VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trở lại với các văn bản viết bằng chữ Hán chữ Pháp của trí thức Việt


Có một đoạn văn của Nguyễn Tuân viết từ thời tiền chiến như sau:
 “Sớm nay, tâm trạng tôi lúc nằm nhàn tưởng ở giường với  cuốn sách mở trên ngực là tâm trạng  một người đang vui sống, vui đến nỗi  cảm thấy cái vô dụng của mọi cuộc Cách mệnh  xã hội trên thế giới. Và tính cách vô bổ của mọi thứ Tôn giáo  lúc này lại càng rõ rệt quá. Tôi huýt sáo gió. Tôi hát Tây. Tôi ngâm thơ Tầu cổ".

Đây là đoạn cuối trong bài “Đẹp lòng”, in ở cuối tập “Tuỳ bút” , cuốn sách này in ở NXB Cộng Lực ở Hà Nội lần đầu năm 1941.  Cũng có thể tìm thấy nó trong Nguyễn Tuân toàn tập, Nguyễn Đăng Mạnh  biên soạn, tập II, nxb Văn học 2000, tr. 565

Một đoạn văn ngắn có những ý tưởng lớn lao và đầy khiêu khích như là “sự vô dụng của mọi cuộc cách mạng”, “sự vô bổ của mọi thứ tôn giáo” rất cần được bàn, nhưng xin để khi khác.

Tôi thích đoạn văn trên là bởi bị ám bởi mấy câu cuối “Tôi huýt sáo gió. Tôi hát Tây. Tôi ngâm thơ Tầu cổ". Cả đoạn đã nói rõ, một bước tiến quan trọng của người Việt đầu thế kỷ XX, đó là thói quen biểu lộ tình cảm bằng tác phẩm nghệ thuật của nước ngoài và trong văn chương thì qua ngoại ngữ. Thời trung đại dùng tiếng Hán. Trong thời hiện đại, việc sử dụng tiếng Pháp có hạn chế hơn, nhưng ở khâu chuẩn bị cho sáng tác cũng như trong sinh hoạt nói chung, tiếng Pháp cũng rất đắc dụng.

Từ sau 1945, chúng ta quen nghĩ là chỉ những tác phẩm nào được viết bằng tiếng Việt và xuất phát từ người Việt thì mới quan trọng và đáng được chúng ta nghiên cứu kỹ càng  rồi coi là truyền thống đáng tự hào. Việc đó trỏ thành quy phạm vì chúng ta phải lo chiến đấu cho độc lập, do đó phải sống cách biệt với thế giới. Rồi hoàn cảnh bất đắc dĩ trở thành tự nhiên. Ở Hà Nội mà chúng tôi sống, việc cách biệt với nước ngoài bao gồm cả cách biệt với những gì người Việt viết bằng ngoại ngữ.  Trong khi đó thì ở các nước khác là không phải thế. Cứ cái gì hay và đúng thì ai viết cũng được, viết bằng ngôn ngữ gì cũng được. Từ  xưa đã vậy sang thời hiện đại càng vậy, khi thế giới đã trở thành một khối thống nhất thì việc người dân tộc này thông cảm với người dân tộc khác là điều dễ hiểu.

Trong suốt trường kỳ lịch sử, có những người Việt nhất là các trí thức hàng đầu đã sử dụng văn tự nước ngoài một cách thành thạo, nhờ đó họ nghiên cứu về cuộc sống trong nước và biểu lộ tình cảm của mình trong đời sống hàng ngày. Không có lí do gì lại gạt bỏ những tác phẩm bằng tiếng nước ngoài đó, và xem chúng là thua kém, là không quan trọng so với những tác phẩm viết bằng bản ngữ.

Về mặt ghi nhận sự phát triển tư tưởng của cộng đồng, tôi cho là “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi có gì đó biểu lộ hết những vấn đề tư tưởng của thế kỷ XV tốt hơn so với “Quốc Âm Thi Tập” của cùng tác giả. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du theo tôi cũng biểu lộ hết con người tác giả thời đã trưởng thành tốt hơn, đầy đủ hơn so với Truyện Kiều. Và trong thời hiện đại, những tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh viết bằng tiếng Pháp trên báo Annam Nouveau (Nước Nam mới) thì quan trọng hơn hoặc là cũng có giá trị không kém, so với những bài ông viết trên Đông Dương tạp chí.  Phạm Quỳnh cũng vậy. Nam Phong của ông có phần viết bằng tiếng Pháp tuy có vẻ cùng nội dung viết bằng tiếng Việt. Ngày nay ta chỉ nghiên cứu phần tiếng quốc ngữ nhưng thật ra bản gốc bằng tiêng Pháp in kèm, theo tôi được biết qua các bản dịch, lại sâu sắc hơn và hiện đại hơn.

