Vì sách sưu tầm đã lâu,
khi ấy tôi không có điều kiện chụp lại bản gốc
mà chỉ có bản photocopy rồi giữ trong đống tài liệu.
Hôm nay, khi nhờ được người đánh máy lại
bản đã chụp ở thư viện Khoa học xã hội
thì lại không đủ sức khỏe sửa chữa hết các lỗi đánh máy
và đưa ra những ghi chú cần thiết,
mong được các bạn tha thứ.
mong được các bạn tha thứ.
Chỉ xin nói thêm là cách viết hoa và cách viết tên riêng ở đây
đều dựa vào lối riêng của tác giả hồi 1950.
đều dựa vào lối riêng của tác giả hồi 1950.
Các chỗ để trống đều do người đánh máy không đoán ra chữ trong bản photocopy
Những đoạn gạch dưới đều là do chúng tôi thực hiện.
CHƯƠNG
III
Thời
kỳ Tự chủ
I. – CUỘC GIẢI
PHÓNG DÂN TỘC
Chúng ta đã biết rằng trong xã hội Giao châu đã dần
dần cấu thành một giai cấp quí tộc địa chủ mới. Giai cấp ấy đã trưởng thành nhờ
sự bảo hộ của các quan lại Trung hoa, nhưng khi họ đã trưởng thành thì họ lại
thức nhận được cái nhiệm vụ lịch sử của họ là phải lãnh đạo cuộc giải phóng cho
dân tộc để thay lấy địa vị thống trị của quan lại ngoại tộc mà dìu dắt cuộc
tiến triển của dân tộc trên một giai đoạn mới. Trong suốt mười thế kỷ Bắc
thuộc, cái tinh thần dân tộc bị thử thách trong cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc
đã luôn luôn thúc đẩy những phần tử quí tộc mới của Giao châu nổi lên để đánh
đuổi quan lại Trung hoa. Những cuộc khởi nghĩa quan trọng nhất sử cũ đã ghi lại
là cuộc khởi nghĩa của anh em họ Triệu (Triệu
Quốc Đạt và Triệu ẩu) ở thế kỷ thứ III, cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn đã dựng
được một cuộc tự chủ trong sáu chục năm ở thế kỷ thứ VI, những cuộc khởi nghĩa
của Mai Thúc Loan ở đầu và của Phùng Hưng ở cuối thế kỷ thứ VIII. Những cuộc
khởi nghĩa ấy đều chung qui thất bại, song những cuộc thất bại ấy là những bài
học kinh nghiệm để cho họ Khúc và họ Ngô lợi dụng mà thành công sau này.
Đầu thế kỷ thứ X, nhà Đường suy đốn, các phiên trấn
hoặc thổ hào địa phương nổi lên cát cứ tứ tung. Tại Giao châu bấy giờ có người
hào trưởng của Hồng châu (tức hạt Bình
giang và Ninh giang tỉnh Hải dương ngày nay) năm 906, cũng nhân loạn mà tự
lập làm Tiết độ sứ rồi mới báo tin về triều. Nhà Đường không biết làm thế nào
được cũng phải thừa nhận.
Năm sau (907), nhà Đường mất ngôi. Khúc Thừa Dụ cũng
mất, con là Khúc Hạo nối nghiệp, có ý muốn gây dựng qui mô một nước tự chủ.
Nhưng năm 923, Khúc Thừa Mỹ nối nghiệp Khúc Hạo bị quân Nam Hán bấy giờ cát cứ
miền Quảng châu, đánh giết. Một người nha tướng của họ Khúc là Dương Diên Nghệ
quyết tâm báo thù cho chủ, đánh đuổi được quân Nam Hán mà khôi phục Giao châu,
song được 6 năm, Diên Nghệ lại bị một người nha tướng của mình là Kiều Công
Tiễn giết đi mà cướp lấy quyền.
Dương Diên Nghệ có người nha tướng tên là Ngô Quyền,
người làng Đường lâm (làng Cam lâm, huyện
Phú thọ, tỉnh Sơn tây ngày nay) là con Châu mục bản châu (Phong châu). Thấy người tài trí, Diên
Nghệ gả con gái cho và cho quản lĩnh Ái châu. Khi được tin Diên Nghệ bị giết,
Ngô Quyền liền từ Ái châu cất binh ra đánh báo thù. Kiều Công Tiễn sợ phải cầu
viện với vua Nam Hán.
Vua Nam Hán muốn nhân cơ hội đánh lấy Giao châu, bèn
sai con là Hoằng Tháo đem thủy binh đi trước, tự mình đem đại binh tiếp ứng đi
sau. Nhưng bấy giờ Ngô Quyền đã giết được Công Tiễn rồi (938), bèn bố trí trận
thế để nghinh chiến quân Nam Hán. Biết thủy binh Nam Hán sắp do đường biển tiến
vào, Ngô Quyền sai quân phòng bị cẩn thận ở khúc sông Bạch đằng [1].
Khúc sông ấy hai bên núi cao dựng đứng, cây cối như rừng, nhiều ngả sông chảy
về, thế nước rất mạnh, thực là nơi hiểm yếu nhất trên đường thủy vào Giao châu.
Ngô Quyền bèn sai lấy những cây gỗ cạp sắt nhọn ở đầu, chờ khi nước xuống, đóng
khắp lòng sông. Khi chiến thuyền của Hoằng Tháo đến cửa biển, Ngô Quyền chờ lúc
triều lên, cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả thua bỏ chạy. Quân Nam Hán
đuổi theo, vượt qua khúc sông đóng cọc. Chợt nước triều xuống, Ngô Quyền phái
đại binh nghịch chiến, chiến thuyền địch phải lui, nhưng vì nước cạn nên mắc
vào cọc bịt sắt mà vỡ cả. Quân địch chết quá nửa, Hoằng Tháo cũng bị giết.
Đánh được quân Nam Hán, Ngô Quyền tự thấy sức mình có
thể chủ trương thời cuộc, bèn không theo gương họ Khúc và họ Dương, không chịu
thần thuộc Trung quốc mà tự xưng vương (939), dựng cơ sở độc lập cho dân tộc Việt
nam ở trên cái chế độ phong kiến tập quyền đã nảy nở trưởng thành dần dần trong
hơn nghìn năm đô hộ.
*
* *
Cuộc thắng lợi của Ngô Quyền, lật đổ quyền đô hộ của
Trung quốc mà gây dựng một quốc gia tự chủ, vốn có giá trị một cuộc cách mệnh.
Nhưng đó chỉ là một cuộc cách mệnh dân tộc và một cuộc cách mệnh chính trị mà
thôi. Chủ quyền chính trị trước kia thuộc về Hoàng đế Trung hoa thì bấy giờ bị
thua về tay một vị quân chủ Việt nam, mà phần tử thống trị trước kia là quan
lại người Hán tộc thì bấy giờ là lớp quí tộc địa chủ bản xứ. Chúng ta chỉ thấy
có một cuộc chuyển di chính quyền, còn ngoài ra, hình thái kinh tế, chế độ xã
hội, cùng tất cả các phương diện văn hóa khác đều y nhiên như cũ, chỉ có khác
là sự cởi mở về chính trị đã tạo điều kiện cho văn hóa phát triển dễ dàng.
II. SỰ KIẾN
THIẾT QUỐC GIA VÀ XÃ HỘI PHONG KIẾN
Ngô Quyền muốn xây dựng vương nghiệp lâu dài, nên đã
tham chước chế độ nhà Đường ở Trung Quốc mà đặt quan chế, triều nghi và định
sắc phục cho các quan văn võ. Nhưng uy thế nhà vua bấy giờ có lẽ chưa lan khắp
cõi Giao châu, và trong thời gian ngắn ngủi Ngô Quyền làm vua, cuộc thống nhất
chưa đủ thì giờ mà thực hiện. Có lẽ bấy giờ phần nhiều hào trưởng địa phương
vẫn giữ binh lực mà tự thủ. Cái thế phong kiến phân tán, mấy lâu đã vì cuộc đô hộ
của Trung hoa mà giảm thế lực đi nhiều, nếu không có tay cường hãn của Ngô
Quyền thì đã có thể phục hồi trong thời chiến tranh loạn lạc.
Nhưng khi Ngô Quyền vừa mất (944), thì thế cát cứ liền
bày ra ngay với cuộc diện Thập nhị sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp được loạn mà
dựng lại nền thống nhất. Nhưng đương buổi đầu chế độ quân chủ chưa đặt được kỷ
cương vững chắc, cho nên, vì sự bỏ trưởng lập thứ mà trong triều nhà Đinh sinh
ra những việc anh giết em, tôi giết vua, để dắt đến cuộc soán đoạt của Lê Hoàn.
Nhà Lê muốn theo lệ phân phong của các triều vua Trung
quốc để củng cố nền tảng quân quyền nhưng chính vì thế mà đã gây thành nội
loạn, các phiên trấn toan cát cứ và anh em tranh ngôi, cuối cùng đã gây thành
cuộc tiếm lập của Lý Công Uẩn.
Sang thời Lý thì những bước đi của giai cấp thống trị
mới trên đường tự chủ giống như đã được vững vàng. Trải qua nửa thế kỷ lần mò
giai cấp quí tộc bản quốc, được đào luyện và trưởng thành trong vòng ảnh hưởng
của văn hóa Hán tộc đã nhận thấy rõ rằng điển chương pháp độ của Trung quốc là
cái kỷ cương tất phải theo để trị nước chăn dân, mà về việc kinh bang tế thế
thì nho giáo đắc lực hơn phật giáo. Nhà Lý tổ chức quan chế, pháp chế, binh
chế, tài chính, dân chính, đã hoàn thành cái sự nghiệp xây dựng một quốc gia
thống nhất, một quốc gia phong kiến tập quyền mà các nhà Ngô, Đinh và Lê chưa
làm xong. Nhưng chế độ phong kiến tập quyền ấy đến thời Trần mới phát triển đến
mức toàn thịnh. Chúng ta hãy xem đại khái tình trạng của nó như sau này.
QUÍ TỘC - Ở bực
cao nhất trong xã hội phong kiến ở thời Trần thì các thân thích nhà vua và các
công thần được phong tước vương hầu và cấp thái ấp làm lớp quí tộc. Đời Trần
Thánh Tôn, năm 266, lại có chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung
tần, đều có quyền chiêu tập dân phiêu lưu nghèo đói làm nô tỳ để khai khẩn đất
hoang, lập làm biệt trang. Năm sau lại định lệ phong ấm cho các người tôn thất,
phàm con cháu chính phái của vương hầu công chúa được gọi là Kim chi Ngọc diệp,
cháu ba đời được phong quận vương, cháu bốn đời được phong Minh tự, cháu năm
đời thì được tử tước thượng phẩm. Nhà Trần có lệ bắt hoàng gia tôn thất phải
kết hôn với nhau ở trong họ, không được kết hôn với bách tính, cốt giữ cho
người họ khác không thể noi gương họ Trần cướp ngôi họ Lý.
Chế độ lập trang và phong ấm là cốt xây dựng một giai
cấp đại quí tộc làm rường cột cho vương triều.
QUAN CHẾ - Về
quan chế thì ở bực trên hết nhà Trần vẫn giữ theo chế độ nhà Lý với các chức
Tam Thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo)
và Tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu
bảo) và đặt thêm các chức Tam Tư (Tư
đồ, Tư mã, Tư Không). Bên cạnh chức tể tướng giữ việc bảo cử bách quan thì
có các chức Tả Hữu Tường quốc để giúp việc; về hàng thứ tướng thì có các Tham
tri chính sự, Nhập nội hành khiển, hoặc các chức Tả phù Hữu bật tham dự triều
chính. Suốt các đời Thái tôn, Thánh tôn, Nhân tôn, các trọng chức trong Chính
phủ chỉ có người tôn thất mới được dự, mãi đến đời Anh tôn, năm 1304 mới có
Đoàn Nhữ Hài lấy tư cách nho sinh mà được tham dự Chính phủ. Từ đó con đường
dùng người trong Chính phủ mới bắt đầu mở rộng.
Ở bực dưới thì văn ban có các chức Lục Bộ Thượng thư,
Tả Hữu Bộc xạ, Gián nghị đại phu, Lục bộ Lang trung, Trung thư Lang trung. Ngự
sử đài để củ sát đàn hạch bách quan thì có các chức Thị ngự sử, Giám sát ngự
sử, Chủ thư thị ngự sử, Ngự sử trung tán, Ngự sử đại phu, cùng Giám sát ngự sử
các đạo. Lại có các viện, như Khu mật viện để tham nghị triều chính, Hàn lâm
viện để nghĩ soạn chiếu thư, Quốc sử viện để soạn sử ký, Quốc tử giám xem việc
giáo dục, Thái y viện xem việc y dược ở trong cung. Ngoại chức thì có các chức
An phủ, Trấn phủ (lộ). Tri phủ, Thông
phán, Kiểm phán (phủ). Tào vận sứ (Châu) cùng Chánh Phó sứ ………..và đồn điền.
Về võ ban thì có các chức Phiêu kỵ thượng tướng quân (chỉ có Hoàng tử mới được sung chức ấy),
Cấm vệ thượng tướng quân, Kim ngô vệ đại tướng quân, Vũ vệ đại tướng quân, Thân
vệ tướng quân, Đô thống chế là nội chức. Ngoại chức thì có Kinh lược sứ, Phòng
ngự sứ, Quan sát sứ, Thủ ngự sứ và các Đô hộ, Đô thống, Tổng quản.
So với triều Lý thì quan chế triều Trần rộng rãi hoàn
bị hơn nhiều.
Bổ quan văn thì lấy người tập ấm (con cháu các quan), hay thi nho sinh chọn những người học giỏi. Bổ
quan võ thì lựa chọn những người mạnh khỏe, giỏi võ nghệ, thông binh pháp.
BINH CHẾ - Nhà
Trần đại khái cũng theo nhà Lý mà chia quân lực ra làm binh cấm vệ ở kinh thành,
cùng binh các lộ, song cách tổ chức thì chu đáo và lực lượng thì hùng hậu hơn
nhiều. Buổi đầu binh số của nhà Trần cả binh cấm vệ và lộ binh không đầy mười
vạn chia ra 4 quân (mỗi quân gồm 24.000
người). Sang đời Thánh tôn, năm 1267, thì chế định mỗi quân gồm 30 đô, mỗi
đô 80 người, và chọn người tôn thất giỏi võ nghệ, thông binh pháp cho quản lĩnh
các quân. Chế độ thời Trần lại cho các vương tước có quyền chiêu mộ người dân
tráng làm binh bản bộ. Đời Nhân tôn, khi quân Nguyên xâm lược, các vương điều
khiển quân đội họp với quân bản bộ của Hưng đạo vương ở Hải đông (Hải dương ngày nay) cả thảy có đến hai
mươi vạn người. Đó chỉ mới có binh sĩ ở mấy lộ Đông Nam, chứ từ Thanh hóa trở
vào nam thì mãi đến đời Duệ tôn mới định quân hiệu. Xem thế đủ thấy binh thế
thời Trần thịnh vượng thế nào. Đại khái bấy giờ khi nào quốc gia hữu sự thì
binh lính phải tòng ngũ, nhưng khi vô sự thì lại được giải tán trở về làm ruộng
(ngụ binh ư nông). Ngoài ra, tại các
phủ huyện còn có các phong đội, lựa tráng đinh các xã sung vào để tuần phòng
trong địa phương.
Năm 1297, Anh tôn định lại phép quân, bắt mỗi người
lính phải thích ở trán ba chữ quân hiệu của mình, ví như THƯỢNG CHÂN ĐÔ, THỦY LẠ XOA, TỎA KIM CƯƠNG v.v… Ngoài lệ thích chữ ở trán thì xưa nay binh lính vẫn
có lệ thích hình rồng ở lưng và ở đùi, lệ ấy đến đời Minh tôn, năm 132, mới bỏ.
Trong thời gian đánh nhau với quân Nguyên thì binh sĩ lại phải thích ở cánh tay
hai chữ “Sát Thát”.
Nhờ binh chế thời Trần hoàn bị và nghiêm mật như thế cho
nên nhà Trần mới đương đầu được với quân Mông cổ là quân mạnh nhất thế giới
đương thời, mà giữ được lãnh thổ an toàn.
PHÁP CHẾ - Về
pháp chế, thì ngay buổi đầu, nhà Trần cũng qui định pháp luật mới để bổ cứu cho
pháp chế thời Lý. Năm 1050, đời Thái tôn, nhà Trần khảo các pháp lệ đời trước
qui định thành thông chế và ban hành một bộ QUỐC
TRIỀU HÌNH LUẬT. Đời Dụ tôn, lại soạn
thêm một bộ để bổ khuyết. Hình phạt triều Trần có ba hạng tội nặng: một là tội
đồ, khắc chữ vào trán và bắt cày cấy công điền, hai là tội lưu, đem đày ở châu
Ác thủy (hạt Quảng yên ngày nay), ba
là tội chết. Phàm tội đại nghịch thì bị chém. Cứ sách CỔ SỰ SAO (do LỊCH
TRIỀU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ dẫn) thì
hình pháp thời Trần hà khốc lắm, ví như kẻ trộm bị bắt thì bị chặt ngón chân và
đem cho voi dày, hoặc cho chủ mất trộm muốn xử cách gì mặc ý. Chế độ phong kiến
đã hoàn thành thì hình pháp như thế là lợi khí tất như của kẻ thống trị.
TÀI CHÍNH – Về
tài chính thời một quốc gia xây dựng trên nền tảng nông nghiệp chỉ có thể trông
vào thuế má. Chế độ địa tô phân biệt ruộng công và ruộng tư.
Ruộng công lại chia hai hạng, một là ruộng quốc khố,
tức là ruộng của nhà nước (do các tội
nhân bị đồ, gọi là “hoành” phải làm) và ruộng thác đao hay là ruộng thái ấp
của các công thần. Mỗi hạng ruộng lại chia làm 3 đẳng. Ruộng quốc khố, thượng
đẳng mỗi mẫu nộp lúa 6 thạch 80 thưng, trung đẳng mỗi mẫu nộp 4 thạch, hạ đẳng
mỗi mẫu nộp ba thạch; ruộng thác đao, thượng đẳng mỗi mẫu nộp một thạch (người cày còn phải nộp địa tô cho chủ ruộng,
nên phần thuế nộp cho nhà nước ít hơn hạng ruộng trên), trung đẳng mỗi mẫu
nộp 1/3 thạch, hạ đẳng mỗi mẫu nộp ¼ thạch. Ruộng công của dân thì mỗi mẫu chỉ
phải nộp 3 thưng. Đất bãi dâu thì mỗi mẫu phải nộp 9 quan hoặc 7 quan. Ruộng
muối thì cũng nộp thuế bằng tiền. Điền trang của vương hầu tôn thất thì tuồng
như không phải nộp thuế. Ruộng tư thì mỗi mẫu phải nộp 100 thưng.
Ngoài thuế điền thổ, nhà Trần còn đánh các thứ tạp
thuế, như thuế tôm cá, rau cỏ, cùng là thuế tre gỗ, thuế cau, thuế an tức
hương, đại khái thuế nào cũng nặng. Bấy giờ lại còn có lệ phàm vàng bạc ai có
đều phải nộp quan, kẻ nào để tiêu dùng riêng là phải tử tội.
Thuế đinh thì chỉ người dân nào có ruộng đất mới phải
nộp, người có 1, 2 mẫu phải nộp 1 quan tiền, có 3, 4 mẫu phải nộp 2 quan, có 5
mẫu trở lên phải nộp 3 quan.
Mãi đến cuối thời Trần, vì kho tàng nghèo thiếu, mới
đặt thuế đinh theo phép thuế dung của nhà Đường, đinh nam mỗi người phải nộp 3
quan.
Để thêm dồi dào tài nguyên cho nước, nhà Trần rất lưu
tâm về việc kinh dinh đồn điền có các quan đồn điền sứ phụ trách. Nhà Trần lại
sai đắp đê hai bên sông Hồng hà gọi là đê quai vạc, có quan hà đê sứ trông nom
(đời Thái tôn, năm 1244) để bảo vệ
nghề nông là bản nghiệp của quốc dân.
DÂN CHÍNH – Về
dân chính thì buổi đầu nhà Trần cũng dựa lên cơ sở đã do nhà Lý xây dựng ở miền
trung châu Bắc kỳ về phép trướng tịch và cách chia khu vực hành chính; nhà Trần
lại mở rộng thêm chính sách ấy đối với miền Thanh hóa Nghệ an mà nhà Lý còn xem
lại trại để thống nhất dân chính.
Đến năm 1242, nhà Trần đã nắm vững thế nhất thống rồi,
bèn chia lại các khu vực hành chính, chia đất nước trong miền trung châu, gồm
cả Thanh hóa, làm 12 lộ, còn các miền thượng du như Thái nguyên, Lạng giang và
các miền mới mở như Nghệ an, Tân bình, thì chỉ đặt phủ, châu, trấn, cho thống
thuộc vào các lộ lân cận. Các lộ thì có An phủ sứ và Phó sứ cai trị. Các xã thì
có các xã quan, ngũ phẩm trở lên là Đại tư xã, lục phẩm trở xuống là Tiểu tư
xã, mỗi người kiêm trị 2, 3, 4 xã ; ở dưới lại có xã chính và Sử giám cũng là
xã quan.
Năm 1242 có lệnh cho tất cả các lộ cũ mới đều phải sửa
lại dân tịch, từ đó lệ định mỗi năm phải sửa lại dân tịch một lần.
CHẾ ĐỘ ĐẲNG CẤP
– Xã hội phong kiến do nhà Lý bắt đầu xây dựng cơ sở với các giai cấp quí tộc,
quan liêu, thường dân và nô tỳ, đã được nhà Trần bồi đắp để hoàn thành một chế
độ đẳng cấp rất nghiêm ngặt, tức là cái xương sống của chế độ phong kiến quốc
gia mà nhà Trần đã nâng lên đến trình độ cực thịnh. Ở trên hết là giai cấp đại
quí tộc, gồm Hoàng đế và các bực vương hầu, công chúa, cùng Tôn thất, có tước
vị, có biệt trang (nhà vua cũng có trang viện riêng) và Thái ấp. Chỉ giai cấp
này mới được giữ những trọng chức trong Chính phủ ở trên Lục bộ Thượng thư, và
những chức chỉ huy cao cấp trong quân đội. Song thời thường thì các vương hầu
cứ ở hương đệ (phủ đệ ở nhà quê), đến
khi triều cận mới tới kinh đô xong việc lại trở về. Người nào tham dự quốc
chính cũng chỉ là trông nom đại cương, chứ thực quyền thì thuộc về quan Hành
khiển là chức quan thường dùng những bực danh nho bổ vào. Các bực vương hầu lại
có quyền tuyển mộ những kẻ đinh tráng sung vào quân bản bộ của mình, đến khi
quốc gia hữu sự thì đem ra hợp tác với quân đội của Chính phủ. Giai cấp thứ
nhất ấy có giới hạn rất nghiêm: người các giai cấp khác không được lộn vào, đàn
ông đàn bà phải kết hôn ở trong phạm vi giai cấp, tức là trong một họ Trần. Lệ
ấy tuy trái với luân thường của nho giáo, nhưng nó là một điều kiện để giữ vững
địa vị của họ Trần mà cũng là một điều yêu cầu cần thiết của chế độ phong kiến
để giữ trọn tính cách tôn nghiêm của nó.
Ở bực thứ hai là giai cấp quan liêu, gồm những quan
văn và quan võ là những người giúp nhà vua về việc trị dân và giữ nước. Thành
phần của giai cấp này nguyên là những kẻ hào trưởng địa phương cùng con cháu
họ, hoặc vì thừa ấm của ông cha mà được bổ làm quan – văn võ – hoặc vì tài
năng, vì văn học hay võ nghệ mà được đề bạt lên các chức vụ chi phối. Các quan
văn võ đều có lộc điền và lương bổng, lấy tiền và lúa của quốc khố mà cấp.
Những vị trọng chức có công trạng lớn thì được cấp lộc điền có thể truyền cho
con cháu, là thế nghiệp điền. Tất cả các nho sinh võ sĩ, nếu không làm quan văn
võ để giúp việc Nhà nước, thì là gia thần hay gia tướng của các nhà vương hầu,
đều có thể gồm vào giai cấp quan liêu cả.
Ở bên giai cấp quan liêu, chúng ta nên kể thêm giai
cấp tăng đạo, gồm các vị tăng quan, từ chức lớn là các vị Quốc sư, các vị Tả
nhai [2]
đến các thiền sư trụ trì các chùa. Thời bấy giờ phật giáo rất thịnh, cho nên
giai cấp này có nhiều thế lực. Các chùa chiền đều có ruộng thờ, các chùa lớn
cũng có trang điền như các nhà quí tộc, những sở do nhà vua, các vương hầu, các
quan lớn và nhà giàu bố thí rất nhiều. Các chùa lại được nuôi điền nô để cày tự
điền.
Ba giai cấp quí tộc, quan liêu và tăng đạo là tầng lớp
thống trị.
Trở xuống là tầng lớp bị trị.
Giai cấp bình dân, phần lớn là những người nông dân,
dù là giàu có, có ruộng đất tư, hay là bần nông vô sản, nếu không phải là con
cháu nhà quan thì cả đời chỉ phải làm lính. Những nhà công thương, xét về địa
vị xã hội, cũng thuộc về giai cấp này.
Binh lính trong quân ngũ, sai dịch các nha môn, những
người tòng công sự (làm việc quan) ở
xã thôn là do giai cấp này mà ra.
Ở dưới cùng là giai cấp nô tỳ gồm những gia nô của các
bực vương hầu quí tộc, những gia nô của các thế gia [3] ;
những điền nô của các chùa chiền. Đấy là hoặc những người chiến bại như những
người Chiêm, người Lào, người Thổ Mán bị bắt làm tù binh phải làm nô tỳ cho các
nhà quyền quí để khai khẩn đất hoang, hoặc là những người bị tội đồ [4]
hoặc vợ con những người phản nghịch hay tử tội bị bắt làm nô tỳ ở các nhà quyền
quí ; cuối cùng là những kẻ lưu manh hay nghèo đói, đem thân bán cho các nhà
vương hầu quí tộc hoặc các nhà giàu, hoặc nương tựa các chùa chiền để hầu hạ và
làm ruộng.
Người nô tỳ không được ngang hàng với người lương dân,
không được kết hôn với người lương dân, mà việc hôn nhân của họ là hoàn toàn do
chủ nhân định đoạt. Nô tỳ mà phạm tội thì phải chịu hình phạt nặng hơn lương
dân. Nếu nô tỳ đánh lại chủ nhân thì vô luận có thương tích hay không, đều bị
xử tử hình. Thỉnh thoảng nhà nước có ban đặc ân cho phép nhà nghèo những năm
đói kém phải bán vợ con làm nô tỳ, được đem tiền chuộc lại. Chế độ nô tỳ ở thời
Trần là một chế độ khá quan trọng, nhờ nó mà nền kinh tế nông nghiệp bấy giờ
đứng vững. Phần nhiều các ruộng công, ruộng biệt trang, ruộng thái ấp, ruộng
lộc điền của nhà quyền quí, ruộng tự điển của các chùa chiền, đều nhờ chế độ nô
tỳ mà canh khẩn.
III. SỰ PHÁT
TRIỂN VỀ SINH HOẠT XÃ HỘI
Tích Quang và Nhâm Diên đem phép giá thú du nhập cho
dân Lạc Việt, là đã bắt đầu đem chế độ gia tộc tôn pháp của Hán tộc đến phương
Nam. Từ đó gia tộc tôn pháp phát triển lần lần mà thế hẳn địa vị của thị tộc
phụ hệ. Có lẽ ở thế kỷ thứ X, gia tộc tôn pháp đã phổ biến trên khắp địa bàn
của dân tộc Việt tộc.
Gia tộc tôn pháp ở nước ta gồm hai bực. Một là nhà hay
gia đình, gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái, có khi thêm cả ông bà ở trên và cháu ở
dưới; có khi cả năm thế hệ cùng sống với nhau trong một nhà, gọi là “ngũ đại
đồng đường”. Hai là họ hay là tôn tộc, gồm tất cả đàn ông đàn bà cùng một ông
Thủy tổ truyền xuống, kể cả người chết và người sống. Tôn tộc hay gia tộc, phụ
hệ ấy tục gọi là họ nội, gồm một dòng trưởng hay đích phái và nhiều dòng thứ
hay chi phái. Lấy một người làm hán vị thì ở trên mình có cha mẹ, trên nữa là
ông bà nội gọi là tổ phụ mẫu, trên nữa là cụ (hay cố) gọi là tằng tổ phụ mẫu, rồi đến cao tổ cho đến thủy tổ, ở
dưới mình thì có con, dưới con có cháu gọi là tôn, dưới cháu có chắt gọi là
tằng tôn, dưới chắt có chát gọi là huyền tôn; còn ở dưới nữa gọi chung là viễn
tôn.
Tự cao tổ đến viễn tôn là cửu tộc.
Đồng bằng với mình, gần thì anh em chị em ruột, xa hơn
là anh em, chị em chú bác (tông hay biểu
huynh đệ tỷ muội), anh em chị em chú bác lại (tái tông hay tái biểu) v.v. Đồng hàng với cha, có bác, chú, cô ;
bác họ, chú họ, cô họ vân vân. Đồng hàng với ông bà mình là ông bác, ông chú,
các ông họ. Cùng hàng với con mình trở xuống đều gọi chung là cháu họ.
Theo nguyên lý thì trong chế độ tôn pháp (hay phụ quyền), người gia trưởng có
quyền uy tuyệt đối đối với vợ con địa vị của người gia trưởng ở trong nhà có
thể ví như địa vị của ông quân chủ chuyên chế trong nước.
Mỗi người con trai, sau khi lập gia đình riêng, thành
một người gia trưởng đối với nhà riêng của mình, và có thể làm chi trưởng trong
một tôn chi. Người gia trưởng đứng đầu dòng đích phái của tôn tộc là tộc
trưởng.
Về phương diện tế tự thì người gia trưởng phải phụng
sự tổ tiên trực tiếp từ bốn đời trở
xuống. Tổ tiên từ năm đời trở lên thì thờ phụng tại từ đường của chi, do chi
trưởng trông nom, hay tại từ đường của họ, do tộc trưởng trông nom.
Ở trong gia đình và gia tộc phụ hệ, địa vị người đàn
bà, theo nguyên lý, rất là thấp thỏi. Căn bản tinh thần của gia tộc tôn pháp là
luân lý Khổng giáo chủ trương nam tôn nữ ty. Đàn bà bị xem như kẻ nô lệ hay là
người vị thành nhân. Tuy nhiên, phong tục quí đàn bà của dân tộc ta đã hòa hoãn
bớt tính chất tàn nhẫn của luân lý ấy. Cứ xem địa vị thực tế của người chủ phụ
ở trong nhiều gia đình, nhất là gia đình nho học, người ta thường thấy người
đàn bà nắm hết cả thực quyền về kinh tế, về gia chính, nhiều khi về giáo dục
nữa. Pháp luật và phong tục cũng thừa nhận cho vợ có quyền ngang với chồng, cho
con gái có quyền kế thừa gia sản, cho người chủ phụ góa có quyền thay con mà
giữ việc tế tự tổ tiên.
Gia tộc tôn pháp sống trên hai cái ý tưởng chính là
“phục bản phản thủy” và “vĩnh truyền tôn thống”. Bởi thế phụng sự tổ tiên là
một nghĩa vụ rất tôn nghiêm, mà trong các tội xem là bất hiếu của người ta đối
với tôn tộc thì vô hậu là tội to nhất. Chế độ hương hỏa rất nghiêm mật ở trong
xã hội là kết quả tự nhiên của việc phụng sự tổ tiên, chế độ lập tự, và trong
một phần nào, chế độ đa thê là kết quả của cái nhu yếu truyền dòng nối dõi.
*
* *
Cái tập thể thứ nhất rộng hơn gia tộc mà người ta phải
tham dự là xã thôn. Những xã thôn hay thôn ấp đầu tiên thường là những thị tộc
đã định cư – khi thị tộc đã định cư thì chủ quyền thổ địa dần dần thay thế cho
quyền thị tộc. Đồng thời với sự định cư nên thị tộc gia tộc phụ hệ đã dần dần
xuất hiện. Sự phồn thịnh của các gia tộc ở trong một địa phương lại bắt một ít
gia tộc phải dời bỏ nơi căn cứ cũ mà đi tìm đất khác để khai khẩn làm ăn, rồi
tổ chức thành thôn ấp mới. Mỗi làng lại có thể khai khẩn những đất hoang phế ở
xung quanh mà mở rộng phạm vi dần ra. Đến khi dân số đông lên, địa thế rộng
thêm, thì làng cũ lại có thể xin Nhà nước cho phép chia tách ra mà lập thêm một
làng khác.
Những trang trại của các nhà quí tộc canh khẩn, những
đồn điền của Nhà nước vỡ vạc, khi đã thành ruộng, thường cũng được chia ra từng
khu vực nhỏ để lập thành làng. Đại khái, các thành phần trong một làng thì có
dân đinh, gồm những đàn ông từ 18 tuổi trở lên là thành phần chủ yếu, chia ra
hai hạng, tráng hạng và quản hạng ; ở trên là các hạng miễn dao, miễn sai, lão
nhiêu, chức sắc, ở dưới là các hạng cố, cùng.
Người đứng đầu tiêu biểu cho làng là tiên chỉ, hoặc là
người nhiều tuổi nhất (thiên tước),
hoặc là người phẩm vị cao nhất (nhân tước),
rồi đến thứ chỉ. Công việc trong làng là do một hội đồng hào mục hay kỳ hào
quyết định. Nhưng thay mặt cho làng để giao tiếp với Nhà nước là các lý dịch. Ở
thời Trần, thời Lê có các xã quan gọi là đại tư xã hay tiểu tư xã do Nhà nước
chỉ định; ở thời Nguyễn thì có các lý trưởng, xã trưởng do xã dân tự hành bảo
cử, chỉ trình cho quan trên phê chuẩn mà thôi. Mỗi xã thôn đại khái là một tập
thể tự trị.
Tiêu biểu cho sinh hoạt chính trị và tinh thần của
làng là ngôi đình, vừa là nơi để dân làng hội họp để chia cắt công việc, vừa là
nơi thờ vị thần thành hoàng. Phần nhiều là người sáng lập (tiền khai khẩn hay hậu khai canh) ra làng, hay người có công đức
lớn với làng (cũng có làng thì lấy đình
làm nơi hội họp việc làng và thờ thần thành hoàng ở một ngôi miếu hay đền riêng).
Trong làng thường năm có nhiều kỳ tế lễ thì dân làng
có nhịp “ăn uống” và vui chơi. Những nhịp tế lớn nhất là ngày kỵ thành hoàng,
lễ kỳ phúc về mùa xuân và mùa thu, lễ nhập tịch hay vào ...... vào khoảng tháng giêng tháng hai.
Có khí nhiều làng liên kết với nhau, hoặc về phương
diện trị an, hoặc về phương diện thân thích, gọi là giao hiếu. Mỗi năm các làng
ấy thường có một kỳ hội tế, cứ luân phiên mỗi làng làm chủ một năm. Gặp những
lúc tai họa như dịch lệ, cơ cận, hỏa tai, thủy tai, thì các làng giao hiếu phải
cứu giúp lẫn nhau.
*
* *
Nhiều xã thôn họp lại thành tổng, nhiều tổng họp lại
thành huyện, phủ hay châu. Tại mỗi huyện có quan lại là đại biểu của Nhà nước
đặt để giữ việc trị dân ; tổng thì chỉ là tổ chức trung gian giữa huyện và xã
thôn.
Nhiều huyện, phủ, châu, họp thành hoặc lộ (thời Lý thời Trần), hay là xứ, hoặc trấn
(đời Lê), hay là tỉnh (thời Nguyễn, từ Minh Mệnh). Lộ, trấn hay
tỉnh là những khu vực hành chính trực tiếp với Chính phủ trung ương là Triều
đình.
Chúng ta đã biết rằng chế độ phong kiến tập quyền (với chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ
quan liêu) đã đạt đến mực cực thịnh ở thời Trần. Trải các triều Lê Nguyễn,
các chế độ ấy cũng bị sửa đổi ít nhiều ở đây chúng ta không tiện đi theo dõi
tất cả chi tiết của các cuộc sửa đổi ấy, chỉ xin nói tắt rằng cái xu thế biến
chuyển của các chế độ là bác tước lần lần thế lực và quyền lợi của các lớp đại
quí tộc phong kiến để tập trung dần quyền lực chính trị vào tay một vị quân chủ
chuyên chế có Triều đình và bách quan trực tiếp giúp việc để trị dân.
IV. SỰ PHÁT
TRIỂN VỀ SINH HOẠT VẬT CHẤT
Chúng ta đã biết rằng từ khi dân tộc ta thoát ly ách
đô hộ của Trung hoa thì văn hóa Việt nam nhờ sự giải phóng về chính tri mà phát
triển được tự do.
Trước hết chúng ta hãy xét về sự phát triển của văn
hóa vật chất.
NÔNG NGHIỆP –
Trải qua thời Bắc thuộc và thời Lý Trần, miền trung châu Bắc kỳ và các miền lưu
vực sông Mã (Thanh hóa) và sông Lam (Nghệ tĩnh) đã được khai thác đầy đủ. Đến
thời Trần các đất bồi ở bãi biển cũng đã được kinh dinh. Dân tộc Việt nam đã
hoàn toàn là một dân tộc canh nông. Vì Nông nghiệp là cơ sở sinh nhai của dân
và cơ sở thành lập của nước cho nên các triều vua đều thi hành chính sách trọng
nông. Điều Nhà nước phải lưu tâm nhất về công cuôc đê điều. Để bảo vệ nông
nghiệp, nhà Lý nhất là nhà Trần, đã hoàn thành một hệ thống đê điều ở hai bên
sông Nhị để giữ nước lụt, và đặt chức quan Ha đê sứ để trông nom. Nhà nước cũng
lo việc đào kênh khơi ngòi để dẫn nước vào đồng cao và tháo nước ở đồng thấp.
Những năm mất mùa cơ……,
các triều vua thường tha nửa thuế hoặc cả thuế cho dân nghèo được …… , lại đặt những kho vựa chứa lúa ở các xã thôn để
phòng khi đói kém, giúp hoặc bán rẻ cho dân lấy lúa ăn hoặc lúa giống mà tiếp
tục nông vụ. Các triều lại thường hạ chiếu khuyến nông, khuyên nhân dân phải
chăm lo bản vụ.
Để tránh cái nạn lũng đoạn thái quá của các nhà quí
tộc và đại địa chủ, các triều lại thỉnh thoảng thi hành chính sách hạn điền hay
quân điền. Đời Thuận tôn cuối triều Trần, Lê Quí lập lệ rằng trừ những bực đại vương
công chúa thì thứ dân không ai được có hơn mười mẫu ruộng đất, thừa ra thì phải
nộp cho nhà nước để làm công điền. Lê Thái tổ, sau khi dẹp yên giặc Minh, Gia Long
sau khi đánh được Tây sơn, cũng định phép quân phân công điền cho quan, quân,
dân. Đời nào cũng rất trọng thị chế độ công điền. Xem công điền là một món tài
sản căn bản để bảo đảm sinh kế cho nhân dân ở một hạn độ tối thiểu, cho nên
không được đem mua bán cầm cố.
Để mở rộng phạm vi sinh hoạt cho nhân dân, Nhà nước
thi hành chính sách khẩn hoang, như việc lập đồn điền, điền trang tại các miền
đất bồi ở bờ biển hay là ở những miền đất hoang ở trung du và thượng du, hoặc
chính sách di dân, như việc di dân và canh khẩn các miền đất chiếm của Chiêm
Thành và Chân Lạp trải qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Nhờ sự mở mang vỡ
vạc ấy, dân tộc Việt nam, khi mới thoát ly Bắc thuộc còn quanh quẩn ở các miền
trung châu Bắc kỳ và Thanh Nghệ, ở phía bắc Hoành sơn, đến cuối thế kỷ XVIII,
trải qua tám trăm năm gắng gỏi cần cù vất vả, đã khai thác được cả vùng trung
du và một phần lớn vùng thượng du miền Bắc, cùng tất cả dải đất từ Hoành sơn
cho đến Cà mau và Hà tiên.
Trong khắp dải đất ba kỳ, đại phàm những miền đất cao
độ là 15 mét trở xuống là người Việt Nam đã ở để làm nghề cày cấy trồng trọt.
Phương thức canh tác của người nông dân Việt Nam, suốt
từ xưa, trải qua hàng nghìn năm nay, đều là theo qui mô nhỏ với một kỹ thuật
đơn giản. Dù là ruộng tư điền của bình dân, là ruộng khẩu phần mỗi người được
mỗi miếng, dù là ruộng đồn điền, trang điền của Nhà nước, hay là ruộng thái ấp,
thế nghiệp của nhà quí tộc, đều là chia ra từng mảnh nhỏ mà làm, tình trạng ấy
là kết quả của điều kiện cấy lúa là thứ cốc loại cần phải tát nước và giữ nước
ở ruộng (ruộng to thì khó tát và giữ nước)
và của chế độ di sản cứ mỗi đời ruộng đất tư phải chia nhỏ cho con cái. Về kỹ
thuật thì nếu cứ xét bề ngoài có lẽ thấy từ thời Bắc thuộc đến nay vẫn không
thay đổi, nhưng thực ra thì nhờ kinh nghiệm dồn chứa từ đời nọ qua đời kia, kỹ
thuật mỗi ngày một thêm tinh vi, nhất là ở Bắc kỳ và miền bắc trung kỳ là nơi
đất hẹp người nhiều, kỹ thuật canh tác phải chuyên chú vào sự làm thế nào cho ở
mỗi khoảnh đất có tính chất riêng được trồng một giống cốc loại hay hoa mầu
tích ứng, và trên một diện tích hữu hạn phải làm thế nào cho lượng sinh sản đạt
đến cực độ của nó.
CÔNG NGHIỆP –
Các công nghệ của nước ta, phần nhiều là học của Trung hoa như chúng ta đã
biết, đại khái là người Trung hoa sang kinh dinh ở nước ta, nhân đó mà truyền
nghề lại cho người bản xứ. Hiện nay chúng ta không thể biết rõ lịch trình phát
sinh và tình hình tiến triển của mỗi công nghệ. Về các nghề đồ vải lụa, đồ gỗ,
cho đến đồ kim thuộc đời xưa, hiện nay không còn một chút dấu vết gì, hãn hữu
có còn thì cũng là hiếm hoi lắm, duy về nghề kiến trúc, nghề điêu khắc và nghề
đúc đồng thì nhờ sự thờ phụng của dân chúng duy trì, và về nghề đồ gốm thì nhờ
những sự phát quật ngẫu nhiên tìm được, cho nên hiện nay còn lại được ít nhiều
di tích. Những đền chùa và tháp của các thời Lý, Trần, Lê còn lại tỏ rằng nghề
kiến trúc bấy giờ phát triển rất thịnh. Nhờ một số rất ít đồ chạm khắc, những
tượng thần Phật bằng gỗ, những chuông và tượng đồng còn lại, cũng những điều
ghi chép trong sử về những sự tô tượng và đúc chuông ở thời Lý Trần, người ta
có thể biết rằng, nghề điêu khắc, tô tượng và đúc đồng ở các thời này đã đạt
đến trình độ mà công nghệ cận đại không theo kịp.
Phần nhiều những nghề quí thì sau thời Bắc thuộc, người
mình phải sang Trung hoa mà học rồi về nước truyền dạy cho người trong họ trong
làng, ví như nghề khắc bản in thì do một vị sứ giả truyền cho người làng Liễu
tràng ở đời Lê Thái tôn (1434-1443), nghề dệt lượt thì do một vị sứ giả truyền
cho làng Phòng thôn vào khoảng năm 1600, hoặc là do người mình sang Trung quốc
mà học lóm, như nghề sơn học được vào khoảng năm 1415, nghề thuộc da vào khoảng
năm 1528. Có khi, vì người Trung quốc muốn giữ độc quyền, các nhà vua xưa phải
kén lấy những người thiếu niên tuấn tú ở các làng có nghề nghiệp, bắt cạo đầu
vô cải trang giả người Khách để đi học những nghề khéo ở Trung hoa, ví như nghề
đúc đồ sứ ở Hổ giao, nghề dệt vóc đoạn học ở Kim lăng.
Phương thức hoạt động của công nghệ nước ta đời xưa là
gia đình công nghệ. Mỗi công xưởng là một gia đình, người làm việc đều là bà
con trong một nhà, ở dưới quyền gia
trưởng chứ không có chủ với thợ. Những người thủ công đi rong kiếm việc,
như thợ mộc, thợ nề, thì có cách tổ chức hơi khác : họ họp nhau thành từng đoàn
gồm nhiều thợ bạn và một người thợ cả thay mặt cả đoàn mà thương lượng về tiền
công và lãnh việc. Người thợ cả có khi thì cũng chia tiền công như thợ bạn, có
khi thì được ăn một món tiền đầu, có khi, nhưng rất ít, thì đứng lãnh việc rồi
thuê thợ bạn làm công cho mình. Ở các xã thôn hay thành thị, thợ thuyền thường
theo từng nghề nghiệp mà họp thành những hội bách nghệ, gọi là phường, hội, hay
ty. Những hội ấy mỗi năm họp mặt một hay hai kỳ, cử một người làm phường
trưởng, cuộc trưởng hay cai ty, và làm lễ tổ sư. Mục đích những hội ấy là để
bồi đắp tinh thần nhà nghề và giữ gìn quyền lợi đồng nghiệp. Những phương
trưởng hay cuộc trưởng là đại biểu của hội để giao thiệp với nhà cầm quyền, mỗi
khi Nhà nước có việc quan hệ với hội, ví như việc thu thuế sản vật.
Trong các công nghệ xưa, thì những nghề cung cấp cho
sự nhu cầu của tôn giáo hay là của các bực vương hầu quí tộc, thì có điều kiện
để phát triển dễ dàng hơn các nghề thường. Nhưng thời trước, Nhà nước lại
thường có lệ trưng tập thợ thuyền bắt làm công tượng ở quan xưởng, suốt đời
phải làm để cung cấp cho vua quan và các nhà quí tộc. Họ chỉ được lương đủ ăn,
mà có khi phải làm suốt đời, đến khi già yếu hay tật nguyền mới được thải về.
Đối với những người thợ ấy thì tài nghề của họ không có lợi gì cho họ mà chỉ
hãm họ vào cảnh nô lệ lao động trọn đời. Nhiều người có tài giỏi mà không dám
trổ tài, cũng có người phải trốn tránh hay bỏ nghề mà làm việc khác. Vì thế cho
nên những công nghệ quí, tuy được người ta trọng dụng mà cũng không phát triển
lắm. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác, cũng ngăn trở sự phát đạt của công
nghệ, ví như lệ Nhà nước đánh thuế sản vật quá nặng [5],
và tục giữ bí mật nhà nghề. Nhưng có lẽ cái nguyên nhân phổ thông nhất là sự
sinh hoạt tương đối đơn giản của các giai cấp thượng lưu nước ta, khiến họ
không có nhu cầu những mỹ thuật phẩm và xa xỉ phẩm mấy, cùng là sự sinh hoạt
rất thấp thỏi của dân chúng phần nhiều là nông dân, khiến họ thường tự làm lấy
những đồ cần dùng mộc mạc mà không cần đến sự cung cấp của công nghệ.
THƯƠNG MÃI - Ở
trong một xã hội nông nghiệp thì thương mãi thường chỉ quanh quẩn trong phạm vi
đổi chác nông phẩm cùng những phẩm vật tự nhiên. Trung tâm điểm buôn bán của
dân quê là các chợ họp mấy ngày một lần để người ta đổi chác những vật thổ sản
về nông nghiệp hoặc về tiểu công nghệ cần cho sự sinh hoạt hàng ngày. Ngoài
những người nhà nông đến chợ bán lúa gạo khoai đỗ, thì có một ít người lái buôn
hoặc tiểu công chuyên môn, như hàng vải, hàng xén, hàng thịt, hàng thúng mủng
quà bánh.
Sự buôn bán ở nhà quê chỉ cốt để đổi chác sản vật, ở
trong phạm vi chật hẹp mà công nghiệp lại không phát đạt, cho nên thương mãi
không thể phát đạt được. Ở chợ nào việc buôn bán có hơi quan trọng thì thường
có một vài nhà buôn Hoa kiều lũng đoạn lợi quyền.
Ở thành thị thì sự buôn bán thịnh hơn ở nhà quê vì
thành thị thường là trung tâm điểm và kinh tế của một tỉnh hay một miền.
Những điều sử cũ chép về việc nhà Trần (năm 1230) mở mang kinh đô, chia phố xã
làm 61 phố phường, đặt chức Bình bạc ty để trông nom, và về việc Quí Ly phát
hành tiền giấy, cấm chế thương nhân tích trữ tiền đồng cùng tự ý tăng giá hóa
phẩm, tỏ cho chúng ta biết rằng thương nghiệp ở thời bấy giờ, ít nhất là ở các
thành thị, đã đến một trình độ kha khá.
Những nhà buôn nhỏ các chợ nhà quê thường đến thành
thị cất hàng về bán lẻ, như hàng vải, hàng xén, hay là đem đồ thổ sản mua ở các
địa phương tập trung ở đấy. Song ở thành thị cũng như ở nhà quê, thường người
Việt Nam chỉ buôn bán lẻ, chứ công cuộc buôn sỉ và cất hàng to đều là ở trong
tay người Hoa kiều.
Việc buôn bán bằng ghe thuyền thì ở sông cũng chỉ là
do huyện này sang phủ khác, xa lắm là do một tỉnh đi sang tỉnh bên mà thôi. Còn
ở biển thì ghe thuyền của ta nhỏ không thể dời xa ven bờ, cho nên những nhà
hàng hải táo bạo nhất cũng chỉ đi dọc bờ biển nước nhà liên lạc hai miền Nam
Bắc.
Về việc ngoại thương thì người Trung quốc thường theo
gió mùa đem thuyền sang các thương phụ lớn của nước ta để buôn bán, ngay từ đầu
thời Bắc thuộc. Suốt thời ấy và trong khoảng năm thế kỷ sau cuộc độc lập, ở
nước ta cũng chỉ có người Trung hoa là người ngoại quốc đến thông thương thôi.
Việc mậu dịch với các thương thuyền ngoại quốc ấy hoàn toàn là ở trong tay
người Hoa kiều.
Từ đầu thế kỷ thứ XV mới có một ít người Nhật bản cũng
đến buôn bán ở nước ta, đến thế kỷ XVII mới có các lái buôn Âu châu đến xin
thông thương ở Đường trong và ở Đường ngoài, từ đó cuộc quốc ngoại mậu dịch của
nước ta mới bắt đầu mở rộng thêm phạm vi một chút. Song sự thông thương với
ngoại quốc dứt nối không chừng, mà trong cuộc mậu dịch này thì người Việt nam
nhiều nhất cũng chỉ là làm tay sai cho các nhà buôn sỉ hay những người mại hiệu
là người Hoa kiều hay người Nhật kiều. Năm 1637, người Hòa lan đến Đường ngoài
mở thương cục ở Phố hiến, tỉnh Hưng yên, chuyên mau tơ lụa gạo bắp của ta để
chở đi bán tại Nam dương quần đảo và Nhật bản, rồi nhập khẩu các thứ dương hóa
như súng đạn, lưu huỳnh và các thứ nỉ. Ở Đường trong thì từ năm 1640, Hội an
(Faifoe) cũng thành một đô thị buôn bán to, ngoài những hiệu buôn của người
Trung hoa, người Nhật, người Xiêm, thường qua lại nhiều lái buôn người Âu châu
: Bồ đào nha, Hòa lan và Pháp. Đến đầu thời Nguyễn, các thương nhân người Pháp,
nhờ giám mục Bá đa lộc đã gây sẵn điều kiện chính trị thuận tiện, cũng muốn mở
mang thương nghiệp của họ ở nước ta, nhưng rốt cuộc việc thông thương của họ
lại phải đình chỉ.
Trải qua ba trăm năm tiếp xúc với thương nghiệp tây
phương, thương nghiệp ở nước ta, tuy cũng có phát triển hơn trước được ít
nhiều, nhất là ở cuối thời Lê, nhưng sự phát triển ấy vẫn không khiến phát sinh
được một lớp người thương nhân giàu có, có thế lực trong xã hội. Cũng như người
làm thợ, người đi buôn, từ xưa cho đến cuối thế kỷ XIX, vẫn bị xem là hạng
người hèn hạ nhất ở trong xã hội.
[1] Một khúc sông do các sông ở
Lục đầu giang đổ về, chảy ra cửa Nam triệu, phía nam khúc sông là đất huyện Hải
yên tỉnh Kiến an phía bắc là đất huyện Yên hưng tỉnh Quảng yên, hiện làm phân
giới cho tỉnh Kiến an và tỉnh Quảng yên.
[2] Phàm các vương hầu được ban
chức tăng đạo gọi là Tả nhai, là chức cao nhất ở dưới chức Quốc sư.
[3] Các gia nô thường bị thích chữ ở trán, thích chữ
“Quan trung khách”, tức là gia nô của nhà quan, thích chữ “Tọa thượng nô”, tức
là những kẻ hầu hạ tay chân của nhà vua. Những gia nô bực dưới thôi không có
thích chữ. Đến đời Dụ tôn thì phàm gia nô các vương hầu công chúa đều phải thích
chữ ở trán cả để dễ phân biệt với bình dân.
[4] Những người bị tội đồ, gọi là “hoành” bị đày ra làm
nô lệ để canh khẩn các sở ruộng công của Nhà nước.
[5] Sách LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG
chép rằng đời Lê Dụ Tôn đặt lệ trưng thu hoành lạm khiến nhiều nhà nghề không
kham nổi mà phải bỏ nghiệp. “Như Nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây sơn đi, Nhà
nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quăng búa rìu, đòi tôm
cá thì dân xé lưới”.