VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký chiến tranh - Binh trạm 12 Tây Quảng Bình 1969 (4)


 8/6
Đi nhờ xe từ Khe Ve về Tân Đức. 
Ở với 757, 1 C đặc khu 4. Các anh khu 4 ta ra vẫn thuần hơn khu 3, giáo viên Huệ trông đặc một anh xã đội, lúc nào cũng bàn những chuyện nuôi gà, trồng rau (khác hẳn với Hải nhẹ nhõm, tài hoa) - các cô Tý, cô Tân có đưa áo cho nhau mặc, cười đùa, thì vẫn có vẻ cứng, làm đỏm một lát cho vui chứ không như mấy cô Hoa, cô Lan bên kia,  kín đáo mà vẫn lộ vẻ điệu không chê vào đâu được.
Mấy anh khu 4 cứ cần cù, cứ bàn chuyện cách mạng như thế mà phải. Ra vẻ tài hoa, chơi đàn... thì các anh lại ra vẻ quỷnh ngay.
Cũng như cái giọng Quảng Bình mà mình biết. Con trai nói ra vẻ yếu quá, con gái nói lại ra vẻ thô (dọng của Chắt chính trị viên phó đấy, một người đàn ông thỉnh thoảng ra vẻ đàn bà một tí).

TNXP và bộ đội. Bao giờ thì cũng phải có những đơn vị ấy đi với nhau. Tưởng tượng thiếu một đơn vị thôi, buồn biết mấy. C7 ở tận trong mặt sau của một trái núi. Nội quy: cấm  không được đi chơi tối. Chỉ chiều về, các cô gái lần khân hơn một chút. Gần nhà cũng có suối, nhưng họ kỳ cọ rửa ráy rõ sạch chỗ cái suối ngoài gần đường. Cả bọn như một bày chim lớn. Rồi về  qua cửa bộ đội. Đánh tiếng, rúc rích đùa. Các anh bộ đội chừng cũng đã quen, ăn cơm xong, ra hiên nhà ngồi chơi, đợi.
- Mấy khi đi làm về, các o vào uống bát nước.
Cứ thế tán tỉnh nhau đến tắt nắng. Về còn lưu luyến, ở chơi tí nữa, hãy còn sớm em.
- Ngày mưa - B3 làm cái nhà hậu cần ở dưới nhà nữ. Tất cả cá cô đều đi giày trông cứ nặng nề và hách dịch một cách vô lý. Cô Mai to chặt sậy làm phên ở giữa nhà, một cậu nói vọng xuống "Không chặt cho đều thì tôi quẳng đi", Mai to trả lời rất tự hào:
- Mình cứ yên chí, lần này tớ làm cho mình thật đều.
Hễ ai đi qua, Mai lại hét tướng lên"Không được bước vào chỗ này!" Cô chỉ sợ người ta dẫm vào sậy, chốc nữa vác lên, bẩn hết áo.
Lai, chàng trai mũi tím bầm lại vì nặn trứng cá, hôm nay giời mưa mà diện rất tươm tất, giày thấp cổ có cả bít tất. Lai vác những thanh gỗ bằng cổ tay về lợp hầm. Quả là vô ý, tránh được dưới đất thì lại lấm tiệt các thứ khác ở trên dây thép. Mưa quá. Trung đội trưởng Thự cho anh em nghỉ vào nhà. Tất cả ào vào, làm cho cái nhà lúc trước chỉ có cô Ngần ốm bỗng rộn cả lên. Từ lâu đã nghe nói con  gái ở đây rất chiều con trai, mưa, các cô phơi quần áo hộ cẩn thận. Đi giặt về, Huệ cầm quần áo luôn thể. Con gái là rau tàu bay, con trai là mỳ chính. Chẳng hiểu ai nói câu ấy đầu tiên. Bây giờ vào trú mưa cũng thế. Thự, chàng trai tay đang vồ đất dưới kia bây giờ dụi dụi tay, tìm chỗ lau. Bỗng nhớ ra có một bình nước uống.
- Anh nào dội hộ tớ một tí.
Nhiều người nhao nhao:
- Lại dội lại dội ông huyện.
- Không để cho ai người ta uống nữa
- Thôi, ra đây cho xong đi nào. Và Nghiện, cô bé hơi xấu ấy dội hộ. Vừa dội, Nghiện vừa nguýt Thự một cách không rõ thế nào. Vừa lúc Nghiện quay đi là Thự giật lấy cái khăn  ruộm màu nguỵ trang trên vai Nghiện. Có bé nhớ ra thì đã muộn. Thằng con trai la lên:
- Xong rồi, xong rồi.

Thời chiến này, cái gì người ta cũng làm khô làm hộp, rau kho thịt hộp. Vậy thì cái điều người ta làm khô văn nghệ cũng tất nhiên. Gọn, nhẹ - không thể khác được.


Bích Liên C2 D thông tin. Lần đầu qua cầu Hàm Rồng không dám sang. Cầu chuyển rùng rùng phải nhờ một anh khác dẫn . Báo động nhảy cả xuống đầu một anh bộ đội.
Sang Lào, đứng cầm đèn gác đường rồi sang đánh kẻng. Máy bay đến, sợ không dám đánh kẻng chỉ kêu máy bay máy bay. "Sợ đánh kẻng biệt kích nó nghe".
Có người rủ đào ngũ. Sợ về trả sổ, trả khăn cho người ta ư? Lúc đi, ăn bao nhiêu cũng không lên cân được, chỉ có 39kg.
Viết thư cho mẹ: Con bé thì đứng vào đâu mà chẳng được. Có hy sinh cũng là vinh dự.
Bé quá, Thu TNXP đi, người ta cứ bảo "con bé này, ở đâu vào" "Cháu ở TNXP đấy mà". Người ta phải nhận .
Vào đội mang cơm thì hay đánh đổ, lại phải đi làm. Lên trên Lùm bùm Tà Khống. Nhịn ăn, từ 18g hôm nay thì đến 18giờ hôm sau mới có người thay.
 Đợi bao giờ được vào bộ đội mới về phép. Thủ trưởng cho đi học y tá cũng không đi. Vào bộ đội anh nuôi, dù ở nhà , chưa biết nấu cơm.
Vào tổng đài, đi chữa dây. Để máy khô, phải cời áo ra mà bọc máy. Chữa xong lại chập, về lại đi. Mưa rét, chưa ăn cơm. Dây đứt, không biết đứt chỗ nào (đứt ngầm) phải chẻ đôi dây ra thử. Qua sông, đội máy lên đầu.
Mẹ viết thư có cần gì thì mẹ gửi cho. Của mẹ chứ của ai mà sợ thiệt.
Người ta bảo: nhớn thì mới ốm nhiều, bé thì ốm ít.
Đi làm cấp dưỡng. "Tôi đi hái rau" - Gặp người dân tộc, hãi. Vì thấy người Khùa họ không mặc quần áo gì cả. Khóc từ rừng khóc về nhà. Bị một anh mắng bảo về không về, ở đây khổ cả mày lẫn khổ cả chúng tao.
Đội này có lúc ăn ngày 1kg gạo, có khi ăn măng tươi suốt. Thiếu nước, cạo tinh tre... Có nhiều món không biết các anh ấy làm thế nào thành ăn tạm được. Chị Hiền chết. Lúc “đi” dặn mày ở nhà có mưa thì thu quần áo vào cho các chị ấy. Cố vài năm thống nhất về cho ăn cam quê tao tha hồ.
Chị ấy chết, vừa hãi, vừa muốn ra xem. Đến nơi thấy chị chẳng còn gì.
Bé quá, gọi mọi người bằng anh chị.
Hôm đăng ký đi, nói với cán bộ:
- Chú chú, cho cháu đi với, các chị ấy bảo tha hồ ăn quả rừng.
- Muốn ăn thì tao bảo nó lấy về cho. Đi làm gì.
Cứ xin đi. Mẹ em vẫn bảo con có vào đấy mới biết.
Trong thư mới gửi, mẹ bảo mọi người cho em nó về chỉ độ 1/2 ngày cũng được. Em bây giờ nó biết làm gì rồi.


Kim Liên: Vùng em quê nghèo tháng 8, nước đến cổ, Đói no sao cũng được. Lúc đi, các ông cán bộ hợp tác làm đội trưởng, phó bí thư chi bộ, làm chính trị viên, các ông ấy không tâm lý gì đâu, hơi một tí là các ông ấy mắng cho. Một cậu đi chậm: Gạt thằng ấy nó ra, sống thì sống chết thì chết, để cho cả đoàn cùng đi.
Vào đến Vinh thì một cậu đào ngũ. Lại gặp một ông bộ đội, thấy nói TNXP đồng hương ông ấy vào hỏi, thổi cơm nấu nước ông ta ăn tử tế. Đến lúc hỏi ra thì thằng em ông ấy đào ngũ, ông ấy khóc mãi. Đến Thái Hoà (Nghĩa Đàn) lại nhiều người đào ngũ nữa (ở đấy nhiều xe, tuần 4 chuyên ra Hà Nội) Có 5 người trốn, 4 cô  với 1 anh. Họ về họ nói đơn vị qua Hàm Rồng bị đánh hết cả rồi, chỉ có mấy người họ trốn được phải về, ở nhà thấy thế khóc hết nước mắt. Sau có thư gửi về ở nhà mới tin. Bọn trốn về khổ lắm, mất hết cả Đoàn. Mẹ ở nhà viết thư lên. Có chết thì chết, đừng trốn về, xấu hổ cả nhà. Sang Lào - thiếu thốn mọi thứ. Toàn tháo chăn ra làm chỉ. Ăn thì cứ đi nhấm lá rừng, thấy cái gì chua chua là nấu ăn được. Có lần nhấm phải những thứ chát săn cả lưỡi.

Vừng quân bưu
- Đi đường ngoài toàn bụi, đường giao liên đỡ hơn.
- Nhiều bữa tối, không muốn bò về nhà nữa. Thấy củ khoai ở giữa đường cũng nhặt ăn.
- Khát nước quá qua rừng phải ba lần uống nước. Mới xuống uống một lượt, giữa suối uống một lượt, sang bên kia uống lượt nữa. Rấp một cái khăn mặt tống vào mồm, thỉnh thoảng lại nhấm nhấm, chứ không dám nhá.
- Qua những hố bom cứ qua được độ 10, 15 mét, nghe nó nổ là không việc gì. Chứ nhiều khi đi đã xa, thì lại bị nó nổ vung lên, bắn hết cả các thứ vào người.
Tôi ở nhà đi kiếm cá giỏi lắm, bắt lươn thế này, cứ tống cái gậy là nó thò lên, có ngày bắt được 3, 4kg. Cứ đen thui đi, hòn than làm sao thì tôi làm vậy, đi bộ đội thế này trắng hơn đấy.
Hường:
- Bỏ học, nhất định xin đi. Bố đánh. Mẹ giấu sổ hộ tịch. Cứ làm đơn xin đi. Con nói thực, không cho con đi, mai con chết. Trước lúc đi, một trận đòn nên hồn. Bố đánh không khóc vẫn đòi đi. Lúc bố cho đi lại khóc tủi thân. Bố dặn đừng ăn bậy ăn bạ mà khổ. Gửi giấy khen về nhà thì mẹ lại lo. Thế này thì nó ốm mất. Biết thế thu lại, để gửi về sau.
Mẹ sơ tán. Chị đi Phú Thọ... Bố làm không đủ bảo con xin về. Đơn ở nhà gửi lên giữ đơn lại, rồi viết về nói là gửi rồi.

Ngọc C1 2053:
- C chúng tôi đã làm đường 2 tháng trước khi chuyển sang công binh. Làm con đường dài hơn chục cây mà phải tính toán từng tạ thuốc nổ. Làm ở giữa làm ra hai đầu, cây cao cứ để đấy, đến khi khánh thành đường mới cưa cây đổ.
- Lúc mới chuyển sang công binh hoảng lắm. Phượng min lại còn tư tưởng : bảo vào bộ đội mà cứ cuốc xẻng thì chống Mỹ cái gì. Phải thời gian sau mới thấy tự hào ở công binh.
- C2 từ xưa đến nay vẫn là con cưng của tiểu đoàn đấy. ông Liễn là người trực tiếp giúp đỡ. Trên cho ông ấy xuống, đến khi C1 vững thì mới quay về.
- Đánh thằng Mỹ cũng phải khôn lắm mới được. Chúng tôi theo dõi cứ 4 ngày nó thay quy luật một lần. Ngày thường có sổ ghi chép, giờ nào thì bom có thể xem cách nó lượn thế nào thì nó thả núi Giăng Màn, lượn thế nào thì nó thả ngầm, thả 050. Thế cho nên vẫn ra được.
- Bên C2 C3 nghe bom nổ, cứ ào ào chạy ra nên chết hàng loạt. Bên này ấy mà, bọn tôi làm chậm nhưng mà chắc. Một quả lựu đạn gỗ nhẹ, đóng 4 cái đinh vào, quẳng ra thật xa, kéo về có mìn vướng hay từ trường biết ngay. Xong rồi tiến, rất thận trọng. Suốt thời gian trước, chỉ chết một ông  trung đội trưởng với lại một thằng bị thương. Trung đội trưởng chết vì mìn vướng, dạo ấy mới có loại mìn này.
- Ở ngoài, anh em chúng nó gọi là chữ thọ dưới chân. Về đến chân hang, chữ thọ lên bụng. Đến cửa hang, chữ thọ lên đến cổ. Xuống chỗ nằm, thì chữ thọ đặt lên đầu.
- Hồi trước mới vào không biết, cứ kéo nhau ra cả một đại đội lấp cả hố bom. Bây giờ thế ác rồi, ba thằng giải quyết một hố bom gọn ngay. Trước công binh cứ tranh lấy, giờ an toàn mà làm, xong việc thì báo đường thông, không phải lo lắng gì cả. Sau Binh trạm ông ấy bắt chỉ được đánh trong 1 giờ.  Ban ngày lúc nào có hố bom thì giải quyết luôn, chứ cứ chờ tối mới làm cả thể thì có mà chết. Độ 7 giờ là đường thông rồi.
- Lúc mới lên cũng sợ rón ra rón rén. Chỉ rình xem có bom là chạy. Bom nó cho đi hàng lô hầm hố phỏng nhé. C1 lại ở xa, lái xe nó có chó gì vào cho C2, C3 thì chở, khó lòng mà nó chở vào cho C1. Chúng tôi phải đập thùng phi ra, làm hầm cho cẩn thận, rồi lại phải lấy gỗ nạp hết mặt hầm ở dưới, không bom nó ném đất xô. Bây giờ thì bình tĩnh lắm rồi.
- Hồi trước ngay ở bên trọng điểm có một cái hang rất lớn, ô tô vào được, vào một đằng ra một đằng, xe bị đánh kéo vào đây, hàng ta đánh bốc vào đấy. Nó đánh thế nào mà trúng vào hang, đạn ĐKB ông biết rồi chứ, nó phun ra ầm ầm, đất đá trong hang cứ bở ra như vôi, từ đó chịu không làm gì được nữa. Chúng tôi đã báo lên trên, nghi là có một thằng gián điệp, một tay cán bộ. Nhớ nó đến đây nó xem xét rất cẩn thận, hỏi tỉ mỉ nhé. Quả nhiên, hôm sau chúng tôi bị.
- Gạo, bột có, thịt hộp thì chúng tôi có thể đủ ăn hàng năm. Xe toàn rệ ngay trước cửa hang ấy. Bây giờ chả cần tiếp tế. Đường sữa cũng theo chế độ tự do, cứ sáng thì ăn cơm, trưa "ca nhạc", tối đi làm về cũng "ca nhạc"
 Mỗi thằng một cái xoong chia cơm một ống nghe. Toàn xoong quân y cả. Một chiếc xe quân y đổ ngay chỗ chúng tôi mà. Hồi mới cũng không biết thuốc thế nào. Bây giờ thì đâu vào đấy, thuốc gì bổ gì biết cả.
- Có đại đội nào như đại đội này không, 5 y tá với một y sĩ nhé. Như thế mà nhiều lúc cũng không đủ. Chúng tôi phải làm công việc mang người bị thương về, rửa ráy lau chùi báo về cho Binh Trạm. Cứ báo hoa hồng tức là người bị thương, hoa cúc là người chết. Ở đấy có một trạm barie, một tay thiếu úy phụ trách chung, một tay chuẩn uý trực tiếp lo việc. Thế nhưng bọn nó dốt lắm, chẳng làm hộ được việc gì cả. Hôm ấy có một xe đổ, chúng tôi mới về gọi thằng phụ trách barie. Nó bảo nó chỉ lái được xe gạt thôi.
- Hôm nay xe gì đấy.
- Xe gạt.
Cả bọn cùng ra. Vừa mở cửa ca bin, một thằng ngồi trong ngã đổ vào người thằng barie. Thì ra trước đó một quả bom phạt ngang cửa, gạt mất cả 3 bộ ngực. Thằng barie bỏ chạy ngay. Xe này chúng tôi không lái được. Chúng tôi lại phải ra khênh người vào. Khi khênh bị vấp, thằng chết nó đổ cả vào mình.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم