VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sự cần thiết của văn học


Xin giới thiệu lại một bài viết cũ tôi viết từ 1988, khi tôi đang ở Moskva và chỉ hướng về đời  sống trong nước qua những trang báo Văn nghệ . Bài được dẫn lại theo trang 
http://www.viet- studies.net/NhaVanDoiMoi/VuongTriNhan_SuCanThietVanHoc.htm
Xin cám ơn anh Trần Hữu Dũng!

          Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đôi lúc người ta hơi ngần ngại khi nói tới việc sáng tác. 
"No đắt bói, đói đắt quà", dân gian đã có câu như vậy. Việc cầm bút vào những lúc như lúc này là một cái gì trớ trêu, đâu có cần cho ai, đâu có được việc gì. 
Mà nói thế cũng rất xứng đáng để "phẩy tay, gạt phắt đi" nếu đó là thứ văn học hời hợt, công thức mà mỗi chúng ta không trừ một ai, bấy lâu không khỏi dính dấp ít nhiều. 
Nhưng ta tin văn chương không đáng để bị đối xử như vậy. Người ta vẫn cần nó, không phải thứ văn học dởm, chiều khách mà là thứ văn học muốn đối diện với người đọc, thứ văn học sau khi kể rằng chúng ta đang sống trong day dứt, bức bối, lại muốn thân tình bàn bạc với người ta xem nên sống thế nào thì phải, sống thế nào để khỏi xót xa, ân hận.
 Tôi nghĩ rằng các sáng tác gần đây trên báo chí, được viết do tiếng dội của đời sống hôm nay, phần lớn đang hướng theo cách viết đó, cả những truyện khá, lẫn những truyện bình thường, chất lượng dừng lại ở mức một truyện đăng báo, ít nhiều đều đã là những bằng chứng giúp chúng ta "nhận diện đời sống". 
Sự bức bách của thực tế
... Hình như chúng ta đang sống trong một xã hội không bình thường. Nhưng cái không bình thường ấy đã trở thành bình thường, và nó hàng ngày chạm vào bộ dây thần kinh của chúng ta, gây ra những nhức nhối cùng cực - Đó là ấn tượng còn lại trong tôi, sau khi đọc truyện ngắn Một giờ học bình thường của Phạm Hoàng Hải (báo Văn nghệ, số 40, 1987). 
Truyện nói tới một lớp học mà ở đó ngay chiếc ghế của thầy giáo cũng thiếu. Trước tình cảnh nực cười ấy, người thầy giáo chỉ còn cách chờ mọi người có trách nhiệm - trong trường hợp này là các em học sinh trong lớp - lên tiếng. 
Nhưng im bặt, không em nào lên tiếng cả. 
Chẳng những thế, do đã quá quen với hoàn cảnh đó, nên các em thây kệ, tìm cách lẩn tránh trách nhiệm rồi nói dối thầy cho xong chuyện. Sau khi đã khổ vì hoàn cảnh thiếu thốn, nhân vật chính lại cảm thấy khổ sở vì lối ngoảnh mặt làm ngơ này của đám học trò, và đã phản ứng lại một cách quyết liệt là bỏ ra khỏi lớp trước khi hết giờ.
 Nhưng chỉ cần bước mấy bước ra ngoài hành lang, anh kịp nhận ra ngay rằng cái quyết liệt của mình là vô nghĩa, và rút cục cũng vô hiệu, mà đám trẻ kia nào có tội tình gì? 
Trong một hành động có vẻ như đầu hàng, anh quay lại lớp. Chúng ta dự đoán tiềm ẩn trong lòng anh là một nhận thức sâu xa hơn: cái hoàn cảnh không bình thường kia không dễ một sớm một chiều thay đổi!
Thời gian gần đây, có một loại truyện ngắn được bạn đọc lưu ý bàn tán, đó là loại truyện gần với phóng sự, tận dụng khả năng phơi bày chi tiết thực kiểu báo chí, kể lại những "kỳ tích" lạ lùng của chính thực tế đời sống mà nếu không kể, không ai tưởng tượng nổi (kiểu như Công trình thế kỷ của Trần Minh Tiên, Chuyện như đùa của Mai Ngữ). 
Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, truyện ngắn nói trên của Phạm Hoàng Hải khai thác hiện thực ở cái khía cạnh bình thường, dễ bỏ qua, bởi vậy hiệu quả của nó là ở chỗ khác.
 Nó làm cho người ta liên tưởng đến nhiều trường hợp nhỏ nhoi tương tự mà mình đã trải qua, và nghĩ thêm về hoàn cảnh quanh mình, cái thực tế đang gọi là bình thường hàng ngày quanh mình.
 Một cách khai thác như thế, nếu vào tay những ngòi bút sắc sảo, có thể đạt tới những khái quát sâu sắc.
Cũng thuộc về dạng truyện đi vào diễn tả cái bức bối của đời sống gần đây, tôi thấy đáng lưu ý đến hai trường hợp nữa, một là Rét lộc của Hoàng Thái Sinh (Văn nghệ, số 47 & 48, 1987) và một nữa là Bên ấy trước có người ở của Trần Quốc Huấn (Văn nghệ quân đội, 10 -1987). 
Cái quẫn bách của con người trong Rét lộc không phải là ở những giây phút kịch tính đột xuất, mà ở ngay tình thế trong đó nhân vật và gia đình anh ta bị dồn nén. 
Nói một cách đơn giản thì đây là một ví dụ về tình cảnh bi đát đến với một người tốt, căn bệnh khá phổ biến hiện nay. 
Ở bước đường cùng ấy người thầy giáo nọ đã định tự tử! 
Nhưng rồi chính đời sống đã kéo anh lại, cái đời sống không đâu mà vẫn quyến rũ ghê gớm.
 Hóa ra, như chúng ta vẫn nói với nhau hàng ngày, sống đã không dễ, mà chết cũng không dễ dàng gì! 
Trong thế bùng nhùng của một cuộc sống tưởng như ranh giới ngay cạnh cái chết này, con người vẫn hiện ra với chỗ mạnh chỗ yếu ngàn đời của nó.
Trong Bên ấy trước có người  của Trần Quốc Tuấn không có người định tự tử, không có đấu trí cãi lộn, công kích, sát phạt nhau. 
Ở đây người viết chỉ tìm cách khắc họa cái phía thường nhật của đời sống, toàn chuyện hàng ngày. 
Vậy mà đọc lên cứ thấy rờn rợn: ở đây, ngay giữa thành thị mà cuộc sống các nhân vật cứ buồn nẫu ra, cực kỳ tẻ nhạt. 
Ngày tháng ở họ trôi đi đều đều, làm việc đã uể oải, ăn uống đã qua loa cho xong, đến chơi đùa cũng đơn điệu vớ vẩn. Mà có phải một, hai người đâu, cả đám cán bộ ở cái hộ tập thể ấy đều như thế, cả đám không ra trẻ, không ra già, giống nhau một cách lạ lùng, "giống từ cách ngậm que tăm lệch về một bên" đến "nụ cười gượng gạo"!
 Khi ở dạng này, khi ở hình thức khác, sự vật lộn dai dẳng với đời sống đã bao trùm tất cả. 
Nhưng ít ra, trước đây ở nhiều người còn có ước mơ. 
Nay thì những giấc mơ cũng phải... hà tiện. 
Chẳng hạn, mặc dù sống xa gia đình, song với đám nhân viên kia, việc đoàn tụ với gia đình là quá xa vời, không dám nghĩ tới, vì luôn luôn tin chắc lúc nó tới cũng là lúc đời mình đã tàn tạ.
 Một dấu hiệu nữa của sự vô vọng là thái độ của họ với mọi thay đổi diễn ra chung quanh. 
Nguyên là cạnh khu hộ tập thể này có một căn nhà ở đấy có người dọn đi và có người dọn đến. Vốn quen cách sống thu mình như những con gián, đám nhân viên này rất ngại giáp mặt người mới đến kia, sợ người đó dòm ngó vào chỗ ở của mình. 
Thành thử, họ đâm luyến tiếc người láng giềng cũ, một ông giáo, dù với ông giáo ấy họ chẳng có quan hệ gì. 
"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh", tâm trạng căn bản của đám nhân vật trong truyện chốt lại ở điểm này: là tù đọng thế, song cái thực tế từ hôm nay về trước còn chấp nhận được. Lại còn nguy cơ ngày mai không bằng ngày hôm nay nữa, và đấy mới là điều ghê sợ. Âu cũng là một cách để diễn tả cái quyết liệt của đời sống mà nhiều người chúng ta hiện cùng phải sống.

Lấy quá khứ, tương lai để soi tỏ hiện tại
Tưởng như nói chuyện không đâu, nhưng việc nhìn rộng ra hai chiều cạnh kia của thời gian lại là một cách để văn học nhận thức thực thế cho đầy đủ. Trong sự rụt rè của mình, các sáng tác văn học gần đây cũng đang trở lại với phương thức nhìn nhận đời sống quen thuộc đó.
Cốt truyện Không có nhân chứng của Nguyễn Đông Thức (Văn nghệ, số 49 & 50, 1987),  là một vụ án, ở đó, một cán bộ hư hỏng bị truy tố. Nhưng người viết muốn bạn đọc chú ý tới câu chuyện ở một hướng khác.
 Qua giấc mơ của một phóng viên, chúng ta biết việc gã cán bộ hư hỏng kia đẩy một cô gái vào vòng tội lỗi, nay đã quá đà tới mức chính cô ta không dám ra tòa tố cáo. 
Xét trên bình diện luật pháp thì đó hình như chỉ là một tội nhỏ. Nhưng chỉ cần có chút tinh thần nhân bản là người ta có thể hiểu rằng đó là một tội ác ghê gớm. 
Qua câu chuyện về "sự biến mất" của một cô gái lương thiện, thiên truyện như muốn nói: có những thất thiệt ngày hôm nay đã thấy rõ, nhưng còn những mất mát mà chỉ ngày mai mới tính được, và khi hiểu ra, chúng ta sẽ đau đớn vô kể.
Nhưng chỗ thuận nhất của văn học là nghĩ lại quá khứ, đào xới quá khứ, để cắt nghĩa hiện tại và gợi ý cho mọi suy nghĩ về hiện tại.
 Trong Câu nói dối đầu tiên của Hiền Phương (Văn nghệ, số 32, 1987) nhân câu chuyện một tình yêu, người viết tìm cách phác ra cả một lối sống trong một giai đoạn lịch sử. 
Ở đó, người ta mưu đồ, tiến thân, phản trắc, cơ hội đủ kiểu. 
Có điều, tội ác đó - nếu có thể nói như vậy - lại được làm một cách rất thành tâm, người trong cuộc ở đây là một người đàn ông có học hành, có lý lẽ, và có cả... tâm hồn nữa, anh làm mọi việc với tất cả niềm tin và sự say mê của mình. 
Ai đã sống ở miền Bắc những năm 1975 về trước hẳn không lạ với thứ "tâm thế" ấy và đều hiểu rằng việc khơi lại một khía cạnh trong sinh hoạt tinh thần thời ấy như Hiền Phương là mở một cách để bình luận về hiện tại.
 "Chúng ta sẽ phải lặng lẽ mà gánh chịu chính chúng ta thôi", trong cái kết luận làm cho người đọc nửa vui nửa buồn của mình, thiên truyện khiến người ta se lòng khi nghĩ tới những phức tạp của đời sống.
... Trở lên là một số truyện ngắn mà, xin nhắc lại, trong sự tiếp xúc còn hạn hẹp của mình, tôi thấy gợi ra nhiều dư vang hơn cả. Hầu hết, đó là sáng tác của các cây bút mới viết. Không rõ trong những truyện đó, phần cuộc đời riêng của người viết được đưa vào đến đâu, nhưng ít nhiều, người đọc cứ cảm thấy có và đó là một lý do làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
Nhưng cũng đã có trường hợp trong đó chính một nhà văn nổi tiếng cũng trở lại với quá khứ của mình, cụ thể hơn, chuyện sáng tác cũ của mình, đó là trường hợp Cái thời lãng mạn của Nguyễn Khải. 
Cách đây cả chục năm, Nguyễn Khải từng nói tới cái bất lực của một người tốt. 
Trong nhiều cuốn của anh, người ta lại gặp một nhân vật tử vì đạo, đi tìm nguyên nhân sự sụp đổ của "đạo" và càng tìm sâu vào sự thực, càng thấy thất vọng đến mức phải lấy cái chết ra để trả giá cho sự cuồng tín của mình.
 Nhưng ít nhiều, trong những trường hợp ấy, Nguyễn Khải còn dừng lại ở công việc một người phân tích lạnh lùng. 
Nay thì ở Cái thời lãng mạn, tác giả đứng ra kể chuyện mình, lấy mình ngày xưa với mình ngày nay mà so sánh, đối chiếu.
 Và tác giả thấy gì? 
Thấy lớp người cũ già đi mà vẫn không hết tham lam nanh nọc;
 thấy lớp trẻ giàu hơn, sắc sảo hơn, nhưng khinh bạc, thực dụng; 
thấy người anh hùng ngày hôm qua nay trở lại cuộc sống trần thế và cũng lầm lũi như mọi người, 
còn cái con người hôm qua dè dặt giữ mình, không tin quá đáng vào cái gì, con người ấy lại có vẻ có lý hơn cả.
Trên đường tìm tới những niềm hy vọng
Với cả Cái thời lãng mạn của một nhà văn chuyên nghiệp lẫn Bên ấy trước có người ở của một cây bút trẻ, người ta dễ nhận ra một cái gì giống nhau: đó là thái độ nhìn thẳng vào thực tại, tỉnh táo nhận ra mình, dù có xót xa đau lòng thế nào thì cũng phải chịu.
 Đối với những ai đã quen với các sáng tác có hậu, lối kết luận này có vẻ là tuyệt vọng, phi nhân bản, không được phép có ở một người cầm bút. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ lại một chút: một tác phẩm không phải là một nền văn học, kể cả một tác giả cũng vậy. Đã có bao nhiêu sáng tác lạc quan khác hàng ngày đến với bạn đọc! Nếu tính cả sáng tác mấy chục năm nay, thì số sáng tác kiểu đó càng nhiều. 
Hình như hôm qua, chúng ta đã đi đến một sự cực đoan nào đó, nên chi trên đường tìm tới một sự cân bằng mới, sự cực đoan hôm nay ở một vài ngòi bút nào đó cũng là lẽ thường tình. 
Lại nữa, cũng nên sòng phẳng với nhau: một niềm thất vọng thực có khi lại có giá trị thúc đẩy hành động hơn là một niềm hy vọng giả.
 Đã đủ lắm rồi, thứ văn học nước đường, văn học coi người đọc như trẻ con, văn học quá cường điệu tầm quan trọng của mình tới mức không dám ho he mở miệng nói thực chuyện gì, chỉ sợ người ta nghe mình rồi làm sai cả mọi việc!
 Đã đến lúc phải có một nền văn học hiện thực nhân bản, biết tin cậy ở bạn đọc, thân tình trò chuyện với họ, cùng tìm đường với họ. 
Một nhà văn lớn nước ngoài từng viết đại ý: Phải dẹp bằng hết những hy vọng tầm thường thì người ta mới có được niềm hy vọng thực thụ. 
Chính niềm hy vọng lớn ấy mới là điều cần thiết phải có trong văn học, thậm chí nó cũng là điều biện minh cho sự cần thiết của văn học.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 28 (9-7-1988)

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم