VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1992{1}

 Ngày nay tôi không còn nghĩ như những điều tôi ghi từ gần ba chục năm trước. 
Và cũng như mọi người tôi đành bất lực không kiểm chứng được
 những sự kiện mà tôi đã đề cập tới. 
Nhưng  đến bây giờ tôi vẫn nhớ rằng khi ghi những dòng dưới đây, 
lòng tôi trong sáng  và chỉ viết ra để làm tài liệu cho mình 
chứ không hề nghĩ là có lúc sẽ được chia sẻ.
  Mong được các đồng nghiệp  và bạn đọc thân mến 
coi đây như những tài liệu tham khảo
16/1
Tại sao ông Thi công khai tỏ ý khó chịu với nhóm di sản Nguyễn Minh Châu và cuốn Nguyễn Minh Châu con người và tác phẩm. Bởi cứ cái gì liên quan tới tổ chức là ông gạt hết, ông chỉ muốn tất cả quy về một mối, trong Hội không thể có Ban nọ ban kia hình thành do người khác nghĩ ra và không trực thuộc Ban chấp hành Hội.
Bởi Hữu Thỉnh mới tập sự vào chân lãnh đạo không hiểu điều đó  nên hồi trước mới đăng thông báo của nhóm Nguyễn Minh Châu. Chúng tôi nghe Nguyên Ngọc nói là loại như Vũ Tú Nam cũng không thích thú gì, chẳng qua  sách đã in phải chịu.
Sáng 10/1 tôi đến gặp Thỉnh, nói rằng ông không có gì phải hối hận trong việc này cả, những kẻ xỉ vả ông, là những kẻ không nghe được những điều tử tế là chứ đừng nói làm điều tử tế, những kẻ đó không đáng là một nhà văn - dù đó là những người tôi với ông đã phải học, từ lúc học lớp vỡ lòng.

24/1
Giỗ Nguyễn Minh Châu 20-1, mộ đã được khánh thành, hôm 15/1. Tôi nói với mấy người.
- Hồn ông Châu có hiện về chắc cũng bằng  lòng lắm rồi.
Ai đó nói tới Nguyễn Khải, tôi nhắn Hoàng Lại Giang. Ông về kể lại ngày hôm nay cho ông Khải nghe, chắc lão Khải sẽ bảo rằng đời tôi (Nguyễn Khải) cũng chỉ mong được có thế. Nhưng ông nên nói thêm là ông Châu khổ, anh em còn thương. Nguyễn Khải có khổ, anh em không thương đâu.
Lâm râu ở Sài gòn ra kể ông Khải bây giờ dở ông dở thằng, chả ra bảo thủ, chả ra cấp tiến nên khó chơi lắm.
Nhưng biết đâu, trên con đường hẹp này, Nguyễn Khải sẽ đến với chúa. Bởi sẽ viết được.

 28/1
Xem trên ti vi bộ phim Sắc vàng về Dương Bích Liên. Lại thấy nao lòng vì những gì gọi là vẻ đẹp trong cuộc đời, cái đẹp chỉ có trong thiên nhiên và trong sự đơn độc của con người. Tự nhiên muốn thức thật khuya. Muốn đọc thêm  được nhiều sách quý. Thấy yêu thơ - mấy câu thơ của Ý Nhi hay quá! Và thấy yêu cả cái cô gái áo trắng đi về trong phim không nói gì mà quán xuyến suốt cả phim, như một biểu tượng cao vời không bao giờ tới được. Đời tôi buồn quá, chả yêu được ai, chả có ai mà say đắm, những lúc đơn độc chỉ là những lúc tẻ nhạt, thỉnh thoảng có nói vài câu, là nói vài câu cay chua, khinh bạc, đọc chả bằng ai, viết chả bằng ai.
Chả ai làm lại được đời mình, song vẫn cứ thấy tiếc đời, thấy mình bỏ qua không tận hưởng nhiều niềm vui thuần khiết mà mình có quyền được hưởng.

9/2
Ngày xuân, gặp Nguyễn Đăng Mạnh ở đường, báo với ông ấy rằng quyển Nguyễn Tuân con người và văn nghiệp in ra không có bài của ông, thế là ông chửi ầm lên, chửi Ngọc Trai là đặt người ta rồi không in, như thế là mất dạy, không chơi được, còn nhà xuất bản - "mà ông biên tập chứ ai" - cũng không chơi được, từ nay tôi sẽ tuyệt giao với các vị. Tôi cũng còn giữ được bình tĩnh, xin lỗi, nói rằng hôm nào anh không giận nữa, bọn tôi sẽ nói lại, chứ bây giờ làm một quyển sách vất vả lắm, chúng tôi cũng không giữ được chủ động gì hết. Rồi tôi lảng ngay sang chuyện khác.
Nhưng trở về nhà, tôi cũng hơi buồn. Dĩ nhiên là trong việc này, tôi trên danh nghĩa có lỗi nhưng quả thật, hôm bàn nháo nhào thế nào đó, bỏ ông Mạnh ra, như đã bỏ bao bài khác, bỏ cả bài chân dung tôi viết đăng trên Sông Hương, rồi sau đó, bảo là cần một bài nào ngăn ngắn thì tôi đưa bài 1000 chữ vào, thế thôi, chứ không có nghĩ sâu xa gì.
Ông Mạnh bảo, bao nhiêu bài in vào đấy cũng chẳng ra gì, mình đồng ý như cậu nói thị trường bây giờ, có ai cần gì đâu. Nhưng dẫu sao, trong đầu óc của Mạnh, tôi đọc được cái ý nghĩ "không có bài của tôi là không xong", "tôi là nhất, mỗi khi có việc về Nguyễn Tuân". Hình như thày Mạnh của tôi có cái chất độc tôn đó. Lại nhớ nhận xét của Ân, ông Mạnh lúc phê Vũ Trọng Phụng cũng ác lắm, thâm lắm, mà lúc khen  Hồ Chí Minh, khen Tỗ Hữu thì cũng thành tâm lắm.

15/2
 Tết, nhớ những trang hồi ký của các nhà văn, gặp nhau chúc tụng nhau. Tôi chưa biết đến cái đó. Tôi chỉ có những cái tết loanh quanh với vợ con, rồi chạy quanh lo chúc tết họ hàng. Quả thật tôi chưa hề có một cái tết với tư cách nhà văn. Cuộc sống nhà văn nếu có ở tôi, chỉ là trong tâm tưởng.
Chợt đọc lại hai ý nghĩ về Tchekhov - Con người trong truyện Tchekhov cũng dịu dàng, cũng nhạy cảm, nhưng thường khi, chính lúc họ tha thiết lo đời, thì bị đời ruồng bỏ.
Và một nhận xét khác, mặc dù Tchekhov viết ngắn, nhưng nghĩ đến ông, luôn luôn thấy một cái gì chín đầy, như buổi chiều vàng, như đêm đông muộn.

13/3
Hôm nay báo chí đưa tin ông Hà Minh Tuân chết, tôi không biết và không quen, nên có biết cũng không đi. Quả thật, đó chỉ là người bị tai nạn trong văn học. Còn truyện của ông nào có ra gì. Từ lâu tôi đã cảm thấy chán. Cho đến lúc chết, ông ta lại bị ông Ngữ đến dây bàn tay nhếch nhác của mình vào. Tôi nghĩ rằng linh hồn của Hà Minh Tuân cũng không có gì đáng phải ân hận.
Quân kể - và tôi nghe có sai không? - ở trường Đại học Mỹ thuật, triển lãm mùa xuân mời mấy trăm khách, chỉ lèo tèo ít người tới dự. Trong văn học hiện tượng chưa đến nỗi tang thương quá, các thứ Hội Nhà văn còn là nơi người ta phải nghe, phải chờ. Nhưng thực chất là như thế nào.  Lê Sơn kể phóng viên một tờ báo nước ngoài qua đây, mình giới thiệu cho gặp một nhà văn hoá trẻ. Bộ Ngoại giao giới thiệu Phạm Tiến Duật và nhà báo kia thất vọng quá. Duật nói toàn chuyện lăng nhăng, nào là đại chiến thế giới thứ nhất, Napoléon đã đánh nhau với Cutudốp ra sao. Dĩ nhiên là nữ phóng viên kia coi rằng văn hoá Việt Nam chỉ có vậy.

21/3
 Ngọc Trai kể họp Ban chấp hành, Nguyên Ngọc tự hào lắm, từ sau giải thưởng (tặng Bảo Ninh) người ta (tức là anh em) mới thấy tin Hội. 
Ông Xuân Cang báo cáo là Ban Kiểm tra của Hội cũng đã có động tác bênh hội viên - đâu có gửi thư đến Bộ Công an nói rằng thời gian tạm giam Dương Thu Hương đã hết.
Hoặc Ban chấp hành cũng đã tìm cách phản ánh với Quang Phòng, bởi Quang Phòng đi đâu cũng chỉ nói yếu kém của văn nghệ sĩ.
Sau tết, Hội bàn về Tác phẩm mới, báo Văn nghệ.  Mọi người chê tạp chí của bà Ngọc Tú lắm, cho là loại Tùng Điển, Trác… không làm tạp chí được.
Ngọc Tú kêu không có tiền, ông Hữu Mai bảo tiền 100 triệu cũng có miễn là phải hay.
Thỉnh thì lúc nào cũng nhăn nhó, giờ lại thêm nhăn nhó vì biên chế, loại như Thiếu Mai 30 tết còn đến nhà khóc lóc, thực không biết làm thế nào cả.
Tôi hỏi Trác tạp chí có in được 3.000 không, Trác tròn xoe mắt, lấy đâu ra 3.000 bây giờ. Ông Hữu Vinh ở TTVH bảo mấy  số này  thật là nhạt hẳn rồi, tạp chí làm sao sống nổi.

Sau vụ Nguyễn Minh Châu con người và tác phẩm gần đây, bà Ngọc Trai thích lập nhóm Bảo trợ di sản Nguyễn Tuân lắm. Ông Ngọc hứa là sẽ đặt vấn đề này ra trước toàn Ban chấp hành. Phải chấp nhận sự tồn tại của các nhóm, Nguyên Ngọc  nói vậy.

Nghe nói ông Đỗ Mười lại tổ chức gặp, trò chuyện với văn nghệ  sĩ. Trong số 20 người ở chung các ngành, Hội Nhà văn được 4 người, ông Nam chọn như sau: Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Ngô Văn Phú, và một người không đảng viên, lại phụ nữ. Đó là Nguyễn Thị Như Trang. Trước khi lên gặp, tổ chức chỉ dặn là không được xin xỏ trên (Anh Ngọc có lần tổng kết bọn đầu lĩnh văn nghệ gặp đầu lĩnh chính trị, chỉ đấu tố và xin xỏ).
Ở trong tù, Hương còn đọc được bài báo của Ngọc Tú. Ngọc Tú hướng về Đảng mà nói rằng loại người như Hương bị bắt rồi, nhưng loại người như Tú, có công trong việc tố cáo đấu tranh, thì chưa được thưởng công thích đáng.

Đầu năm thân 1992, Cửa Việt có đăng bài Phùng Quán kể chuyện lên gặp Tố Hữu, bây giờ khung cảnh tiêu điều ra sao.
Bọn đầu gấu cơ hội, gửi thư về Ban tư tưởng văn hoá, tố cáo. Nhưng lão Thái Ninh lờ đi, cho rằng chả được việc gì cả. Thời buổi này lãnh đạo cũng không muốn bày thêm ra việc.
 Báo Văn nghệ số có đăng Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp, đắt hàng  vô kể, có ki ốt bán được 200 số một buổi sáng.
Một cậu nào đó bảo Nguyễn Phan Hách là ông Phạm Văn Đồng ghét quyển của Báo Ninh lắm. Tuy chỉ nghe đọc thôi, nhưng ông đã không chịu được rồi. Tôi nghĩ, vâng, xin mời ông cứ lên án, và chửi bới, cứ đăng báo ý kiến chửi bới của ông nữa, chỉ sợ cũng chả có một kết quả gì hết.  Bây giờ có ai làm đúng ý các vị đâu!

Tin báo Văn nghệ 10/3. Ban Sơ khảo giải thưởng văn học đã họp phiên đầu tiên, để xét tác phẩm 91. Dự định, đến tháng 5, làm việc xong, trình Ban Chung khảo.
Đầu tháng 4, in xong tập Con gái thuỷ thần của Nguyễn Huy Thiệp.
Ân kể, bọn công an văn hoá làm khổ Thiệp rất nhiều về chuyện này. Có lần, chúng giữ một tốp khách mua hàng lại:
- Đề nghị các anh hãy nói cách hiểu riêng của các anh về Sang sông.
In được sách, NXB cảm thấy làm được một cái gì lớn hơn giải thưởng nữa.

15/4
 Nghe một cô bên Bộ Ngoại giao nói, người nước ngoài sang, vẫn không sao gặp được Dương Thu Hương, lại còn có tin rằng cô ấy dạo này "đồng tính luyến ái". Bà chủ tịch Pen Club bảo cho chúng tôi gặp thôi thì nó là khác, mà không cho gặp, trở về chúng tôi chỉ nói một câu không được gặp Dương Thu Hương, thế là người ta biết nhân quyền của các anh như thế nào rồi.
Cô Hoa, bên Hội nhà văn kể:
- Chỉ có mỗi một lần, Hội "tự ý” cho gặp Dương Thu Hương. Thế là công an nó vặn vẹo mãi.
- Người nước ngoài nó thích gặp ông Sáng hơn, vì có gì ông nói toẹt ra. Còn ông Nam, ông Chính Hữu, không nói gì, cứ ỳ ra, là nó ngại nhất. Nó cảm thấy đây không phải là những chủ thể trò chuyện, mà anh sợ, anh chỉ là hình nhân, nên rất chán.

Sáng 15/4, cơ quan Hội Nhà văn họp, đây là một trong mấy buổi Hội gặp mặt các hội viên để bàn về công tác Hội. Mà việc mang ra  bàn, chỉ toàn việc vặt, ví như có nên làm kỷ yếu không, đưa ai vào đấy bây giờ.
Hoặc là nên làm cái tạp chí Tác phẩm mới ra sao bây giờ.
Nghe nói là tại cuộc họp Ban chấp hành, ông Khải bảo phải bố trí người nào sống chết với tạp chí cơ, thì người ta mới chịu làm, Nguyễn Quang Sáng nói vào mặt Ngọc Tú là em không làm được đâu em nên thôi đi,  Vũ Tú Nam cũng bảo ngay từ đầu, tôi đã nghĩ người làm tổng biên tập thay mình  mà nghĩ chưa ra.
Ở cuộc họp này Đỗ Chu cũng lui xa xa. Đỗ Chu bảo rằng như thế là anh Nam, cô Tú không hoàn thành nhiệm vụ. Phải thay đổi đi. Không gia đình chủ nghĩa với nhau được. Nhân ông Nam có truyện ngắn mang tên Ông Tròn ông Vuông, Chu láy luôn anh Nam phải mạnh dạn mà làm, chứ không lấy vuông làm tròn. Rồi Chu ví Tú như người vợ vụng ở nhà, đi buôn thì lỗ vốn,  con nuôi không ra sao, thì ai mà thương được. Chu bảo tạp chí có khá, tôi còn gửi bài đến, chứ cứ thế này, tôi gửi làm gì. Phải thay đổi đi. Nếu không cử được thì mang ra mà đấu thầu, chứ để thế này thì mang tiếng cả Hội. Chu, với lối rỉa róc của mình, nói liền 15 phút đồng hồ. Mẹ Tú ngồi im không nói gì. Lịch sử tạo ra một ông Nam lì lợm, lại tạo ra được một Ngọc Tú tự tin không kém, không rõ rồi bọn họ xoay xoả thế nào. Đã nhiều lần, tôi đùa đùa bảo với mọi người.
- Từ ông Thi, qua bà Tú đến giờ, cái tạp chí ấy như ngôi nhà có ma rồi, bây giờ, người nào động vào, thì chỉ có chết.

29/4
 Bà Mộng Sơn chết. Một cuộc đời tiền chiến nữa, tắt lụi. Một cái đuôi của tiền chiến, nếu có thể nói như vậy.
Sử kể rằng vừa rồi, gặp Nguyên Ngọc. Sử thấy rất chán, ông này không phải nhà văn, ông ấy chỉ mải theo những tư tưởng công danh nào đó. Tôi nghe, không biết nói thế nào, không hiểu đó là những ấn tượng đã hằn lên mấy năm nay hay chẳng qua chỉ là những ý nghĩ bất chợt trong đầu Sử, rồi Sử sẽ nghĩ khác.
Sử cũng nói với mấy ông BCH về phê bình: Phê bình không làm được việc, không phải tại nó, mà tại các anh, chính các anh tiêu diệt nó.
Sau cuộc thi về truyện ngắn, cả Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Kiên, Bùi Bình Thi đều kêu về truyện được giải nhất.
Hách: Truyện này tư tưởng rất cũ.
Kiên: Nó gợi cho mình nghĩ, vậy thì phải lật tung tất cả đi làm lại.
Bùi Bình Thi: Truyện kích động bạo lực, bây giờ muốn làm ăn với thế giới, mà viết kiểu này thì trụ sao được.
Tôi nghĩ cả tập truyện mới được in và thấy một cái gì như là thời của bản năng:
- Ánh trăng, một thứ bản năng mềm mại, người ta sợ sệt, ngần ngại chấp nhận nó. Người ta ngơ ngẩn một cách hồn nhiên và sung sưóng hồn nhiên.
- Kẻ sát nhân lương thiện bản năng thô bạo, ca ngợi chém giết, giải quyết tất cả bằng súng ống.
Hạnh: Bản năng sống hưởng thụ của cô em, của cậu em trai. Nhân vật chính tự trọng chỉ còn có cách tự tử.
Quà của toạ hoá: một xu hướng muông muội. Bản năng chi phối mọi con đực và con cái.
Nhân sứ: Cái nhạt nhất là cái có chất người nhất. Đời chỉ toàn chuyện vặt.
Những thắc mắc vớ vẩn.
Vũ điệu của cái bô  Cái phàm tục hoành hành, vênh váo, kẻ tử tế khép nép.
Chị Thìn như Dì Hảo của Nam Cao, hoặc một truyện ngắn nào đó của Thạch Lam, một ít cố gắng cứng cỏi của con người nhằm chống lại sự xô đẩy của hoàn cảnh, nhưng nói chung, đó vẫn là một cái gì thảm hại.
Tóm lại, cả tập có cái được là đi sát đời sống hôm nay, và cho người ta thấy đời sống đó  bản năng ra sao, tầm phào ra sao. Trong đời sống đầy bóng tối đó, những dục vọng ngấm ngầm chi phối, đôi lúc nó gào lên thèm muốn, còn nói chung là yên lặng, u ám.
Vì thỉnh thoảng, một phát súng hờn oán, uất ức nổ tung nhưng như một cú cướp cò, không giải quyết được việc gì cả.
Tất cả có cái lý của mình.
Người viết văn không biết cái  lý ấy, họ chỉ thấy có một cái gì đau xót, ghê sợ, nhưng họ không hiểu. Nói mà không sợ quá lời, thì có thể bảo, họ như những kẻ đi bới rác. Họ giống như ngày hôm nay trong khi đáng ra, phải có phần vượt ra khỏi ngày hôm nay.
      Khi tôi nói điều đó với Hữu Vinh thì Hữu Vinh bảo rằng hồi còn sống Hồ Dzếnh cũng có lần bảo vậy.

12/5
Tin ồn nhất vào những ngày này, là vụ NXB Văn học của Lữ Huy Nguyên cho in Chân dung nhà văn. Ai  đó ở Hội Nhà văn nói, lão Sách viết đã là chuyện dở, NXB Văn học láo như con gà bới ra mới thật khốn nạn, bắn tung lên hết mọi người.
Xuân Thiều nói rằng các con ông ta đọc và muốn nọc Xuân Sách ra mà đánh. Còn vợ ông ta thì khóc rưng rức.
Mình nghĩ trong việc này có một chút gì như là không bình thường. Một cú lừa của thế kỷ thì mới đùa nổi như vậy.

15/5
 Có tin Xuân Thiều khởi đầu một nhóm nhà văn quân đội làm đơn kiện Xuân Sách và NXB Văn học về việc đã in Chân dung nhà văn (Ngọc Tú cũng đứng riêng ra một đơn, để kiện như vậy). Ông Thiều đến rủ Nguyễn Kiên, ông phải ký vào chứ, thế này là nó chửi cả làng rồi còn gì, Nguyễn Kiên chỉ ậm ừ không quên nói rằng cho tôi xem đã rồi tôi ký.
Ân nghe Hà Minh Đức kể, Huy Cận không có gì là cáu trước chân dung được phác ra trong Chân dung nhà văn.
Nhưng có tin trong buổi họp của Bộ Văn hoá, Huy Cận và Xuân Thiều  cả hai người phê phán điên cuồng nhất. Ai đó kể Hà Xuân Truờng đòi cách chức giám đốc NXB Văn học của Lữ Huy Nguyên.
Có tin có thay đổi nhân sự ở Ban tư tưởng và văn hoá. Ông Hà Đăng ở báo Nhân Dân về làm trưởng ban. Người ta đang muốn kéo Hữu Mai lên làm phó ban.
Đáng chú ý nhất là ông Tố Hữu được mời  làm cố vấn cho Ban tư tưởng văn hoá này. Cả một ê kíp cùng với Tố Hữu trở lại. Hà Xuân Trường đến vận động Tô Hoài cùng tham gia nhóm này. Tô Hoài không nhận. Còn Nguyễn Đình Thi thì tích cực từ đầu. Nguyễn Đình Thi đi đâu cũng nói là phải có những người như ông ấy mới hiểu được tình hình mấy chục năm liền, mới có cái nhìn bao quát.
(Nguyễn Kiên kể là ông Thi nói với ông: Hồi Thi đi  chiến dịch trung du, Hoài Thanh còn phải gửi một lá thư nói rằng phải chuẩn bị về mà kiểm điểm những tư tưởng tiểu tư sản của mình. Tóm lại, không nên thần thánh hoá Hoài Thanh, như hiện nay, người ta vẫn làm).
 Giao ban ở bên Đảng uỷ, ông Hữu Mai kể lại với Ngô Văn Phú rằng Nguyễn Đình Thi nói báo chí sao  dạo này lung tung quá. Toàn đi nhặt của thừa của tư bản. Phải trở về với dân tộc mới được.
Ông Tố Hữu thì bảo Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp độc lắm, chứ không phải vừa đâu.

7/6
Mai Ngữ gửi một lá thư đến NXB Văn học, nói rằng việc xuất bản cuốn Chân dung văn học là một việc làm bôi nhọ các nhà văn và chỉ có ích cho kẻ thù của chúng ta. Một kẻ đã bám đuôi vợ con như Xuân Sách thì không ai là gì, cái lạ là NXB nghiêm chỉnh như nhà Văn học lại làm cái việc khốn nạn đó, tại sao những người làm xuất bản thiếu một khả năng tối thiểu là khả năng phân biệt một bông hoa với một bãi phân như vậy.
Lá thư của Mai Ngữ được nhiều người cho photocopy truyền tay nhau đọc.
Lá thư phản đối do Xuân Thiều thảo ra, đã có tới khoảng 40 người ký trong đó có nhiều người không bị chế giễu, vẫn phản đối.
Ông Nguyễn Khải lại có mặt. Đâu Xuân Thiều gửi thư vào Sài gòn, kêu gọi Khải thông cảm (vợ Thiều đau đớn, khóc rưng rức) Khải viết thư ra, nói rằng nói như Sách là bông đùa, không thể in thành sách. Rằng một người như Chế Lan Viên là người có đóng góp cho sự nghiệp chung, không thể khái quát thế được. Rằng chúng tôi phải cám ơn các bà vợ, chính nhờ các bà chúng tôi mới nên người. Nghe đâu, Thỉnh đã giữ lấy bài  báo đó, chờ có dịp đăng.
Có tin là ngày thứ tư 3/6 Ban chấp hành đã họp, bàn riêng về quyển sách đó. Trong buổi họp, mọi người lên án dữ lắm, giao cho Nguyên Ngọc viết bài phê phán và ký tên báo Văn nghệ chứ không ký tên Hội nhà văn.
Đài BBC cũng đã đưa về Xuân Sách: chỉ những người chống đối mới được khen. Như thế là đã lột tả được tinh thần của Xuân Sách rồi còn gì.

Tạp chí Văn ở Sài Gòn, tiếp tục có bài phê phán Thân phận tình yêu, đại ý nói rằng không thể đặt vấn đề miêu tả sự tàn bạo của chiến tranh, hoặc khi miêu tả, phải tuỳ đối tượng mà tìm thủ pháp miêu tả (ta phải khác địch…)
Năm tháng sau khi được giải thưởng Hội Nhà văn, sách của Lê Ngọc Trà chính thức bị gọi là sặc mùi Gorbachov.
Cuốn sách có thêm các bài phê bình, in trên Văn nghệ quân đội 4/92 (của Sử) và nhất là trên Văn nghệ.
Theo tôi, sở dĩ những bài của Trà nổi tiếng vì đã đáp ứng đúng nhu cầu trong đời sống tinh thần lúc ấy, là muốn thay đổi. Trà đã chạm vào những vấn đề quan trọng. Không khí lúc ấy nó cuốn đi, không ai nói ngược lại.
Bây giờ nhìn ra thì Trà có thiếu xót:
- Phái bảo thủ tất nhiên thấy Trà đi quá xa rồi.
- Nhưng theo tôi, thật ra Trà vẫn chỉ là một thứ Mác -Lê nin phải chăng, đâu đã sang hẳn được một cái gì khác.
Trà viết trong sự đối thoại với những người chung quanh, chưa phải một thứ đối thoại lớn, với các tư tưởng văn học.
Báo Văn nghệ làm ầm lên về giải thưởng mời nhiều người phát biểu ý kiến về giải, trong đó có Phong Lê. 1-2 số Văn nghệ gần đây, lại rộ lên những bài lôi những cái hớ của Phong Lê ra để trị.
Đại khái, trị thế cũng đúng thôi, Phong Lê vốn người cứng,  giờ đây có rất nhiều ý muốn thay đổi, nhưng nhiều cái lúng túng, chập choạng, việc gói hàng lậu cố nhiên không bằng những anh em khác, vốn hư sẵn, và lúc nào cũng nem nép là người có tội. Phong Lê, viết các câu cú dính vào nhau, các ý nhiều khi gượng,chới với, mà lại đuối, hụt.
Tôi nghĩ thêm về tập thơ Xuân Sách - dẫu sao, hồi ấy, giới văn nghệ chỉ mới hiện ra hèn, tham, dốt, giá viết bây giờ thì Xuân Sách và những người như Xuân Sách, sẽ còn nói nhiều về tệ quan liêu, đúng hơn, về sự biến chất của hàng loạt nhà văn. Lấy một ví dụ, xưa nay những Nguyễn Khải- Hồ Phương vẫn có cấp chức đấy chứ. Nhưng trong khi bàn về văn chương của họ có ai nói tới cái cấp chức đó. Bây giờ thì lúc nào cũng đại tá, nhà văn, trung tá nhà văn, khốn khổ.
Hội Nhà văn tiến tới kỷ niệm 35 năm của mình trong cái thế kẹt không làm sao bịt cái chuyện Xuân Sách này được.
Về Vũ Tú Nam, đó là một thứ chủ nghĩa bảo thủ dịu dàng.Trước kia loại quan chức như Nguyễn Đình Thi còn cần ra vẻ nghệ sĩ, còn có lúc thế này thế khác. Nay loại như Vũ Tú Nam không cần uy tín chuyên môn, cần sự làm dáng gì hết, không cần xấu hổ mà  cũng không có tìm tòi gì trong văn học....Với Vũ Tú Nam, trên thích tôi dưới bầu tôi, thế là được rồi.
Về việc chung, cái quan niệm mỹ học sau đây chi phối Vũ Tú Nam: sự giản dị làm nên chất lượng. Cái đó cứ coi như là đúng (tuy chưa đủ, nên nhớ, cái giản dị là cái khó đạt nhất), thì chỗ chết của Vũ Tú Nam là coi sự nhạt nhẽo của mình chính là sự giản dị. Kỳ vậy! Mà ông tin lắm, tin ở khẩu vị của mình, cũng lại là không bao giờ tin rằng mình lại nhạt nhẽo cả!
Một điều mà Vũ Tú Nam cũng không tin, ông cho rằng ông không thể ác, ông là cán bộ, ông đi với cách mạng lâu năm, ông không có bụng dạ  nào, không có cánh vế với ai, bởi vậy không thể ác được. Với sự lương thiện bẩm sinh ấy, ông viết thư lên án Sông Hương, buộc Sông Hương phải chết.
 Trong đời sống, hiện đang có một sự trống vắng không thể bù đắp. Các Hội văn học mang nặng tính chất quan liêu. Hội  viên thì viên chức hoá, cơ quan hội chỉ còn là chỗ ăn nói cho một số người, và vì quyền lợi của thiểu số đó.
Vũ Hạnh đã công khai nói như vậy, trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, số 5,6 /92. Ông ta cho rằng, đó là lý do khiến ông ta muốn ra khỏi Hội Nhà văn.

15/7
Ngày kỷ niệm thành lập Hội. Buổi mít tinh làm vào sáng 3/7 một buổi sáng rất nóng.
Bài phát biểu của ông Nam tẻ nhạt. Chỉ có 2 ý nổi là đe doạ anh em văn nghệ đừng làm bậy, và xin trên rằng phải bao cấp.
Ông Đào Vũ làm công việc giới thiệu rất lúng túng. Và có nhiều câu nhịu nguy hiểm nữa. Lúc đưa các lẵng hoa lên chúc mừng, thì lại gọi ra vòng hoa. Xin giới thiệu có thêm vòng hoa. Tất cả xuýt xoa, sợ hãi, như nghe phải một lời chửi rủa tai ác.
Lúc bọn tôi đã bỏ ra ngoài, nghe nói còn có bà Anh Thơ lên đọc thơ, trong đó thơ văn nghệ xóm mang nặng tính cách ứng khẩu, mà câu cuối cùng là Đảng đã đưa văn nghệ đến con đường cùng. Cũng là một thứ nhịu tai hại nữa.
Dẫu sao, không có đám đánh nhau cãi nhau nào vẫn còn là may.
Cũng ngày 15/5, báo Văn nghệ họp cộng tác viên lý luận phê bình. Điều tôi đề nghị hơn hai năm nay, bây giờ họ mới dám làm. Thỉnh kể là phải xin ý kiến của Ban chấp hành về việc này. Và tự bảo hôm nào họp xong mới yên tâm.
Nhưng nào họp có vấn đề gì. Chỉ toàn bàn về thái độ với nhau, thái độ đối với các ý kiến khác nhau, lý luận ở nước ngoài, với sự thay đổi và giữ nguyên v.v..
Nhiều người tỏ ý bất bình vì bài của Mai Quốc Liên đánh Phong Lê. Phong Lê nói một câu quan trọng rằng nên xem xem có phải chính ở đất Hội nhà văn này, anh em ta lại rằng buộc nhau hơn hết.


Ý kiến phát biểu trong buổi họp cộng tác viên lý luận phê bình  ở báo Văn Nghệ 15/7/92
Tôi chỉ xin có một ý kiến ngắn.
Điều kiện tiên quyết để có sự cộng tác giữa một người viết và một tờ báo, là cả hai bên có sự tin cậy lẫn nhau.
Sở dĩ tôi, một người viết phê bình trong khoảng 24 năm, từ 1965 đến 1988 năm nào cũng có bài in trên Văn nghệ, ba năm nay lại không dám tính chuyện gửi bài tới báo lý do chỉ vì bản thân cảm thấy thiếu sự tin cậy cần thiết đó. Hình như báo có phần ngần ngại trước bài viết của chúng tôi. Mà ngay đầu chúng tôi cũng luôn luôn lởn vởn cái ý nghĩ là chưa chắc những điều tâm huyết của mình sẽ cần cho báo.
Tôi đây, có viết được bài gì gọi là tàm tạm đọc được, chúng tôi vẫn rất tha thiết đưa đăng trên tờ báo của Hội, nếu như... nếu như bằng những  cố gắng của cả hai bên, sự tin cậy xưa được xác lập trở lại.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم