VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Qua việc giảng dạy toán học có thể thấy mọi thứ đang đi xuống

 Trên  ANTG  giữa & cuối tháng ra ngày 25-4-19 có bài 
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Ngô Việt Trung: Mở sách toán phổ thông ra, tôi thấy những điều trăn trở!
Mở đầu nhà báo viết: 
Tôi tìm đến GS. TSKH Ngô Việt Trung, một trong những nhà toán học hàng đầu của Việt Nam, khi đọc được thông tin ngành toán Việt Nam đã vượt ngành toán Singapore trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á trong việc công bố các bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI (danh mục các tạp chí hàng đầu thế giới hiện nay). 
Câu chuyện bắt đầu từ thông tin phấn khởi đó nhưng rồi chẳng hiểu tình thế dẫn dắt thế nào mà sau đó nó lại chuyển qua chủ đề: "Chỉ 10 năm nữa, chúng ta sẽ tụt dốc thảm hại". 
Trong tư cách một nhà toán học uy tín, một người có nhiều năm nghiên cứu và dạy toán, GS. TSKH Ngô Việt Trung cảnh báo: "Chúng ta đã hiểu lầm nghiêm trọng về việc dạy toán và vì thế trình độ toán học trong xã hội kém hơn hẳn trước đây. Nếu không thay đổi, cái giá phải trả là cực lớn".
---- 
Sau đây là một số trích đoạn theo tôi là quan trọng nhất  trong ý kiến của GS Trung. Những đầu đề nhỏ là của chúng tôi

MỘT LÝ DO KHIẾN NGÀNH TOÁN PHÁT TRIỂN
 Thực ra thì ngành toán Việt Nam đã có truyền thống công bố quốc tế tốt từ lâu rồi. Nhìn vào lịch sử phát triển toán học nước ta, sẽ thấy thậm chí mình có truyền thống ngay từ năm 1945. 
Dân toán chúng tôi từng tìm cách lý giải xem ở Đông Nam Á, vì sao người Việt Nam, Singapore lại có truyền thống phát triển toán học và nghĩ đi nghĩ lại thì chúng tôi cho rằng, lý do là văn hóa Việt Nam và Singapore đều chịu ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa Trung Quốc, nhất là việc sử dụng chữ tượng hình trong lịch sử. 
Theo một nghĩa nào đó, chữ tượng hình rất trừu tượng. Một chữ trong hệ chữ tượng hình thường được ghép từ nhiều hình có ý nghĩa cụ thể để tạo ra nghĩa khác. Chính cái sự trừu tượng và tính tích hợp như thế lại rất phù hợp với tư duy toán học.
Ngoài ra, văn hóa Trung Quốc xưa thường có xu thế trừu tượng, khái quát hóa, trong khi văn hóa Tây Âu lại có xu thế cụ thể hóa các vấn đề. Đấy là một đặc điểm khiến những nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc thường có ưu thế trong giáo dục toán học.

MỌI THỨ ĐANG ĐI XUỐNG
 Có một điều tôi rất trăn trở, đó là bây giờ đi đâu người ta cũng nói về cách mạng công nghiệp 4.0, rồi dữ liệu lớn, rồi trí tuệ nhân tạo nhưng nhìn vào nền giáo dục toán phổ thông, tôi khẳng định là mọi thứ đang đi xuống một cách thảm hại.  
Với giáo dục phổ thông, yêu cầu số một của xã hội hiện nay là giảm tải. Ai cũng nghĩ con em mình học quá nhiều nên ai cũng kêu gọi giảm tải. 
So sánh với các nước khác, tôi thấy học quá nhiều ở đây là cách học và cách dạy sai chứ về kiến thức thì không nhiều, thậm chí còn ít hơn so với một số nước ở quanh ta. Nếu như vậy thì làm thế nào ta có thể đọ với họ trong cách mạng công nghiệp 4.0, cái gì cũng cần đến toán?
Trước đây, khi chúng tôi học toán, bất cứ định lý nào cũng được chứng minh, giải thích rất rõ ràng. Và nếu hiểu cái cốt lõi ấy rồi thì không cần nhớ máy móc một công thức, tự mình cũng có thể phục hồi nó lại. 
Còn bây giờ, với chương trình giảm tải, người ta đã bỏ đi cái phần giải thích, chứng minh rất quan trọng này. Tôi mở sách toán phổ thông ra, thấy điều này đáng sợ quá vì nó khiến người học toán chỉ biết áp dụng các định lý, công thức một cách máy móc mà thôi. 
Bây giờ, người ta chỉ nghĩ cần phải học những cái gần với đời sống, có thể áp dụng ngay vào đời sống. Như thế, chỉ cần dạy học sinh cộng trừ nhân chia là xong. Nhưng dạy toán đâu có phải vì mục đích đó.

  KHÔNG DẠY SUY LUẬN
VÀ HẬU QUẢ TAI HAI CỦA NÓ
 Ngoài việc học kiến thức toán làm cơ sở cho các môn khác ở phổ thông và đại học sau này thì phải hiểu mục tiêu lớn nhất của toán học là dạy học sinh biết cách suy luận. Học toán có nghĩa là học tư duy, cũng như học văn là học làm người. Bây giờ chúng ta giảm tải, chỉ dạy công thức, dạy áp dụng mà bỏ hẳn mảng tư duy ấy đi. 
Rồi thi cử cũng vậy, giờ chúng ta thi trắc nghiệm môn toán nhưng thử hỏi trên thế giới thường khi nào người ta dùng thi trắc nghiệm? Đó là khi người ta cần kiểm tra kỹ năng. 
Ví dụ như học ngoại ngữ, học lái ô tô - đấy là học kỹ năng và những cái đó thì đúng là nên thi trắc nghiệm. Còn kiểm tra về kiến thức thì phải tự luận mới phân loại được học sinh. Chúng ta đã không học suy luận, đến thi cử cũng không còn thi tự luận, thành ra học sinh bây giờ suy luận rất kém. 
Chỉ cần hỏi các thầy cô đang giảng dạy ở các trường đại học xem trình độ suy luận của sinh viên trong những năm gần đây thế nào sẽ biết ngay ảnh hưởng tai hại của thi trắc nghiệm đối với cách học của học sinh phổ thông.
Mà không riêng gì ngành toán, nhiều ngành khác có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng như vậy. Giảm tải kiến thức và thi trắc nghiệm theo đòi hỏi dễ dãi của xã hội sẽ khiến khả năng suy luận của con người Việt Nam đi xuống. Đúng là chúng ta đã tự lấy đá ghè vào chân mình.

 KHÔNG TỒN TẠI
 MỘT THỨ NĂNG LỰC NGOÀI KIẾN THỨC

"Bây giờ ở ta thường nhấn mạnh đến việc phát triển năng lực học sinh và đưa ra hàng loạt mĩ từ cho nó. Nhưng  người ta lại quên rằng năng lực chỉ có thông qua kiến thức. Làm gì có năng lực nào độc lập với kiến thức. Làm gì có chuyện giảm tải kiến thức để tăng cao năng lực. Thành ra, nói thì rất đẹp, nghe thì rất hay nhưng xét về bản chất, tách bạch năng lực với kiến thức là sai hoàn toàn".

GHI CHÚ
Ngay từ tháng tư 2017 tôi đã chú ý tới một bài báo trả lời phỏng vấn khác của cùng tác giả  Giáo sư Ngô Việt Trung: Tôi có cảm giác dự thảo của Bộ mang khẩu hiệu là chính
trong đó có hai ý tôi nhớ nhất

1/“....có một thực tế là khả năng tự luận của học sinh hiện nay rất kém. Khả năng học thuộc là chính. Nên khi viết bài luận không thành được vấn đề.”

2/ ” việc định hướng chương trình đặt môn giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu, trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý.”
Ý này chỉ được lướt qua không không được nhấn mạnh, nhưng theo tôi nó cũng là cái gốc để ta xem xét mọi phần ngọn khác trong cải cách giáo dục cũng như toàn bộ chính sách giáo dục thời nay nói chung.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم