linh dị, cho
nên thất bại là chuyện tất nhiên. Lần lượt người Pháp đã chiếm được đất Nam kỳ
và đặt quyền bảo hộ của họ ở Trung Bắc kỳ, buộc nước Việt nam vào thân phận
thực dân địa.
Dân tộc Việt nam, dưới sự dẫn đạo của giai cấp sĩ phu
trong chín trăm năm, đã từng ghi những trang lịch sử rất vẻ vang và đã tỏ ra là
một dân tộc có đủ tư cách và lực lượng để tự tồn. Ngay trong khoảng trung suy,
dân tộc ta cũng còn có sức ngăn cản được sự xâm lược của quân Trung hoa và khai
thác được phần đất cuối cùng của người Chiêm thành và một nửa đất của người
Chân lạp. Nhưng cái sức chống được người Hán và thắng được người Chiêm, người
Mên bấy giờ là những dân tộc đều đã suy nhược, không thể làm gì nổi đối với cái
lực lượng đương tiến tới của tư bản chủ nghĩa nước Pháp bấy giờ. Trước sự đe
dọa bức bách của thế lực ấy, xã hội ta, tại nội bộ không đủ điều kiện để tự tồn
mà đối phó với tình thế mới, dân tộc ta không tạo lên được một lớp người mới để
đáp lại cái nhu cầu của thời đại mới nên đã phải chịu khuất phục. Giai cấp sĩ
phu sau khi đã làm xong sứ mệnh của mình trong thời độc lập đã phải lui ra,
trong lúc trong nước chưa có giai cấp nào thừa tiếp lấy sứ mệnh ấy mà dựng cuộc
phục hưng cho dân tộc. Cái thảm huống ấy đã hãm dân tộc ta vào một vòng nô lệ
mới vậy.
II. NHỮNG BIẾN
CHUYỂN VỀ CHÍNH TRỊ
Khi người chinh phục đã chiếm được một miền đất nào
thì công việc đầu tiên của họ là lo tổ chức chính trị và hành chính để đặt vững
uy quyền của họ.
Sau khi họ chiếm được đất Nam kỳ thì về phương diện
hành chính ở tầng dưới, người Pháp vẫn giữ những tổ chức Việt nam cũ với các xã
trưởng, cai tổng, tri huyện, tri phủ, làm lợi khí trực tiếp trị dân. Song ở
trên, để thay thế những quan lại Việt nam các tỉnh đã bị Triều đình gọi về, họ
lập ra một ngạch quan lại người Pháp gọi là Thanh tra dân vụ (Inspecteurs des affaires indigènes), tục
thường gọi là Tham biện. Ở trên đầu tổ chức hành chính là Nha giám đốc nội vụ (Direction de l’intérieur), tức là cơ
quan thống trị cao nhất, ở dưới quyền điều khiển của mọt viên thống đốc buổi
đầu là võ quan. Từ năm 1879 trở đi, nước Pháp bắt đầu đặt văn quan làm Thống
đốc để tổ chức chính quyền một cách vĩnh cửu và kinh dinh thực dân địa. Viên
Thống đốc văn đầu tiên, Le Myre de Vilers, đặt những hội động dân cử và theo
tôn chỉ chính trị của nước Pháp mà đặt quyền tư pháp tách riêng với quyền hành
chính.
Theo tình hình tối hậu thì tổ chức hành chính của xứ
Nam kỳ đại khái là sau này :
Ở trước hết là xã, thuộc quyền cai trị của một hội
đồng kỳ mục gọi là hội tề, do những người dân có vật lực, có học thức và có
danh vọng bầu ra. Trên xã thì có tổng, có một người Bang biện và một người Sung
biện coi việc hành chính, do các xã cử lên và do cơ quan hành chính tỉnh lựa
chọn. Các tổng hợp thành tỉnh, ở dưới quyền một viên Chủ tỉnh người Pháp. Tại
các tỉnh lớn thì nhiều tổng họp thành quận, do một viên Chủ quận người Việt hay
người Pháp cai trị, các viên Chủ quận ở dưới quyền kiểm soát của viên Chủ tỉnh.
Ở trên cả là Chính phủ Nam kỳ. Viên Thống đốc Nam kỳ
cai trị cả xứ, ngoài những viên Chủ tỉnh, còn có những viên Chủ sự các công sở
giúp việc trực tiếp, và có những hội đồng tham dự ít nhiều vào việc hành chính,
như Hội đồng tư mật (Conseilprivé), Hội
đồng quản hạt (Conseil colonial),
Phòng thương mãi, Phòng canh nông v.v…
Ở Trung kỳ và Bắc kỳ là xứ bảo hộ, người Pháp không
thể cai trị trực tiếp được nên phải dùng một tổ chức chính trị và hành chính
khác với Nam kỳ.
Hai tháng sau khi vua Hàm nghi xuất bôn để mưu kháng
chiến, thì ngày 14 tháng 9 năm 1885 người Pháp đặt vua Đồng khánh. Chính phủ
Pháp đặc phái Paul Bert (ngày 31 tháng 1
năm 1886) sang làm Tổng trú sứ Trung kỳ và Bắc kỳ. Đến nơi Paul Bert lập
ngay phủ Thống sứ Bắc kỳ, lại yêu cầu vua Đồng khánh đặt chức kinh lược Bắc kỳ
và cho quan kinh lược có quyền cùng với viên Thống sứ Bắc kỳ tự tiện quyết đoán
mọi việc. Năm 1897, vua Thành thái lại bãi chức Kinh lược mà giao cho viên
Thống sứ Bắc kỳ kiêm lĩnh chức ấy. Thế là theo thực tế xứ Bắc kỳ cũng thuộc
quyền thực trị của người Pháp như xứ Nam kỳ.
Ở Trung kỳ thì sau hiệp ước 1884, Quốc vương Việt nam
đã nhiều lần bị ép phải ký những sắc dụ (1897, 1898) để giao cho Chính phủ thực
dân, không những là quyền trông nom công việc ngoại giao và những công vụ lớn
như đã định trong hiệp ước, mà còn là quyền quản lý cả tài chính thuế khóa, cho
đến cả công cuộc hành chính và tư pháp cũng như ở Bắc kỳ sau khi bãi chức Kinh
lược.
Năm 1925, nhân vua Bảo đại lên ngôi đương còn trẻ
tuổi, người Pháp lại ép Triều đình Việt nam ký một bản hiệp định (11 tháng 11)
định chức quyền của Quốc vương từ rày chỉ còn ở việc lễ nghi, tế tự, việc ban
cấp thần sắc, điện hàm, cung hàm cùng tước vị và việc ân xá phạm nhân mà thôi.
Tất cả các việc khác, về tài chính, hành chính, cũng
như về kinh tế, giáo dục, đều do chính phủ thực dân chủ trương.
Thế là, tuy rằng ở Trung kỳ và Bắc kỳ vì danh nghĩa
bảo hộ, người Pháp còn phải giữ Quốc vương và quan lại Việt nam, hoặc để làm
tay sai, hoặc để làm bình phong, tùy theo công việc, nhưng Quốc vương và Triều
đình Việt nam đã dần dần mất hết chủ quyền, mà tất cả các quan lại Việt nam từ
Thượng thư trở xuống, thực tế đều đã biến thành những viên chức ở dưới quyền
Chính phủ thực dân, cho đến Quốc vương cũng chỉ là một viên công chức đặc quyền
cũng ăn lương tháng.
Tổ chức chính trị và hành chính của ba xứ Nam kỳ Trung
kỳ và Bắc kỳ, tuy có ít nhiều chỗ dị đồng. Song ở trên những chỗ khác nhau địa
phương ấy, có một cơ quan tối cao tập trung quyền lực, tức là chính phủ của
khối liên hiệp Ấn độ chi na lập từ 1887, đứng đầu là chức Toàn quyền Tổng đốc,
đại biểu của Chính phủ Pháp, có quyền lập qui và quyền tự ý xử lý các việc hành
chính, tài chính, kinh tế và trị an.
*
* *
Ở Nam kỳ là xứ
thuộc địa, người Pháp đã phá hủy từ buổi đầu tất cả những qui mô phong kiến
quan trọng, cho nên trong công cuộc thống trị họ không có thể lợi dụng những
tàn tích phong kiến như ở Trung Bắc kỳ. Để hòa hoãn những sự yêu sách và phản
kháng của nhân dân, họ phải lợi dụng giai cấp tư sản bản xứ (trưởng thành ở dưới chế độ thực dân) làm
vật hoãn xung. Vì thế họ phải cho dân bản xứ nhất là giai cấp tư sản, được
hưởng một ít quyền lợi chính trị và kinh tế hơi rộng rãi hơn so với các xứ bảo
hộ. Nhân đó mà sinh hoạt chính trị ở đấy có vẻ náo nhiệt. Sau cuộc Âu châu đại chiến
là một hiện tượng đã đánh thức tình thế dân tộc ở khắp thế giới nhất là ở các
xứ bị đô hộ, thì trong trường ngôn luận Việt nam ở Nam kỳ, một phần báo chí đã
lộ hẳn thái độ phản kháng. Đồng thời xuất hiện những đoàn thể chính trị công
khai, có tính chất tranh đấu ít nhiều.
Ở Trung Bắc kỳ, nhất là ở Trung kỳ, thì người Pháp có
thể lợi dụng Quốc vương và quan lại Việt nam để làm lợi khí thống trị, cho nên
họ không cho nhân dân được hưởng chút lợi chính trị và kinh tế gì. Giai cấp tư
sản ở đây, nhất là ở Bắc kỳ, không được có điều kiện phát triển bằng ở Nam kỳ,
phải kết hợp với lớp quan liêu tư sản hóa, cho nên hoạt động chính trị của họ
rất là dè dặt, không có một chút năng lực tranh đấu nào. Từ năm 1925, nhờ ảnh
hưởng của cuộc hồi hương của Phan Châu Trinh, sinh hoạt chính trị ở Trung Bắc
kỳ cũng có vẻ bớt trầm trọng. Song rốt cuộc, những thất bại của các lãnh tụ
chính trị tư sản ở Trung Bắc cũng như ở Nam, gây nên bởi những lời hứa hẹn ngon
ngọt hay những ngón mua chuộc khôn khéo của Chính phủ thực dân, đã khiến quốc
dân ngã lòng dần mà phải đặt hy vọng vào con đường khác. Những phần tử thanh
niên trí thức, không hy vọng ở sự yêu cầu cải cách của các lãnh tụ tư sản, đã
quả quyết đi vào con đường cách mệnh để tiếp tục cuộc vận động dân tộc giải
phóng của các bực sĩ phu tiền bối mà người lãnh tụ là Phan Bội Châu mới bị bắt
từ Trung hoa đem về. Cuộc xử án của nhà lãnh tụ cách mệnh này đã làm sôi nổi
nhân tâm cả nước và đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với cuộc vận động cách mệnh
của thế hệ thanh niên tân học bấy giờ.
III.NHỮNG BIẾN CHUYỂN VỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
Mục đích của sự chinh phục thực dân địa của người Tây
phương là khai thác tất cả các nguồn lợi của thực dân địa để phát triển thế lực
kinh tế của chính quốc. Để biết rõ tình hình nguồn lợi mà khai thác, thì trước
hết họ phải giám sát miếng đất ấy rất kỹ càng. Bởi vậy, ngay sau khi mới chiếm
được một nửa xứ Nam kỳ, họ đã tổ chức Đoàn Doudart de Lagré – Francis Garnier
để thám sát lưu vực sông Mê kông. Năm 1879, họ lại tổ chức Đoàn Pavic để thám
sát tất cả xứ thuộc địa Ấn độ chi na. Từ đầu thế kỷ XX thì họ không đặt những
đoàn thám sát nữa mà lại đặt những cơ quan nghiên cứu thường xuyên, như ở các
sở Địa du học, Địa chất học, viện Viễn đông bác cổ v.v…
Về mặt khai thác nguồn lợi, thì họ phải lo mở mang
trước nhất các thương phụ (như Sài gòn,
Hải phòng, Đà nẵng) để thông thương với chính quốc. Họ đã kinh dinh Sài gòn
thành một thương phụ vào bực quan trọng ở Á đông. Ở trên bộ thì từ năm 1912,
Toàn quyền A. Sarraut đã đặt một chương trình đạo lộ cho toàn hạt Ấn độ chi na
và năm 1918 thì bắt đầu làm những đường thuộc địa liên lạc năm xứ. Từ năm 1923
thì sự vận tải bằng xe ô tô bắt đầu phát triển trên khắp các ngả đường.
Phương tiện giao thông quan trọng nhất ở nội địa là xe
lửa. Đường xe lửa đầu tiên là đường Sài gòn – Mỹ tho làm xong từ năm 1886. Thứ
nhì là đường Hà nội – Lạng sơn làm xong từ năm 1897 và 1900. Đường xuyên Ấn độ
chi na do Toàn quyền Doumer dự định, năm 1924 đã bắt đầu làm được ba đoạn, đến
năm 1936 mới hoàn thành. Đó là đường liên lạc quan trọng nhất đi suốt từ Nam
quan đến Mỹ tho (1714 kilomet). Con đường Hải phòng – Vân nam dài 859 ki lô mét
làm từ năm 1901 đến năm 1910 mới xong, thì Chính phủ nhường cho một công ty
riêng quản lý.
Những đường giao thông ấy đã giúp đỡ rất nhiều cho
việc mở mang của thương nghiệp và việc kinh dinh các miền sản xuất trong khắp
cõi Ấn độ chi na.
Về thương nghiệp người Pháp lưu tâm trước hết về việc
thông thương của thuộc quốc và chính quốc, mục đích là để tiêu thụ những hàng
hóa của chính quốc và mua về những nguyên liệu của thuộc quốc. Để giữ độc quyền
cho chính quốc thì Chính phủ thực dân dùng chế độ bảo hộ quan thuế. Những nhà
buôn lớn của người Pháp lập ở các phụ đầu lớn nắm giữ độc quyền thực tế về xuất
cảng và nhập cảng. Những hàng hóa của nước Pháp nhập cảng vào thuộc địa đại
khái là những chế tạo phẩm. Những hàng hóa xuất cảng thì nhiều nhất là gạo, rồi
đến các nông sản và khoáng sản.
Về kỹ nghệ thì
người Pháp chú ý nhất về kỹ nghệ khai thác để cung cấp nguyên liệu cho chính
quốc. Trước cuộc thế giới đại chiến 1939 – 1945, các công ty khai mỏ của người
Pháp ở Ấn độ chi na khai thác đến hơn ba chục thứ khoáng chất, nhiều nhất là
than, rồi đến thiếc, ít nhất là vàng bạc.
Về công nghiệp chế tạo, thì người Pháp nhất thiết
không chủ trương lập kỹ nghệ nặng ở thuộc địa, phải để cho thuộc địa đủ sức mà
tiêu thụ sản phẩm của kỹ nghệ nặng của chính quốc. Chúng ta chỉ thấy có những
nhà máy kỹ nghệ nhẹ, thuộc về những ngành không mâu thuẫn với kỹ nghệ nhẹ của
chính quốc, ví dụ các nhà máy gạo, máy rượu, máy diêm, máy sợi, máy xi măng. Ở
đây các nhà tư bản Pháp có thể lợi dụng nguyên liệu và nhân công rẻ giá để sản
xuất và cạnh tranh với kỹ nghệ của các nước lân bang với Việt nam.
Vì nước ta còn nhiều đất hoang, nhất là ở miền thượng
du, cho nên khi mới đặt chân đến đất này, người Pháp đã nghĩ ngay đến việc khẩn
hoang. Từ năm 1897, là khi triều đình Việt nam nhường hẳn quyền ban cấp đất đai
cho Chính phủ thực dân, thì các nhà tư bản Pháp đua nhau bỏ vốn ra để khai
khẩn. Ở Nam kỳ thì phần nhiều họ chú trọng việc trồng lúa và cao su ; ở Bắc kỳ
thì họ trồng cả lúa, cà phê, chè, bông v.v… Sau cuộc Âu châu đại chiến thì sự
nghiệp kinh dinh canh nông của người Pháp rất thịnh. Trong khoảng từ năm 1921
đế năm 1931 họ khẩn thêm đến hơn một triệu mẫu tây.
Từ năm 1936, trải qua cuộc kinh tế khủng hoảng rồi,
nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ, nông nghiệp của người Pháp ở Việt nam lại càng
phát đạt hơn nữa.
Sự kinh dinh canh nông của người Pháp ở thuộc địa,
cũng như sự kinh dinh kỹ nghệ là cốt để cung cấp nguyên liệu cho chính quốc
(như cao su) hay là để bán ra ngoài (như chè, cà phê lúa).
*
* *
Trong cuộc kinh dinh kinh tế của người Pháp, người
Việt nam chỉ tham dự ở địa vị phụ thuộc. Sau cuộc Âu châu đại chiến, giới tư
sản Việt nam vốn giúp việc trong các xí nghiệp của người Pháp, cũng đã có ý
muốn gây dựng một nền kinh tế tự lập ít nhiều, với sự tổ chức những công ty cổ
phần theo những hình thức đơn giản như hợp tư (en participation) lưỡng hợp (en
commandite) để buôn bán, làm kỹ nghệ hay làm canh nông. Những các xí nghiệp
của người Việt nam không thoát được ra ngoài sự chi phối của các xí nghiệp Pháp
và của nhà Đông dương ngân hàng là cơ quan nắm hết cả ở trong tay họ vận mệnh
kinh tế của xứ thuộc địa. Nhà Việt nam ngân hàng (Société annamite de crédit) do người Việt nam lập ra ở Sài gòn để
nâng đỡ sự hoạt động kinh tế của các nhà doanh nghiệp bản quốc, cũng phải nằm
trong phạm vi điều khiển của nhà Đông dương ngân hàng.
Trừ một số ít nhà tư bản Việt nam theo đuôi người Pháp
để hoạt động, chúng ta có thể nói rằng toàn thể người Việt nam vẫn hoạt động về
kinh tế theo phương pháp xưa. Cơ sở kinh tế của quốc dân vẫn là nông nghiệp với
kỹ thuật nghìn xưa của nó.
*
* *
Trong khi người Pháp kìm hãm kinh tế quốc gia của
người bản quốc để khiến dân chúng nông công thương bản quốc phải sống vật vờ
trên nền kinh tế cằn cỗi, thì sự phát triển của nền kinh tế thực dân đã tạo
thành một lớp người mới, là hạng người làm thuê, làm thợ thuyền hay phu phen
trong các xí nghiệp của tư bản chủ nghĩa, hạng người đã đem mồ hôi nước mắt ra
mà đổi thành tiền lãi cho các xí nghiệp ấy. Sự kinh dinh của tư bản chủ nghĩa
càng phát đạt thì số lượng các người vô sản ấy càng tăng lên, tình trạng sinh hoạt
của họ càng khốn đốn. Nhưng đồng thời sự thức nhận thân phận và khả năng của họ
lại càng rõ rệt, khiến họ có thể thành một lực lượng rất lợi hại đe dọa sự phát
triển của nền kinh tế thực dân. Giai cấp vô sản mới ấy cùng với giai cấp tư sản
và tiểu tư sản bản quốc đã trưởng thành ở trong phạm vi ảnh hưởng của nền kinh
tế thực dân là hai thành phần hoạt bát nhất ở trong xã hội Việt nam hiện tại.
Nhưng giai cấp căn bản của xã hội vẫn là giai cấp nông dân, gồm gần chín phần
mười dân số trong nước.
IV. NHỮNG BIẾN CHUYỂN VỀ VĂN HÓA
Trong cuộc kinh dinh văn hóa ở thuộc địa người Pháp
chú ý nhất về hai việc : giáo dục và tuyên truyền.
Trước hết, chúng ta hãy xét qua phương diện giáo dục.
Ở Nam kỳ, chính sách đồng hóa của người Pháp đã bãi bỏ tất cả tổ chức Hán học
cũ để thay vào một tổ chức giáo dục mới lấy chữ Pháp làm chủ, mà chữ quốc ngữ
và chữ Hán chỉ làm phụ. Ở các tỉnh họ mở những trường tiểu học Pháp Việt và ở
Sài gòn một trường Sư phạm sau này sẽ thành trường trung học Chasseloup Laubat.
Ở Trung Bắc kỳ thì lịch trình canh cải giáo dục chậm
hơn. Vì ở đây, theo Hiệp ước còn có Quốc vương và Triều đình, mà lớp sĩ phu nho
học đông đúc đương còn có nhiều uy tín trong xã hội, cho nên người Pháp còn
phải giữ nền nho học cũ với chế độ khoa cử, mà chỉ mở một ít trường học Pháp Việt
thôi. Đối với việc học chữ Pháp và chữ quốc ngữ mà các nhà nho xem là cái học
thông ngôn và bồi bếp, họ rất khinh bỉ.
Nhưng vào khoảng đầu thế kỷ này, nhờ những tân thư của
Trung quốc truyền sang, các nhà nho học mới biết qua loa cái chân tướng của văn
hóa Tây phương với những tư tưởng bình đẳng, tự do và những thuật phú quốc
cường binh của nó. Người ta trở lại trách người Pháp không đem những cái hay
cái quí trong văn hóa họ mà dạy cho người Việt nam, cho nên hạng thanh niên nho
học bấy giờ ùa nhau theo phong trào xuất dương du học.
Để đối phó với phong trào ấy, năm 1906, Chính phủ thực
dân bắt đầu cải cách giáo dục ở Bắc, đến năm 1915, và năm 1918, chế độ khoa cử
bị bỏ ở Bắc kỳ và Trung kỳ để nhường chỗ cho chế độ học đường mới, lấy sự học
chữ Pháp làm căn bản.
Sau cuộc Âu châu đại chiến, năm 1909, Toàn quyền A.
Sarraut bắt đầu nâng cao trình độ giáo dục của người bản quốc với sự thiết lập
các trường cao đẳng chuyên môn để đào tạo những người giúp việc có năng lực
chuyên môn cho các cơ quan chính trị, kinh tế và văn hóa của họ.
Nhưng sau khi tinh thần dân tộc đã bị kích thích mạnh
mẽ trong giới thanh niên Việt nam, các trường cao đẳng chỉ cung cấp một ít trí
thức thực tiễn không thỏa mãn được cái lòng ham học của họ. Tình hình chính trị
sôi nổi từ khoảng 1926 – 1927 tại gây thành một phong trào xuất dương du học
sang các nước Trung và Nga. Để hòa hoãn những bất bình của giới trí thức, Chính
phủ thực dân, đến năm 1933, lại phải mở hai ban Y khoa và Luật khoa đại học để
thay cho các trường cao đẳng chuyên môn trước. Nhưng đối với một số dân gần ba
chục triệu người (kể cả hai xứ Cao mên và
Ai lao), thì một trường Đại học chỉ có hai ban như thế rất là chật hẹp. Vả
chăng các trường Đại học chỉ đào tạo được một ít thầy thuốc và quan lại, không
đủ để thỏa mãn cái lòng hiếu học của thanh niên. Người ta vẫn cứ phải tìm hết
cách hoặc để thoát ra ngoài, hoặc để đưa lén sách báo ở ngoài vào để học riêng.
Về phương diện tuyên truyền, thì ngay từ khi họ mới
chinh phục nước ta, họ đã có những nhật báo và tạp chí bằng chữ Pháp và bằng
quốc ngữ để tuyên truyền cho chính trị và kinh tế của họ. Nhưng từ sau cuộc Âu
châu đại chiến thì sự nghiệp tuyên truyền bằng báo chí của họ lại được săn sóc
đặc biệt. Không những Chính phủ thực dân và giới tư bản pháp tự cho người Pháp
đứng ra để làm báo (như L’OPINION, LA
DÉPÉCHE ở Sài gòn, L’AVENIR DU TONKIN, LA VOLONTÉ INDOCHINOISE, FRANCE
INDOCHINE ở Hà nội), mà họ lại còn trợ cấp hay thuê tiền những người Việt
nam cho họ ra báo viết bằng tiếng việt và tiếng pháp để tuyên truyền cho đắc
lực (như báo LỤC TỈNH TẢN VĂN, báo
PROGRÈS ANNAMITE ở Sài gòn, báo TRUNG BẮC TẢN VĂN, ĐÔNG PHÁP, LA .............. ANNAMITE ở Hà nội).
Ngoài báo chí ra, người Pháp lại còn dùng cách lập các
hội học để làm cơ quan tuyên truyền cho văn hóa thực dân, ví như các hội Khuyến
học, và hội ............... ở Nam kỳ, các hội
Quảng trị hay Tri tân........Trung kỳ, các hội
Trí tri và hội Khai trí tiến đức ở Bắc kỳ, cùng những hội hòa nhạc, diễn kịch
lẻ tẻ ở các nơi.
Cái mục đích kinh dinh văn hóa của người Pháp ở nước
ta, ngoài sự đào tạo những người có ít nhiều tri thức phổ thông để giúp việc
cho họ về các phương diện, lại còn cốt kìm hãm không cho văn hóa dân tộc của
người bản xứ có thể phát triển được. Về điểm ấy, chúng ta phải thừa nhận rằng
họ đã thành công được một phần lớn.
Chúng ta hãy xét qua văn nghệ và học thuật là hai hình
thức văn hóa cao và sâu nhất có thể đại
biểu cho văn hóa của một dân tộc.
VĂN NGHỆ - Cái thành tích văn hóa quan trọng nhất do
ảnh hưởng văn hóa Pháp gây nên là sự thông dụng chữ quốc ngữ. Đó là thứ chữ
nguyên các nhà truyền giáo người Tây phương đặt ra để dùng trong công cuộc
truyền giáo của họ ở các thế kỷ thứ XVI và XVII. Đến khi người Pháp chinh phục
Nam kỳ rồi, thì chữ quốc ngữ bắt đầu được dạy trong các trường học Pháp Việt. Ở
Bắc kỳ từ năm 1906, và ở Trung kỳ từ năm 1908, chữ quốc ngữ cũng được dạy làm
một môn giáo khoa phụ. Đồng thời các nhà văn học, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh
Tịnh Của ở Nam kỳ, Đào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính, Phạm Duy Tốn ở Bắc kỳ, trước
sau dùng chữ quốc ngữ để viết sách và viết báo. Từ sau cuộc Âu châu đại chiến,
nền học mới đã thay hẳn nền Hán học, thì các thanh niên tân học bấy giờ như
Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cùng với các nhà cựu học duy tân, như Dương bá
Trạc, Hoàng tăng Bí, Nguyễn khắc Hiếu, đứng ra chủ trương những cơ quan ngôn
luận, viết văn bằng Việt ngữ, mở mối đầu cho văn học Việt nam hiện đại bằng sự
giới thiệu những tư tưởng và học thuật cổ điển của Đông Tây đứng trên lập
trường Đông Tây dung hiệp, tương đương với chủ trương chính trị Pháp Việt đề
huề.
Từ năm 1925 đến năm 1930, nhân phong trào chính trị và
xã hội bồng bột, các báo chí và sách Việt ngữ bấy giờ lại có khuynh hướng tuyên
truyền và huấn luyện chính trị, cho nên người ta thấy xuất hiện những thi ca ái
quốc và những sách giới thiệu các học thuyết chính trị tiến bộ của Trung quốc
và của Âu châu.
Từ năm 1930 đến 1939, trải qua sự tỏa chiết của các
cuộc vận động chính trị, thì văn học lại theo một khuynh hướng mới là chỉ đề
cập các vấn đề chính trị một cách gián tiếp mà trực tiếp chỉ trích phê bình
những phong tục đồi bại và chế độ cổ hủ của nền văn hóa phong kiến.
Ở thời Thế giới đại chiến, trong khi các cơ quan tuyên
truyền của Chính phủ thực dân hết sức cổ võ cho quốc gia chủ nghĩa phản động
của nước Pháp dưới chế độ Pétain, thì giới văn học Việt nam cũng nhân tình
trạng ấy mà cổ võ cho một thứ quốc gia chủ nghĩa Việt nam, nhưng là một thứ
quốc gia chủ nghĩa hoài cổ, không đụng chạm gì đến quyền thống trị của người
Pháp bấy giờ và biểu hiện ở trong phong trào nghiên cứu lịch sử và trong sự
sáng tác thơ, kịch và tiểu thuyết lịch sử. Tuy nhiên, nhất là trong mấy năm
cuối của cuộc chiến tranh, nhân cuộc suy đốn của nước Pháp càng ngày càng rõ và
ảnh hưởng tuyên truyền của người Nhật, trong văn học Việt nam cũng thỉnh thoảng
trỗi lên được một chút tinh thần quốc gia chủ nghĩa bài Pháp.
Đến đây có thể nói rằng văn học Việt nam đã lìa hẳn
phạm vi thế lực của Hán học mà theo đường Âu hóa. Song dưới sự kìm hãm của
chính sách văn hóa rất chật hẹp của Chính phủ thực dân, cái ảnh hưởng Âu hóa
không thể gây nên được một nền văn học mới khả quan.
Về thi ca, trong khoảng mươi, mười lăm năm gần đây,
xuất hiện những thi sĩ duy tân như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, muốn lìa xa các
lối thơ cũ mà đi tìm thơ mới, song những tác phẩm của các thi sĩ mới ấy, chỉ là
những cuộc thí nghiệm đầu, chưa xây hẳn được nền móng vững vàng cho thơ mới
Việt nam.
Về kịch bản, những cây bút cứng nhất như Vi Huyền Đắc,
Đoàn Phú Tứ cũng chưa có được những tác phẩm có thể làm gương mẫu chắc chắn.
Về tiểu thuyết thì có lẽ thành tích khá hơn thi ca và
kịch bản. Những tác giá có danh hơn cả là Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ trọng Phụng,
Nguyễn công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng đã được nhiều hạng công chúng ưa
thích, song những tác phẩm của họ vẫn chưa có cái giá trị khiến nó vượt qua
biên giới nước nhà mà vẫn đứng được vững vàng.
Về phương diện nghệ thuật thì chỉ có hội họa là có
thành tích nhiều hơn hết. Người Pháp vốn cần một số nghệ sĩ để cung phụng những
nhu cầu xa xỉ của bọn quan lại và thực dân Pháp, cho nên trường Cao đẳng Mỹ
thuật Hà nội đã ra công đào tạo được ít nhiều họa sĩ có tài, nhất là về lối họa
dầu và sơn mài mà Nguyễn đỗ Cung và Nguyễn gia Trí là những tài hoa trội hơn
hết. Các môn điêu khắc, kiến trúc, cùng là âm nhạc, diễn kịch thì còn ở trình
độ phôi thai cả.
HỌC THUẬT – Văn nghệ là hình thức văn hóa trực tiếp và
sâu xa hơn cả mà thành tích còn mỏng như thế, thì học thuật tất cũng khó có
thành tích khả quan. Kinh tế học, chính trị học, xã hội học, triết học ở nước
ta còn ở trình độ nhà trường. Sử học là môn tương đối thịnh hơn cả, song nó
cũng mới phát triển đến cái trình độ biên thuật và ký sự thô sơ, chứ chưa vào
được địa hạt nghiên cứu khoa học.
Về khoa học tự nhiên, khoa học thực nghiệm, khoa học
suy luận, thì các nhà học giả chuyên môn của nước ta cũng chỉ mới thu hái được
những tri thức nhà trường để ứng dụng về phương diện thực tế (lý học, tự nhiên học, hóa học, vật lý học,
toán học). Trong các cơ quan nghiên cứu của người Pháp đặt ở nước ta như Sở
Địa dư học, Sở Địa chất học, Viện Hải học, Đài Khí tượng, Viện viễn đông bác
cổ, Cuộc Túc mễ, Viện Quang học, Viện Pasteur, các nhà học giả và chuyên môn
Việt nam có may mắn được tham dự thì cũng ở địa vị phụ tá mà thôi.
VĂN HÓA CẰN CỖI – Tóm tắt, chúng ta có thể nói rằng
trong thời kỳ Pháp thuộc, văn nghệ cũng như học thuật Việt nam không thể phát
triển tự do nên về phương diện nào văn hóa Việt nam cũng đương quanh quẩn ở
phạm vi sơ bộ.
Mục đích của sự kinh dinh văn hóa của người Pháp ở
thuộc địa, thứ nhất là đào tạo những người biết viết biết đọc chữ Pháp và có
một ít tri thức phổ thông để giúp việc cho họ. Thứ nhì là lừa phinh dụ dỗ nhân
dân cho họ tin vào cái sứ mệnh khai hóa của văn hóa thực dân, thứ ba là kìm hãm
làm cho cái văn hóa bản xứ phải cằn cỗi, không phát triển được. Về ba mục đích
ấy họ đều đã thành công được ít nhiều, mà riêng về mục đích thứ ba là kìm hãm
văn hóa dân tộc của ta thì họ đã thành công được một phần lớn lắm, nhưng đồng
thời cái ảnh hưởng trở lại của chính sách văn hóa ấy đã gây thành một nền văn
hóa cách mệnh phát triển bí mật ở trong phạm vi các tổ chức cách mệnh.
V. TƯƠNG LAI VĂN
HÓA VIỆT NAM VỚI CUỘC DÂN TỘC GIẢI PHÓNG
Xét qua lịch sử văn hóa Việt nam chúng ta đã thấy rằng
trong nghìn năm, văn hóa Việt nam đã sống trong cái bóng đồ sộ của núi Thái sơn
– văn hóa Hán tộc, và từ hơn một trăm năm nay thì văn hóa Việt nam đã thoát ly
khỏi bóng núi Thái sơn, nhưng lại bị giam hãm ngay vào cái nhà ngục của đế quốc
chủ nghĩa. Trong nhà ngục ấy thỉnh thoảng chúng ta cũng được nhìn ra sân, ra
cửa để trông thấy một vài mẩu trời xanh, nhưng nếu chúng ta dám mon men chạy ra
ngoài của để toan đi tìm ánh sáng của bầu trời thì lập tức cái cửa sắt nặng nề
lại đóng sập ngay lại, để ngăn lấp hết cả mọi đường hy vọng. Ở hoàn cảnh tù
túng ấy, cố nhiên văn hóa Việt nam chỉ sống vật vờ, cằn cỗi, làm sao có thể nảy
lộc nở hoa ? Muốn cho nó phát triển mà xây dựng được tương lai tốt đẹp thì phi
đường dân tộc giải phóng không còn đường nào khác nữa.
Hiện trong thế giới ngày nay khoa học đã tạo cho loài
người cái nền tảng đại đồng khiến sự sinh hoạt quốc tế trong khắp các phương
diện, lôi cuốn hết thảy các dân tộc vào trong một guồng mây duy nhất, nước Việt
nam tư chủ tất phải đáp theo tiếng gọi của vũ đài quốc tế. Những điều sở đắc
vụn vặt, mà nhờ khiếu thông minh và khôn khéo của giống nòi chúng ta đã thu
được trong cái vòng Âu hóa chật hẹp mấy lâu, cố nhiên sẽ là những bực thang đầu
giúp cho chúng ta trèo lên vũ đài quốc tế ấy. Nhưng rồi đây sống ở cảnh biển
rộng trời cao, cái thân thể chúng ta sẽ có thể chịu đựng được không, hay nói
một cách rõ hơn, cái tư cách và năng lực của dân tộc ta sẽ có thể khiến văn hóa
ta có được một địa vị trong cuộc hòa âm văn hóa của thế giới không ? Buổi đầu
cố nhiên chúng ta chỉ có thể làm kẻ học trò. Xét trong vốn liếng quá khứ của
mình, có lẽ cũng khó tìm được nhiều giá trị khả dĩ đem dâng cho thế giới làm lễ
nhập môn. Nhưng xét cái khiếu thông minh và khôn khéo mà trong mấy mươi thế kỷ
nô lệ chúng ta đã phải dùng đến và dồi mãi để khỏi diệt vong, xét cái thiên
chất thuần phác, cái nguyên khí tự nhiên của giống nòi mà các lễ giáo phiền
phức của Trung hoa, cùng cách giáo hóa nhồi sọ của người Pháp, không tiêu diệt
được, khiến cái thân thể của dân tộc ta còn có được cái vẻ trẻ trung, xét cái
sinh lực bền dẻo mà trải qua bao nhiêu nguy biến chúng ta vẫn duy trì nổi, thì
có thể tin rằng trong cái hoàn cảnh phát triển tự do, dân tộc ta sẽ có đủ tư
cách và năng lực để thâu thái lấy những ưu điểm của văn hóa thế giới. Đễn bấy
giờ chúng ta sẽ có thể gây được vốn liếng mà đóng góp với văn hóa thế giới ngày
mai.
HẾT
MỤC LỤC
TÊN BÀI
|
Số trang
|
Thay tựa
CHƯƠNG I. – Thời
kỳ Lạc Việt.
1 – Nguồn gốc truyền kỳ.
2 – Người Lạc Việt.
3 – Văn hóa Lạc Việt.
CHƯƠNG II. – Thời
kỳ Bắc thuộc.
1 – Cuộc Bắc thuộc và sự
kinh lý của Mã Viện.
2 – Hán hóa về chính trị và
xã hội.
3 – Hán hóa về sinh hoạt
vật chất.
4 – Hán hóa về sinh hoạt
tinh thần.
CHƯƠNG III. – Thời
kỳ Tự chủ.
1 – Cuộc giải phóng dân
tộc.
2 – Sự kiến thiết quốc gia
và xã hội phong kiến.
3 – Sự phát triển về sinh
hoạt xã hội.
4 – Sự phát triển về sinh
hoạt vật chất.
5 – Sự phát triển về sinh
hoạt tinh thần.
6 – Giới hạn của sự hán
hóa.
CHƯƠNG IV. – Thời
kỳ Pháp thuộc.
1 – Sự sụp đổ của quốc gia
phong kiến.
2 – Những biến chuyển về
chính trị.
3 – Những biến chuyển về
kinh tế và xã hội.
4 – Những biến chuyển về
văn hóa.
5 – Tương lai văn hóa Việt
nam với cuộc dân tộc giải phóng.
|
TỦ SÁCH
GIÁO VIÊN
|
1) QUAN NIỆM VỀ GIÁ TRỊ
của Nguyễn
Đức Chính
2) BỆNH ĐAU MẮT
của B. S. Nguyễn Xuân Nguyên
3) VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ ĐẠI CƯƠNG
của Đào Duy Anh
4) VÀI CÂU CHUYỆN VỀ TAI, MŨI, HỌNG
của B. S. Trần Hữu Tước
5)VIỆTNAM SỬ CƯƠNG(quyển I)
6) VIỆT NAM SỬ CƯƠNG (quyển II)
7) LỊCH SỬ ĐIỆN HỌC
của Ngụy như Kontum
8) NƯỚC TRUNG HOA
của Trần Văn Giáp
9) VIỆT NAM CẬN ĐẠI CÁCH MỆNH GIẢN SỬ
Của Trần Huy Liệu
|
NHA BÌNH
DÂN HỌC VỤ XUẤT BẢN
|