Sau 1945, trong nghiên cứu lịch sử Việt, các nhà nghiên cứu Hà Nội  chú ý phần đương đại nhiều hơn hẳn lịch sử cổ cận, từ đó đi tới những nhận thức nông nổi mà vụ lợi. Khi cần ta  thường cho dịch  các tác phẩm ưu tú của  các trí thức viết bằng ngoại ngữ ra tiếng Việt và lờ đi văn bản gốc. Theo tôi hiểu trên thế giới hiện nay không đâu chỉ cho công chúng tiếp xúc “chay” với văn chương và tư tưởng của các bậc tiền bối qua các bản dịch như vậy.

 MỘT DỰ BÁO CHÓI SÁNG CỦA NGUYỄN VĂN VĨNH
VỀ HƯỚNG VẬN ĐỘNG CỦA  XÃ HỘI VIỆT NAM

Khi nghĩ về tầm quan trọng của các văn bản viết bằng tiếng Pháp trong sự phát triển tư tưởng ở VN đầu thế kỷ XX tôi nhớ tói trường hợp sau có liên quan tới Nguyên Văn Vĩnh
 Bên cạnh tủ sách tinh hoa với nhiều cuốn sách mới mẻ, NXB Tri thức ở ta còn cho in một số cuốn có vẻ rất bình thường nhưng với tôi cũng rất quý như
“Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII “ của Nguyễn Thanh Nhã,
"Sang Tây – Mười tháng ở Pháp" của Phạm Vân Anh (Đào Trinh Nhất)....
Trong tay tôi đang có cuốn “Nguyễn Văn Vĩnh là ai ?” in bài của nhiều tác giả do Nguyễn Lân Bình tuyển chọn.
Tôi đặc biệt chú ý tới bài “Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh” của Nguyễn Văn Tố viết bằng tiếng Pháp năm 1936, kéo từ trang 139 tới trang 211.
Gíá có sức khỏe, tôi muốn lược thuật bài viết này, vì nội dung xúc tích của nó. 
Ở một tầm văn hóa tương đương, ông Tố đã đưa ra nhiều phát hiện về ông Vĩnh trên phương diện một trí thức, ở đây có nhiều nét mới so với hình ảnh ông Vĩnh  lâu nay chúng ta chỉ hiểu qua các tác phẩm bằng tiếng Việt .
Trước mắt là một dự báo của ông Vĩnh về sự phát triển của xã hội VN sau mấy chục năm chuyển mình theo hướng hiện đại hóa theo sự hướng dẫn của người Pháp.

Ở chú thích số 14 tr. 209 sách trên , ông Tố đã dẫn ông Vĩnh như sau

-- 
Để giúp đỡ - liệu có cần nói thêm nữa không đây? – vào công việc giáo dục các đồng bào trẻ tuổi chúng ta, Nguyễn Văn Vĩnh dạy chúng ta:
”Nếu hơn bao giờ hết giáo dục phải lôi cuốn công việc hội Tương tế Giáo dục chúng ta, thì lý do của điều đó là sự du nhập vào nước ta dần dần từng bước và rồi sẽ hiện diện khắp nơi một điều mới lạ về chính trị có tên gọi là “đầu phiếu phổ thông và bình đẳng”.
Ông giải thích thêm:
"Theo nội dung của thiết chế này, quần chúng đông đảo cùng làm chủ các việc công.
Thế nhưng quần chúng đông đảo cũng lại là bộ phận dốt nát nhất của mọi xã hội, và cũng có nghĩa là bộ phận nhiều đam mê hơn cả và dễ bị đánh lừa hơn cả bởi những nhà hoạt động quần chúng đôi khi thành thực song bản thân họ cũng dốt nát và cũng bị đánh lừa bới những kẻ lắm tham vọng, những kẻ ngụy biện và mỵ dân.
Như vật là rất có khả năng đẩy xã hội quay về với lộn xộn và hỗn loạn.
Cảnh man rợ lại hiện ra vì vẫn chờ đợi trong dạng tiềm năng.
Tất cả mọi người đều phải quan tâm ngăn chặn mối nguy đó, không chỉ các tầng lớp bên trên, mà ngay cả quần chúng đông đảo, tất cả những ai khát khao sống hạnh phúc, sống có nhân phẩm, sống trong tự do.
Ấy thế nhưng, không có trật tự thì làm sao có hạnh phúc, lấy đâu ra nhân phẩm khi không có sự tôn trọng chính mình và tôn trọng kẻ khác, lấy đâu ra tự do nếu không có giáo dưỡng trí tuệ và đạo lý.
Vậy nên, quần chúng đông đảo phải được đặt ngang tầm sứ mệnh của họ. Muốn cứu vãn xã hội thì phải làm như vậy”.

Hiển nhiên, đây là một chương trình giáo dục sáng láng và thực dụng mang màu sắc chủ nghĩa xã hội duy lý mà chắc là không một đầu óc ngay thẳng nào sẽ từ chối công việc chuẩn bị cho nó thành hiện thực.
--

Theo chỗ đọc được của tôi, ở tầm khái quát của nó về lịch sử VN từ đầu thế kỷ XX, chưa  bao giờ có được một tư tưởng tiên tri sáng chói như vậy.
Có 3 ý cần ghi nhận trong phát biểu  trên đây của Nguyễn Văn Vĩnh
 một là diễn biến lịch sử
hai  là vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử 
và ba là vai trò của giáo dục trong việc làm ra một nhân dân  có thể  đóng vai trò  tích cực nhất trong lịch sử'.

 Hãy trở lại đoạn văn trên bằng cách đi ngược từ kết quả tới nguyên nhân  sẽ thấy rất rõ

 1/Theo cách giải thích chính thức, có thể bảo là thực tế đã xảy ra khác với Nguyễn Văn Vĩnh dự đoán. 
Nhưng theo một cách nhìn lùi về xa hơn thì  ông Vĩnh đúng đến từng chữ. 
Trước hết là xã hội quay về với lộn xộn và hỗn loạn. 
Còn hai nguyên nhân của sự lộn xộn này (bộ phận manh động của xã hội đã thắng thế  và lý do họ bị những kẻ nhiều tham vọng lợi dụng) cần phải lý giải kỹ hơn nhưng căn bản là đúng.

2/Ở một bình diện  khái quát hơn, nếu diễn tiến lịch sử  này ngày nay còn có thể phải tranh cãi thì cái ý thứ hai về tầm quan trọng của quần chúng nhân dân trong lịch sử phải nói là tuyệt đối đúng và đặt vào hoàn cảnh nước Việt đầu thế kỷ 20 thì nó còn là một cái gì mới về về mới mẻ  mà cả các tầng lớp lớp trí thức  lẫn quan chức nhà nước đều không thể hiểu nổi

3/Sau hết là cái ý của Nguyễn Văn Vĩnh về vấn đề giáo dục
Chúng ta ngày nay ai thấm thía hơn bao giờ hết vai trò của giáo dục trong sự phát triển của đất nước nhưng ở thời điểm mà Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu không mấy ai đoán được những giai đoạn lịch sử của đất nước thời gian sắp tới sẽ diễn ra như thế nào và không thể có được những phát biểu  tôi cho là thiên tài như thế này về guồng máy lịch sử sự vận động của nó trong 100 năm qua .
 Thời điểm đầu thế kỷ 20 một người khi không tiếp xúc được với văn hóa Pháp mà chỉ đọc và viết tiếng Việt không thể nghĩ được như vậy được.

 Đề xuất cuối cùng của tôi:
 - nếu chúng ta muốn nghiên cứu lịch sử hiện đại  thì phải trở lại với thời gian  dân tộc gần như được hình  thành lại được nhào nặn lại dưới bàn tay nền văn hóa Pháp
lúc đó một thứ người Việt mới - hiện đại -  bắt đầu hình thành 
Ở họ  để chuẩn bị cho  cách sống và sự suy nghĩ bằng tiếng Việt thì phải bắt đầu  học hỏi cách sống  và sự suy nghĩ bằng tiếng Pháp.
 - muốn nghiên cứu lịch sử tư tưởng thì phải nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم