VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1994

                                                                                       
24/1
 Tết Giáp Tuất, báo chí tẻ nhạt, nhất là mấy tờ Nhân Dân, Văn Nghệ… không có gì để đọc. Từ điển văn hoá in ra giống như một thứ hàng mậu dịch.
17/2
 Họp ở Hội Nhà văn. Tôi nói thẳng các anh không chơi con bài phê bình, các anh không có quyền đưa ra những nhận định hão hiển về nó. Ai đó bảo cố gắng để kỳ họp đại hội này được dân chủ, tất cả được phát biểu. Tôi bảo vấn đề không phải ở chỗ ấy. Vấn đề là làm sao, cái tốt thắng cái xấu, cái đó mới khó.

1/4
 Sắp Hội nghị những người viết trẻ lần thứ IV
Tự nhiên, tôi cũng thấy nổi hứng lên định viết vài ba bài, sau này cho vào tập Văn chương hôm nay: chuyện làng chuyện xóm.
Trong khi đó thì có vài chuyện vặt:
- Lâu nay, Nguyễn Dậu có cuốn tiểu thuyết, hình như là Pháp trường trắng hay gì gì đó, không in được, phải đổi là Thượng đế ngủ gật, NXB Lao động mới nhận in. Nhưng nhân vụ Nổi loạn, bọn nó sục xuống nhà in, cho thôi.
Cuối 1993, Nguyễn Dậu kiện đi khắp nơi, nghe nói cả Liên hiệp quốc.
Đùng một cái báo Văn Nghệ hình như là số 12 hay 13 gì đó, in một truyện ngắn, mang tên Trương Chi. Ý của Nguyễn Dậu:
- Trương Chi vốn đẹp.
- Chỉ vì bọn nịnh thần ghen ghét nên người ta bị lừa, tưởng Trương Chi xấu. Bọn nịnh thần này có tên Tổng Tư, Tăng Khích, Tám Nu.
Thỉnh đọc thấy hay, cho in. Có ngờ đâu truyện đầy tính chất ám chỉ.Tăng Kính là tên thật của Trần Hoàn.Tám Nu đọc ngược lại là Tú Nam.Tổng Tư là chỉ Nguyễn Văn Tư. Lối nói chả hay ho gì. Nhưng nó là cách làm phổ biến của những kẻ yếu.

22/4
Hội nghị những người viết trẻ. Xác định chỉ mời những người dưới 40 và mới nổi tiếng trong khoảng 5 năm gần đây.
Không có cả Bảo Ninh lẫn Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp. Báo Văn nghệ ra một số đặc biệt về hội nghị . Phần phỏng vấn toàn nói đến tuổi trẻ của những người già: Tố Hữu, Tô Hoài, Bùi Hiển….
Lại nhớ những lần hội nghị lần trước, lớp già không làm gì, chỉ nói gần hết trong những buổi sinh hoạt của bọn trẻ. Bao nhiêu người sẽ dự hội nghị - Nghe nói cuối cùng, con số lên tới 150. Cô Cầm, giáo viên tiếng Anh ở trường Nguyễn Du, bảo rằng nhà văn trẻ gì mà nhiều thế. Cứ vài mét lại gặp một nhà văn trẻ.
Chỉ có một yêu cầu: là không được thảo luận tràng giang đại hải. Ngay từ hôm đầu, một người như Dương Phương Vinh đã cảm thấy khó chịu với một chỉ thị như thế rồi. Quả nhiên về sau, lo lắng như vậy là đúng.
Ngày đầu, toàn thấy các vị tai to mặt lớn nói át tất cả. Ngày hôm sau, lớp trẻ chỉ được đọc những bài tham luận đã viết sẵn. Có cả những bài ca ngợi Đảng chống diễn biến hoà bình. Ông Tế Hanh bảo: cái cô viết bài này ở đâu đấy. Bà Lê Minh tiết lộ: Chính nó là con bé viết rất bậy bạ, nên nó mới làm thế để nguỵ trang.
Một cuộc hội nghị là gì? Là dịp để những người tổ chức đứng ra ăn nói. Bù lại, họ phải nuôi mọi người, phải biết đi xin tiền.
Nguyễn Phan Hách kể: Không có Thỉnh, tất nhiên chỉ họp có hai  ngày rồi ai về nhà nấy. Có Thỉnh, nên mới vẽ ra được một  ngày thăm đất tổ Hùng Vương, thăm sân bay Nội Bài. Đến đâu, Thỉnh trổ tài xin tiền ở đấy.
Vẫn chuyện nội dung họp. Những nhân vật có thể va chạm nhất, nằm yên không nói gì. Phạm Xuân Nguyên nói cũng nhũn như chi chi. Vàng Anh đến báo Nhân Dân, nói cám ơn báo vì đã có công đóng góp với việc bồi dưỡng lực lượng trẻ. Và mong báo sẽ có thêm đóng góp. Nhưng rồi Vàng Anh nói thêm (giữa hội nghị hay với chung quanh?) anh Thỉnh bảo em nói thế.
Võ của Thỉnh là đi đâu cũng lạy, tán tỉnh mọi người. Trong một bữa cơm, Thỉnh đi đủ các mâm, đến đâu cũng nói đói quá, chưa được một miếng nào vào mồm, rồi ăn một miếng, rồi lại phải đi mâm khác. Ăn cũng là một động tác chính trị.
Nguyễn Quang Lập bảo: Kỳ đại hội này, ai bầu ai thì bầu nhất định là mình phải bầu Thỉnh. Tôi thử hỏi các ông các bà, có ai sợ mình như nó không nào.
Tham vọng quyền lực của Thỉnh đã lên đến mức một thứ ám ảnh. Nó là hy vọng, là lý do tồn tại của một cuộc đời, là chỗ bấu víu, nếu không gục ngã. Cả cơ quan bây giờ gọi Thỉnh là thằng điên. Không ai đoán được người điên làm gì. Người điên đó - cũng như mọi người điên khác luôn luôn bị những ám ảnh chi phối. Cái điên của Thỉnh có một chỗ thăng hoa là… trong việc lễ bái.
Người ta rỉ tai nhau - không biết chính xác đến đâu – rằng tháng nào Thỉnh cũng đi chùa hai lần, mùng một và rằm. Những dịp quan trọng như sắp đại hội nhà văn, Thỉnh còn đi đội bát hương.
Một người viết sớ cho Thỉnh hình như là hoạ sĩ Phạm Minh Hải, kể với mọi người. Lần ấy, trong lúc viết sớ, sau khi viết tên họ Thỉnh xong, mới hỏi:
- Thế thân chủ cầu xin những gì ? Thứ nhất thăng quan lên chức, thứ hai gia đình yên ấm, vợ con khoẻ mạnh.
- Thôi, cần một cái thứ nhất thôi.

Về Tố Hữu
Thời gian này, người ta hay đồn là Tố Hữu ốm và ông có mặt ở một số hội nghị, nhưng người ta không nêu tên.
Đùng một cái, chuẩn bị kỷ niệm 7/5/54 Điện Biên. Trần Đăng Khoa (Văn nghệ quân đội) đưa ra một bài nói chuyện với Tố Hữu, trong đó Tố Hữu thú nhận ông ta có làm văn nghệ bao giờ đâu, toàn làm tuyên truyền đấy chứ. Và viết về Điện Biên cũng như nhiều bài khác, là viết theo mệnh lệnh. Vốn liếng để viết chả có gì cả. Cứ nghe hóng mấy anh lính đi Điện Biên về nói gì là ngồi viết nấy.
Thật là thê thảm cho giới văn nghệ. Nhưng có mấy chi tiết liên quan đến con người Tố Hữu.
- một là ông ta nói rằng chưa được một cái huân chương nào, mà mình (Tố Hữu) thì thích huân chương.
- hai là đến cái câu Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Khoa hỏi, sao lại xoá câu đó đi.Tố Hữu làm bộ ngơ ngác:
- Thế à? Mình có biết gì đâu! Xoá thật à.
Về câu trả lời thứ hai thì đúng là made in Tố Hữu 100% rồi.
Nhưng cái câu thứ nhất lại bị ông coi là bịa không phải của mình. Ông tức lắm. Hôm Trần Đăng Khoa đến ông vặn: sao cậu lại viết thế. Trần Đăng Khoa phải bật lại cái băng, ông mới im.
Vào những ngày ấy, Tô Hoài vào thăm Tố Hữu ở bệnh viện. Tố Hữu bị cái bệnh gì đó, không ăn được, không ngủ được, cứ sốt thôi, tưởng chết cơ mà.
Tố Hữu phủ đầu:
--Thằng ngoại ô khôn lỏi này, mừng tao sắp chết hay sao mà mang cam với đường đến.
Tô Hoài bảo:
- Anh toàn nghi oan cho tôi. Đường này là đường Việt Nam, cam này cũng cam Sài Gòn, không phải cam Trung quốc. Và tự tôi bỏ tiền ra mua, chứ không phải tiền cơ quan, sao lại bảo là xin xỏ anh được.
Mọi chuyện cho qua.
Trở lại chuyện Trần Đăng Khoa, hôm ấy Tố Hữu còn thắc mắc người tinh ma như Tô Hoài sao lại không biết là nó xỏ Tố Hữu chỗ nào. Nhưng rồi Tố Hữu vẫn nói thêm.
- Cái này, chắc là thằng nào nó xui, chứ Trần Đăng Khoa không nghĩ ra.
Tô Hoài cắt nghĩa Khoa là con người mà Tố Hữu cần tranh thủ! Tố Hữu bảo rằng cái thằng Trần Đăng Khoa ấy là được ông bồi dưỡng đấy, bồi dưỡng trước, sau Xuân Diệu mới làm thêm.
Nói tiếp chuyện bọn trẻ, Tố Hữu kể hôm nọ gặp con Vàng Anh nó thực sự coi mình như bố, mình coi như con.
- Cháu viết thì được. Nhưng buồn quá.
- Đời nó nhiều chuyện buồn như thế, lỗi tại cháu đâu.
Về bệnh tật, mấy hôm trước Tô Hoài nghe Tố Hữu nặng lắm nhưng bây giờ theo chính ông kể  thì bệnh cũng đã đỡ. Người ta nghi một là ung thư, hai là do hôm trước, ông dùng nhiều hydrocortion quá nên nó quật lại.
Tố Hữu ngỏ ý muốn về nhà.
Tô Hoài nói với mọi người: Vậy là gay chăng? Ngay sự minh mẫn của Tố Hữu trong đợt này, cũng là dấu hiệu gay chăng?
Nhưng mấy hôm sau, Tố Hữu ra viện, khi mấy người làm đề tài văn hóa chúng tôi theo Tô Hoài đi Sơn Tây, thì nghe tin Tố Hữu được Huân chương Sao Vàng, tiếp đó, ông đi Pháp chữa bệnh. Và ông vẫn là ông, trong cung cách sống và nghĩ của mình.
Vào thời điểm hội nghị nhà văn trẻ, Bảo Định Giang đâu có ra dự, nhưng đó là nhân thể dự. Hai vợ chồng Bảo Định Giang được Tố Hữu mời cơm tận nhà.
Tố Hữu kể hồi ông ở viện, không biết ai nói, nhiều người đến thăm. Cũng thấy rất nhiều quân cũ của ông, hồi ông còn là Trưởng ban tuyên huấn Trung ương. Và tỉnh uỷ Trị Thiên thì cử người thay nhau túc trực bên giường bệnh của ông.
Khoảng tháng 6/94 có tin  Tố Hữu sang Pháp chữa bệnh.
Nhưng rồi đến dịp  kỷ niệm 40 năm ngày mất của Hải Triều, 12-8-94 lại đã thấy Tố Hữu xuất hiện.
Ông nói rất dài, đâu đến hơn một tiếng. Thỉnh thoảng, trước một vấn đề mới, không quên bảo: cái này rất dài, ở đây tôi chỉ nói ngắn thôi.
Nhưng rồi ông lại dài dòng như cũ, đến mức bộ trưởng Trần Hoàn phải lên ghé tai ông nói nhỏ là nên kết thúc thôi, ông mới chịu nhường diễn đàn cho người khác.
Sau buổi hội thảo, Lại Nguyên Ân kể với tôi một chi tiết, khi nấn ná lại ở địa điểm họp - Đó là mọi người quây đến bên tác giả Từ ấy. Lâu lắm, có ai nghĩ đến chuyện được gần anh đâu, mặc dù thơ anh thì vẫn là trong tâm mọi người - chắc là không ít người đã nghĩ vậy khi làm công việc quây quần kia. Và thày phù thuỷ  Tố Hữu – nên biết là đến ông tướng Phi đen, cũng đã được các nhà báo phương Tây gọi là phù thuỷ - lại giở trò của mình:
- Lúc nãy các anh có nói rằng mình gắn bó với đời sống văn nghệ. Gắn bó gì đâu, mình là người ngoại đạo, được các anh Thường vụ phân công thì mình làm. Lúc ấy, mời anh Nguyễn Tuân đến gặp mà anh nhận lời cho, đã là sung sướng lắm rồi.

11/9
 Cuối tháng 8, nghe nhiều người nói là các đài nước ngoài nói  rằng Dương Thu Hương đã sang Pháp. Sáng 23/8 ông Tô Hoài nói với tôi rằng chiều thứ tư 22/8 Hương đã trả lời BBC, rất mềm mại. Trong đó, đài Pháp  đưa tin Hương đến Paris trước các tin thời sự khác.
Ông Lê Đạt nói với tôi, có thời gian Hương nó buồn lắm,  còn định tự tử nữa thôi cơ mà. Nhưng cam đoan, đó là người trong sáng, không vướng danh lợi, không sợ gì cả. Bọn Công an cũng phải nhận ít thấy ai bất khuất thế.
Nhàn:
-- Thế còn những người liên quan như Phương Quỳnh, Tú, ông Hiểu?
Lê Đạt:
--Ở  tù ra Hương vẫn  nói có đến 10 thằng nhà văn làm chó săn trong đó có 3 thằng phê bình.
-- Chuyện cô Tú?
-- Căn bản là vấn đề tiền. Hương rất rộng với đàn bà, lại ngặt với đàn ông.
-- Chuyện ông Hiểu? Tôi nghe ai đó nói là Hương gửi ông Hiểu bản thảo. Công an đến nhà lấy ông Hiểu không đưa. Công an chìa tờ giấy của Hương ra, Hiểu phải đưa.
-- Không, giữa Hương và Đỗ Đức Hiểu không có chuyện ấy.
Bây giờ họ gặp nhau vẫn vui vẻ .
(Về chuyện này Đỗ Lai Thuý kể Hiểu đã cãi nhau chút chút với Hương, từ trước khi Hương bị bắt. Hiểu muốn khuyên Hương trở lại văn chương thuần tuý, Hương không nghe. “Tại sao anh giữ bản thảo?”  Công an hỏi. “Vì tôi là nguời nghiên cứu, tôi đã giữ nhiều bản thảo người khác.”Ông Hiểu trả  lời rất đàng hoàng.)
Ông Lê Đạt muốn Hương viết thêm cái gì đó nữa. Huơng hứa, sẽ cố viết một cuốn tiểu thuyết.
Việc Hương như thế, cũng tạm khép lại.
Những ngày này, Nguyễn Phan Hách ở chỗ bọn tôi thường bảo: Cứ viết đi thế giới nó công nhận, thì sẽ sống đời. Tôi nghĩ Dương Thu Hương cũng đi hết một cái gì đó và cũng đã "sống đời". Không một nhà văn Việt Nam nào nổi tiếng như vậy.

17/9
Những khía cạnh của đời sống văn học
- Trần Mạnh Hảo “làm loạn” với hàng loạt bài phê bình theo hướng bảo thủ. Hiện ra qua các bài viết là một Trần Mạnh Hảo lõm bõm về kiến thức, cuồng tín về chính trị. Nghe nói Hảo phải làm vậy để xin cho vợ, quốc tịch Pháp được ở lại thêm một thời gian. Người mối lái cho Hảo với  Công an là Anh Đức. Dẫu sao, không khí văn học cũng sôi sục lên được một thời gian. Trang phê bình báo Văn nghệ được người ta tìm đọc.

Giải thưởng Hội Nhà văn.
Trước đó ít lâu đã có ý kiến của Nguyên Ngọc nên công khai các phiếu bầu của người trao giải (Ban Chấp Hành)
Theo ông Ngọc nói trong điện thoại, ông còn muốn cải tạo lại việc chấm thi. Hoặc BCH lập ra Ban chung khảo. Hoặc Ban chung khảo gồm các uỷ viên thường trực và chủ tịch các Hội đồng. Nhưng cuối cùng cách làm vẫn như cũ.
Đáng tiếc là giải năm nay bỏ cả Nguyễn Khải (Một thời gió bụi) không cho giải. Chỉ có Di cảo của Chế Lan Viên. Bỏ lần thứ hai mới thêm được 1 phiếu, thành 6/5

28/9
Ngày thứ sáu 23/9, Hội nhà văn làm lễ kỷ niệm Nguyễn Đình Thi 70 tuổi , ông Kiên đi dự về kể: Buổi họp rất vui. Các ông già kể nhiều kỷ niệm với ông Thi. Một ông như ông Nông Quốc Chấn, cũng rất hóm, toàn kể chuyện con gái Tày mê ông Thi như thế nào. Tô Hoài, không đến dự, nhưng cũng gửi đến bó hoa và tặng vật, một cái gì đó.  Sau này ông Tô Hoài bảo tôi không đến, chỉ vì không muốn gặp ông Sanh.
Có chuyện này làm Kiên thích thú nhất. Sau khi anh em chúc tụng đến luợt Nguyễn Đình Thi phát biểu. Ông nói về Đảng, nhân dân, đất nước như xưa nay vẫn nói nhưng ông nhấn thêm rằng sống với  nhau từng ấy năm, có gì không phải, xin mọi người tha thứ. Ông đọc một bài thơ, đại ý tôi cũng có lúc không phải là tôi, tôi bôi xanh bôi đỏ lên mặt. Và ông giải thích: những cái không phải ấy, làm khổ mọi nguời ấy, phần thì do ngu, phần thì do ác. Tôi đã ác, đã ngu, mà ngu thì nhiều hơn.
Chao ôi, đến lúc này thì mọi người phục quá rồi còn gì!
Nhưng về sau Lê Đạt kể tối hôm ấy, trong đêm thơ nhạc Nguyễn Đình Thi, có cả những Phạm Thế Duyệt dự, Thi lại cao hứng tự hào. Tôi hoàn toàn trong sạch. Trong tôi không có gì là bụi bậm (xem tường thuật ở báo Văn nghệ số 1/10).
Lê Đạt còn kể lại rằng ai đó bên Hội Nhà văn  cho biết Hội bàn nhau kỷ niệm 70 tuổi Nguyễn Đình Thi thì ông đang ở Sài Gòn. Điện cho Nguyễn Đình Thi ra. Nguyễn Đình Thi trả lời, nhưng chỉ kèm theo một điều kiện đêm thơ nhạc Nguyễn Đình Thi phải do Duật  dẫn chương trình.
May quá, việc ấy không có gì khó, đêm 23/9 Duật dẫn chương trình thật.
8/10
 Những mẩu chuyện của Lê Đạt
Tại sao với giới văn nghệ mình rất thoải mái. Có gì đâu? Tại mình hay mày tao với Nguyễn Đình Thi. Mà Thi nó lại mày tao với Tưởng, với Tô Hoài. Nên mình cũng mày tao suốt.
(Trong kháng chiến, Lê Đạt là thư ký của ông Thận tức ông Trường Chinh .Là nguời lo theo dõi cho ông ấy về văn nghệ. Cỡ Trần Việt  Phương  còn là đàn em).
* Tố Hữu lên được, là nhờ ông cụ, ông cụ, cũng như ông Truờng Chinh đều yêu người làm thơ.
- Mình (Lê Đạt) sở dĩ văn nghệ cũng là vì ông Tố Hữu. Được vào trung ương rồi, ông ấy bảo: mình chắc là không được chuyên công tác này nữa. Mình đã gọi Hoàng Trung Thông ra. Cậu với Thông chắn cửa này hộ mình.
Sau này, ông ấy mới biết là ông ấy nhầm.
* Hồi kháng chiến, Thi bị đày ải lắm. Có lần Tố Hữu cử Thi đi bộ đội. Yêu cầu xuống  làm chính trị viên đại đội. Chính Nguyễn Chí Thanh lại là người tốt. Nguyễn Chí Thanh bảo xuống đại đội sao được, dễ chết lắm. Mới bố trí cho Thi về chính trị viên phó tiểu đoàn, phụ trách thương binh.
* Có lẽ Tố Hữu ghét Nguyễn Đình Thi một phần vì có lần đâu Nguyễn Đình Thi bảo:
- Thôi, để phần văn nghệ trong nước Lành lo, còn mình lo phần quan hệ với văn học nước ngoài.
Thế là coi Lành không ra gì rồi còn gì.
- Nhưng Lành có nhiều cái đối với Thi cũng tệ. Lúc Nguyễn Đình Thi yêu Vi Oanh, lại dẫn vợ đến đánh ghen. Vi Oanh nộp cho Tố Hữu cái giấy có mấy chữ của Thi: Anh còn phải lên nghe ông cố đạo Tố Hữu giảng bài.
Như người ta thì xé bỏ đi, Tố Hữu lại lặng lẽ gửi lại thư ấy cho Tô Hoài, lúc ấy Tô Hoài là bí thư đảng bộ. Tô Hoài thêm có cớ trị Thi.
- Nguyễn Đình Thi hối cải ngay từ kháng chiến. Sau khi đi bộ đội, Nguyễn Đình Thi viết  cái truyện thơ dài Mẹ con đồng chí Chanh. Một lần Tố Hữu đi ngựa, gặp mình, dừng lại đưa ra tập bản thảo và khen. Thi nó chịu cả tạo lắm. Tập bản thảo đầy những khuyên đỏ của Tố Hữu, nhất là những đoạn cải lương của Nguyễn Đình Thi thì càng khen. Tố Hữu nói thêm: Cậu xem có phải chữa thì chữa thêm rồi đưa xuống nhà in. Ai mà chữa nữa làm gì, ông ấy trị chết. Mình cứ thế đưa in.
Hồi 1956, có lần mình được anh em bầu đi họp ở trên. Mình có phát biểu thẳng : “Tôi cảm tưởng trước anh em văn nghệ thì anh Lành hay nói đến vị trí công tác của anh. Còn với giới chính trị, thì anh Lành lại tự nhận mình là người làm văn nghệ”
 Giờ nghỉ, mình thấy có người bá vai mình. Người đó là Tố Hữu. ông ấy bảo: “Lần này cậu nói thế là đúng. Có gì đặc biệt đâu.” Mình thấy sợ Tố Hữu là từ lúc ấy.
Trở lại chuyện những ông văn nghệ khác. Văn nghệ mình nó cũng như cái chợ. Có ai chịu ai đâu. Ông Nguyên Hồng đọc điếu văn ông Ngô Tất Tố. Nhưng đương thời ông Tố rất khinh Nguyên Hồng. Cái thằng ấy không chơi được, bần tiện lắm. Ngày hè có mẹ đàn bà đến bắt cua ở ruộng nhà lão ấy ở trên Yên Thế, lão cũng gọi người ta lên, bắt chia. Một thứ tô cua chứ còn gì nữa.
Hồi ấy chỉnh huấn ai cũng hăng lắm. ông Tuân tuyên bố từ bỏ Vang bóng một thời. Lần đến Hội văn nghệ, gặp ông ấy, khi Hội chia tay người em mới là Trung đoàn Thủ đô hay tiểu đoàn Lũng Vài gì đấy, mình mới bảo: “Có mỗi quyển sách hay nhất đời văn, ông lại chia tay còn ra cái lý gì nữa”. Về sau, Chính Hữu bảo mình, Nguyễn Tuân nó hỏi tao: Lê Đạt nó nói thế là có ý gì? Muốn khiêu khích hay sao?.
Tướng Tuân là tướng lạ. Thằng Hùng Văn bây giờ sang Mỹ từng bảo, nhìn kỹ tướng Tuân là tướng chó, nhưng là chó Nhật, chứ không phải chó mình. Chó Nhật chỉ sủa chứ không cắn.
Hồi trước, lão Tuân chim gái, nhưng lại thích gái cung phụng nên toàn gặp gái già.
- Xuân Diệu ghét mình lắm, có lẽ là vì mình chưa bao giờ thấy thơ Xuân Diệu là hay (thơ Huy Cận có lúc còn thấy hay).
Hồi Nhân văn, mình ở cùng tổ với Xuân Diệu, ông ta thắc mắc thế này mới dơ chứ:
- Tôi thì các đồng chí cũng biết đấy, khuyết điểm cũng vừa vừa thôi. Vậy mà đêm tôi còn trằn trọc không ngủ được. Thế mà Lê Đạt, với tội nặng như thế, vẫn ngủ như chết. Không biết đấu tranh tư tưởng là gì!
Tôi phải bảo lại với Xuân Diệu: ấy là do tôi đấu tranh tư tưởng căng thẳng quá, nên mệt lăn ra ngủ.
Nhàn: Nguyễn Đình Thi đóng vai trò thế nào trong vụ Nhân văn?
Lê Đạt: Theo mình hiểu, lúc ấy Tố Hữu không thể dựa vào Nguyễn Huy Tưởng nữa, vì Tưởng đã dao động rồi. Hoài Thanh cũng đã già và lũa đi rồi, cho nên mới gọi Nguyễn Đình Thi về (Sau hoà bình, có một thời gian được phân công đi với R. Carmen)
Mình còn nhớ cái lần ấy, Thi nó gặp mình ở chỗ Quán Sứ. Nó tâm sự: Lành nó bảo tao phải viết về mày mà tao ngán quá.
- Viết gì mày cứ viết. Tao thì tao chẳng sợ. Xưa nay ông Thận (ông Trường Chinh) vẫn bảo tao chỉ có cái dại mồm. Còn chả ai dám bảo tao là phản động mà sợ.
Rồi nói linh tinh vài chuyện. Thế mà ít ngày sau nó viết thành một bài đánh mình tàn tệ, mất dạy thế chứ.
Hồi Nhân văn ấy buồn cười lắm. Có lần ông Võ Hồng Cương báo cáo: Đồng chí Tám Danh (hay Lưu Trọng Lư ?) căm giận Lê Đạt, Trần Dần quá, đã mang đi một cây búa, bọn tôi phải bảo Lê Đạt nên thận trọng.

15/10
Đang có những vụ sau đây.
1 Vụ  Đường tăng (truyện mi-ni) bị giới Phật giáo phản đối, cho là xúc phạm tôn giáo (các văn bản ghi là phá hoại tình đoàn kết dân tộc).
2. Cũng vụ truyện Đường tăng, sở dĩ cấp trên ghét thế, vì bài Lê Ngọc Trà (tổng kết cuộc thi) chỉ rõ truyện có ý nghĩa tượng trưng khái quát. Và như vậy, có thể hiểu Đường tăng là nói về những người cách mạng. Ở trường Nguyễn Ái Quốc người ta còn bảo rõ rằng đây là viết về Cụ Hồ.
3. Vụ tranh luận về thơ Việt Nam hiện đại. Tôi và Hoàng Hưng bảo thơ ta bây giờ chỉ là thơ mới, đấy là nói về hình thức.
Nhiều người bảo rằng thơ sau 45 cũng đổi mới. Nhưng họ lại nói về nội dung. Họ chả hiểu gì về hình thức cả.
Chỉ sợ họ xoay qua chính trị bảo như thế là phủ nhận văn học cách mạng.
4. Vụ Phong Lê và Phạm Xuân Nguyên với văn học hai miền Nam Bắc trước 1975.
Phong Lê không nói rõ, nhưng có ý coi nhẹ văn học giải phóng, văn học Hà Nội trước 1975 .
Diệp Minh  Tuyền bẻ lại.
 Phạm Xuân Nguyên như một tiểu tướng dũng mãnh, cũng cho là thơ ta dừng lại sau Thơ mới, nhưng nói thêm: chỉ có thơ miền Nam là có cách tân. Nhất là tạp chí Sáng tạo. Cũng lại là một chuyện căng thẳng, và giải quyết đọc hay không là ở thời sự.
5. Vụ Nguyễn Huệ Chi và văn học người Việt ở hải ngoại.
 Nguyễn Huệ Chi mới viết một bài tên tạp chí Văn học số 1/1994 (?) về văn học Việt Nam ở hải ngoại.
Phía bên kia, Hợp Lưu khoái lắm. Do Huệ Chi in lại Việt Nam (Phật giáo sử luận) nên Nguyễn Lang (Thích  Nhất Hanh?) mời Huệ Chi sang Pháp. Bên này Uỷ ban KHXH cho phép. Nghe đâu Huệ Chi còn được Việt kiều cho máy vi tính, cho tiền, làm tờ Tin sách.
Nhưng sau khi đi Tây về, Huệ Chi bị giữ lại tất cả hành lý sách vở. Không được ra Tin sách nữa (trước đó, nghe nói đã có giấy phép). Chắc là còn bị làm lôi thôi.
Tôi nghĩ ông Huệ Chi này cũng chẳng đơn giản gì, cũng muốn kiếm ăn, muốn làm quà Việt kiều, như phần lớn chúng tôi vậy.
Tình hình mọi thứ vẫn là bi đát lắm. Phạm Thị Hoài kể rằng ở bên kia (Đức) cũng chẳng sống được. Dân Việt kiều cực đoan vẫn không bằng lòng với sự vừa phải của Hoài. Họ vẫn bảo đồng chí Phạm Thị Hoài, đồng chí Thuỵ Khuê cơ mà! Nghe nói có quyển kịch của Nguyễn Huy Thiệp, in xong, cũng chẳng đủ tiền lấy ra khỏi nhà in. Mà có nhiều nhặn gì, 1000 -1500 đô la. Nhưng Việt kiều không ai người ta cho.

 13/10
Nghe nói thường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư nghe báo cáo công việc Hội Nhà văn 5 năm qua.
Ông Hà Xuân Trường nhắc lại chuyện bầu cử . Ông Nguyễn Đình Thi chê công tác đối ngoại sao lại chỉ biết có Mỹ. Ông Anh Đức bảo rằng nay là lúc có những người cải hối như Trần Mạnh Hảo chẳng hạn. Ông Nguyễn Đức Bình đặc biệt phê phán đời sống văn học. “Trong những năm này có những tác phẩm không chỉ phủ nhận cách mạng, mà còn phủ nhận cả lịch sử dân tộc nữa.”

11/11
Báo Văn nghệ 29/10 , có bài của Vũ Duy Thông quá tệ, cho rằng tất cả những gì văn học Sài Gòn làm trước 1975 là vứt hết, chỉ có văn học của ta là văn học cách mạng.
Về chuẩn bị đại hội, theo ông ta, trách nhiệm bây giờ là của Ban chấp hành Hội. Phải có báo cáo về toàn bộ tình hình văn học thì mới đại hội được.

13/12
Các hội nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc, múa đều đã họp đại hội, nếu không đấu đá thì cũng không đủ sức tạo được cái gì gọi là cương lĩnh cả.
         Nghe nói bên Hội nhà văn, người ta nhận định tình hình:
- Có một dòng đổi mới chân chính đổi mới trên cơ sở sự lãnh dạo của Đảng.
- Ngược lại, là dòng đổi mới gắn với tự do tuyệt đối với quan niệm tư sản và bị nước ngoài lợi dụng.
- Ngoài ra là dòng văn học thương mại.
Một không khí sẵn sàng thiết quân luật đang bao trùm như một sự cảnh cáo.
Chiều 13/12, có tin ở bên  Pháp, Dương Thu Hương được tặng một thứ huân chương loại như Ngũ đẳng bội tinh về văn học nghệ thuật.
Nghe bên thông tấn xã nói lại trước đó, VN đã phản đối rất gay gắt. Đến mức ông Nguyễn Khánh, Phó thủ tướng, lúc qua Pháp họp cũng phản đối. Nguyễn Khánh bảo, toà lâu đài của tình hữu nghị Việt Pháp, mới xây xong, không nên đặt vào đấy một trái mìn.
Nhưng rồi mọi chuyện vẫn cứ xảy ra, ngoài cái điều người ta muốn.
 Nhà nước Việt Nam tức lắm . Ông Bộ trưởng văn hoá Trần Hoàn, ông Vũ Tú Nam đều đánh điện phản đối, Vũ Tú Nam bảo Dương Thu Hương không phải là nhà văn tiêu biểu của Việt Nam.
Nhiều mặt quan hệ văn hoá Việt Pháp bị đình trệ.

19/12
Họp đảng viên thuộc khối Hội nhà văn để chuẩn bị cho đại hội.
Ông Vũ Tú Nam nói rõ trên xác định hội ta là một thứ tổ chức chính trị, xã hội (điều này còn trên cả nghề nghiệp) và nêu những khía cạnh mà cấp trên chỉ đạo đại hội.
Ông Chính Hữu nói về Dương Thu Hương. Một mặt nói rằng huy chương này chả là cái gì -- hàng năm vài trăm người được. Mặt khác, lại bảo Pháp nó chơi sỏ mình, áp đặt mình theo kiểu thực dân. Nó có đọc các nhà văn Việt Nam đâu. Nó toàn làm chính trị cả, có một thằng tây lai xúi bậy, cho nên ở Hà Nội, nó mới biết đủ thứ nhà văn để mời.
Những ý kiến khác:
- Kêu la về vụ Nguyên Ngọc. Người mới đầu là Đào Vũ. Đào Vũ nói rằng bố trí một người không được tin cậy như thế làm trưởng ban sáng tác là không được.
- Kêu la về nhà cửa.
- Nguyễn Kiên vặn lại: Thế không có vấn đề tìm tòi của văn nghệ sĩ nữa ư mà không thấy nêu gì trong báo cáo cả.
- Nguyễn Đình Thi nói nhà văn phải góp phần bảo vệ văn hoá, nền văn hóa mình đang bị đe doạ -- tuy rằng tôi, Nguyễn Đình Thi, tin rằng sức sống của nó là không gì tàn phá nổi.
- Kim Lân cũng kêu tương tự. Kêu rằng làng xã bây giờ không ra làng xã nữa (ngày xưa tế lễ đâu có đàn bà). Rồi ông kể, con ông được nước ngoài mua tranh, mà không dám bán biết kêu thế nào bây giờ (chỉ sợ lại như Dương Thu Hương thì gay).
Ngày thứ hai (buổi sáng) mọi người nói hay hơn.
Bùi Bình Thi chê từ tạp chí Tác phẩm mới đến báo Văn nghệ. Tác phẩm mới chỉ đi hầu các tỉnh ăn mấy miếng cơm thừa.
Báo Văn nghệ đi theo đường mòn của báo chí từ những năm trước không có gì liên quan đến đời sống văn học và chỉ “hấp dẫn bởi những khiếm khuyết”, tin là gây ra nhiều cái buồn cười đến mức người ta phải chú ý.
Sau hết, mọi người nói với nhau về tiền bạc...
Tuy nhiên, hội nghị có hai ý kiến đáng chú ý như:
1. Đỗ Chu cho rằng các ông già nên về đi, trên dưới 70 cả rồi, còn cố làm gì nữa ra đại hội người ta có giữ lại thì cũng nên từ chối, chứ đừng đi vận động.
2.  Kim Lân nói rằng, ngay sự tự do sáng tạo ”vừa được mở ra” cũng phải bàn đấy, chứ chả biết chừng, tôi thấy dạo này, chả có gì đổi mới cả đâu, mà đâu lại đứng đấy.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم