VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Con người trên hết, sự tử tế trên hết

1/
NHÂN CÂU CHUYỆN NƯỚC ĐAN MẠCH

ĐẦU HÀNG ĐỨC QUỐC XÃ ĐỂ CỨU LẤY DÂN

Khi tìm hiểu khi nào thì tiến hành chiến tranh là bắt buộc và liệu có thể đầu hàng mà vẫn giữ được danh dự và khí phách dân tộc hay không, người ta hay dẫn chứng trường hợp tháng 4 năm 1940 Đan Mạch đầu hàng Đức.
Đầu hàng mà lại có lợi cho dân tộc ư? - đối với VN mình thì đây là một chuyện thật lạ.
Nhưng thực tế ngày càng có nhiều người - trong đó cả những nhà lịch sử thông thái nhất - rất nhiều người hiện nay coi hành động đầu hàng ở đây là một việc rất cần thiết và hợp lý.
May mắn cho tôi là trong khi tìm hiểu vấn đề này từ năm năm trước đã tìm thấy đoạn một đoạn trên Facebook của bạn Bạch Huỳnh Duy Linh, tôi đã cất kỹ và nay xin giới thiệu để mọi người cùng biết.
Các bạn muốn đọc đầy đủ cả bài của Bạch Huỳnh Duy Linh chỉ cần vào gogle gõ hàng chữ
“Bảo vệ tổ quốc không chỉ có nghĩa là cầm súng và lao vào những trận đánh tự sát” .
-----
Trong lúc người láng giềng Nauy kéo dài cuộc chiến gần một tháng, thì hai tiếng sau khi Đức Quốc xã tuyên chiến, đức vua Đan Mạch đã tuyên bố mở cửa biên giới và chấp nhận sự chiếm đóng của Đức. Đổi lại, đức vua vẫn sẽ được tại vị và Đan Mạch được duy trì bộ máy chính quyền riêng với quyền lực hạn chế. Suốt năm năm bị chiếm đóng, Đan Mạch là một trong những quốc gia mà phong trào kháng chiến diễn ra yếu ớt nhất.

Kết quả là Đan Mạch bước ra khỏi cuộc chiến mà không hề có thành phố nào của mình bị phá hủy. Hàng ngàn người Do Thái được che chở dưới cái bóng của đức vua đã thoát khỏi họa diệt chủng.
Cái giá cho sự sống còn và nền hòa bình đó là năm năm cúi đầu của đức vua Đan Mạch. Giai đoạn đó sau này thủ tướng Đan Mạch gọi là “không thể biện minh về mặt đạo đức”.
Tuy vậy, chính sách này có đúng hay sai thì kết quả là một nền hòa bình, tuy có phần bấp bênh, đã được duy trì ở Đan Mạch suốt thế chiến.
Chiến tranh suy cho cùng cũng là để kiến tạo và bảo vệ nền hòa bình.
Nhưng thỏa hiệp đôi lúc cũng là cách để duy trì sự sống.
Cái khác nhau giữa một chế độ vì dân và một chế độ mị dân là ở chỗ, chế độ mị dân có thể kêu gọi một cuộc chiến tranh vệ quốc nhưng bản chất cũng chỉ là để bảo vệ cho chế độ và che dấu sự yếu kém trong chính sách ngoại giao của mình, trong khi một chế độ vì dân có thể kêu gọi người dân bỏ vũ khí nhưng mạnh mẽ trên bàn đàm phán các thỏa thuận đầu hàng.
Khi Đức Quốc xã đặt vấn đề bắt giam người Do Thái trên đất Đan Mạch, vua Đan Mạch đã tuyên bố: “nếu bắt dân của tôi thì hãy bắt luôn cả tôi”.
Sau đó, bằng sự kiêu hãnh của một vương gia, ngài tuần hành trên lưng ngựa qua các đường phố Kobenhavn mà không cần lính gác trong sự tán dương của mọi người, bất chấp các cảnh báo ám sát từ phía Quốc xã.
Đó là biểu tượng của một chế độ vì dân.
Ở chế độ mị dân, dân đen chết vì để bảo vệ ngôi vua.
Ở chế độ vì dân, hoàng đế nhận về mình áp lực để bảo vệ con dân.
Bảo vệ tổ quốc không chỉ có nghĩa là cầm súng và lao vào những trận đánh tự sát.
Bảo vệ tổ quốc chính là việc sử dụng khí phách của dân tộc để đánh lui ý chí xâm lăng của kẻ thù.
Khí phách dân tộc là gì? Đó là thể hiện ở thái độ thức thời và không màng đến lợi ích cá nhân của người cầm quyền.
Là một dân tộc biết đối xử văn minh với người dân của quốc gia thù địch.
Là thái độ tuy buông súng nhưng không đầu hàng.
Là một chế độ chịu lắng nghe những giải pháp có lý và có lợi cho dân tộc mà không bị đè nén bởi ý thức hệ.
Và là tiếng nói của những người không cầm súng vì hòa bình chứ không phải vì sợ hãi.
Quốc gia có thể bị chiếm đóng nhưng phần hồn dân tộc vẫn vẹn nguyên.
Saddam Hussein đã từng kêu gọi người dân chiến đấu vệ quốc chống lại một kẻ địch đông hơn, hiện đại hơn và thiện chiến hơn, đó có phải là một chế độ vì dân hay không?

 2/
LIÊN HỆ TỚI VIỆT NAM
 “Tổ quốc có thể mất nhưng nếu nhân dân còn thì sẽ có ngày lấy lại được. Còn nếu như nhân dân đã mất thì tổ quốc có còn ( hoặc có giành được) cũng không có mấy ý nghĩa” .
Trên đây là kết luận một người bạn tôi rút ra từ câu chuyện nước Đan Mạch đầu hàng Đức Quốc xã mà tôi nói ở trên và cho là nó cũng đúng với Việt Nam.
Tôi phản đối anh bạn bằng cách nói rằng ở Việt Nam sau cuộc chiến tranh 45 năm chúng ta được cả nhân dân dân và tổ quốc chứ, sao lại có thể vơ vào đây cái chuyện Đan Mạch 1940 .

Bạn tôi trả lời hơi dài dòng như sau.
Khi đầu hàng bằng phát xít theo kiểu của mình tức là những người chèo lái đất nước Đan Mạch hiểu nhân dân rất dễ bị tổn thương trong chiến tranh, chọn con đường tạm thời hi sinh danh dự trước mắt tổ quốc để bảo toàn nhân dân là con đường khôn ngoan nhất.
Còn nhân dân thì sẽ có ngày lấy lại được tổ quốc.
Tổ quốc có được nhân dân với ý nghĩa tốt đẹp của mình mới là tổ quốc đáng mong mỏi.
Còn ở ta “cấp trên” nghĩ rằng không có chuyện đó, không cần đặt ra chuyện đó. Nhân dân mãi mãi tồn tại với thực chất tốt đẹp của mình trước mọi biến động lịch sử,
Thực tế là
Bề ngoài thì sau cuộc chiến 1945- 1975 ta được cả hai.
Nhưng tình hình “phát triển” hôm nay cho thấy ở ta sau cuộc chiến này yếu tố thứ hai - yếu tố nhân dân - không còn như cũ nữa.
Do đã tham gia quá sâu vào chiến tranh - người ta đã xác định chiến tranh ở ta là chiến tranh nhân dân - sang thời hậu chiến dân ta không còn là một nhân dân mà chúng ta được giáo huấn và vẫn tin theo
Ra khỏi chiến tranh , nhân dân đã bị biến dạng và mang biết bao nhiêu thói xấu tới mức phải nói là đã hư hỏng nên họ không còn khả năng xây dựng lại cuộc sống theo những quy luật bình thường nữa.
Dân ta chỉ còn nhân dân ở cái tên gọi .
Như vậy thì với cuộc chiến tranh 30 năm, những nhà lãnh đạo ở ta chẳng phải là đã mất nhân dân là gì và khi đó khả năng tổ quốc tiếp tục bị đe dọa như chúng ta đang thấy là có thể hiểu được.
Ngoại xâm bây giờ không chỉ có nghĩa là người nước ngoài mang quân sang xâm lược rồi áp đặt bộ máy cai trị với người của họ.
Mà họ xâm lược bằng cách điều khiển bộ máy người Việt “phát triển” đất nước ta theo cách có lợi cho họ
Đó là hình thức xâm lược mà chỉ thời nay mới có
Bề ngoài tổ quốc vẫn còn nhưng thực chất là thế nào thì chúng ta đều biết.

Tôi hơi giật mình nhưng chưa biết cãi lại thế nào đành ghi lại ở đây để các bạn cùng nghĩ.

Xin nói thêm - tôi không giấu cái chuyện có nhiều cảm tình với suy nghĩ của người bạn vừa dẫn ở trên, khởi đầu bằng cái luận điểm trươc mọi biến động lịch sử nhân dân mới là yếu tố thứ nhất.
Có thể là cái nhìn của chúng tôi có phần quá đáng nhưng phải nói sau cuộc chiến tranh khủng khiếp, dân ta đang hư hỏng trông thấy
- nhân dân vô nghề vô nghiệp
- nhân dân “đói ăn vụng túng làm càn “
- nhân dân suy đồi đạo đức
- nhân dân chỉ ham hưởng thụ,
- nhân dân dối trá,
- nhân dân mê tín dị đoan
 - ...
Còn về phần mình mỗi chúng ta cũng đã và đang hư hỏng , đã và đang bị hoàn cảnh tha hóa theo cái nhịp biến chuyền chung của xã hội.
Trên đây là những điều nhiều người chúng ta cảm thấy hàng ngày hàng giờ và thường bàn nhau mà chưa thể lý giải hết ..

3/
TỪNG CÓ MỘT NƠI
HOÀN CẢNH KHÔNG THỂ LÀM HỎNG CON NGƯỜI
Mặc dù chê trách tôi về mặt lập luận, nhưng khi nghe tôi trình bày, không ít bạn đã đồng tình với tôi về việc con người Việt Nam hôm nay đang bị làm hỏng một cách toàn diện.
Chúng ta chẳng bao giờ nên bi quan một cách tuyệt đối, song sự làm lại con người hiện nay thì quả thật  khó, lý do là vì như chúng ta đều biết, mặc dù chưa từng được tổng kết nhưng hoàn cảnh lúc ấy nhất là cuộc chiến tranh 1945 – 1975 thật quá đặc biệt nó khốc liệt vượt qua sức tưởng tượng và khả năng chịu đựng của con người.
Chỉ cần nói thêm là tôi đã nói điều này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quan sát những con người miền bắc từng được sống được giáo dục như tôi và trải qua chiến tranh theo kiểu chúng tôi, trong khi đó thì nếu nhìn cả thực tế nước Việt Nam sẽ thấy còn có những con người được giáo dục theo kiểu khác có những niềm tin khác bị những quy luật khác chi phối và nay nhiều người vẫn đứng vững trước mọi biến động để làm ăn sinh sống rất tử tế. Xét trên đại thể, trong tình thế ngổn ngang của cả nước hôm nay những người còn được cái căn bản của con người ấy mới chính là cái tương lai là niềm hi vọng của cả xã hội.
Có một sự việc xảy ra mấy ngày hôm nay cuối tháng 5-2919, nó làm tôi thấy thêm cụ thể về cái kết luận trên.
Ngày 22/5 và mấy ngày sau trên mạng dày đặc những bài viết về cái chết của nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 – 2019). Con người đã từng tham gia nhóm Sáng tạo bên cạnh Thanh Tâm Tuyền Mai Thảo, con người từng có mặt trong các trại tù cải tạo tổng cộng 13 năm và đã từ biệt cõi đời trên đất Mỹ xa xôi, con người đó có dịp hiện ra trước cả những người còn biết rất ít về ông như bản thân tôi một chân dung với niềm tin sâu sắc, bộc lộ ở những nét tình cảm như ủ kín mà vẫn tuôn trào, trong những dòng thơ miên man, đôi khi khúc mắc nhưng thật ra là từng dòng đều chắt lọc, nói lên cái khắc khoải cuối cùng của cuộc đời ông, đó là bài thơ “Ta về” mà rất nhiều người thú nhận rằng đã đọc lên là không thể bỏ xuống được.
Trước tiên cái đáng ghi nhận nhất của bài thơ Ta về là nó cho ta thấy cái cao thượng của những con người bị rơi vào hoàn cảnh bên thua cuộc và sau đó là tù đày cực khổ mà vẫn giữ được lòng mình trầm tĩnh, nhìn ngẫm về cuộc đời trong đó có đủ cả sự trân trọng những gì tưởng như đơn sơ nhưng gần gũi nhất của ngày hôm qua, lẫn sự tha thiết sống tiếp cuộc sống hôm nay và muốn lây truyền đạt những điều tốt đẹp ấy cho các thế hệ sau. Ở đây con người trong cảnh khốn cùng tuyệt đối không thấy bộc lộ ra một chút nào gọi là oán thù căm giận trách móc. Thay vào đó là sự tin yêu trầm lắng mà lại dai dẳng đầy sức ám ảnh.
Cái sức mạnh tinh thần của con người ở đây tưởng như muốn ghìm xuống ẩn giấu mà vẫn ngời ngời, khiến cho cái hoàn cảnh tưởng rất bi đát lại vẫn hiện lên với đủ vẻ tươi tắn và đầy hy vọng.
Con người tưởng như đã đi hết mọi nỗi cực khổ và đau đớn của đời sống hóa ra vẫn còn lại với tâm thế bình tĩnh nghĩ lại về cuộc đời đã qua và muốn truyền lại những thể nghiệm sống của mình cho những người khác.
Trong những năm chiến tranh, nhiều người ở miền bắc chúng tôi thường tự nhủ rằng mình đã đi đến tận cùng của sự đau khổ và tự hào là những hoàn cảnh khó khăn không làm gì được mình trước sau mình vẫn nguyên vẹn.
Hóa ra chúng tôi nhầm.
Một cái gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi, bởi sang thời hậu chiến nhiều người tự cho là mình có quyền làm tất cả những điều không được phép làm và coi đó là sự đền đáp đúng hơn là sự vớt vát lại chút hạnh phúc trần thế mà chúng tôi đã bị tước mất.
Cái sự bị làm hỏng mà tôi nói trong bài trước gần như được mọi người miền bắc coi là tự nhiên.
Đọc bài thơ của Tô Thùy Yên tôi nhớ lại nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với con người ở miền nam sau ngày 30/4/1975, tôi nhớ lại những trang văn bài thơ mà tôi đã đọc, những công trình nghiên cứu khoa học xã hội được làm trước 1975 và tôi nhận ra rằng cũng trong sự bao vây của chiến tranh, nhưng con người nơi đó không bị hoàn cảnh làm cho tê cứng về mặt tâm hồn, liều lĩnh về cách sống, bất cẩn về mọi hậu quả gây ra cho mọi người.
Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn hóa vẫn còn, vẫn chi phối người ta trong mọi mặt đời sống.
 Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên hôm nay cũng như của bao nhiêu người khác là kết quả của một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực.
Người ta không những biết sống để thích nghi với hoàn cảnh mà còn biết giữ được cả những gì tốt đẹp nhất được bồi đắp từ nhiều thế hệ và chuẩn bị cho người ta ra tiếp xúc với thế giới.
Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục.
Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ "Ta về" chứng tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở hải ngoại.
Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta.
Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم