VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký chiến tranh - Binh trạm 12 Tây Quảng Bình 1969 (2)

23/5
Tối đến D2053 công binh. Đơn vị vừa bị đánh , nó đánh trúng đường ống dẫn xăng rồi cứ thế nó tống bom bi nổ chậm vào. Một cậu ba lô cháy, áo cứ quăn như giấy, những mép bị bạc hết, và các túi thì rã ra, chực rơi xuống. Lính, một cậu bị mảnh bom trúng đầu nói lảm nhảm một mình lại toàn là những câu ghê người. Nó bảo nó làm một cú đòn, báo cáo lên đoàn 500, nói rằng đây bệnh tư tưởng hết, cả tham mưu trưởng, cả các trợ lý, chỉ có mình nó, với lại chính trị viên trưởng yên tâm mà thôi.Thấy một tay cán bộ, nó bảo ông này chỉ vớ vẩn, vệ sinh mà làm qua loa thế kia, thì anh em nó làm thế nào? 

Lính xô bồ, ầm ĩ, như bầy quạ, không có việc gì cả cũng cứ nháo nhác ầm cả lên. Cậu nào ăn cũng hỗn, bước cũng mạnh, quần áo cũng bẩn thỉu, ở hậu cứ mà mặt vẫn câng câng. Sao mà lạ thế không biết.
Trong này thật ra cũng y như Hà Nội. Tình hình về cơ bản khác rồi, mà ban lãnh đạo tư tưởng cứ thích duy trì theo kiểu cũ, vẫn chiến tranh, vẫn lạc quan, trong khi vẫn khổ sở.
Bao giờ những ngày chết tiệt cuối chiều này hết đi. Bao giờ để bắt đầu những ngày mới, đầy hào hứng và phấn khởi, tuy rằng rất cực đấy, nhưng hoàn toàn tin tưởng, và đầy phấn khởi làm việc.

Hồng kể về một nhân vật: ”Phương - Phương “miu”, mặt rỗ chằng chịt, ở nhà việc gì nhiều tiền thì làm, cả xe bò, cả quai búa. Vào bộ đội, ai nói cũng chửi. Đi ném cá về, gọi mọi người ăn. Hồng không dám ăn sợ nói không được (những  cậu nói nó đừng ném, kể cả B trưởng cũng bị nó chửi ngay). Đơn vị đi B, dùng lại, Phương mang quần áo tưới xăng đốt hết.
- Tôi không cần gì cả.
Người ta cứu được vài cái.
Lúc ra phá bom, rất dũng cảm, nhưng cũng hay chửi, và hay phá. Một lần thấy một ông B trưởng đánh bộc phá, chỉ biết đào sâu xuống để chôn.
- Ông đéo biết làm rồi.
- Không, đây là kiểu kỹ thuật.
- Đéo kỹ thuật gì cả.
Quả nhiên, ông kia đặt thế nào bộc phá khoét xuống lòng đường một hố, như hố bom mà chẳng được việc gì. Nó lại càng chửi trong khi làm tiếp. Gần đây viết đơn lên trên: Tại sao tôi công tác tích cực, phá bom rất dũng cảm mà không bao giờ được khen, không được phong hạ sĩ.
Những con người này mới thực là con đẻ cuộc chiến tranh này.

Rừng Trường Sơn là đây. Trên là núi và dưới là khe. Những con suối trường chinh, ngấm ngầm mà hung hãn, gặp núi cản cũng xô cả núi mà đi, đất đỏ đục ngầu rồi cũng trong xanh trở lại.
Đường lượn ven núi, gặp núi thì thành ngầm, rồi đường lại vượt lên, nhìn con suối dưới kia róc rách. Lên cao thì đường gặp núi. Đất sẵn sàng lở. Khi có máy bay lượn, mình theo thói quen, chúi vào bên núi thì một cậu bảo: “Ra ngoài này  đi anh, núi lở xuống bây giờ”.
Đứng trên những mỏm đường cao nhất, thấy toàn cảnh trọng điểm, lượn lên lượn xuống. Hút xuống dưới, ba cô thanh niên xung phong đi lủi thủi nhỏ dần. Ngẩng lên cao, mãi kia là đỉnh đồi đất đỏ, những cây cao lớn đổ vật cả xuống, như một người ngã xóng xoài, tay ở dưới mà chân ở trên. Cỏ chung quanh đã lên xanh, cây thì vẫn còn trơ một cái màu gỗ nhạt huếch…. Có lúc nghĩ rằng tại sao lại rủ nhau chui vào những miền rừng làm gì nhỉ. Ở đây hoang vắng quá, những ngã ba, những “cua” những trọng điểm không có tên, toàn gọi bằng số, cây số 43 năm trăm, cua 12, trọng điểm 21, ngầm com măng ca, chỉ có một ngầm gọi là Đông phương hồng.

 27/5
Lên trọng điểm - Barie 91 nằm dưới một ngách đá lớn ven đường, mưa nước trên đường tràn xuống như cống. Một ông ngồi trực máy. Chiến sĩ nó trực 1/2 đêm một. Cán bộ thiếu, trực suốt thế này. Gặp bên cạnh một cậu vô tuyến lảm nhảm như một thứ đồng thuộc.
Ở chiến trường mới thấy chiến tranh là phung phí sức người sức của vô hạn. Từng nghe đồn công binh mỗi anh kéo về lán hàng bao tải đường, hàng hộp pôlyvitamin để ở đầu giường. Một xe cử đi trực về, cậu Kỷ mang 3 cái kéo, Bình mang 1 cái hộp xơ ranh. Như vậy là 1 xe quân y đổ. Hôm sau giữa trọng điểm, còn thấy một cậu được cử đi nhặt xoong.
Trọng điểm nghĩa là gì? Nghĩa là một vùng 5-7 km bị B52 phát hoang, rừng nhiệt đới mất hết cả màu xanh, chỉ còn những thân cây, những tảng đá. Sau mấy ngày mưa, cái màu xanh thống trị cũ vội nhú lên mấy mầm lá chuối non, vậy mà vẫn không lại được với màu đỏ của đất. Tôi theo một xe ATN vào kéo một din ba cầu, cậu lái xe mặt hớt ha hớt hải, sợ hãi, lính ATN mắng như tát nước khi cậu ta lái quặt vào một hốc cây như thể muốn trèo lên núi. Xe ATN cứ băng băng đi. Oàng một tiếng đằng sau: chỗ xe ATN vừa phải lách qua, công binh đã đánh bộc phá trong màn khói đen ánh lên một tia lửa đá chạm phải sắt - ấy là những cậu cán bộ của 2053 quần cộc, mặc cái áo cổ vuông, ngoài một lượt giáp sắt, tức là những mảnh đuy - ra bọc vải. Lũ ấy như thổ công ở vùng này, chỗ nào cũng ngó chỗ nào cũng nhìn. Nhìn một hố bom nước vàng nhợt nhạt, một cậu cắt nghĩa: đấy là nó ngấm thứ chi ri (poly)vi ta min, nên vàng như ký ninh vậy.
Hàng giờ, theo những quy luật nhất định, máy bay địch đến cắt toạ độ. Trọng điểm nát nhừ ra. Mùa mưa đến rồi, bên kia đường 12, người ta nói mưa trắng đường, xe phải theo vết xe trước mà chạy - “Nắng bổ nhào, mưa rào toạ độ” - Cuộc sống nhọc nhằn quá đi, vất vả quá đi. Ở trên hầm chỉ huy, ông trung đoàn phó chỉ thị cho từng việc cụ thể: C2 cử người ra trinh sát đoạn đường, phá nốt chỗ hố bom cho xe đi. Các cậu bên kia liệu mà chớp thời cơ về bên này thay ban. Như vậy là 10 giờ 10 phút rồi, hết giờ toạ độ của nó, bây giờ cho ATN vào, lôi xe mắc ra. v.v.
Lúc các xe ATN vào kéo xe ở trong, tìm mãi thì cậu lái máy húc bảo: Có thằng lái xe đấy, nó đang tìm cáp, mà quẩn quanh tôi lại không thấy. Cậu Thôi, lái ATN bảo: Phải chờ lái xe. Nhưng trực ban thấy cần phải kéo ngay. Gọi một cậu ở tiểu đoàn xe - đúng hơn phải gọi là một ông, vì trông đã già quần ống thấp ống cao:
- Ông lái xe phải không?
- Chết cái tôi lại không biết lái chứ - ông ta chối.
… Đến lúc xe kéo ra, chính ông ta lại rót xăng, xếp khung mui bạt, lại quản cái xe đâu vào đấy. Không tìm đâu ra cái nét mặt ngượng nghịu lúc trước.
Tại sao lại có sự đun đẩy lảng tránh vậy? Vì chỉ một lúc sau, khi tôi về đến đội xe máy, lại đã nghe người đến gọi xe ô tô lên chở thương binh. Trên đó có thể một cậu bé nào đó mà cũng có thể là một ông già 39, 40 ở đội công binh thổ công, có đủ mọi thứ của cải đường sữa của chiến trường kia, đã bị toạ độ. Quyền sổ ở ban chỉ huy binh trạm ghi thương binh và liệt sĩ trong ngày, lúc sau, tôi thấy vứt ở trên sạp, chắc là lại vừa ghi thêm một cái tên mới.
Nhớ lúc ở cao điểm, có lúc định hỏi ông tiểu đoàn phó: Nếu cần phải hy sinh cái máy húc với lại mây cậu công binh ra đánh bộc phá, thì anh cho ai đi? Có lẽ ông ấy sẽ cười mình mất thôi, và đùa đùa tôi không cho ai đi cả, để khi nào yên hãy đi. Tuy nhiên, ở đây khó nói là mạng người quý hay cái xe quý hơn. Chẳng phải là vì một cái din ba cầu đó, người ta cho công binh ra, để rồi mấy cậu công binh bị dây mìn đó sao?
Tôi chưa bao giờ sống cái giây phút của một người có lệnh phải đi vào khu vực đó. Nếu không, tôi sẽ nghĩ như thế nào nhỉ? Muốn nói đi nói lại một nghìn lần: cuộc chiến tranh yêu nước này là cần thiết. Nhưng cũng thật là một tai vạ cho thế hệ tôi, cho dân tộc tôi, một tai vạ của thế giới trong thế kỷ. Liệu biết quy cái tội đó vào ai? Chẳng nhẽ chỉ quy vào một vài tên tổng thống có máu hiếu chiến. Tại sao lại có Hít le, có Mút–xô- li-ni - như vậy là bản thân nhân loại có một tội tổ tông truyền, mình không cai trị nổi mình, mình làm khổ mình.
Tôi đã sa vào những điều viển vông chăng? Tôi đã đi vào một thứ chủ nghĩa nhân đạo hư vô chăng? Nhưng quả thật, phải nghĩ như thế để mà bình tâm thấy chiến tranh như là một điều chết tiệt có thực. Sao thèm một ngày hoà bình của những năm trước 1964 của Hà Nội… Mặc dù, sống giữa đường sữa, thịt lợn đổ cả đi, đạn bắn liên hồi kỳ trận tha hồ, dù pháo sáng xếp 5 múi một trong ba lô, hẳn ai cũng mong về hậu phương sống cuộc sống mè nheo ích kỷ và khốn khổ, những buổi xếp hàng mua bia “như đi mít tinh”, những chủ nhật mua củi mệt bã người, dành dụm từng tí củi, mẹ bảo con: Mày xem trong gầm còn thanh củi nào không, nếu không phá cái thang giường ra làm củi đi nếu không có cái đun là chiều nay nhịn đấy.
Và cái này thì ai cũng biết rồi: nếu mang tất cả tiền của này đổ vào xây dựng hoà bình! Cuộc sống sẽ khác sao, ai biết được.
Niềm tức giận của tôi ư? Cũng giống như mọi người thôi hãy chôn nó đi. Hãy biết sống như mọi người. Sung sướng  gì một đứa trẻ sinh ra đã không may như tôi: mẹ chết, ốm lên đậu gần chết. Bây giờ lắm lúc cũng hơi xấu hổ: mặt rỗ thế này, có cô nào yêu được? Thà hồi ấy chết quách cho xong. Nhưng cứ nghĩ đến thế thì  lại tự bảo dẫu sao thì sống vẫn vui hơn, sống để đua với đời, sống mà nhỡ biết đâu lại có thể hơn người, yêu được những cô gái ngoan và giỏi.
Khi dân tộc cũng không chết được mà phải sống, nó sẽ mang những vết sẹo suốt đời trên người như mình vậy.

 28/5
     Ông K. một CTV phó tiểu đoàn chợt hỏi đồng chí nhà báo quê ở đâu hề? Hà Bắc à, tôi đóng mãi ở bến Phả Lại đấy, Phả Lại có cái mậu dịch thương nghiệp bán khối thứ đấy...
Những người như thế, đi đâu mà chẳng gặp.

29/5.
 Những ngày ở Hương Đông nắng nóng, mần tịt cả người, lúc nào cũng buồn ngủ. Trưa, ăn cơm về, mình nằm lăn ra giường ngủ thiếp đi, thỉnh thoảng, thỉnh thoảng chừng nhiều mồ hôi quá lại chợt thức dậy, lấy khăn lau một lượt mồ hôi nhưng không có khăn, lấy luôn cái áo lau mặt.Trong khi đó, Duật và cô Nhót đang tập đánh máy. Duật đến hấp dẫn, lúc nào cũng có chị em đến với nó, đứa ăn cơm xong đến xin ngụm nước, đứa đến mè nheo cái nọ cái kia.
Những ngày ở đường 12 này, lại chỉ có mưa, nước suối đỏ bẻm. Và hôm nay hiu hiu gió, như một ngày đầu thu, như một thứ rét nàng Bân, như “những ngày vui nghĩ lại thấy ngùi ngùi". Nhớ các anh ở nhà (tuyệt nhiên là không thấy lại một cô nào mà cả cô Điệp), nhớ các bạn bè, nhớ công việc. Trước lúc đi, Xuân Quỳnh bảo:
- Đi viết thư về... Chính những lúc đi xa độ 1, 2 tháng, một mình, nghĩ cũng buồn lắm.
Cố nhiên, mình lại phải bảo mình rằng ở Hà Nội, nhiều lúc mình vẫn thấy cô quạnh, những lúc chán nản: "Giờ đến ai thì có nhà nhỉ?". Đi hết mình, đi hết những nỗi buồn, và thấy con đường xa lắc. Hân bảo giữa nỗi buồn cô đơn và nỗi buồn một người có vợ, tuỳ anh chọn lấy một.
Đến Hương Đô, rất quý các cô gái ở đấy, cô Bàng, cô Nhót. Cô Băng Tâm có con mắt rất sáng va nụ cười dịu dàng. Cô Huệ, cô Xuân bên Tổng đài 500, đeo cái vòng vào cổ, người như dễ thương hẳn lên. Đến Binh trạm bộ, các cô ở đây, cô Thu cô Nhuệ mến khách và dịu dàng làm sao. Còn ở  các đội TNXP thì – sau cái non trẻ vụng dại - sao quá nhiều những con người yên lặng, chậm rãi, mệt mỏi, đầy dục vọng?
Ông Vũ Cao thường bảo tôi: Cái thằng này bao giờ cũng lý tưởng, sách vở. Xem thằng này với thằng Đỗ Chu sau này lấy vợ thế nào?
... Tôi thì tôi tự nghĩ vẫn trên con đường hành hương đi tìm phụ nữ. Lại thấy bổng lên những câu thơ của Aragon:
Chỉ có nàng thôi mới xinh đẹp dịu dàng
Nàng hiện lên như tháng mười đỏ thắm
Hôm nọ bảo với Duật rồi, câu thơ của Drunina "Trong ngây dại của tâm hồn phụ nữ - Em chỉ cần nương tựa xuống vai anh" có phải chỉ nói về phụ nữ đâu, mỗi người nam giới đều có lúc cảm thấy cần phải nương tựa xuống bên một người phụ nữ nào đó.

Phát hiện lớn nhất là trong lần trước, thấy con người lớn lên trong chiến tranh. Đi sâu vào tuyến, lần này tôi nghĩ khác đi: chiến tranh sẽ tạo ra một lớp người mà tất cả thời gian, năng lực, chí hướng là tập trung vào việc giết, phá hoại, làm lấy được, nghe lệnh, trói tình cảm của mình lại, rồi khi cần thì lại bùng lên một cách rất là man dại. Chiến tranh tạo ra lớp người ấy, chiến tranh qua rồi nhưng lớp người ấy còn mãi.
Đại đội TNXP: Nhà ở làm hàng ngàn công mà không xong, gian nhà rách nát, tạm bợ, trên căng tăng, dưới căng bạt, chung quanh là đồ lề, những tấm chăn chiếu quét đất tha hồ cho chân người dẫm lên.
Bộ đội thì có chuyện công binh, dỡ hầm của cao xạ, hai bên to tiếng với nhau. Nghe nói có lần phải dùng đến cả cách quăng nhau xuống sông.

Bao nhiêu cô con gái đã vào hoả tuyến này. Ở bên Lào, con gái phải lấy tay gạt đuổi những con nòng nọc đen đi lấy nước tắm rửa. Một lần đang tắm thì nó đánh rất gần. Mới đầu các cô còn tránh tạm vào một hòn đá. Rồi sau chỉ kịp khoác cái áo lên, cứ thế trở về khu nhà ở.
Những bữa cơm TNXP ở đây, ít thức ăn quá, người ta phải ăn nháo nhào bát đầu cho xong, rồi thì xoay tí muối. Mỗi người được mua một quả trứng luộc rồi, sau bữa cơm của người nào người ấy giải quyết.
Những cô con gái ngồi giữ kho suốt ngày có người nhờ may vá. Chuẩn một kéo. Đào một kéo. Đến nơi thấy thế, Sát phụ trách hành chính nhì nhèo "Chúng mày cứ lấy hết cả kéo trong kho thế thì còn bảo quản nỗi gì nữa." Nhưng rồi chính ông ta lại bảo con gái ở đây nó thiếu vải lắm anh ạ. Bây giờ mỗi đứa xin lỗi anh chỉ còn một cái quần phăng với cái quần đen, cái nào cũng tàu tàu cả. Đơn vị thì phát đủ rồi, cơ quan chịu sau. Hôm nọ C3 bị đánh, lại vận động cho lần nữa, ai có 3 thì cho 1. Kết quả là chả ai có gì dùng khi cách nhỡ nữa.
... Chao ôi, rồi những đứa con gái này về, sẽ làm nên những công trạng gì, sẽ biết làm gì.

Tổ mộc 4 cậu, 1 mới còn 3 cũ. Thấy bảo những 6, 1 đi phép, 1 xuống bệnh xá làm. Hai giờ đến nơi, còn thấy 1 cậu nằm, 1 cậu thì thọt nhờ người ta chữa quần hộ, hý hửng mò về. 2 cậu ấy với thằng bé mới đến gần ngồi ngoài bãi gỗ
Kể chuyện:
- Cánh tôi đi 3 năm cả rồi. Ở nhà có biết mộc nề gì đâu, vào đây cứ làm đấy chứ, được cái nghề, về nhà chữa chạy đồ đạc, chứ quê mình vời được ông thợ mộc còn khó lắm.
Bây giờ các ông ấy cứ bảo ở đây hưởng lương công nhân. Tôi thèm vào. Cho chúng tôi đi học gì thì học. Không có thì về. Bây giờ sang năm thứ tư rồi, tháng hưởng 10đ, làm đến đâu thì làm.
Nghe chúng tôi trò chuyện thằng bé con cứ nghếch ra cười. Một cậu bảo: Cố mà học đi còn làm nghề thay chúng tao.
Cái nghề TNXP này ấy à, đến đâu thì làm đến đấy, hàng làm xong đưa các ông ấy được thì đưa, không thì vứt mẹ nó đi, làm cái khác.
Bảo cậu bé mới đến: Mày cứ xếp gỗ vào đây, rồi chúng tao đóng cho cái giường thật đẹp. Chuyển đơn vị chúng tao chỉ mang vài bộ quần áo thôi, còn cho mày tất. Cái giường đẹp nhất, rủ con bé Chín ra đây, hai đứa nằm cũng vừa.
Lại kể hồi chúng tôi ở đường sắt ngoài kia, đâu cũng đi, đâu cũng vào, ra vào ga hàng hóa như đi chơi. Một lần tàu đỗ, bán hàng cho hành khách bánh, kẹo, tôi chen vào tôi mua, người ta kêu, công an đến, hoạnh hoẹ ra phết nhé. Chúng tôi bảo chúng tôi làm TNXP ở đây anh có muốn bắt cứ đưa đến hẳn bộ trưởng GTVT Phan Trọng Tuệ hay Tổng cục  trưởng tổng cục đường sắt Hà Đăng Ấn thì tha hồ mà bắt. Thế là phải thả thôi. Nhân dân người ta bảo: Thôi cho các anh ấy đi. Không có các anh ấy làm cầu thì lấy đâu đường mà cho tàu đi.
... Tôi không muốn đến với họ nữa. Với cuộc chiến tranh này họ quá già rồi thì phải. Lớp trẻ ở đây là một cậu bé, trông lúc nào cũng cười, béo lẳn, mắt cứ híp lại. Mới đến, tôi thấy nó ngậm một ngụm nước lúng búng tay về vê điếu, đầu gật gật đi mượn bật lửa. Hút thuốc, vừa tắt hơi khói, vứt cái điếu giấy đi thì cũng nhỏ toẹt cái đống lùng bùng xuống chân giường. Và say, nằm vật ra giường. Dễ chừng cậu ta không dám ló mặt ra ngoài, cũng vì say quá, dễ bổ chửng xuống suối.
- Mày quê đâu?
- Quê Thanh Hoá.
- Toàn cá chích chớ gì
--  ...
- Ở nhà có no không?
- No chớ (chữ no gần thành chữ non)
- Thế nầy đi có thích không?
- Đi thế nầy no hơn. Nhà ăn được 6 bát, đây ăn 10 bát. Nhà lại phải ăn thêm ngô, thêm khoai, sắn ấy. Chỉ có cái ở nhà được ăn cá cơ man nào là cá. Tha hồ mà ăn!
Nó đang tuổi ăn khoẻ, ngủ khoẻ mà! Hồi mới ở đại đội lên, nó gầy nhẳng,  giờ mập hẳn lên.
Đây là lứa TNXP thứ hai. Năm 1965, nhiều đội được thành lập, và từ đó đã hơn 3 năm trôi qua, đã một lứa thanh niên làm xong cái thời hạn mà người ta quy định cho họ rồi. Nhớ hồi ấy, cứ bảo chiến tranh chỉ 3 năm, 4 năm là xong. Bây giờ gần 5 năm rồi, mà cuộc chiến tranh còn vô chừng dai dẳng. Thực bụng mình vẫn chưa hiểu câu của N. Bớcsét: Hội nghị Paris có thành công thì Việt Nam cũng không thống nhất được.
30/5.
Suốt một tuần sang đất Quảng Bình này là mưa, giá ngại thì không còn muốn ra khỏi nhà.
Con đường về anh mưa hút lối
Trắng ngang trời không gian mênh mông
..
Thời gian đi không gian dường đứng lại
Chẳng biết nhớ thơ hay nhớ chính con người nói chuyện  rất thông minh đó nữa.
Nhưng mà mưa ở đây nó lại càng để lộ ra cái buồn bã cuối chiều, của công việc. Đơn vị đến đây từ 27 tết. Nghe các cô ấy kể lúc đầu chuyển đến để phục vụ xe vào rất nhiều trong dịp tết, cho nên nhà cửa làm chỉ tạm bợ. Đến bây giờ thì mưa xuống, nhà nào cũng kêu dột. Kho dột, chỗ ở dột. Mấy cậu đến làm nhà kho gấp đi khiêng độ chục tấm gianh về dọi lại một chái, dùng độ 3 tấm rồi lại vứt đấy.
... Những người ở lứa bọn tôi cả những lứa sau này nữa, đã biết làm gì đâu. Chúng nó mới lớn lên, ở nhà chỉ đi chơi với lại học. Bây giờ phải đảm đang hết tất cả. Liệu sẽ ra sao nhỉ. Chẳng nhẽ chỉ có thể rút ra kết luận là bọn này sống làm sao được, nếu không có các ông già hay sao? Cuộc sống thì khốn khổ quá, người thanh niên mới lớn thì non dại quá. Anh Nguyễn Khải bảo ở nước ngoài từ 25-30 vẫn còn là thời kỳ học việc, mãi từ 35-40 trở đi mới gọi là chủ động được công việc. Ta thì cứ khôn trước tuổi mà vẫn non bẽo.
Trời vẫn cứ mưa. Thời gian khắc nghiệt cứ đưa những thứ tạm bợ qua loa phơi trần cả ra. Chiến tranh tưởng là tạm bợ thì không phải, nhưng chẳng nhẽ lại là một việc còn lâu dài mãi. Lịch sử sẽ đi đến đâu? Lịch sử là một dòng nước ngầm tuôn mãi dưới hang kia, cần mẫn, chăm chỉ, không đếm xỉa gì đến mưa nắng và ngày đêm, cứ cuốn trôi một cách hết sức bình thản mà cũng hết sức dữ dội. Lúc nào cũng như một lò vôi đang sôi. Đi xuống hang sâu thăm thẳm, lạnh cả người. Đá cũng phải mòn. Trêu vào nó ư? Nhưng chẳng nhẽ lại nảy ra cả cái ý định trêu nó? Không, phải đi cùng dòng với nó.
Nhớ ngõ nhỏ 105Thuỵ Khuê, không hiểu cái nhà gia đình tôi ở hai chục năm nay đã ra thế nào? Cầu trời rằng nó không đổ, đợi mình về mua  ít nứa, dọi lại. Thầy thì không thể nào khỏi được. Hết sức đớn đau, mà không biết làm thế nào. Mình có tàn nhẫn quá không? Hôm trước khi đi, mình nói ông cụ rất nặng lời. Điều mình ân hận mãi như thế, có làm thầy nghĩ lại mà mạnh bạo đi lại làm việc hơn lên? Về chuyện người già nhớ Xuân Quỳnh kể. Bố tôi rất yêu Hà Nội, suốt đời nhặt nhạnh tìm tòi tài liệu, trong ấy cụ cũng viết một quyển sách về Hà Nội đấy. Tôi rất nhớ cụ, nhưng biết rằng giá kể bây giờ quay về gặp cụ thì cũng không biết nói gì.


Anh Ngọc, Chính trị viên đại đội. Đến nơi xem giấy giới thiệu, mời nước.
- Đồng chí đến đây chỉ có lợi cho chúng tôi thôi. Con người gù, mắt nhỏ tí, ngồi cứ như định gục xuống.
- Tôi trước kia có học gì đâu, toàn tự học cả. Lúc mới ra, người ta đã chỗ nọ chỗ kia mình cứ ngồi đấy. Đến lúc cải cách ruộng đất thì lại gay nữa chứ. Sau phải gặp mấy ông cốp, cả ông thiếu tướng Phạm Kiệt, xin ông ấy chứng nhận cho. Lâu nay, mình đã biết mình không làm gì được về chính trị, đã cố học rồi. Học xong cũng chẳng thấy nó cho đi đâu cả. Bây giờ ra ngoài cũng thế (Hồi tôi ra ngoài Vương Linh cũng ra đấy!) Lúc đi học còn lôi thôi chán mới về Bộ tư lệnh công binh. Rồi vào đây.
Mình nói chuyện hai thế hệ, chuyện các ông, ông Đồng, ông Đỗ Mười đi các nơi.
- Đúng thế đấy, tôi thấy gần đây báo chí mình có chú ý mặt ấy hơn. Dân tộc anh hùng thì rõ quá rồi. Nhưng sau cái đó thì mình cũng làm đủ chuyện dở. Nghĩa là trong này lãng phí vô vàn.
Người ta kể về Ngọc
- Có tháng mấy chục bạc thuốc.
- Mấy bộ quần áo bà ba đấy. Ông ấy mà mặc bà ba vào thì cứ thụng đến đầu gối, mà túi nào cũng thuốc lá.
- Luộm thuộm lắm. Quân áo mỗi chỗ một nơi. Thấy bảo có khi hàng tháng ông ấy mới tắm một lượt.
- Nhưng mà một người quần chúng như ông ấy thì tốt quá. Ông ấy xông xáo lắm, đâu cũng đi, chỗ nào đường hỏng là có mặt ngay, cứ cái gậy đó hun hút đi.

Thuận C4 lên báo cáo về nhà cửa bị hỏng.Ngọc bảo:
- Hồi ấy tao đã bảo nó rằng phải hạ nền nhà xuống. Bọn con trai nhất định không nghe, đến bây giờ mới thấy đấy. Cho nên, thanh niên cũng có cái tốt là hăng hái nhưng cũng có chỗ dở là tuỳ tiện. Tuỳ tiện là chết.
Những cô gái ở đây cứ làm cho mình luôn nghĩ đến những người ở nhà. Nhạc, cô cấp dưỡng bảo ở đây chẳng hiểu bao giờ khá hơn. Tôi nói những trường hợp hai vợ chồng nuôi một đứa con ở Hà Nội, cũng cực nhục lắm. Vậy thì ở đâu vất vả hơn? Hạnh phúc cuộc đời này là cái gì?

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم